Tạp chí Sông Hương - Số 124 (tháng 6)
Những đổi mới của văn xuôi Puskin đối với văn xuôi Nga đầu thế kỷ XIX
08:46 | 09/12/2009
HÀ VĂN LƯỠNGPuskin không chỉ là nhà thơ Nga vĩ đại, nhà viết kịch có tiếng mà còn là nhà cải cách văn học lớn. Là người “khởi đầu của mọi khởi đầu” (M. Gorki) Puskin bước vào lĩnh vực văn xuôi với tư cách là một người cách tân trong văn học Nga những năm đầu thế kỷ. Những tác phẩm văn xuôi của ông đã đặt cơ sở vững chắc cho văn xuôi hiện thực và sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực phê phán Nga, góp phần khẳng định những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc.
Những đổi mới của văn xuôi Puskin đối với văn xuôi Nga đầu thế kỷ XIX
Thi hào Puskin - Ảnh: tranphu.com

Nhận xét về văn xuôi Puskin, nhà văn M. Gorki viết, ông “đã đặt nền móng cho văn xuôi Nga hiện đại, mạnh dạn đưa vào văn học những đề tài mới và trong khi giải thoát ngôn ngữ Nga ra khỏi ảnh hưởng của tiếng Pháp, tiếng Đức, đồng thời cũng giải thoát nền văn học ra khỏi chủ nghĩa duy cảm nhạt nhẽo mà những tác giả trước Puskin đều mắc phải. Ngoài ra, Puskin cũng là người đặt nền tảng cho sự hòa hợp giữa chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực, sự hòa hợp mà cho đến nay vẫn là đặc trưng tiêu biểu của nền văn học Nga, làm cho nó có một âm hưởng riêng, một diện mạo riêng” (1).

Những cách tân của Puskin về nội dung phản ánh và nghệ thuật biểu hiện đã góp phần đưa văn xuôi Nga chuyển sang một thời kỳ phát triển mới.

Trong bài viết này, chúng tôi không đi vào tìm hiểu toàn bộ những đổi mới về nội dung và nghệ thuật của văn xuôi Puskin đối với văn xuôi Nga đầu thế kỷ mà chỉ phân tích một số điểm đổi mới của nhà văn về ngôn ngữ, đề tài, nhân vật và kết cấu tác phẩm.

1. Ngôn ngữ gắn với chữ viết và văn học dân tộc, đồng thời “là yếu tố thứ nhất” để xây dựng tác phẩm văn học. Sự đổi mới không ngừng của ngôn ngữ văn học, một mặt giúp nhà văn thể hiện đúng bản chất nhân vật, khai thác triệt để thế giới nội tâm phong phú của nhân vật, mặt khác góp phần làm giàu thêm vốn ngôn ngữ dân tộc.

Được nuôi dưỡng bằng nguồn mạch văn học dân gian Nga qua nhiều thế kỷ, văn học viết, đặc biệt là văn xuôi Nga đã từng bước có những đổi mới trong việc sử dụng ngôn ngữ trong sáng tác văn học. Trước Puskin khẳng định ưu thế của tiếng Nga, nhà bác học Lômônôxốp đã từng viết: “Trong tiếng Nga, có bao hàm cái trang trọng của tiếng Tân Ban Nha, cái dịu ngọt của tiếng Ý, cái rắn rỏi của tiếng Đức, cái sinh động của tiếng Pháp. Hơn thế nữa, còn bao hàm cả cái súc tích, và cái mạnh mẽ của tiếng Hi Lạp và tiếng Latinh...” (2).

Các nhà văn, nhà thơ của chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa tình cảm và chủ nghĩa lãng mạn từ Lômônôxốp, Phônvidin, Đécgiavin đến Karamdin, Giucôpxki và Puskin... đã có ý thức trau dồi, đổi mới ngôn ngữ văn chương Nga ngày càng phù hợp với thị hiếu công chúng.

Lômônôxốp là người đầu tiên chỉ ra sự phong phú của tiếng Nga và sử dụng nó rất linh hoạt trong các sáng tác của mình. Ông chủ trương dùng từ Xlavơ cổ không chỉ bó hẹp trong môi trường quý tộc, trong nhà thờ mà nên mở rộng phạm vi sử dụng của nó trong văn học và trong đời sống của các tầng lớp nhân dân khác. Chính điều này đã góp phần đưa văn học đến với độc giả thuộc các thành phần lớp dưới.

Là đại biểu của chủ nghĩa tình cảm, tiếp tục đổi mới ngôn ngữ văn học, Karamdin đã có công làm giàu tiếng nói dân tộc, chống lại việc sử dụng những từ ngữ cổ xưa mang tính khuôn mẫu, tìm đến lối viết phóng khoáng, dùng từ ngữ uyển chuyển và tinh tế hơn mà Nàng Lida bạc phận của ông là một thể nghiệm.

Như vậy, ngôn ngữ văn học đã có những thay đổi thể hiện trong tác phẩm văn học của các nhà văn trong nhiều thế kỷ trước. Nhưng nhìn chung, ngôn ngữ văn học chưa có sự phân định rạch ròi giữa các thể loại mà là sự pha tạp giữa ngôn ngữ thơ, ngôn ngữ văn xuôi với ngôn ngữ hằng ngày. Các nhà văn chỉ chú trọng làm “đẹp”, “hài hòa”, “bóng bẩy” ngôn từ mà chưa chú ý đến cấu trúc ngữ pháp và sự gắn bó giữa ngôn ngữ nhân vật với hành động và diễn biến nội tâm của họ. Đặc biệt, chủ nghĩa tình cảm lôi cuốn người đọc bởi sự “hoa mỹ” “cầu kỳ”. Người ta có cảm tưởng các nhân vật trong văn xuôi của họ đang “hát” với những lời trữ tình, bay bổng, đôi khi rất xa lạ với bản chất của mình mà chưa “nói” lên được những tâm tư sâu kín tận sâu thẳm đáy lòng con người.

Tiếp thu những thành tựu của các nhà văn thế hệ trước, Puskin có những cách tân về ngôn ngữ văn học. Xuất phát từ quan niệm, văn học “đem lời nói đốt tim muôn người” và gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân, Puskin đã thay vào những từ sáo rỗng, êm dịu, kiểu cách của phòng khách quý tộc bằng những ngôn từ bình dị, ngắn gọn, chân chất để diễn tả tâm trạng nhân vật. Trong các tác phẩm Người da đen của Piốt đại đế, Tập truyện ông Ivan Pêtơrôvich Benkin đã quá cố, Đôbrốpxki, Con đầm pích, Người con gái viện đại úy..., nhà văn đã bỏ lối miêu tả rườm rà, dẫn dắt mà bằng những từ ngữ ngắn gọn, chính xác. Mở đầu Ông chủ hiệu đám ma, tác giả viết: “Những đồ vặt vãnh cuối cùng của ông chủ hiệu đám ma Ađrian Prôkhôrốp đã chất lên trên chiếc xe đòn và cặp ngựa gầy còm ì ạch kéo...” (3). Ở truyện ngắn Người coi trạm, người đọc tiếp xúc ngay với câu chuyện bằng những câu mở đầu với các câu hỏi: “Thử hỏi ai là kẻ chưa từng nguyền rủa những người coi trạm, ai là kẻ chưa từng chửi bới họ? Ai mà chẳng có lần, trong một phút giận dữ, đã đòi cho được quyển sổ tai hại để ghi vào đó những lời than phiền bất lợi về một sự xúc phạm, một thái độ lỗ mãng hay một điều sai hẹn” (4).

Công việc của người chủ hiệu đám ma và người coi trạm được Puskin giới thiệu ngay từ đầu truyện thu hút người đọc theo dõi số phận và cuộc đời họ sẽ ra sao.

Nói đến đặc trưng của văn xuôi,Puskin cho rằng: Chính xác và ngắn gọn là phẩm chất đầu tiên của văn xuôi. Nó đòi hỏi tư tưởng và tư tưởng. Không có tư tưởng thì những cách biểu hiện hào nhoáng nhất cũng chẳng lợi ích gì”.

2. Đề tài và nhân vật trong văn xuôi Puskin khá đa dạng. Khác với văn xuôi đương thời và các giai đoạn trước chỉ chú ý đến đời sống của tầng lớp quý tộc cung đình với những sinh hoạt xa hoa, trụy lạc hay những mối tình lãng mạn của những “chàng”, “nàng”, Puskin gắn sáng tác của mình với thực tế sôi động, với số phận của những con người thuộc lớp dưới của xã hội: những viên chức nghèo hèn, những người mugích xấu số, những người lính nơi biên ải. Đồng thời, nhà văn khai thác đề tài lịch sử và những biến cố bước ngoặt ảnh hưởng đến vận mệnh dân tộc.

Trong Người da đen của Piốt đại đế, bên cạnh việc dựng lại bức tranh sinh động của xã hội thượng lưu Nga đầu thế kỷ XVIII với những cải cách, đổi mới, Puskin đã khẳng định và đề cao vai trò to lớn của vua Piôt đại đế. Nhà văn mô tả cảnh nhà vua đích thân đi đón Ibraghim (Người con nuôi da đen của vua) và việc vua làm ông mối cho chàng thể hiện tình cảm gắn bó, gần gũi giữa vua với thần dân.

Ở truyện Rôxlavliép, nhà văn lấy bối cảnh nước Nga những năm đầu thế kỷ XIX mà trung tâm là cuộc chiến tranh 1812. Thông qua câu chuyện tình của một cô gái quý tộc Nga với một sĩ quan Pháp, Puskin muốn tranh luận với cuốn tiểu thuyết lịch sử Rôxlavliép, hay những người Nga năm 1812 của M.N. Dagôxkin. Puskin phân tích tính cách bợ đỡ mù quáng của giới quý tộc cung đình Nga đối với phương Tây và thói háo danh vô liêm sỉ của chúng đối với chủ nghĩa yêu nước và tinh thần anh dũng của nhân dân Nga trong chiến tranh 1812. Trước cảnh Matxcơva bị thiêu cháy, nhân vật Pôlia tự hào nói rằng: “... ta có thể tự hào rằng mình là một người Nga! Thiên hạ sẽ phải sửng sốt vì sự hy sinh lớn lao này! Bây giờ thì dù cho chúng ta có suy tàn, tôi cũng không sợ nữa, danh dự của chúng ta đã được cứu vãn. Không bao giờ Châu Âu còn dám đối chọi với một dân tộc đã tự mình chặt đứt cánh tay của mình, tự đốt cháy kinh đô của mình” (5).

Quan tâm đến những vấn đề lịch sử, đặc biệt là các cuộc khởi nghĩa nông dân vào thế kỷ XVIII là động lực thúc đẩy Puskin viết ĐubrốpxkiNgười con gái viên đại úy. Cuộc nổi loạn của nông dân vùng Pơxcốp vào năm 1737 do Đubrốpxki cầm đầu (Đubrốpxki) là bước chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa nông dân diễn ra mạnh mẽ, rộng khắp cả nước (những năm 1773- 1775) vào cuối thế kỷ XVIII do lãnh tụ nông dân Pugátsốp lãnh đạo (Người con gái viên đại úy).

Puskin phản ánh cuộc khởi nghĩa và nhân vật Pugátsốp với một thái độ thiện cảm. Do thiên kiến giai cấp, xem Pugátsốp là giặc, nhưng Puskin vẫn mô tả người lãnh tụ nông dân với những đức tính đáng quý trọng: giàu lòng vị tha, sống ân nghĩa (hai lần tha chết cho Piốt Anđrêvích, trả nghĩa cho người giúp đỡ mình thưở hàn vi...).

Một mảng hiện thực sinh động trong văn xuôi Puskin là viết về những “con người nhỏ bé”, những viên chức nghèo, những người làm nghề lương thiện, những tiểu thư nông dân có cuộc sống bấp bênh và công việc nặng nhọc. Nếu ở Người chủ hiệu đám ma, tác giả mô tả những công việc tưởng như rất bình thường của người bán quan tài, nhưng bị mọi người coi thường, dè bỉu thì truyện Người coi trạm nhà văn kể về số phận trớ trêu, gian khổ của Xamxôn Vưrin. “Con người nhỏ bé”, lương thiện và cần mẫn ở trạm giao thông heo hút trên đất Nga này bị lăng nhục thậm tệ và người con gái duy nhất của ông đã bị lừa đi theo một hành khách đểu cáng.

Viết về những con người này, nhà văn thể hiện sự đồng cảm sâu sắc, chia sẻ những nỗi bất hạnh của họ. Puskin không hề tô vẽ, nhưng sự việc và con người, nội tâm và chân dung bên ngoài của nhân vật cứ hiện ra chân thật, tự nhiên, rõ nét. Đây là điểm mới của văn xuôi Puskin,, là sự chiến thắng của chủ nghĩa hiện thực đối với chủ nghĩa lãng mạn.

3. Trong văn xuôi Puskin, đặc biệt là truyện ngắn thường có kết cấu ngắn gọn, súc tích, chặt chẽ. Sự ngắn gọn về hình thức và ngôn từ nhưng không ngắn về nội dung phản ánh. Các truyện của Puskin đưa người đọc tiếp xúc ngay với câu chuyện qua lời văn tự nhiên, cô đọng, tạo ra sự suy nghĩ, liên tưởng độc đáo về con người và sự việc. Điều này thể hiện qua một số đoạn mở đầu các truyện như sau: “Trong số những người trẻ tuổi được vua Piốt đệ nhất gửi ra nước ngoài để học hỏi những kiến thức cần thiết cho công việc duy tân có người con đỡ đầu của nhà vua là Ibraghim, một người thanh niên da đen” (Người da đen của Piốt đại đế). “Vào khoảng cuối năm 1811, một thời đại rất đáng ghi nhớ của chúng ta có một người trung hậu tên là Gavrila Gavrilôvích R... sống trong trại ấp riêng của mình ở Nênnarađôvô”. (Bão tuyết). Cách dẫn truyện và giới thiệu nhân vật, địa điểm, thời gian một cách cụ thể, chính xác đã làm tăng giá trị chân thực của tác phẩm.

Nghệ thuật kể chuyện của Puskin mang một phong cách riêng. Hầu hết trong các truyện, nhân vật người kể chuyện thường ở ngôi thứ nhất. Nhân vật tôi trực tiếp kể về mình hoặc chuyện được chứng kiến. Điều này khẳng định tính xác thực của câu chuyện, tạo sự tin tưởng ở độc giả. Trong Phát súng, nhà văn viết: “Chúng tôi đóng quân ở thị trấn X..., chúng tôi tụ tập ở nhà nhau, hết nhà này lại sang nhà khác”. Ở Rôxlavliép, người kể chuyện ở ngôi thứ nhất: “Tôi hết sức kinh ngạc (...) Tôi xin đứng ra làm kẻ bênh vực cho người quá cố”. Nhân vật tôi trong Người con gái viên đại úy kể về chính mình và những việc mà bản thân chứng kiến: “Cha tôi là Anđrây Pêtơrôvích Grinhốp, thời còn trẻ đã từng tòng ngũ dưới quyền bá tước Miních và đến năm 17... thì về hưu với chức trung tá. (Những chữ in nghiêng trong các phần trích do người viết nhấn mạnh- HVL).

Những đóng góp của Puskin trong lĩnh vực văn xuôi vào những thập niên đầu của thế kỷ XIX là những cách tân quan trọng của nhà văn. Các nhà văn đương thời và các thế hệ sau tiếp tục khẳng định vị trí to lớn của văn xuôi trong tiến trình văn học Nga thế kỷ XIX với tên tuổi của Gôgôn, Turghênhiép, Đốtxtôiépxki, L. Tônxtôi, Chêkhốp...

Nhà văn Gôgôn cho rằng trong văn xuôi Puskin “thiên nhiên Nga, tâm hồn Nga, ngôn ngữ Nga, tính cách Nga được phản ánh qua sự trong sáng, qua vẻ đẹp tinh khiết như một bức tranh sơn thủy được phản chiếu trên bề mặt lồi của ống kính quang học”. Puskin là một hiện tượng “vĩnh viễn sống”.

Huế, tháng 5/ 1999
HVL
(124/06-99)

-----------------------------------------------------------------
(1). M. Gorki: Bàn về văn học, NXB Văn học H. 1970, T 1 trang 179- 180.
(2). Dẫn theo Lịch sử Văn học Nga (Nhiều tác giả), NXB Giáo Dục, H. 1977 trang 8.
(3). Alếchxanđrơ Puskin: Tuyển tập văn xuôi, NXB Cầu Vồng, M. 1985, trang 73.
(4). Alếchxanđrơ Puskin: Sách đã dẫn, trang 80.
(5). Alếchxanđrơ Puskin: Sách đã dẫn, trang 123.




Các bài mới
Cha tôi (10/12/2009)
Các bài đã đăng