Ngày ấy, đã lâu lắm rồi, không ai còn nhớ bà Hoài đến đây lập nghiệp từ năm nào, nếu như có ai hỏi bà thì chắc bà cũng đã quên. Người già chỉ còn nhớ mang máng là vào một sáng chớm đông có hai cha con, một người đàn ông bị thọt chân và một bé gái chừng chín mười tuổi chèo chiếc ghe tam bản theo con nước lớn vào xóm Vàm Đinh. Không hiểu sao hai cha con lại dừng ghe trước miếu bà Chúa Xứ, một ngôi miếu hoang đã nhiều năm không ai hương khói, còn tượng bà thì bị lũ trẻ chăn trâu xô ngã xuống đất, cách miếu non ngàn thước mới có xóm nhà. Việc đầu tiên của họ là đỡ tượng bà lên bục, tiếp đến là tắm rửa cho bà, rồi quét mạng nhện, chất lại mấy viên gạch ngổn ngang. Song, người cha đốt nhang khấn vái: “Lạy bà! Nếu cha con tôi dựng chòi ở bến sông làm ăn mà không bị bà quở thì hằng ngày có gì ăn sẽ cúng nấy và hằng đêm lo nhang khói cho bà!”. Chẳng biết bà có chấp nhận hay không mà ngay đêm đó ông khiêng cái mui ghe lên bờ làm chòi, con gái ông thì dọn một chỗ trống làm bếp nấu ăn. Nó xắn bập bè, vạt đuôi cho nhọn cắm xuống đất làm vách chắn gió. Rồi nó lên miếu xin bà sáu viên gạch, cũng không biết bà cho hay không nhưng nó vẫn lấy xếp thành ba ông táo, mỗi ông hai viên chồng lên nhau để làm lò. Khi thấy chưa cao, nó khóet một lỗ đất khá sâu cho dễ đẩy củi vào. Nó bày ra một cái mẽ kho bằng đất sứt quai và lấy cái nồi nhôm đen như hắc ín, lại bị móp méo hai ba lỗ vo gạo, nhóm lửa. Sau bữa cơm - với mấy khứa cá kho và một đĩa rau trại đã hái sẵn - cha con nó trổ tài đan lát. Ngần ấy tuổi đầu nhưng nó vót nan nhanh nhẹn và thuần thục. Còn người cha thì thoăn thoắt đan rổ đan xịa.
Sáng lại, hai cha con chèo ghe ra chợ bán những thứ đan được, rồi mua gạo, mua khoai, dầu lửa, nước mắm, tan chợ lại chèo về “cái chòi mui ghe” ở miếu bà Chúa Xứ. Qua mấy ngày hai cha con bình an vô sự. Người cha giữ đúng lời đã khấn khi mới đến. Đột nhiên năm ấy dân xóm Vàm Đinh trúng mùa lớn. Có người bảo, chính nhờ họ dựng lại tượng bà, cúng kiếng và lo nhang khói hàng đêm nên bà mới phù hộ cho mưa thuận gió hòa. Vậy là người ta bèn quyên góp tiền, gạo cho hai cha con làm chủ trùng tu lại miếu bà. Ngày “khánh thành” miếu ông công bố số tiền còn dôi ra chút ít và xin được trả lại cho dân làng, nhưng dân làng không nhận. Họ cho ông mua cây lá cất chòi ngay bên miếu để tiếp tục việc cúng kiếng và lo nhang khói cho bà. Từ ấy, người cha chính thức trở thành ông Từ.
Thắm thoát mười bảy năm trôi qua, con gái ông Từ đã trở thành một thiếu nữ đẹp nhất vùng lúc nào mà cô cũng không hề hay biết. Và không biết số kiếp, duyên mệnh cô ra sao mà đúng vào năm đó bà Cả - vợ của một địa chủ giàu có nhất vùng - lại có nhã hứng đến viếng bà vào ngày rằm tháng bảy âm lịch, ngày xá tội vong nhân. Ông bà Cả chỉ có độc nhất một cậu con trai, dù bản tính phong lưu nhưng ông bà Cả cũng rất mực cưng chiều. Hôm ấy, cậu đòi đi theo mẹ viếng bà. Dĩ nhiên bà Cả không từ chối nguyện vọng “hướng thiện” của con. Theo lệ thường, cô con gái của ông Từ đứng bên bệ thờ đốt nhang đưa cho những ai vào hành lễ. Bà Cả nhận nhang xong, khấn vái một lúc, khi quay ra thì bà thấy cậu quí tử vẫn còn cầm ba cây nhang trên tay, mắt đăm đăm nhìn con gái ông Từ như bị thôi miên. “Em tên gì?”. Con gái ông Từ đáp: “Dạ, em tên Hoài!”. Bà Cả liền chộp lấy ba cây nhang trên tay cậu quí tử, cắm vội vào lư hương rồi nắm tay cậu ta lôi như bị ma đuổi. Cậu không cưỡng lại nhưng khi về đến nhà thì cậu tuyên bố chắc như đinh đóng cột: “Tôi phải cưới cô Hoài thôi, cậu mợ à!”. Bà Cả giãy lên đành đạch: “Trời đất thánh thần ơi! Con muốn cho thiên hạ cười thúi họ tộc nhà mình hay sao?”. Ông Cả có bình tĩnh hơn một chút: “Con suy nghĩ lại đi! Nó là đứa con gái trôi sông lạc chợ. Nghe nói, má nó đã bỏ cha con nó mà đi theo trai đó!”. Bà Cả phụ họa lời ông Cả bằng một câu thành ngữ truyền miệng: “Nuôi heo chọn nái, cưới gái chọn dòng, con à!”. Cậu phản đối liền: “Má cô Hoài theo trai, chứ cô đâu có theo trai!”. Rồi cậu phán một câu xanh rờn: “ Nếu cậu mợ không cưới cô Hoài cho tôi thì tôi vào miếu làm Từ luôn!”. Sợ cậu làm thật, ông bà Cả đành chiều theo ý con. Khi ông bà cho mai mối đến dạm hỏi, cha con ông Từ không dám từ chối. Ngày rời xa cha lên kiệu hoa, cô Hoài khóc như mưa bấc. Bà Cả không thông cảm thì thôi, lại còn nguýt hấy, xỉa xói: “ Hứ! Đi lấy chồng mà làm như là đi đưa đám ông già nó không bằng vậy!. Cô Hoài về làm dâu nhà bà Cả như một kẻ ở đợ không công. Đó mới là lúc bà Cả chưa tìm ra một lỗi lầm nào của cô. Một năm sau thì bà đã tìm ra, mà lại là ra tội lớn nữa chứ, tội không sinh con. Vậy là, sau những ngày bị đay nghiến, đày đọa cô Hoài bị bà Cả đuổi ra khỏi nhà. Chồng cô có can ngăn nhưng lại thiếu cương quyết, vì cậu đang say mê một cô gái khác. Nghe nói là một tiểu thư ở trên phố đã qua nhiều tay “ Phú- lan- sa” và lớn hơn cậu đến những tám tuổi, có đầy mình kinh nghiệm trong việc trăng hoa. Cô Hoài gạt nước mắt trở về miếu Bà trong sự đau khổ tột cùng của cô, sự thỏa mãn của bà Cả, sự đùm bọc chở che của người cha hiền lành, nhân hậu.
Nhưng, sự đời có lắm cái trớ trêu!
Cô Hoài trở về miếu bà không bao lâu thì bụng cô ngày càng lớn dần lên. Ông Từ nghi ngờ cô có tư tình với ai khác. Cô bèn đứng trước tượng bà thốt lên lời thề độc: “ Nếu con có tư tình với ai khác thì bà bắt con chết trên giường sanh!”. Ông Từ tin nên đưa cô đến nhà bà Cả, nhưng bà không tin. Bà sỉ nhục cha con cô. Nào là gã thọt không biết dạy con, nào là thứ gái lang chạ, nào là dòng nào giống nấy... Ôi, thì đủ thứ xấu xa. Cô Hoài uất ức định quyên sinh, nhưng nghĩ đến cái thai trong bụng nên cô lại cố sống.
Năm tháng qua mau đã đến ngày sinh nở, cô Hoài song sinh, một trai một gái. Con chị ra trước đặt là Ngọt, thằng em ra sau đặt là Mặn. Khi hai đứa bé lên ba tuổi thì ông Từ qua đời. Cô Hoài vẫn ở căn nhà cạnh miếu bà vừa nuôi con, vừa tiếp tục công việc của cha “làm Từ”. Mới đầu người ta gọi Hoài là “cô Từ”, theo dòng thời gian người ta gọi Hoài là “bà Từ”. Năm hai con bà Từ mười bảy tuổi thì họ thoát ly theo Cách mạng.
Từ ấy, đêm bà Từ đốt nhang cầu nguyện cho kháng chiến sớm thành công, cho dân xóm Đàm Vinh được sống yên ổn và cho hai con bà mau chóng trở về. Bà cầu nguyện và đợi chờ cho đến khi tóc bà nhiều sợi bạc thì miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Ngày ấy, bà đi từ đầu trên xuống xóm dưới khoe rằng: “Nè bà, tôi đã chắt mót mua được một đôi bông tai cho thằng Mặn rồi đó!”. “Bà Hoài ơi, bà lẫn mất rồi, ai đời lại đi mua bông tai cho con trai chứ?”. Bà Hoài gắt: “Bà lẫn thì có! Tôi mua là mua cho thằng Mặn cưới vợ, không lẽ tôi lại mua cho nó đeo à?”. “Như vậy thì được! Rồi bà có mua cho con Ngọt cái gì không?. “Không! Vì con Ngọt là con gái thì đã có bên chồng nó lo rồi. Bà thường đi đám tiệc chỗ này, chỗ kia bà xem giúp tôi coi có đứa con gái nào đẹp người đẹp nết để tôi hỏi cưới cho thằng Mặn!”. “Con gái đẹp ở xứ này thì không thiếu gì. Nhưng, tôi chỉ sợ khi thằng Mặn về, nó dẫn theo một lủ khủ một đám con nít mới chết ấy chứ?”
Bà Hoài cụt hứng. Nhưng bà không tin lời của bà hàng xóm đâu. Thằng Mặn đi đánh giặc chứ nào có phải phong lưu như ba nó mà cho ra đời “lủ khủ một đám con nít”. Giải phóng đúng một tháng thì chị Ngọt về. Không ai biết chị giữ chức gì trong Quân đội, chỉ thấy có hai “cận vệ” đi kèm, mang colt đuôi kè kè, trông oai phong lẫm lẫm. Bà Hoài ôm chầm lấy chị nức nở như một đứa trẻ. Chị lau nước mắt cho bà. Bà giữ tay chị lại, hỏi: “Em mày đâu?”. Chị Ngọt hỏi lại: “Bộ nó chưa về sao má?”. “Cái con này, tao hỏi mày, sao mày đi hỏi ngược lại tao vậy?”. Chi Ngọt nói: “Ngày thoát ly, hai chị em con ở hai đơn vị khác nhau. Con lên thẳng miền Đông công tác, nên không có liên lạc gì với thằng Mặn. Chắc nó còn bận chuyện ở đơn vị vài hôm nữa sẽ về tới thôi, má à!”. Bà Hoài cũng tin như vậy. Chị Ngọt ở lại nhà một tuần rồi lên tỉnh nhận nhiệm vụ mới. Chị mời bà cùng lên thành phố chơi, cũng là để cho bà biết “cây đèn để ngược” lại không cần châm dầu mà nó vẫn cháy sáng, cho bà thấy chiếc xe hon- đa nó chạy như thế nào nhưng bà từ chối: “Má phải ở nhà chờ thằng Mặn về mới được!”. Sáng nào bà cũng lấy đôi bông tai để dành cưới vợ cho anh Mặn, được gói cẩn thận hơn chục lớp vải nhét vào vách buồng ra xem. Chiều nào bà cũng đốt nhang cầu nguyện cho anh Mặn mau chóng trở về. Mấy tháng trôi qua, những chuỗi ngày dài chờ đợi, đau khổ nhất trong đời bà, anh Mặn vẫn chưa về. Tóc bà chỉ còn vài sợi đen lưa thưa trên nền trắng. Bà háng xóm bảo: “Hay là thằng Mặn đã hy sinh rồi!”. Bà hằn học, chửi rủa: “Trời đánh bà đi! Người ta nói ra vàng ra ngọc, còn bà thì nói ra hổ mang, thuồng luồng. Thằng Mặn bận chuyện ở đơn vị chưa về thăm tôi được thôi! Nếu nó hy sinh thì phải có giấy báo tử chứ?” . Khi chị Ngọt giải thích trong chiến tranh cán bộ ta hy sinh không có giấy báo tử, vì một nguyên nhân nào đó, là chuyện thường thì bà lại cấm.
Hơn một năm sau, anh Mặn vẫn không trở về. Người ta thấy mắt bà sâu hoắm, người bà teo tóp lại, gầy đét như que củi, tóc bà không còn lấy một sợi đen. Bà hay ra đìa bông súng, ngồi vào phiến đá ngày xưa anh Mặn thường ngồi, để câu cá rô tôm tít. Nhưng, khác với anh Mặn, hễ câu dính được con nào thì bà lại nhẹ nhàng gỡ thả xuống đìa con nấy. Miệng bà lẩm bẩm: “Nè, tao thả cho mày về với má mày đó nghen”. Chị Ngọt về lần nào cũng bàn chuyện đưa bà lên tỉnh ở để chị tiện bề chăm sóc. Và, bao giờ bà cũng bảo: “Má không đi đâu hết, má phải ở đây chờ thằng Mặn về!”. Chị Ngọt đề nghị xây nhà cho bà. Bà nói: “Nè Ngọt, mày là người làm việc mà sao ngu quá trời, quá đất vậy? Mày xây nhà tường cho má, thằng Mặn nó về thấy lạ, nó tìm không ra má thì làm sao?”. Có người bảo bà lẫn. Song, cũng có người bảo bà không lẫn. Vì, nếu lẫn thì bà đâu đã biết chờ anh Mặn về.
Thế rồi, một ngày kia chị Ngọt về thăm bà, vừa trông thấy chị bà đã khoe: “Nè Ngọt, em mày về rồi!”. Chị Ngọt tưởng mình nghe lầm nên hỏi lại: “Má nói cái gì vậy?”. Bà cằn nhằn: “Con này, mày điếc hay sao ấy? Má nói là thằng Mặn về rồi!”. Chị Ngọt ngơ ngác buột miệng: “Nó về hồi nào hả má?”. Bà đáp: “Nó về hồi hôm! Ngọt ơi, nhìn nó không khác xưa mấy đâu nghen, lại còn trắng trẻo hơn lúc ở nhà nữa là đằng khác. Má có kêu nó ở lại chơi vài ngày để má nhắn mày về cho hai chị em gặp nhau. Nhưng nó nói, nó có công việc gấp nên phải đi ngay. Nó có hứa tối nay về rước má đi coi vợ nó nữa đó!”. Chị Ngọt đã hiểu ra vấn đề nên quay mặt đi nơi khác, giấu hai dòng nước mắt vào chiếc khăn tay. Trời vừa ngả chiều, bà đã bảo chị nấu cơm sớm cho bà ăn. Nhìn bà ăn ngon lành, những bốn chén gấp đôi thường ngày, chị Ngọt thấy vui và cũng nghe lòng quặn thắt. Song, bà lại bảo chị ra sau vườn bứt lá bưởi nấu nước cho bà tắm, rồi bà lấy bộ bà ba màu tím than bằng gấm ngoại nhập chị Ngọt mua cho bà mặc vào - Bộ quần áo này bà để dành chỉ khi anh Mặn về mới mặc - cẩn thận vuốt từng nếp nhăn. “Nè Ngọt, mày thấy má mày có sang lắm không?”. Chị Ngọt gật đầu: “Dạ, má sang, má sang lắm!”. “ Như vậy thì má mới đi làm sui được chứ! À, chút nữa thì quên mất rồi!”. Bà vừa nói vừa vội vã đi vào buồng lần vách rút ra một cuốn vải, tháo từng lớp, từng lớp một lấy đôi bông tai cầm chặt trong tay, rồi lên giường nằm... Chị Ngọt buông mùng cho bà và ngồi nhìn hơi thở phập phồng của bà qua làn vải áo trên lồng ngực.
Đến hơn nửa đêm thì làn vải nơi đó không còn động đậy. ... Trong ngày “đại sự” của bà Hoài, người ta thấy một ông lão gầy gò, nghèo khổ đến trước linh cữu của bà thì thầm gì đó. Có người bảo, ông bị đám con bất hiếu đuổi ra khỏi nhà, hiện lang thang kiếm sống qua ngày. Không biết ông là ai mà sau đó thấy chị Ngọt rước về tỉnh chăm sóc, nuôi dưỡng.
T.H.L (142/12-2000)
|