Tạp chí Sông Hương - Số 123 (tháng 5)
Tâm hồn bên ngoại
15:24 | 15/12/2009
PHẠM THỊ THÀNHNgười ta thường nói "Quê cha đất tổ" là quê hương ruột thịt của mình, vậy mà đối với tôi, quê ngoại "Huế" sao lại gần gũi thân thương đến vậy. Có lẽ vì vậy mà khi Ban liên lạc đồng hương Huế  ra Hà Nội ngỏ ý mời tôi tham gia vào ban tổ chức "Tuần văn hóa Huế tại Hà Nội 8-12/4/1999" tôi sung sướng nhận lời ngay. Tôi nghĩ rằng : đây là dịp mình được phụng sự quê hương bên ngoại mà tôi hằng ấp ủ, yêu mến.
Tâm hồn bên ngoại
NSND Phạm Thị Thành - Ảnh: thethaovanhoa.vn

Tôi được nhận nhiệm vụ tổ chức các đêm biểu diễn ở nhà hát lớn thành phố Hà Nội và một vài địa điểm khác.

Được sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ múa của đoàn nghệ thuật truyền thống Huế do nghệ sĩ ưu tú La Cẩm Vân dẫn đầu, các nghệ sĩ của đoàn dân ca kịch Huế; nghệ sĩ Ái Hoa của Sở Văn hóa thông tin Thừa Thiên Huế, nghệ sĩ nhân dân Lê Dung, các ca sĩ Hương Mơ, Đức Long, Thùy Dung, dàn nhạc bán cổ điển của Đài Tiếng nói Việt Nam và đặc biệt là phần thời trang Huế xưa và nay của nhà tạo mẫu gốc Huế Minh Hạnh.

Chúng tôi lên một chương trình phong phú, đa dạng, rực rỡ, hoành tráng đậm đà bản sắc Huế mà vẫn hiện đại với tiết tấu ngày hôm nay,  nghĩa là sôi động, hào hứng, đủ sắc màu nhưng vẫn có những phút sâu lắng, trang nghiêm, thầm lặng.

Mở đầu là điệu hò mái nhì, điệu hò đặc sắc nhất của xứ Huế. Những điệu múa cung đình đã được các nghệ sĩ múa thể hiện quá đặc sắc, nhất là điệu múa "Lân mẫu xuất lân nhi" đã được khán giả vỗ tay nhiều lần vì sự tinh tế, nhịp nhàng mà ý nhị sâu sắc cộng với yếu tố bất ngờ làm khán phòng rộ lên đầy hưng phấn.

Giọng Huế ngọt ngào, nhẹ nhàng, dễ thương của Thu Hằng và Kiều Oanh đã đưa khán giả Hà Nội đến với Huế trong các bài thơ của Tố Hữu và của Hàn Mặc Tử : Giọng ca độc đáo mang đầy sắc thái dân gian Huế trong bài "Chầu văn" do Ái Hoa vừa đàn nguyệt vừa hát.

Phần thời trang được 20 cô gái đẹp của Hà nội thể hiện trong các tà áo dài bởi sự cải biến sáng tạo từ màu sắc đến kiểu dáng của nhà tạo mẫu tài ba Minh Hạnh.

Tân nhạc nói về Huế, ca ngợi Huế, yêu thương Huế rất nhiều, nhưng trong chương trình chỉ trình diễn được một số bài của các nhạc sĩ Huế. Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ của tình yêu và thân phận con người. Ca khúc của anh dù không có một lời cụ thể nào về Huế nhưng nhạc phẩm của anh cứ bắt người nghe nhớ về Huế đài các và mộng mơ.

Ai cũng biết Huế có nhiều nhạc sĩ tài hoa,  độc đáo như : Nguyễn Văn Thương, Trần Hữu Pháp, Tôn Thất Lập v.v... và rồi những câu thơ mang chất âm nhạc của Nguyễn Khoa Điềm đã giúp nhạc sĩ Trần Hoàn sáng tạo tác phẩm "Lời ru trên nương" qua sự thể hiện của Lê Dung đã giúp cho chương trình hoàn chỉnh đẹp đẽ, để lại ấn tượng sâu sắc về một mảng văn hóa - nghệ thuật Huế trong lòng mọi người.

Chương trình thành công còn nhờ sự đóng góp của nhà thơ, nhạc sĩ tài giỏi Nguyễn Trọng Tạo, hơn 10 năm sống trên đất Huế đã giúp anh góp những lời bình về Huế, những kết nối ngắn gọn mà xúc tích.

Tâm hồn tôi trong nghệ thuật, đó là nhờ tình cảm gắn bó với bên ngoại tôi, cảm ơn các cụ đã cho tôi phần nào nhịp đập của trái tim Huế.

P.T.T
(123/05-99)



 

Các bài mới
Đêm bơ vơ (21/12/2009)
Các bài đã đăng
Nhật ký (15/12/2009)