Tạp chí Sông Hương - Số 132 (tháng 2)
Mùa xuân 72 ở Paris
14:51 | 22/03/2010
ĐẶNG THỊ HẠNHMùa rét năm ấy ở Paris đã không có tuyết. "Một điều rất đặc biệt", ông Xuân Thủy nói với tôi như vậy khi tôi đi dạo với ông trong khu vườn bao quanh một cơ quan của Đảng Cộng sản Pháp dành riêng cho phái đoàn thương lượng của ta ở Paris .
Mùa xuân 72 ở Paris
Ảnh: Internet

Các khu vườn mùa đông sang xuân ở Paris bao giờ cũng đẹp và tuy vào tháng giêng tôi không phải khoác áo ấm mà chỉ mặc một cái áo dài lụa tơ tằm. Việc ký kết Hiệp định Hòa bình đang dậm chân tại chỗ nhưng tôi không thấy dấu hiệu sốt ruột nào trên gương mặt trưởng đoàn và vừa đi dạo, ông vừa nói với tôi về cái đẹp của lụa tơ tầm Việt Nam. Tôi cảm thấy nhà chính trị điềm đạm này không giống các nhà chính trị khác. Sau đó, trong buổi gặp mặt ngày Tết của Sứ quán Việt Nam và Việt kiều, tôi được nghe ngâm thơ ông. Hàng chục năm sau này nữa, trước khi ông mất ít lâu, ông còn làm một bài thơ đăng trên một tờ báo hàng ngày thời ấy, chắc nhiều người trong chúng ta đã được đọc, một bài thơ rất đặc biệt, Em suyễn (Khạc chẳng ra, nuốt chẳng vào...). Ta biết nhà thơ có quyền gọi mọi thứ là em, chứ không riêng gì người yêu, có thể từ cái trữ tình nhất: Mùa thu Hà Nội, đến cái ít lãng mạn nhất, con cá chẳng hạn: Đuôi em quẫy mạnh trăng vàng chóe... nhưng từ đấy để nói về một cái bệnh đã hành hạ ta gần như suốt cả đời, như một cái gì vừa thân thương vừa đáng sợ, thì quả không phải là một ý nghĩ tầm thường. Như mọi ngôn từ nghệ thuật, Em suyễn ở đây, có nghĩa kép, "Anh Xuân Thủy vốn thâm nho", ngay lúc đó ông Nguyễn Minh Vỹ đã nói với tôi như vậy.

Tôi đến Paris vào cuối 71, đầu 72 không vì một nhiệm vụ gì trọng đại. Tôi chỉ là một cô giáo bình thường ở một trường đại học. Sở dĩ tôi được gọi đi vào một phái đoàn tham gia Hội nghị Hòa bình ở Paris, đó là vì Hội Liên hiệp Phụ nữ cần thêm một cô giáo ở một trường nào đó, và sở dĩ cô giáo đó lại là tôi chính vì người phụ trách đối ngoại của Hội, là học sinh cậu tôi và biết rằng tôi nói đưọc tiếng Pháp.

Từ một Việt Nam giữa chiến tranh chống Mỹ - nếu có rời cái làng miền núi hoang vắng của Đại Từ, cũng là để phóng xe đạp như bay về một làng đồng bằng xanh tươi hơn chút ít, nơi sơ tán của các con tôi - sau một lịch trình đi qua những đất nước gợi nhớ Nghìn lẻ một đêm, tôi rơi tõm ngay vào một ôten loại xoàng (sau này tôi biết vậy, còn lúc ấy tôi vẫn thấy sang), gần một mêtrô vào loại đông nhất của Paris, ga Saint - Lazarre. Ngay từ hôm đầu, vén riđô nhìn qua cửa kính, tôi đã nhìn thấy vào giờ cao điểm, đám đông sặc sỡ tuôn ra như nước từ mêtrô. Tất nhiên cũng đã có một đoạn trung chuyển nhưng Matxcơva vào mùa đông thật vắng, và ngồi trên khách sạn Rơxia từ trên tầng cao nhìn xuống, tôi chỉ nhìn thấy băng trôi trên sông, còn các khu vườn mùa đông ở đấy cũng thật đẹp, nhưng vắng vẻ im lìm.

Ngược lại đường phố Paris sôi động như một cái tổ ong. Hội nghị chúng tôi họp ở một phòng của Cung điện Vecxay với thiện chí thúc đẩy việc kí kết hiệp định, và như thường lệ tôi chẳng để ý đến bối cảnh của một nơi nổi tiếng đến thế. Tôi chỉ để ý đến ba nhân vật: ông Săngđrar, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới, người Ấn Độ, nhưng phong cách và sự hùng biện giống hệt người Pháp; Jane Fonda, mà mọi người giới thiệu với tôi trên bậc thềm phòng họp - tiếng Anh của tôi rất tồi - người cao và mảnh, tóc mầu sáng cắt rất ngắn, nhìn gần không chút trang điểm, da lại có tàn nhang, hình như chị không đẹp như tôi tưởng, nhưng đôi mắt rộng mầu xám và gương mặt mỏng và sắc của chị lúc ấy có vẻ đẹp riêng mà sau này khi trở thành super-star, chị chẳng còn giữ được; cuối cùng là Joan Baez, to như một con voi mà tôi nhìn thấy trên sàn diễn, nhưng lúc chị vừa gẩy đàn ghi ta vừa hát một bài chống chiến tranh, tôi lại bị chấn động lạ lùng vì vẻ rạng rỡ trên gương mặt chị, và tôi hiểu sự sáng tạo chân chính có thể đem lại một hạnh phúc lớn đến nhường nào, chị hẳn phải sung sướng biết bao khi được hát bài chị ưa thích cho những người nghe cũng sung sướng như chị: A thing of beauty is a joy for ever (*), quả là Keats đã nói rất đúng về sáng tạo nghệ thuật. Vào giờ ăn trưa, mỗi người lấy một cái khay và tự chọn thức ăn xếp vào mang về bàn, kể cả các "thượng khách", không hề có mâm riêng, bây giờ điều này cũng không có gì lạ, khi ta dự nhiều buổi buyphê như hiện nay, nhưng lúc đó đối với tôi, ít nhất, cũng là lạ. Còn một chuyện buồn cười nữa. Trong nhiều cuộc tiếp xúc với các giới trong hội nghị, có một cuộc tiếp xúc của phái đoàn Việt Nam, với một nhóm tư sản Anh dự hội nghị. Trưởng phái đoàn Hòa bình của chúng tôi lúc ấy, theo quán tính, khi phát biểu luôn mồm gọi họ là các đồng chí:"tôi phải" "xúp" hết, "xúp" hết các chữ ấy khi dịch", câụ phiên dịch trẻ trung, nhanh nhẹn và khôn ngoan của chúng tôi, nói với tôi như vậy.

Sang Paris lần đó, chúng tôi phải đi tiếp xúc nhiều mà thời gian ngắn nên chẳng có dịp xem cái gì, trừ Louvre là cái không thể bỏ qua.Chúng tôi chụp một bức ảnh dưới chân tượng Venus de Milo, và tôi vẫn kịp nhận ra "đôi mắt và khóe miệng mang nhiều nét u hoài" trên gương mặt nổi tiếng, xung quanh đó đã có biết bao lời bình. Trong một bữa ăn thân mật ở nhà một đảng viên cọng sản trẻ - hai vợ chồng họ vừa lập nghiệp mà đã sống khá sung túc, boom kinh tế Pháp những năm 60 vẫn chưa qua hẳn - vừa cắt thịt cừu quay bằng cái cưa máy mới mua, anh bạn người Pháp vừa hỏi chúng tôi về trận Đường 9 - Nam Lào diễn ra đầu năm 71: anh lấy làm lạ tại sao ta lại đoán biết quân ngụy sẽ vượt qua biên giới Việt Lào và phục sẵn để đánh thắng. Trong những người lính của gia đình tôi (gia đình lớn) có một người đã tham gia trận đánh, dùng theo từ ngữ của những chuyện trò vui vẻ sau khi anh trở về, thì anh đã "ngồi thu lu" ở Bản Đông để chặn đường rút của địch. Và mặc dù rất mù mờ về quân sự, tôi bạo dạn trình bày một vài ý kiến tôi đã nghe được qua các câu chuyện gia đình. Đó có lẽ là đóng góp "lớn" nhất của tôi trong kì đi công tác đó của nhóm ba người, chị Thể, anh Lâm và tôi: sau khi Hội nghị Hòa bình Vecxay kết thúc, phái đoàn Việt Nam phần lớn về nước, còn lại một đoàn ba người của Hội Liên hiệp Phụ nữ đi công tác qua Bỉ, Áo và Ý. Vì đợt công tác vượt quá giới hạn bài viết - Mùa xuân 72 ở Paris - tôi sẽ không nói tới người và cảnh của những nơi tôi đã đi qua. Tuy nhiên tôi vẫn không thể quên được tháp Atomium của Bruxelles; Vienne, thủ đô của nghệ thuật barnoque, tại nơi đó sông Danube chẳng xanh tí nào mà chảy lờ đờ một mầu hung đỏ dưới cầu: Mimi, người bạn gái Áo chỉ cho tôi xem ngôi nhà Beethoven ở trước khi ông mất ("Xóm giềng giữ về ông hình ảnh một ông già hay cáu kỉnh, vì lẽ gì ta cũng biết đấy", Mimi nói với tôi như vậy). Còn về nước Ý thì có quá nhiều ấn tượng và kỉ niệm, kể từ đài Colisée với những con mèo béo núc trên những bậc đá hoang vu, tới cành hoa đào mong manh đặt trong giấy bóng kính trên bàn thị trưởng Milan, bức Cène chạy dài trên suốt cả một bức tường... Hiện nay kỉ vật còn lại từ tất cả các chuyến đi đó, Rome, Milan, Florence, Mentova, Novo Ligure... là những bức ảnh kỉ niệm và một bản sao cỡ nhỏ của tranh Nàng Joconde tôi đã mua ở Milan. Cũng là phải lẽ khi cuối cùng kí ức về Italia lại qui tụ lại trong tôi ở một gương mặt phụ nữ thanh tao, vừa như trong suốt lại rất bí ẩn, qua đó tôi tìm thấy lại được gương mặt của những người phụ nữ tôi đã gặp mùa xuân năm ấy, trong một cuộc du hành chớp nhoáng, họ đều là những người đấu tranh cho hòa bình.

Tôi trở về Hà Nội vào đầu tháng ba. Nhìn từ máy bay xuống cây cỏ xanh mơn mởn và tôi chưa đoán được năm 72 sẽ mang lại gì cho tất cả chúng tôi.Xuống đến sân bay, tôi chỉ nhìn thấy thằng con út đứng to cồ cộ, cạnh mẹ tôi nhỏ bé, mặc cái áo cánh lụa nâu mà lúc nào tôi cũng phảng phất thấy có mùi thơm quết trầu. Hai người lính của gia đình tôi lại đã ra đi cho một chiến dịch mới, dài nhất từ trước đến nay: "Người một lứa, chó hai lứa, gà bốn lứa", đó là thời gian của chiến dịch được đo theo ngôn ngữ nông dân, và lời phát biểu đó là của một ông tướng nông dân.

Về đến nhà, ba dứa trẻ của tôi, 13, 14, 16 tuổi đã tự quản lý lấy từ mấy tháng nay. Đàn gà đã bị dịch từ trước Tết. Anh chị lớn đi học buổi sáng, thằng út học buổi chiều, mỗi sáng khi cho gà ăn, nó bắt những con gà bắt đầu biếng ăn, làm thịt và kho gừng. Tay nghề của nó như vậy là rất khá, nhưng gà chỉ mới chớm toi bao giờ cũng có một cái vị riêng mà đến hàng năm sau đến gà khỏe kho gừng con gái tôi cũng không sao ăn được.

Suốt năm đó là những đợt sơ tán vất vả từ nơi nọ sang nơi kia theo với các bước leo thang của Mỹ, cho đến đỉnh điểm là cuộc chiến trên không 12 ngày đêm của Hà Nội. Dù sao, đúng 12 giờ đêm 29 tháng 12 năm đó, tôi cũng tỉnh dậy chờ nghe tiếng bom B52 trút ầm ầm xuống đầu. Nhưng không, đêm hoàn toàn yên tĩnh, và sau đó trong không trung trong suốt tôi chỉ nghe thấy tiếng chuông nhà thờ làng bên buông những hồi dóng dả để báo hiệu những đêm kinh khủng đã kết thúc, và cũng là để nguyện cho hồn những người đã khuất.

Ngày 27 tháng Giêng năm 1973, Hiệp định Hòa bình ở Paris được kí kết.

Đ.T.H
(132/02-2000)


--------------------------------------------------------------------
(*) Một thể điện của cái đẹp (hoặc một vật đẹp.N.D) là một niềm vui cho tới bất tận.




Các bài đã đăng
Con mọt sách (16/03/2010)
Trà thiếu phụ (15/03/2010)
Tục ném còn (12/03/2010)