Nhà văn Mỹ Thomas Wolf cho rằng: “Mọi tác phẩm nghiêm túc suy đến cùng đều là có tính chất tự truyện, một người nếu muốn sáng tạo một cái gì chân thực và có giá trị thì phải sử dụng kinh nghiệm và tài liệu trong cuộc sống của mình”(1). Quả thật, mỗi nhà văn khi cầm bút đều xuất phát từ nhu cầu giải phóng tư tưởng va bộc lộ cái tôi cá nhân, bởi vậy có thể tìm thấy ở mỗi trang viết những trải nghiệm, suy ngẫm và cái tôi rất riêng của ông ta. Nhà văn lấy chính cuộc đời mình làm chất liệu trong sáng tác là chuyện vốn không xa lạ, tuy nhiên tùy thuộc vào mục đích cũng như cách thức thể hiện để độc giả có đọc tác phẩm như là tự truyện của nhà văn hay không. Mục đích của tự truyện là tìm hiểu một con người có thật với lịch sử hình thành nhân cách, còn tiểu thuyết, mặc dù cũng sử dụng nhân vật, cốt truyện đó nhưng được hư cấu hóa, hoặc được cấp cho một lớp vỏ hư cấu.
Văn học Việt Nam từ sau đổi mới đã có những thay đổi đáng kể trong quan niệm về hiện thực và con người, quan niệm về nhà văn trong mối quan hệ với tác phẩm, với công chúng và với chính mình. Đó chính là cơ sở để khuynh hướng tự truyện trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại trở nên khá phổ biến so với văn học giai đoạn 1945 - 1975: lấy chất liệu từ bản thân cuộc đời riêng tư của tác giả, những chi tiết mang tính tiểu sử của chính nhà văn, bộc lộ cái tôi cá nhân rõ nét: Thời xa vắng (Lê Lựu), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Chuyện kể năm 2000 (Bùi Ngọc Tấn), Thượng đế thì cười (Nguyễn Khải), Gia đình bé mọn (Dạ Ngân), Ba người khác (Tô Hoài) và hàng loạt các tiểu thuyết của Ma Văn Kháng từ Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ cho đến tiểu thuyết mới nhất Một mình một ngựa. Mặc dù mang một số dấu hiệu của tự truyện nhưng đây không phải là tự truyện theo quy ước thể loại mà là những tiểu thuyết có khuynh hướng tự truyện. Khuynh hướng tự truyện trong tiểu thuyết giúp người đọc không chỉ giải mã con người tác giả và thời đại qua những chi tiết gắn với tiểu sử, cuộc đời thật mà qua những trải nghiệm sống và sự tự thú chân thành.
Có thể khẳng định Một mình một ngựa là tác phẩm có tính tự truyện rõ nét từ chính lời thú nhận của nhà văn Ma Văn Kháng “Một mình một ngựa là đoạn đời mà bây giờ tôi mới viết ra để mọi người có thể hình dung đầy đủ về bản thân tôi”(2). Trong bài viết Lào Cai, miền đất vàng(3), Ma Văn Kháng kể lại những kỷ niệm với vùng đất Lào Cai và những con người nơi đây, từ năm 1955 với vai trò là một giáo viên, đến năm 1965 làm thư ký cho đồng chí bí thư Tỉnh uỷ Trường Minh. Những lời chia sẻ đó khiến cho người đọc dễ liên tưởng tác giả với nhân vật Toàn trong tiểu thuyết. Toàn có lý lịch gần giống với tiểu sử nhà văn: giáo viên dạy văn công tác ở một tỉnh miền ngược, sinh ra và lớn len ở Hà Nội, vợ con đã chuyển về sống ở thủ đô, có năng khiếu văn chương. Đây cũng là một thủ pháp nhằm kích thích sự tò mò đối với thị hiếu độc giả, những ai muốn tìm hiểu sự thật con người và đời tư nhà văn Ma Văn Kháng. Tuy nhiên, Một mình một ngựa là một tiểu thuyết, chúng tôi muốn tìm hiểu khuynh hướng tự truyện từ nội dung văn bản, kỹ thuật kể chuyện để thấy sự thâm nhập của thể loại tự truyện trong tác phẩm này.
Trong tự truyện, do đặc trưng của thể loại (tác giả ngược dòng thời gian kể lại đời mình khi đã trưởng thành), hiện thực của thời quá khứ được tái dựng nhờ ký ức. Hơn nữa, trong khi viết các nhà văn có xu hướng ảo hóa cái thực, “tung hỏa mù” nhằm gây hiệu ứng nghệ thuật độc đáo, nên rất khó có căn cứ để xác minh tính chính xác của sự kiện. Bởi vậy, có thể nói sự thành thực và sâu sắc của những trải nghiệm cũng quan trọng không kém tính chính xác của sự kiện.
Một mình một ngựa có cách kể truyền thống, kết cấu theo trục thời gian tuyến tính kể từ lúc Toàn chia tay với nghề dạy học về nhận việc ở Văn phòng tỉnh ủy cho đến lúc kết thúc truyện là một cuộc chuẩn bị ra đi. Giọng kể quán xuyến tác phẩm là của người kể chuyện khách quan nhưng xuất phát từ nhân vật Toàn, nhân vật được đẩy vào trong một môi trường mới mẻ, lạ lẫm như kiểu nhân vật thử thách. Và trước cái nhìn của Toàn, không gian ấy được mở ra dần từng lớp, các nhân vật lần lượt xuất hiện và bộc lộ chân tướng. Những quan sát và chiêm nghiệm của Toàn mang dấu ấn của bản thân nhà văn, một giáo viên dạy văn miền ngược, một con người luôn tự nghiền ngẫm cuộc sống và có sự độc lập trong tư duy. Người lãnh đạo đứng đầu, ông Quyết Định, người đã điều chuyển Toàn về đây công tác lại xuất hiện sau cùng, sau đám cán bộ văn phòng tỉnh ủy, sau các ủy viên thường vụ và sau Yên, người vợ xinh đẹp, dạt dào sức sống của ông. Nhưng đó lại là hình ảnh sáng chói và đường nét nhất: luôn vững vàng, bách chiến bách thắng. Đó là sự từng trải và khôn khéo ở hội nghị Mường Thông trong hiện tại. Đó là vẻ đẹp kiêu hùng khi một mình một ngựa vào tận hang ổ của thổ ty, chúa đất trong quá khứ. Hình ảnh đẹp đẽ, tráng lệ ấy trở đi trở lại trong suy nghĩ của Toàn, khơi nguồn cảm hứng cho những suy ngẫm về con người, thời đại và lịch sử. Thời đại của cuộc cách mạng long trời lở đất đã tạo nên giá trị của người anh hùng Quyết Định mà “ông và thế hệ ông không thể cưỡng, không được phép cưỡng lại”.
Đời người có khi trải qua khoảnh khắc chói lọi lạ lẫm, một tuổi trẻ hào hùng và lãng mạn như thế. Ánh hào quang của quá khứ hắt chiếu vào thực tại, là ông bí thư tỉnh ủy quyền uy nhưng bất lực trong chính bản thân mình. Toan cũng nhận ra biểu tượng “một mình một ngựa” ấy kiêu hùng, dũng mãnh nhưng cũng cô độc, lẻ loi giữa đám đông, giữa tập thể cán bộ văn phòng tỉnh ủy mỗi người mỗi kiểu. Nhà văn cũng luôn tự suy tư, bộc lộ những nghiền ngẫm của mình thông qua lời nhân vật. Lần đầu tiên được chứng kiến tài năng lãnh đạo của người bí thư tỉnh ủy ở hội nghị Mường Thông, Toàn thấm thía rằng “Chính trị là thủ đoạn, là quyền biến, là sự từng trải, là một thái độ khẳng định và khéo léo. Hơn nữa còn là sự mê hoặc…”. Toàn cũng dành nhiều thời gian cho không gian của riêng mình: ký ức tình yêu, nỗi nhớ nhung, thèm khát hơi ấm gia đình, lòng yêu nghề dạy học và nỗi tủi hổ, uất ức khi bị coi thường, nghi vấn… Vẻ đẹp của núi rừng Hoàng Liên hiện lên trong cảm nhận tinh tế của tâm hồn người giáo viên dạy văn nhạy cảm, mơ mộng: nắng mỏng mảnh như thủy tinh, sắc vàng như kim nhũ của mùa quả đau tương đang chín tới, vùng đất Pha Linh khắc khổ, nghèo nàn nhưng giống như bức tranh tĩnh vật từ những thiên kỷ đã xa.
Tuy vậy, suốt truyện không chỉ ngự trị một điểm nhìn duy nhất, tác giả đã khéo léo di chuyển điểm nhìn vào các nhân vật khác. Sức nặng ở nhân vật Quyết Định không chỉ ở hình tượng một mình một ngựa oai hùng, dũng mãnh mà còn nằm ở những đoạn độc thoại, dòng ý thức với những tâm sự sâu kín của ông. Ông đến Pha Linh với nỗi niềm lo âu vì vùng đất xa xôi này chứa đựng nhiều nhân tố không ổn định mà ông là người cần tìm ra nguyên nhân, ông biết “Cách mạng là một cuộc giành giật quyền lực. Nhưng giành giật quyền lực đã khó mà bảo vệ giữ gìn nó còn khó hơn”. Đó là những suy nghĩ nghiêm túc của một nhà chính trị từng trải, lão luyện, thậm chí tạo nên ý thức đối thoại đối với người đọc (vì sao một ông bí thư tỉnh ủy vốn giác ngộ cách mạng từ rất sớm lại cho rằng cách mạng là cuộc giành giật quyền lực?). Trong cuộc sống riêng tư, ông trải qua nhiều dằn vặt hơn bởi ông hiểu rất rõ tình cảnh của mình trước người vợ có vẻ đẹp sinh tỏa, nồng nàn sức sống mà không phải lúc nào ông cũng có thể đáp ứng được. Di chuyển điểm nhìn vào từng nhân vật khiến sự trần thuật trở nên phức hợp đa tuyến, cuốn tiểu thuyết đi sâu vào thế giới bên trong con người, mở rộng nhận thức hiện thực, đồng thời tạo nên sự đa nghĩa, nhiều tầng của tác phẩm. Từ những trải nghiệm chân thực về đời sống và bản thân được chuyển hóa thành hình tượng trong tác phẩm, có thể nói đây là cuốn tiểu thuyết giàu tính tự thuật của nha văn Ma Văn Kháng.
Theo quy ước của Philippe Lejeune, người kể chuyện trong tự truyện đồng nhất với nhân vật chính và đồng nhất với tác giả. Tuy nhiên, từ đời thực đến cái tác giả kể lại, được viết ra đã là một khoảng cách, bởi vậy sự đồng nhất tác giả - người kể chuyện - nhân vật chính trong tự truyện ngày nay chỉ là tương đối. Tiểu thuyết là thể loại còn đang biến đổi, chưa định hình và có khả năng dung nạp những thể loại khác, chẳng hạn nhật ký, thơ, phóng sự, thư từ,… Trong Một mình một ngựa, ý thức viết tiểu thuyết là rõ ràng nhưng vẫn bị níu giữ bởi tinh thần tự truyện. Cái tôi tác giả không lộ diện mà được đại diện bởi nhân vật Toàn. Ở Toàn, sự khẳng định cái tôi cá nhân giúp anh có thể đứng riêng để nhận thức thế giới, nhận thức chính mình. Từ sự miêu tả khá hài hước về một thời kỳ đã qua, những cuộc họp tổng kết, các báo cáo điển hình lê thê, lủng củng số liệu, giống nhau như cùng một khuôn đúc, đến nỗi “chả cần nghe vì biết tỏng là nó viết theo mẫu có sẵn, nó toàn nói dối cho vừa lòng cấp trên thôi”, những kế hoạch to tát, khẩu hiệu ầm ĩ nhưng chỉ là ảo tưởng, thiếu thực tế như chủ trương trồng lúa mì và đưa máy cày lên xới đất ở Na Ảng.
Đó chính là những ký ức được lưu giữ về một thời kỳ đã qua từ trải nghiệm một quãng đời của nhà văn Ma Văn Kháng. Cũng giàu tính tự truyện nhưng Nỗi buồn chiến tranh là một thể nghiệm bằng cách tái hiện quá khứ bằng những hồi ức chập chờn, đứt quãng với hai cái “tôi” cùng tồn tại: cái tôi của quá khứ thời chiến và cái tôi hiện tại nhớ lại. Nhờ đo gương mặt của chiến tranh với tất cả những góc khuất và sức tàn phá của nó hiện lên trong nỗi buồn dai dẳng của nhân vật nhà văn - cựu chiến binh. Cách triển khai cốt truyện và thể hiện nhân vật trong Một mình một ngựa có nhiều tương đồng với Thời xa vắng, Gia đình bé mọn. Từ hành động và sự việc bộc lộ tính cách nhân vật, từ tâm tư tình cảm của nhân vật nhận thấy tự thú của tác giả. Nhân vật được khách quan hóa nhưng xuyên qua lớp vỏ đó lại là sự chủ quan chân thành, giàu biểu cảm.
Một mình một ngựa tiếp nối nguồn mạch tự thuật được khơi dòng từ các tiểu thuyết trước nó, Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ nhưng dường như co cái nhìn thể tất nhân tình hơn.
Mặc dù tiểu thuyết này xoay quanh sự kiện, tình huống gây mâu thuẫn nhưng không có quá nhiều xung đột, những mưu mô đấu đá giữa các phe phái cũng không diễn ra nảy lửa khiến người đọc ngộp thở. Một mình một ngựa cũng có những tuyến nhân vật “kỳ hình dị tướng”, “trông mặt mà bắt hình dong”, người có tâm địa xấu thì lộ ra tướng hình như Văn Hiến, Quàn. Song với cái nhìn khoan dung, nhân bản hơn, Ma Văn Kháng đã lấy chiêm nghiệm từ chính bản thân cái tôi của mình để cảm thông, chia sẻ: “Mấy tháng qua, sống với mọi người ở môi trường mới, Toàn đã nhận ra chân dung của lớp người này. Chính trị là cả một công cuộc mò mẫm gian nan và luôn quá sức với họ. Họ có nhiều nhược điểm. Họ chẳng tốt hơn những người ở các lĩnh vực khác nhưng cũng chẳng xấu đâu. Và đặt Toàn vào vị trí của họ, chắc gì Toàn có thể làm nổi như họ?”, “Nhọc nhằn quá, cuộc sống có bao giờ hiện ra ở hình thái hoàn hảo đâu. Mọi người ai cũng phải đánh vật với chính mình, chả ai sung sướng trọn vẹn cả. Tội nghiệp”. Phải là người sống sâu sắc với chính mình, trải qua những tự nghiệm chân thực mới có thể đạt đến cái nhìn thể tất nhân tình như thế.
Không có nhiều đột phá, cách tân trong nghệ thuật tự sự nhưng Một mình một ngựa hấp dẫn ở cách kể chuyện hóm hỉnh, tạo được những điểm nhấn ấn tượng. Tự thân những câu chuyện đời thường của một không gian mới lạ, những kiểu người đa dạng được viết bằng ngôn ngữ đời sống linh hoạt đã có sức thu hút người đọc. Sự lồng ghép những trang nhật ký của nhân vật, xen những đoạn trữ tình ngoại đề, ghi chép lại khá nhiều thơ ca hò vè theo gu thẩm mỹ của từng nhân vật nhưng in đậm dấu ấn thời đại là những chứng thực cho sự tìm kiếm những không gian thể hiện và đó cũng là một cách sáng tạo cái tôi rất riêng của tác giả. Tuy nhiên, tác phẩm sẽ thành công hơn nếu khai thác hết chiều sâu ở nhân vật chẳng hạn nhân vật Yên, từ sự xuất hiện khá ấn tượng ở đầu truyện, có thể khám phá thế giới tâm hồn của nhân vật đầy sức sống này nhiều hơn nữa. Đôi chỗ còn sa đà vào dẫn giải dài dòng khiến cho tác phẩm nghiêng về tính luận đề, lộ ý tưởng.
Tiểu thuyết là nơi tác giả bộc lộ cái tôi của mình một cách thật nhất, và rõ nhất, tuy không trực diện như ở tự truyện. Trong tự truyện, luôn có một hợp đồng ngầm giữa nhà văn và bạn đọc rằng “tôi sẽ kể sự thật về đời mình” làm nảy sinh một sự đối chiếu tác giả - nhân vật, đời thực - trang sách. Tiểu thuyết mở ra nhiều lựa chọn hơn, người đọc có thể không cần biết mối liên hệ giữa tác giả và nhân vật. Đọc Một mình một ngựa, từ một quãng đời của nhân vật có thể cảm nhận được chân dung một thế hệ, một lớp người được hình thành từ cuộc cách mạng: nhiệt thành, năng nổ, tuy thiếu tầm nhìn và tri thức cũng như còn nhiều hạn chế nhưng vẫn còn vẻ hồn nhiên, chất phác. Xuyên suốt tác phẩm, hình tượng một mình một ngựa hàm chứa cái “mặc cảm cô đơn của mỗi đời người”. Cũng như nhân vật Quyết Định, Toàn mang nỗi cô đơn lạc lõng giữa một môi trường không phù hợp với bản tính mà anh không thể hòa đồng mặc dù vẫn chia sẻ, yêu mến từng người. Đi tư cái cá thể đến tính phổ quát, với ý thức tạo dựng thế giới hình ảnh, Ma Văn Kháng đã đem lại cho câu chuyện kể về đời mình những màu sắc của tiểu thuyết trong sự kết hợp hài hòa với tự truyện.
Vấn đề tự truyện trong tiểu thuyết là vấn đề có ý nghĩa đối với văn học đương đại bởi nó gắn với vấn đề cái tôi tác giả - sự khẳng định cái tôi cá nhân mạnh mẽ trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, sự tương tác và dung nạp lẫn nhau giữa các thể loại. Cùng với quá trình đổi mới, yếu tố tự truyện xuất hiện ngày càng nhiều thể hiện nhu cầu được bộc lộ cái tôi, ý thức phản tỉnh và khuynh hướng nhận thức lại thực tại của dòng văn học tự vấn. Với khuynh hướng tự truyện qua tiểu thuyết Một mình một ngựa, Ma Văn Kháng đã góp thêm một tiếng nói trong dòng văn học hướng nội hôm nay.
Đ.H.N (250/12-09)
------------ (1) Thomas Wolf. Câu chuyện của một bộ tiểu thuyết. Nxb Tam Liên, Bắc Kinh. Dẫn theo Lý luận văn học tập 2, Nxb Đại học Sư phạm 2008. (2) Ma Văn Kháng viết tự truyện? Nguồn:www. phongdiep.net/default.as?action. (3) Ma Văn Kháng. Lào Cai miền đất vàng. Nguồn: www.baolaocai.vn/ index.asp?tabid.
|