Tạp chí Sông Hương - Số 126 (tháng 8)
J.W. Goethe - nhà thơ trữ tình vĩ đại nhất của dân tộc Đức
09:52 | 25/11/2009
TRẦN ĐƯƠNGGoethe (1749-1832) hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực và ở lĩnh vực nào ông cũng thâu tóm những tri thức đồ sộ, cũng đạt được những thành tựu xuất sắc. Tên tuổi ông trở thành niềm tự hào của cả dân tộc, được Các Mác gọi là người Đức vĩ đại nhất”.
J.W. Goethe - nhà thơ trữ tình vĩ đại nhất của dân tộc Đức
Thi hào Đức Johann Wolfgang von Goethe - Ảnh: wikipedia.org

Trong di sản văn hóa nhân loại, ông để lại một khối lượng thật lớn lao về văn học - nghệ thuật, về lịch sử, triết học, mỹ học, địa lý học, ông nghiên cứu nghệ thuật cổ Hy Lạp, nắm chắc nhiều ngoại ngữ, có những phát minh về cơ thể học, quang học, màu sắc, địa chất học, thực vật học... Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ luật học, ông đã hoạt động trên nhiều lĩnh vực xã hội: sản xuất công nghiệp, giao thông, thương mại, hải quan, từng nhiều năm là thượng thư của triều đình Vai-ma, giám đốc nhà hát thành phố... Tóm lại, ở ông, chung đúc những tài năng xuất chúng của một nghệ sĩ, một nhà tư tưởng, một nhà lãnh đạo nhà nước, một nhà khoa học.

Riêng trên lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, ông là tác giả của ngót 100 tác phẩm thi ca, sân khấu, văn xuôi, tiểu luận, phê bình, dịch thuật... Những tác phẩm ấy góp phần quyết định đưa văn học Đức lên đỉnh cao cổ điển. Xét cho cùng, Goethe không chỉ là một con người toàn năng trong sáng tạo văn học- nghệ thuật, mà còn là một tấm gương sáng ngời của con người phấn đấu bền bỉ, kiên cường theo tinh thần Phục Hưng. Đó là một con người khổng lồ về trí tuệ, về nhiệt tình, cảm xúc và sức mạnh hành động.

Trước con người Goethe, trước toàn bộ di sản của ông, thật khó viết một điều gì cho thỏa đáng. Tôi cảm thấy choáng ngợp, choáng ngợp đến bất lực. Phải sau một thời gian khá dài, khi bình tĩnh trở lại, tôi mới dám nói điều này: ở ông, dẫu sao, trước hết và trên hết, là một thi sĩ. Ở các lĩnh vực khác, có thể ông chỉ hoạt động trong từng thời điểm, trong từng khía cạnh. Song, ở thơ - vâng, ở thơ trữ tình, Goethe là người sáng tạo không ngừng, không nghỉ, suốt từ năm lên bảy tuổi cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Nhìn lại hàng nghìn bài thơ được ông viết ra trong gần tám thập kỷ liên tục, tôi cảm nhận: thơ trữ tình là cả một vòng cung chói sáng ôm trọn cuộc đời ông. Đúng vậy, thi ca là bộ phận qúi giá nhất trong di sản khổng lồ của ông. Trong tiến trình phát triển văn học Đức, thơ ông chiếm một vị trí đặc biệt, có một không hai. Cuối thế kỷ 18, sang đầu thế kỷ 19, nền văn học Đức đã có ông như một đỉnh cao muôn trượng, sừng sững đứng ở một góc trời miền Nam nước Đức mà tầm mắt thì trùm khắp châu Âu, trùm khắp cả nhân loại. Và sau ông, vẫn chưa một ai trong các thi sĩ Đức sánh kịp ông. Ông được xếp ngang hàng với Hô-me, Đăng-tơ, Sếch-xpi-a, Tôn-xtôi..., những ngôi sao rực rỡ nhất trên bầu trời văn học của nhân loại. Và ánh sáng của thiên tài ông, ảnh hưởng của ông như một sự khích lệ đối với sự phát triển các nền văn học dân tộc ở châu Âu thế kỷ 19 - một thế kỷ lẫy lừng với những tên tuổi bất hủ, ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của Goethe, ấy là Huê-đơ-lin và Ai-sen-đốp, Muê-ri-khuê và Hai-nơ, Pê-tô-phi và Sê-ly, Bê-răng-giơ và Bô-đê-le...

Thơ, như đã nói, là thể loại văn học được Goethe sáng tạo trong suốt cuộc đời ông. Không một khoảng khắc nào, một ý tưởng nào, một cảm xúc nào, một sự kiện nào trong cuộc đời lâu dài, đầy khó khăn của ông lại không được viết thành thơ. Và tài năng thi ca ấy, như một dòng chảy không ngừng, dù có lúc gặp phải đá chắn, những khúc quanh co, luôn luôn phát triển theo những hướng kiên quyết, tạo những lối đi mới mẻ. Chưa một giây phút nào báo hiệu cái gọi là nguy cơ thất bại trong sáng tạo thi ca của ông. Ngược lại, càng sáng tạo lâu, càng trải qua thử thách, tài năng thơ của Goethe càng nở rộ, chín tới, càng độc đáo, hoàn mỹ. Nhìn vào các thi phẩm của ông, mỗi tập được coi như một vụ gặt, vụ sau trĩu hạt hơn vụ trước. Nếu tập An-nét-te ở những năm đầu còn là những thể nghiệm của một tài năng bẩm sinh, thì Những bài ca xứ Dê-den-hai-mơ là khúc hát tràn trề sức sống, dào dạt tình yêu, sự tươi trẻ, hồn nhiên, đằm thắm của những cảm xúc lành mạnh, thanh cao.

Trước ông, chưa từng có những câu thơ như thế trong văn học Đức. Trong những thế kỷ dài dằng dặc của thời Trung cổ, con người bị đè nén, coi thường, sống trong u uất, tủi nhục, bất lực, làm sao có những cảm xúc trẻ trung, tươi vui! Goethe là con người của thời Khai sáng, của Bão táp và xung kích, hiện thân của niềm khát vọng cá nhân, của chủ nghĩa nhân văn, của ý thức về vị trí, vận mệnh của mình. Các nhà thơ trước ông chưa thể tự biểu hiện mình. Còn với Goethe, “mỗi bài thơ lại là một mảng của sự thú nhận lớn”. Trước Goethe, các thi sĩ thường chỉ sao chép, vay mượn những khuôn mẫu của nước ngoài, mô tả thiên nhiên một cách khách quan... Đến lượt Goethe, nhân danh một thi sĩ, nhân danh cảm hứng của cái “tôi”, ông phát ngôn tiếng nói của cả một thế hệ đang lên, của một giai cấp tư sản tiến bộ tràn đầy khát vọng dân chủ. Cái “tôi” riêng ấy đã thành cái ta chung của biết bao con người đang hăm hở xông vào cuộc đổi đời theo ý nghĩa nhân văn.

Điều cần nói trước hết trong thơ Goethe là con người hôm nay giao hòa cùng thiên nhiên- thiên nhiên trở thành bạn tâm tình của con người. Thiên nhiên được người hóa. Thiên nhiên thời Trung cổ âm u, là xứ sở của phù thủy, của các các ông khổng lồ, thật xa lạ và đáng sợ. Đến Goethe, thiên nhiên được biểu hiện với những cảm xúc của trái tim. Chưa bao giờ trong thơ Đức, thiên nhiên được ca ngợi với những câu thơ ấm áp như thế. Mặt trời, hoa cỏ, đồng nội, tiếng họa mi... biểu hiện cái đẹp; nói đúng hơn, vẻ đẹp của thiên nhiên được trả lại cho nó. Giờ đây, con người thấy tâm hồn mình- qua tiếng lao xao của lùm cây, ánh sáng lung linh của giọt sương mai trên cánh hoa đẹp, qua lớp lớp sóng cuộn... Tiếng lao xao ấy là lời bạn tâm tình. Ở giọt sương ấy như thấp thoáng hình ảnh của vũ trụ bao la. Những đợt sóng kia là tình yêu mãnh liệt hay ý chí kiên cường... “Trở lại với thiên nhiên!”, câu nói của Rút-xô vang lên như một lời kêu gọi, muốn dẫn tâm hồn người thế kỷ 18 ra khỏi cái ẩm mốc, cái thế giới siêu nhiên, cái giả dối của xã hội cung đình, cái ngột ngạt, tầm thường, ti tiện của đời sống trưởng giả.

Thiên nhiên chiếm một vị trí chủ chốt trong thơ Goethe, đặc biệt là trong Những bài ca xứ Dê-den-hai-mơ, viết từ năm 1770 đến 1775, tức là trước khi ông nhận lời mời của Các Au-guxt đến Vai-ma và ở lại đó cho đến khi từ giã cõi đời nay. Tiêu biểu cho tập này là các bài “Bông hoa đồng nội”, “Một nét xuân”, “Chào đón và giã từ”, “Ca khúc tháng năm”... Đọc những câu thơ ấy, ta thấy hiện lên gương mặt rạng rỡ của chàng thanh niên thi sĩ giữa thiên nhiên, giữa đất trời:

            “Kỳ diệu thay, thiên nhiên
            Rọi hồn ta, rực rỡ!
            Mặt trời đang bừng lên!
            Đồng nội cười hớn hở!

            Biết bao là hoa lá
            Chồi đâm tự mỗi cành
            Và ngàn vạn âm thanh
            Cất lên tự bờ xanh!”

Cả một thế hệ thanh niên - cùng lứa tuổi Goethe - đọc thơ Goethe, thấy ở Goethe tiếng hót của con chim gọi bầy:

            “Như con chim sơn ca
            Yêu khí trời, tiếng hát
            Như buổi mai ngàn hoa
            Say hương đời ngào ngạt!”

Như đã nói, trước Goethe, không hề có những câu thơ rộn rã, tươi vui như thế. Nếu nói về thiên nhiên, các nhà thơ trước ông chỉ vịnh cảnh bên ngoài. Còn giờ đây, với Goethe, nó là tấm gương trong soi bóng thiên nhiên - nội tâm. Cảnh và tình của ông là một thể thống nhất, không tách rời nhau. Tình, trước hết là tình yêu. “Ca khúc tháng năm”, bài thơ dài 36 câu này là một bản tình ca tươi thắm, trong đó có tới 7 lần nhà thơ dùng đến từ “yêu đương”:

            “Xin chào em, cô gái!
            Ta yêu nàng xiết bao!
            Mắt em nhìn đắm đuối
            Hẳn tình em sóng trào!”

Thơ tình yêu của Goethe vô cùng phong phú. Ở tập đầu tay, rồi Những bài ca xứ Dê-den-hai-mơ, cho đến Bài ca La Mã, 17 bài xôn-nét, Tập thơ Đông- Tây và cả những bài thơ cuối đời, tình yêu trong trái tim Goethe dường như lúc nào cũng ngân nga. Và dù đó là cảm xúc dào dạt, hay nỗi bâng khuâng, lời hẹn hò hay trách móc... luôn luôn ở Goethe là một tình yêu trẻ trung, trong sáng. Với nàng Phri-đrích-kê Bri-ôn ở Xtơ-ra-xbuốc là một bản tình ca reo vui, với Li-li lại dịu ngọt mà day dứt, với Sác-lốt-tơ Phôn Stai-nơ lắng đọng, cao cả, với Cri-xti-a-na Vun-phi-úx trân trọng nâng niu... Cũng như ở các chủ đề khác, nhà thơ chỉ viết những gì mà nhà thơ từng nếm trải, thơ ông là một sự giãi bày, chủ thể được biểu hiện sâu sắc, mạnh mẽ. Yếu tố trữ tình hòa hợp với trí tuệ vĩ đại, tình cảm chân thành, nồng nhiệt, quyện chặt với tư tưởng tiến bộ, tất cả được diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ trong sáng, thấm đượm chất dân ca. Về hình thức thơ, dù là sử dụng đoản ca, tụng ca, xôn-nét hay bi ca, phúng thích... ở thơ Goethe vẫn luôn luôn có những nét mới mẻ, có ý nghĩa mở đường. Cái trục lớn thứ ba trong thơ Goethe là lao động, hành động.

Từ tuổi thiếu niên cho đến buổi hoàng hôn của cuộc đời, Goethe hiển hiện là một con người không ngừng lao động, sáng tạo, không ngừng vươn tới sự hoàn thiện. Trong đời mình, ông cũng như bất cứ ai, từng có những phút giây yếu đuối, thờ ơ, chán chường, có những ngày bệnh tật, thát vọng, thất bại.. Song, đó lại chính là thử thách để ông vượt qua, trưởng thành, để vươn tới một cuộc đời tuyệt diệu, vĩ đại, đáng kính trọng- không những là “người Đức lớn nhất” mà còn là “một người Đức thân yêu”. Nhìn tổng quát, đó là con người từng sống những tháng ngày vô cùng sôi động. Chính Goethe cũng từng tự hào được sống một cuộc đời “trời phú” như vậy. Ông đã chứng kiến cuộc”chiến tranh 7 năm” giữa các thế lức phong kiến quân chủ châu Âu 1756-1763 và sự ra đời của nền quân phiệt Phổ, sự tranh giành thuộc địa giữa Pháp và Anh, cuộc nổi dậy của Bắc Mỹ và sự ra đời của Hoa Kỳ (1776), sự chia cắt Ba Lan tới ba lần, rồi cách mạng Pháp (1789) thiết lập cái quyền lợi của giai cấp tư sản với khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”, chiến tranh xâm lược của Na-pô-lê-ông và chiến tranh giải phóng của các dân tộc châu Âu (1805 - 1813).

Ông cũng chứng kiến sự ra đời của máy móc (máy dệt, máy hơi nước, xe lửa...) cùng những công xưởng công nghiệp và giai cấp công nhân, sự phát triển rực rỡ của hàng loạt lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội... Nước Đức trong những thập kỷ của đời ông là nơi tập trung các mâu thuẫn gay gắt của thời đại ở độ đậm đặc nhất. Trải qua những mâu thuẫn thời đại, với ông, vừa là sự đau khổ, vừa là sự may mắn. Trong thơ ông hiển hiện cái hình ảnh thế giới khách quan ấy, đồng thời sừng sững cả một bức tượng đài thi sĩ Goethe với khí phách của Prô-mê-tê, của con người “xung kich”, của một nhân cách đặc biệt. Phao-xtơ, cũng chính là Goethe, một con người hành động, vươn tới. Khi ông nói " Khởi thủy là hành động”, ai cũng hiểu đó là sự thách thức đối với Kinh thánh: “Khởi thủy là lời!”. Bài thơ Prô-mê-tê được coi là tuyên ngôn mang tính chất phục hưng, đánh giá con người cao hơn mọi thần thánh.

Với Goethe, chỉ có con người trên mặt đất này, những con người biết sống và đấu tranh cho hạnh phúc. Ông khẳng định: “Hạnh phúc luôn ở gần”, hoặc “kẻ được tự do và hưởng hạnh phúc phải là người hàng ngày chinh phục nó”. Và câu thơ kia, “Làm đe hay làm búa”, đọc lên, là cả một thách thức, một khích lệ, một lời kêu gọi hùng tráng. Con người hành động, làm chủ vận mệnh mình, coi thường mọi thứ siêu nhiên, thần thánh, vua quan... là một nét sáng chói, một sợi chỉ đỏ trong tư tưởng nhân văn cao cả của Goethe - một tâm hồn vĩ đại luôn khát vọng tự do, khát vọng hạnh phúc. Nhà thơ lớn Giô-han-nét R. Bê-sơ sau này đã nói một câu có ý nghĩa đúc kết thật sâu sắc về nhà thơ vĩ đại của dân tộc mình: “Goethe là cả một bài ca vĩ đại của nước Đức về cuộc đời. Ông là bài ca cao cả do chính ông hát lên từ chính mình, bằng ngôn ngữ Đức của chúng ta”.

Bài ca ấy mãi mãi ngân vang trong lòng mỗi người Đức, trong lòng mỗi chúng ta. Ở đây, kết hợp nhuần nhuyễn đến cao độ giữa số lượng và chất lượng tác phẩm, giữa nội dung và nghệ thuật, giữa truyền thống và đổi mới, giữa kế thừa và vươn tới đỉnh cao, giữa lịch sử và thời sự, giữa lý luận và thực tiễn, giữa triết học và thi ca..., tạo ra những thành tựu hoàn toàn mới mẻ. Ông không chỉ là của riêng nước Đức, ông còn là của châu Âu, của thi ca toàn thế giới. Goethe từng nói một câu, thoạt nghe hơi lạ tai, song bên trong hàm chứa một ý nghĩa, một sự thật: “Các bài thơ của tôi làm ra tôi chứ không phải tôi làm ra chúng”. Những cảm xúc, những ý tưởng trở thành thơ của Goethe được phản ánh như một yêu cầu khách quan, tự chúng bật thành lời ca, tiếng hát, câu thơ... tưởng chừng không do thi sĩ tạo nặn, mà chúng đến thật hồn nhiên - hồn nhiên như tiếng hát. Nghe Goethe tâm sự, tôi bỗng nhớ đến một câu thơ Tố Hữu, tưởng chừng có một nét tương đồng nào đó:

            “Ô thích thật, bài thơ miền Bắc
            Rất tự do, nên tươi nhạc, tươi vần...”

Rõ ràng là hiện thực khách quan đã lôi cuốn tâm hồn nghệ sĩ. Trò chuyện với bạn bè mình, với các cộng sự của mình, Goethe bao giờ cũng nhấn mạnh vai trò quyết định của hiện thực. Ông nói: hiện thực là mảnh đất để thơ ông đứng vững cả hai chân, là nguồn sinh động tạo ra thơ ông. Đối với ông,những bài thơ đến từ không khí đều vô nghĩa. Càng về cuối đời, thơ ông càng bám chắc vào hiện thực đời sống, vào số phận con người. Có lẽ vì thế, ở Tập thơ Đông - Tây, gồm 335 bài, được chia thành 12 “quyển”, viết từ 1814 đến 1819, mở rộng đến 1827, ít thấy những câu thơ nồng nhiệt sôi nổi, mà là những suy nghĩ, chiêm nghiệm của một con người từng trải, mỗi câu thơ như một lời đúc kết về thế thái, nhân tình, về tất cả những gì ông bắt gặp trong cuộc sống con người. Nhiều câu thơ trở thành những châm ngôn, những câu tục ngữ lấp lánh trí tuệ. Và ta hiểu vì sao ông trân trọng một bài thơ ông viết về sự tĩnh lặng, vào năm 1780, khi ông 31 tuổi, bài Khúc ca đêm của khách lữ hành.

Người ta kể lại rằng: Vào những ngày sắp kỷ niệm ngày sinh lần cuối cùng của mình, Goethe đã rời Vai-ma - nơi người ta có ý định kỷ niệm thật trọng thể ngày sinh này - để đến với xứ In-mê-nao yên tĩnh. Ngày 26/8/1831, cùng vói hai đứa cháu của mình, ông bước lên xe ngựa và ngày hôn sau đã tới núi Kích-ken han. Sự tĩnh lặng trong ánh nắng tràn trề của khu rừng vốn rộn rã tiếng ngựa hí và chó sủa như bao trùm lấy ông trên sườn núi vắng. Ông tìm lại ngôi nhà gỗ mà ông từng ngủ qua đêm đúng 51 năm trước đó. Ngôi nhà kia rồi, nó bị cây cối rậm rập phủ kín đến quá nửa. Không cần sự giúp đỡ của ai cả, Goethe bước lên cầu thang, ngó nhìn căn phòng nhỏ, cố tìm lại bài thơ ông viết lên tường gỗ đêm 6/9/1780. Và ông tìm được bài thơ; tự dưng nước mắt ông trào ra ràn rụa, khi ông cất tiếng đọc:

            “Trên khắp đỉnh non cao
            Tĩnh yên kỳ lạ,
            Trong thung sâu, mọi ngả
            Em thấy chưa...
            Không một tiếng chim rừng
            Không một hơi thở nhẹ giữa không trung...

            Hãy đợi nhé, em ơi, hãy đợi
            Lát nữa thôi, em cũng ngủ, bình yên...”

Bình luận về bài thơ này, Bê-sơ gọi đó là “một kỳ quan trữ tình; sự yên tĩnh được khắc họa bằng tột đỉnh của sự hàm súc thi ca, một sự yên tĩnh mà ta càng đọc càng thấy yên tĩnh”.

Vâng, bài Khúc ca đêm của khách lữ hành, được viết bằng bút chì lên tường gỗ, là cả một kỳ quan. Có thể nói rằng, mỗi bài thơ của Goethe cũng là một kỳ quan.

Song, đối với người dịch, để đem về cho bạn đọc nước mình những kỳ quan ấy, là cả một công việc vô cùng gian khổ, hết sức nặng nề. Tôi, người dịch, biết rằng, dù đã cố gắng, tôi như kẻ đuối sức, như kẻ bất lực, và luôn luôn cảm thấy như có lỗi trước một bậc thi hào vĩ đại.

Nhưng biết làm sao? Hãy cứ làm, hãy thử xem, may ra có thể làm nên một vài vỉa than từ cái mỏ than vĩ đại kia. Ngay số lượng các bài thơ được chọn dịch cũng chỉ là một con số ít ỏi, thật mỏng manh, nó chưa “đại diện” cho các chặng đường sáng tác thơ của Goethe.

Tuy nhiên, có một điều này làm tôi yên tâm: ở Việt Nam, thơ Goethe hầu như chưa được dịch. Vậy thì, hãy cứ mở đường cho thơ Goethe đến với Việt Nam, hãy làm cho bạn đọc ta quen dần với Goethe, dù kẻ giới thiệu là tôi còn rất vụng về. Rồi, khi nhịp cầu đã mở, cánh cửa văn hóa giữa hai nước đã mở to ra, Goethe sẽ đến với chúng ta trong đúng tầm cỡ, dáng vóc, tư thế của ông. Ây là tôi tin các bạn của tôi, cùng thế hệ và thế hệ sau tôi, sẽ làm tốt điều ấy.

Hà Nội, những ngày đầu tháng 6 năm 1999
T.Đ
(126/08-99)



Các bài mới
Đêm không ngủ (25/11/2009)
Các bài đã đăng
Nhà trọ (24/11/2009)