Tạp chí Sông Hương - Số 142 (tháng 12)
Hình dung tiểu thuyết là gì?
15:11 | 10/06/2010
NGUYỄN DƯƠNG CÔNThể loại tiểu thuyết đã ra đời và có lịch sử vận động khá lâu dài. Ít nhất, ở châu Âu, thể loại này đã có từ gần năm thế kỷ.
Hình dung tiểu thuyết là gì?
Ảnh: Internet
Vấn đề tiểu thuyết là gì cho đến nay vẫn là điều cần tiếp tục được tìm hiểu và giải minh cho nó. Tuy vậy, khoa học về tiểu thuyết, đến khoảng giữa thế kỷ hai mươi đã giải quyết một cách cơ bản vấn đề đó. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể hình dung được những diện mạo, đặc tính cơ bản đã hiện ra của tiểu thuyết. Sự hình dung này sẽ cơ bản cho ta sự phân định tương đối tiểu thuyết với các thể loại nghệ thuật ngôn từ khác.

Muốn hình dung tiểu thuyết là gì trước hết phải đi tìm kiếm sự hình dung về cái thực thể có vị trí, tính chất là cốt lõi trong những cuốn truyện kể được cộng đồng văn hóa văn chương gọi là những cuốn tiểu thuyết. Cái thực thể cốt lõi ấy có tên gọi là "nhân vật" chăng? Không hẳn là như thế. Bởi vì những cái được gọi là nhân vật thì không chỉ tiểu thuyết mà cả các thể loại văn chương khác như cổ tích, huyền thoại, sử thi, truyện ký... đều có. Nhưng hình dung về tiểu thuyết mà không hình dung về nhân vật của nó thì chẳng thể cảm nhận được gì. Nhân vật, dù các thể loại nghệ thuật truyện kể khác tiểu thuyết cũng có, nó vẫn là thực thể sống còn của tiểu thuyết. Như vậy, hẳn nhân vật tiểu thuyết phải có phẩm chất thể loại nghệ thuật là cái cốt lõi làm ra tính chất đặc thù của tiểu thuyết. Nó phải có cơ cấu nội tại - nghĩa là có hình hài chủng loại - riêng có so với các loại nhân vật của các thể loại nghệ thuật truyện kể khác. Từ cơ cấu nội tại ấy - ví dụ từ cơ cấu tôi là một người đàn ông chứ không phải là một người đàn bà Việt Nam ở thị xã Thái Bình, chẳng hạn - sinh ra, phát lộ ra những đặc tính. Những đặc tính này là những đặc tính tiểu thuyết.

Những đặc tính vừa hình dung kể trên không phải là cá tính một nhân vật tiểu thuyết cụ thể nào mà là những đặc tính chung của hết thảy mọi nhân vật đủ để được gọi là nhân vật chỉ thể loại tiểu thuyết mới có. Những đặc tính ấy chỉ là (xin hình dung cho "chỉ là") những đặc tính thuộc về nhân bản, nghĩa là chúng chỉ thuộc về bản chất người, chứ không phải bản chất thế giới tự nhiên, bản chất cơ cấu xã hội và lịch sử. Nhưng nhân bản là một cơ cấu có không gian phạm vi rộng. Không gian nội tại hay phạm vi rộng của nhân bản, nhân vật tiểu thuyết không "đảm nhiệm" hết được. Nó chỉ đảm nhiệm cái phần tâm lý - gọi là thế giới tâm hồn - chứ không đảm nhiệm cái phần lý trí - gọi là thế giới phi bản thể, do thế giới bên ngoài với các qui tắc tuyệt đối lý tính áp đặt, thâm nhập vào nhân bản. Thành ra thực thể người dành cho tiểu thuyết chỉ là thực thể mang tên bản-thể-con-người. Người ta gọi theo hướng đầy đủ về bản thể con người là bao gồm: hệ cảm giác, nguồn cảm thức, vô thức, tình cảm, tưởng tượng, tư duy phi duy lý... Các yếu tố bản thế là nhiều và lây nhiễm nhau, thành ra các tên gọi các yếu tố đó là tương đối và có nhiều "chỗ" trùng hợp nhau. Ta có thể gọi một cách giản lược mà bao quát đúng đắn cái thế- giới- bản- thể- người là thế giới tình cảm, thế giới tâm hồn con người.

Nhưng nhân vật tiểu thuyết là mô phỏng nhân vật của bản thân đời sống. Nó chỉ chăm chú mô phỏng cái thế giới tình cảm, cái thế giới tâm hồn của nhân vật của bản thân đời sống. Chúng ta hình dung nếu nó phải trình bày đời sống lý trí của con người nhân thế thì cũng chỉ cốt bằng (sử dụng) sự trình bày ấy để tập trung cho mục tiêu duy nhất là mô phỏng đời sống tâm hồn tình cảm con người.

Như vậy, đối tượng mô phỏng của tiểu thuyết, của nhân vật tiểu thuyết có phải chỉ là cái bản thể người chung chung hay không? Không phải. Bản thể người ấy vừa là chung chung vừa là cụ thể, cá thể. Nghĩa là xét về phương diện thực thể, nó phải là - phải thành - một người. "Một người" ấy với vị trí và ý nghĩa là một vũ trụ riêng mang mẫu hình bản thể chung có của mọi người, của toàn nhân loại. Ý nghĩa mang một mẫu hình trong mẫu hình chung của bản thể cộng đồng người là ý nghĩa qui định tính một người, thực thể một người của bản thân hình tượng tiểu thuyết. Tư-thế-một-người ấy, ta gọi là tư-thế-cái-tôi: Tôi trong cộng đồng xã hội, Tôi trong lịch sử, Tôi trước thời gian, Tôi trước vũ trụ, Tôi trong và trước cái ngoài Tôi, Tôi không phải là cái ngoài Tôi, Tôi là cái tôi này khác cái tôi kia trong Tôi...

Cái tôi bản thể người là nhân vật truyện kể của tiểu thuyết. Nó là cái cốt lõi duy nhất của tiểu thuyết. Những thể loại truyện kể khác không có cái tôi ấy. Chỉ tiểu thuyết mới có cái tôi ấy. Hình tượng cái tôi bản thể người là cốt lõi thao túng toàn bộ cơ cấu nội tại của mọi cuốn tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết nào dẫu với tư cách truyện kể, "bị" cái tôi đó thao túng hoàn toàn thì thành ra một cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh, cuốn truyện kể xứng danh tiểu thuyết. Các thể loại truyện kể khác lấy cốt lõi, lấy mục tiêu tối thượng là lịch sử, là chân lý của hiện thực... Tiểu thuyết không như "họ". Chân lý tối thượng của tiểu thuyết vẫn chỉ là sự hiển hiện bản thân hình tượng cái tôi bản thể người của nó mà thôi.

Cái tôi của tiểu thuyết là cái tôi được tưởng tượng ra. Có một nhà lý luận về tiểu thuyết rất nổi tiếng của thế giới hiện đại châu Âu, ông Milan Kundera, gọi cái tôi của tiểu thuyết với cái tên rất hay là "Cái tôi tưởng tượng được gọi là nhân vật". Cái tôi tưởng tượng không phải là cái tôi có hành vi tưởng tượng mà nó là một thực thể được (nhà tiểu thuyết) tưởng tượng ra. Nó "được gọi là" nghĩa là nó "hiện ra" với cái chúng ta gọi là nhân vật. Vậy là tư-chất-tôi của nhân vật mới là tư chất tiểu thuyết. Có lẽ, vì thế, ở trong bối cảnh hình dung này, chúng ta có thể đồng nghĩa cái "tiểu" trong tên gọi "tiểu thuyết" là cái "tôi", cũng có nghĩa "tiểu thuyết" còn có thể gọi là "tôi thuyết".

Sự sống con người hiểu theo nghĩa là sự sống tồn lưu độc lập tương đối với các cơ chế ngoài cá thể con người (ví dụ như đồ dùng, tiền bạc, chức tước, luật pháp, xã hội lý trí, lịch sử và vũ trụ...) là cái đối tượng được tiểu thuyết chăm chú theo dõi, trình bày để bênh vực. Sự sống con người hiểu theo nghĩa ấy, nghĩa của cái tôi bản thể, là sự sống có tính thực tiễn. Sự sống có tính thực tiễn ấy người ta gọi là sự sống có tính văn xuôi của nó. Tính chất thực tiễn ấy lại tất yếu nảy sinh sự chi li, dông dài của sự sống bản thể người. Thành ra tiểu thuyết thường "mắc bệnh" chi li (giàu chi tiết như thật) và dông dài (nói nhiều và rải dày, rải xa cảm xúc). Thực tiễn với phiêu lưu là hai bản tính đối lập nhau trong một thể mâu thuẫn thống nhất trong bản thân tiểu thuyết và cũng là một trong nhưng bản tính cố hữu của tiểu thuyết. Nếu chỉ có tính phiêu lưu mà không có tính văn xuôi của sự sống thì tiểu thuyết chỉ còn là độc thoại hoặc là sự độc thoại giúp, độc thoại thay của một cái tôi bản thể nào đó thì tiểu thuyết phải chết vì nó không còn là nó nữa.

Tinh thần tiểu thuyết là tinh thần không vị kỉ một hay vô số chân lý đời sống nào. Dẫu nó có dung chứa vô số chân lý đó, nó cũng chỉ nhằm phát hiện và trình bày sự sống bản thể con người. Tiểu thuyết, với đúng nghĩa là tiểu thuyết chẳng cốt chứng minh cho cái gì cả, cho chân lý nào cả, nó chỉ trình bày cho sự hiển minh sự sống tình cảm tâm hồn... phi lý trí. Vì thế người ta gọi tinh thần của tiểu thuyết là sự hiển minh của lưỡng lự.

2 - 2000
N.D.C
(142/12-00)



Các bài mới
Quang gánh (17/06/2010)
Con hổ (16/06/2010)
Các bài đã đăng
Bà Hoài (23/10/2009)