Tạp chí Sông Hương - Số 132 (tháng 2)
Người nhận mình là Đactanhang
16:56 | 10/03/2010
BẾ KIẾN QUỐCNăm ấy, vào quãng mùa hè 1982, khi đang trực Ban văn xuôi của báo Văn Nghệ, tôi nhận được một bản thảo truyện ngắn kèm theo lời nhắn: “ Cái truyện này rất quan trọng đối với tôi. Rất mong được tòa soạn đọc kỹ và cho ý kiến. Mấy hôm nữa tôi sẽ quay lại”.
Người nhận mình là Đactanhang
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ - Ảnh: xaluan.com

Tôi đọc ngay, và thấy đó là một truyện ngắn hay, viết về đề tài chiến tranh, tác giả có giọng văn trữ tình trong sáng và rất trân trọng những kỷ niệm của thời cầm súng vừa qua. Mấy hôm sau, tác giả truyện ngắn đó tới tòa soạn: một thanh niên cao gầy, xương xẩu, rắn chắc, má hóp, lưỡng quyền cao, trán dô, hốc mắt sâu, ánh mắt sắc... trông hơi dữ tướng. Tôi không hề hình dung tác giả của cái truyện ngắn đầy chất thơ kia lại là người như vậy. Khi tôi nói lại nhận xét của mình về truyện của anh, tác giả không giấu sự sung sướng, bắt tay tôi chặt đến hơi đau, và cười ha hả: “ Có thế chứ! Có thế chứ!” Rồi sau khoảng một hai tuần, truyện ngắn ấy được in ra. Đó là truyện “ Sương rơi” truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Văn Thọ. Tình bạn thân thiết của chúng tôi cũng bắt đầu từ năm ấy, cho tới giờ.

Thọ có tướng con nhà võ nhiều hơn là con nhà văn: đi đứng mạnh mẽ, giọng nói oang oang, tay chân cứng cỏi. Thoạt trông, người ngoài có thể hơi... ngài ngại. Giới thiệu Thọ với người khác, bao giờ tôi cũng phải chua thêm: “ Trông tướng tá như thế, nhưng bên trong là một con người rất mềm yếu, hơi ủy mị nữa đấy! Và cực kỳ tốt bụng! Một người nghĩa hiệp!” Lời giới thiệu đó của tôi luôn luôn được bạn bè chứng nhận là rất đúng về Thọ, khi họ đã tiếp xúc với anh.

Chúng tôi thường gọi anh với cái tên thân mật: “ Thọ Muối”. Bởi, khi tôi quen Thọ, anh đang làm Chánh văn phòng Tổng công ty Muối. Khi ấy, tôi đã đùa tặng Thọ một câu trong Kinh Thánh: “ Các ngươi là muối của đất...” Thọ rất thích câu đó, về sau, anh còn có một truyện ngắn đặt tên là “ Muối mặn” in trên báo Văn Nghệ (Từ gợi ý của cốt truyện này, Lưu Quang Vũ đã viết vở kịch “ Muối mặn tình đời”)

Những truyện ngắn của Nguyễn Văn Thọ đúng như con người anh: giàu tình nhân ái, giàu chất trữ tình. Và phần lớn đều viết về người lính. Nhiều năm cầm súng trực tiếp chiến đấu ngoài chiến trường, Nguyễn Văn Thọ giữ nguyên vẹn trong con người mình phẩm chất của một người chiến sĩ có lý tưởng. Cho đến tận bây giờ, dù thời cuộc đã có bao đổi thay... Đọc truyện ngắn mới nhất của anh, truyện “ Vườn Maria” (đăng trên Văn Nghệ đầu năm 1999), ta sẽ nhận ra điều ấy.

Nguyễn Văn Thọ vẫn là một người lính, ngay cả khi anh được rời quân ngũ về công tác ở Tổng công ty Muối, ngay cả khi anh sang làm đội trưởng một đội lao động Việt Nam ở bên Cộng hòa Dân chủ Đức, ngay cả khi bức tường Bá Linh sụp đổ và anh ở lại kiếm sống tự do. Tôi phải nói ngay rằng cho tới nay, Thọ vẫn là một đảng viên.

Bất ngờ đối với chúng tôi (B.K.Q., Đỗ Bạch Mai, Thành Chương, Nguyễn Việt Chiến, những người bạn quen biết Thọ từ khá lâu) là trong dịp về nước ăn Tết năm 1997, Tho bỗng rụt rè bộc lộ rằng anh có làm một vài bài thơ. Nhưng thật sự thì con người ấy không thể không làm thơ, không thể không bị thơ hành. Và, chỉ trong thời gian hai tháng mùa xuân năm ấy, Nguyễn Văn Thọ viết hàng chục bài thơ. Trở lại nước Đức, thơ vẫn không buông tha anh. Liên tục chúng tôi nhận được những bài thơ mới của anh fax về, nhiều khi anh đọc thơ trên điện thoại đường dài khiến ai cũng xót tiền! Và, tập thơ đầu của Nguyễn Văn Thọ xuất bản năm 1998, tập “ Mảnh vỡ”, rồi tập thứ hai năm 1999, tập “ Cửa sổ”, khẳng định rõ thêm một giọng thơ khá đặc sắc, đáng trân trọng. Thơ, từ một phía khác, cho thấy rõ hơn con người Nguyễn Văn Thọ: đằng sau tất cả những nghĩ suy dằn vặt, trăn trở trước thời cuộc, vẫn là một bản lĩnh tư tưởng, vẫn là một tình yêu thiết tha với xứ sở quê hương, vẫn là một tâm hồn giàu lòng nhân ái, thèm khát sự cảm thông, thương mến giữa người với người...

Nguyễn Văn Thọ xuất thân trong một gia đình có truyền thống văn nghệ. Cha anh, họa sĩ Nguyễn Văn Thiệu, đã tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông còn là một nghệ nhân đàn đáy rất tài hoa. Người cha ấy có một ảnh hưởng quyết định đối với sự hình thành nhân cách của Thọ. Trong gia đình anh, còn có một người em trai, Nguyễn Thước, là quay phim của Hãng phim Thời sự, Tài liệu, và hai anh em thường coi nhau như hai người bạn cùng theo đuổi con đường nghệ thuật.

Ngoài ra, còn bạn bè. Chúng tôi có những đêm thức trắng cùng nhau ở nhà họa sĩ Thành Chương chuyện trò, đàm đạo văn chương, nghệ thuật, hoặc xúm vào sửa thơ cho nhau, tranh cãi nhiều khi nảy lửa. Cũng có nhiều đêm lang thang đường phố Hà Nội tới sáng, la cà quán ăn, quán uống, hoặc vỉa hè, chơi đùa vui vẻ cùng nhau... Trong một bài thơ, Thọ đã gán cho bộ ba Chương- Quốc- Chiến là ba chàng ngự lâm quân (theo tiểu thuyết của A. Đuyma) và tự nhận mình là Đactanhang. (Thật ra, Thọ lại nhiều tuổi nhất trong bọn). Chẳng biết chúng tôi đã phải là ba chàng ngự lâm mệt mỏi rồi chưa, nhưng Nguyễn Văn Thọ thì đúng là còn đang sung sức, đang dồi dào nhiệt huyết lắm lắm. Và chắc chắn anh chàng Đactanhang ấy sẽ còn lập được nhiều chiến công mới nữa, trong văn chương...

Hà Nội, tháng 9- 1999
B.K.Q
(132/02-2000)



 

Các bài mới
Con mọt sách (16/03/2010)
Trà thiếu phụ (15/03/2010)
Tục ném còn (12/03/2010)
Các bài đã đăng
Mảnh hồn Chàm (09/03/2010)
Người vợ quê (08/03/2010)
Lời xông đất (05/03/2010)