Xin phép được tâm sự đôi điều trước khi nhập đề: trên giá sách của tôi, có nhiều cuốn của bạn bè quen biết và đồng nghiệp khắp nơi trong nước gửi đến trao đổi, biếu tặng. Hàng tháng hàng năm, các chồng sách ấy cứ đầy mãi lên. Chỉ tính riêng năm ngoái 2008, độ dày của các gáy sách tôi đo được đã gần một gang tay, trong đó không ít là sách của các bạn bè đủ các lứa tuổi ở Huế.
Tôi thường có thói quen - do thì giờ có hạn là chủ yếu - năm sau đọc sách của bạn bè xuất bản năm trước. Tôi rút một cuốn hú họa trong số này mà không kịp liếc nhìn chữ trên gáy sách, thì gặp “Chuyện Huế” bút ký của Hồ Đăng Thanh Ngọc! À, một nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế vừa mới nhậm chức Phó Tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Sông Hương, nơi tôi đã từng ngồi đó khá nhiều năm, gần ba nhiệm kỳ.
Hồ Đăng Thanh Ngọc vốn là nhà báo ở tòa soạn báo Thừa Thiên Huế, một cộng tác viên văn hoá của Tạp chí Sông Hương nhiều năm nay; tôi biết anh từ những năm 90 với bút danh Hạ Nguyên. Trong quá trình đó, tôi có đọc không ít bút ký, ký sự, phóng sự... của anh đăng trên các báo địa phương, trung ương. Ấn tượng đầu tiên là cây bút này xông xáo nhiều nơi, hay quan tâm đến những vấn đề về văn hóa sử.
Dở trang đầu tiên của “Chuyện Huế” tôi bắt gặp ngay mục lục in ở trang ba mặt sau của bìa trong: “Gió trên đỉnh Bạch Mã, Mùa lễ hội trong mưa, Vũ điệu của huyền thoại, Thành phố của nghệ thuật sống; rồi… Bản di chúc của đất trời, Người đọc sử nơi đáy sông, Giai nhân xứ Huế”...
Phải nói ngay rằng, Hồ Đăng Thanh Ngọc đã chọn lựa khá chặt chẽ: mười bảy bài, một trăm bảy mươi trang trong hàng trăm bài anh đã viết hơn mười năm qua. Tôi đọc từ đầu đến cuối mặc dù có bài tôi đã đọc trước đó trên các báo hàng ngày, hàng tuần. Thấy rằng tác giả đã không nề vất vả, công phu sửa chữa, nâng lên khá kỹ, khá tâm huyết. Vì vậy mà chất lượng tác phẩm đã được cải thiện rõ rệt, không như những gì tôi đọc anh lần đầu. “Những ngọn nến” là một ví dụ. Bài bút ký viết nhân ngày kỷ niệm 10 năm thành lập Đội công tác xã hội Thanh niên Huế. Một đề tài khô khan và hơi… nhàm chán, phải không? Vậy mà ta hãy đọc: “… Nắng xuyên qua mắt lá đến chỗ tôi ngồi lấp lóa như đang có muôn ngàn ngọn nến vừa được thắp lên; và tôi chợt thấy mình đang bị một dòng ký ức xa xưa tưởng đã ngủ yên lâu rồi đánh thức dậy… Nếu đã là nến thì phải cháy hết mình, không kể đó là ngọn nến thắp ban đêm hay ban ngày… Vấn đề là chúng ta đã được thắp sáng cho nhau hay không”...
Thể loại ký trong văn học không thể nào thiếu sự việc, sự kiện. Đã đành là như vậy nhưng nếu sự việc cứ chồng lên sự việc mà không có hoặc không thấy bóng dáng con người cùng những nghĩ suy, cảm xúc, nỗi niềm… của họ thì chẳng khác gì thực vật, mọi chuyện sẽ trơ khấc ra, chẳng đem lại cho ai điều gì cả! “Bào Đột hương trang” chứng minh thêm cho ta điểm này. Những sự kiện dập dồn, lớp lớp, trùng điệp... gần như suốt cả nghìn năm văn hiến xảy ra ở nơi thánh địa của dòng họ Hồ, từ ông nguyên tổ là Hồ Hưng Dật cho đến Hồ Quý Ly... và sau này nữa là Hồ Phi Phúc (tức Nguyễn Phi Phúc thân phụ Nguyễn Huệ), Hồ Tông Thốc, Hồ Xuân Hương v.v... kéo mãi đến thời hiện đại giờ đây là Hồ Tùng Mậu cùng con cháu của ông được dồn nén trong bút ký, cảm xúc ngập đầy tư đầu cho đến đoạn cuối.
... “Sách xưa nói rằng cứ 300 năm bình địa trả qua một lần dâu bể… Bào Đột cũng không thoát khỏi quy luật ấy, diễn biến can qua của những cuộc bể dâu đã xóa tan bao cung điện, đền đài... Có chăng còn lại bây giờ là hương trang vẫn một màu xanh bình yên thăm thẳm cho con cháu tìm về. Có những người chí cao ngút trời song không bao giờ về được lại hương trang Bào Đột. Một trong số đó là “Anh hùng di hận kỷ thiên nien” Hồ Quý Ly. Chỉ còn tiếng thơ của ông cảm hoài nơi xa vắng: “Quê hương dễ thấy đầu dần bạc/ Quán khách khôn cầm tóc trắng xanh…”
Những đoạn như vậy trong bài bút ký dài gần 5 ngàn từ này làm xốn xang bao nỗi lòng của người đọc, níu giữ chúng ta và làm cho chúng ta không sao yên ổn được, nếu như chúng ta không phải là người vô cảm, vô tâm.
Hồ Đăng Thanh Ngọc viết “Chuyện Huế”, dĩ nhiên là nhiều chuyện xảy ra ở Huế, Thừa Thiên. “Nghe thơ trong đêm hoàng cung”, “Chiều chiều xách giỏ đi câu”, “Sắp lát thịt heo lên mâm cơm Huế”, “Quán rắn góc trời”. Chất giọng thủ thỉ trong những bút ký này tôi nghĩ là rất hợp với người Huế - nói cách khác là có bản sắc riêng. Thủ thỉ thôi, kiệm lời, nhưng đọc thấy sự tâm đắc của tác giả. Anh muốn truyền đạt sự tâm đắc đó đến những ai quan tâm vì lòng yêu quê hương đất nước, yêu con người qua tấm lòng (tức là cái tâm người ta thường nói) với những tình cảm cao đẹp của họ - điều mà các tác phẩm văn chương nghệ thuật hướng tới. Vẻ đẹp sâu xa, cái vẻ đẹp chẳng dễ dàng gì nhìn thấy này, được Hồ Đăng Thanh Ngọc với giọng văn riêng của mình, chấm phá một cách thầm thì, hơi giấu đi, lẩn đi, chẳng một chút ồn ào rao giảng, nhưng không vì thế mà nhòa nhạt, cạn vơi hay hời hợt.
“Gió quấn cả mái tóc dài của Êlisa (một nữ sinh viên Pháp) lên mắt mũi tôi như thể một loài mây lạ, không dễ gì quên được. Đang lâng lâng vì cảm giác kỳ lạ ấy, Êlisa bỗng kéo tay tôi đứng lại, chỉ vào trong lùm cây ven đường. Tôi nhìn theo hướng tay nàng chỉ, nhận ra dưới gốc lau có một tổ chim sơn ca đất có hai con chim nhỏ xíu đang run bắn vì lạnh. Tôi dốt đặc ngoại ngữ nhưng cũng đủ kinh nghiệm đôi tay để ra hiệu là nên dùng khăn để quấn cho chúng nó đỡ lạnh. Êlisa làm theo tôi, lấy chiếc khăn nàng đang dùng thoang thoảng mùi nước hoa thơm nhẹ nhàng quấn cho đôi chim non. Bất giác tôi thấy Thế (nhân viên kiểm lâm cùng đi) mỉm cười…”
Nhưng chiếc khăn đó không bị gió cuốn đi như tấm lòng trong lời nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Người kiểm lâm tên Thế đó đã trở lại lấy chiếc khăn “trả đôi chim non lại cho thiên nhiên thật sự, bởi mẹ chúng cũng đã sắp về”. Thế về tìm chúng tôi để trao lại khăn cho Êlisa. Bấy giờ nàng không có mặt ở đó, đã ra suối tắm hoặc ngắm cảnh gì đó. Tôi tìm đến bên bờ suối. Êlisa rất ngạc nhiên khi biết được câu chuyện. Nàng hỏi: “Thế đâu rồi?” Thế đã đi rồi! “The cung la gio” - nghe như nàng nói sau một tiếng thở dài nhẹ và buồn… tác giả kết thiên bút ký trong cơn lốc trên đỉnh Vọng Hải Đài “Vâng, chính trong cơn lốc mịt mù ấy, núi Bạch Mã đã có một thứ gió khác, thứ gió ấy trong mỗi người chúng ta ai cũng có miễn là có cơ hội để thoát thai ra, ngọn gió của nồng ấm tình yêu thiên nhiên và cả con người” (Gió trên đỉnh Bạch Mã)
Trong “Chiều chiều xách giỏ đi câu” Hồ Đăng Thanh Ngọc không những miêu tả rất giỏi, rất sống động về các loại câu (câu cần, câu cặm, câu giăng, câu chùm, câu vợt...), về nghệ thuật câu từng loại cá như “câu cá trê phải biết cách giật cần vì cá trê ngậm mồi xong thì kéo mồi đi giật lùi nên phải giật cần cùng chiều với hướng phao chạy mới mong lưỡi câu móc vào mép cá”... mà còn bày ra bao nhiêu là tâm trạng, cảm giác cùng những liên tưởng giàu ý nghĩa nhân văn và đậm chất folklore. Chuyện cổ tích chàng Lười, lười đến nỗi đi câu nằm ngửa mà câu, được con cá nhỏ giật lên bờ cũng lười không thèm bắt để nó cứ giãy tanh tách dưới gốc cây, con quạ bay qua cắp đi mất. Cũng nhờ con cá này mà Lười ta lấy được vợ đẹp con một ông giàu có nhất vùng. Người con gái này (thực ra là con của Yàng trên trời) đã làm cho Lười hết lười, chăm chỉ làm ăn và trở nên giàu có cũng nhất vùng...
Lại nữa, câu hò ru em xứ Huế “Chiều chiều ông Lự ra câu/ Cái ve cái chén cái bầu sau lưng”? Ông Lự chỉ vua Duy Tân trong câu hò mái nhì “Chiều chiều trước bến Văn Lâu ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm…” hay là ông Lự ở xóm Cửa Trài (sát đồn Mang Cá hiện nay) nổi tiếng lúc bấy giờ là một “mệ” Huế câu tài tử; hay đích thực là ông Ngự - ông già Bến Ngự tức cụ Phan Bội Châu như có nhiều người đã giải thích đã hiểu trong đó có người viết bài này là tôi?
Hồ Đăng Thanh Ngọc cứ thủ thà thủ thỉ kể chuyện tương tự như vậy trong suốt cả tập sách, với một giọng văn riêng, một chất văn riêng trong thể loại ký. Đọc xong (không chỉ một lần) “Chuyện Huế” tôi bất chợt đặt ra một câu hỏi trong đầu óc, một câu hỏi vớ vẩn một chút nhưng rất thật lòng: Trong đại trà tứ xứ các nhà văn viết ký trong nước ta giờ đây, những ai là người có thể tiếp nối được dòng mạch văn hoá của các bậc cha anh đi trước như Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường?
Tự đặt câu hỏi rồi phải tự trả lời, đó là lẽ dĩ nhiên và thường tình. Trả lời thì cũng thường tình có người tán thành có người phản đối. Tôi nghĩ rằng: có thể Hồ Đăng Thanh Ngọc là một trong những người đó.
Ký là thể loại văn học khó đọc, khó cả in ấn và bán thì... vô cùng khó! Theo kinh nghiệm riêng của tôi, ký dễ viết nhưng khó hay. Bất cứ nhà văn nhà báo nào cũng có thể viết được, viết thành, nhưng để ghi được dấu ấn trong lòng người đọc thì không mấy ai. Như là thể loại chọn người viết chứ không phải ngược lại, đúng thế chăng? Bởi vậy, có nhà văn truyện ngắn, tiểu thuyết thì hay nhưng ký lại không được thế. Mặt khác, lại có nhà văn ký hay ký giỏi nhưng hễ chạm đến truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết... thì bó tay chịu thua. Biết làm sao được khi mỗi người có sở trường, sở đoản riêng của mình!
Bằng vào tác phẩm văn xuôi là tập bút ký gần như là đầu tay của mình, thể hiện một nội lực khá dồi dào; bằng sự lao động nhà văn miệt mài cộng với lòng say mê nghề nghiệp lặng thầm và bền bỉ, tôi tin rằng Hồ Đăng Thanh Ngọc sẽ có những tác phẩm đáng lưu ý hơn, đáng trân trọng hơn trong thời gian sắp tới.
Huế 11-09 H.N (250/12-09)
------------- * Những dòng, chữ in nghiêng là lời văn của tác giả Hồ Đăng Thanh Ngọc.
|