Tạp chí Sông Hương - Số 129 (tháng 11)
Một cách nhìn mới về văn hóa Việt Nam
10:45 | 30/10/2009
HÀ QUANG MINHLTS: Liệu có phải văn hóa chỉ đơn thuần là văn hóa hay nói cách khác là chỉ chứa đựng các yếu tố văn hóa không? Câu trả lời chắc chắn là không. Văn hóa mang cả trong nó tính chính trị và kinh tế. Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ nhắc tới tính kinh tế trong văn hóa mà thôi nhưng hy vọng nó sẽ đóng góp nhiều cho công cuộc xây dựng một xã hội văn minh hơn, công bằng hơn.


Nhìn lại thế kỷ 20, thử hỏi có cuộc cách mạng văn hóa nào lớn hơn cuộc cách mạng pop-art thời kỳ thập kỷ 60 và 70. Thực chất, cuộc cách mạng ấy không phải quan trọng vì nó mang lại một loại hình nghệ thuật mới mà nó vĩ đại bởi vì nó đã làm thay đổi hoàn toàn thế giới quan của đại chúng đối với nghệ thuật. Nó được đặt lên một vị trí xứng đáng như vậy bởi vì căn bản nó đã xây dựng được một hệ thống văn hóa đại chúng với nhiều giá trị thực tiễn hơn. Nếu như trước kia, văn hóa là một khái niệm dành riêng cho giới quý tộc và chỉ có một mục đích chính là phản ánh sự tiến bộ, sự dịch chuyển về phần hồn của một triều đại, một đế chế, một chế độ... nào đó thì giờ đây, nó còn một mục đích lớn lao hơn là phục vụ cái nhìn nhu cầu tâm lý của cả xã hội. văn hóa hiện đại tôn trọng người thưởng thức bất kể người đó ở tầng lớp nào, trình độ nào. cái tên Pop-art đã nảy sinh từ những yếu điểm đó.


Tuy nhiên, trong lịch sử phát triển của loài người, ta đã từng được chứng kiến hiện tượng phủ nhận các tư tưởng cách tân. Pop-art không nằm ngoài phạm vi này. Cho đến nay, vẫn còn đâu đó những ý kiến bài xích nó mà chủ yếu từ được dùng nhiều nhất là: thương mại hay nói rõ hơn là thương mại hóa văn hóa. Thế nhưng, mặc tất cả, Pop-art vẫn sống, vẫn phát triển mạnh và sau 30 năm nó đã tự chứng minh được rằng nó thể hiện một hình thái văn minh mới cho xã hội. nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận văn hóa bác học hay là coi văn hóa bác học là hủ lậu. Thực chất, chính Pop-art đã nâng văn hóa (theo khái niệm cũ) lên một tầm cao mới và cũng chính văn hóa bác học ra đời từ nguồn gốc văn hóa dân gian truyền thống. Xét tổng thể, có thể thấy văn hóa  đại chúng chính là sự trở lại của văn hóa dân gian nhưng ở một mức độ tiến bộ hơn (mà nguyên nhân chính là do các cuộc Cách mạng Khoa học Kỹ thuật). Từ đó, ta có thể rút ra rằng loài người phát triển theo hình thái vòng lặp xoáy trôn ốc và không có điểm tới hạn.

Sau thời kỳ bùng nổ (khoảng cuối thập kỷ 70), các nước phương Tây đã xây dựng vững chắc nền văn hóa đại chúng của mình. Công cụ để họ làm được điều đó chính là luật pháp cùng với một nguồn đầu tư dồi dào và nghiêm túc. Họ đã khéo léo tìm được sợi dây móc nối giữa kinh tế và văn hóa, sợi dây dẫn họ tới một bực thang mới tiến bộ hơn phần còn lại của thế giới. Hai yếu tố cơ bản trên đã tương hỗ với nhau khá mạnh mẽ và góp phần mang lại những kết quả tốt đẹp. Cụ thể, chỉ 40 năm trước đây thôi, nào có ai nghĩ rằng sẽ có một ngày 70% dân số thế giới mặc quần jeans và 100% coi nó là một thứ trang phục bình thường. Thế mà giờ đây, nó đã quá quen thuộc, thoải mái diễu trên phố ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Cội nguồn của sự thay đổi này nảy sinh ở Hoa Kỳ, Anh... từ những năm 70 khi mà các thần tượng Pop-art của giới trẻ mặc jeans, thứ đồ dành cho dân đào vàng những năm đầu thế kỷ, như một sự phản kháng lại cái quần là li cổ lỗ sĩ. Từ đó, các nhà tư bản vào cuộc và kết quả thì khỏi phải bàn.

Trong xu hướng quốc tế như vậy, ở Việt Nam họat động văn hóa vẫn chỉ xoay quanh mục tiêu chính yếu là gìn giữ bản sắc dân tộc. Thực chất, văn hóa đại chúng đã tồn tại kéo dài nhưng giờ đây việc nâng cấp nó thành một hệ thống "công nghiệp" vẫn chỉ là manh mún. Đó là hệ quả của những điều kiện môi trường pháp lý và ý thức hệ bảo thủ. Ý thức hệ bảo thủ này cho rằng sự công nghiệp hóa văn hóa chỉ làm tổn hại nền văn hóa nước nhà mà không nhận thức được rằng nó chính là yếu tố tiên quyết để góp phần đại chúng hóa văn hóa, nói cao siêu hơn là để nâng cao văn hóa trong dân chúng. Họ thẳng thừng từ chối các yếu tố kinh tế trong văn hóa (các nhà văn hóa) hoặc lẩn tránh mục tiêu kinh tế phục vụ văn hóa (các nhà kinh tế). Có thể thấy rõ nhất điều đó qua việc xây dựng khu công nghiệp Dung Quất. Các nhà kinh tế cho rằng đó là quyết định phi kinh tế vì địa điểm này quá xa nguồn nhiên liệu, vật liệu (Vũng Tàu) dẫn tới tốn kém chi phí. Thực chất, các quan niệm lỗi thời trên không nhận thấy đây là một quyết định tiến bộ của Chính phủ. Mục tiêu kinh tế của Dung Quất không phải là hàng đầu mà thực chất chính phủ muốn dùng dự án này để "thổi" vào khu vực miền Trung vốn buồn và tĩnh lặng kia một chút không khí náo nhiệt của sự phát triển, cái mà khúc ruột đất nước vẫn thiếu từ trước tới nay. Nhìn nhận trên đúng đắn ở chỗ đã vạch ra được cái khổ của dân chúng không chỉ có vật chất mà còn là cái khổ tinh thần. Hơn nữa, miền Trung đã có nhiều đóng góp với cuộc kháng chiến thì "sự trả ơn" âu cũng là một thái độ có văn hóa. Từ đó, ta rút ra một vấn đề lớn là đã lâu, các hoạt động kinh tế của Việt Nam vẫn chưa phục vụ mục đích văn hóa. Vậy thì, hỡi các nhà kinh tế, đừng nhìn vào mỗi doanh thu mà thôi, hãy nhìn vào cả lợi ích văn hóa, cái lợi ích mà có thể ta không được hưởng nhưng con cháu của chúng ta thì không thể thiếu nó trong cuộc sống tương lai.

Vấn đề thứ hai có phần nổi trội hơn. Đó là công nghiệp hóa văn hóa, nói khác hơn là "xã hội" văn hóa (một từ ta vẫn hay dùng). Thực ra, xã hội hóa chính là đại chúng hóa nhưng muốn đại chúng hóa thì trước tiên văn hóa phải được công nghiệp hóa. Đây chính là mục tiêu mà nhiều nhà văn hóa bảo thủ vẫn tấn công vào với khái niệm chủ quan khăng khăng cho rằng: "xã hội hóa tất liên quan tới thương mại hóa mà đã thương mại hóa thì văn hóa sẽ bị tổn thương, sẽ xô bồ...". Nhầm. Rõ ràng đây là một ý kiến nhầm hoàn toàn. Chính việc xã hội hóa sẽ tách bạch văn hóa cao cấp (bác học) với văn hóa đại chúng và tách bạch giữa văn hóa với thương mại một cách phân minh hơn. Không chỉ có vậy, chính việc công nghiệp hóa sẽ tạo điều kiện cho văn hóa có đất phát triển. Ví dụ đơn cử là công nghiệp hóa giáo dục. Hiện nay, ngân sách Nhà nước không thể tài trợ đầy đủ cho tất cả các trường học trên toàn lãnh thổ quốc gia. Thế nhưng nhu cầu đi học và quyền được học lại là một thực tế không thể bị phủ nhận. Vậy thì cổ phần hóa các trường học sẽ tạo điều kiện cho ngân sách giáo dục đối với các trường công trở nên rộng rãi hơn. Khi đó, các trường học tư thục (vì kèm thêm mục tiêu kinh doanh) sẽ có học phí cao và thu hút các học sinh con nhà khá giả. Phần còn lại, các trường công (do được cấp ngân sách nhiều hơn) sẽ phục vụ các học sinh nghèo, thuộc diện chính sách với học phí cực thấp hoặc miễn phí. Tuy vậy, để làm được việc này, cần có sự quan tâm của Nhà nước, sự dũng cảm của các nhà giáo dục và quan trọng hơn là các cơ quan phải chấp nhận các nhân viên tốt nghiệp trường tư thục để tạo niềm tin cho các học viên. Biện pháp này cũng có thể áp dụng được với ngành y tế hay một số ngành tương tự...

Đối với nghệ thuật hay thể thao, chắc chắn phải công nghiệp hóa càng sớm càng tốt. Đừng nghĩ đó là thương mại hóa các nghệ sĩ, các vận động viên mà đó là sự tôn trọng họ đúng như những gì họ có. Thực ra, một nghệ sĩ khi sáng tác ra một tác phẩm, chẳng hạn như một ca khúc, luôn luôn muốn nó được hát, được mọi người nhớ tới. Nhưng nếu hát để giải trí thì không sao nhưng đã hát để kinh doanh (biểu diễn, phát hành băng đĩa...) thì phải trả tiền cho nghệ sĩ đó theo thỏa thuận. Vậy là ở môi trường nghệ thuật, ca khúc đó là một tác phẩm nghệ thuật còn ở môi trường kinh doanh nó sẽ là một sản phẩm giống như bất kỳ sản phẩm nào khác trên thị trường.

Muốn giải quyết được rắc rối này, cơ bản cần có 2 yếu tố. Yếu  tố thứ nhất: Phải hoàn thiện luật pháp (luật bản quyền, luật chuyển nhượng...). Yếu tố thứ 2: Tự các nghệ sĩ, vận động viên phải có thái độ nghiêm túc với nghề. Không thể có chuyện với một ca khúc hàng chục ca sĩ cùng hát theo đủ kiểu khác nhau hoặc một vận động viên vừa là vận động viên thể thao vừa là cán bộ, viên chức một ngành nào đó. Nên nhớ, ở phương Tây, một ca sĩ bao giờ cũng hát những gì mình sáng tác hoặc đặt riêng một người sáng tác cho mình.

Nói chung giữa kinh tế và văn hóa luôn có ràng buộc. Nếu đặt kinh tế vào văn hóa và nhìn bằng con mắt khoa học hơn ta sẽ xây dựng được cho mình nền văn hóa đại chúng phát triển, một điều kiện tiên quyết để hòa nhập với sự vận động hàng ngày của thế giới văn minh bên ngoài nhằm theo kịp cái thế giới văn minh đó. Hãy nhớ rằng, sự lạc hậu văn hóa bao giờ cũng mang lại cho một dân tộc sự lụi tàn đáng sợ. Xây dựng được tư tưởng cách tân đã là một tiến bộ rồi nhưng chấp nhận nó thì sẽ là tiến bộ hơn nữa.

H.Q.M
(129/11-1999)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng