Tạp chí Sông Hương - Số 124 (tháng 6)
Ấn tượng Điện Biên
17:09 | 11/12/2009
NGUYỄN KHẮC PHÊ                     Ghi chépChúng tôi rời thị xã Điện Biên đã nhiều ngày và những hoạt động sôi nổi kỷ niệm 45 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã qua, nhưng những ấn tượng trong thời gian ở Điện Biên thì mãi còn đậm nét trong tôi.
Ấn tượng Điện Biên
Thị xã Điện Biên - Ảnh: baovanhoa.vn

Chuyến đi ấn tượng ngay từ khi chưa đặt chân tới Điện Biên. Mỗi tuần chỉ có 3 chuyến bay tới Điện Biên, đã nhờ bạn ở Hà Nội đặt chỗ trước ngày chủ nhật, nhưng thiếu “chứng minh nhân dân”, đành lùi lại ngày thứ ba. Đến giờ ra sân bay thì gió mùa Đông Bắc tràn đến, mưa nặng hạt. Một hành khách cùng chuyến ô tô, nói nhỏ với bạn: “Trong 8 lần đi Điện Biên, 3 lần bay tới nơi, nhưng mây mù dày đặc, xung quanh lòng chảo Điện Biên lại toàn là núi cao, nên người lái lượn vòng chốc lát rồi phải quay trở lại Hà Nội...” Vậy nên cả đến khi chiếc máy bay VN492 đã xuyên qua tầng mây bao phủ bầu trời Hà Nội hướng tới Điện Biên, chúng tôi vẫn hồi hộp không biết chuyến bay sẽ tới đâu. Những ngày cuối tháng 4 này, 45 năm trước, lịch sử cũng đã ghi: “... Trời Điện Biên Phủ âm u những lớp mây dày, chốc lát đổ mưa. Đường hào ngập lênh láng nước. Máy bay địch thả dù “nhầm địa chỉ”. Đường ra tuyến 1 phảng phất thuốc lá Cô-táp, Mê-li-a, đôi khi sực nức mùi thịt bò tươi xào hành tây của các hãng Mi-sô, An-pô từ Hà Nội đưa lên...”

Thật may là nhờ những dãy núi trùng điệp vùng Tây Bắc, đợt gió mùa Đông Bắc chỉ đủ làm dịu bầu không khí ở Lai Châu - vùng đất thường có nhiệt độ cao nhất nước. Bên sân bay khô ráo dưới ánh nắng nhẹ, các bạn văn nghệ Lai Châu - trong đó có 2 cô gái Thái xinh đẹp Lò Phương Hoa và Vàng Thị Lướt, với những bó hoa tươi đã chờ sẵn. Thạch Linh, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ kiêm Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Lai Châu, dáng người chắc đậm như một lực điền, vui vẻ nói:

- Chúng tôi đón các bạn Huế hơn đón Tổng thống!

Cứ nghĩ là anh nói đùa, nhưng một chương trình 5 ngày dày khít những hoạt động phong phú đã được chuẩn bị chu đáo. Mấy năm trước, Tổng thống Pháp Mitterrand chỉ ghé thăm đồi D1 và hầm tướng Đờ-cát chốc lát rồi bay.

Chỉ riêng bữa cơm đón khách đầu tiên, ngay sau khi chúng tôi đặt chân lên đất Điện Biên, đã đầy ắp hương sắc vùng đất Tây Bắc của Tổ quốc. Măng đắng luộc chấm với chẳm chéo gồm rất nhiều thứ gia vị, trong đó có hạt má khén (hương vị gần như hạt tiêu); cá lăng mang từ thượng nguồn sông Đà về; xôi đựng trong ép khẩu - giỏ tre 2 lớp để giữ độ nóng và hương thơm của xôi; phải nói thêm là xôi cũng như cơm gạo Điện Biên có hương vị đặc biệt thơm ngon, xôi nắm không hề dính tay; và tất nhiên là rất nhiều rượu! Khách đến Tây Bắc, không thể từ chối chén rượu mời của những cô gái Thái. Vì thế mà tôi đã say ngay từ “trận đầu”; cũng chẳng biết say vì men rượu đặc biệt của Điện Biên hay say vì hương sắc những cô gái Thái lần đầu được gặp...

Thị xã Điện Biên - thủ phủ của tỉnh Lai Châu mới có quyết định thành lập từ năm 1992. 45 năm trước, 56 ngày đêm Điện Biên Phủ đã thành huyền thoại và nay, chỉ sau 6 năm xây dựng, trên cánh đồng Mường Thanh và quanh những chân đồi từng là cứ điểm quyết chiến năm xưa, phố xá Điện Biên với những tòa ngang dãy dọc đã hiện ra như một giấc mơ. Rất nhiều ngôi nhà cao tầng, mái bằng, lợp giả ngói, chóp nhọn, lan can vòng cung... đủ hình dáng, màu sắc. Ngoại trừ khách sạn Mường Thanh được tân trang từ những căn nhà sàn mua lại của bà con dân tộc Thái ở vùng bị lũ quét mấy năm trước, phố xá Điện Biên chẳng khác gì những khu phố mới ở Huế hay Hà Nội, trong khi Lai Châu là một tỉnh có đến 21 dân tộc, đông nhất là người Thái với tỷ lệ dân số chiếm 23%. Có phải vì vội để có nhà ở, có trụ sở làm việc hay vì các nhà kiến trúc không tìm được lời giải cho bài toán “kết hợp giữa tính dân tộc và hiện đại”? Chút băn khoăn ấy rồi cũng qua, vì dạo quanh phô xá Điện Biên rất ít gặp đồng bào các dân tộc; riêng thị xã Điện Biên, dân tộc Kinh chiếm đến 81%, trong đó người quê Thái Bình là đa số. Vậy nên ở đây có câu ca: “Thái Đen, Thái Trắng, Thái Bình - Ba Thái đồng tình, xây dựng Lai Châu.” Gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo Thị ủy Điện Biên, Tỉnh ủy Lai Châu, chúng tôi hiểu vùng đất cực Tây Bắc Tổ quốc này còn rất nhiều khó khăn, còn nhiều chuyện phải lo tính. Chỉ riêng đường biên giới chung với Trung Quốc và Lào dài trên 600 km, riêng huyện Mường Tè có diện tích bằng 4 tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng cộng lại cũng đặt ra bao nhiêu vấn đề phức tạp. Buôn lậu thuốc phiện (chính là Vũ Xuân Trường, một cán bộ ngành công an, phải bước đến pháp trường từ con đường qua Lai Châu!), nạn nghiện hút, rồi thầy giáo, y tế, đường giao thông cho những nơi xa...Tỉnh lỵ thì vừa phải di chuyển, cuộc sống hàng ngàn con người xáo trộn chẳng khác gì một trận động đất. Trụ sở Hội Văn nghệ, Hội Nhà báo mới chỉ là một căn phòng hẹp mượn tạm của Đoàn Nghệ thuật Tỉnh.

Vì thế và cũng là để thực hiện chủ trương tiết kiệm của Nhà nước, những ngày ở Điện Biên, chúng tôi “nhường” 20 nhà khách, khách sạn cho các đoàn người từ khắp miền đất nước đang nối nhau lên thăm Điện Biên, vui vẻ tạm trú trong căn nhà anh Phạm Xuân Ngọc - một cựu chiến binh Điện Biên Phủ đồng thời là một cây bút chủ lực ở Lai Châu. Tất nhiên, căn nhà không đủ tiện nghi bằng khách sạn, nhưng nước giếng trong lành bơm từ lòng đất sâu, quãng sân rộng mát rượi dưới bóng những cây nhãn đang kỳ đơm hoa và sự đón tiếp, chăm sóc ân cần, chu đáo của các bạn văn nghệ Lai Châu, của gia đình anh Ngọc với ấm nước nóng sớm mai, hũ rượu rắn và “túi thơ” cùng nhau ngâm ngợi từ đêm đầu tiên cho đến bữa chia tay... thì chắc gì các vị Tổng thống đã được hưởng! Hẳn cũng ít vị khách Điện Biên được chủ nhà “đãi” một chương trình phong phú như bản kế hoạch do anh bạn Thạch Linh “thiết kế”. Tưởng cũng nên vắn tắt ghi lại để biết Điện Biên có một tiềm năng phát triển du lịch-văn hóa và người Điện Biên mến khách đến mức nào.

Ngày thứ nhất. 12 giờ đón đoàn tại sân bay-Ăn cơm tại Nhà hàng Ngọc Mai. Chiều: Lãnh đạo Thị xã Điện Biên Phủ tiếp đoàn.
Ngày thứ hai. Sáng: Viếng nghĩa Trang, thăm Đồi A1, Hầm Đờ-cát. Chiều: Thăm đền Hoàng Công Chất và di tích Noong Nhai (nơi giặc Pháp thả bom giết hại 444 đồng bào các dân tộc ngày 25/4/1954)-Thường trực Tỉnh ủy tiếp Đoàn. Tối: Giao lưu với thầy trò Trường PTTH Chuyên ban.
Ngày thứ ba. Sáng: Thăm, làm việc với Hội Văn nghệ-Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp Đoàn. Chiều:Thăm hồ Pe Luông-Lãnh đạo huyện Điện Biên tiếp đoàn.
Ngày thứ tư. Sáng:Thăm đập Nậm Rốm, hồ Huổi Phạ-Lãnh đạo Công ty Thủy nông tiếp Đoàn. Chiều: Thăm Bảo tàng Điện Biên-Lãnh đạo Sở Văn hóa thông tin tiếp Đoàn. Tối: Giao lưu với thầy trò Trường chuyên Lê Quý Đôn.
Ngày thứ năm: Thăm Mường Phăng, chỉ huy sở chiến dịch Điện Biên Phủ-Thăm hồ Pa Khoang (ăn trưa tại hồ). Chiều: Thăm chợ Điện Biên Phủ-Lãnh đạo Hội Nhà báo tiếp Đoàn

Trong cảnh “nhà nghèo”, anh Thạch Linh có “mẹo” dựa vào phương hướng “xã hội hóa hoạt động văn nghệ”, nhờ nhiều cơ quan tiếp đãi khách thì nay tôi mượn bản “thiết kế” của anh là cách vắn tắt kể lại tất cả những hoạt động ở Điện Biên.

Thật ra, bản “thiết kế” so với lúc “thi công” có ít nhiều thay đổi. Như ngay đêm đầu tiên, các bạn thơ Lai Châu đã đưa chúng tôi lên thăm đồi A1. Làm sao có thể ngủ yên khi biết điểm quyết chiến giữa ta và địch chỉ cách nhà anh Ngọc một quãng đường ngắn. Và trăng lúc ẩn lúc hiện qua những tầng lá nhãn đen sẫm lao xao trong gió như lời rủ rê, mời gọi. Quốc lộ 279 dưới chân đồi A1 sáng trưng nhờ hệ thống đèn cao áp vừa khánh thành. Trẻ em tràn ra đường phố, tụ tập quanh điểm vui chơi dành cho thiếu nhi đông như hội. Đồi A1 từng rung chuyển vì lửa đạn năm xưa, trong đêm trăng hôm nay thì lại lặng yên như một bức tượng vĩ đại. Lô cốt Cây-đa-cụt, chiếc xe tăng, miệng hố bộc phá và tấm bia kỷ niệm trên đỉnh đồi cũng như những hàng cây tếch do các cựu binh Điện Biên Phủ trồng năm 1962 đều lặng im. Sự lặng im chất chứa bao điều đáng nói. Đôi tình nhân ôm nhau bên tấm bia kỷ niệm cũng tưởng như đã hóa đá. Hạnh phúc vốn chẳng cần nhiều lời...

Đương nhiên, buổi thăm chính thức đồi A1 và viếng Nghĩa trang vẫn tiến hành theo kế hoạch. Nghi lễ dâng hoa, thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ Điện Biên chỉ có thể tổ chức vào ban ngày. Nghĩa Trang Điện Biên đã được xây dựng hoàn chỉnh cạnh chân đồi A1. Đến trước chúng tôi là những cựu binh sư đoàn 316, ngực áo lấp lánh huân chương và không ít cặp mắt đỏ hoe. Làm sao cầm được nước mắt trước hàng hàng bia mộ không tên và hai bảng vàng chạy suốt hai mảng tướng lớn chi chít tên họ các liệt sĩ được xếp theo từng tỉnh: Hà Nội, Vĩnh Phú, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... 45 năm đã qua và thời chống Pháp chưa có kinh nghiệm ghi lại tên tuổi chiến sĩ phòng trường hợp hy sinh, nên những nấm mộ quy tập về nghĩa trang không dễ phân biệt, mộ chí đành để trắng.

Các bạn văn nghệ Lai Châu hẳn là muốn chúng tôi hiểu rằng, bên những dấu tích của quá khứ anh hùng, Điện Biên còn dạt dào một sức sống mới, nên đã bố trì nhiều thì giờ thăm các công trình thủy lợi. Vậy mà chúng tôi đã đề nghị được “rút gọn”, vì thời gian có hạn, cũng vì chợt nghĩ: “Hồ với đập thì ở đâu chả có...” Bây giờ, ngẫm lại, hiểu ra mình đã vội nghĩ. Bỗng thấy tiếc, giá như đừng lược bớt buổi đi thăm đập Nậm Rốm, hồ Huổi Phạ và được dạo thuyền quanh hồ Pa Khoang, được ngồi lâu hơn chút nữa trên con đập cao lừng lững nối hai quả đồi bên hồ Pe Luông lộng gió để thấm hiểu sâu sắc hơn cuộc đổi đời ở Điện Biên. Ngày nào, các ngọn đồi quanh lòng chảo Điện Biên là nơi xuất phát những “trận mưa” lửa đạn; còn hôm nay, dòng nước mát từ các hồ chứa trên cao tỏa về khắp cánh đồng Mường Thanh. Đất Điện Biên tạo nên chất gạo thơm ngon, nhưng chính các hồ chứa nước trên cao đã nâng sản lượng lúa lên 5-7 tấn/héc-ta, đưa Lai Châu từ một tỉnh thường phải xin Trung ương trợ cấp 5000 tấn/năm trở thành địa phương thừa gạo. Hơn thế, những hồ chứa nước đã góp phần cải thiện vùng “tiểu khí hậu” khá khắc nghiệt ở Điện Biên; vườn hoa hồng vừa được trồng trên cánh đồng phía trước hầm De Castries đang đua nhau vươn những mầm tím mập mạp báo hiệu mùa hoa nở rộ sắp tới cũng nhờ có mương dẫn nước chạy quanh. Lại nhớ hệ thống giao thông hào chi chít mà quân ta kỳ công đào lấn từng mét trên khắp cánh đồng Mường Thanh 45 năm trước đã được tái hiện trên sa bàn chiến dịch Điện Biên Phủ trong Nhà Bảo tàng Điện Biên...

May mắn hơn những người đi trước, chúng tôi đến Điện Biên khi con đường dài 25 km nối từ quốc lộ 279 đến tận Mường Phăng - nơi đặt Chỉ huy sở chiến dịch Điện Biên Phủ vừa được hoàn thành. Anh Tín, người lái xe điệu nghệ của Sở Văn hóa Lai Châu đưa chiếc xe com-măng-ca vượt chặng đường quanh co hiểm trở dài 41 km, kể từ trung tâm thị xã Điện Biên, tới Mường Phăng chỉ trong một tiếng đồng hồ. Chưa có lối đi lên đỉnh “Pu Huất” - nơi đặt đài quan sát được toàn cảnh Điện Biên Phủ, nhưng con đường dốc quãng 1 km lên khu rừng đặt Sở chỉ huy đã được lát bằng những phiến bê tông rộng đủ hai đoàn người ngược xuôi tránh nhau. Những tấm bảng chữ vàng ghi dấu nơi đặt “Tổng đài   điện thoại”, “lán hầm cơ quan chính trị chiến dịch Điện Biên Phủ”, “lán hầm của cố vấn Trung Quốc”, “Nơi họp Ban tác chiến”... lần lượt hiện ra bên lối đi. Cửa hầm xuyên núi và lán làm việc của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đã được tái tạo một phần. Căn lán lợp lá rộng khoảng 3m, dài 5m, gian ngoài đặt bộ bàn ghế dài, rồi chiếc chõng nhỏ dành cho chiến sĩ cận vệ, gian trong là chiếc bàn và chõng dành cho Đại tướng. Ngày trước, tất cả đều bằng tre; nay để giữ được dài lâu, các vật dụng được tái tạo theo kiểu “bê tông giả tre”; mấy chiếc cầu nhỏ bắc qua dòng khe nhỏ uốn lượn chảy qua lối đi cũng là những cây “bê tông giả gỗ”...

Mường Phăng - Phăng, tiếng Thái nghĩa là “nghe”; do vùng này nhiều hổ, vào rừng phải lắng nghe. Nhưng đi giữa khu rừng già vừa lúc nắng lên hôm nay, chúng tôi chỉ nghe đầy tiếng chim và ở một khúc quanh gần thân cây cổ thụ bị mục gãy đổ chắn ngang, chợt líu lo vẳng lên tiếng hát của trẻ thơ. Anh Mào Ết, Uy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ Lai Châu - người “bạn đường chung thủy” với chúng tôi trong những ngày ở Điện Biên, cất tiếng hỏi, lắng nghe lời đáp rồi “phiên dịch”: “Các em người Thái ở Mường Phăng đi hái quả rừng đó!” Nhân nhắc đến quả ngon giữa rừng, anh Mào Ết chỉ những lá cây hai bên lối đi và giảng giải:

-...Lá doong để gói bánh thì các anh biết rồi; nhưng nõn lá là thứ thuốc giải rượu...Còn đây là rau dớn, chần tái, chấm nước mắm chanh ăn rất mát...Đây là cây sa nhân, đây là lá Toong Cói, nướng vàng, pha uống như nước chè, bổ gân cốt; nghĩa là uống nó thì “chuyện ấy” không biết mệt!

- Sao anh biết?

- Thì phải thử chứ! Ở đời, cái gì cũng phải thử cho biết chớ!

Anh vừa nói, vừa cười, nụ cười rất hóm.

Vui chuyện, quay lui, tôi mới biết Đào Thái Tôn đã rớt lại phía sau. Vị Phó giáo sư, Phó tiến sĩ chuyên nghiên cứu Truyện Kiều và thơ Hồ Xuân Hương nhập đoàn cùng chúng tôi từ Hà Nội, người còm nhom như...một con nghiện, không biết vì leo dốc thấm mệt hay đang suy ngẫm về những tấm bia hữu danh và khuyết danh. Ở Bảo tàng Điện Biên Phủ cũng như ở đền Hoàng Công Chất, anh đều chăm chú tìm hỏi những tấm văn bia cổ. Chuyện giữa khu rừng già này nay cũng đã thành cổ tích. “Ngày ấy, ở đây...” Những tấm bia không thể nói hết chuyện. Tôi nhìn lá rừng tầng tầng lớp lớp như vô tận, nhìn những đốm hoa rừng rải trắng lối đi, chợt nghĩ đến những đến không biết bao nhiêu người con ưu tú của dân tộc đã đặt bước chân trên con đường này cũng như trong những con đường hào ngoằn ngoèo bủa vây quân thù dưới lòng chảo Điện Biên năm xưa. Nhiều người đã để lại tên tuổi - trong đó, 14 anh hùng quân đội được phong tặng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thành những dòng chữ vàng trên trang sử vẻ vang của dân tộc sẽ còn mãi với thời gian. Nhưng không ít người đã “khuyết danh”; như 4 chiến sĩ đã hy sinh khi đánh gục chiếc xe tăng địch trên đỉnh đồi A1 trước giờ chiến thắng; và tất cả những bia mộ ở nghĩa trang Điện Biên Phủ đều không có tên; cũng có người “khuyết danh” vì những khúc quanh éo le của lịch sử... Dù sao, tất cả đã làm nên “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu”, tất cả đã góp sức viết thành tên ĐIỆN BIÊN PHỦ bất diệt.

Có lẽ cũng nên dành ít dòng nói đến một “di tích” ở Điện Biên còn ít người biết. Đó là khu đất chôn cất sĩ quan, binh lính Pháp tư trận ở Điện Biên Phủ mà Nhà nước ta, với chính sách nhân đạo, đã cho xây thành bao quanh, ở giữa có cột trụ ghi: “Aux officiers et soldats de l’armée Francaise morts à Điện Biên Phủ”. Công trình này là sáng kiến của Rolf Rodel, nguyên là trung sĩ thuộc trung đoàn đóng tại Hồng Cúm, được khánh thành ngày 7/5/1994, kỷ niệm 40 năm trận Điện Biên Phủ. Dưới chân cột trụ, có vài chân hương đã tàn và một bó hoa cúc vàng đổ nghiêng. Vậy là con cháu của họ đã có người biết tìm đến đây. Chợt nghĩ, trong thế giới ngày nay, bài học đau xót của những kẻ xâm lược vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự.

Tạm biệt Điện Biên sau bữa cơm chia tay dưới bóng những cây nhãn trên sân nhà anh Phạm Xuân Ngọc với những khuôn mặt đã trở nên thân thiết: Chủ tịch Hội Văn nghệ Trần Quang Huấn, Thạch Linh, Mào Ết, nhiếp ảnh gia Huy Tuyến, Văn Hách, Mai Vân, cây bút nữ Lê Hải Yến... Giám đốc Sở Văn hóa Lại Quang Trung dù đang bận bù đầu với những công việc chuẩn bị cho ngày đại lễ, cũng ghé lại chiếu rượu tiễn đưa. Quà về xuôi là hàng thổ cẩm và những túi gạo thơm Điện Biên. Chỉ tiếc là không có điều kiện về bản dự đêm múa xòe theo lời mời của bí thư huyện Điện Biên Nhâm Văn Duy, một nhà lãnh đạo rất am hiểu và quý trọng giới văn nghệ...

Vậy là còn có cớ để trở lại Điện Biên. Mà đâu chỉ một đêm múa xòe. Nhiều giá trị văn hóa của các dân tộc đang được khai thác, nhiều di tích lịch sử ở Điện Biên sẽ tiếp tục được tôn tạo với một dự án lớn đang trình Chính phủ phê duyệt. Ngày kỷ niệm đã qua, nhưng Điện Biên mãi mãi là một địa chỉ văn hóa sáng giá mà mỗi người Việt Nam ít nhất cũng nên đặt chân đến một lần.

Huế, Tháng 5/1999
N.K.P
(124/06-99)


 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cha tôi (10/12/2009)