Tạp chí Sông Hương - Số 127 (tháng 9)
Hồ Chí Minh - nhà thơ lớn của thiếu nhi
09:16 | 13/11/2009
VÕ VĨNH KHUYẾNBa mươi năm, sau khi Bác qua đời (1969 - 1999) có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều chuyên luận và khá nhiều bài viết trên các báo, tạp chí trong và ngoài nước về thơ, văn của Bác. Quy mô và mức độ có khác nhau. Tuy vậy, vẫn có chỗ chưa được khảo sát một cách đầy đủ, chưa được đầu tư nghiên cứu một cách thỏa đáng. Trong phạm vi, khả năng cá nhân và nội hàm vấn đề, chúng tôi mạnh dạn trình bày một số suy nghĩ về thơ Bác viết cho thiếu nhi.
Hồ Chí Minh - nhà thơ lớn của thiếu nhi
Bác Hồ với thiếu nhi - Ảnh: trancongbinh.violet.vn

Sau "Nhật ký trong tù", thơ Bác bao gồm: thơ chúc tết, thơ tự tình, những vần thơ lẻ xen lẫn văn xuôi và thơ cho các lứa tuổi (trong đó có thiếu nhi) viết bằng chữ Việt và chữ Hán. Không kể phần thơ chữ Hán, trong 68 bài thơ chữ Việt có 8 bài Bác viết cho thiếu nhi. Đối với thiếu nhi bác có một tình cảm yêu thương đặc biệt. Nhà thơ Tố Hữu viết:

            "Và các em có hiểu vì sao
            Lòng Bác mênh mông vẫn dạt dào
            Yêu nụ mầm non, yêu tuổi trẻ
            Biển thường yêu vậy sóng xôn xao"
                                    ("Theo chân Bác" - Tố Hữu)

Ngoài lý do thông thường dễ hiểu là tình cảm tự nhiên đối với con trẻ, những nụ mầm của đất nước, những tâm hồn trong trắng, ngây thơ, còn có một lý do khác lớn hơn: Bác không có gia đình riêng, Bác đã lấy cả nước làm gia đình, năm châu làm bầu bạn và tất cả thanh thiếu nhi làm con cháu. Những bài thơ Bác viết cho thiếu nhi, vì vậy mà chứa chan tình cảm yêu thương, ruột thịt.

Trong thời kỳ mặt trận Việt Minh những bài thơ tuyên truyền vận động của Bác là tiếng nói của một tấm lòng yêu thương mênh mông. Ở đây những chủ trương, chính sách, những tư tưởng cách mạng đã đượm tình của Bác và sự rung động cảm thông của người kêu gọi, chính là nguyên nhân sâu xa tạo nên sức lay động thuyết phục của những vần thơ, bài ca. Bác xót xa cho cảnh nô lệ của các em thời Pháp-Nhật:

            "Học hành, giáo dục đã không
            Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa
            Sức còn yếu, tuổi còn thơ
            Mà đã khó nhọc cũng như người già".
           
("Kêu gọi thiếu nhi "-Hồ Chí Minh" (thơ) - N.X.B.Văn học 1975-Tr.21)

Trong hàng loạt bài thời kỳ này, đối tượng tuyên truyền trong nhiều tầng lớp khác nhau: "Ca binh lính" - "Bài ca du kích" _ "Công nhân" "Dân cày" - "Phụ nữ" - và "Thiếu nhi". Cái tình của Bác trong những bài này không phải là lòng thương hại, sự cảm thông, chia xẻ của người đứng ngoài mà là nỗi niềm yêu thương của một tấm lòng vốn hòa làm một với nhân dân, đau với nỗi đau của nhân dân những người gắn bó máu thịt với mình. Với thiếu nhi nỗi đau của Bác nhân lên nhiều lần, là nỗi đau của người ông, người cha trước cảnh:
            "Có khi lìa mẹ, lìa cha
            Để làm tôi tớ người ta bên ngoài".
           
("Kêu gọi thiếu nhi" - "Hồ Chí Minh" (thơ) N.X.B.Văn học 1975 Tr.21) và Người kêu gọi:   
            "Vậy nên trẻ em nước ta
            Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh
            Người lớn cứu nước đã đành
            Trẻ em cũng góp phần mình một tay"
                       
("Kêu gọi thiếu nhi" - Sđd. Tr.21).

Thơ tuyên truyền, vận động của Bác là tiếng nói của trái tim đi đến với trái tim. Nếu thiếu một tình thương chân thành và sâu sắc thì khó mà thuyết phục, giác ngộ quần chúng, đặc biệt là thiếu nhi.

Trong nghệ thuật tuyên truyền của Bác là Bác có thể đặt mình vào chỗ người, nói tiếng nói của người. Những bài ca, vần thơ của Bác đồng thời cảm hóa, rung động người đọc, người nghe bằng tình:
            "Vì ai ta chẳng ấm no?
            Vì ai ta đã phải lo cơ hàn?
            ... Vì ai ngăn cấm học hành?
            Vì ai ta phải chịu đành dốt ngây?"
                       
("Trẻ chăn trâu" - Sđd. Tr. 45)

Là một chiến sỹ cộng sản, hơn ai hết Bác chú ý đến sự giác ngộ lý tưởng cộng sản của quần chúng nhân dân. Là một nhà thơ cách mạng, Bác quan tâm và rất có ý thức dùng thơ ca để thức tỉnh tinh thần cách mạng của mọi tầng lớp trong đó có thiếu nhi. Điều này các nhà cách mạng trước bác chưa làm được (Có chăng mới chỉ chú ý đến lứa tuổi thanh niên).

            " "Nhi đồng cứu quốc" hội ta
            Ấy là lực lượng, ấy là cứu tinh
            Ấy là bộ phận Việt Minh
            Dân mình khắc cứu dân mình mới xong".

Có lẽ Hồ Chí Minh là người đầu tiên phát hiện và thấy được vai trò lịch sử của thiếu nhi trong sự nghiệp cứu nước và cũng là lần đầu tiên thiếu nhi trở thành lực lượng không thể thiếu trong cuộc cách mạng do Bác Hồ và Đảng tổ chức lãnh đạo. Thực tế, thiếu nhi đã không phụ lòng Bác, nhiều em đã có những đóng góp tích cực và lớn lao cho kháng chiến. Được tin cháu Phạm Đỗ Hải và cháu Lê Văn Thục bắt sống Tây, Bác viết 2 bài thơ khen: “Thế là cháu giỏi, biết cách tuyên truyền, Bác gửi lời khen." và: "Bác gửi lời khen, khuyên cháu tập rèn, ngày càng tiến bộ". Tình thương yêu của Bác biểu hiện bằng sự quan tâm nhiều khi rất cụ thể, thiết thực nhưng hàm chứa ý nghĩa vô cùng lớn lao. Giữa bao nhiêu công việc bề bộn, bận rộn của cách mạng của Đảng, Bác vẫn không quên và gửi đến một cháu bé dân tộc ít người:
            "Vở này ta tặng cháu yêu ta
            Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là
            Mong cháu ra công mà học tập
            Mai sau cháu giúp nước non nhà"
                       
("Tặng cháu Nông Thị Trưng" - Sđd. Tr.44)

Chất trữ tình hội tụ trong chùm thơ trung thu của Bác. Vui với thắng lợi của cuộc kháng chiến trong những năm cuối, vui với thế hệ thiếu niên, nhi đồng sinh ra, lớn lên dưới chế độ mới, vui với cái vui chung của dân tộc, với trung thu của thiếu nhi:
            "Chín tết trung thu
            Tám năm kháng chiến
            Các cháu khôn lớn
            Bác rất vui lòng"
                       
("Gửi các cháu nhi đồng nhân dịp trung thu năm 1953 - Sđd. Tr.67)

Nếu như trung thu 1951 cảnh trăng gợi nhớ:
            "Trung thu trăng sáng như gương
            Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng
            Sau đây Bác viết mấy dòng
            Gửi cho các cháu, tỏ lòng nhớ nhung"
                       
("Thư trung thu 1951)

Trí tưởng tượng trong thơ từ xưa đến nay, thường đem ánh trăng nhập vào cảnh ngộ: Vầng trăng của nỗi nhớ thương xa cách và nhiều khi trăng lại được miêu tả tạo nên những liên tưởng về không gian và thời gian. Về thời gian trăng thường là biểu tượng cụ thể của biết bao sự đổi thay. Trăng tròn rồi trăng lại khuyết, một đơn vị thời gian nhưng ý nghĩa bao quát hơn là sự trôi qua đi nhanh chóng của cuộc đời, của tuổi xuân. Trăng cũng gợi lên ý niệm về không gian. Tùy theo tư thế của con người có làm chủ mình và làm chủ thiên nhiên hay không, mà không gian mênh mông tràn ngập ánh trăng ấy là thân thuộc hay xa lạ. Trăng trong thơ Bác thường rất sáng. Trăng trung thu càng sáng hơn tạo nên không gian bao la không giới hạn:
            "Trung thu trăng sáng như gương
            Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng".

Trong điều kiện kháng chiến, Bác ở Việt Bắc xa cách nhi đồng cả nước. Cấu tạo câu thơ: "Bác Hồ" ở đầu câu, "Nhi đồng" ở cuối câu. Vị trí ấy nói lên sự xa cách ấy. "Ngắm cảnh" mà lại:"Nhớ thương" đâu phải chỉ thưởng thức trăng ("ngắm" mà "nhớ"). Trong nỗi nhớ có cả tình thương, tình thương chính là nhịp cầu nối liền khoảng cách không gian ấy. Ánh trăng thu đã chứa đựng hai hình ảnh "Bác" và "Nhi đồng" vốn xa nhau về không gian gần nhau trong bình diện tình cảm "Nhớ thương".

Trung thu 1952 Bác không nói đến trăng. Bác nói nhiều đến lòng tin và hy vọng đối với các cháu trong tương lai và mong ước của Bác trong hiện tại: "Mong các cháu cố gắng, Thi đua học và hành. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ. Tùy theo sức của mình" (Sđd.Tr.65)

Qua lời tâm tình của Bác chúng ta cũng thấy được sự lớn mạnh và diện mạo của cuộc kháng chiến vào giai đoạn cuối này. Một điều kỳ lạ, trong thơ Bác thiếu nhi cũng lớn dần, trưởng thành lên cùng với cách mạng và kháng chiến. Nếu không có sự quan tâm đặc biệt một lòng yêu thương vô bờ bến với thiếu nhi thì khó có thể nhận biết, phát hiện sự trưởng thành này:
            "Trẻ em như búp trên cành
            Biết ăn, biết ngủ học hành là ngoan"
                       
("Kêu gọi thiếu nhi" - 21.9.1941)

Các cháu đã nhận thức được nhiệm vụ của mình:
            "Cùng nhau đánh đuổi Nhật-Tây
            Anh em ta mới có ngày vinh hoa"
                        ("Trẻ chăn trâu" - 21.11.1942)

Và đã có những hành động anh dũng:
            "Cháu có can đảm
            Giơ súng dọa Tây
            Bắt nó hàng ngay
            Lấy được súng nó"
                       
("Khen tặng hai cháu liên lạc trong bộ đội chiến khu II - 8.1947)

Sau 8 năm kháng chiến các cháu đã "khôn lớn" ("khôn" về trí tuệ tư tưởng, nhận thức, "lớn" về thể chất) để có thể hiểu được những điều thần thánh, vĩ đại của kháng chiến và cùng chia sẻ với Bác. Lời thơ như là lời tâm sự của người bạn đối với người bạn về những điều cùng quan tâm:
            "Thu này hơn những thu qua
            Kháng chiến thắng lợi gấp ba bốn lần"

Hòa bình lập lại, nhưng nửa nước còn đau thương. Lòng Bác luôn luôn hướng về đồng bào Miền Nam, về các cháu thiếu nhi Miền Nam. Thơ Bác viết cho thiếu nhi bao giờ cũng nồng ấm chứa chan: "Cháu yêu" "Nhớ thương" - "Bác hôn các cháu"... nhưng với thiếu nhi Miền Nam sắc thái tình cảm ở dạng thức, biểu đạt cao nhất: "Nhớ thương các cháu vô cùng" và lòng tin, hy vọng lớn hơn: "Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi". Bởi vì trong giai đoạn rực lửa hơn, anh hùng hơn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; thiếu nhi cũng vươn lên, lớn hơn xứng đáng với kích thước tầm cỡ của dân tộc.

Hồ Chí Minh là một nhà thơ của thiếu nhi và Bác không chỉ là một nhà thơ lớn. Bởi vì cuộc đời của Người đã là một bài thơ bài thơ lớn nhất trong tất cả các cuộc đời. Sau khi Bác từ trần có cả một vườn thơ khóc Bác với những cung bậc khác nhau, quy mô khác nhau của nhiều lứa tuổi, nhiều thế hệ. Nhưng cảm động và thiết tha nhất là thơ khóc Bác của thiếu nhi. Thiếu nhi có thơ khóc Bác khá sớm: "Cháu thề phấn đấu suốt đời" (Trần Đăng Khoa - 4.9.1969):
            "Cháu buốt ở tim này
            Chỗ đeo tang suốt đêm ngày Bác ơi
            Cháu không nói được nên lời
            Cháu ngồi, cháu khóc đất trời đổ mưa"
                       
("Cháu thề phấn đấu suốt đời" - Trần Đăng Khoa - "Hành quân theo đường Bác" - Nxb.QĐND 1980 - Tr.117).

Chủ tịch Hồ Chí Minh trường sinh cùng lịch sử: "Đối với chúng ta Hồ Chủ tịch là một người không bao giờ chết. Vì rằng: Đối với mọi người có ý thức về lẽ sống. Tên tuổi của Người sẽ luôn luôn sống mãi trong lịch sử sống còn và vinh quang của nước nhà, trong lịch sử tiến bộ của loài người. Vì đời của Người là một sự SỐNG vĩ đại. Vì sự nghiệp của Người là sự nghiệp của sự SỐNG, là sự nghiệp bảo vệ sự SỐNG, bồi dưỡng sự SỐNG, làm cho sự SỐNG có ý nghĩa hơn, ĐẸP hơn..." ("Chúng ta nhớ mãi..." - Đặng Thai Mai - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam -Báo "Văn Nghệ" số 308 ngày 10.9.1969 - Tr.13).

Tên Người đã thành tên thời đại, tên đất nước. Người đến với tuổi nhỏ, với thiếu nhi bằng tình thương lớn, mênh mông như biển cả. Người trở thành nguồn thơ lớn của thiếu nhi, là nguồn thơ không cạn của thiếu nhi cũng là lẽ thường tình.

Thị xã Quảng Ngãi tháng 2-1999
V.V.K
(127/09-99)


 

Các bài mới
Những cánh cửa (19/11/2009)
Khe cửa hẹp (18/11/2009)
Các bài đã đăng