Tạp chí Sông Hương - Số 127 (tháng 9)
Người đàn bà bước ra từ trong truyện
16:13 | 23/11/2009
NGUYỄN BẢNHắn đến tôi, mặt thẫn thờ ngơ ngác như người vừa mất của. Tôi hỏi ngay:- Có chuyện gì vậy?- Không, không có chuyện gì.
Người đàn bà bước ra từ trong truyện
(Ảnh: Internet)

Tôi đang định trách, hắn đã nói tiếp:

- Ông có tin chuyện người từ trong tranh hiện ra ở chùa Bích Câu là có thật không?

Sao hắn lại hỏi thế, hắn đang mơ mộng cái gì đây. Hay hắn đang bắt đầu sám hối về tội vô thần. Tôi hỏi:

- Con người ương ngạnh bắt đầu có tín ngưỡng rồi ư? Tôi cứ ngỡ ông vừa mất của.

- Không, chưa mất, nhưng đang tương tự đây.

Tôi ngạc nhiên nhìn vẻ mặt thành thật đến hồn nhiên của hắn, không kìm được một câu bỡn cợt:

- Tương tư? Ở lứa tuổi này ư, thưa quý ông?

Rồi nói tiếp:

- Thời buổi này, chỉ còn tương tư trong cải lương thôi.

Hắn nhận ra tôi không hoàn toàn có ý định bông đùa, nhưng vẫn thế:

- Nhưng tương tư thật mà... Ôi, trước đây mình vẫn cho là người ta bịa đặt... Đây này!

Rồi hắn cho tôi xem tấm ảnh chụp chung tại phòng ngoài nhà hắn với một người đàn bà trẻ, ăn mặc giản dị, với dáng đứng cả quyết, khuôn mặt thông minh, nụ cười kiềm chế, đôi mắt mung lung nhưng đầy vẻ tự tin. Tôi vừa ngắm nhìn người đàn bà vừa hỏi hắn:

- Có nghĩa người đàn bà này từ trong tranh bước ra chụp ảnh chung với ông? Bây giờ người ấy đâu rồi?

- Đi rồi.

- Cứ như truyện của ông ấy.

Tôi trả lại tấm ảnh, vô tình lật mặt sau: “Tặng nhà văn thân thiết nhất của em”. Chữ đứng, nét bút khoáng đạt.

- Từ bao giờ?

- Mới đây thôi, chừng một tháng.

- Người thực thế nào?

Hắn lại ngơ ngác:

- Người thực ư? Tôi chẳng nhớ gì nữa. Cứ như sau một giấc mơ.

Hắn bảo, nàng vừa đi khỏi là hắn chẳng còn nhớ được gì nữa, cố thế nào cũng không được, ngày đêm lúc nào cũng nhớ, lúc nào cũng khao khát được nghe lại giọng nói, được nhìn lại miệng nàng, mắt nàng, tóc nàng, thân hình nàng, mọi thứ đã trở nên hết sức thân thiết trong đời hắn, nhưng lại cũng vô cùng hư ảo, xa xôi. Hắn bảo ngày xưa người ta có thể ốm, chết vì tương tư, hắn không ngờ đến nỗi thế nhưng cứ nhớ mong thế này, hắn không thể làm nổi việc gì, hắn có thể mụ người đi, thẫn thờ, lú lẫn. Vì vậy hắn bất đắc dĩ nhận dịch liền mấy cuốn truyện thuộc công chúng loại ba, chừng sáu trăm trang, để vùi đầu vào bàn viết, ê ẩm rã rời, để đỡ nhớ nhung, đồng thời để có tiền vào Nam thăm người đàn bà như đã hẹn.

Tôi chợt nhớ có lần bảo hắn bỏ bức tranh “NGƯỜI ĐÀN BÀ XA LẠ” trước bàn viết của hắn: “Đừng treo, ám đấy, mấy đứa bên Nga về đều nói bọn Nga cũng bảo thế!”. Bây giờ không phải là tranh nữa, mà người thực mất rồi. Hắn đã treo nó trong đầu hắn. Hắn đang say sưa khốn khổ và sẽ còn khốn khổ trong sự say sưa. Tôi vỗ vai hắn ái ngại:

- Ôi, con gà trống tây khốn khổ, văn chương nghệ thuật nó vận vào người như thế đó!

Hắn là bạn viết của tôi. Tôi quen hắn từ cuộc hội thảo truyện ngắn cách đây hơn ba chục năm ở báo Văn học. Tôi nhớ mãi câu hắn nói: “Tôi không thích ghi chép, tôi không viết về cái gì phải ghi chép mới nhớ nổi, tôi chỉ viết cái gì muốn xua ra khỏi ký ức, muốn đẩy khỏi tâm hồn cũng không xua đẩy nổi”. Bây giờ thì muốn nhớ mà không nhớ nổi, phải hành xác để tạm quên. Rồi tha hồ được buồn, cho thấm đậm thêm cái tạng buồn của hắn. Nhiều người bảo truyện nào của hắn cũng buồn, niềm vui nào cũng xen nỗi buồn, cái đẹp nào cũng thấp thoáng buồn. Còn tôi thì nói thẳng hắn bị trời đầy. Thường hắn chỉ cười chống chế qua loa, biết làm thế nào, cuộc đời vốn dĩ buồn nhiều hơn vui, cộng lại những niềm vui được mấy chốc. Công bằng mà nói, bên trong những cái buồn của hắn, luôn luôn khuất lấp nỗi ấm ức muốn vươn tới điều gì tốt đẹp hơn, sáng sủa hơn.

Tôi thân với hắn, nhiều đêm thức trắng trò chuyện với nhau, đồng tình cũng nhiều, bất đồng cũng lắm, nhất là về vấn đề tâm linh và tín ngưỡng. Hắn nói, thời thanh niên hắn rất thích tới thăm chùa chiền miếu mạo, và thường chỉ một mình hoặc nhiều lắm cùng vài ba người, lâu nay thôi rồi. Hắn nói chùa chiền là phải râm mát, rêu xanh, không sắc, không màu, phải tuyệt đối yên tĩnh, tiếng mõ phải trầm tư, để thư thái tâm hồn, để lặng lẽ suy ngẫm về lẽ buồn vui, sướng khổ, bây giờ rực rỡ quá, nhiều sắc màu quá, ồn ào quá, chợ búa quá, hắn không chịu nổi, vì hắn không tín ngưỡng hắn ghét tín ngưỡng. Tôi cãi: “Nhưng tín ngưỡng là nhu cầu của đời sống tâm linh, là những nghiệm xã hội học đã được rút gọn mỹ mãn và hữu tỉ hóa ở cả phần mẫu số. Đó là một trường số thực R hoa. Một con ruồi cộng một tín ngưỡng cũng đủ sức mạnh xô ta dúi dụi, khi ta thất tình, ta vỡ mộng, ta đau khổ, ta bế tắc”. Hắn trả lời: “Thế ư, vậy khi nào tôi thất tình, tôi vỡ mộng, tôi sẽ cố gắng để khỏi lọt nhầm kênh của những con ruồi”. Rồi cười nói tiếp: “Tôi là kẻ vô thần nên không kiêng ngũ giới, chỉ giới tửu khỏi bị đau dạ dày và nói nhảm, viết nhảm khi say”. Không thể nói hắn quá tự tin hay chỉ quá ngay thẳng. Người vợ cũ của hắn nói:

- Anh không thể làm tình báo hay điều tra viên được.

- Sao thế, em bảo anh gan dạ và thông minh kia mà.

- Nhưng lúc thức, anh không biết che giấu, ngủ, mơ nói, anh cũng tuồn tuột ra hết.

- Cũng tùy thôi, nếu ngoại tình thì không đâu.

- Eo ôi, sợ quá nhỉ, nhưng anh chả bảo chúa đã gắn chiếc màng trinh trên trán anh rồi sao?

Đúng là hắn đã nói vợ hắn như thế. Nhưng vợ hắn không hiểu điều hắn muốn nói, và chẳng bao giờ hiểu nổi.

Dăm năm đầu chung sống, có lần vợ hắn bảo: “Sau này con lớn, em sẽ bảo với chúng bố con là một con đại bàng gãy cánh, bố con chỉ bay lên chứ không chịu bò lên”. Nhưng rồi trước những lo toan quẩn quanh nghiệt ngã của cuộc sống, vợ hắn luôn trách hắn: “Sao anh cứ đi lo việc triều đình!”. Với vợ hắn, câu hỏi “Tồn tại hay không tồn tại” phải đặt nghĩa đen lên hàng đầu. Vợ hắn mua về một con lợn con và năm con gà tây con. Vợ hắn bảo, các gia đình cán bộ quanh đây đều nuôi cả. Một con gà trống tây lắm thịt và có dư vị ngọt ngào hơn một con đại bàng gãy cánh. Hắn rên lêu: “Trời ơi, thế này thì rồi tôi cũng đến thành lợn và gà tây mất”. Dần dần, hắn bị mất tên, cả đơn lẫn kép, cái tên bố mẹ đặt cho hắn và vẫn cái tên ấy trong vài ba truyện ngắn đầu tay. Người lớn hỏi: “Ông Thúy ơi, bà ấy có nhà không?”. Trẻ con gọi: “Chú Thúy ơi, gà tây nhà chú ra tít ngoài đồng đấy!” Hắn chẳng buồn cải chính. Được ích gì? Mà thật ra cần gì. Tuy vậy không phải đôi khi hắn không muốn hét lên: “Tên tôi là X.X...” Hắn không thể chai lỳ mặc mọi người gọi: “Ông Thúy” “Chú Thúy”. Nhưng người ta đâu có ác ý. Người ta cần bà bác sĩ Thúy hơn. Hắn ê ẩm bán khoán cái tên hắn để lấy sự bình yên. Biết làm thế nào, người ta đang sống trong thời buổi mà câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại” thường đặt ra sát mặt đất.

Một hôm vợ hắn đi làm về, hỏi hắn:

- Ngành lấy người đi chuyên gia, mình có đi không?

Hắn sốt sắng:

- Đi chứ.

- Nhưng tiếp Pháp, tiếng Anh, em chỉ lõm bõm ở đệ thất (lớp 6).

- Không lo, anh sẽ dạy sau, I will teach you. Mấy bài Infant deseases, Baby deseases (*) ấy, anh sẽ dịch ra rồi dạy em

Hôm sau, vợ hắn mang về một hồ sơ mẫu bảo hắn:

- Đây, anh làm hộ em đi, chiều phải trả rồi.

- Nhưng phải chữ em mới được chứ.

- Anh cứ làm đi, rồi em chép lại.

- Sáng nay anh bận, tối em về cùng làm.

- Không được, chiều phải trả để chuyển cho người khác.

- Nhưng sáng anh bận không làm được.

- Vậy thôi không đi nữa nhé.

Cái ý nghĩ vẫn găm sâu trong lòng hắn từ lâu chợt nổ tung ra:

- Thế cô tưởng tôi hớp mấy cái xe máy cô sẽ mang về hay sao. Tiền tài, địa vị, hư danh, đối với tôi điều là... như nhau cả (hắn dùng một từ rất tục). Tôi chỉ muốn xa nhau ra dăm ba năm, để tôi được thoát xác, vậy thôi, cô có hiểu không?

Phải đợi chia tay nhau, phải đau đớn nỗi đau “Tồn tại hay không tồn tại” với cái nghĩa chân xác đến tận cùng của nó, hắn mới chứng minh được là hắn, chứ không phải chú gà trống tây, là X.X..., giản dị, chứ không là “ông Thúy”. Ấy thế mà mới năm ngoái thôi, vẫn có một chàng thanh niên hỏi hắn:

- Trông chú quen quá, chú là chú Thúy phải không ạ?

Câu hỏi quá đột ngột, vì hơn chục năm rồi, không ai hỏi hắn như thế nữa, khiến hắn hơi lúng túng:

- Chú Thúy ư?... Thôi cũng được... nhưng sao biết?

- Ngày xưa, cháu ở gần nhà chú mà, có lần cháu còn săn gà tây hộ chú, chú không nhớ ư?

Hắn làm sao nhớ nổi những ai săn hộ hắn gà tây, những ai từng gọi hắn là ông Thúy. Mà thật ra, với họ, giữa con gà trống tây sát mặt đất, và con chim gãy cánh chao đảo ở trên cao, lúc này, lại càng chẳng con nào đáng chú ý hơn con nào. Người ta còn chẳng đủ sức để bận tâm đến bất kì điều gì qúa vài ba ngày, dù đó là mãi dâm, ma túy hay tham nhũng cửa quyền, bạc tỷ hay mấy nghìn tỷ cũng thế cả thôi, dù người ta vẫn phải vác cái chai con đi mua năm trăm nước mắm chịu. Con ốm, người ta vẫn phải mang đến nhà bác sĩ Thúy, mát mẻ, sạch sẽ, cẩn thận hơn, kinh nghiệm hơn và đỡ tốn kém hơn ít nhất cũng đỡ mất tiền gửi xe đạp, xe máy. Ngoài đường, không muốn nghe tiếng loa con cũng mở hết công suất, giọng the thé, đến chói tai: “Đón đọc báo... Mối tình tay tư của cô gái mắc bệnh si - đa...”, “Công nghệ tiên tiến keo dính chuột... nhiều kẻ làm hàng giả...”, phần nào muốn át cả chiếc loa to của ô tô quảng cáo đêm ca nhạc đặc biệt: “Ấn tượng ba con chuồn chuồn!” Cuộc sống vẫn cứ thế. Câu hỏi “Tồn tại hay không tồn tại” không sát mặt đất nữa, mà lửng lơ vừa hồn nhiên, vừa chai sạn hơn.

Ông cán bộ về hưu, láng giềng của hắn, đã từng học đại học văn hóa quần chúng ở Nga về, còn hồn nhiên hơn, hằng ngày đeo mục kỉnh bán thuốc lá bao đại lý, vừa ghi chép kín đặc một quyển vở học trò quy luật đi về của xổ số, một lần lân la sang hỏi hắn:

- Ông viết như thế mỗi truyện được bao nhiêu?

- Thường thường độ ba trăm.

- Thế thôi ư?

Ông nở nụ cười thông cảm, bằng một giọng chân tình bảo hắn:

- Tôi bảo này, tôi nghiên cứu hết sức chính xác, ông cứ bỏ ra độ một trăm, nghe tôi đánh, mỗi tháng ít nhất cũng được ngần ấy, đỡ mệt đầu.

- Vậy sao ông không đánh, kiếm tiền tiêu?

Ông nhăn nhó

- Ông biết đấy, mụ vợ tôi quản lý hết tiền...

Hỏi vậy thôi, làm gì hắn không nhớ có lần ông ta sang xin hắn năm trăm (chưa được hai điếu thuốc Vina) vì đang kết một con gì đó. Thế đấy, hắn chán nản vứt bút, khóa cửa, đến chơi nhà một cô giáo dạy văn cấp ba, quen hắn. Cô giáo hỏi:

- Dạo này anh vẫn viết đấy chứ?

- Duyên nợ, bỏ sao được.

Cô chép miệng:

- Ừ, thôi cũng đỡ buồn, thực ra phù phiếm cả, có thay đổi được cái gì đâu.

Cũng đỡ buồn ư? Phù phiếm cả ư? Mỗi lần viết bao nhiêu đêm mất ngủ. Nhân vật quẫy cựa tuột khỏi tay mình, hờn dỗi, dè bỉu mình. Bắt đầu viết hăm hở, đam mê bao nhiêu, giữa chừng dày vò, day dứt, bất lực bấy nhiêu. Mình đang làm cái gì thế này? Không cuộc sống khác cơ, thân phận con người không phải như thế. Mười lần viết vứt đi dăm bảy lần, thậm chí tám chín lần. Nghiến răng vò nát bản thảo như vò xé trái tim mình chỉ để đỡ buồn và chơi trò phù phiếm ư?

Nếu phù phiếm thì cần gì phải thoát xác, thoát xác để làm gì? Việc hắn trở lại với cái tên X.X... mộc mạc chẳng lẽ lại là chuyện hư danh, chẳng lẽ khi hắn đau nỗi đau khi mang tên “ông Thúy” lại là chuyện hư danh. Con chó còn có cái tên của nó. Không, đấy là chuyện liên quan đến Hamlet, đến thật và giả. Gần đây thôi cả tôi và hắn ngồi trong một quán ăn, hầu hết khách ăn là người viết. Ai đó nhắc đến mấy chuyện được giải thưởng của hắn. Hắn bảo giải thưởng nếu được công chúng ghi nhận thì cũng quý, nếu không cũng chỉ là của một ban giám khảo hạng vừa. Một kẻ ngồi chéo hắn một bàn, trợn đôi mắt ốc nhồi lên trơ tráo nói vỗ vào mặt hắn: “Nhưng nó là chiếc đai quần đấy ông bạn ạ, không có nó cái quần sẽ tụt!” Chao ôi, hắn đã phải khó khăn lắm mới giữ nổi cái màng trinh trên trán để khỏi phải ngoại tình, mà kẻ đó lại xem như cái quần và chiếc đai quần, thì cũng chẳng nên trách ông hàng xóm và cô giáo bạn hắn làm gì.

Điều khiến hắn luôn phải tự nhắc nhở là đừng viết cái gì để ai đó bảo: “Dạo này X.X... viết nhảm rồi!” Tất nhiên người đọc cũng có dăm bảy hạng. Hắn biết người đọc hắn không nhiều, nhưng đã đọc thường quý hắn. Điều đó khiến hắn phần nào yên tâm. Một độc giả do không biết địa chỉ, nhờ một tạp chí chuyển hộ cho hắn bức thư, cuối thư viết: “Xin ông biết cho, có một nông dân tuy ở xa ông mấy nghìn cây số, ở tận cùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc rất kính trọng ông qua truyện đó”. Một số người tìm đến tận nhà, trong số đó có một nhà văn ở Sài Gòn. Hắn rất cảm kích vì biết anh đã viết một bài về tập truyện của hắn, là cũng nghe nói vậy thôi chứ viết thế nào hắn đâu có biết. Anh cho biết anh được đọc tập truyện là do một nữ độc giả, giảng viên khoa sử một trường đại học cho mượn, rồi nghiêm nghị như thể căn dặn hắn:

- Anh biết không, cuốn sách đã được cô ấy đóng bìa cứng và bọc gáy rất trân trọng.

Quả thực hắn hết sức sung sướng, nhưng không đến nỗi không tin ở tại mình. Ông bạn đọc ở Tây Nam chẳng nói về truyện đó sao. Rồi cậu công nhân cơ điện thỉnh thoảng ngủ trông nhà hộ hắn mà cô vợ, một cô giáo dạy văn cấp hai vẫn thường bảo chồng mình phải lòng hắn, cậu ta cũng nhất mực cho rằng truyện đó đứng hàng đầu trong những truyện hắn viết, mặc dầu nó không được giải thưởng như những truyện kia, mặc dầu đó là một truyện phạm quy, thừa chữ và chỉ được giải trưng cầu ý kiến độc giả, một giải còm nếu tính theo tiền. Nhiều người thích, nhưng trân trọng tới mức như người nữ độc giả này, quả hắn chưa dám mơ tưởng tới. Hắn đón nhận việc đó như niềm vui lớn lao nhất trong đời viết của hắn. Có được một bạn đọc như thế cũng đủ đáng viết, đáng sống với bất cứ giá nào để viết lắm rồi. Niềm vui qúa lớn, khiến hắn không thể không tự hỏi: “Thật ra có xứng đáng như thế không? Hay đây chỉ là sự bốc đồng dẫn đến ngộ nhận? Ở đời, không thiếu những ngộ nhận như thế. Hắn sợ nhất là mắc phải chuyện tự phỉnh nịnh mình, một điều lố bịch nhưng lại rất khó nhận ra. Con người thường thích nhổ xa hơn bóng mình là như thế.

Dẫu sao, việc đó cũng làm cho hắn thực sự xúc động và cảm thấy như tìm được một người đồng điệu. Anh bạn Sài Gòn chỉ kể qua về người nữ độc giả này. Nàng có một con, đã ly hôn, hiện phải ở tận tầng chín, tay chồng cũ rất giàu. Về phía hắn không tiện hỏi thêm, anh bạn nói tên thì nhớ tên, không biết họ, cũng chẳng biết dạy ở trường nào, Sư phạm hay Tổng hợp, địa chỉ thế nào. Tóm lại khi anh ra về, hắn chỉ nắm được mỗi cái tên và mấy chi tiết đã ly hôn, ở tầng chín... nhưng tất cả đều in đậm trong lòng hắn. Nàng như thế nào nhỉ? Hắn luôn cố hình dung ra người đàn bà này. Nàng giống ai trong số nhân vật đàn bà trong truyện của ta? Nàng yếu đuối hay... vừa mới nghĩ tới đấy hắn đã vội gạt đi, không, nàng không thể yếu đuối. Nàng mạnh mẽ và hết mình như cô gái đánh xe ngựa ư? Không, nàng là trí thức, nàng mạnh mẽ kiểu khác. Nàng có tuyềnh toàng thích bỏ dép đi chân không trên bờ cỏ bờ đê không? Mắt nàng thế nào? Có hay ngơ ngác không, có mang nét tìm kiếm, đam mê và xóa nhòa không? Có hay khóc không? Người nàng thon nhỏ... Ồ, không... hình như nàng giống tất cả, lại chẳng giống ai... trí tưởng tượng của hắn trở nên nghèo nàn và hoàn toàn bất lực. Mà thôi, cái chính là nàng đã không nhìn hắn như một con gà trống tây lắm thịt, lại còn như tung một tấm thảm hoa lên không trung cho hắn. Chắc chắn nàng tinh tế, sâu sắc, và vô cùng nhạy cảm. Hắn mong có dịp được gặp nàng. Nhiều lần hắn định vào Sài Gòn tìm gặp, nhưng lại sợ... biết đâu lại trở thành vu vơ quá, biết đâu sự thật lại chẳng hề giống như nó tỏ ra thi vị. Vốn đã từng là con chim gãy cánh, chưa hết sợ cành cong, hắn đành âm thầm ôm ấp cái tên ở trong lòng.

Ai ngờ, gần bốn năm sau, hắn đã gặp may, một giấc mơ hoa đến với hắn vào một ngày đẹp trời.

Hôm ấy, lẽ ra hắn ở lại Hà Nội. Con hắn bảo: “Bố có cái giấy mời, có cả tiệc đứng đấy”. Nhưng dự báo thời tiết báo có gió mùa đông bắc và có mưa. Hắn ngại mưa, không ở lại. Mưa đêm thôi, và trời đất như cũng muốn một lần chiều một kẻ luôn không gặp may, ngày hôm sau là một ngày quá đẹp trời, hơi se lạnh, giữa xuân mà cứ như một ngày đầu thu. Hắn đang đun nước ở nhà trong, nghe có tiếng gọi ngoài cửa. Hắn ra ngay. Một cô gái, thoạt đầu ngỡ cô gái thu tiền điện, nhưng không phải, một giọng miền Bắc hơi có vẻ rụt rè:

- Đây có phải nhà của nhà văn X.X.. không ạ?

- Vâng, tôi đây.

Hắn mời ngồi, rồi pha trà, cô gái bảo chàng thanh niên cùng đi, có lẽ người nhà:

- Em phóng xe đi chơi đâu đó, uống cà phê, độ vài tiếng hãy quay lại để chị ngồi nói chuyện.

Một câu hỏi thoáng qua trong đầu hắn: Ai nhỉ? Một bạn đọc mới đọc truyện “Vô danh” của hắn? Một nhà thơ trẻ, một nhà văn trẻ muốn làm quen? Nghĩ vậy, hắn mời nước rồi hỏi ngay:

- Xin lỗi, cô ở...

Cô gái ngập ngừng:

- Em ở Sài Gòn ra.

- Huệ phải không?

Cái tên gần bốn năm trời ấp ủ trong lòng hắn bật ra ngoài ý muốn của hắn. Cô gái trước mặt hắn cũng ngớ người ra

- Vâng, em đây, nhưng sao anh biết?

- Linh tính đấy! Mà đã từ Sài Gòn ra thì chỉ có em thôi. May quá, suýt nữa anh bỏ mất một cơ hội, có lẽ chẳng bao giờ có nữa - Hắn như reo lên - Phải nói là mấy lần may!

Hắn kể lại chuyện cái giấy mời và gió mùa đông bắc.

- Em còn may hơn. Bao nhiêu người gàn em, biết đâu mà tìm, em hỏi một chị ở truyền hình biết anh, đã từng đến nhà anh, chị ấy bảo khó tìm nhà lắm, và anh ấy sống khép kín lắm. Nhưng em mặc kệ, em nung nấu muốn gặp anh từ bao lâu nay rồi.

- Chắc là không khó tìm nhà?

- Vâng, em hỏi thăm một người, tìm đến ngay.

- Còn khép kín, với em ư? Bao nhiêu lần anh định vào Sài Gòn tìm em, nhưng cứ sợ.

- Anh đã biết em đến như thế, lại còn sợ ư?

Rồi hai người hàn thuyên như đã từng quen biết nhau bao lâu nay rồi. Hắn bảo hắn sung sướng quá, trong đời hắn chưa bao giờ có được những giờ phút sung sướng như thế này. Cô bảo cô còn sung sướng hơn. Hắn nhìn cô lắc đầu:

- Không, em đừng nói như thế!

- Không em nói thực đấy! Trước anh, em không thể không thành thật đến tận cùng đâu.

Cô bảo không phải chỉ cô đâu, các bạn cô đều yêu mến hắn, nhưng họ không có được cái may mắn như cô đọc hầu hết truyện của hắn. Cô bảo cô được đọc những truyện của hắn có lẽ ngay khi vừa xuất hiện căn cứ vào năm viết và năm in, và ngay lập tức yêu thích đặc biệt. Cô yêu thích văn chương ngay từ khi còn là học sinh, sinh viên nghèo kiết xác. Cô đọc và cảm thấy lòng nhói đau, xót thương và muốn chia xẻ với những đớn đau, cay đắng, đam mê, tiếc nuối với người trong truyện chí ít cũng phải là một phần con người thực của hắn. Vì vậy từ lâu cô nung nấu muốn tìm gặp nhà văn mà cô yêu thích. Việc ấy là bình thường, vì cô chỉ là một người vô danh, còn hắn là một người nổi tiếng.

- Nổi tiếng ư? - Hắn ngắt lời cô, vẻ chua xót.

Chao ôi, hắn chỉ muốn kể ngay cho cô nghe hắn đã từng mang trong người hắn cái căn xác gà trống tây nặng nề tủi nhục như thế nào. Nhưng chưa phải lúc. Với mọi người vốn dĩ hắn đã hết sức thành thật, với cô, hắn phải thành thật đến trăm lần, Hắn muốn thành thật nói với cô, lúc này hắn chỉ đang sợ, sợ có điều gì làm cô thất vọng, sợ không xứng với tấm lòng của cô, và cũng muốn thành thật nói với cô, hắn đang trở nên quá yếu đuối trước cô, vì hắn yêu cô mất rồi, yêu từ khi được biết cô đóng bìa cứng và bọc giấy tập truyện, có thể còn trước nữa, trước rất nhiều, từ khi chưa biết gì về cô cả.

Có lẽ nhìn mắt hắn, bộ điệu vụng về ngớ ngẩn của hắn, nghe giọng nói của hắn, cô cũng thấy được phần nào điều đó. Vì vậy cô hỏi hắn:

- Anh biết chuyện của em chứ?

- Biết, biết cả em ở tầng chín nữa.

- Bây giờ, em chuyển xuống lầu hai rồi.

- Vẫn ngôi nhà cũ à?

- Không, nhà khác, quận khác

“Biết cả em ở tầng 9 nữa”. Làm như ngoài điều ấy hắn còn biết rất nhiều. Thật ra hắn chỉ biết thêm hai điều: đã ly hôn, có một con. Nhưng con trai, hay con gái, mấy tuổi, hắn còn chưa biết, huống chi tất cả đã cách đây bốn năm rồi, đã từ tầng 9 chuyển xuống tầng hai ở một nơi khác và cách nhau tới bảy tầng lầu. Hắn chỉ biết say sưa, chẳng biết gì nữa. Hắn quên hết. Hắn chỉ còn là đứa trẻ con bé nhỏ, lúc chiều hôm nắng quái thấy chị mang quà về. Chị cho bé món quà gì, bé cũng đều thấy quý. Bảo ngồi chụp ảnh cùng, bé ngồi cùng, bảo đứng lên chụp kiểu nữa, bé đứng lên cười tươi chụp kiểu nữa. Mời bé đi ăn, bé cùng đi ăn...

Nhưng rồi niềm vui nào cũng đến lúc phải kết thúc, càng vui bao nhiêu, lúc kết thúc lại càng buồn. Cô phải ra về, ngày mai phải vào Sài Gòn rồi. Mặt hắn ngây ra. Hắn chợt nhớ tới bản nhạc “Buồn” của Sô Panh: “Mặt trời lên nhanh quá. Ta muốn níu ban mai chậm lại biết chừng nào...” Nghe giọng nói đầy vẻ tiếc nuối của hắn, cô an ủi:

- Ngắn ngủi quá phải không anh? Nhưng rồi anh sẽ vào Sài Gòn kia mà!

Khi cô đi khỏi, hắn mới chợt nhớ ra lại quên hỏi địa chỉ, quên hỏi dạy ở trường nào, nhưng điều đáng sợ hơn nhiều là hắn chẳng còn nhớ được gì về người đàn bà nữa, ngoài bàn tay thon thả nằm gọn trong bàn tay hắn lúc chia tay, và hắn lần khần không muốn rời xa. Ô, mà tại sao hắn lại không phóng xe máy theo xe cô, tiễn cô một đoạn, hoặc theo hẳn xe cô về Hà Nội, hoặc hơn nữa, lưu lại ở Hà Nội hôm sau tiễn cô lên tàu? Ôi, hắn lú lẫn tất cả rồi. Suốt cả buổi chiều còn lại hắn bâng khuâng nhớ tiếc như một kẻ mộng du. Lúc chia tay, hắn bảo cô:

- Đêm nay, chắc anh sẽ mất ngủ đây, và chắc sẽ còn nhiều đêm mất ngủ.

Hình như lúc đó, cô nói với hắn điều gì.
Nhưng hắn cũng chẳng nhớ được gì nữa, cũng chẳng nhớ lúc đó cô nhìn hắn thế nào. Đúng như hắn đoán trước, hắn mất ngủ, đáng sợ hơn là hắn không còn nhớ được một nét cụ thể nào về người đàn bà mà hắn vừa mới gặp, chứ có lâu la gì, người đàn bà mà trước đó bốn năm hắn không thể hình dung ra nổi, và bây giờ gặp rồi vẫn không hình dung ra nổi. Thông thường, với bất cứ người nào, đàn ông hay đàn bà, chỉ thoáng tiếp xúc, hắn đã có thể hình dung rõ nét, phác họa chính xác bằng ngôn từ. Đằng này, rất quý, rất yêu, đã chiếm chỗ rất lâu trong trái tim hắn, ba bốn tiếng đồng hồ với nhau, lại tan biến hết,chẳng còn gì rõ ràng. Tại sao thế? Ảo ảnh ư? Không, sao lại ảo ảnh, rõ ràng hắn còn uống một cốc bia hộ nàng. Thế thì vì cái gì khiến hắn mơ màng lú lẫn như thế? Tại trước nàng, hắn chỉ là một đứa bé con ư, đáng lẽ phải ngược lại, hoàn toàn ngược lại,có thể hắn tốt nghiệp đại học rồi nàng vẫn chưa sinh, thậm chí hắn viết truyện rồi nàng vẫn chưa sinh. Hay tại nàng chỉ như cơn gió mát ào đến xua hết nỗi cô đơn hằng có của hắn đi?

Ngày nào hắn cũng ra cửa hóng thư, chờ người đưa thư, chỉ có nhận được thư, hắn mới có thể yên tâm khôi phục được mọi điều. Rồi thì thư cũng tới. Cả ảnh nữa, với dòng chữ tình cảm rất đậm đà: “Tặng nhà văn thân thiết nhất của em”, kèm một thư tay ngắn, nhưng rất xúc động. Hắn lại mừng. Hắn lại sung sướng. Nhưng ngay sau đó một nỗi khổ mới. Hắn chỉ có ảnh, không có người. Người đàn bà mỉm cười đứng cạnh hắn có phải người đã từng hàn huyên với hắn suốt mấy tiếng đồng hồ không? Hắn ấm ức, bức bối không thể đưa người ra khỏi ảnh, không thể nhập nổi ảnh vào người. Tại sao người vẫn cứ mờ mờ, hư ảo. Đôi lúc hắn có cảm giác như người từ trong truyện của hắn bước ra chuyện trò với hắn, tâm tình với hắn, rồi biến vào trong ảnh và không chịu ra nữa. Ngày ngày, rồi đêm đêm, đang nằm ngủ hắn cũng vùng dậy, bật điện, lấy ảnh ra nhìn: “Có đúng em như thế này không”. Hắn hỏi, nhưng không có tiếng trả lời. Hắn cũng không thể trả lời thay, vì giọng nói của nàng thế nào, hắn đâu còn nhớ nữa.

Hắn ước nằm mơ thấy nàng. Miễn là thấy nàng, rồi nàng có tuột đi cũng được. Nhưng hoặc là những giấc mơ mệt mỏi rỗng không, sau cả ngày ngồi dịch đến ngủ gật trên bàn, hoặc những giấc mơ vụn vặt, không điều gì đáng nhớ. Hắn thất vọng đối thoại với nhân vật của mình:

- Những ước mơ, khát vọng của ta như ngọn lửa chập chờn trong giông bão, thân ta như cái bóng vỡ, ta đã dựng thành em để che bão và thổi bùng lên ngọn lửa ấy. Em đã vào trong truyện và mười năm sau, bây giờ em nhập vào cô ấy chăng?

- Em không phải là chị ấy. Em chỉ là sản phẩm trí tưởng tượng của anh. Chị ấy là có thực, ở ngoài đời.

- Nhưng ta vẫn thấy như có gì chung của hai người.

- Có thể có một phần nào đấy. Em và chị ấy là chiều nghiêng của nhau.

- Nếu ta gặp cô ấy, trước khi tạo dựng em, liệu em có sắc nét hơn không?

- Chẳng phải anh đã tạo em từ những chiều nghiêng trong cuộc đời thực của anh sao. Không có em, sẽ không có hình ảnh chị ấy trong cuộc đời anh. Chị ấy cũng chỉ là một nhân vật, xét theo chiều nghiêng ấy.

- Nhân vật thôi ư? Cô ấy đã nói chuyện với ta, đã xót thương ta, ta đã nghe giọng nói của cô ấy, còn bây giờ ta chẳng nghe được gì cả.

- Sao anh không gọi, anh có số điện thoại kia mà.

- Ta sợ...

- Một tấm lòng như thế còn sợ nỗi gì?

Thế là buổi tối, hắn bổ nhào đến nhà tôi gọi điện. Hắn bảo hắn sẽ chỉ nói: “Em nói đi, gì cũng được, trời Sài Gòn nắng hay mưa, để anh được nghe lại giọng nói của em thôi mà”.

Lần thứ nhất, nàng không có nhà. Lần thứ hai, nàng vừa đi khỏi, trời Sài Gòn lúc này đang mưa, chưa biết khi nào về. Lần thứ ba nàng đi dạy đại học mở ở tỉnh khác. Hắn chán nản gọi cho anh bạn đã được nàng cho mượn sách, phàn nàn gọi ba lần không được. Anh bạn trả lời:

- Đấy là điện thoại nhà mẹ Huệ. Huệ ở nhà chồng kia mà.

- Chồng nào... sao anh bảo ly hôn rồi!

- Đó là chồng cũ.

Nghe xong hắn thờ thẫn cả người. Tôi cười bảo hắn:

- Mới lăn xuống có một tầng, còn những sáu tầng nữa mới xuống đến tầng hai.

Hắn thở dài:

- Dẫu có phải lăn tiếp nốt hai tầng nữa, tôi vẫn còn như mắc nợ. Người ta có thể chết với nhân vật của mình.

- Nhân vật hay là tình yêu, hay tiền kiếp? Ôi, ba chữ “tham sân si”, ngươi bảo ngươi mắc mỗi chứ “si”, nhưng xem ra ngươi mắc cả ba, vì vốn dĩ mi là người trần tục. Đến phật tổ kia còn...

- Thôi đi!

Hắn ngắt lời tôi bảo tôi nhẫn tâm, độc ác, thích xới xáo cõi lòng đang rối bời của hắn. Tôi biết, một kẻ đam mê, luôn sống hết mình, rất đỗi trung thực như hắn sẽ không dối trá, sẽ không dùng bất kì hình thức đánh tráo mỹ miều nào. Hắn yêu, có thế thôi. Ông già Goethe 74 tuổi còn yêu đến đau đớn cô cháu gái Unrike 19 tuổi thì cũng đừng nên trách hắn làm gì. Hãy đặt mình vào thân thế hắn, hãy biến mình thành con gà trống tây dăm năm thôi, chứ đừng nói hàng chục năm để giữ chiếc màng trinh trên trán rồi được một người đàn bà như thế, xót thương như thế, hết mình như thế đến với mình, xem có yêu không, xem có cuồng si, ngơ ngác không? Huống chi hắn đã đi tìm một người đàn bà như thế có thể trước cả khi hắn đọc cho tôi nghe hai câu thơ cách đây đã mười mấy năm:

Gặp nhau chưa một lần trong mộng
Mà vẫn đi tìm khắp thế gian

Nghĩ vậy, tôi dịu dàng bảo hắn:

- Đùa vậy thôi. Tôi ghen với ông đấy. Dịch đi, rồi lấy tiền mà vào với nàng. Đời người ta, không phải ai cũng có được một chuyến đi như thế. Đã nợ thì phải trả. Không phải chuyện tầm phào phù phiếm đâu. Nếu có phải đốt cháy mình để bay lên cùng tri âm, tri kỷ cũng nên đốt cháy. Hãy như thế giữa cuộc đời tiền bạc này.

Như thế đấy, bản thân tôi cũng không còn tỉnh táo nữa, tôi cũng đang say, cũng đang muốn đốt cháy mình, huống chi bạn tôi. Có thể bạn tôi sẽ có thêm nguồn khích lệ, biết đâu chẳng viết hay hơn, nhiều hơn. Goethe hoàn thành Faust lúc cuối đời, sau cơn tuyệt vọng ấy kia mà. Cũng có thể lại một phen gãy cánh. Cuộc đời vốn dĩ đầy bất trắc, đến đến, đi đi, đỏng đảnh kinh người. Nhưng nếu cứ phải luôn luôn tỉnh táo thì cũng chẳng còn gì để đắm say và mơ mộng nữa.

Tôi không giúp gì được bạn tôi, bởi chính tôi cũng đang mơ mộng về mối tình này. Tôi đành viết truyện này, may ra lúc bạn tôi đang ở Sài Gòn truyện đã được in, bạn tôi sẽ đọc, có thể người đàn bà cũng sẽ đọc, sẽ trân trọng mối tình này, sẽ hiểu ra, sự trong trắng và trinh khiết hẳn giữ nguyên trên trán, giờ đây hắn đem dâng cả cho nàng. Ôi con gà tây, khốn khổ bạn tôi.

Tháng 5- 99
N.B
(127/09-99)



 

Các bài đã đăng
Những cánh cửa (19/11/2009)
Khe cửa hẹp (18/11/2009)