Tạp chí Sông Hương - Số 128 (tháng 10)
Đề thi, thi đề, thi đề thi...
09:11 | 10/11/2009
ĐÀO DUY HIỆP    “Hội làng mở giữa mùa thu     Giời cao gió cả giăng như ban ngày”                                            (Nguyễn Bính)

Trên báo Văn Nghệ số 32, ra ngày 7- 8- 99 vừa qua tác giả Hữu Đạt đã có bài “Xung quanh đề thi và chấm thi đại học” đề cập đến chỉ một từ trong một đoạn thơ của Tố Hữu được lấy làm đề thi tuyển môn Văn cho khối C năm nay của Đại học Quốc gia. Trong bài viết của mình, anh đề cập đến cách hiểu cụm từ “ruồng tre” trong câu thơ “Đâu ruồng tre mát thở yên vui” của Tố Hữu ngõ hầu làm cơ sở thống nhất nghĩa của nó để bớt đi sự vất vả cho “người đi thi và người chấm thi” trong tương lai. Cuối cùng, anh nghiêng về chữ “tre” (cây tre) và loại bỏ từ “che” (che phủ) với những phân tích, giảng giải mà có lẽ anh cho là duy nhất đúng. Trên báo Văn Nghệ ở mục “Nhà văn với nhà trường” trong nhiều năm qua vẫn thường xuyên có những bài bàn về rất nhiều phương diện như dạy và học văn ở trường phổ thông, bàn về cách hiểu một bài thơ, một áng văn... Đây là một việc làm có ý nghĩa thiết thực và việc trao đổi lại một vài ý kiến giữa những đồng nghiệp, những người cầm bút là chuyện bình thường miễn sao xuất phát từ một ý định tốt. Bài viết này trên tinh thần và ý định đó.

I. Đi tìm văn bản:

Bài thơ “Nhớ đồng” của Tố Hữu được đưa vào sách giáo khoa Văn lớp 12, tr 112, tập một, Ban khoa học xã hội, Nxb. Giáo dục, 1997. Cụm từ “ruồng tre” được giải thích là “rặng tre, lũy tre”. Ngoài ra, các sách giáo khoa lớp 11 và 12 thường không được học bài này. Từ “ruồng” được biết là một tiếng địa phương Huế còn có nghĩa là “lùm” (lùm cây). Như vậy, sẽ có hai cách hiểu: “rặng tre, lũy tre” và “lùm (cây) che mát” tùy theo cách đọc là “tre” hay “che”

Sau đây là hai ý kiến của Hữu Đạt về vấn đề này, chúng tôi xin được phép gạch chân dưới những từ cần thiết: Chư “che” được dùng đúng như nguyên tác trong các bản in đầu của Tố Hữu (đoạn 1) và “Sự khác biệt trong cách viết của Tố Hữu ở bản gốc với các bản in sau này cần được xem xét trong điều kiện nói trên. Nghĩa là, rất có thể đó chỉ là sự khác biệt về cách viết của cùng một từ chứ không phải hai từ khác nhau” (đoạn 2)

Theo chỗ chúng tôi được biết thì “bản in đầu” và “bản gốc” là bản có nhan đề: “Tố Hữu- Thơ- Hội văn hóa cứu quốc Việt Nam- Hà Nội 1946” (bản năm 46). Trên trang đầu nhà thơ viết: “Kính tặng cụ Hồ Chí Minh người cha yêu của dân tộc Việt Nam. Tập thơ đầu của đứa con chí hiếu Tố Hữu”. Trong “Tập thơ đầu” này, bài thơ “Nhớ đồng” được in ở trang 76 và câu thơ được viết là: “Đâu ruồng tre...”chứ không phải viết là “che” như tác gia Hữu Đạt đã giới thiệu bên trên.

Dưới đây là những chứng minh:

- Tuyển tập: “Tố Hữu Thơ”, Nxb Văn học, Hà Nội- 1983 do Nguyễn Bao sưu tầm biên soạn. Bài thơ được in ở trang 67. “Đâu ruồng che...” mà không phải là “tre”.

- Tuyển tập: “Thơ Tố Hữu”, Nxb Văn học, Hà Nội 1985 vẫn do Nguyễn Bao tuyển chọn. Bài thơ ở trang 16 vẫn viết: “Đâu ruồng che...”

- Tuyển tập: “Tố Hữu Thơ”, Nxb. Giáo dục, Hà Nội 1994 có lời giới thiệu của giáo sư Hà Minh Đức. Tập sách dày 680 trang đi qua tất cả các chặng đường thơ Tố Hữu cho đến lúc bấy giờ tự “Từ ấy” đến “Một tiếng đờn”.Bài thơ “Nhớ đồng” được in ở trang 104 và vẫn: “Đâu ruồng che...”

Như vậy, chữ “tre” là trong “bản gốc”, “bản in đầu”, còn “che” là ở các bản in sau này trong các Tuyển tập (trừ sách giáo khoa Văn 12). Nếu như theo giới thiệu của Hữu Đạt ở (đoạn 1) bên trên rằng Tố Hữu đã dùng chữ “che” thì còn đâu “sự khác biệt (...) ở bản gốc với các bản in sau này...”nữa? Có khác chăng là chỉ có khác với sách giáo khoa Văn lớp 12. Điều lý thú là trong bản năm 46, ở trang 130, Tố Hữu lại dùng cụm từ “ruồng tre” thêm một lần nữa trong bài “Tương thân”: “Thôi kể lể làm chi nỗi đoạn trường,/ Sau ruồng tre ấy, chốn quê hương, / Tháng ngày chát cổ cơm khoai sắn, / Rách rưới lều tre tạm gió sương”.

Bài thơ này được Hà Minh Đức tuyển, viết lời tựa và vẫn được in lại là “ruồng tre”. Điều đó cho thấy Tố Hữu không chỉ sử dụng có một lần và cụm từ này là quen thuộc với ông. Tuy nhiên, tại sao trên 10 năm trong cả ba lần tuyển liên tiếp mà một lỗi như thế (tức là chứ “tre” viết thành “che”) mà tác giả không có ý kiến gì? Phải chăng sự thay đổi này đã được Tố Hữu duyệt qua trước khi đưa in? Chúng tôi chưa có dịp trực tiếp tham khảo ý kiến của nhà thơ nên thực hư ra sao cũng chưa được rõ. Chỉ biết rằng đây là một bài thơ được thay đổi, sửa chữa rất nhiều từ bản in năm 46 đến các bản in sau này. Dưới đây là những sự khác biệt mà thông qua so sánh, đối chiếu văn bản chúng tôi rút ra:

1. Bài thơ hiện nay đang lưu hành đều chỉ có 13 khổ, nhưng bản năm 1946 lại có đến 14 khổ. Nguyên văn khổ thơ 4 câu bị cắt đi đó như sau: “Và để tìm trong khổ nhớ nhung,/ Một tình yêu tha thiết mênh mông,/ Một nguồn sinh lực rung tim óc,/ Giật chuyển toàn thân hực máu nồng,”

2. Thậm chí, có khổ thơ được sửa lại gần như khác hẳn với bản ban đầu; Bản năm 1946: “Đâu những hồn thân tự thưở xưa/ Đâu rồi chất phác với ngây thơ,/ Của bao ngụ ý thầm trong tiếng/ Quê kệch, nhưng sao rất thiệt thà?” được chuyển thành: “Đâu những hồn thân tự thưở xưa/ Những hồn quen dãi gió dầm mưa/ Những hồn chất phác hiền như đất/ Khoai sắn tình quê rất thiệt thà!”

3. Ngoài ra, những chữ “ôi!” cuối khổ 4 và khổ cuối cùng đều được sửa lại là “ơi!”. Chữ “cong” trong: “Đâu những đường cong bước vạn đời” sau in là “con”: “Đâu những đường con bước vạn đời”

4. Có câu thơ bị đổi lại gần như hoàn toàn: “Để nhận vui buồn trong phút giây” (bản năm 46) thành: “Như cánh chim buồn nhớ gió mây”

5. Về phương diện chính tả những chữ “giòng” ở bản năm 46 đều được chữa lại thành “dòng”: “Giữa dòng/ dòng ngày tháng âm u đó”. Cũng như vậy với nhiều bài thơ khác, như: “Trên giòng/ dòng Hương giang”...

6. Các dấu chấm than, dấu phẩy, chấm lửng... cũng được thay đổi rất nhiều. Chẳng hạn: “Đâu những nương khoai ngọt, sắn bùi?” ở bản năm 46 thì sau này, kể cả sách giáo khoa, dấu phẩy đã bị biến mất. (Tiện thể cũng nói thêm, đề thi ra thì đúng, tác giả Hữu Đạt dẫn lại sai: “khoai ngọt sắn bùi” chứ không phải: “khoai sắn ngọt bùi”. “Khoai sắn” đi với nhau gần quá cũng không nên. Nhất là trong thơ)

Một bài thơ với tầng ấy sự thay đổi (bỏ hẳn một khổ thơ, sửa lại hẳn một khổ khác, chữa một câu thơ, đổi lại từ ngữ, chữa chính tả, chữa dấu...) hẳn chỉ có nhà thơ của chính bài thơ đó mới được phép làm. Trên đây người viết chỉ làm công tác văn bản để so sánh, đối chiếu cũng mong được “Nói có sách...” chứ không dám tùy tiện, hàm hồ. Chúng tôi chỉ có một suy nghĩ nho nhỏ về điểm 5, tức là về phương diện chính tả. Nếu nhà thơ tự sửa thì thôi không nói làm gì, nhưng ngược lại thì không nên. Thời gian tính quý báu của thơ còn ở phương diện này nữa, nó khiến cho thơ gợi thật đúng khí quyển của thời đại bên ngoài văn bản thơ, ở chính những ngôn từ “cổ sơ” của nó. Không nên “hiện đại hóa” chúng lên làm gì. Bởi đó chính là vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt ngày hôm qua, trong qúa khứ. Mai sau chính con cháu chúng ta phải cảm ơn các nhà thơ, cha ông chúng, đã phải vượt qua “Xiềng xích”, lăn trong “Máu lửa”...mới dần đến được “Một tiếng đờn” ngôn ngữ trong sáng, hoàn thiện hôm nay.

II. “Tre” hay “che”?

1. Về phương diện chính tả:
Tác giả Hữu Đạt cho rằng: “rất có thể đó chỉ là sự khác biệt về cách viết của cùng một từ chứ không phải là hai từ khác nhau” vào những năm trước 1945 khi “chữ quốc ngữ chưa có địa vị chính thức trên phương diện quốc gia”. Anh dẫn ra hai ví dụ về sự thay đổi “Trên phương diện chính tả” giữa “gi” và “d” (“thôn Vĩ Giạ”- “thôn Vĩ Dạ”); giữa “K” và “C” (“Kách mệnh”- “Cách mạng”). Chúng tôi cũng nghĩ “Kách mệnh” và “Cách mạng” cũng như “giời” và “trời”, “giăng” và “trăng” trong câu thơ trên của Nguyễn Bính là cùng một từ mà cách viết khác nhau.

Nhưng tình hình trên có hơi khác với trường hợp “thôn Vĩ Dạ”. Trong sách giáo khoa Văn 11, Nxb Giáo dục, 1999, (Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TP. Hồ Chí Minh), bài thơ của Hàn Mặc Tử do giáo sư Hoàng Như Mai biên soạn, ở trang 137, được ông chú thích như sau: “Vĩ Dạ nguyên là Vĩ Dã có nghĩa là đồng lau (vĩ là lau, dã là cánh đồng), đọc theo cách phát âm của người Huế thành Vĩ Dạ, một thôn ở ngoại vi Huế trên bờ sông Hương xưa là nơi cư trú của nhiều vương hầu, quý tộc, nhà thường có vườn”.

Còn “Giạ” có lẽ do cách viết quen mà thành. Trong các sách giáo khoa Văn 11 của miền Bắc, phân ban cũng như không phân ban đều thấy viết như vậy. Nhưng tuyển “Thơ Hàn Mặc Tử” của Kiều Văn, Nxb Đồng Nai lại viết là “Vĩ Dạ” có lẽ trong đó chữ “Giạ” được hiểu là: “Đơn vị dân gian ở miền Nam Việt Nam để đong hạt rời, bằng khoảng 35- 40 lít.Một giạ lúa (Từ điển tiếng Việt do Minh Tâm- Thanh Nghị- Xuân lãm biên soạn). Như vậy, “giạ” và “dạ” đều có nghĩa khác nhau chứ không phải là cùng một từ, nhưng do là một từ địa phương nên chưa thống nhất cách dùng mà thôi.

2. Trở lại với chữ “tre” và “che”: Tác giả Hữu Đạt viết: “Nếu trong câu thơ thứ hai “tre” được hiểu là động từ “che” thì rõ ràng có một sự khập khiễng đáng chú ý vì nó phá vỡ những thế đối ứng tạo thành sự thống nhất có tính chỉnh thể của cả khổ thơ. Vì khi đó ta phải cắt nhịp thành “ruồng/ che mát”.

Thực ra câu thơ vẫn tuân theo một quy tắc ngữ pháp giản dị: Chủ ngữ- Vị ngữ- Bổ ngữ kiểu như “Tôi đi hóng mát”. Nếu phân chia theo cách của Hữu Đạt “Tôi/ đi hóng mát” thì rõ ràng là bị “khập khiễng”, không oan. Không ai lại đi ngắt chủ ngữ ra khỏi vị ngữ như vậy, ngay cả trong lời nói bình thường chứ chưa nói thơ. Ở đây ai cũng thấy câu thơ phải được ngắt theo nhịp 4/ 3 khoan thai, nhịp nhàng mới đúng ngữ pháp cũng như ngữ nghĩa của nó:

            Đâu ruồng (cây) che mát/ thở yên vui.

Ruồng (cây) là chủ ngữ được nhân hóa phụ trách hai hành động đồng thời: “che mát” và “thở yên vui” gợi nhớ những kỉ niệm êm đềm, nỗi nhớ làng quê ngày xưa khi nhà thơ còn chưa bị giam cầm. Câu thơ trở nên hoạt động và có tầm khái quát, rộng lớn hơn bởi bóng cây “che mát” chứ không cụ thể là loài cây nào (“tre” chẳng hạn). Bóng mát của xóm làng, quê hương trở nên sâu xa, bền bỉ. Nó mang tính cách tâm linh chứ không còn cụ thể nữa. “Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm...” thì chim và bướm ở đây mang chức năng ẩn dụ cho lòng yêu quê hương của nhà thơ chứ bạn đọc chẳng ai lại hỏi những loài đó cụ thể tên là gì. Hữu Đạt quan niệm: “Đành rằng trong cảm thức của người Việt ai cũng hiểu đó là lùm cây nhưng thuộc lùm cây nào? Một lùm cây vu vơ, không chủng loại rất mơ hồ, không phải là hình ảnh cụ thể của nỗi nhớ”.

Trốn nắng chẳng ai lại phải chạy đi tìm một loài cây cụ thể mới nghỉ ngơi! Nỗi nhớ về bóng mát quê hương, về tình yêu thương trong thơ ca đâu có dứt khoát phải cụ thể. Nếu Hữu Đạt cho “lùm cây” là “vu vơ, không chủng loại, rất mơ hồ” thì anh lại cho: “gió cồn, ô mạ, nương khoai, con đường, nhà tranh...” là “những hình ảnh cụ thể, sinh động”. Đứng về mặt ngôn ngữ học, có lẽ đây là một thao tác liệt kê những danh từ thoạt nhìn tưởng như cụ thể nhưng thực ra để gọi về nỗi nhớ quê hương mà bất cứ người Việt Nam nào cũng cảm nhận được. Bởi đó là những danh từ mang tính cách đại diện, khái quát. Kiểu như “Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai...” mà Nguyễn Khuyến chê những ông “Tiến sỹ giấy”. Nếu cần “chủng loại” bạn đọc sẽ hỏi đó là “mạ gì?”, “khoai chi”, nếu cần “cụ thể”, (tức là không “vu vơ”, không “mơ hồ”) lại xin hỏi “gió cồn nào?”, “con đường tên là gì?”, “nhà tranh mấy gian?”... Như thế là: lùm + cây được cấu tạo hoàn toàn giống như gió + cồn, ô + mạ, con + đường... chứ không có cái nào “vu vơ”, cũng chẳng có cái gì là “cụ thể” ở đây. Ngược lại, “tre (cây tre) đã là từ cụ thể, đã được xác định chủng loại. “Bóng mát” của câu thơ đã bị thu hẹp lại nghĩa bởi một loại cây cụ thể. Cái lung linh của câu thơ cũng bị cạn hơn (Dĩ nhiên, thơ ca không dứt khoát phải loại trừ cụ thể: “Tôi nhớ vợ tôi lắm/ Xin anh về hai ngày/ Nhà tôi ở Mường Lay/ Có con sông Nậm Rốm.../ Cầm Vĩnh Ui). Thơ Tố Hữu cũng kỉ lục về cái cụ thể với những tên làng, tên đất, những địa danh, những tên người anh hùng... Ông được mệnh danh là chiến sỹ- thi sỹ của thơ ca hiện đại Việt Nam. Nhưng trong trường hợp này, xét về phương diện ngôn ngữ học thì chính “lùm cây” mới là từ “tạo thành cái mạch chảy liên tục đảm bảo tính nhất quán của tư duy và quá trình xây dựng hình tượng thơ” chứ không phải từ “tre” như bạn Hữu Đạt đã nhầm và viết như thế. Bạn nhắc nhở: “Nếu coi từ “tre” là “che” thì phải bình ngược lại, coi đó là những câu thơ chưa hoàn chỉnh chứ không phải là câu thơ hay như chúng ta vẫn tán dương”. “Chúng ta” ở đây là những ai thì chưa rõ, nhưng cá nhân tôi lần đầu tiên tiếp cận theo bạn trên cơ sở văn bản câu thơ này thì đã thấy tình hình ngược lại với cách hiểu cứ kiên quyết bắt mọi con đường đều phải dẫn đến chứ “tre” của bạn. Đòi hỏi câu thơ phải “hoàn chỉnh” về ngữ pháp, chính tả, từ loại... thì cũng hơi khó. Câu “Người có đôi, ta rất một mình” của Nguyễn Bính thật là không “hoàn chỉnh” bởi sau trạng từ “rất” phải là một tính từ, chẳng hạn “lẻ loi”, “cô đơn”... thì mới đúng. “Rất một mình” thì còn ra làm sao? Thật “vu vơ”, vớ vẩn, chả “cụ thể” gì cả! Nhưng thơ đích thực lại cứ phải “vu vơ”, ngu ngơ, thiếu “hoàn chỉnh” như thế thì mới sướng. Một nhà nghiên cứu nước ngoài bảo thơ là con bướm màu lung linh, nếu vặt hết cánh nó đi thì chỉ còn là một con sâu.

Vẻ đẹp của thơ thật khó nắm bắt. Bài trao đổi chỉ khuôn vào việc đi tìm văn bản thật của câu thơ từ “bản gốc”, “bản in ban đầu” để so sánh, đối chiếu với những bản sau nó và tiếp đó mạnh dạn trình bày cách hiểu một từ, một câu thơ chứ không dám đặt mục tiêu cho sự thắng thua, càng không dám cho rằng ý kiến của mình là đúng cả. Quyền quyết định cuối cùng vẫn là ở chính nhà thơ Tố Hữu và ở các chuyên gia đã từng biên soạn, làm tuyển tập những công trình lớn và có kiến thức uyên thâm... đặng từ đó để “người đi thi và người chấm thi” không còn phải băn khoăn về một từ nan giải. Và đề thi sẽ không còn là một sự thi đề nữa...

Hà Nội, tháng 8 năm 1999
Đ.D.H
(128/10-99)
 




 

Các bài mới
Chị Khảo (11/11/2009)
Các bài đã đăng