Tạp chí Sông Hương - Số 134 (tháng 4)
Một bông hoa trắng muốt còn tươi nguyên
09:00 | 24/03/2010
HOÀNG MINH NHÂNNăm 1992, nhà thơ Lưu Trọng Lư cùng vợ là bà Tôn Lệ Minh vào Đà Nẵng thăm chơi, tôi có gặp. Lúc ấy tôi đang sưu tầm tư liệu về nhà thơ Phạm Hầu. Biết thời còn học ở Quốc Học Huế, nhà thơ Phạm Hầu rất ngưỡng mộ bà Minh, và đã làm nhiều bài thơ tình đặc sắc tặng bà.
Một bông hoa trắng muốt còn tươi nguyên
Vợ chồng nhà thơ Lưu Trọng Lư cùng các con - Ảnh: antgct.cand.com.vn

Đó là những bài thơ tình rất lạ trong dòng thơ mới thời ấy, đứng riêng ra, không lẫn với thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng lư, Thế Lữ hay Chế Lan Viên... Và ngay cả sau này nữa, khi đã được Hoài Thanh Hoài Chân chọn vào Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến thì thơ Phạm Hầu cũng khác hẳn mọi nhà thơ khác.

Tôi có đề nghị bà Tôn Lệ Minh ghi lại cho tôi một vài kỷ niệm với Phạm Hầu. Bà nhận lời. Tôi rất mừng. Bởi trong cuộc trò chuyện hôm ấy, bà có kể cho tôi nghe một chuyện thật cảm động, mang màu sắc huyền thoại:

Ngày Phạm Hầu mất, bà xin phép nhà thơ Lưu Trọng Lư ra viếng mộ. Nhà thơ Lưu Trọng Lư xúc động cùng đi. Ra đến mộ, bà thấy tất cả hoa viếng đều đã héo cả, duy chỉ có một bông hoa trắng muốt còn tươi nguyên giữa một vòng hoa. Bà vừa ngạc nhiên, vừa cảm động nói với nhà thơ Lưu Trọng Lư: "Anh cho phép em mang bông hoa nầy về làm kỷ niệm!" Nhà thơ gật đầu.

Bông hoa trắng ấy như là linh hồn trinh trắng của thi sĩ Phạm Hầu trung thành chờ đợi bà. Bông hoa trắng ấy tươi mãi suốt năm tháng dọc theo cuộc đời bà một thương nhớ khôn nguôi với một chàng trai tài hoa đã vì bà mà sống hết sức đẹp.

Nhưng khi về Hà Nội, bà thay đổi ý định, bà biên thư cho tôi:

Hà Nội 24.11.92

Thân gửi anh Nhân

Tôi về Hà Nội được mười ngày, suy đi, nghĩ lại, cầm bút định viết lại những kỷ niệm của họa sĩ Phạm Hầu... như yêu cầu của anh, thú thật, tôi không sao viết nổi, mong anh vui lòng, và tôi đề nghị, anh nên lấy đoạn mà anh Lư tôi có ghi lại trong NỬA ĐÊM SỰC TỈNH. Chúc anh vui và sáng tác nhiều.

                                                            Tạm biệt

                                                           
Tôn Lệ Minh

TB. Anh Nhân,

Tôi hứa với anh là sẽ viết, nhưng tôi nghĩ rất kỹ là một mối tình rất đẹp và rất tinh khiết thiêng liêng, không nên kể lại, mà chỉ để riêng cho người đã vì mình mà hy sinh một tài năng.

                                    Chào anh
                                        
(Ký tên)

Tôi tôn trọng và kính trọng bà. Tôi tìm và trích phần Lưu Trọng Lư ghi có liên quan đến Phạm Hầu trong cuốn sách mà bà Tôn Lệ Minh hướng dẫn. Tôi thành thật cám ơn bà! Dù bức thư và lời tái bút rất ngắn, song với tôi, nó quý giá vô vàn, bởi nó như là quy luật vĩnh hằng mà tôi hằng tôn thờ. Người thiếu nữ đẹp và tài năng (người đàn bà sau tuổi thiếu nữ ấy) là cái qúy nhất trên đời này, bởi họ là nguồn sáng tạo cho mọi sáng tạo, là nguồn sống cho mọi nguồn sống, kể cả nguồn sáng tạo, nguồn sống, nguồn tưởng tượng cho các thế hệ kế tiếp...

Tôi càng quý bà hơn, khi bà đã ngoài 70, trong dịp về thăm quê Huế cuối năm 1998, bà có ra thăm, thắp hương mộ Phạm Hầu ở nghĩa địa gần chùa Vạn Phước. Bà nói với ông Đen người biết rõ lai lịch hầu hết các mộ chôn ở đây, khi ông đưa bà ra thăm mộ Phạm Hầu: "Tôi về lần nầy có nhiều việc làm trước khi tạm biệt Huế đi xa, trong đó có việc tôi sẽ xây mộ cho Phạm Hầu". Nhưng khi đến thăm, thấy mộ Phạm Hầu đã được xây, có bia và có khắc cả thơ trên bia, dù thơ khắc không đúng với thơ Hầu và ngày mất cũng không đúng. Bà nhắc lại: "Được thấy mộ Hầu đã được xây, tôi rất vui, yên tâm mà đi xa, không còn áy náy chi..."

Khi nghe ông Đen đọc hai câu thơ:

            Ngập ngừng ai vẫn qua êm nhẹ
            Một cái nhìn hương, chỉ thế thôi.

Tôi thật cảm động hỏi: "Hôm ấy bác có đọc hai câu thơ này cho bà Minh nghe không?". Ông khẽ gật đầu, và ông kể tiếp: Sau khi về Huế thăm quê, thăm mộ Hầu, bà Minh trở lại thành phố Hồ Chí Minh với các con, chừng đâu được 2 tháng, bà Tôn Lệ Minh, người thiếu nữ tuyệt vời xứ Huế đã làm say lòng chàng thi sĩ xứ Quảng Phạm Hầu xưa kia, không còn nữa bởi một tai nạn...

H.M.N
(134/04-00)



 

Các bài mới
Nhận dạng (01/04/2010)
Ở Paris (31/03/2010)
Biển muộn (30/03/2010)
Hoa cỏ (29/03/2010)
Các bài đã đăng