Tạp chí Sông Hương - Số 253 (tháng 3)
Những kẻ đánh cắp tuổi thơ
09:33 | 16/04/2010
NGUYÊN QUÂNTheo chân những con người một thời bỏ chạy mất dép, giờ lũ lượt quay trở về với nhãn mác sang trọng Việt Kiều yêu nước và cùng lúc với sự khai mở cánh cửa hướng ra bên ngoài của nền kinh tế vốn rất cạn kiệt, trì trệ sau cuộc chiến tranh dai dẳng.
Những kẻ đánh cắp tuổi thơ
Nhà thơ Nguyên Quân - Ảnh: Lê Vĩnh Thái

Dòng ngoại tệ khổng lồ từ những ngân hàng thế giới, dưới chiêu bài hợp tác hay viện trợ hoàn lại, không hoàn lại cứ ào ạt đổ qua cánh cửa đang rộng mở, khiến con phố nơi Ngộ ở vốn vắng lặng, liu thiu buồn của dân buôn thúng bán mẹt, thuần tuý lao động thời vụ, cũng được thoát xác biến thành những dãy quán xá tấp nập đủ màu đủ sắc. Cảnh quang phố phường bây giờ đều sáng sủa khang trang bởi những cao ốc mới xây nghễu nghệu, những chiếc xe hơi nhập ngoại bóng loáng, những hình người mặc váy, đóng com lê rất chi là lịch sự.

Con xóm cụt quanh năm bùn lầy nước đọng của Ngộ nằm ăn theo mặt tiền phố lớn. Tứ xứ đâu đổ về toàn đàn bà con gái hơ hớ, ăn mặc thì hết cỡ mát trời, mùi phấn son ngào ngạt chiếm hữu luôn cái mùi cống rãnh truyền kiếp ở đây. Ánh sáng, kỷ nguyên văn minh kiểu Mỹ ấy còn hắt rất nhanh vào tận căn nhà, cuộc sống đen tối rách nát cuối xóm cụt của vợ chồng lão Tám.

Vợ chồng lão trước thời kỳ đổi mới sinh sống bằng đủ thứ nghề lao động chân tay, từ cuốc đất, thông cống, móc hầm cầu hay phụ hồ thì cứ tìm đến nhà lão... và nếu ai cần tư vấn chuyện hiếm muộn đường con cái thì đã có sẵn vợ lão, người đàn bà được cả xóm mệnh danh mới đụng tới chân giường đã có bầu.

Cư dân xóm gọi Tám bằng lão chẳng phải vì do tuổi tác. Nếu nói tuổi, thì gã đàn ông vừa bước qua ngưỡng năm mươi như lão chưa đủ độ già. Nhưng nếu tính tuổi trên đầu lũ con lão cộng tác với vợ sản xuất ra thì phải gọi là đại lão. Chuyện con cái nheo nhóc một dàn tám đứa san sát nhau vẫn là nỗi bận tâm, đau đầu của các vị cán bộ kế hoạch hoá gia đình của tổ, của phường. Dù không quan tâm đến công việc của họ, Ngộ cũng biết tỏng điều khổ tâm của họ qua từng nét mặt nhăn nhó vì bị khiển trách cắt thưởng, phấn đấu mãi cũng không kiếm được mảnh bằng khu phố văn hoá.

Bà Lý, chủ tịch hội phụ nữ phường ở sát nách nhà Ngộ, chỉ cách nhau có hàng chè tàu thưa. Hai vợ chồng bà đều là cán bộ nghỉ hưu, rất nhiệt tình đóng góp chút công sức cuối đời cho địa phương. Chồng khối trưởng dân phố, vợ chủ tịch phụ nữ kiêm kế hoạch hóa gia đình. Ngôi nhà họ rộng rãi với hàng hiên đúc bê tông và khoảng sân lát gạch men láng bóng. Nơi vẫn thường làm chỗ hội họp từ chuyện công đến việc tư của xóm.

Ngộ lại có thói quen mỗi buổi tối ngồi uống trà, chiếc bàn lại đặt sát hàng rào, vì thế chẳng có buổi họp nào của cánh phụ nữ mà không lọt vào tai anh. Và thường sau mỗi lần bà Lý phổ biến chính sách, kế hoạch cho chị em, Ngộ lại kiếm chác thêm được vài mẩu giai thoại rất vui về gia đình lão Tám.

Nhà lão nằm tận cùng ngõ hẹp, mười nhân khẩu sinh hoạt trên một diện tích chưa đầy ba mươi mét vuông. Miếng đất được thừa kế của một bà cô nào đó mà nếu có ai hỏi thì lão lúng túng ậm ừ mãi cũng không trích lục nổi mối quan hệ huyết thống. Có thể nó là đất chiếm dụng trong lúc chiến tranh loạn lạc, nhưng thời buổi cơm thua gạo kém chạy ăn, chạy mặc bở hơi tai, ai hơi đâu mất công săm soi gốc tích cho mệt xác.

Gọi là nhà cho oai, chứ thực chất nó chỉ như cái lều được vá víu bằng đủ loại vật liệu, từ tấm tôn đã rách toạc đến mảnh giấy các tông đóng thùng. Nói chung lão mạt rệp nhất trong cái xóm cụt nổi tiếng nhờ nghèo. Nhưng “…nghèo là tại cái số trời bắt nghèo, chứ đâu chỉ tại nhiều con là phải nghèo đâu. Con là lộc trời mà… tui đẻ nhiều thì tui nuôi có bắt ai nuôi đâu mà đâm thọc với phê bình…” Lão hiên ngang trả lời thế mỗi khi ai đó trong buổi họp dám đả động tới chuyện đông con. Những khi đó có lẽ lão quên tuốt sự cứu trợ của bà con chòm xóm mỗi khi nhà lão có chuyện trái gió trở trời.

Nhưng lắm lúc lão cũng tỏ vẻ rất biết điều:

- Chơ... chơ tui hỏi nhà chỉ có một cái giường... với lại người ta có tiền có của, họ còn có món để mà vui chơi giải trí, còn tui thì biết tìm vui thú ở đâu ngoài cái chuyện ấy…

- Vậy sao đã phát cả thuốc lẫn bao phòng tránh thai lại không chịu sử dụng.

Bà Lý cố nén cười, gằn giọng hỏi, lão thả dài khuôn mặt ngắn ngủn, đen thui thường xuyên lấm lem bụi đất rồi đưa tay gãi đầu sồn sột:

- Khổ lắm chị Lý ơi, chị cũng biết tính khí của mụ vợ tui rồi đó. Mụ hay sợ dại, mụ còn bảo cứ làm theo kiểu cũ cho yên tâm. Mà con cái là lộc trời cho, cứ cố công nuôi dưỡng mai sau được nhờ. Mụ còn khuyên tui đừng có nghe chị xúi dại mà đi cắt với thắt rồi ngây ngây dại dại không ai nuôi con.

Câu nói tưng tửng của lão Tám xem chừng như chuyện đùa vậy mà cũng linh ứng. Thời gian chỉ một vài năm trở lại đây, khi những đứa con của vợ chồng lão lớn dần lên theo sự phát triển nền văn minh chơi bời đến chóng mặt ngoài dãy phố. Chúng nhanh chóng kiếm được việc làm, bắt kịp nhịp sống mới nên kiếm được bộn tiền nhờ các tụ điểm hát hò, nhảy nhót, ăn nhậu mọc rộ lên như nấm sau mưa. Nhiều người trước đây nhìn gia đình lão bằng ánh mắt giễu cợt, rẻ rúng xưa kia bây giờ cũng đã xoay tròng một trăm tám mươi độ.

Lão bây giờ oai ra phết. Căn lều rách nát được thay thế bằng một ngôi nhà ba tầng chơi theo mốt mái Thái, nằm bề thế trên nền diện tích cũ, chừng như sự bề thế lạ lùng đó cũng có lấn chiếm thêm chút đỉnh qua hai bên láng giềng và cả ngõ xóm. Thời buổi đất bạc đất vàng, bị lấn một hai tấc đất cũng xót lắm, vậy mà chẳng ai dám kiện tụng, tranh chấp gì. Lũ con trai đông đen đông đỏ trong nhà lão, chúng lại rất ngầu với những mái tóc nhuộm trắng, nhuộm vàng y như tài tử xi nê Hàn Quốc. Tuy chưa có đứa nào quá ba mươi song đã nổi danh anh chị khắp thành phố, mấy thằng con trai đều làm mặt rô, ma cô dẫn gái, những đứa con gái thì tiếp viên cho các quán bia ôm, quán nhậu kiêm đi khách tại gia. Đấm đá, đâm chém là chuyện thường ngày của chúng. Nên chẳng ai dại chi chọc vào tổ ong vò vẽ đó.

Phải thừa nhận mấy đứa con gái lão tuy mới mười sáu, mười bảy nhưng nẩy nở cao ráo xinh đẹp không thua gì người mẫu, là tiêu chuẩn lý tưởng cho đám đàn ông sồn sồn thiếu tình thừa tiền xả stress nên việc mấy cô con gái nhà lão kiếm tiền khoẻ như hái lá cây. Chúng thường ăn mặc theo kiểu nghèo truyền thống. Vai trần rốn hở, váy ngắn tận bẹn, cỡi trên những chiếc xe mô tô đời mới láng cóng, lạng ra lạng vô con ngõ làm lé mắt cánh đàn ông lối xóm.

Chuyện lão Tám đổi đời cũng gây ra biết bao phiền toái, tranh cãi giữa các bà, cô trong xóm, tổ. Người háy nguýt chửi rủa theo từng bước đi của mấy đứa con gái nhà lão, thậm chí còn cấm tiệt mấy ông chồng không được bắc ghế ngồi trước cửa dênh dênh con mắt ngó ra đường. Kẻ thì lấy hình tượng vợ chồng lão Tám quàng ngang cổ một sợi dây xích tổ bố, vàng choé, đèo nhau trên chiếc xe tay ga to như chiếc xuồng, để đánh bật, hạ xuống hàng phế phẩm lũ đàn ông như Ngộ, loại công chức quèn nửa thằng nửa ông, lương ba cọc ba đồng, lậu thì hoàn toàn không, cơ hội chấm mút vào vốn Ô… A vớ vẩn nào đó thì nằm mơ mấy kiếp cũng chẳng thấy được.

Một đêm khó ngủ vì tiếng xe cộ của những gã đàn ông bảnh bao chảnh chọe luôn chụp cái mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang che kín mặt phóng xe thẳng tắp lự vào sân nhà lão Tám. Loại người mà Ngộ liếc nhìn sơ cũng biết là dân có máu mặt, không sếp lớn cũng đại gia mới phất theo thời thế. Chợt nửa phần đời của Ngộ quàng tay ngang người anh rồi thổn thức bên tai:

- Anh à! vợ con người ta sao quần là áo lượt, còn vợ anh thì…Nghĩ thật tủi thân.

 Vốn đang cay cú bởi từng chuỗi sóng âm xập xình, tiếng cười nói sặc sụa mùi men ầm ĩ vọng ra từ nhà lão, không ngừng đập phá cái trí não đang cần thư giãn sau tám tiếng căng thẳng với những hàng số cộng trừ nhân chia. Ngộ điên tiết hét vào tai nàng:

- Em có thích thì cứ đi làm như vợ con lão ấy đi… Đó! trước đường kìa, các quán bia ôm treo đầy thông báo tuyển người làm… làm... Trông em cũng còn được lắm, ra đó tha hồ mà hốt tiền.

Cô vợ thâm niên giữ trẻ lập tức nhảy bật dậy, đôi mắt trợn trừng nhìn thẳng mặt anh:

- Cái gì, muốn vợ đi làm… làm đĩ à.

Nàng lắp bắp tức tối một lúc rồi chợt đổi thái độ mặt lạnh băng:

- Mà vậy cũng tốt vừa mau giàu vừa…

Ngộ biết nàng sắp nói bậy nên cười ngặt nghẽo:

- Thôi đừng mơ nữa cô, bọn rửng mỡ đó chỉ khoái mấy em choai choai mát trời ông địa như con lão Tám, chứ như cô có ma nó rớ tới.

Nàng giơ cao nắm tay đấm vào vai Ngộ:

- Anh dám chê em già à… Ừ! tuy già nhưng chất lượng bảo đảm còn hơn trẻ mà chứa một ổ… Anh liệu thần hồn bén mảng vào, có ngày mang họa đó.

Thanh âm the thé của bà Ngọ, người nổi tiếng ngoa ngạnh nhất xóm mở đầu buổi họp tổ phụ nữ:

- Tui đã nói trước thế nào cũng xảy ra cơ sự này. Vợ chồng lão Tám có thèm nghe đâu, chừ mới sáng mắt ra... Ai đời lại cho con làm ba cái nghề ấy, nghĩ cũng đáng kiếp.

Ngộ ghé mắt nhìn qua từng khoảng hở dãy hàng rào chè tàu. Bà Ngọ, mụ đàn bà có khuôn mặt dài như mặt ngựa vừa nói vừa vung tay múa ngón như đào hát bội diễn tuồng.

- Chị đừng thấy nhà người ta gặp hoạn nạn mà sinh thêm tiếng ác… Sao tui nghe nói chị cũng định cho con Hoa...

Đúng y boong điệu nói đâm thọc của chị Hảo, người đàn bà góa láng giềng cận lưng nhà bà Ngọ.

Vài tiếng lao nhao tán đồng câu nói móc họng của chị Hảo vang lên trong đám phụ nữ đang ngồi sắp lớp dưới mặt nền lát gạch men láng bóng.

- Cô nghe ai nói thế hả, đồ cái thứ độc mồm độc miệng.

Bà Ngọ vừa nói vừa nhảy chồm lên, vài cánh tay kéo bà ta ngồi xuống cùng với lời khuyên can. Mặt bà ta vẫn hầm hầm như muốn ăn tươi nuốt sống đứa nào đã độc miệng. Ngộ thừa biết chuyện này là do nửa phần đời của anh ngồi lê mách lẻo, khi nghe lén chuyện anh khuyên chồng bà Ngọ đừng để đứa con gái mới mười sáu tuổi của ông ấy đi làm tiếp viên.

Chị Hảo cũng không vừa:

- Ôi dào, nghe ai cho mệt, nhìn bà ngày nào hơm hớp con mắt nhìn qua nhà lão Tám là đủ hiểu hàng rồi.

Bà Ngọ lại nhảy dựng lên, phóng tới đưa cả hai bàn tay chụp lấy mái tóc của chị Hảo, chị Hảo cũng chẳng kém phần dũng mãnh khi xoắn tít bờ tóc hoa râm bà Ngọ, cả hai thân hình cuộn tròn vào nhau lăn cù ra nền nhà trong tiếng hét thất thanh của đám đàn bà.

Bà Lý tổ trưởng vội vàng đứng dậy tái lập trật tự buổi họp. Sau khi tách được bà Ngọ, chị Hảo mỗi người về một góc xa, bà mới chậm rãi, phân tích lợi hại, vừa chỉ trích tính ác miệng của bà Ngọ, vừa phê phán giọng đâm thọc ngang xương của chị Hảo... Đúng là tổ trưởng kiêm kế hoạch hóa gia đình có khác, bà Lý nói rất hay. Nào là việc đã lỡ xảy ra rồi, nào là chị em phường xóm phải quan tâm động viên vợ chồng lão Tám, đừng xầm xì bàn tán thêm mắm dặm muối lên nỗi đau của họ… và như bao buổi họp đều có câu “…chị em đã hết mơ mộng, xét nét chuyện giàu có bất chính chưa… cứ xem cái gương trước mắt đó mà rút kinh nghiệm bản thân và gia đình mình”. Bà nói chuyện nào ra chuyện ấy, nghe rất thấu tình đạt lý.

- Thưa ba con mới về. Á à ba lại rình nghe lén hả.

Đang lắng nghe bài thuyết giảng thú vị ở phía bên kia hàng rào, tiếng thưa của bé Linh làm Ngộ giật thót người, vội quay lại nhìn con gái:

- Ờ... ờ, sao tối nay về sớm thế. Thầy cho nghỉ à?

Cục vàng mười tám tuổi khẽ lắc đầu rồi ngồi xuống bên Ngộ, nét mặt nó buồn xo:

- Dạ tối nay con đâu có đi học. Con đi thăm con Thảo ở bệnh viện.

- Thảo nào thế con, bị chi mà phải nằm viện.

Ngộ hỏi một câu lãng xẹt làm bé Linh trợn tròn mắt nhìn, như nhìn thấy quái vật:

- Vậy nãy giờ ba ngồi nghe lén hội phụ nữ họp chuyện chi vậy. Chẳng phải chuyện con Thảo bị tạt axít trong quán Hương à.

- À! cái cô tiếp viên bị đánh ghen hồi sáng chứ gì... Nó là bạn...bạn con sao?

Ngộ kinh hoàng nhìn chằm chằm bé Linh. Trời đất! con anh lại giao du với cả gái bia ôm.

- Bộ ba không biết nó thật sao?

- Vô duyên, ba..ba...

Con bé cười ngặt nghẽo cắt ngang lời tôi:

- Không dám đâu! Ba sức mấy héo lánh tới đó được, lương cả tháng vèo một giờ là xong. Con muốn nói là hồi trước nó hay đến đây mời ba mua vé số kìa. Ba còn khen con ai khéo đẻ.

Con bé chấm dứt câu nói bằng một cú nhún vai rất người lớn. Ngộ cố moi móc trong trí nhớ không mấy tốt. Thường thì mấy cô cậu bán vé số quanh vùng nầy thường lợi dụng lòng mến trẻ của Ngộ. Nhìn lũ nhóc chỉ mới ở độ tuổi đứa con gái bé bỏng của mình, phải lăn lộn, bòn kiếm từng đồng bạc, Ngộ cầm lòng không đậu đành phải mua vé giúp chúng. Nghĩ một lúc không ra con Thảo là đứa nào trong cái mớ bòng bong ấy, Ngộ nhìn bé Linh lắc đầu:

- Chịu thôi, nhiều đứa quá, ba có biết tên đứa nào đâu.

Nói với con gái là vậy nhưng nghe nhắc Ngộ đã sực nhớ. Vậy ra cô gái bị tạt axít cháy hết cả khuôn mặt đang được các bà bàn tán bên kia hàng rào là con bé xinh xắn với hai bím tóc cột túm vẫn bíu cổ nhét đại vào túi Ngộ những tấm vé bán ế. Anh nhớ nó còn dẫn theo hai ba đứa em gì nữa cùng đi bán với chị. Có đứa quá nhỏ, còn chưa biết đếm tiền. Thằng bé ấy hay đến chơi với đứa con trai mới năm tuổi rưỡi của anh, nhiều lần ham theo những chiếc xe đồ chơi, nó quên tuốt luôn tập vé số trong chiếc túi xách đeo lặc lè bên hông, đến khi hết giờ trả vé lại đứng khóc vì sợ bị đòn. Ngộ phải đích thân đi gõ cửa những nhà thân quen năn nỉ họ mua giúp:

- Bây giờ thì ba nhớ rồi. Vậy thằng em nó hay đến chơi với cu Hoàng chắc cũng lớn tướng rồi?

- Dạ bọn hắn mới bị công an bắt.

Bé Linh lại ghé sát vào tai anh nói nhỏ:

- Bọn chúng chuyến này chắc ở tù rục xương.


Những thanh âm ầm ĩ thường làm Ngộ mất ngủ bây giờ vụt biến đâu mất, vậy nhưng hình như sự im ắng bất thường cũng khiến Ngộ không tài nào ngủ được. Đẩy cánh cửa cổng bước ra ngoài, đi dọc con đường bê tông còn phảng phất mùi xi măng. Ngôi nhà lầu ba tầng thường lúc nườm nượp tới lui của những gã đàn ông giàu sang chừ nằm im lìm, chìm đắm giữa bóng tối u tịch. Trong một thoáng chạnh lòng, Ngộ như đang nghe thấy vợ chồng lão Tám trăn thở, thao thức với những tiếng thở dài não nuột. Bởi tai hoạ ập xuống gia đình họ quá nhanh và quá khủng khiếp. Đứa con gái mới mười tám tuổi đẹp như tiên bỗng hoá thành tật nguyền, còn những đứa khác nóng lòng trả thù đã bất chấp hậu quả khi điên cuồng lùng sục đâm chém gây tử vong cho người đàn bà vì ghen tuôn đã biến Thảo thành phế nhân.

Lão Tám, không biết gọi thế có đúng tên hay không. Đã lâu lắm rồi trong con xóm cụt không một ai biết tên thật của lão. Gia đình lão cư trú ở đây lâu đời nhất để có thể gọi lão là tổ khai canh cho xóm cụt. Cái lý sự ngủng ngẳng với bao điều khôi hài khiến người trong xóm lấy cái chuyện đẻ vượt chỉ tiêu, đẻ năm một và chỉ dừng ở số 8 để gọi riết thành tên.

Ngộ không khích bác tai họa đang đổ xuống đầu người khác, ngược lại anh còn thầm cám ơn lão đã bỏ tiền túi để xóa đi vấn nạn bùn lầy cho cả xóm. Chính lão đã bỏ tiền túi ra để biến con hẻm bốn mùa phù phập bùn lầy bụi đất thành con đường bê tông sạch đẹp cho dù thực chất nó là tiện ích trong công việc làm ăn riêng tư của lão. Anh cũng không mấy bất ngờ trước tai biến của gia đình lão Tám, bởi không chỉ riêng anh, khá nhiều người lớn tuổi trong cái xóm nhỏ nầy cũng mơ hồ hình dung được cái hậu quả tất yếu phải xảy ra cho nhà lão, cho những đứa trẻ được sinh ra vô tội vạ, bị ném ra đường đối đầu với cuộc sống quá sớm. Chúng hoàn toàn không có một chút hành trang nào ngoài khát khao vượt qua nghèo đói và sự tác động dữ dội của cuộc sống rất hot của những kẻ làm giàu quá dễ dàng từ các dự án nhà nước, từ những phi vụ làm ăn bất chính. Không một ai dạy chúng phải sống như thế nào, không một ai tội nghiệp cho con bé thất học, cho thằng nhóc phải đi bán vé số khi chưa biết đếm.

Ngộ bất chợt thở dài, tiếng thở dài của anh không phải để ân hận, hối tiếc như vợ chồng lão Tám trong căn nhà tối tăm kia. Mà vì lời vô tình buộc tội của đứa con gái “Bọn chúng chuyến này chắc ở tù rục xương”. Đúng là vậy, trước pháp luật chúng phải trả giá cho tội ác đã gây ra, nhưng anh vẫn thấy đau xót ngẫm nghĩ. Giá như cuộc đời có thêm một thứ toà án khác, một vành móng ngựa lương tri thì những kẻ phải đứng trước nó là người lớn, chứ không phải mấy đứa con trai, con gái đã bị thứ người lớn đó cố tình đánh cắp, tước đoạt tuổi thơ của chúng.

N.Q

(253/03-10)



 

Các bài mới
Vàng (26/04/2010)
Các bài đã đăng
Vuốt mắt cho em (02/04/2010)