Tạp chí Sông Hương - Số 125 (tháng 7)
Còn nhiều điều phải bàn
09:28 | 26/11/2009
THỦY THANHLâu nay, "quả lắc" vì sự trong sáng tiếng Việt dường như đã trì vào điểm chết của dây dọi. Những mặc cảm, thành kiến hoặc dị ứng về sự "ga lăng ngôn ngữ" trước áp lực của thời đại tin học cũng chững lại như một thái độ thăm dò. Suy cho cùng thì ngôn ngữ cũng có đời sống riêng và nó bao gồm cả thể vía lẫn thể xác. Nó cũng "hữu sinh tất hữu diệt" trong luật tiến hóa và đào thải như nhiên. Ngôn ngữ nói chung là một phương pháp hệ thống hóa và tích lũy tri thức theo sự diễn tiến về mặt lịch đại và sự tiệm tiến về mặt đồng đại.

Bất kì dân tộc nào cũng có ngôn ngữ riêng của mình và chính ngôn ngữ là đặc trưng văn hóa bản chất nhất của mỗi dân tộc. Người Việt qua hàng ngàn năm Bắc thuộc vẫn không bị đồng hóa là nhờ sức sống bền bỉ và bất tử của tiếng Mẹ Đẻ. Việc giữ gìn sự trong sáng tiếng mẹ đẻ là hành vi cao quí và thiêng liêng. Trong quá trình đi lên, ngôn ngữ cũng luôn được sáng tạo, bổ sung để ngày một phong phú và hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, dù dân gian hay bác học, dù cao sang hay thấp hèn thì ngôn ngữ cũng chỉ là công cụ để giao tiếp và phương tiện để tư duy mà thôi. Đã là công cụ hoặc phương tiện thì bao giờ tính thực tiễn và tính thực dụng của nó cũng là mục đích.

Chiếc áo tơi trước kia và áo ni lông sau này cũng đều là phương tiện che mưa nhưng cái mới đã thay thế dần cái cũ vì sự tiện lợi, hợp thời của nó. Dù vậy thì áo tơi cũng chưa mất bẳn, ít nhất là về mặt danh từ, nó vẫn tồn tại như một sự "đối trọng" với áo ni lông. Ngược lại, danh từ áo ni lông thì đã chết yểu và người ta thay vào đó bằng từ áo mưa. Cũng như áo tơi, áo ni lông đưọc gọi tên từ đặc tính của chất liệu còn tên áo mưa lại căn cứ vào công dụng của nó. Hiện tượng "lệch pha" hoặc thiếu đồng nhất khi định danh sự vật lại chính là sự nhất quán trong cấu trúc ngữ âm của tiếng Việt. Tiếng Việt vốn đơn âm nên nó không chấp nhận những từ ghép nhiều chữ. Đơn vị chữ và đơn vị từ ở đây thưởng chỉ là một. Dù áo tơi hay áo mưa thì chúng vẫn "đậm đà bản sắc dân tộc" hơn từ áo ni lông. Đến một lúc nào đó, từ áo ni lông sẽ bị "sa thải" vì dáng dấp "lai căng" của nó. Còn từ áo tơi tuy thuần nhất nhưng khi cái tơi sự vật đã chết thì nó cũng chẳng có lí do gì nữa để sống. Quá trình tương tác và thanh lọc cái hợp lí là từ áo mưa sẽ tồn tại. Từ mới, thuật ngữ mới xuất hiện dễ làm thỏa mãn tính hiếu kì ở đâu đó nhưng nó cũng dễ gây sự kì thị nhất định đối với thói quen.

Bởi vậy, trầy trật lắm mới gieo được những từ mới vào cánh rừng từ vựng. Sự mở rộng vốn từ là một nhu cầu mang tính qui luật, nghĩa là nó khách quan. Sự can thiệp của lí trí hoặc ý chí vì những mặc cảm này nọ đều có thể phương hại đến "tinh thần trong sáng" của ngôn ngữ. Chỉ cần cực đoan theo chiều "cục bộ" một chút thì tiếng Việt sẽ nghèo đi nhiều lắm. Cuốn Từ điển tiếng Việt chính thống của ta do Nhà xuất bản Khoa học xã hội công bố vài thấp kỉ lại đây chỉ có khoảng 35.000 từ thì làm sao nó bình đẳng được trong mối tương quan Từ điển Anh - Việt lên đến hàng trăm nghìn từ? Đã có thời người ta muốn "xóa sổ" những từ gốc Hán khỏi kho tàng tiếng Việt và đã gặp không ít trường hợp nan giải.

Ví dụ từ hồng thập tự đổi thành chữ thập đỏ thì nghe được nhưng cụm từ thương binh liệt sĩ chẳng lẽ lại "việt hóa" ra lính què lính chết?! Việc nới rộng hợp lí vùng ngôn ngữ giao thoa sẽ góp phần làm giàu tiếng mẹ đẻ. Nhiều khi trong những văn cảnh cần thiết, người ta vẫn phải xen kẽ ngoại ngữ hoặc từ gốc Hán để làm tăng thêm vẻ trang trọng của nó. Chẳng hạn khi đón tiếp một nguyên thủ quốc gia nào đó có vợ đi theo thì nhất thiết phải giới thiệu phu nhân tổng thống chứ không thể thay bằng mụ vợ tổng thống được. Truyện Kiều là một áng thơ kiệt tác nhờ kết tinh nhiều yếu tố "cộng sinh" nhưng có lẽ sự tài tình của thi hào Nguyễn Du trong việc kết hợp nhuần nhuyễn vốn từ ngữ Hán-Việt là yếu tố trực diện, mở đường. Khi miêu tả thiếu nữ phòng khuê đài các thì "Đầu lòng hai ả tố nga" và khi than van cho thân phận ê chề của người phụ nữ thì "Đau đớn thay phận đàn bà". Các từ tố nga (Hán) và đàn bà (Việt) đều đắc địa không thể thay thế hoặc đổi chỗ cho nhau được. Bà Huyện Thanh Quan cũng là một thi sĩ rất "Hán Việt" và thơ bà càng nghiêng vào từ gốc Hán càng lộ vẻ quí phái:

            Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
            Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Ngược lại, nữ sĩ Hồ Xuân Hương thì quá dụng công trong việc dùng tiếng Việt bình dân thông qua chữ nôm để rồi trở thành Bà Chúa thơ Nôm của dân tộc:

            Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
            Này của Xuân Hương đã quệt rồi
            Có phải duyên nhau thì thắm lại
            Đừng xanh như lá bạc như vôi.

Qua đó ta thấy tiêu chí vì sự trong sáng của tiếng Việt còn nhiều điều phải bàn. Các quan niệm về vấn đề này, về thế nào là trong sáng cần phải đi đến một thông ước chung, nhất là khi hệ thống ngữ pháp tiếng Việt chưa chuẩn, cơ chế thị trường lại gây nhiễu bằng áp lực ngôn ngữ thương mại, ngôn ngữ quảng cáo như hiện nay.

T.T
(125/07-99)





 

Các bài mới
Cuội (04/12/2009)
Nhân cách thơ (03/12/2009)
Các bài đã đăng