Tạp chí Sông Hương - Số 127 (tháng 9)
Ca kịch Kim Sanh một thời vang bóng
10:13 | 17/11/2009
PHAN THUẬN ANĐa số các thế hệ trẻ sinh từ khoảng năm 1950 trở về sau không biết loại hình nghệ thuật biểu diễn KIM SANH là gì, mặc dù hậu thân của nó vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Ca kịch Kim Sanh một thời vang bóng
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An - Ảnh: cuocsongviet.com.vn

Ở chân núi Ngự Bình đang có một ngôi mộ với tấm bia đề "Hoàng Trọng Đồng, tự Kim Sanh, ... sinh ngày 15 - 7 Kỷ Hợi (1899), mất ngày 15 - 7 Đinh Mão (1987)".

Với tên tự là Kim Sanh, người nằm dưới ngôi mộ này chính là người có công sáng tạo ra loại hình nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu Huế một thời, thường được gọi là "ca Kim Sanh". Thật ra, trong hình thức biểu diễn  của "gánh ca Kim Sanh" hồi trước, ngoài ca Huế, còn có nhạc và kịch nữa.

Ông Hoàng Trọng Đồng sinh năm 1899 tại làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên. Ông là em ruột của Bà Từ Cung (Đoan Huy Hoàng Thái Hậu); trưởng thành dưới thời Khải Định (1916 - 1925) và Bảo Đại (1926 - 1945).

Với chức Tam đẳng thị vệ, ông làm việc cạnh Hoàng gia trong Đại Nội, nhưng nhà riêng thì ở tại cạnh An Định Cung bên An Cựu. Ông thuộc hàng võ quan, nhưng sở thích và sở trường của ông lại là thơ ca và âm nhạc. Thường có dịp được dự xem những buổi hát bội trong Duyệt Thị Đường ở Hoàng cung, ông rất rành về tuồng tích và nghệ thuật biểu diễn ca nhạc kịch truyền thống Huế.

Là em vợ của vua Khải Định, ông Hoàng Trọng Đồng đã được nhà vua cho tháp tùng Hoàng Thái tử Vĩnh Thụy trong thời gian đầu qua du học tại Pháp từ năm 1922 đến năm 1925. Trong những năm đó, ông có cơ hội tìm hiểu về ca nhạc kịch Opéra tại Paris.

Bấy giờ, ông cũng đã quan tâm nghiên cứu về các loại hình ca nhạc kịch sân khấu truyền thống khác của nước ta, như hát chèo ở ngoài Bắc và cải lương ở trong Nam.

Sở dĩ ông bỏ công ra để tìm hiểu như thế là vì từ lâu trước đó, ông đã thao thức, trăn trở về một ước mơ hết sức tốt đẹp của mình là đưa ca Huế lên sân khấu và nâng nó lên thành một bộ môn ca kịch, tương tự như hát chèo, cải lương.

Vào thời đó, ông nhận thấy bộ môn hát bội thật khó dùng để phổ biến tâm tư tình cảm một cách rộng rãi trong quảng đại quần chúng, vì hầu hết lời hát trong các vở tuồng đều dùng chữ Hán. Hơn nữa, muốn phản ánh những sinh họat trong xã hội mới đương thời mà dùng hình thức biểu diễn của nghệ thuật hát bội thì có nhiều cái không còn thích hợp nữa.

Sau một thời gian dài tìm hiểu và đắn đo, ông Hoàng Trọng Đồng đã hạ quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực vào khoảng những năm 1936 - 1937 và vở diễn đầu tiên được đưa lên sân khấu vào năm 1938.

1936 - 1937 là thời gian chuẩn bị. Trước hết, ông dùng các làn điệu ca Huế và nói lối để biên soạn ra hai vở tuồng ca kịch đầu tiên là "Thói đời đen bạc" và "Tình là dây oan". Soạn xong, ông đưa cho hai vợ chồng người em kế của ông xem. Đó là ông Hoàng Trọng Cảnh, người chơi đàn nguyệt rất giỏi và có biệt tài về đạo diễn, tổ chức và giao tế; và bà Lê Thị Băng Tâm, một phụ nữ trẻ đẹp, ca hay và rất điêu luyện trong diễn xuất. Bà Băng Tâm thường được người Huế trước đây gọi là "cô Vàng Em", vì bà còn có người chị kế được gọi là "cô Vàng Chị".

Sau khi đọc xong bản thảo của hai vở tuồng, hai vợ chồng ông Cảnh rất tâm đắc. Thế là họ đi tìm chọn các ca sĩ diễn viên và các nhạc công để tập dượt. Các ca sĩ được mời chẳng những phải trẻ đẹp, ca hay mà còn phải diễn giỏi. Nhưng, tất nhiên, trong vở tuồng nào cũng có vai nam. Bấy giờ, đàn ông rất ít người ca Huế (cũng như bây giờ), cho nên trong các vở, các nữ ca sĩ thường phải đóng vai nam.

Trong vở "Tình là dây oan", bà Băng Tâm đóng vai kép chính: Đông Kha. Cô Lan, người chị đầu của bà Tâm, đóng vai ông lão. Cô Nàng Chị đóng vai bà già. Cô Hồng Lê đóng vai đào chính: Lệ Nương. Cô Hồng Lê vẫn còn nỏi tiếng mãi đến sau này. Năm 1986, từ Hà Nội, cô có trở về thăm ông Hoàng Trọng Đồng ở Huế.

Ba nhạc công chủ chốt của sân khấu Kim Sanh bấy giờ là ông Khóa Thiện (chơi đàn nguyệt), ông Bát Lư (đàn nhị) và ông Quýt (đàn gáo).

Tập xong vở thứ nhất, họ vui mừng và hăng say tập vở thứ hai (Thói đời đen bạc). Bà Băng Tâm đóng vai kép Mậu Sanh. Cô Hồng Lê đóng vai đào Kim Hoa. Chính trong vở ca nhạc kịch này, lần đầu tiên các ca sĩ và nhạc công tập dượt một bài bản ca Huế mới, với làn điệu tươi vui, do ông Đồng vừa sáng tác: Đoản xuân.

Thế là đoàn biểu diễn nghệ thuật của họ chính thức ra đời với cái tên "Gánh ca Huế Kim Sanh" (tên tự của người sáng lập), về sau đổi thành "Đoàn Ca kịch Kim Sanh".

Đoàn bấy giờ, ngoài các nghệ sĩ nói trên, còn có họa sĩ Lê Ngoan (vẽ phông cho các vở diễn), Vũ Đức Duy, cháu gọi ông Đồng và ông Cảnh bằng cậu ruột (về sau trở thành nhà soạn kịch và diễn viên xuất sắc trên sân khấu và truyền hình), Châu Kỳ (về sau trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng qua những bài hát tân nhạc viết về Huế) và nhiều nghệ sĩ khác được tuyển thêm từ Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên.

Dù tự tin, nhưng hai anh em ông Đồng và Cảnh vẫn rất thận trọng. Vào năm 1938, sau khi chuẩn bị mọi thứ xong xuôi và trước khi ra mắt khán giả ở kinh đô, họ đưa gánh hát về diễn thử ở làng Giạ Lê, cách Huế khoảng 7 km. Thành công ngoài sức tưởng tượng, họ đưa đoàn lên diễn thường xuyên tại rạp Đồng Xuân Lâu (còn gọi là rạp Bà Tuần) ở trung tâm Huế. Đoàn Kim Sanh được hâm mộ càng ngày càng rộng rãi trong quần chúng ở chốn kinh kỳ, và có những khi được mời vào diễn ở Duyệt Thị Đường cho hoàng gia và triều đình xem.

Sau khi đạt được kết quả bước đầu, soạn giả Hoàng Trọng Đồng trong tâm trạng phấn chấn đã soạn thêm hơn 30 vở ca kịch khác nữa. Về nội dung, ông dựa vào những chuyện lịch sử, dã sử hoặc thực trạng của sinh hoạt xã hội đương thời để xiển dương đạo lý làm người và gửi gắm tâm sự đau buồn, uất hận của một dân tộc đang bị mất nước. Những  vở nổi tiếng nhất của ông là Phụng Nghi Đình, Quan Công đại chiến Bàng Đức, Xử án Bàng Quí Phi, Bồng Lai hiệp khách, Giọt máu rơi, Tòa án lương tâm, Tù vượt ngục, Quan Âm Thị Kính... Một số nội dung và câu chữ động trời văn trong các vở kịch của ông đã bị chính quyền "Bảo hộ" Pháp kiểm duyệt rất gắt gao, nhưng sân khấu Kim Sanh thì càng lúc càng được các tầng lớp nhân dân biết đến và yêu thích. Nó phát triển mạnh dần.

Sau khi diễn nhiều lần tại một số tỉnh miền Trung từ Huế trở vào năm 1942 đoàn Kim Sanh mở một chuyến lưu diễn ra phía Bắc: diễn tại Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng và Hà Nội. Năm 1943, đoàn trở về diễn ở rạp Đồng Xuân Lâu.

Qua những biến động của thời cuộc từ năm 1945 trở đi, đoàn bị ảnh hưởng, nên vào năm 1950, chỉ còn lại khoảng 20 người và diễn không thường xuyên như trước kia nữa.

Từ năm 1954 trở đi, sở thích thưởng thức nghệ thuật sân khấu của giới trẻ đã có khuynh hướng nghiêng về cinéma, thoại kịch và chương trình tân nhạc. Thế hệ lớn tuổi thì thích coi thêm các gánh cải lương đã phát triển về mọi mặt từ đề tài sáng tác đến kỹ thuật âm thanh, ánh sáng... từ trong Nam thi nhau kéo ra diễn ở miền Trung.

Dù bị cạnh tranh ráo riết, đoàn Kim Sanh vẫn thỉnh thoảng trình diễn tại rạp Đồng Xuân Lâu. Và đoàn ngưng hoạt động hẳn sau lần trình diễn cuối cùng tại rạp hát Hòa Bình ở Đà Nẵng vào năm 1956.

Trong gần hai thập niên hoạt động với tài nghệ và tâm huyết của một tập thể những người tài hoa, mà công lao lớn nhất là của ông Hoàng Trọng Đồng và hai ông bà Hoàng Trọng Cảnh, đoàn Kim Sanh đã vang bóng một thời và đã để lại trong lòng biết bao khán giả mộ điệu những cảm tình đặc biệt.

Ông Hoàng Trọng Cảnh đã mất vào năm 1972 và ông Hoàng Trọng Đồng qua đời năm 1987, đều tại phủ "Nghi Quốc Công Từ", được thờ ở đó và chôn gần nhau ở chân núi Ngự Bình. Bà Băng Tâm đã trên 80 tuổi, đang sống tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Dù họ đã chết hay còn sống, gánh hát Kim Sanh, đứa con tinh thần của họ, cũng đã hóa thân phần nào vào trong đoàn ca kịch Huế hiện nay.

Là một loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo của Cố đô, ca kịch Kim Sanh cũng là một di sản trong kho tàng văn hóa phi vật thể của Huế. Bài viết ngắn này chỉ cung cấp một số thông tin về "Kim Sanh" qua tìm hiểu bước đầu. Còn nhiều vấn đề liên quan nữa, chắc hẳn cần phải nghiên cứu sâu hơn.

Sau cùng, chúng tôi xin tỏ lòng biết ơn đối với bác sĩ Hoàng Thế Định và anh Hoàng Thế Hiệp, những người con của cụ Hoàng Trọng Đồng, đã cung cấp nhiều thông tin rất hữu ích để viết bài này.

P.T.A
(127/09-99)





 

Các bài mới
Những cánh cửa (19/11/2009)
Khe cửa hẹp (18/11/2009)
Các bài đã đăng
Thì... Là... (16/11/2009)