Tạp chí Sông Hương - Số 134 (tháng 4)
Con rồng - vị thần sông
09:43 | 29/03/2010
ĐẶNG VIỆT BÍCHTrong mười hai con giáp, từ lâu, người ta đã nhận thấy chỉ có mười một con là động vật có thật, được nuôi trong gia đình, là gia cầm (như gà - dậu), là gia súc (trâu - ngưu) hoặc động vật hoang dã (như hổ - dần)... Còn con Rồng - Thìn thì hoàn toàn là động vật thần thoại.
Con rồng - vị thần sông
Ảnh: Internet

Rồng- Long có dạng Rắn. Có thể một động vật thuộc loài bò sát, có kích cỡ tương đối lớn, còn sót lại từ thời xa xưa, đã được làm hình mẫu đầu tiên để xây dựng nên hình tượng Rồng. Chính cư dân vùng sông nước từ lưu vực Trường Giang trở về Nam đã tham gia xây dựng nên hình tượng Rồng thần thoại. Chính từ từ Krông với nghĩa là Sông trong ngôn ngữ các dân tộc Nam Đảo (Mã Lai, Đa Đảo, Malayô - Polynesien) từ người Chàm đến các dân tộc ít người khác như Eđê, Jarai, Churu, Raglai ở Cao nguyên Trung phần đã cho ta thấy được nguồn gốc của từ Rồng. Còn từ từ Klong, Kloong... cũng với nghĩa là sông ở người Mường, bà con gần của người Việt (Kinh) mà ta có thể thấy được gốc của từ Long trong kho tàng từ Hán- Việt chính là bởi từ từ Klong, Kloong... mà ra.

Trong các miền lắm sông, nhiều suối, mà lại lắm sông dài, sông to, có nhiều ao, hồ, chuôm, có nhiều nước như vùng từ lưu vực Dương Tử trở về Nam, trong đó có Lạc Việt- Giao Chỉ mà từ những vị thần sông cụ thể nào đó (ví dụ: Thần sông Dương Tử, thần Châu Giang, thần Tả Giang, thần Hữu Giang, thần Sông Đà, thần Sông Lô, thần Sông Thao, thần sông Rum, thần Mekông, thần Me Nam...) mà khái niệm về một vị thần sông khái quát đã xuất hiện, được các tộc người gọi đó là con rồng.

Con Rồng - Long biết tích thủy, phun nước, biết bay, có lúc quan niệm dân gian cho rằng Rồng biết leo như Rắn, biết ở ruộng...

Trong quan niệm của người dân vùng nhiều sông, nước thì con sông là vô cùng quan trọng vì có nó mới có nước cung cấp cho con người để sống, lao động và tồn tại, để sản xuất lúa nước trong các vùng châu thổ các con sông, trong các thung lũng, và xây dựng một nền văn hóa một nền văn minh lúa nước với các biểu hiện chung là: ở nhà sàn, thích các lễ hội nông nghiệp, có thú chơi chơi chọi gà, chơi thả chim, chơi chọi trâu, uống rượu cần, chơi thả diều, dùng thuyền Rồng, thích sử dụng các nhạc cụ bằng tre, trúc, sử dụng trống đồng và các dụng cụ bằng đồng, có một nền văn hóa gốm phát đạt cùng văn hóa trồng lúa. Con sông hiền hòa vào mùa khô nhưng vào mùa mưa, mùa lũ thì nó vô cùng hung dữ. Lâu nay các thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ... thi nhau ca ngợi dòng sông Hương đẹp nên thơ, đầy chất trữ tình, đầy thơ mộng... nhưng vào mũa lũ, lụt thì nó trở nên hung bạo, khiến cả cố đô Huế phải chìm trong biển nước, như vào đầu tháng 11/1999 vừa rồi. Sông Dương Tử vào mùa lũ cũng trở nên hung hãn. Nhìn chung các con sông ở Đông Nam Á đều hung dữ khi vào mùa nước lên. Do vậy con Rồng cũng có vẻ hung tợn, biểu hiện ở đầu và mặt Rồng.

Nhưng từ chỗ các cư dân ở Đông Nam Á cổ đại (bao gồm cả Đông Nam Á hiện nay và cả vùng đất từ lưu vực Trường Giang trở về Nam) thờ từng vị thần sông cụ thể đến chỗ khái quát các vị thần của mọi con sông vào một khái niệm Rồng là một bước tiến hết sức to lớn, khiến các con cháu của họ từ bao đời nay cứ bị ám ảnh không biết nguồn gốc của Rồng là ở đâu?

Có một câu châm ngôn là: càng học, càng nghiên cứu, càng đi sâu tìm hiểu... thì lại càng thấy dốt. Rõ ràng là càng tìm tòi nghiên cứu càng thấy rất nhiều điều mới lạ, mới mẻ và lạ lùng và càng thấy có nhiều điều khó giải thích, riêng tôi thì thấy như vậy.

Người Âu gọi con Rồng là Draco (tiếng La Mã cổ), Drak (tiếng Đức) và Dragon (tiếng Anh và tiếng Pháp). Tại nước ta trong tỉnh Hà Tĩnh ở một dòng sông tên là Rác. Nhưng Rác hay Nak ở người Mường, hoặc trong một vài vùng người Việt ở Thanh Hóa, Nước ở người Việt, Drak, Dlak, Lak, Lat, ở Cao nguyên miền Thượng (Tây Nguyên) cũng chỉ có một nghĩa chung là Sông và Nước. Lạc trong Lạc Việt cũng có nghĩa là nước. Ruộng lạc (Lạc Điền) là cư dân sinh sống các nhóm người cùng cấy cày ruộng nước. Từ các từ chỉ nước như Dlak, Drac, Nak... đã hình thành ra các cử chỉ khái niệm Rồng trong ngôn ngữ Khmer (Nagarie biến thành từ Ngược (Rồng) trong ngôn ngữ Lào. Phải chăng người German từ Uran đã tiếp nhận từ Drak như là một từ ngoại lai, có nghĩa là thần sông, thần nước từ một vùng Đông Nam Á hay rộng hơn là vùng Đông Á chuyển từ lên. Cũng có thể từ vùng Đông Nam Á khái niệm con Drak (con Rồng) đã tiến sang tiểu lục địa Ân Độ bán đảo và cao nguyên Décan- để qua Ba Tư hoặc qua vùng Trung Á mà tràn vào miền Uran. Từ đây người German đem theo khái niệm rồng (Dark) vào châu Âu.

Từ tháng 7/1987, giữa năm Rồng, tôi phát hiện ra được Rồng là vị thần sông hoặc Rồng là biểu tượng của vị thần sông. Cũng như Long Rồng chỉ là hai dạng của một từ chỉ khái niệm con sông, Klong và Krông. Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật (nay là Tạp chí Văn hóa) số 5 năm 1989 đã đăng bài Đi tìm nguồn gốc con Rồng của tôi. Tiếp sau đó tôi còn dự định tiến hơn nữa với việc quan niệm rằng: Trong người Việt cổ (hay người Bách Việt cổ đại) đã tồn tại tôn giáo thờ Rồng. Nhưng không lâu sau tôi đã hiểu ra rằng: quan niệm như vậy ở tổ tiên người Việt hiện nay, là một điều khó có thể chấp nhận được.

Nhân dịp năm mới 2000, năm cuối cùng của Thế kỷ XX và Thiên niên kỷ thứ hai của nhân loại (hiện nay không ít người còn lầm tưởng là năm 2000 bắt đầu thế kỷ XXI), năm con Rồng, năm Canh Thìn, tôi bèn lôi những phát hiện cũ ra, nhưng viết tóm tắt, để phục vụ đông đảo bạn đọc ưa tìm hiểu.

Tuy nhiên vẫn cần phải nói thêm với độc giả yêu quý rằng việc phát hiện ra từ Long trong kho từ vựng Hán- Việt (tiếng Trung Hoa hiện đại phát âm Long Lủng) vẫn được coi là từ Việt hoặc từ thuần Việt, chỉ là hai dạng thức khác nhau, bị biến đổi qua thời gian lâu dài, của hai dạng trong cùng một từ chỉ khái niệm dòng sông (Klong, Krong) được in trên tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật (5/1989) mới chỉ là mở đầu cho phát hiện và tìm tòi trong việc xác định một số từ trong kho tàng từ vựng Hán - Việt phải được đánh giá lại là có nguồn gốc Việt cổ.

Nhưng từ khái niệm Rồng để ám chỉ vị thần sông- mở rộng ra là thần biển (Long Quân, Long Vương) hay thần nước- Rồng đã được nâng cấp để chỉ thủ lĩnh của các nhóm cư dân, các tộc người sinh tụ tại vùng sông nước, vùng biển và duyên hải ở Đông Nam Á cổ đại. Sau nữa Rồng được nâng cấp để chỉ thủ lĩnh của các nhóm cư dân, các tộc người sinh tụ tại vùng sông nước, vùng biển và duyên hải ở Đông Nam Á cổ đại. Sau nữa Rồng được nâng cấp thành biểu tượng của các vị vua, các Hoàng đế của Trung Hoa khi lãnh thổ của các quốc gia Bách Việt trong thời cổ đại đã bị nhà Tần, nhà Hán thôn tính, sáp nhập hẳn để thành đất đai của người Hán. Nhiều cái dính dáng đến vua và Hoàng đế đều được gắn với Rồng- Long như Long xa, Long bào, Long nhan, bệ Rồng... Khi Vô-Đế, ông vua anh hùng của Hán Triều, nghe lời của danh nho Đổng Trọng- Thư, coi hoàng đế đi đâu thì có Rồng hiện ở đấy thì các nhà nho đương thời đã cực kỳ phản đối cách nói như vậy, họ cho rằng nói như thế là tai dị, không thể chấp nhận được. Nhưng với thời gian người Trung Hoa đã trở nên quen thuộc với cách nghĩ Rồng là biểu tượng của Hoàng đế, cũng như người Việt chúng ta vậy!

Người Trung Hoa còn sáng tạo ra hình tượng Long Mã (Ngựa Rồng), nghĩa là quái vật thần thoại đầu Rồng, mình Ngựa. Đây là quái vật có cánh bay. Hiện nay ở nhiều nơi trên đất nước ta cũng có tượng Long Mã. Long Mã là sản phẩm của sự kết hợp, hỗn hợp và giao thoa văn hóa giữa Trung Nguyên- Hoàng Hà và vùng phương Nam .

Năm 1010 Lý Thái Tổ thiên đô từ Hoa Lư hẻo lánh ra Đại La thành. Khi cập bến Đại La nhà vua và quần thần thấy Rồng vàng hiện ở sông. Nhà vua cho đấy là điềm lành và từ đấy đổi tên Đại La thành Thăng Long, kinh đô Rồng bay, có người cho rằng Rồng ở đây thực ra, có lẽ là cá sấu mà thôi. Rồng là biểu tượng cho cái gì tốt đẹp, cho sự thăng hoa, sự cất cánh bay, sự phát đạt thịnh vượng và phát triển chính vì vậy mà các nước công nghiệp mới (NICS) ở châu Á được gọi là các con Rồng hay các xứ sở Rồng bay.

5/12/1999
Đ.V.B
(134/04-00)





 

 

Các bài mới
Nhận dạng (01/04/2010)
Ở Paris (31/03/2010)
Biển muộn (30/03/2010)
Hoa cỏ (29/03/2010)
Các bài đã đăng