Tạp chí Sông Hương - Số 123 (tháng 5)
Đêm bơ vơ
14:33 | 21/12/2009
KIỀU VƯỢNGĐêm giữa thu. Hà Nội se lạnh. Sao chới với nhưng mây vẫn vũ làm nền trời như khô khốc, nhạt nhòa. Một hồi còi tàu rú dài như thả thêm vào đêm luồng khí lạnh. Quang nhìn đồng hồ sân ga dã quá mười hai giờ khuya.
Đêm bơ vơ
Minh họa: Phan Thanh Bình

Cả ngày nay, Quang phải làm một việc hệ trọng của đời người. Nói đúng hơn. Quang phải đóng một vai quan trọng trong lễ cưới của Nhạn, em gái mình. Nhạn tốt nghiệp đại học chưa được bao lâu thì kết hôn với một giáo sư trẻ, thầy dạy của cô. Chú em rể lại là con trai độc nhất của một vị Thứ trưởng có thừa quyền lực. Bởi thế, Nhạn được nhận công tác ở một trường phổ thông trung học giữa thành phố trước ngày cưới. Nhưng tất cả chuyện đó đối với Quang chỉ là vặt vãnh. Cái lớn nhất là anh đã mãn nguyện. Quang chỉ có một ước muốn mong sao cho đứa em gái duy nhất của mình được hạnh phúc. Tổ tiên, phúc đức thế nào mà dòng họ nghèo hèn nhà anh lại sinh ra một cô Nhạn xinh tươi, thông minh và nết na đến thế. Quang chỉ phân vân một điều là em gái mình sống quá vô tư. Vô tư nhiều lúc tới mức vô tâm.

Đối với Nhạn, cuộc đời này bất cứ cái gì cũng trong suốt, đẹp rực rỡ. Cái gì cũng đáng yêu và đáng say. Quang chỉ có một mong muốn là em gái mình được hạnh phúc và hôm nay đã đến.

Nhưng chính đêm nay, khi đứa em gái duy nhất của anh đang chứa chan hạnh phúc trong một biệt thự sang trọng thì cũng chính là đêm Quang thấy mình bơ vơ nhất trong suốt hai mươi bảy năm anh có mặt ở thế gian trần tục.

Chuyến tàu Thống Nhất rời ga Hà Nội vào lúc một giờ khuya. Hà Nội đang vùn vụt, loang loáng, vội vàng lùi lại phía sau. Quang cảm thấy tàu chạy quá chậm. Anh muốn nhảy khỏi đoàn tàu nặng nề để nhằm hướng Nam chạy thật nhanh bằng đôi chân của mình. Anh muốn lẩn trốn thật nhanh khỏi cái thành phố hào hoa, giàu sang và ồn ã này. Anh thề với lòng mình đây sẽ là đêm cuối cùng với Hà Nội. Anh đã thề thì anh sẽ giữ lời thề ấy.

Trong đầu óc u nặng của Quang chỉ còn chơi vơi bóng hình làng biển, nơi mẹ đẻ ra anh. Làng anh mang dáng một con thuyền nhỏ bị cạn lại vừa giống một chiếc lá bàng khô rộp trên bãi cát. Đêm nay, nơi ấy Quang chỉ còn một người thân duy nhất đó là người cha tội nghiệp. Người cha mà số phận luôn đun đẩy, quăng quật không một phút bình yên. Cha Quang tên là Cát nhưng ông phải mang thêm cái từ đệm là Đao. Cả làng cả xứ biển này nói đến Cát Đao thì ai cũng biết. Ông sống sờ sờ nhưng lại cứ như một huyền thoại cổ xưa. Nhiều kẻ vô công rồi nghề còn đem chuyện ông để thêm pha, bịa đặt đủ thứ hài hước làm vui.

Quả thật Cát Đao có một cuộc đời chìm nổi, cam go tới mức vừa huyền thoại lại vừa lạ lùng. Sắp vào tuổi sáu mươi nhưng cứ mỗi chiều tà, khi mặt trời chìm dần sau rặng tre làng mà ngày ấy vẫn chưa gặp tai họa nào ập đến thì ông biết mình chưa thể ăn ngon ngủ yên.

Còn đêm nay, trên con tàu già nua mệt nhọc lắc lư, Quang hình dung cha mình đang hết vào lại ra đường nhìn về phía chân trời phía Bắc. Người cha tội nghiệp của anh làm sao ngủ được trong căn lều cổng chợ đêm nay. Ông như thân gà trống nuôi con đằng đẵng suốt hơn hai chục năm trời chỉ mong có hôm nay. Ông còn mong gì hơn kia chứ. Ông đang đinh ninh hai đứa con đã trưởng thành, đàng hoàng, bề thế nhất làng nhất xã. Con Nhạn thì đành một nhẽ. Đàn bà tốt nghiệp đại học vừa ra trường đã có công ăn việc làm, chồng con đàng hoàng thế là ông mừng. Niềm hy vọng lớn nhất của ông là thằng Quang. Ông tin tuyệt đối con trai mình đã tốt nghiệp đại học bách khoa ra trường gần một năm nay, là kỹ sư gì đó ở một Công ty giàu có nhất tỉnh. Ông tin và ông mãn nguyện lắm, thật bõ công lăn lóc, tần tảo nuôi con. Chính từ lòng tin ấy mà hơn ba năm nay ông sống lặng lẽ, vui vẻ với cái nghề chẻ nan tre, đan rổ bán cho dân làng buôn cá từ biển lên chợ huyện. Căn nhà cũ cha mẹ để lại ở giữa làng ông bán lâu rồi. Hơn mười năm trước ông đã dựng cái lều bằng tranh tre ngay trước cổng chợ Đón. Bây giờ ông tin không lâu nữa thằng kỹ sư Quang nhà ông sẽ có biệt thự giữa thành phố, có vợ đẹp con khôn và sẽ đón ông lên. Ý nghĩ tốt đẹp ấy nâng vực ông sống thanh thản, tử tế và tốt bụng với tất cả mọi người.

Vợ Cát Đao tên là Đài. Thời xuân sắc, cô gái Đài đẹp nhất vùng mà bất cứ chàng trai nào trông thấy đều phải cắn răng thật chặt để nuốt khan nước miếng. Nhà Cát Đao và nhà cô Đài cách nhau một bờ dậu bằng mây do bố Đài trồng. Cây mây trồng ở đất cát vùng biển, có hơi nước mặn đẻ lan nhanh quá thể. Cứ sáng một ngày, hàng mây lại mọc thêm vô vàn đọt trắng. Rồi một lần bố Cát Đao đào một cái hào thật sâu dọc bờ mây bên mảnh vườn chó ỉa nhà mình cho mây khỏi đẻ lấn sang. Vài ngày sau, một trận mưa rào, đất cát lở làm hàng mây đổ sụp. Một trận ẩu đả xảy ra giữa hai nhà, tiếp đó là một trận đánh nhau sứt đầu mẻ trán, mối hận thù sinh ra từ đó. Hai nhà cách nhau một bờ mây nhưng hàng chục năm trời không nhìn mặt nhau. Bố mẹ đã thù nhau thì con cái cũng theo. Cô Đài và chàng Cát bằng tuổi. Cát học dở dang bỏ theo cha làm nghề chài lưới kiếm sống ngoài biển. Cát có một biệt tài là bơi lội như con rái cá.

Năm mười bốn tuổi, một trận giông tố đột ngột giữa biển. Dân làng chết gần trăm mạng, trong đó có người cha thân yêu của Cát. Cát Đao phải bơi bộ suốt hai ngày hai đêm ròng trên biển. Lần ấy Cát nhai gần hết chiếc quần lót vải nhuộm nâu của mình để quai hàm khỏi cứng lại mong giữ được sức mà bơi. Lần ấy, Cát được tàu hải quân cứu sống.

Đầu năm 1966, giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc dữ dội. Trai gái làng ông tranh nhau đi thanh niên cảm tử ở đoàn vận tải thuyền nan chống Mỹ để chèo thuyền chở đạn và gạo vào chiến trường Nam khu bốn. Cát Đao và Đài có mặt trong đoàn quân ấy. Đại đội của họ có một trăm chiếc thuyền nan và hơn hai trăm con người mà chưa mấy ai qua tuổi hai mươi. Chiến tranh. Thuyền và người cứ hao mòn dần. Không ngày nào họ không phải đào hố huyệt dọc hai triền sông để chôn cất đồng đội rồi lại vội vàng ra đi. Bom đạn mù mịt. Thỉnh thoảng họ lại phải dừng thuyền vớt xác đồng đội vô danh vừa trôi nổi trương lên từ dòng sông ấy. Sống chết là thế, đau thương là thế nhưng Cát và Đài cùng ngõ làng vẫn không chào hỏi nhau suốt hai năm trời đằng đẵng.

Đến một chiều đông, đó là chiều ngày 20 tháng một ta năm 1968. Cô Hậu đi cùng thuyền với Đài bị thương phải nằm lại một hiệu ảnh bên đường. Mình Đài chèo một thuyền ba tấn gạo vượt kênh Son ra cửa Lạch Cờn Nghệ An. Đài phát hiện thuyền mình bị mảnh bom găm thủng nan nứa. Nước rò vào rất nhanh. Đài gác mái chèo nhảy xuống lòng khoang, dùng khăn mặt nút lỗ thủng rồi vội vàng tát nước. Mải tát nước, chiếc thuyền của cô bị gió đẩy ra sát cửa biển Lạch Cờn. Hoảng hốt, Đài cầm sào chống nhưng nước sâu quá, cô cạy bát mái chèo nhưng không thấm vào đâu với sức nước ròng và gió lớn. Đài nhận ra, gió Tây Nam quá mạnh. Chỉ chốc lát thôi cả cô và con thuyền nhỏ sẽ làm mồi cho cá dưới đại dương. Đài gắng hết sức nhưng càng gắng thuyền càng dạt ra biển rất nhanh. Giữa lúc vô cùng tuyệt vọng, Đài nghe tiếng người hét lẫn trong tiếng gió rít:

- Ghìm thật chắc chèo. Không được buông lái...

Bơi theo cứu thuyền lại chính là Cát người hàng xóm hận thù của cô. Không biết trời đất run rủi thế nào, Cát phát hiện có một chiếc thuyền đang gặp nạn. Cát hét người bạn cùng đi:

- Có thuyền bị nạn dạt ra biển, mày cố chèo nhanh đuổi đoàn vào tuyến để khỏi mắc cạn. Tao phải ra cứu...

Chỉ nói vậy, Cát nhảy xuống dòng nước lạnh bơi cứu thuyền trong gió rét cuồng loạn.


Đài nhận ra có người cứu mình. Cô vứt sợi dây dừa buộc sẵn một đầu vào cọc chèo xuống sau thuyền. Cát túm dây vừa bơi vừa kéo lê chiếc thuyền vào cửa lạch. Mãi khi Đài nhận ra người cứu mình chính là Cát thì cô mới òa khóc. Cô khóc như chưa bao giờ được khóc nhưng Cát không nghe vì sóng to gió lớn và Cát đang dồn hết phần sức lực còn lại để kéo thuyền. Kéo được thuyền vào được đầu kênh Cát Vàng thì họ gặp nước ròng rất nhanh, mặt sông bỗng dưng cạn rặc. Trời tối mịt tối mù. Đài kéo tay Cát khỏi mặt sông bùn loãng lên thuyền. Toàn thân Cát giá cóng. Đài lấy chiếc buồm nâu lau người cho Cát. Đài chui vào khoang lật các bì gạo ra hai bên thành một cái rãnh sâu giống hệt như một hố huyệt của chiếc quan tài. Đài lôi Cát dúi vào quan tài ấy cũng chỉ mong hơi nóng của gạo phả ra làm Cát khỏi chết cóng. Đài đắp chiếc chăn chiên, phủ cả chiếc buồm nâu lên người Cát xong, cô chui ra ngồi ở sạp luồng khoang lái. Biển và trời đen đặc chùng chiềng, sóng trắng lân tinh. Gió rít lên từng cơn như cố xô đẩy những hàng sú vẹt ngàn đời ngẩn ngơ chịu rét. Gió đạp vào vách núi ven sông bật lên những tiếng hú dài rùng rợn. Tiếng chim quái ác trong hang núi khắc khoải thả xuống hai tiếng “ cho chừa- cho chừa...”. Bỗng Đài nhận ra một đốm lử lập lòe trên hông núi Quỳnh Lập. Đài hiểu đó là nơi sơ tán những người bị bệnh phong hủi của bệnh viện.

Trời càng về khuya càng giá cóng. Sương như có thể bốc được trên tay. Cô đưa tay vuốt tóc mà ngỡ đang chạm vào mặt chảo mỡ đặc. Lại một tiếng chim “ cho chừa”. Lại một tiếng gió hú từ vách đá. Biển và trời thành một khối đặc. Rét cóng và sợ hãi. Đài chui vào khoang chất gạo ngồi cạnh Cát. Cát tỉnh dậy từ lâu và hiểu hết nên nhỏ nhẹ:

- Đài nằm xuống cho đỡ cóng. Đói rét, khổ ải, sống chết tính từng giây chẳng lẽ còn hận thù nhau mãi...

Đài òa khóc. Cô nấc lên nghe giống tiếng nấc của gió gào. Cô cảm thấy lồng ngực mình sắp vỡ tung ra. Nước mắt cô nóng hổi trên mặt chàng trai Cát. Họ úp mặt vào nhau. Họ quấn chắc vào nhau như để đỡ rét. Họ kệ cho con thuyền mắc cạn cứ run lên bần bật và hình như đang lún dần xuống mặt sông lênh loáng bùn loãng. Đó là đêm đầu tiên, lần đầu tiên hai con người biết mùi thơm của da thịt con người. Đó cũng là lần đầu tiên hai thể xác, hai linh hồn được hòa quyện nhau và họ nhận ra sự mới lạ sung sướng của kiếp làm người.

Đoàn thuyền của họ vẫn nặng hàng vượt sông Lam, vào sông La, lên tận sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, Ngàn Trớc. Ngược gió và nước. Chiến tranh khốc liệt hơn lên. Họ lại vượt hàng trăm hải lý từ cửa biển Lạch Hội Nghệ An vào Đồng Hới, vào sông Nhật Lệ Quảng Bình. Thuyền họ lại ngược sông Kiến Giang lên tận vùng Thác Tre, Xuân Bồ trao hàng sang những chiếc xe thồ chở tiếp vào đường mòn Hồ Chí Minh. Bao cay cực, chia ly họ quên hết. Họ chỉ nhớ có chiến tranh và kỷ niệm. Kỷ niệm hình như nhiều hơn số bom đạn kẻ thù dội xuống mà họ từng hứng chịu trên đường xa sông vắng.

Rồi chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ kết thúc. Chàng trai Cát và cô gái Đài lại trở về cái làng biển mang dáng một con thuyền mắc cạn mà họ từng gặp. Làng biển của họ cũng xơ xác vì bom đạn. Bờ mây ngăn cách hai nhà cũng bị bom Mỹ cày tan tác. Họ cưới nhau ngày 16- 10- 1972. Đám cưới Cát và Đài chỉ có nhiều trầu cau và vô vàn những cái ống điếu thuốc lào. Quà mừng cưới là những mủng gạo tẻ, những rá gạo nếp. Nhiều ông già xách từng xâu cá quần dài vắt vai từ ngoài biển về qua sân nhà Cát vứt vào mừng đám cưới. Nhiều bà già mắt nhá nhem lần trong cạp váy nâu lấy ra mấy đồng bạc vo tròn như cái chỏm cau. Rồi họ sinh con trai đầu đặt tên là Quang. Quang được mười ba tháng tuổi thì họ lại sinh tiếp cô gái Nhạn xinh tươi để đêm nay đang tràn trề hạnh phúc với thầy giáo trẻ ở thủ đô.

Năm Nhạn lên bốn, một thảm họa ập đến gia đình họ. Đó là một trưa hè nắng quái. Đài nhốt hai đứa con nhỏ đi mua cá ngoài biển về chợ Đón bán. Về đến cổng chợ Đài bị cảm gục xuống khi đòn gánh còn đè trên lưng. Dân làng vội đưa đến trạm xá nhưng không thể nào cứu sống được.

Hai ngày sau, Cát từ ngoài khơi trở về nhận tin vợ chết. Cát ôm hai đứa con chạy ra mộ Đài úp mặt lên đống cát giữa đồng. Những ngày sau Cát khắc tên vợ vào cái bai chèo dựng cạnh bàn thờ và thề:

- Cả đời tôi chỉ có mình Đài. Tôi thề sẽ nuôi con một mình cho chúng nên người...

Cát bỏ nghề biển để chạy chợ nuôi con. Ông lam lũ và cam phận. Trời xa lắm và đất thì lỳ lợm lắm.

Năm Quang mười sáu tuổi ông Cát bán ngôi nhà giữa làng lấy tiền nuôi con ăn học. Ông ra dựng một cái lều ngay giữa cổng chợ Đón, giữa nơi vợ ông quỵ xuống vì cảm nắng. Ông mở quán tiết canh lòng lợn. Mấy năm đầu làm ăn khấm khá, khách dồn hết cả về quán của ông. Dân chài lưới ngoài khơi vào đến đất liền thế nào cũng rủ nhau vào quán ông Cát. Có tiền thì trả. Chưa có tiền thì chịu. Lâu nữa thì xách cá về đổi trừ nợ. Phàm ở đời khi đói khổ thì họ khinh. Lúc kiếm được miếng ăn họ lại dèm pha ghen ghét. Rồi công an, thuế vụ trong xã đến hạch họe, ăn không chịu trả tiền. Nhiều hôm ăn không trả lại còn hạch sách nữa. Đến một chiều như không còn chịu đựng nổi, ông Cát đòi tiền ra mặt cánh thuế vụ. Họ dọa sẽ đưa người về bắt ông. Điên tiết vì quá chén ông rút con dao bầu chọc tiết lợn để sẵn lùa mấy chàng thuế vụ chạy tán loạn. Ông công khai tuyên bố giữa chợ:

- Vợ chồng tao đi chèo thuyền chở gạo đánh Mỹ, thừa sống thiếu chết trở về. Nay vợ chết, con dại mở cái quán kiếm ăn. Đứa nào lớ xớ định quy t tao chém. Tao chém hết rồi mới chém tao sau.

Cái tên đệm Cát Đao có từ hôm đó (ở vùng biển con dao thì gọi là đao mà). Cũng từ đó cánh thuế má phải lờ dần và ông giữ lời thề bên bàn thờ vợ sống một mình thật để nuôi con. Năm Quang và Nhạn lên cấp hai thì đều học giỏi nhất vùng. Năm nào cũng được đi thi học sinh giỏi ở huyện, ở tỉnh. Hết lớp mười hai Quang đạt giải nhì quốc gia về môn toán, được vào thẳng đại học bách khoa. Quang học hết năm thứ nhất thì Nhạn cũng đoạt giải ba môn văn trong kỳ thi tuyển quốc gia và vào thẳng đại học sư phạm 1 Hà Nội. Ông Cát trần lưng xoay sở ở quán tiết canh lòng lợn để nuôi hai đứa con ăn học giữa thủ đô. Nhờ trời quán ông ngày một khấm khá. Không chỉ đủ nuôi con mà có của ăn của để. Đang lúc ăn nên làm ra thì một trận ốm ập đến quật ngã Cát Đao. Ông sốt liên miên và ho khắc khoải, cầm canh hàng tháng vì bệnh cảm hàn. Những kẻ lâu nay cùng bán hàng ganh ghét Cát Đao đông khách liền tung tin ông bị ho lao. Họ lại còn bảo lao hang lao hốc gì đó tận trong gan trong phổi. Những người từng ăn tiết canh lòng lợn ở quán Cát Đao đều lo sợ mình bị lây bệnh. Vùng nhà quê nghe đến bệnh ho lao thì sợ lắm.

Trận ốm cảm hàn qua đi Cát Đao mở lại quán tiết canh lòng lợn nhưng hai tháng ròng, không một ai lai vãng đến. Nhiều người trước đây rất thân thiết nay cũng lảng tránh.

Một chiều, buồn và chán. Cát Đao ngồi uống rượu một mình. Ông bê cả cái bình rượu bằng sành lên uống ừng ực. Cát Đao càng uống càng thấy rượu nhạt thếch. Hình như rượu ông uống không chảy vào họng mà cứ trào ngược lên thành hai dòng nước mắt chảy tong tong xuống cái vỏ hũ sành. Ông uống, ông tuyệt vọng. Lấy gì nuôi hai đứa con ăn học đây. Ông đã thề và ông phải giữ trọn lời thề trước hương hồn người vợ. Trong lúc quá say và tuyệt vọng, Cát Đao lia chai xăng đầy lên mái tranh và châm lửa đốt quán. Cái quán ở cổng chợ bốc cháy, bà con xúm đến dập lửa nhưng không kịp. Người quanh chợ, người trong làng thấy rõ giữa lúc lửa than còn đỏ rực Cát Đao vẫn quỳ bên đống tro than để xin hương hồn vợ tha thứ. Dân làng còn thấy Cát Đao bò vào bê bát hương thờ vợ ra ngoài rồi gục đầu xuống đôi vai không ngớt rung lên.

Ngay sáng hôm sau, dân trong làng người vác cho cây tre, kẻ đội mấy bó tranh, người cầm nắm lạt đến dựng lại quán cho Cát Đao. Cái quán mới lại đẹp hơn, sang hơn và Cát Đao cũng ân hận hơn vì hành động vô thức của mình. Cát Đao thấy con người tốt quá, thương yêu nhau quá. Người nhà quê, có ganh ghét nhau nhưng khi hoạn nạn họ xúm ngay lại để giúp nhau. Họ không như cánh dở nhà quê dở thị thành, cứ ganh ghét nhau là viết đơn nặc danh, đặt đủ điều xấu xa bêu riếu lẫn nhau cho hả giận.

Cũng từ đó Cát Đao thay đổi hẳn tính nết. Ông thấy cả cái làng này ai cũng đáng quý đáng yêu. Hàng tháng ròng không ai thấy Cát Đao cười. Ông đi mua tre về chẻ nan đan rổ, nức bằng những sợi mây bán cho dân buôn cá từ biển lên chợ huyện.

Hai tháng liền, không thấy bố gửi tiền, linh tính như mách Quang có gì không ổn ở nhà. Anh nhảy tàu về và hiểu hết mọi sự. Hai cha con ôm nhau khóc. Quang hứa sẽ vừa học vừa làm thêm nuôi em để đỡ dần cho bố.

Đoàn tàu phanh kít lại, Quang đập đầu vào thành ghế phía trước và anh như sực tỉnh. Đây mới là ga Phủ Lý. Cảnh nhộn nhịp lên xuống. Tiếng người ngái ngủ rao bán hàng đêm không làm Quang chú ý. Con tàu lại tiếp tục nghiền bánh sắt xuống đường ray. Quang lại cảm thấy mình bơ vơ nhất trần gian. Chắc đêm nay bố không ngủ được. Bố đang nóng lòng chờ mình về kể lại đám cưới của em. Anh nghĩ đến những năm tháng bươn chải giữa thủ đô. Từ ngày bố gặp tai họa một mình anh vừa học vừa làm thuê ở một quán ăn lớn để có tiền nuôi em. Anh chỉ xin chủ quán là không bao giờ xuất hiện nơi khách đang ăn. Anh cấm em gái không được đến ký túc xá của trường Bách khoa. Anh xin bạn bè cùng phòng không hở tin anh đang làm thuê lấy tiền ăn học và nuôi em. Kỳ nghỉ hè tiếp anh nhờ bạn bè xin việc cho Nhạn làm gia sư cốt để Nhạn khỏi biết tin nhà. Nhạn thì vô tâm lắm. Cứ ngày mùng mười hàng tháng anh trai đem tiền đến cho mình là vui. Mỗi lần gặp em gái, Quang không hề lộ một thoáng phân vân. Anh tỏ ra vui vẻ hào phóng mỗi lần gặp Nhạn và bạn bè của nó.

Nhưng sự đời cái gì cũng có giới hạn. Vừa học vừa làm thuê giữa đất khách quê người thì nuôi thân đã khó huống hồ gì nuôi em. Nhiều hôm Quang phải nhổ lông, làm lòng hơn sáu chục con gà vịt ngan ngỗng cho tới thấu sáng. Tiền kiếm mỗi ngày một khó nên vào năm học thứ ba được tròn một tháng thì anh bỏ học để đi làm nuôi Nhạn. Khóa bách khoa vừa mãn, Quang vẫn bình yên vì Nhạn và bố không biết tin mình bỏ học. Quang đến ký túc xá trường Sư phạm bảo Nhạn:

- Anh nhờ được người xin việc ở một Công ty điện tử lớn nhất tỉnh rồi. Ngày mai anh về, sẽ gửi tiền đều hàng tháng cho em. Em cố học giỏi năm cuối cùng để dễ xin việc...

Quang xa Hà Nội gần một năm rồi nhưng có nghề ngỗng gì đâu. Thân cô thế cô, lại không một đồng tiền dính túi thì xin việc sao nổi ở thời buổi này. Học hành dở dang. Trở về quê thì có khác gì cầm que sắt chọc vào tim bố. Anh dồn góp mua một cái xe Phượng Hoàng cũ và một đôi quang gánh. Cơ quan và nơi công tác của anh gần một năm nay là cái hè quá rộng của Bưu điện tỉnh. Anh lẫn trong cái chợ người vô tận. Ai thuê việc gì dù đắt rẻ cũng làm đến nơi đến chốn. Quang không bon chen, không to tiếng. Anh kết thân với cánh ba gác xích lô và cả những anh chàng xe ôm ngổ ngáo. Anh có một kỷ luật nghiêm ngặt là tối thứ bảy nào cũng đạp xe về quê với bố. Tuần thì mua gói bột ngọt, tuần sau lại mua cái chậu thau bằng nhựa. Cát Đao tin con trai tuyệt đối. Những tối bên bố Quang thường vẽ ra bao tương lai tươi sáng. Bố Quang vui và càng sống tốt với mọi người. Ông bắt đầu tin vào số phận. Bõ công ông nuôi con một mình hơn hai chục năm trời. Con trai ông nay là kỹ sư, lại là kỹ sư điện tử nữa. Con gái ông là cô giáo. Ông im lặng chờ ngày mình sung sướng, mở mày mở mặt với dân làng.

Chuyến tàu lại gồng lên như lôi Quang về với thực tại. Sáng nay anh sẽ về kể với bố đám cưới sang trọng của em gái mình. Và ngày kia anh lại lẩn vào cái chợ người lam lũ. Lại chuyện trò với cánh ba gác xe ôm. Lại gặp những ông chủ tốt bụng, ngoài tiền công còn cho anh cả một bữa ăn trưa. Rồi tối tối, sau mấy bát cơm bình dân chắc bụng anh lại về với cái hè quá rộng ở cửa Bưu điện tỉnh. Rồi sáng hôm sau, trong lúc nhao nhao chờ việc anh lại gặp những ông bụng phệ bước ra từ những chiếc ô tô sang trọng vào nhận những khoản tiền quá lớn của con cháu từ nước ngoài gửi về. Anh nhớ cả những bà chạy tao tác vào điện khẩn cho con là bố say rượu vừa bị tai nạn giao thông. Anh nhớ cả câu chuyện mấy cô quét rác đêm khuya trên đại lộ khoe với nhau rằng:

- Chồng tao khác chồng mày. Chồng tao không nghiện chè nghiện rượu, chỉ thỉnh thoảng nghiện đánh phỏm thôi.

Anh ước gì mình là nhà văn để viết một thiên phóng sự mang tên “ Chuyện ở sân Bưu điện tỉnh”.

Một luồng gió lạnh thổi qua cửa sổ làm Quang bàng hoàng, anh lẩm nhẩm:... Sao lại có một đêm bơ vơ đến thế này. Bỏ học đi làm thuê nuôi em, nay em đã đi lấy chồng. Bố thì đang tin con trai mình thành đạt. Ngày mai nên về đâu. Trái đất đêm nay có ai bơ vơ như mình không.

Chỉ có tiếng gió rít qua cửa sổ và tiếng bánh sắt con tàu nghiến kèn kẹt xuống đường ray.

Đúng tám ngày sau cái đêm dự đám cưới em gái trở về Quang đã gặp một biến cố.

Sáng hôm ấy trời tháng Tám nhưng nắng hanh. Một ông giáo già nghỉ hưu ở sát hồ ga chuyên làm cây cảnh đã gặp Quang. Ông thuê Quang cứ lặn xuống hồ vục một thúng bùn đội lên đổ vào vườn thì ông trả ba trăm đồng bạc. Tính Quang thì ai thuê mình dù đắt rẻ khó khăn cũng làm đến nơi đến chốn. Ông còn bảo Quang:

- Cháu biết không, cái loại bùn hoa dưới hồ ga lâu năm, cứ phơi khô đập nhỏ bón cây cảnh thì không có một loại phân vi sinh nào bằng.

Buổi sáng ấy Quang đã lặn hụp bốc từ lòng hồ lên được tám mươi thúng bùn thì trời đã quá trưa. Có điều hồ ga là nơi phân rác cả thành phố dồn lại lâu năm. Cỏ lia thia và rong rêu phủ kín. Cái cỏ lia thia quái dị đã cứa vào da thịt Quang hàng trăm vết xước. Từ những cái vết rỉ máu ấy gặp nước tù đọng lâu ngày làm da thịt anh ngứa ngáy và sưng tấy lên. Quang tắm xong, anh thấy toàn thân như bị ai xát ớt và muối, nóng đến khủng khiếp. Anh nhận hai mươi bốn ngàn đồng nhưng không có tiền lẻ, ông chủ đã đưa năm tờ bạc năm ngàn mà không đòi lại chỗ tiền thừa. Đó là sáng đầu tiên sau gần một năm làm thuê Quang kiếm được nhiều tiền nhất. Hai mươi lăm ngàn chỉ trong một buổi sáng.

Quang vào quán, ăn một tô cơm kèm theo cá mặn và uống hai cốc rượu đầy rồi đạp xe về sân Bưu điện tỉnh. Anh gối đầu lên chiếc đòn gánh để ngủ như thường lệ, khi nào khách gọi thì dậy đi làm. Tự nhiên anh thấy toàn thân nóng rực như lên cơn sốt. Đúng là sốt thật. Váng vất, co giật, đau đớn rồi lại lịm đi, trong mơ màng Quang thấy bố cười nhìn anh đầy mãn nguyện. Thấy cả em gái đang khoác tay người chồng mới cưới đi thập thững trong công viên sang trọng. Và cuối cùng anh đã mơ gặp được mẹ Đài. Mẹ Đài như trẻ ra, mặc một bộ quần áo đen, trùm khăn đen như để giấu đôi mắt u buồn. Mẹ Đài khẽ lắc đầu rồi nhìn anh chằm chằm và đưa tay vuốt mắt anh đến ba bốn lượt. Quang muốn cố quằn quại nâng đôi tay thật cao để bám được vào cổ mẹ như xa xưa nhưng không được.

Ngay chiều hôm ấy, các nhân viên Bưu điện tỉnh và cả cái chợ người nhao nhác, ồn ã vì xác chết đột ngột của một kẻ làm thuê.

Trên mộ anh, tấm bia bằng đá hoa cương em gái anh khắc dòng chữ: Chỉ có tình ruột thịt mới có sự hy sinh thầm lặng đến vậy, ơi anh Quang!

Đầu Xuân 1999
K.V
(123/05-99)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Tản mạn Balzac (17/12/2009)