Tạp chí Sông Hương - Số 250 (tháng 12)
Claude Lévi-Strauss hay là cú sốc của nền văn minh châu Âu?
16:15 | 08/01/2010
TRẦN HUYỀN SÂMClaude Lévi-Strauss là một trường hợp hiếm thấy và khó lặp lại trong lịch sử nhân loại. Lévi chính là một cú sốc đối với nền văn minh phương Tây. Lý thuyết của nhà cấu trúc học vĩ đại này là sự hạ bệ hùng hồn nhất đối với tư tưởng thống ngự và độc tôn của xã hội toàn trị châu Âu; và là sự biện minh sâu sắc cho một mô thức đa văn hóa của nhân loại.
Claude Lévi-Strauss hay là cú sốc của nền văn minh châu Âu?
Claude Lévi-Strauss cùng vợ trong một cuộc thám hiểm

Claude Lévi-Strauss có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu rộng trên khắp toàn cầu. Là người đặt nền tảng cho chủ nghĩa cấu trúc, nhà nhân chủng học vĩ đại nhất của Pháp, Claude Lévi-Strauss đã được xếp vào bảy bậc vĩ nhân lớn nhất của thế kỷ XX.

Từ trước đến nay, chưa một học giả nào lại phê phán sâu sắc, triệt để như vậy, đối với những cực đoan của nền văn minh phương Tây. Bằng tư tưởng triết học thông tuệ, cùng với cuộc phiêu lưu, dấn thân chưa từng có, ông đã lập nên một hệ thống lý thuyết nhân loại học (Anthropologue) vững chắc, giàu tính trải nghiệm, đủ sức đạp đổ mọi thứ triết thuyết ngụy biện, cao ngạo, thuần túy kinh viện của các học giả phương Tây. Claude Lévi đã làm thay đổi căn bản cách nhìn nhận về mô thức văn hóa, cũng như các phạm trù mỹ học của nền văn minh nhân loại.

Thuộc thế hệ “bị chấn thương” sau thế chiến thứ hai - một thế hệ luôn hoài nghi về sự tồn tại của thế giới, Claude Lévi đứng hẳn về phái tự do và phản chiến. Gốc Do Thái, từng bị truy đuổi bởi chính quyền Vichy (1940), Lévi luôn ám ảnh một nỗi sợ hãi về sự hủy diệt giống nòi. Từng tham chiến - dưới hình thức bị áp chế (1939-1941), đó cũng là nguyên nhân Lévi căm ghét chiến tranh, dù khái niệm “la guerre” được nấp bóng dưới bất cứ hình thức nào.

Tên tuổi của Claude Lévi-Strauss gắn với những danh-vị nổi tiếng như: Tùy viên văn hóa của Pháp tại Mỹ (1941-1942), thành viên của Viện hàn lâm Pháp (1973); và là giáo sư danh dự của trường Collège de France, tiến sĩ danh dự của mười lăm trường Đại học nổi tiếng trên thế giới.

Lévi được trang bị triết học, luật học tại đại học Sorbonne và trải qua những năm tháng sôi động của không khí tranh luận học thuật những thập niên 60 ở Pháp. Sự gặp gỡ tư tưởng giữa Claude Lévi-Strauss với hai nhà ngôn ngữ học lừng danh thế giới: Ferdinand de Saussurre (1857 - 1913) và Roman Jakobson (1896 -1982), đó là cuộc hội ngộ định mệnh của những thiên tài. Bạn đọc có thể tìm thấy sự quan tâm sau sắc, và sự thán phục khó kiềm chế của Lévi đối với hai học giả này trong cuốn Le regard éloigné, 1983 (qua phần Les Leçons de la linguistique và Religion, langue et histoire, tr.119- 209)(1) Có lẽ, lý thuyết cấu trúc luận của Claude Lévi-Strauss được khơi nguồn từ sự “đụng độ” và tác động của luồng tư tưởng này.

Đặc biệt, cuộc dấn thân bằng những chuyến thực địa về các miền man dại, mà đồ rằng, chưa một nhà dân tộc học nào đặt chân đến, đo là nhân tố  quan trọng, quyết định sự nghiệp vĩ đại của Claude Lévi-Strauss. Trong hồi ức của giới trí thức Paris, người ta vẫn chưa hết kinh ngạc và thán phục đối với cuộc trưng bày “sản phẩm” của chuyến thực địa mà Lévi đã mang lại qua chuyến thám hiểm này.

Với “bản lý lịch” độc đáo trên, Claude Lévi-Strauss đã trở thành một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất ở châu Âu, đặc biệt là trên phương diện nhân loại học cấu trúc. Có thể kể đến những kiệt tác, gây chú ý và tranh cãi như: Những cấu trúc sơ đẳng về thân tộc (Les Structures élémentaires de la parenté, 1949), Chủng tộc và lịch sử (Race et Histoire, 1952); Những miền nhiệt đới u buồn (Tristes Tropiques, 1955); Nhân loại học cấu trúc (Anthropologie structurale, 1958); Tư tưởng hoang dã (La Pensée sauvage, 1962); Những huyền thoại (Mythologiques, 1964 ).

Claude Levi-Strauss là Victor Hugo của nước Pháp thế kỷ XX.  Sự kiện qua đời của Lévi (30-10-2009), cũng như lễ sinh nhật lần thứ 100 của ông được tổ chức một cách sôi động, qui mô vào năm 2008, đã bộc lộ đầy đủ niềm tôn kính và sự ngưỡng mộ của công chúng Pháp đối với nhà bác học lỗi lạc này.

Claude Lévi-Strauss - từ cấu trúc học đến nhà nhân chủng học vĩ đại

Vượt lên thuyết cấu trúc luận của nhà ngôn ngữ học nổi tiếng F.de Saussure, Claude Lévi đã xác lập một hệ thống lý thuyết về nhân loại học cấu trúc. Như ta biết, vào những năm đầu thế kỷ XX, Sausure trở thành một thánh sống trên địa hạt ngôn ngữ học. Nhất là công trình Cours de linguistique générale (1916) đã được xem là một cuốn sách kinh điển đối với sinh viên và giới nghiên cứu châu Âu. Cấu trúc luận của Saussure được xác lập trên qui luật nội tại của ngôn ngữ. Lần đầu tiên, qua cách phân tích của ông, ngôn ngữ được hiện lên như một hệ thống ký hiệu phức hợp bởi sự hệ lụy của nhiều nhân tố tham gia trong giao tiếp. Bằng việc phân biệt các khái niệm căn bản của ngôn ngữ như: ngôn ngữ (langue), lời nói (parole), và hành ngôn (language), Saussure đã tìm ra qui luật nội tại và sự kỳ diệu của ngôn ngữ. Ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu biểu hiện sinh động các quan hệ giao tiếp trong đời sống xã hội. Kí hiệu đó không phải là sự hợp thành của các yếu tố tách biệt mà là một chỉnh thể của nhiều yếu tố được kết cau chặt chẽ, có qui luật nội tại riêng. Đặc biệt, khái niệm cái biểu đạt (signifiant) cái được biểu đạt (signifié) đã khơi gợi nhiều vấn đề đối với ngành nghiên cứu ngôn ngữ như ký hiệu học, ngữ pháp học và âm vị học, thậm chí, cả các ngành tâm lý học và xã hội học.

Lévi đã tiếp thu trọn vẹn tư tưởng ngôn ngữ của Saussure và đặc biệt, đã nâng lý thuyết cấu trúc ngôn ngữ lên thành mô thức văn hóa, xác lập phân môn nhân chung học đương đại. Đó là điều khác biệt so với những nhà ngôn ngữ từng ảnh hưởng sâu sắc Saussure như: Paul Jules Antoine Meillet (1866 -1936), Joseph Vendryes (1875-1960), Émile Benveniste( 1912-1976)…

Khởi phát và có tính quyết định đầu tiên, đó là công trình “Les Structures élémentaires de la parenté” (Những cấu trúc sơ đẳng về thân tộc) vào năm 1949. Lý thuyết về liên minh hôn nhân “théorie de l’alliance de mariage” đã làm thay đổi căn bản quan điểm nghiên cứu về nhân chủng học. Từ đây, Claude Lévi đã đặt nền tảng cho nhân loại học về một phương pháp nghiên cứu cấu trúc - hệ thống, thông qua sơ đồ phả hệ họ tộc.

Cũng như hệ thống ngôn ngữ của Saussure, họ tộc là một hệ thống của cộng đồng. Hệ thống này phải được thiết lập bằng những mối ràng buộc của sự liên kết giữa các thành viên (yếu tố), trong một cấu trúc lớn của họ tộc: Mari-femme (chồng-vợ), père-fils (cha và con), frère-soeur (anh và em), oncle maternel et fils de la soeur (chú bác, cậu dì và anh em họ)(2)

Trung tâm phân tích của Lévi là luật lệ tránh sự loạn luân, mà giải pháp của nó là “hoán đổi” chéo những người đàn ông-đàn bà trong các họ tộc. Đây là một sự cố gắng cao nhất của loài người, để khỏi rơi vào tình trạng quần hôn như xã hội bầy đàn của nguyên thủy.

Mô hình phả hệ của Claude Lévi đã trở thành một lý thuyết phổ quát và có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực nhân chủng học. Mô hình này là sự đối trọng, và phủ định quan niệm bảo lưu sức mạnh dòng họ bằng cách thừa nhận sự quan hệ cùng dòng máu, mà tiêu biểu là Alfred Reginald Radcliffe-Brown (1881 -1955) - nhà nhân chủng học người Anh. Sau này, Claude Lévi đã mở rộng mô thức nghiên cứu này ra nhiều lĩnh vực khác, nhất là  huyền thoại và tín ngưỡng.

Claude Lévi-người chống lại sự độc tôn văn minh, bằng sự biện hộ sâu sắc cho một thế giới “liên văn hóa”

Đóng góp lớn nhất của Lévi, đấy là những suy nghĩ, kiến giải của ông về nền văn minh nhân loại. Đặc biệt qua hai công trình Race et Histoire (Họ tộc và lịch sử) và Tristes tropiques (Những miền nhiệt đới u buồn). Họ tộc và lịch sử  thiên về khai mở một hệ thống lý thuyết nhân loại học. Những miền nhiệt đới u buồn - thiên về thể nghiệm, thực hành lý thuyết và phương pháp mà ông đã đề xuất. Cả hai đã hoàn tất một cách tuyệt vời tư tưởng uyên thâm về nhân loại học cấu trúc của Claude Lévi-Strauss.

Đặc biệt, cuốn Những miền nhiệt đới u buồn được công chúng rất quan tâm. Văn bản được viết bởi một lối phóng túng, hồn nhiên, thân mật, như dạng nhật ký, ghi lại những hồi ức đã qua của những cuộc thám hiểm. Tác phẩm mở ra một cõi vô biên, hoang sơ, đầy kinh ngạc. Olivier Tessier gọi đó là  một “le vagabondage d’un esprit génial” - sự phiêu lưu của một trí tuệ thiên tài, đã cám dỗ người đọc vào một thế giới “thứ hai”,  khác với thế giới văn minh đương đại mà chúng ta đang tồn tại. Người đọc bắt gặp một miền cỏ thơm hoang sơ, một vùng đất còn trinh nguyên, với lối sống tiền sử, man rợ của nhiều bộ tộc. Quần hôn. Đa thê. Man dại. Bộ lạc và những thanh trừng. Claude Lévi như một chiếc máy caméra, ghi lại những hình ảnh hoang sơ về các miền như Caduveo, Bororo, Amazone, Nambiwara, Tupi-kawahib, mà người đọc ngỡ như một huyền thoại. Tôi đã không kiềm chế được sự thán phục, đối với sự dấn thân dũng cảm của nhà nhân chủng học vĩ đại này, khi xem Tristes tropiques trên TV5MONDE, do hãng truyền hình Pháp thực hiện, nhân sự kiện Claude Lévi-Strauss qua đời.

Những miền nhiệt đới u buồn, bằng cách này hay cách khác, là sự phê phán triệt để đối với tham vọng đồng hóa văn minh của phương Tây. Đồng hóa hay là sự hủy diệt? Đó là câu hỏi day dứt mà Claude đã đặt ra trong tác phẩm nổi tiếng này.

Sự đối kháng, xung đột các nền văn minh nhân loại. Sự độc tôn, áp chế của nền văn minh phương Tây đối với phương Đông. Đó là vấn đề nhức nhối luôn được đặt ra trong sử sách. Trước, và đồng thời cùng với Claude Lévi đã từng có những nhà nhân loại học như Bronislaw Malinowski, A.R. Radcliffe Brown, Lévy Bruhl, A.A.Belik, Marcel Mauus... Tuy nhiên, chưa một nhà tư tưởng nào đủ khả năng làm thay đổi căn bản cách nhìn nhận về văn minh nhân loại như Claude Lévi-Strauss.

Claude Lévi đã phá hủy mọi hệ thống lý thuyết định sẵn, tưởng chừng như đã “vững chắc” về nhân loại học, để kiến tạo nên một hệ thống lý thuyết bằng chính những thực nghiệm sinh động, máu thịt của mình. 

Trước hết, đó là chống lại sự hủy diệt nền văn minh nguyên thủy. Claude Lévi đã đưa ra luận thuyết, rằng không phải nền văn minh đương đại là cao hơn nền văn minh dã man, mà đó chính là sự thay đổi các thang giá trị khác nhau. Vì vậy, hủy diệt nền văn minh hoang dã là một hình thức hủy diệt chính chúng ta - những con người tự nhận mình là thời đại văn minh cao nhất.

Ông cảnh báo rằng, khoa dân tộc học sẽ biến mất vì không còn thực địa mà khai phá, nó sẽ là “một cái ruột rỗng” để ở đó các nhà khoa học rót vào những ảo tưởng khổng lồ. Hiện tượng tàn lụi 90 bộ lạc ở Brésil (1900 đến 1950) và sự biến mất của 15 ngôn ngữ, là một minh chứng sinh động cho nguy cơ hủy diệt của văn minh nhân loại.

Cũng như trước đó, ông đã mỉa mai sâu cay những nhà dân tộc học chỉ hùng biện suông trên sách vở, đánh lừa giới sinh viên tri thức nông cạn, bằng việc xáo xào những luận thuyết đã cũ rích, nhét vào đầu họ những thứ ảo tưởng, thiếu xác thực về sự tồn tại của loài người.

Điều gây sốc, chí ít cho những nhà khoa học châu Âu, đó là sự hạ bệ của Claude Lévi đối với sức mạnh về khoa học của phương Tây. Trong Họ tộc và lịch sử, Claude Lévi đã chứng minh rằng, văn minh châu Âu chưa hẳn đã sớm hơn và tối ưu hơn văn minh châu Á. Ông cho rằng, “cuộc cách mạng khoa học công nghệ của phương Tây chỉ nằm trong một thời kỳ bằng khoảng một phần mười nghìn của sự sống đã qua của loài người. Vì thế nên tỏ ra thận trọng, trước khi khẳng định rằng cuộc cách mạng này là nhằm biến đổi hoàn toàn ý nghĩa sự sống đó”, phần Ngẫu nhiên và văn minh(3).  Bởi vậy, cần có thái độ chống lại sự độc tôn về lịch sử phát minh ra nhân loại.

Luận thuyết của Claude Lévi đã giúp chúng ta nhận ra bài học cay đắng: đồng nhất văn hóa, đồng nghĩa với đánh mất bản sắc, dẫn đến hủy diệt tính nhân văn.

Có lẽ, hiếm một học giả châu Âu nào, lại ví sự cực đoan của văn minh phương Tây như chính đạo Hồi. Đó là một sự xúc phạm “niềm kiêu hãnh” của tinh thần Tây Âu, nhất là nền văn minh lâu đời như nước Pháp. Hồi giáo chính là  “Phương Tây của Phương Đông”. Hồi Giáo là hiện thân cho sự suy thoái, cực đoan của nước Pháp: “Ở Hồi giáo, cũng như ở chúng ta, tôi nhìn thấy cùng một thái độ sách vở, cùng một đầu óc không tưởng, và cùng cái niềm tin ngoan cố rằng, chỉ cần giải quyết xong các vấn đề trên mặt giấy là trút bỏ được chúng ngay. Nấp dưới một chủ nghĩa duy lý và hình thức chủ nghĩa, chúng ta đã xây dựng một hình ảnh thế giới và xã hội giống hệt như thế, trong đó mọi khó khăn đều có thể được biện minh theo một logic xảo trá, và chúng ta đã không hiểu rằng vu trụ đã không còn chỉ gồm những sự vật mà chúng ta nói tới”, phần Đường về, tr.424(4)

Claude Lévi - người đứng về Marx và biện hộ sâu sắc cho tinh thần Phật giáo phương Đông. 

Một đặc điểm nữa, không kém ngạc nhiên ở nhà nhân loại học cấu trúc vĩ đại này, đó là Claude Lévi thừa nhận sự ảnh hưởng tư tưởng triết học Marx và bộc lộ mối thiện cảm sâu sắc với tinh thần Phật giáo của Phương Đông.

Ông đã tìm thấy một sự cân bằng giữa hai đối cực của học thuyết Marx và Phân tâm học Freud. Ông cho rằng, giữa Marx và Freud đều có một điểm chung là khoa học nhân văn. Nhưng Marx thiên về con người xã hội, con người hữu thức, con người “đã biết tới”; còn Freud thiên về con người cá nhân, vô thức, ẩn ức tính dục, con người “chưa biết tới”. Cả hai là một sự bổ sung hoàn hảo nhất cho niềm khao khát khám phá con người của phân môn nhân loại học “Nó khuyến dụ tôi nghiên cứu về con người, và giải phóng cho tôi nỗi hoài nghi bởi nó có thể nhìn ngắm ở con người những sự khác biệt và sự biến đổi của chúng”,  phần Nhật ký hành trình, tr. 51-53(4)

Claude Lévi thừa nhận tính tích cực của tư tưởng Phật giáo. Ông đã dành những suy tư sâu xa về học thuyết đạo Phật, nhất là ở phần Đường về. Claude Lévi cho rằng, để chống lại nỗi ám ảnh về cái chết, loài người đã kiến tạo ra ba học thuyết tôn giáo. Mỗi học thuyết là một sự an ủi về sự hạn hữu của con người. Tuy nhiên, Phật giáo tích cực hơn Thiên Chúa giáo và Hồi giáo, vì nó đi tìm được sự giải thoát bản thân, bằng cách chối từ ý nghĩa của vạn vật. Bởi vì, theo Lévi, “hành vi này là một sự xóa bỏ vũ trụ và xóa bỏ luôn cương vị của mình”. Trong lúc đó, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo tạo ra một thế giới mê hoặc ở bên kia, thiết lập các phạm trù cực đoan ở thế giới này.

Nhận diện được Claude Lévi-Strauss không hề đơn giản. Và sẽ rất mạo hiểm khi bàn luận về tư tưởng vừa uyên bác, vừa phức tạp của nhà nhân loại học vĩ đại này.

Tuy nhiên, cũng có thể được phép khẳng định rằng, bất kỳ một thể chế, hay tôn giáo nào đều mang tính cực đoan, cho dù đó là xã hội toàn trị hay xã hội dân chủ, Thiên Chúa giáo hay Phật giáo. Đó chính là bi kịch của những nhà trí thức sống lưu vong như T.Todorov, M.Kundera, R.Jakobson, trong việc nỗ lực kiếm tìm một thế giới lý tưởng của xã hội toàn trị ở châu Âu, để bù đắp lại những cực đoan của mô hình xã hội dân chủ, mà họ đã buộc lòng phải chối bỏ. Kiếm tìm trong ảo tưởng để nhận ra không thể cổ xúy cho một thể chế này, hay phủ nhận thể chế kia, mà là thích ứng nó trong tính hợp lý.

Và, hình như, Thượng Đế đã chơi khăm chúng ta. Ngài ném loài người vào một thế giới mà ngài biết rõ, ở đó không tồn tại một chân lý tuyệt đối. Xung đột văn minh, đồng hóa văn minh, hay liên văn minh, có lẽ, cũng chỉ nhìn nhận ở những khía cạnh khác nhau, khó có thể giải quyết bằng một học thuyết triệt để nào.

Nhân loại cần phải làm gì để thông hiểu nhau (compréhension), để không lẫn lộn giữa đồng nhất hóa (identification) và liên văn hóa (interculturel)? Đó là vấn đề mà nhà tư tưởng vĩ đại Claude Lévi đã day dứt đặt ra, mà mỗi chúng ta, không thể không suy tư về sự tồn tại của chính mình.

T.H.S
(250/12-09)

......................                                        
(1) Le regard éloigné, Édition Plon, 1983
(2) Les Structures élémentaires de la parenté,
Édition La Haye-Paris, Mouton, 1968.
(3) Race et Histoire, Paris, UNESCO, 1952 (Xem thêm bản tiếng Việt Họ tộc và lịch sử của Huyền Giang dịch, Nxb Khoa học học lịch sử Việt Nam, 1996)
(4) Tristes Tropiques, Plon, Paris, 1955 (Xem thêm bản tiếng Việt Nhiệt đới buồn của Ngô Bình Lâm dịch, Nguyên Ngọc hiệu đính, Nxb Tri Thức, 2009).



 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chờ tuyết rơi (04/01/2010)