Tạp chí Sông Hương - Số 122 (tháng 4)
Người theo nết đất
16:02 | 24/12/2009
ĐỖ LAI THÚYHòn đất cũng biết nói năng(Nhại ca dao)
Người theo nết đất
Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy - Ảnh: bee.net.vn

Tôi biết Trần Quốc Vượng là một trong tứ trụ của ngôi nhà sử học Việt Nam: Lâm, Lê, Tấn, Vượng. Ở ta, không biết tự bao giờ, người ta thích những khái quát theo “tứ tượng” như vậy. Trước đây đã có Quỳnh, Vĩnh, Tốn, Tố, rồi Anh, Hãn, Huy, Mai (1). Không biết cái trật tự trước sau này có phải là sự xếp hạng hay không, hiểu như nhất Trí nhì Lân tam Vân tứ Cẩn (2), hay chỉ là sự xếp đặt cho thuận tai. Kể ra, trong học thuật, hơn kém nhau, theo một sự định giá nào đó, đâu có quan trọng gì. Quan trọng là ở chỗ khác nhau ấy. Phan Huy Lê hẳn không lẫn với Hà Văn Tấn, còn Hà Văn Tấn cũng không có gì giống với Trần Quốc Vượng. Sự khác nhau đó, trước hết, được thể hiện bằng qua phát ngôn của họ. Sự hiện thân này rõ nhất ở Trần Quốc Vượng.


(GS Trần Quốc Vượng - Ảnh: bulletin.vnu.edu.vn)


Có thể nói, ngôn ngữ, đặc biệt là cách phát ngôn, chính là con người. Ngôn ngữ trước hết phản ánh phần hữu thức của con người. Cái vai trò xã hội mà mỗi cá thể phải sắm trong sân khấu đời. Tuy nhiên, ngôn ngữ cũng ảnh xạ cả vô thức. Con người, khi say nói, khi nhịu nói, hoặc khi vấp lời, đã tự gỡ mặt nạ của mình mà không biết. Chả vậy mà Lacan lại nói, vô thức được cấu trúc hóa như một ngôn ngữ...

Tôi đã được nghe Trần Quốc Vượng nói nhiều lần, vào những lúc và ở những chỗ khác nhau, từ vỉa hè đến hội nghị. Ở đâu và về bất kỳ vấn đề gì, ông vẫn nguyên một cách nói. Cá tính ngôn ngữ của Trần Quốc Vượng xuất phát từ bản lĩnh cá nhân ông, từ ý thức về bản thân của ông. Từ lâu, tôi đã để ý rằng, nói trước đông người, Trần Quốc Vượng bao giờ cũng xưng tôi. Phải đặt mình vào hoàn cảnh nói năng trước đây và tình trạng phi trung tính của đại từ nhân xưng Việt, mới thấy hết được sự chướng tai của việc xưng tôi (chứ không phải chúng tôi), của cái tôi đáng ghét! nhưng cái làm cho Trần Quốc Vượng trở thành nhà khoa học,làm cho ngôn ngữ của ông trở nên có tính “cà khịa” là ở bản tính hay cãi của ông. Cãi thầy, cãi bạn và thường xuyên hơn là cãi với các lẽ phải thông thường.

Không phải tự đối lập để tự khẳng định, mà tư duy khoa học không đồng lòng với những ý kiến đúng đắn đã hóa thạch, kể cả những tảng đá quyền uy. Ai cũng biết rằng đạo Vật tổ (totemisme) là một trong ba hình thái tín ngưỡng cổ sơ, hai cái kia là thuyết tính linh (animisme) và bái vật giáo (fétichisme), được các nhà khoa học lớn như J.G. Frazer, A. Lang, W.Wundt, S. Freud... phát hiện và thừa nhận. Và ở ta nhiều học giả cũng đã lần ra được dấu chân của nó. Thế mà Trần Quốc Vượng đã dám theocùng Claude Lévi- Strauss (xin mở ngoặc, trước đây đọc Lévi- Strauss đã là một cấm kỵ rồi!) phủ nhận sự tồn tại của cái chân lý hiển nhiên này (3).Bằng một giọng tưng tửng, nhưng không kém mỉa mai, ông viết về hiện trạng nghiên cứu này: “Ai nấy đều mặc nhiên thừa nhận rằng người Việt cổ theo tôtem giáo, vấn đề chỉ còn là (ĐLT nhấn mạnh), xem tôtem của họ là con gì: Chim, Rắn, Rồng, Rùa, Voi, Trâu, Bò... hay cây gì: Cau, Dừa, Dâu... hoặc là cả một phức thể của những loại cây con đó (4). Cái gọi là đạo Vật tổ, theo hai ông, chỉ là sự ngộ nhận, sự bé cái lầm, của một hình thức tư duy nguyên thủy, chẳng phải tiền- lôgich, phi- lôgich, mà là một thứ lô- gich khác. “Người ngày nay thường lý luận bằng khái niệm, danh lý. Người cổ xưa có một lối lý luận kết hợp những tương quan tư tưởng. Nói tôi là chim, là hươu, là sơn dương... tức là nói tôi ở trên cao, ở vùng cao. Nói tôi là cá, là rắn nước, tức là nói tôi ở dưới thấp, ở vùng nước... Đây chính là những hệ thống phân loại. Vì vậy, ta không thể và không nên tìm cái gọi là tương quan vật tổ trong bản chất “vật tổ”, mà phải qua những liên tưởng mà “vật tổ” khả dĩ gợi ra trong đầu óc người (4). Từ đấy ông đi đến kết luận: “Lối tư tưởng đối ứng không có gì là lạ thường, là “tôn giáo” cả, nó chỉ là một trường hợp của sự liên tưởng bằng ứng đối, vốn là một đặc tính phổ quát của tư duy con người. Do đó, ta phân biệt cao/ thấp, mạnh/ yếu, đen/ trắng, đêm/ ngày, nóng/ lạnh, đông/ hè, đực/ cái... (4).

Trong Vài suy nghĩ tản mạn về trống đồng, từ những hình ảnh Chim, Gà, Hươu, Rùa, Rắn, Trần Quốc Vượng cũng đã đi đến kết luận về sự không tồn tại của đạo Vật tổ, một cách độc lập với Lévi- Strauss, khi ông đề xuất quan niệm lưỡng phân, lưỡng hợp trong tư duy Việt cổ. Ông lớn tiếng: “Tôi thấy rằng khảo cổ học và cổ sử học Việt Nam cần phải thanh toán dứt khoát với truyền thống tư tưởng phương Tây về sự tồn tại của “Tô- tem giáo” trong tâm thức Việt cổ” (4).

Nhờ dám cãi lại các Đức chúa Lời trong khoa học như vậy, Trần Quốc Vượng, khi nghiên cứu trống đồng, một mặt khẳng định Việt cổ là văn minh thực vật, mặt khác giải thích sự có mặt của bầy thú trên trống đồng bằng những ảnh hưởng của văn hóa thảo nguyên. Trên cơ sở đó, ông bác bỏ luận điểm nguồn gốc phương Tây của đồ đồng Đông Sơn của các học giả Châu Âu nửa đầu thế kỷ. Cũng như nhờ tìm được mối liên hệ về mặt ngữ âm học lịch sử giữa từ (Pò) Khun và từ (vua) Hùng, quân (Trung Quốc), Hãn, Khan (Mông Cổ), Trần Quốc Vượng đã tạo ra được một hình dung sinh động về thời đại liên minh bộ lạc Hùng Vương và vạch ra được một con đường tìm về với những nguồn cội xa xưa.

Trần Quốc Vượng, trong phát ngôn của mình, còn thích kiểu nói nghịch lý. Theo ông, con người mà còn chưa biết chấp nhận nghịch lý thì còn ở trạng thái chưa trưởng thành. Nhưng không phải vì muốn “dạy dỗ”, một méo mó nghề nghiệp của thầy giáo, nên ông hay dùng kiểu phát ngôn này, mà chủ yếu vì ông yêu cái ấn tượng mạnh mẽ do nó gây ra. Ví như, ai cũng biết trí thức (dĩ nhiên trừ trí ngủ), là người thông minh, nhiều hiểu biết, thế mà Trần Quốc Vượng lại dám định nghĩa: “Trí thức là ngu, trí thức rất ngu, trí thức là ngu lâu, nhưng ham hiểu biết”. Nói trí thức là ngu thật trái với những tri thức thường nhật của đông người, nhưng nếu nhìn ở một bình diện khác, thì quả là đúng. Cái biết của con người chỉ như một đường tròn nhỏ trong mênh mang của cái chưa biết. Càng biết thêm bao nhiêu thì chu vi của đường tròn càng nới rộng ra, nghĩa là diện tiếp xúc với cái chưa biết cũng càng lớn ra thêm bấy nhiêu. Biết lắm ngu nhiều là như vậy. Nhưng người trí thức là người biết rõ cái chưa biết của mình và muốn biết tiếp. như Khổng Tử đã từng nói: Khi tôi biết rằng tôi chưa biết thì đã là biết vậy. Hiểu câu nói nghịch lý trên của Trần Quốc Vượng như thế thì đã là thuận lý, đã là tư duy khoa học. Khoa học luôn tìm đến những nghịch lý để chuyển chúng về thuận lý.

Hoặc Trần Quốc Vượng cho rằng khi Bác Hồ nói Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết thì đã là mất đoàn kết rồi. Cũng như vậy, khi dân gian kêu gọi Khôn ngoan đá đáp người ngoài, Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau thì đã xảy ra tình cảnh gà cùng một mẹ đá nhau rồi. Người tiểu nông- căn tính của người Việt - thường hay ganh ghét nhau. Câu nói của Người Sáng Suốt trong hoàn cảnh năm 46 đã thoát cụ thể để trở thành một chân lý thường hằng cũng dựa trên cái nền tâm lý tiểu nông này. Còn cách nói nghịch lý của Trần Quốc Vượng thì dựa trên triết học Lão Tử: “Mất Đạo rồi mới có Đức, mất Đức rồi mới có Nhân, mất Nhân rồi mới có Nghĩa, mất Nghĩa rồi mới có Lễ. Lễ chỉ là cái vỏ mỏng của lòng trung tín và cũng là đầu mối của hỗn loạn (Đạo Đức Kinh, chương XXXVIII)

Cách nói nghịch lý Trần Quốc Vượng phải chăng bắt nguồn từ tư duy nước đôi của dân gian. Đã Học thầy không tày học bạn lại Không thầy đố mày làm nên! Cái nghịch ở đây là do sự đối lập, thậm chí đối chọi hai hoàn cảnh nói năng, còn nếu liên kết nhau lại thì sẽ thuận, tức học thầy cũng cần mà học bạn cũng cần. Và tư duy nước đôi này, đến lượt nó, có thể cũng là sự gợi nhắc Trần Quốc Vượng đến sự thiết lập khái niệm tư duy lưỡng phân lưỡng hợp của người Việt cổ. Giải mã một loạt các huyền thoại như Âu Cơ và Lạc Long Quân, An Dương Vương xây Loa thành với sự trợ giúp của Rùa Vàng thắng Tinh Gà Trắng, chuyện Tiên Dung và Chử Đồng Tử..., Trần Quốc Vượng cho chúng chứa đựng cái ý niệm cơ bản về thế lưỡng hợp và lưỡng phân Núi- Nước. “Các huyền thoại Việt Nam có liên quan đến thời dựng nước, Âu Cơ- Lạc Long Quân, Sơn Tinh- Thủy Tinh, Hùng- Thục... đều phản ánh một hệ thống lưỡng hợp lưỡng phân nằm trong cả một tổng thể thần thoại- xã hội hợp thành thế lưỡng phân lưỡng hợp đó” (4).

Nhiều người nói với tôi, nghe Trần Quốc Vượng thì rất khoái, nhưng sau buổi nói chuyện thấy chẳng thu hoạch được gì, thậm chí không hiểu ông nói gì cả. Cách đây khoảng hai chục năm, lần đầu đi nghe ông diễn thuyết ở Thư viện Quốc gia, tôi cũng có cái cảm tưởng ấy. Trần Quốc Vượng nói lan man, chuyện nọ xọ chuyện kia tưởng như không theo một chủ đích nào cả (Từ Chi nói cũng như vậy, và Nguyễn Tuân lại càng như vậy). Có lẽ, đó là cái tài mà cũng là cái tật của những người biết nhiều, nghiệm lắm và thích truyền đạt. Đó cũng còn là tư cách nghệ sĩ. Nhà khoa học bao giờ cũng lấy mục đích làm đầu. Hành trình của anh ta là sự cắm đầu cắm cổ đi thẳng một mạch. Còn người nghệ sĩ thì luôn rẽ ngang rẽ ngược trên đường đi. Dường như anh ta muốn hãm quá trình đến đích. Bởi, với anh ta, đích đến là quan trọng, nhưng việc tạt xuống ven đường hái một bông hoa, ngắm một áng mây, hay trò chuyện bâng quơ dăm câu với người nông phu cũng quan trọng chẳng kém. Nghe hoặc đọc Trần Quốc Vượng khoái là ở chỗ ấy. Nhưng thấy Trần Quốc Vượng khó nghe cũng ở chỗ ấy. Những người chưa quen nghe ông, chưa đủ sức để đối sánh kinh nghiệm với ông, dễ bị lạc hướng, chỉ thấy cây là cây, nên không tìm ra đích đến của diễn giả. Con người khoa học của Trần Quốc Vượng lẩn khuất trong đám ngôn từ nghệ sĩ chỉ thực sự lộ diện với ai nắm được mạch ngầm của tư tưởng người nói, hoặc biết hệ thống hóa những yếu tố nằm tản mạn.

Nhưng dù nghệ sĩ đến đâu, dù “bụi” đến đâu, Trần Quốc Vượng vẫn là một nhà khoa học, vẫn là một giáo sư, mà lại là giáo sư sử học, tức người nắm được bao nhiêu kinh nghiệm ứng xử của nhân loại, nên cảm giác về độ của ông rất tốt. Dù say nói thế nào đi nữa, giáo sư Trần cũng không bao giờ quá đà, tức ông vẫn tỉnh. Hoặc nếu có lỡ một lời thì bao giờ ông cũng biết chữa lại một cách tài tình bằng một câu. Không hẳn là ông cứ chốc chốc lại mở cẩm nang dân gian làm trai cứ nước hai mà nói, mà đây là một ứng xử cần thiết của một người biết đặt công việc lên trên những điều ra tiếng vào, kể cả sự ngờ vực của bạn bè nữa. Biết đâu, ở Trần Quốc Vượng việc đi trên một đường biên giữa khoa học và nghệ thuật, giữa say và tỉnh như vậy lại chẳng dẫn ông đến một đường biên khác của khoa học: địa lý học và văn hóa học?. Cũng như cụ Đào Duy Anh giữa địa lý học và sử học (5). Nhưng đó là câu chuyện tôi sẽ nói sau.

Với một ngôn ngữ lan man bởi những rẽ ngang rẽ dọc, đầy nghịch lý và có tính “cà khịa” như vậy, lại thêm lối ăn mặc phóng túng, không thích com lê cà vạt, kể cả ở nơi chính thức, lại không biết thẹn với ông Đào, Trần Quốc Vượng được dân gian tôn là giáo sư bụi. Một kết hợp thú vị bất ngờ, nhưng không khó hiểu trong thời đại đầy mâu thuẫn này.

Có thể nói, trở thành một giáo sư bụi là sự lựa chọn nghiêm túc của Trần Quốc Vượng. Không muốn làm một sử quan hoặc một giáo sư sặc mùi sách vở, ông chọn cho mình ngành khảo cổ. Thôi thì lấy lời của đất đá làm lời của mình vậy. Bên văn học cũng không khảo mà xưng một khuynh hướng ly tâm như thế. Vũ Ngọc Phan bỏ Nhà văn hiện đại để trở về với Tục ngữ, ca dao, dân ca. Tô Hoài ẩn thân trong cái exotique của Miền Tây... Trần Quốc Vượng, không giống với các cao thủ của kỹ thuật tránh va chạm ấy, đến với khảo cổ học, và sau này đến với văn hóa dân gian, địa văn hóa và văn hóa học, chỉ là tìm một lối đi khác, lối đi dân gian, lối đi phi chính thức, bởi những thành công học thuật thường ở vị trí ngoài lề.

Trần Quốc Vượng là người có nhiều tiếng nói. Ông thuộc típ bác học quảng văn. Tiếng nói của ông cất lên trong khảo cổ học, cổ sử học, dân tộc học, tâm lý học, kể cả tâm lý học các chiều sâu, nghệ thuật học, văn hóa học... Nhưng không ở đâu, tiếng - nói - Trần - Quốc - Vượng chiếm vị thế chủ đạo, nếu không nói là duy nhất, thể hiện được toàn bộ con người ông như ở lãnh vực địa- văn hóa.

Trần Quốc Vượng đến với địa văn hóa như một tất yếu và cũng như một hạnh ngộ. Những tri thức, những kinh nghiệm, những phương pháp ông tích lũy được trong các địa hạt khảo cổ học, cổ sử học, văn hóa dân gian, các lý thuyết văn hóa... thật đắc dụng ở đây. Và con người, vốn xuất thân thị dân ấy (mặc dù trong lý lịch được ghi là công nhân), ham hiểu biết, thích suy nghĩ, thích giao tiếp, ưa hoạt động ở cả diễn đàn lẫn trên thực địa thật đắc dụng ở đây. Trong cuộc sống cũng như trong khoa học không phải cứ thiên sinh hữu tài tất hữu dụng như Lý Bạch nói, mà tài còn phải tìm được đất. Trở về với đất đai bằng một cái nhìn văn hóa để xác lập một vị thế khoa học của riêng mình, phải nói Trần Quốc Vượng đã gặp may và đã kịp chuẩn bị để tiến đón cơ may đó. Những phát hiện tài ba và lý thú trong địa - văn hóa của ông đã nói lên điều đó.

Đọc Trần Quốc Vượng, ở những bài viết về địa - văn hóa, tôi cứ nhớ đến Trường ca Con quỷ của Lermontov- démon trong những trang miêu tả vùng núi Kavkaz, nhớ đến con mắt Cao Biền bay trên con diều giấy nhìn non nước Việt Nam. Trần Quốc Vượng tuy đi bộ trên mặt đất mà cũng có được cái nhìn bao quát và thấu suốt như vậy. Ông viết về tất cả các vùng trên dải đất Việt Nam. Từng vùng nhưng không có sự chia biệt với toàn thể. Đặc biệt nhìn sông núi hôm nay với một diện mạo đã hoàn toàn đổi khác mà ông gọi là địa hình dương, Trần Quốc Vượng vẫn thấu thị một núi sông tự cổ xưa mà ông gọi là địa hình âm. Bằng trực giác tuyệt vời của kẻ săn bắt và tri thức phong phú của người trồng trọt, ông đã xuyên qua thời gian, dụng lại được những thời đại xa xăm.

Theo Trần Quốc Vượng, để tìm ra địa hình âm không gì bằng thăm hỏi những dòng nước. Sông suối có thể nay đã đổi lòng, thậm chí rốn bể thành ngàn dâu, nhưng bao giờ cũng để lại dấu tích trên mặt đất. Một vệt lúa khác màu hoặc một đám cỏ bỗng cao lớn tồng ngồng. Tìm về với nước, Trần Quốc Vượng đã phát hiện ra cái mà ông gọi là tứ giác nước. Ông kể lại, khi nghiên cứu quy hoạch Hà Nội, ông rất chú ý đến câu ca:

            Nhị Hà quanh Bắc sang Đông
            Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này

Từ đó, ông dựng lên mô hình Hà Nội nằm trong một tứ giác nước.

Mang mô hình này vào thực tế, Trần Quốc Vượng đã phát hiện ra các cửa ô chính ngày trước của thủ đô đều là cửa nước, ví dụ Ô Cầu Giấy nằm ở ngã ba Tô Lịch - Kim Ngưu, ô Đồng Lầm ở ngã ba Kim Ngưu-Sét, Ô Đống Mác (Thanh Nhàn) ở ngã ba Kim Ngưu-Lừ, Ô Bưởi ở ngã ba Tô Lịch - Thiên Phù... Như vậy, các chợ ven đô- hay chợ ô nằm ở các cửa nước của thành Ngoại (La thành hay Đại La thành, theo sử sách đời Lý đều dài hơn 30 km). Đấy là nơi giao lưu kinh tế văn hóa giữa giữa nội thành (Kinh thành) với vùng ngoại thành rộng lớn ở châu thổ Bắc bộ và đấy đều là chợ bến - chợ búa, chợ ở ngã ba sông, trên bến dưới thuyền tấp nập... Mô hình "tứ giác nước" này không chỉ đúng với Hà Nội mà còn đúng cả với Cổ Loa, Hoa Lư, Huế... Nó giúp nhà nghiên cứu phát hiện ra tầm quan trọng của những con sông trước sông sau (thường bị xem nhẹ), dù nay nhiều con chỉ còn vẳng nghe tiếng ếch trong hoài niệm, của những đô thị Việt Nam.Có thể nói, tư duy sông nước, với tính linh hoạt và mềm dẻo của nó, đã giúp Trần Quốc Vượng tìm được địa hình âm, để mà dương hóa những thế giới đã chết trong lòng đất, đã chết trong ký ức người.

Nghiên cứu miền Trung (từ Quảng Bình đến Bình Thuận), Trần Quốc Vượng đã dựng lại được tính hệ thống của các di tích Chăm còn lại rải rác và rời rạc. Giới nghiên cứu Nhật rất phục mô hình quy hoạch theo núi-sông-biển của Trần Quốc Vượng. Dải đất hẹp này luôn bị cắt ngang bởi những con đèo và những dòng sông tương đối ngắn, chảy xiết. Sự chia cắt tự nhiên này dễ thành hình tự nhiên những vùng riêng biệt. Và vương quốc Chămpa xưa không chỉ là một thế lực biển, cũng không phải là một đế chế thống nhất kiểu Trung Hoa, mà là một liên hiệp các tiểu quốc. Bởi vậy, ngày nay người ta thấy người Chăm có nhiều kinh đô như Trà Kiệu, Trà Bàn... không phải chỉ do họ dời đô trước sự nam tiến của người Việt, mà là ở mỗi giai đoạn, kinh đô của mỗi tiểu quốc lại nổi lên đóng vai trò chủ đạo.

Nghiên cứu đất Quảng Nam, Trần Quốc Vượng bỗng chợt thấy, khi nối các di tích Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Chiêm Cảng (Hội An) với nhau thì chúng đều nằm trên một đường ngang chạy từ núi ra biển, và mỗi di tích ấy trấn giữ một vùng: thánh địa Mỹ Sơn ở rừng núi, kinh đô Trà Kiệu ở đồng bằng, cảng thị Hội An ở ven biển, và không xa ngoài khơi là Cù Lao Chàm. Nối liền các di tích này là dòng sông Thu Bồn. Từ đó, ông xây dựng một mô hình địa - văn hóa về sự tương ứng giữa tính chất của địa hình (ĐỊA) và chức năng các di tích (VĂN HÓA):

            Núi  _____  Châu thổ ___ven biển ___hải đảo
               |                    |                 |
           Thánh địa   Kinh thành    Cảng thị

Công thức này của Trần Quốc Vượng, giống như bảng tuần hoàn của Menđêlêép, dựa vào các yếu tố có mặt có thể đoán chắc rằng sẽ tìm ra những yếu tố còn dấu mặt. Và trong thực tế, khi đến một vùng đất nào đó ở miền Trung, nếu chỉ thấy có kinh thành hay cảng thị, Trần Quốc Vượng nhất định nói là có thánh địa ở vùng núi, và người ta (hoặc chính ông) đã tìm thấy sau đó không lâu. Đồng thời, qua mô hình này, người ta cũng dễ dàng hình dung cảnh sinh hoạt kinh tế (Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên) và đời sống tâm linh qua những chuyến hành hương lên thánh địa từ kinh thành hoặc từ cảng thị. Người Chăm với sự phát triển của các cảng thị, của nghề đánh cá xa bờ, của hải quân đã phát triển một cái nhìn hướng biển khác với tư duy "xa rừng nhạt biển" của người nông dân đồng bằng Bắc bộ. Điều này hẳn là một đóng góp không nhỏ vào cá tính của văn hóa miền Trung.

Thành công học thuật của Trần Quốc Vượng gắn liền với lối làm việc, học tập đặc biệt của ông. Học trong sách vở, đặc biệt là sách Tây, đã đành. Học ở những bạn bè như Từ Chi, Thái Bá Vân, Đào Hùng..., cũng không lạ. Lạ nhất là Trần Quốc Vượng học được rất nhiều ở đám học trò và đệ tử lúc nào cũng xúm xít vây quanh ông như một bầy ong quanh ong chúa. Ở ta có những nhà nghiên cứu không biết có tư tưởng hay không mà lúc nào cũng chỉ sợ người ta đánh cắp mất tư tưởng của mình. Bởi vậy, anh ta chỉ quen nói ra những lời mốc thếch. Tiếp xúc với những học giả như vậy, thật chẳng bỏ. Với đám học trò thì khác. Trước thầy và trước nhau, chúng luôn muốn trưng ra những sở đắc của mình ở đủ mọi lĩnh vực. Đó hẳn là những tư liệu tốt để Trần Quốc Vượng có thể kiểm chứng cho hệ thống tư tưởng của ông. Hoặc từ những tư liệu rời rạc ấy mà đi đến những khái quát đôi khi đột xuất và tài tình. Nhưng Trần Quốc Vượng là người sòng phẳng và tôn trọng học trò. Lấy của ai một câu, một chữ đều có nêu "xuất xứ" đàng hoàng. Đám học trò học chẹt và đệ tử ăn theo nói leo được ông nêu danh chỉ còn biết có cảm ơn!

Cứ như vậy, Trần Quốc Vượng học mà chơi, chơi mà học. Nghĩa là cái sự học của ông đã đạt tới cảnh giới thượng thừa. Nam 1984, tôi có dịp cùng Trần Quốc Vượng, Nguyễn Khắc Viện và Lê Văn Hảo đi thăm thánh địa Mỹ Sơn của người Chàm. Bấy giờ vào Mỹ Sơn phải đi bộ chừng 5, 6 cây số. Lê Văn Hảo vừa đi vừa cặm cụi ăn. Trần Quốc Vượng và Nguyễn Khắc Viện thì vừa đi vừa nói chuyện về sự học, còn tôi, dĩ nhiên, vừa đi vừa cặm cụi nghe. Nhà yogi Nguyễn Khắc Viện cho rằng hạnh phúc tối cao của con người là học mà chơi, chơi mà học, làm mà chơi, chơi mà làm. Chừng nào chơi, làm, học là một thì đắc đạo. Bấy giờ mới ở bộ đội về, còn đang ngốt trước đống tri thức sách vở mà hơn chục năm qua không hề được ngó ngàng tới lại mang một đầu óc biện biệt của người lính, tôi không tin được cái chân lý lưỡng thê học mà chơi, chơi mà học này. Thế mà chỉ hơn chục năm sau tôi đã thấy nhãn tiền ở Trần Quốc Vượng.

Cung cách làm việc của Trần Quốc Vượng làm mà chơi, chơi mà làm như vậy, đôi khi cũng không tránh được bị hiểu lầm. Một người bạn của ông và cũng là bạn vong niên của tôi có lần nói: Mọi nhà báo khi về già đều muốn trở thành nhà nghiên cứu, duy có Trần Quốc Vượng khi về già lại muốn trở thành nhà báo. Quả thật, nếu chỉ căn cứ vào cái tên Trần Quốc Vượng xuất hiện đều đều trên nhiều tờ báo, trong đó có không ít tờ phổ cập, nếu chỉ căn cứ vào những bài viết phóng túng, kể lể, đôi khi con cà con kê, không tuân theo một quy phạm nào đó, thì rất dễ hiểu rằng nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng đang tha hóa để trở thành một nhà báo. Nhưng nếu biết từ những phát ngôn tưởng như vụn vặt ấy đến với hệ thống tư tưởng của ông, với những suy tư của ông, với tâm huyết của ông thì sẽ thấy nhà nghiên cứu trong ông ngày càng lớn, có điều nó không mang một dạng vẻ thông thường, quen thuộc.

Có những nhà nghiên cứu cày sâu cuốc bẫm chuyên cành trên một thửa ruộng. Ông ta dám cược đời mình vào một vấn đề và đi đến cùng vấn đề đó. Nhưng cũng có những nhà nghiên cứu, loại này ít hơn, thích đi khai phá những vùng đất hoang, đất mới.Anh ta đến bổ những nhát cuốc đầu tiên, chỉ cho người khác thấy chỗ đất này màu mỡ, có thể trồng được, rồi lại bỏ đi. Cũng có những nơi anh ta dừng lại lâu hơn, dặm thử một loại cây gì đó, ăn những trái mùa đầu, rồi lại bỏ đi. Họ trở thành người quảng canh, những nhà bác học đa năng, những người đi gieo những hạt giống tư tưởng (6). Trong lĩnh vực ngôn ngữ học, thi pháp học, lý thuyết thơ ca... Roman Jakobson là một người như vậy. Trong khảo cổ học, cổ sử học, dân tộc học, địa - văn hóa, nghệ thuật học... Trần Quốc Vượng cũng là một người như vậy. Các luận điểm của ông trong các phát ngôn tùy hứng và tản mạn vương vãi khắp nơi cần được tập họp lại và hệ thống hóa. Trần Quốc Vượng chắc không làm được điều ấy, mà chỉ có một người nào đó, trong đám học trò của ông, hiểu thầy là làm được. Có thầy F.de Saussure thì phải có trò CR.Bally. (7).

Tôi vốn là một người ngại (ngoại) ngữ, rồi làm phê bình văn học, một kẻ ngoại đạo của ngành văn hóa, hay nói đúng hơn, một kẻ đến chậm. Tưởng rằng như vậy sẽ phải uống nước đục, nhưng nhờ nghe Trần Quốc Vượng nói - nhất là qua cách nói, tật khoe sách, khoe thuật ngữ nước ngoài, khoe những điều mới mẻ - tôi đã tìm đến và uống được nước trong đầu nguồn. Đóng góp của Trần Quốc Vượng cho giới khoa học trẻ, theo tôi, là ở đó. Bằng phát ngôn của mình, bằng thái độ dấn thân trong khoa học, dám đón nhận và chịu nổi chìm cùng các dòng tư tưởng của thời đại, ông đã chống lại xu thế tự động hóa của nhận thức, sự "mặc nhiên thừa nhận" trong khoa học, chống lại sự xơ cứng mau chóng làm già những đầu óc trẻ. Nói về bài học Trần Quốc Vượng để lại, tôi muốn lấy lại tiếng nói của Lão Tử:

            Nhân pháp Địa
            Địa pháp Thiên
            Thiên pháp Đạo
            Đạo pháp Tự nhiên
                        (Đạo Đức Kinh,
chương XXV)

Chùa Thầy, 11/1998
Đ.L.T
(122/04-99)


---------------------------------------------------
1 - Lâm Lê Tấn Vượng là Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng.
  - Anh Hãn Huy Mai là Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Cao Xuân Huy và Đặng Thai Mai.
2 - Trí Lân Vân Cẩn là Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân và Trần Văn Cẩn
3 - Xem Claude Lévi -Strauss, Totemisme d'aujourd'hui. Paris, 1962
4 - Xem Trần Quốc Vượng, Theo
dòng lịch sử, nxb Văn hóa Hà Nội, 1996
5- Xem Đào Duy Anh,
Nước Việt Nam qua các thời đại.
6 - Ở đây tôi không nói đến những người chuyên canh chỉ biết chăm chút trên mẩu ruộng phần trăm của mình và những người quảng canh chạy ròng từ mảnh đất này đến mảnh đất khác.
7- Nhắc đến R. Jakobson và F.de Saussure tôi không hề có ý so sánh hơn kém hoặc ngang bằng với Trần Quốc Vượng, mà đó chỉ là một sự liên tưởng loại hình nhà nghiên cứu.

  





 

Các bài mới
Lửa đêm (30/12/2009)
Đêm Trắng (29/12/2009)
Các bài đã đăng