Trăng chính là chiếc đồng hồ vĩ đại mà tạo hoá đã ban tặng. Từng bước chuyển của trăng sẽ làm biến đổi các sự vật hiện tượng khác. Hướng chuyển động của trăng thường theo chiều: khuyết - tròn - khuyết - khuất. Kết thúc một chu kỳ như thế tương ứng với một tháng trong năm.
Hầu như, người Ta Ôi làm bất cứ việc gì để phục vụ cuộc sống, kể cả trong cuộc sống vật chất và tinh thần, đều dựa vào trăng. Chính vì điều này phần nào có thể lý giải vì sao người Ta Ôi ái chuộng hình tròn hay hình vòng cung trong thiết kế, xây dựng các mô hình, kiến trúc biểu tượng cho cuộc sống. Hình tròn và hình vòng cung hiện lên bàng bạc ở mô hình làng, mái nhà các loại, dụng cụ lao động sản xuất, các vật trang sức, các nét hoa văn trên trang phục hoặc trên nhà Rông, các hình xăm trên người, cách cưa răng căng tai... và kể cả khai thác sản vật tự nhiên như rượu pardin, tuvak...
Bên cạnh mặt trăng, mặt trời cũng là một đơn vị thời gian giúp người Ta Ôi nhận diện các giờ trong một ngày. Ngoài ra, các sự vật hiện tượng tự nhiên với sự biến đổi của chúng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người Ta Ôi nhận biết bước đi của thời gian. Đặc biệt là khi tính thời vụ.
2. Chính mặt trăng và mặt trời cùng sự chuyển động của chúng làm nên các đơn vị thời gian trong con mắt của người Ta Ôi và họ đã gọi tín các hình dạng nhìn thấy theo cách của mình.
2.1. Khi dựa vào sự chuyển động của mặt trăng, người Ta Ôi(1) để tính các ngày trong tháng như sau:
Các |
|
Tiếng dân tộc thiểu số
|
Tiếng Việt |
ngày |
Tiếng Ta Ôi |
Tiếng Pakô |
Nghĩa |
|
01 |
karư |
kaler |
“hườm” (đỏ) |
mồng một |
02 |
takkoi lo’h |
takoi ngô’h |
“nhú sừng” |
mồng hai |
03 |
Ilău lo’h tôm |
Ilău ngô’h tôm |
“bắp chân căng lần đầu” |
mồng ba |
04 |
Ilău lo’h tu |
Ilău ngô’h tua |
“bắp chân căng lần cuối” |
mồng bốn |
05 |
kalang lo’h tôm |
kalang ngô’h tôm |
“cánh diều lên lần đầu” |
mồng năm |
06 |
kalang lo’h tu |
kalang ngô’h tua |
“cánh diều lên lần cuối” |
mồng sáu |
07 |
pâng lo’h tôm |
tưng ngô’h tôm |
“chính giữa hiện lần đầu” |
mồng bảy |
08 |
pâng lo’h tu |
tưng ngô’h tua |
“chính giữa hiện lần cuối” |
mồng tám |
09 |
parnung lo’h tôm |
pannoang ngô’h tôm |
“bánh phồng lên lần đầu” |
mồng chín |
10 |
parnung lo’h tu |
pannoang ngô’h tua |
“bánh phồng lên lần cuối” |
mồng mười |
11 |
kammooch lo’h tôm |
kumuiq ngô’h tôm |
“linh hồn người chết hiện lần đầu” |
mười một |
12 |
kammooch lo’h tu |
kumuiq ngô’h tua |
“linh hồn người chết hiện lần cuối” |
mười hai |
13 |
traleang lo’h |
traleang ngô’h |
“cái sập cửa hiện ra” |
mười ba |
14 |
karlooi |
Truq |
“cái đèo theo sau” |
mười bốn |
15 |
trakoal |
trakoal |
“cái gối” |
mười lăm |
16 |
trabrang |
traklang |
“sự neo đậu” |
mười sáu |
17 |
traleang păt |
traleang păt |
“cái sập cửa biến dần” |
mười bảy |
18 |
parnung păt tôm |
pannoang păt tôm |
“bánh phồng xẹp lần đầu” |
mười tám |
19 |
parnung păt tu |
pannoang păt tua |
“bánh phồng xẹp lần cuối” |
mười chín |
20 |
pâng păt tôm |
tưng păt tôm |
“chính giữa ẩn lần đầu” |
hai mươi |
21 |
pâng păt tu |
tưng păt tua |
“chính giữa ẩn lần cuối” |
hâm mốt |
22 |
kammooch păt tôm |
kumuiq păt tôm |
“linh hồn người chết ẩn lần đầu” |
hâm hai |
23 |
kammooch păt tu |
kumuiq păt tua |
“linh hồn người chết ẩn lần cuối” |
hâm ba |
24 |
kalang păt tôm |
kalang păt tôm |
“cánh diều xuống lần đầu” |
hâm bốn |
25 |
kalang păt tu |
kalang păt tua |
“cánh diều xuống lần cuối” |
hâm lăm |
26 |
Ilău păt tôm |
Ilău păt tôm |
“bắp chân xẹp lần đầu” |
hâm sáu |
27 |
Ilău păt tu |
Ilău păt tua |
“bắp chân xẹp lần cuối” |
hâm bảy |
28 |
takkoi păt |
takoi păt |
“lụi sừng” |
hâm tám |
29 |
ntrok |
tayel |
“vệt dài nhỏ” |
hâm chín |
30 |
nhil |
Nhil |
“tối như mực” |
ba mươi |
Lịch tháng của người Ta Ôi chỉ có tháng đủ ngày và tháng thiếu ngày chứ không có tháng nhuận như của người Việt. Khi “nhil” (tối như mực) không xuất hiện thì tháng đó chỉ có 29 ngày. Bước chuyển tiếp từ ngày cuối của tháng trước đến ngày đầu của tháng sau được xác định qua “ntrok” (vệt dài nhỏ). Đó là một hình dạng tựa dấu vết của trăng trên không trung thăm thẳm. Chính dựa vào hình dạng khác nhau của trăng trên không trong từng tháng như vậy mà người Ta Ôi hoạch định thời điểm trồng trỉa các loại cây trồng cho phù hợp đưa lại năng suất cao.
2.2. Các tháng trong năm của người Ta Ôi được tính theo hai cách:
Thứ nhất, dựa vào lịch sử của hai loại giống cây lương thực chủ yếu: ngô và lúa. Cây ngô bắt đầu trỉa từ tháng 01 và thu hoạch vào tháng 4. Khoảng thời gian từ tháng 01 đến tháng 4 được người Ta Ôi gọi là mùa ngô. Cây lúa bắt đầu gieo trỉa vào tháng 5 và thu hoạch vào tháng 10. Nên người ta gọi khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 là mùa lúa.
Như vậy, tính theo thời vụ, thời gian năm của người Ta Ôi có mười tháng trong một năm. Hễ thấy ngô non mơn mởn ta biết là cuối tháng 01, ngô trổ đòng kết trái biết là tháng 02, tháng 3 và bắp ngô tươi chất đầy kho, đầy nhà biết đang bước vào tháng 4. Các tấm rẫy mới đã được dọn sạch thực bì, sẵn sàng đón nhận các hạt giống lúa vào lòng đất là tháng 4 đã qua, tháng 5 đang đến. Cuối tháng 6 là lúc người dân nghỉ làm nương rẫy chuyển sang săn thú, hai quả trong rừng núi, bắt cá mò cua tôm dưới suối sông. Tháng 7 và tháng 8 họ bước vào làm cỏ mùa để giúp cho cây lúa lên xanh tươi đủ sức cho ra những bông lúa dài dé và mẩy hạt. Tháng 9 họ lại chờ cho lúa già bông và chín chắc hạt. Tháng 10 là lúc cả làng lên rẫy nương cùng nhau tuốt hàng trăm cà rìa lúa bỏ vào gùi, gùi hàng chục gùi về kho thóc và về nhà để chuẩn bị cho những công việc cần thiết cho thời gian tiếp theo. Các hộ gia đình người Ta Ôi đều đồng loạt thực hiện các công việc liên quan đến lao động sản xuất của cộng đồng để phù hợp với tính thời vụ mà tổ tiên đã đúc rút và truyền đạt. Tính đồng loạt này cũng là cơ sở khẳng định sự tồn tại của thời gian trong cuộc sống của người Ta Ôi.
Thứ hai, dựa vào thời tiết. Sự thay đổi của thời tiết cùng với sự chuyển đổi của mọi sự vật hiện tượng tương ứng đã giúp người Ta Ôi làm cơ sở nhận diện thời gian. Trong đó sự xuất hiện của bốn yếu tố sau là quan trọng nhất. Đó là pir (hoa), atooq (nóng), tưm/yur pang (mát/rụng lá), a- oot (lạnh). Bốn yếu tố trên xuất hiện mang tính giai đoạn và nối tiếp liên tục theo thứ tự đã nêu.
Chính vì vậy, người Ta Ôi tính một năm có bốn mùa như sau: nno pir/nhnhom (mùa xuân, tiếng Pakô là nno piar) được tính từ tháng 1 đến tháng 3, nno atooq (mùa hè) từ tháng 4 đến tháng 6, nno tưm/yur pang (mùa thu, tiếng Pakô là nno uk) từ tháng 7 đến tháng 9 và nno a- oot (mùa đông, tiếng Pakô nno alsăm) là tháng mười. Tháng mười của người Ta Ôi dài gấp ba so với các tháng khác. Khi nào trăm hoa rừng hé nở, cây cối đâm chồi nẩy lộc, chim muông ca hát thì kết thúc mùa đông.
2.3. Dựa vào sự chuyển động của mặt trời để chỉ các giờ trong ngày
Ngày là đơn vị thời gian được tri nhận rõ nhất qua cách gọi tên đúng quy luật chuyển động của mặt trời. Giờ của người Ta Ôi cũng chỉ được quy định chung chung qua việc quan sát sự chuyển động của mặt trời trong một ngày. Người Ta Ôi thường lấy bóng của mái nhà hoặc của cây cối và có khi là bóng của chính con người được ánh sáng mặt trời chiếu xuống để tính thời gian trong một ngày.
Người Ta Ôi ước lượng đơn vị thời gian ngày như sau:
Tiếng Ta Ôi |
Tiếng Pakô |
Nghĩa |
Khoảng thời gian |
Lo’h măt |
ngô’h măt |
mặt trời mọc |
khoảng 6 - 7 giờ |
yur măt/chăh klaq |
yoor măt |
mặt trời lên |
khoảng 8 - 9 giờ |
kring măt |
pitưng măt |
già bóng (mặt trời) |
khoảng 10 - 11 giờ |
tâng măt |
tưng măt |
đứng bóng (mặt trời) |
khoảng 12 giờ |
vis măt |
Vih măt |
ngoảnh mặt (mặt trời) |
khoảng 13 - 14 giờ |
a-êng măt |
rarong măt |
nghiêng mặt (mặt trời) |
khoảng 15 - 16 giờ |
atooq kachăng kooh |
puaq kachăng koo’h |
nắng cười với núi |
khoảng 17 giờ chiều |
looi măt |
ploot măt |
mặt trời lặn |
khoảng 18 giờ tối |
Riêng việc tính thời gian từ 1 giờ sáng đến 5 giờ sáng thì người Ta Ôi lại dựa vào tiếng gáy, đợt gáy của gà trống nhà. Nếu gà trống gáy lần một với một hơi dài là 1 giờ; lần hai, hai hơi khá dài là 2 giờ sáng; lần ba có ba hơi nhưng mỗi hơi ngắn hơn so với mỗi hơi của lần hai thì đã đến 3 giờ; lần bốn cũng bốn hơi ngắn hơn lần ba và lần thứ năm, gà gáy năm hơi liên tục, hơi ngắn và thúc giục báo hiệu thời gian 5 giờ đã đến.
Như thế, người Ta Ôi cũng có các đơn vị ngôn ngữ chỉ giờ trong một ngày, cụ thể là từ 1 giờ đến 18 giờ. Còn khoảng thời gian từ 19 đến 24 giờ không được đưa vào quỹ thời gian của người Ta Ôi. Vì sao như vậy, chúng tôi cũng chưa lý giải được. Có lẽ tổ tiên của người Ta Ôi đã có các từ ngữ tương đương để gọi tên khoảng thời gian mà chúng tôi chưa đủ điều kiện đi tìm cái lý tồn tại của chúng. Biết đâu được ngoài việc dựa vào mặt trời để tính thời gian ban ngày, vào tiếng gà gáy để tính giờ sáng sớm/đầu hôm, còn dựa vào hiện tượng tự nhiên khác như khí trời, sương, gió, trăng sao để bù vào khoảng hẫng hụt trên?!
Bên cạnh đơn vị ngày nguyên thuỷ như thế, người Ta Ôi hiện đại còn vay mượn cách tính ngày của người Việt hiện đại nhưng được phiên âm sang tiếng của chính họ theo kiểu: ngày mồng một (01) ở tiếng Việt, là ingăi mi ở tiếng Ta Ôi và ingăi mooi ở tiếng Pakô; ngày mười lăm (15) ở tiếng Việt, là ingăi michât sông ở tiếng Ta Ôi và ingăi muchi’t sông ở tiếng Pakô. Cứ thế tương tự cho đến ngày ba mươi.
3. Đối ứng thời gian làm nông. Theo người Ta Ôi xưa, khoảng thời gian trồng trỉa lúa và ngô cũng như các loại giống cây lương thực hoa màu khác tốt nhất là vào các ngày từ 22 đến 25. Trỉa đúng vào khoảng thời gian đó, lúa ngô sẽ cho chắc đầy hạt, ngô to bẹ, lúa dài dé. Ngày 29 cũng là ngày trồng trỉa nhưng không tốt bằng. Riêng các ngày từ 14 đến 16, nếu được trồng chuối sẽ cho hiệu quả cao, chuối sẽ được dài buồng to quả. Ngày mồng 01 và 02 chỉ phù hợp với một loại giống cây lương thực được trồng là sắn. Ngô cũng có thể trồng vào những ngày này nhưng không được tốt.
Trong việc chọn ngày trồng trỉa, bà con Ta Ôi đặc biệt chú ý và tránh gieo trồng vào các ngày 20 và 21. Vì đó là những ngày sinh sôi của các loại sâu bọ phá hoại mùa màng, của mọi thú rừng làm hại đến cây trồng, vật nuôi.
Sự chọn lựa thời điểm gieo, trồng, trỉa trong những tháng thích hợp cho từng công việc là vậy. Còn các tháng trong năm được cộng đồng Ta Ôi áp dụng vào lao động sản xuất như thế nào? Điều này sẽ được trình bày ở một công trình nghiên cứu khác.
Người Ta Ôi thường sử dụng các cơ quan giác quan, tiêu biểu là thị giác và thính giác để nhận biết bước đi của thời gian nhằm áp dụng phù hợp, kịp thời và hiệu quả các thời điểm vào lao động sản xuất nông nghiệp nương rẫy của mình. Dùng mắt để quan sát sự xuất của trăng, sao, muôn hoa, cây lá và cả khí trời, dùng tai để nghe thanh âm của chim muông réo gọi.
Ngày nay, các dân tộc thiểu số của TT Huế nói chung và dân tộc Ta Ôi nói riêng đã vay mượn nguyên bản các đơn vị ngôn ngữ chỉ thời gian của tiếng Việt để sử dụng trong hoạt động giao tiếp thường nhật của họ trên mọi lĩnh vực. Người bản địa các thế hệ từ 7x (thậm chí 6x) trở về sau, hầu như không còn nhớ cách tính thời gian truyền thống của dân tộc mình. Bài nghiên cứu này, mong đóng góp một phần trách nhiệm ghi nhớ một trong số giá trị văn hóa của một tộc người trong cộng đồng dân tộc Việt Nam ta.
N.T.S (250/12-09)
---------------- (1) Tiếng Ta Ôi và Pakô là hai phương ngữ của một ngôn ngữ, một dân tộc là Ta Ôi. Tuy nhiên, bên cạnh tiếng Ta Ôi thì tiếng Pakô được xem là tiếng phổ thông vùng đồng bào Trường Sơn, nằm phía Tây của Thừa Thiên Huế nên người nghiên cứu sử dụng cả hai phương ngữ để tiện tiếp cận và tham khảo. Nghĩa và ý nghĩa từ các tên gọi chỉ thời gian (tuy không đồng âm) nêu lên ở cả hai phương ngữ đều như nhau.
|