Tạp chí Sông Hương - Số 125 (tháng 7)
Thế là sự ồn ào đã qua
15:22 | 26/11/2009
ĐÔNG LAThế là sự ồn ào qua rồi. Diễn đàn đã đóng cửa. Nhưng lẽ nào việc thẩm định văn chương chỉ râm ran một hồi như thế, rồi cái nhùng nhằng còn nguyên nhùng nhằng, sự mâu thuẫn còn nguyên mâu thuẫn, và chuyện hay dở đến đâu cũng vẫn cứ mãi lửng lơ!
Thế là sự ồn ào đã qua
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Ảnh: thotre.com

Vì trình độ khác nhau, vì ý thích khác nhau, người ta khen chê khác nhau là chuyện bình thường, nhưng với khoa học thì không thể như thế. Một cuốn sách hay có thể còn những điểm yếu, nhưng không thể có một cuốn lại đồng thời vừa hay vừa dở, ví như một khoảnh khắc không thể vừa là ban ngày vừa là ban đêm, một loại thuốc, cùng liều lượng và chỉ định, lại vừa là thuốc bổ vừa là thuốc độc được! Quanh cuốn sách của TĐK còn những đánh giá trái ngược nhau như vậy.

Thứ nhất, một số người vì ưu ái Khoa đã châm chước mà cho rằng, những chuyện không phải trong cuốn sách của Khoa chỉ là chuyện đùa, nhưng Khoa lại khẳng định nhiều lần là Khoa không đùa! Khoa đã phải nghĩ cả mấy chục năm, đọc bao ngàn trang sách, đã cố gắng nói trung thực ý nghĩ của mình, mới viết được nên vậy. Thứ hai, về giá trị cuốn sách, người thì đánh giá thành công, người lại cho không đáng một xu; người nói Khoa trung thực, người lại nói Khoa xiên xẹo; người nói Khoa có tâm, người lại nói Khoa ác tâm; người nói Khoa thông minh, người lại nói trình độ Khoa chưa qua được cấp độ ABC v.v... Chúng ta đang sống trong thời đại của khoc học, không lẽ lại không băn khoăn trước những mâu thuẫn về một cuốn sách đã từng được cho là một hiện tượng văn học 1998?

Tôi đã viết hai bài về cuốn sách này, một bài có lẽ dài nhất và chi tiết nhất so với tất cả những ý kiến khác, ngay từ khi còn là bản thảo chưa được in trên tạp chí Sông Hương, nó đã được độc giả tìm đọc rất nồng nhiệt suốt trong Nam ngoài Bắc, mới thấy nhu cầu tìm hiểu sự đúng sai của cuốn sách cũng rất lớn. Tôi cũng rất mừng là tất cả những ý kiến của tôi không giống người này thì cũng trùng với người khác, như vậy, theo phương pháp thử lặp trong phòng thí nghiệm, hai thí nghiệm tiến hành khách quan khác nhau mà kết quả giống nhau thì là kết quả đúng.

Tuy vậy, tôi vẫn phải viết thêm lần nữa, vì tính khoa học của vấn đề, vì những mâu thuẫn nêu trên chứ hoàn toàn không phải để tranh phần thắng thua với Khoa, bởi nếu làm một phép thống kê đơn giản thì ý kiến phủ nhận cuốn sách nhiều hơn gấp nhiều lần ý kiến bênh vực. Chỉ riêng ý kiến của nhà thơ Tố Hữu trên báo Văn Nghệ thôi cũng đủ cơ sở để thẩm định giá trị cuốn sách rồi. Ngay những tác giả có mối quan hệ thân tình với Khoa, vì đều là những người nhân hậu vị tha, họ cũng rất muốn bênh vực Khoa hoàn toàn nhưng sự sai lầm của cuốn sách không cho phép họ làm thế, họ có khen nhưng không thể không chê. Nền phê bình của chúng ta còn mang nặng tình cảm, tôi hoàn toàn tin là, nếu cuốn sách đứng tên một người khác, người phê bình cuốn này đầu tiên không phải là tôi hay Phạm Xuân Nguyên mà chính là anh Trần Mạnh Hảo. Ngay bản thân tôi cũng vậy, vì còn chút cảm tình với Khoa nên tôi vẫn chưa nói hết ra những phân tích của mình.

Trước hết, tôi muốn bàn về một đánh giá mà mọi người đều thống nhất, đó là cuốn sách của TĐK có giọng điệu riêng, văn phê bình của TĐK có văn. Đây là đánh giá đúng và tôi cũng từng viết thế, có điều sự đề cao nó quá đáng thì phải xem lại. Ở chỗ, người ta làm cái gì cũng cần có sự phù hợp, không ai cười hô hố trong đám ma, khóc hu hu trong đám cưới, hoạch định kế hoạch, xét duyệt công trình lại dùng lối nói nước đôi... Vì vậy cái giọng tếu táo của Khoa có thể đắc địa trong mảng chân dung, chuyện gẫu, chuyện ngoài lề, nhưng hoàn toàn sai lầm và thiếu nghiêm túc khi dùng trong mảng đối thoại, khi nhận định đánh giá các giá trị. Về văn chương của TĐK, đúng là TĐK có một khiếu thiên phú rất quý, ngôn ngữ rất giàu hình ảnh, phong phú, linh hoạt, hóm hỉnh. TĐK rất tài khi tả người, tả cảnh và tả tâm trạng. Nhưng cũng phải nói, văn chương phê bình chỉ nên như cô phù dâu trong đám cưới, đó là thứ văn làm tôn lên vẻ đẹp của tác phẩm, chứ lại như cô phù dâu diêm dúa hơn cả cô dâu thì lại rất chướng. Với vốn liếng thiên phú ấy, có thể TĐK rất dễ thành công trong địa hạt tùy bút, thể loại ít cần đến kỹ thuật, còn những lĩnh vực khác cần đến kỹ thuật như truyện ngắn, tiểu thuyết, riêng lĩnh vực phê bình còn cần đến cả tri thức lý luận nữa, thì để làm được một tác phẩm toàn bích, chỉ năng khiếu như Khoa thôi không đủ; không phải ai có vốn cũng có thể làm ra của cải được. Vì vậy, trong tác phẩm phê bình, hoặc đồng dạng như vậy, cái yêu cầu đầu tiên phải có là khả năng thẩm định chính xác tác phẩm chứ không phải văn phong, còn nếu có văn nữa thì càng tốt. Nhưng có "văn" mà sai thì chẳng có giá trị gì. Tác phẩm của TĐK thuộc dạng này.

Những ý kiến khen ngợi, đề cao "Chân dung và đối thoại" đều rất đáng chú ý, bởi chúng là của những nhà văn, nhà phê bình hàng đầu, hơn nữa họ còn có trọng trách trong Hội Nhà văn. Ngoại trừ vài nhà phê bình đột nhiên từ "trên trời rơi xuống" trên báo Người Hà Nội hiểu Khoa còn hơn cả Khoa, có lẽ nhà văn Bùi Bình Thi là người duy nhất khen ngợi hoàn toàn cuốn sách, và đánh giá nó rất cao: "Chân dung và đối thoại nó đã tự có một vai trò lịch sử"; rồi: "một cái mốc lớn trong sự phát triển của lịch sử văn học nước ta". Nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng cho cuốn sách: "thành công", trên cả mức: "khá". Nhà văn Ma Văn Kháng: "Nhiều ý kiến của anh gần gũi với nhiều anh em trong giới sáng tác", rồi: "cuốn sách là lành mạnh, thông minh, đạo đức (VN, 27 - 3 - 99). Nhà văn Lê Lựu: "Sách chân dung và đối thoại"... không thể liệt được vào loại sách gì, mà chỉ nên xếp nó vào loại sách hay" (VN, 3 - 4 - 99). Nhà phê bình Phương Lựu tuy không đánh giá cao cuốn sách nhưng ông cũng ủng hộ bằng cách góp ý đối với những ý kiến phê phán nó: "Việc bắt bẻ Chân dung và đối thoại theo đúng yêu cầu của một công trình lý luận phê bình vừa không sát, không thể, mà cũng không cần thiết" (VN, 27 - 3 - 99).

Đây là những ý kiến trái ngược với rất nhiều những ý kiến cũng của những nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình hàng đầu khác. Riêng tôi, dù rất kính trọng những tác giả trên nhưng cũng không thể chấp nhận những ý kiến đó.

Điều thứ nhất tôi muốn nói là, cái tối thiểu là sự đúng sai cuốn sách còn chưa vượt qua được, sao nó lại có thể đóng "một vai trò lịch sử, một cột mốc lớn của lịch sử phát triển văn học" theo như nhà văn Bùi Bình Thi? Nhà thơ Tố Hữu dù thương Khoa như con mà vẫn phải bảo ban rằng, Khoa đã viết sai hầu hết những chân dung chính có trong cuốn sách, từ Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Nam Cao đến Nguyễn Đình Thi... và kể cả chân dung ông. Ngay đến chân dung Xuân Diệu mà mọi người cho là Khoa vẽ thành công nhất, ông vẫn phải góp ý: "Nhấn mạnh phần nghiên cứu, phê bình của Xuân Diệu, nhẹ về thơ sau cách mạng của anh ấy là không đúng đâu". (VN, 20 - 3 - 99). Nhà văn Nguyễn Khải mà sự thông minh thường được ví là Chế Lan Viên trong văn xuôi cũng phải kêu lên: "Khoa không biết gì về cách viết của tôi (báo Tuổi trẻ). Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh cũng đánh giá Khoa: "Thiên hướng thẩm mỹ hạn chế". Chưa hết, nhà phê bình Lại Nguyên Ân còn cho kiến thức văn chương của Khoa còn chưa vượt qua cấp độ ABC... Những nhận xét này không chỉ là những quy kết bừa bãi, mà đều có phân tích và có dẫn chứng cụ thể chứng minh hợp lý.

Nhà văn Bùi Bình Thi và vài người khác cũng biện hộ vô lý cho Khoa trong việc Khoa đánh giá văn Nguyễn Khải là văn "thông tấn", nói là tuy viết vậy nhưng Khoa không chê mà đã khen văn Nguyễn Khải như văn của Hê-minh-uê. Tại sao Bùi Bình Thi không thấy rằng, trước khi Khoa nhận xét văn Nguyễn Khải như vậy, Khoa đã định nghĩa trước: "văn thông tấn báo chí" là thứ văn "gầy" (tr 120); Khoa cũng đã để Xuân Diệu định nghĩa "thông tấn báo chí": "Toàn là những sự kiện, những thông tấn báo chí. Cái đó không phải thơ đâu nhé!" (tr 44). Hơn nữa, Khoa còn khen Nguyễn Khải đã đặt đúng tên những tác phẩm của mình, cho là ông cũng đã tự hiểu được văn mình là không có văn: "Ấy là tên của những bài báo" (tr 122). Vì vậy, liệu có thể nói Khoa đã khen Nguyễn Khải được chăng? Tôi đã có vài dịp được trò truyện về văn chương với Nguyễn Khải tại nhà ông, tôi hiểu ông rất chú ý đến "văn" khi một lần ông nói, có người cả đời viết văn nhưng không viết nổi một câu văn nào, ý ông nói họ chỉ viết đưọc những câu chung chung, ngôn ngữ của mọi người. Người như ông biết vậy sao lại làm như vậy được. Thực tế văn ông không phải là văn thông tấn mà là văn của sự triết luận và sự suy tư. Với việc Khoa chê thơ Bằng Việt và văn Đỗ Chu là "tác phẩm tuổi xanh" cũng vậy. Tác phẩm tuổi xanh ở ta đã thành một thuật ngữ, ai cũng hiểu là dạng tác phẩm còn non nớt của các em học sinh, không thể hiểu là tính thanh xuân, sức trẻ của tác phẩm được. Khoa thường có kiểu chê người ta rồi lại nói là khen đấy, kiểu bảo người ta là đồ trộm cắp song lại bảo đó là tính tốt, sao nghe lọt tai được.

Về ý kiến của nhà văn Ma Văn Kháng: "Nhiều ý kiến của anh gần gũi với nhiều anh em trong giới sáng tác" cũng gợi nhiều suy nghĩ, bởi ông chỉ nói chung chung, mà ý kiến của TĐK trong "Chân dung và đối thoại" lại rất nhiều. Có điều những ý kiến quan trọng nhất của cuốn sách là những ý kiến về những tác giả tên tuổi, thì "anh em trong giới" rất khó gần gũi với Khoa, khi Khoa nói Ngô Tất Tố nhẫn tâm khi viết chuyện chị Dậu bán con, Nguyễn Tuân say máu khi viết truyện "Chém treo ngành", Nam Cao chỉ nghĩ đến miếng ăn khi viết văn..., bởi đây là những sai lầm sơ đẳng, và chính là cái điều đã khiến anh Lại Nguyên Ân đánh giá rất có lý là, trình độ văn học của Khoa chưa vượt qua cấp độ ABC. Ý kiến anh Ma Văn Kháng cho: "Cuốn sách là lành mạnh, thông minh, đạo đức" cũng thật khó nghĩ. Bởi thật khó nói như vậy khi Khoa vừa viết "Nguyễn Tuân là nhà văn lớn" rồi lại kết luận ngay sau đó: "nhà văn lớn ai làm thế", "Nam Cao là nhà văn lớn" rồi lại phán ngay: "chỉ quanh quẩn quanh miếng ăn cũng khó mà lớn được"... Đây chính là điều mà giáo sư Trần Đình Sử đã phê phán: "Ỡm ờ, khinh mạn, xoa đầu mọi người, khen giả chê thật" (TGM). Ngay nhà thơ Tố Hữu với lòng vị tha như vậy và ông cũng từng viết: "Ờ mà tại sao có người lại tức giận hộ cho tôi nhỉ" (ANTG, 116), nhưng khi đọc hết cuốn sách ông vẫn không giấu nổi bất bình: "Tôi nói tôi không có tài. Thế mà Trần Đăng Khoa phong cho 4 lần chữ "phịa". Tại sao "phịa"... Nếu nói là "bịa" thì đúng hơn chăng? Vì nói "phịa" nó gần với "nói phét". Không hay" (VN 20 - 3 - 1999); chưa hết, ông còn phải kêu lên là Khoa "ác" nữa: "Lại nhắc câu tôi nói về đồng chí Trường Chinh. Không biết tôi nói thế không, bao giờ? Ác là sau câu nói của đồng chí Trường Chinh, thì lại nói: "Nhưng anh ấy cũng nói tào lao cho vui thế thôi". Anh Trường Chinh không bao giờ nói tào lao cả. Làm sao tôi có thể nói thế được. Ấy là chú Khoa đặt vào mồm tôi đấy nhé" (VN, đd). Về chân dung của Tố Hữu, thực ra còn nhiều điều phải bàn lắm.

Ý kiến của giáo sư Phương Lựu rất đúng khi ông cho rằng sự sắp xếp các giá trị trong lĩnh vực sáng tạo còn không chính xác, người ta thường bị lóa mắt bởi vầng hào quang tỏa ra từ những tên tuổi, có khi không còn chút hào quang nào, đó là sự khâm phục theo thói quen; trái lại lại không hề thấy những vầng hào quang thực sự đang tỏa ra, chỉ vì nó là của những tên tuổi hoặc đang tồn tại, hoặc còn chưa có tên tuổi gì. Ông cũng viết: "Việc bắt bẻ "Chân dung và đối thoại" theo đúng yêu cầu của một công trình lý luận phê bình vừa không sát, không thể, mà cũng không cần thiết" (27 - 3 - 99). Ý kiến này rất đúng, nhưng trong những bài phê phán sách của TĐK, không có ai bắt bẻ như vậy cả, mọi người chỉ phê phán sự đúng sai, sự mâu thuẫn trong cuốn sách của TĐK thôi, mà sự đúng sai và mâu thuẫn thì với bất cứ tác phẩm dạng nào cũng phải phê phán, chứ không cứ gì phê bình hay bình luận. Và mọi người cũng đã căn cứ trên tinh thần chung của cuốn sách, quan niệm đích thực của Khoa mà phê phán, chứ không dựa riêng vào một hình thức phát ngôn nào của Khoa: Khoa - ma, Khoa - người, hay một ai đó mà Khoa đã mượn đóng một vai trong cuốn sách...

Như vậy, với một con mắt khách quan, tổng hợp lại tất cả những sự phê phán có lý và những sự khen ngợi không có lý, không thể nói cuốn của Trần Đăng Khoa là "hay" "thành công" được, còn ai đó cứ cho là một "cột mốc" vĩ đại cũng là chuyện bình thường, bởi sự vô lý không bao giờ hết trong cuộc đời này. Người ta ai cũng muốn phấn đấu để thông minh giỏi giang, nhưng cũng không thể cấm những người quyết tâm không thông minh! Ngay cả đến cái ác cũng còn không thể cấm được nữa là!

Tôi đã tự đặt một câu hỏi: "Cái gì đã làm cuốn sách hỏng?", cuốn sách của một tác giả mà mọi người cho là có tài? Đúng như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh nhận xét, nó hỏng do: "Thiên kiến thẩm mỹ hạn chế". Khoa thường đánh giá văn chương theo đúng giác quan cảm nhận được, hình thức thấp nhất của nhận thức. Như viết sần sùi thô nháp thì nói văn chương thô nháp, chưa dụng công mài giũa nghệ thuật; viết chuyện bán con thì cho là nhẫn tâm; viết về cái đói thì bảo chỉ nghĩ đến miếng ăn... Từ rất xa sau thời kỳ Phục Hưng, nhất là từ khi con người phát minh ra máy ảnh, cái đẹp của nghệ thuật không còn đơn thuần là cái đẹp của tự nhiên nữa, người ta không còn bận tâm vẽ thật chính xác một gương mặt thiếu nữ xinh đẹp hay một bông hoa, bởi điều đó máy ảnh làm nhanh hơn nhiều. Người họa sĩ đã đi tìm cách thức sáng tác sao cho tác phẩm thể hiện rõ nhất được cá tính của mình, sự sáng tạo của mình. Khi Monet vẽ tác phẩm "Ấn tượng mặt trời mọc", nó đã bị người ta chê như là bản nháp, mới chỉ là những ấn tượng chứ chưa phải sự thật. Chính "Chủ nghĩa ấn tượng" là từ nhạo báng của nhà phê bình Louis Leroy; và cũng chính nó đã được các nhà cách tân lấy đặt tên cho trào lưu của mình như là một sự thách thức, bởi họ đã nhận ra qua cái cách vẽ dở dang, cẩu thả ấy, người nghệ sĩ lại dễ dàng thể hiện được mình nhiều hơn. Giống như người ta ký tên vậy. Một loạt các trường phái khác ra đời cũng để thể hiẹn cái tôi của người nghệ sĩ như thế. Vì vậy đặc tính chủ yếu của cái đẹp nghệ thuật không còn là sự "giống thật" nữa, mà là sự sáng tạo của nghệ sĩ, khả năng gây ấn tượng của tác phẩm; còn chuyện gây ấn tượng như thế nào là hay là có giá trị, thì lại là công việc của thưởng ngoạn, của thẩm định, của lý luận. Khoa chưa hiểu điều này, nhiều nhận xét văn chương của Khoa còn dựa trên cơ sở "giống thật", tư duy nghệ thuật của thời Phục Hưng cách đây nửa thiên kỷ.

Nhưng Khoa có tâm địa xấu, có "ác", có mưu đồ hạ bệ các thần tượng văn chương không? Tôi cũng nghĩ như một số người là Khoa không có điều này, bởi muốn làm những chuyện động trời như thế phải có sức mạnh. Với thể chất của Khoa thì muốn "ác" cũng không ác được. Khoa đã trung thực khi viết, có điều khi thể hiện ý mình thì lượn lờ vòng vèo, không nói thẳng. Một số chân dung như Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Phù Thăng, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường là Khoa viết minh bạch, còn nói chung là vòng vèo, anh đã luôn chê người ta theo kiểu anh khen là lực sĩ rồi lại bảo có khối u ung thư ở đâu đó. Đúng là Khoa cũng đã kính trọng tất cả mọi người, nhưng Khoa lại kính trọng mình trước hết, và đã tự đặt mình ở vị trí rất cao để nhìn xuống, như nhà văn Nguyễn Khải nhận xét và nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng đã nói, Khoa đã mắc "căn bệnh vĩ đại". Những chuyện động trời nhưng Khoa nói nhẹ nhàng như không, ban phát những lời khen như là chân lý cả. Đây là điều ngộ nhận về năng lực tai hại. Khoa phải biết rằng thời chú bé TĐK xuất hiện, đến một cây chông cũng trở thành chiến sĩ, thì việc ca ngợi tài năng TĐK không chỉ là việc xác nhận, thẩm định giá trị văn chương, mà còn là một nhiệm vụ chính trị. Giả sử thời bây giờ có một TĐK khác xuất hiện, tôi tin là không bao giờ có sự ca ngợi rầm rộ như thế, sự phong thần thánh như thế, dù rằng người ta vẫn coi những câu thơ được làm ra là hay. Một điều nữa tôi thấy, cũng giống như một số ít người, Khoa đã viết với tư thế coi Hội Nhà Văn như nhà của mình, các nhà văn, nhà thơ tên tuổi đều như anh em, chú bác, họ hàng nhà mình cả. Đây là một điều vừa tốt vừa xấu. Tốt vì có sự đầm ấm thân tình, nhưng cũng xấu vì như vậy dễ sinh ra tính gia trưởng, quên mất Hội Nhà Văn là một cơ quan nhà nước, dễ sinh ra độc đoán, khệnh khạng, khen chê như ban phát, biến danh vọng như khẩu phần chia nhau được.

Về những ý kiến của nhiều người đã phê phán sự quy chụp TĐK. Có lẽ chỉ có ý kiến của nhà văn lão thành Phạm Tường Hạnh nói Khoa nhiễm virút cải tổ ở Liên Xô là sai thôi. Còn ai đó nói Nguyễn Mạnh Tuấn quy chụp Khoa thì có lẽ đã quy chụp lại Nguyễn Mạnh Tuấn, vì anh đã nói đúng. Ai cũng rõ cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc mà hai triệu người Việt Nam đã chết là như thế nào. Không thể là chuyện xích mích láng giềng được. Ta xóa bỏ hận thù nhìn về tương lai là đúng, nhưng làm sao lại có thể nhìn lịch sử méo mó đi được. Đại tá nhà văn Lê Lựu có thể đã lỡ lời vì bản tính nông dân xuề xòa, hay bình thường hóa những chuyện nghiêm trang, nhưng Khoa lại chường cái điều nêu giấu ấy ra trên mặt sách báo, lại còn khen Lê Lựu có biệt tài trả lời phỏng vấn nữa. Như vậy, Khoa đã sai chứ sao lại bảo Nguyễn Mạnh Tuấn sai? Có hai khả năng, nếu Khoa thực tâm nói, thì vậy là Khoa đã dốt, còn không thực tâm, thì chính Khoa đã xỏ Lê Lựu một vố đau. Anh Lê Lựu đã không chấp vì anh nói Khoa chỉ đùa. Nhưng Khoa lại bảo là Khoa không đùa. Anh Lê Lựu lại bảo, so với sự nghiệp dân tộc thì anh đúng chỉ là con gà con chó thôi. Hiểu theo nghĩa anh khiêm tốn có vẻ được, nhưng không được có lý lắm, ở chỗ, những người Việt Nam sang Mỹ sau chiến tranh đều là những thành phần ưu tú, được lựa chọn kỹ, như là những đại sứ thiện chí, phải cỡ như các anh và Trần Đăng Khoa trở nên mới được chọn, chứ như bọn tôi đây thì bao giờ được đi Mỹ? Được chọn đi Mỹ hôm nay là vinh quang. Vậy hành động giao lưu ấy không thể là hành động xua gà xua chó, còn nếu tự thấy mình chỉ là gà chó thì không nên nhận lời đi Mỹ. Dù anh Lê Lựu có cho Khoa đã bôi bẩn mình cũng chỉ như bàn chân lấm phân gio dẫm vào mặt đất để tăng cưòng chất bổ, một cách ví von cũng có vẻ gì chua chát lắm, anh vẫn phải khuyên Khoa rằng: "Bài học sâu sắc nhất đối với Khoa là bài học cuộc đời... Khoa phải tự học thôi, không ai dạy được" (VN, 3 - 4 - 99).

Điều đã khiến tôi phải viết thêm một lần như thế này trước hết là, bởi Khoa tuy đã có "Rất cảm ơn những đóng góp quý báu" nhưng thực chất chỉ là nói lấy lệ, vì nó mâu thuẫn với những câu Khoa trả lời phỏng vấn khác, khi Khoa đã cho những ý kiến phê phán mình như một hành động xấu, qua việc anh lo xa đến thái độ độc giả: "Có tiếc chăng là bạn đọc có thể sẽ chẳng hiểu ra làm sao cả. Rồi họ có thể sẽ nghi ngờ và khinh miệt chúng ta" (Thế Giới Mới). Có lẽ, qua chỗ này Khoa mới chính là người coi thường độc giả chứ không phải tôi hay ai đó nữa, bởi trước những phân tích có lý và những dẫn chứng cụ thể, bạn đọc sẽ nhận ra được sự đúng sai, và sẽ hiểu rằng sự phê phán là chuyện tất nhiên, là tốt đẹp, sao họ lại có thể khinh miệt? Chưa hết, Khoa còn cho sự phê phán của các nhà phê bình như là một sự cay cú: "Thực tình cũng do yêu mến phê bình, yêu mến các bác mà tôi ghé thăm các bác; có khi chỉ ghé thăm một lần rồi sẽ đi mãi. Vậy thì có gì đâu mà mấy bác phải cay cú bực dọc" (TGM). Tôi đã gặp Trần Đăng Khoa và nói, tập 2 Khoa cứ viết hay đi, tôi sẽ là người đầu tiên ca ngợi. Nên không có chuyện cay cú gì ở đây. Còn nếu trong bài viết có những chổ căng thẳng thì do tính chất của phê phán và tranh luận nó vậy, thái độ của bài viết phải phù hợp với tính chất những vấn đề mang bàn luận, chỗ đáng chê trách thì phải chê trách.

Vì cho mọi người phê bình mình chỉ vì ganh ghét, cay cú như vậy, nên thực chất Khoa vẫn rất tự tin ở cách viết và những đánh giá của mình, rất tin qua chuyện sách bán chạy, tái bản nhiều lần. Điều này cũng phải xem lại. Nếu chỉ căn cứ số lượng mọi người tìm đọc mà cho sách có giá trị thì cuốn của Khoa không thể bằng bản tin đưa tin một diễn viên đã tự tử vì tình được. Đám ma của anh chàng đã làm nghẹt nhiều con đường Sài Gòn. Quần chúng có sức mạnh, điều này đúng, nhưng việc thẩm định giá trị thuộc những lĩnh vực chuyên môn, những tri thức cao sâu, không thể dựa vào quần chúng. Đó là điều hiển nhiên. Trình độ có hạn, sự nhẹ dạ của quần chúng cũng là điều hiển nhiên. Nhiều cuộc thanh trừng đẫm máu, những cuộc chiến, kể cả đại chiến thế giới cũng được bọn tội phạm của của loài người phát động dựa trên điều trình độ có hạn, sự nhẹ dạ ấy. Chính vậy, giáo dục và vận động quần chúng luôn luôn là nhiệm vụ hàng đầu của Cách mạng. Với văn chương cũng vậy, nhiệm vụ nhà văn không chỉ là sáng tác mà còn là hướng dẫn, uốn nắn, nâng cao trình độ thưởng thức của độc giả. Có tác phẩm giá trị được đọc nhiều, cũng lại có những tác phẩm sai lầm yếu kém được đọc như thế. Có những tác phẩm còn độc hại, bị cấm đoán, người ta vẫn lén lút tìm đọc. Khoa không biết sao?

Cuối cùng tôi thấy nhà xuất bản Thanh niên in ra là đúng đắn, hợp với tinh thần dân chủ đổi mới của Đảng, tôi cũng thấy, với những tên tuổi đã thành danh như Trần Đăng Khoa, nhà xuất bản nên in nguyên vẹn, bởi họ đủ tư cách chịu trách nhiệm về văn tài cũng như tư tưởng của mình.

Bình Thạnh
Những ngày tháng 4 - 1999

Đ.L
(125/07-99)



 

Các bài mới
Cuội (04/12/2009)
Nhân cách thơ (03/12/2009)
Các bài đã đăng