Tạp chí Sông Hương - Số 253 (tháng 3)
Con búp bê diệu kỳ
08:04 | 28/04/2010
Paul William Gallico (1897-1976) là một nhà văn, phóng viên thể thao nổi tiếng của Mỹ. Nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim truyện, phim truyền hình, có tác phẩm đã đạt giải Oscar. Cha ông người Ý, mẹ người Áo, bản thân ông đã nhiều năm sống ở châu Âu. Là người đa tài và viết khỏe, ông có hàng chục đầu sách: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản phim truyền hình, thể thao. Những tác phẩm nổi tiếng của Gallico là: Ngỗng tuyết, Tình yêu của bảy con búp bê, Cuộc phiên lưu Poseidon.
Con búp bê diệu kỳ
Nhà văn Paul Gallico - Ảnh: paulgallico.info

PAUL WILLIAM GALLICO


Con búp bê diệu kỳ


C
âu chuyện tôi sắp kể diễn ra cách đây ba năm, và tất cả xảy ra vì một con búp bê. Tôi là một bác sĩ, tôi tên là Stephan Amony. Nhà và nơi tôi làm việc là thành phố Luân Đôn, gần sông Thêm.

Tôi còn nhớ rõ buổi sáng tháng Mười năm ấy. Từ cửa sổ, tôi thấy ánh nắng ban mai đang chiếu sáng trên dòng sông. Tôi ra khỏi nhà để đi mua tờ Thời báo, công việc tôi vẫn làm hàng sáng. Có một cửa hàng hoa ở ngay góc phố tôi sống. Đi đến sát góc phố, tôi có thể ngắm những bông hoa thật rực rỡ. Tôi rẽ vào đường Abbey.

Vài phút sau tôi đã đến trước cửa hàng để mua báo. Trước khi vào trong, tôi nhìn qua tủ kính và tôi sực nhớ rằng tuần tới là sinh nhật đứa cháu gái.

Như thường lệ, cửa hàng có rất nhiều đồ chơi, bút, giấy. Một vài thứ trong đó dường như đã ở trong tủ kính nhiều năm. Khi trông thấy một con búp bê, tôi quyết định đó sẽ là món quà sinh nhật mà cháu tôi thích nhất. Con búp bê gần như bị che khuất ở góc tủ. Nó được làm bằng vải, nhưng chính khuôn mặt đã gây cho tôi sự chú ý đặc biệt. Cho dù được sơn màu vẽ, con búp bê trông đáng yêu, hiền từ, đôi mắt đượm buồn. Tôi cảm thấy tội nghiệp cho nó phải ở trong cái tủ kính ken chặt hàng. Tôi quyết định nhìn kỹ hơn.

Cửa hiệu của một người đàn ông tên là Jim Carrter. Khi tôi đi vào, ông ta mỉm cười. “Xin chào bác sĩ, vẫn một tờ Thời báo chứ?” “Vâng, và tôi muốn một món quà cho đứa cháu gái. Tôi muốn xem con búp bê trong tủ của ông, con búp bê ở đằng góc tủ ấy, làm bằng vải”. Ông chủ của hàng có vẻ ngạc nhiên. “Con búp bê à, nó đặc biệt nhưng đắt đấy bác sĩ à”.

Jim lấy con búp bê khỏi tủ kính, đưa cho tôi. Khi cầm con búp bê, tôi ngạc nhiên đến nỗi suýt đánh rơi. Nó rất đẹp và giống như thật. Trang phục của búp bê được may bằng tay, và khuôn mặt, mặc dù tôi không nhìn rõ lắm, được vẽ thủ công bởi một nghệ sĩ. Nó thật đáng yêu. Bất kỳ ai làm ra con búp bê này chắc chắn đã thực hiện với sự yêu quý và cẩn trọng. Nó thật dịu dàng, và đó là cảm giác đầu tiên khi tôi nhìn thấy khuôn mặt búp bê.

Tôi đặt con búp bê xuống nhẹ nhàng. “Con búp bê này giá bao nhiêu tiền, ông Jim?”, tôi hỏi. Tôi khi đó chắc phải trông rất ngỡ ngàng bởi vì Jim bảo tôi. “Tôi đã nói với bác sĩ rằng nó rất đắt. Ở Luân Đôn người ta bán với giá hai mươi bảng, nhưng ở đây tôi lấy ông mười một bảng thôi”. “Ai đã làm ra nó vậy?”, tôi hỏi. Tôi tò mò muốn biết người đã làm ra những con búp bê xinh đẹp này. “Một người đàn bà ở phố Harley, bà ta sống ở đây nhiều năm rồi, thỉnh thoảng bà ta đến đây và đó là cách tôi có những con búp bê để bán”. Tôi hỏi tiếp. “Thế bà ta tên gì, trông như thế nào?” “Tôi cũng không chắc, đại loại như là Callamy. Một người đàn bà cao, tóc đỏ, mặc quần áo đắt tiền. Bà ta trông khó gần và rất ít nói chuyện khi đến đây. Jim ngừng một lát, tôi chưa bao giờ thấy bà ta cười”.

Tôi không thể hiểu được điều này, làm sao một người đàn bà như thế lại làm ra những con búp bê xinh đẹp đến vậy. Khi đếm tiền, tôi cảm thấy mình thật ngớ ngẩn. Mặc dù con búp bê để làm quà tặng cho đứa cháu gái, nhưng lý do thật sự để tôi mua nó: Đó là tôi không thể để con búp bê xinh đẹp như vậy trong một cửa hàng đầy bụi.

Tôi mang búp bê về nhà, đặt trong căn phòng ngủ bé nhỏ của mình, và ở trong căn phòng này, dường như nó càng đáng yêu hơn. Tôi cho búp bê vào một cái hộp bằng giấy màu nâu. Buổi chiều hôm đó, tôi mang đến bưu điện, gửi cho cháu gái.

Tôi nghĩ rằng tôi sẽ quên con búp bê, nhưng không được. Tôi không thể không nghĩ về nó. Làm sao một con búp bê xinh đẹp như vậy lại được làm bởi bàn tay của người phụ nữ như Jim nói được chứ! Trong khi tôi đang cố tìm ra người phụ nữ đó là ai, thì có rất nhiều trẻ em bị ốm, đặc biệt trong thời tiết giá lạnh và ẩm ướt. Tôi đã bận rộn vài tuần liền. Tôi đã quên bẵng cả người đàn bà và con búp bê.

Một ngày kia, vào mấy tuần sau đó, tôi có điện thoại, giọng một phụ nữ. “Đó có phải đó là bác sĩ Amony không?” “Vâng, tôi đây”. “Ông có thường xuyên đi khám tư cho bệnh nhân không?” “Có, thỉnh thoảng”, tôi đáp. “Mất bao nhiêu tiền một lần?”. Giọng điệu người đàn bà không mấy thiện cảm. Bà ta dường như quan tâm đến tiền nhiều hơn tới người đang ốm. Tôi trả lời. “Một lần khám bệnh mất năm bảng, nhưng nếu bà thực sự không thể trả tiền thì tôi cũng không đòi hỏi”. “Được rồi”, người đàn bà nói. “Tôi có thể trả ông năm bảng. Tôi tên là Rose Callamit, nhà tôi ở cạnh hiệu bánh trên đường Harley, phòng của tôi trên tầng hai”. “Tôi sẽ đến ngay”, tôi đáp.

Tôi đến căn nhà đó sau mười phút. Tôi bước lên bậc cầu thang chật hẹp, bụi bặm và tối mò. Khi đi hết cầu thang, cửa đã mở sẵn, một giọng nói khô cứng vọng ra. “Bác sĩ Amony phải không, mời vào. Tôi là Rose Callamit đây”. Trước mắt tôi là một người đàn bà với mái tóc đỏ kì dị, đôi mắt đen, môi bóng và sáng đỏ. Bà ta khoảng bốn lăm, năm mươi tuổi gì đó.

Tôi thất vọng khi nhìn thấy người đàn bà, và càng thất vọng hơn khi bước vào gian ngoài. Đồ đạc đều là những thứ xuềnh xoàng. Trên chạn bát ở góc nhà, có một vài cái chai thủy tinh nhỏ. Không có chút hơi ấm nào, căn phòng lạnh lẽo, tồi tàn. Và ở phía sau cửa, tôi nhìn thấy mấy con búp bê. Chúng được treo trên tường, một vài con khác bị vất cẩu thả trên giường. Mỗi con búp bê có một vẻ khác nhau nhưng đều có một đặc điểm chung là dịu dàng, đáng yêu, giống như con búp bê tôi đã mua cho cháu gái mình. Dường như người đàn bà kia không thể làm ra những con búp bê như thế này.

“Ông là một tay bác sĩ quá trẻ”, bà Rose nói. Tôi đáp lại gay gắt bởi vì thất vọng khi thấy những con búp bê ở trong nhà người đàn bà. “Tôi già hơn vẻ bề ngoài. Nhưng nếu bà nghĩ tôi trẻ quá, tôi sẽ đi ngay”. Bà ta cười: “Đừng giận, bác sĩ, nhưng trông ông rất đẹp trai”. “Tôi là bác sĩ nên không có nhiều thì giờ để lãng phí, ở đây ai bị ốm”, tôi hỏi. “Không phải tôi mà là cháu gái tôi. Nó đang ở phòng trong, tôi sẽ đưa ông vào đó”. Trước khi bước vào, tôi thấy cần phải biết về những con búp bê, tôi hỏi. “Bà làm ra những con búp bê này à?”. “Đúng, nhưng sao vậy?”. Vì một vài nguyên nhân, tôi tự nhiên cảm thấy rất buồn. “Tôi đã mua một con búp bê như thế này cho cháu gái tôi”. Bà ta cười. “Tôi đoán, ông chắc phải trả rất nhiều tiền.”

Người đàn bà dẫn tôi qua hành lang nhỏ phía trong. Khi sắp mở cửa, bà ta kêu to. “Mary, bác sĩ đã đến”. Sau đó bà ta mở rộng cửa hơn để tôi vào. Bà ta cố ý nói to để cô gái có thể nghe thấy. “Đừng ngạc nhiên nhé bác sĩ, chân nó bị khoèo”. Cô gái - Mary, đang ngồi trên ghế cạnh cửa sổ, khi nghe thấy những lời như vậy, sự đau khổ cùng cực hiện rõ trên khuôn mặt. Một lần nữa, tôi lại giận dữ người đàn bà ghê gớm đó. Những lời của bà ta khiến cô gái phải nghĩ về cái chân của mình.

Mary trông chưa tới hai lăm tuổi nhưng khuôn mặt rất xanh xao, đôi mắt to đen. Dường như linh hồn cô đang chết dần, cô rất yếu. Từ giây phút đầu tiên, tôi đã xúc động bởi sự dịu dàng trên khuôn mặt buồn của Mary. Tôi vẫn còn nhớ rõ: thân hình gầy gò, tội nghiệp, mái tóc khô mất hết sự sống. Nhưng tôi đã thấy một thứ khiến tôi rạng rỡ. Xung quanh Mary là những chiếc bàn nhỏ, một chiếc để sơn màu và bàn chổi; những cái khác để kim, chỉ khâu, vải nhiều màu, nhiều kích cỡ khác nhau. Đó là những thứ cần thiết để làm ra những con búp bê.

Tôi có thể nhận ra sự ốm yếu của Mary không phải do cái chân bị tật. Nhưng cái chân của Mary thu hút sự chú ý của tôi. Đó là cái cách cô ngồi. Nếu như giống như những gì tôi nghĩ, khi được điều trị, cái chân có thể kéo thẳng ra được. “Cô có thể đi được không, Mary?”. Tôi hỏi. “Có”, cô nhẹ nhàng. “Hãy đi đến chỗ tôi”. “Không, tôi không thể, đừng bắt tôi”. Tôi không muốn làm Mary đau, nhưng tôi cần phải biết bệnh tình cho chắc chắn. “Tôi xin lỗi, nhưng Mary à, hãy cố lên”.

Mary thận trọng đứng dậy, lê từng bước đến chỗ tôi. Tôi nhìn rất kỹ chân trái của Mary, tôi chắc là mình đã đúng. “ Tốt rồi”, tôi mỉm cười hài lòng. Tôi đưa tay ra giúp cô. Khi Mary nhìn lên, một lần nữa tôi chứng kiến sự tuyệt vọng, đau khổ mà cô đang đang trải qua. Cô dường như muốn khóc oà trong sự câm lặng khi được tôi giúp. Tay cô chới với tới tôi, nhưng rồi lại thõng xuống. Thế là hết hi vọng. “Cô bị như thế nào bao lâu rồi, Mary?” Bà Rose cướp lời. “Mary bị khoèo chân gần mười năm rồi, nhưng tôi mời ông đến đây không phải vì việc ấy. Mary đang bị ốm. Tôi muốn biết có vấn đề gì đối với nó”. Đúng vậy, Mary đang bị ốm, thậm chí cô ấy đang chết dần. Tôi nhận ra điều đó ngay từ khi nhìn thấy Mary.

Tôi hy vọng bà Rose sẽ rời khỏi phòng, nhưng bà ta không đi. Bà ta cười to. “Tôi sẽ ở đây bác sĩ. Ông phải tìm ra có vấn đề gì với nó và nói cho tôi biết”. Khám cho Mary xong, tôi và bà Rose đi ra phòng ngoài. Tôi bảo bà Rose. “Bà có biết rằng cái chân của Mary có thể kéo thẳng lại được. Nếu được điều trị, cô ấy có thể đi được. “Thôi đủ rồi”, bà Rose quát vào mặt tôi những từ khiến tôi nổi khùng. “Nếu ông dám nói với Mary về điều đó. Nó đã được khám bởi những người biết chuyên môn. Tôi sẽ không để một vài tay trẻ tuổi ngu ngốc gợi cho nó những hi vọng. Nếu ông dám làm việc ấy, thì đừng bao giờ bước đến đây nữa. Tôi chỉ muốn biết có vấn đề gì xảy ra với Mary. Nó không ăn, cũng không ngủ, và không làm việc tốt được. Ông đã tìm ra nguyên nhân gì chưa?”.

“Tôi vẫn chưa biết có điều gì xảy ra với Mary”, tôi trả lời. “Nhưng tôi biết cô ấy đang dần dần bị tàn phá bởi một điều gì đó. Tôi sẽ sớm khám lại cho cô ấy lần nữa và đưa cho cô ấy một ít thuốc. Nó sẽ giúp cô ấy khỏe hơn. Tôi sẽ quay lại trong một vài ngày tới.” “Ông không được nói gì về việc chữa cái chân cho Mary, ông hiểu không? Nếu ông còn tiếp tục như vậy, tôi sẽ gọi bác sĩ khác”. “Tôi đồng ý”, tôi đáp. Tôi buộc phải nói như vậy để có cơ hội đến thăm Mary lần nữa và có lẽ khi nào cô ấy khỏe hơn, tôi sẽ nói cho Mary biết về cái chân của cô ấy. Tôi sẽ…

Khi cầm túi của mình để chuẩn bị rời đi, tôi hỏi. “Tôi nghĩ bà đã nói rằng bà đã làm ra những con búp bê này?”. “ Tôi làm”, bà ta bộc lộ sự khó chịu. “ Tôi đã vẽ chúng, sau đó để Mary làm. Điều ấy giúp nó không nghĩ về cái chân của mình nữa, và sự thật là nó sẽ không bao giờ kết hôn hay có con cái”.

Minh họa: ĐẶNG MẬU TỰU


Tôi đi ra ngoài trong một ngày nắng tháng Mười quang đãng, tôi biết bà Rose đã nói dối. Tôi đã tìm ra con người tuyệt vời làm ra những con búp bê kỳ diệu kia. Hạnh phúc nghĩ về điều đó nhưng tôi lo lắng cho Mary, trừ khi tôi tìm ra có điều gì đang xảy ra với cô ấy, nếu không Mary sẽ sớm từ giã cuộc đời.

Sau vài lần đến thăm Mary, tôi đã biết được nhiều hơn. Tên của cô là Mary Nolan, khi mười lăm tuổi cô bị tai nạn xe hơi. Cả bố và mẹ cô đều chết, Mary bị thương nặng. Chính tai nạn đó khiến chân cô bị khoèo. Tòa án yêu cầu bà Rose chăm sóc Mary vì không có ai chăm sóc được cô nữa. Bà Rose nhận chăm sóc cô, bởi nghĩ rằng bố Mary rất giàu. Nhưng khi bà ta biết rằng cô chỉ có một món tiền nhỏ, bà Rose đã đối xử độc ác với Mary. Bà làm cho cô đau khổ càng nhiều càng tốt. Bà ta không bao giờ để cho cô quên đi cái chân của mình. Bà Rose dường như muốn nói với Mary rằng. “Sẽ không người đàn ông nào yêu mày. Mày sẽ không bao giờ có chồng và có con, không có người đàn ông nào muốn có một người vợ bị khoèo chân.”

Nhiều năm trôi qua. Mary dần dần tin tưởng vào bà cô của mình. Cô ở với bà Rose và làm những điều bà ta yêu cầu. Mary không có lí do gì để chống lại bà cô của mình và dời đi nơi khác. Cô sống một cuộc đời vô vọng và bất hạnh.

Khi Mary bắt đầu làm những con búp bê, bà Rose thấy chúng rất đáng yêu, và biết rằng chúng có thể bán được nhiều tiền. Sau khi bán được vài con, bà Rose bắt Mary làm từ sáng đến đêm khuya, trong nhiều năm liền và bây giờ Mary bị ốm. Dù không yêu quý gì Mary nhưng bà Rose đủ khôn ngoan để biết rằng nếu không có Mary, bà ta sẽ không có tiền.

Khi tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân đang giết chết Mary, tôi phát hiện ra rằng Mary rất sợ bà cô của mình, nhưng đó không phải là tất cả. Và tôi cũng không thể tìm hiểu hơn gì từ Mary, vì bà Rose lúc nào cũng ở bên cạnh chúng tôi. Tôi cảm thấy Mary rất khó nói bất kì điều gì khi bà Rose ở trong phòng. Tôi chưa nói cho Mary biết rằng tôi có thể chữa được cái chân cho cô ấy. Điều quan trọng là tôi cần khám phá ra tại sao Mary không muốn sống nữa.

Mười ngày tiếp theo, Mary đã khá hơn. Tôi yêu cầu cô ấy không làm búp bê nữa. Tôi mua cho cô dăm quyển sách và vài thỏi sô cô la. Lần sau, khi tôi đến thăm, Mary đã mỉm cười giống như lần đầu tiên tôi gặp cô. “Đã tốt hơn”, tôi vui vẻ. “Cô sẽ khá hơn nhiều nếu không phải làm những con búp bê trong mười ngày tới. Tôi muốn cô nghỉ ngơi, ngủ và đọc sách, sau đó sẽ tính tiếp.” Nhưng tôi biết bà Rose không hài lòng khi nghe những điều đó.

Lần sau, khi tôi đến thăm Mary, bà ta đã đợi sẵn. “Ông không cần phải đến đây nữa, bác sĩ Amony ạ”. “Nhưng còn Mary”, tôi hỏi. “ Mary đã khỏe, xin tạm biệt bác sĩ”. Mắt tôi chạm ngay phải những cái hộp đặt ở góc phòng, vài ba con búp bê còn mới nằm trên đó. Khuôn mặt chúng vẫn đáng yêu, nhưng đối với tôi, chúng chứa đầy sự chết chóc. Bỗng nhiên tôi lo sợ cho Mary. Tôi biết bà Rose đang nói dối. Tôi muốn đẩy bà ta để chạy vào thăm Mary. Nhưng tôi là một bác sĩ, và khi người ta không cần nữa thì nhiệm vụ của tôi là phải ra đi. Tôi chưa biết được chuyện gì xảy ra với Mary, và tôi đoán bà Rose có thể tìm một bác sĩ khác. Rất buồn, tôi rời đi và những ngày sau đó, tôi không thể nào quên được Mary. Tôi lúc nào cũng phiền muộn nghĩ về cô ấy.

Chẳng bao lâu, chính tôi cũng bị ốm, ban đầu chỉ sơ sơ, nhưng càng ngày càng rõ ràng. Tôi mời một anh bạn bác sĩ đến khám, anh ta bảo cơ thể tôi không có gì bất thường. Anh nói, chắc tôi làm việc quá sức. Nhưng tôi biết đó không phải là nguyên nhân. Tôi càng ngày càng tệ hơn, tôi không muốn ăn và bị sụt cân, vô cùng mệt mỏi. Ban đêm, tôi ngủ không yên và thỉnh thoảng mơ thấy Mary gọi cầu cứu, trong khi bà Rose vẫn giữ chặt cô ấy trong cánh tay gớm ghiếc của mình. Tôi xanh xao và gầy đi nhiều. Tôi không thể quên rằng mình đã không giúp được gì cho Mary. Mary muốn được tôi giúp, nhưng tôi đã không làm được gì cả.

Một tối, tôi mệt mỏi và không sao ngủ được. Tôi đi đi lại lại trong phòng, nghĩ về chính mình và căn bệnh của mình. Dường như tôi bị căn bệnh giống Mary. Đột nhiên, tôi phát hiện ra nguyên nhân: Tôi đã phải lòng Mary mất rồi. Tôi bị ốm, vì tôi không thể nhìn thấy và chăm sóc cô ấy. Bây giờ thì tôi biết rằng vì sao Mary đang chết dần. Cô ấy đang chết từng ngày vì không có ai yêu cô ấy. Không ai trên thế giới này cho cô hy vọng trong những năm sắp tới. Cha mẹ cô đều đã mất, bà Rose giữ cô chỉ vì bà kiếm được tiền nhờ bán những con búp bê. Mary không có bạn bè, và tồi tệ hơn, vì cái chân của mình, cô thấy mình thật xấu xí. Cuộc đời cô trống rỗng, cô không có gì cả, ngoại trừ những con búp bê. Tôi biết rằng tôi phải đến thăm Mary, tôi phải nói với cô ấy vài phút. Nếu không, tôi sẽ mất Mary vĩnh viễn.

Sáng hôm ấy, tôi gọi điện đến cửa hàng ông Jim Carter: “Tôi là bác sĩ Amony đây. Ông có thể làm ơn giúp tôi một việc được không?” “Bất cứ điều gì. Năm ngoái, bác sĩ đã cứu mạng con trai tôi. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì ông yêu cầu”. “Cảm ơn Jim. Ông có nhớ bà Rose Callamit, người bán búp bê cho ông không? Nếu lần sau bà ta đến đây, tôi muốn ông gọi điện cho tôi và sau đó ông cố giữ bà ta ở đó để nói chuyện. Tôi cần khoảng hai mươi phút, được chứ. Tôi sẽ biết ơn ông suốt đời”.

Tôi sợ rằng khi tôi ra ngoài thì Jim gọi đến, nên mỗi buổi tối tôi thường lướt qua cửa hàng, nhưng Jim chỉ bắt tay tôi và nói chưa có tin tức gì. Một ngày kia, vào lúc năm giờ chiều, chuông điện thoại reo. Điện thoại của Jim. Ông ta chỉ nói một câu. “Ông có thể đi được rồi đấy”.

Tôi mất hai đến ba phút chạy đến nhà Mary. Khi lên cầu thang, tôi hy vọng mình có thể vào được nhà. Thật may, cửa không khóa. Bà Rose nghĩ rằng sẽ quay về trong vài phút.

Mary rất gầy ốm yếu, cô vẫn bị bao quanh bởi những bút sơn và vải may. Dường như Mary muốn làm một con búp bê cuối cùng trước khi chết. Mary ngẩng đầu lên khi tôi bước vào, mắt mở to vì ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi. Cô tưởng tôi là bà Rose. Cô gọi tên tôi, không phải “Bác sĩ Amony” mà là “Anh Stephan!” “Mary”, tôi kêu lên. “Ơn chúa, anh đã đến kịp. Anh đến đây để giúp em, anh biết vì sao em ốm rồi”. “Bây giờ điều ấy có còn quan trọng nữa đâu,” Mary nói thật khẽ. “Vẫn còn kịp mà, anh biết được bí mật của em, anh biết cách làm cho em khỏe mạnh, nhưng em phải nghe anh nói”. Mary nhắm mắt lại. “Thôi. Hãy để mặc em, hãy để em vĩnh biệt. Em không muốn biết nữa. Mọi việc sẽ sớm kết thúc thôi mà”.

Tôi ngồi xuống, cầm lấy tay Mary. “Mary, hãy nghe anh. Mỗi người đều có một cái kho tình yêu để cho đi suốt cuộc đời mình. Nhà kho được xây từ khi họ còn là trẻ con. Và họ nhận được tình yêu của gia đình khi họ lớn hơn. Khi họ lớn hơn nữa, tình yêu được trao tặng đi, nhà kho lại được đổ đầy những gì tốt đẹp, hạnh phúc, niềm vui và hy vọng. Đó là cách mà bao giờ trong kho cũng có một chút gì còn lại. Nhưng kho tình yêu của em thì hoàn toàn trống rỗng. Đến tận bây giờ, em cũng không có gì cả”.

Tôi không chắc Mary có nghe tôi nói hay không, nhưng tôi rất muốn cô ấy sống. Tôi tiếp tục. “Chính bà cô của em đã gây ra điều này, bà ấy đã mang đi tất cả hi vọng về tình yêu và hạnh phúc của em.” Tôi ngừng một chút. “Và điều tồi tệ hơn bà ấy đã lấy cả đi những đứa con của em”. Tôi thì thầm những từ cuối cùng, những điều tôi bắt buộc phải nói ra.

Tôi nhìn Mary. Tôi đã giết cô ấy? Không, tôi rất yêu Mary. Tôi cảm thấy bàn tay nhỏ bé của Mary đang nằm trong bàn tay tôi và Mary từ từ mở mắt. Mary dường như vui hơn khi nghe những điều tôi nói. Điều đó làm cho tôi hy vọng và tôi sẽ cố làm cho Mary hiểu.

 “Đúng rồi, những con búp bê chính là con của em. Khi em nghĩ rằng em mất cơ hội để yêu và làm mẹ, em đã làm những con búp bê kì diệu này. Em đã gửi gắm tình yêu của em vào trong đó. Em làm chúng với tất cả sự dịu dàng và cẩn trọng, em yêu chúng như thể đó là những đứa con của chính em. Và sau đó những đứa con của em bị đưa đi mà em không nhận lại gì cả. Em tiếp tục sử dụng cạn kiệt cái kho tình yêu của mình, đến tận khi linh hồn em cũng rời bỏ em luôn. Con người ta có thể chết khi không còn chút tình yêu nào trong mình.” Tôi ngừng nói và Mary bắt đầu động cựa. Cô ấy dường như hiểu những gì tôi đang nói. “Nhưng em sẽ không chết, tôi gào lên, vì anh yêu em. Em có thấy anh đang nói gì không, Mary? Anh yêu em và không thể sống thiếu em.” “Yêu em ư?” Mary thì thầm, nhưng em có cái chân bị tật, làm sao anh có thể yêu em được chứ?” “Cái đó không quan trọng. Anh vẫn yêu em’’, tôi thầm thì. “Nhưng bà Rose đã nói dối em. Cái chân của em có thể kéo thẳng được. Trong vòng một năm, em có thể đi lại bình thường như những cô gái khác”. Tôi nhìn Mary. Tôi thấy giọt nước mắt hạnh phúc trong mắt em. Mary mỉm cười với tôi trong sự tin tưởng hoàn toàn, em vòng tay ôm lấy tôi. Tôi đón Mary trong vòng tay của mình. Em nhẹ quá, nhẹ như một con chim vậy. Mary giữ chặt lấy tôi khi tôi choàng áo khoác giữ ấm cho cô ấy. Sau đó tôi đưa Mary ra khỏi phòng.

Đột nhiên chúng tôi nghe thấy tiếng đóng sầm cửa và tiếng bước chân đang chạy. Cửa phòng Mary bật mở, bà Rose Callamit bước vào, giận dữ. Tôi cảm nhận được sự run rẩy sợ hãi của Mary. Em giấu mặt sau gáy tôi.

Nhưng bà Rose đã quá muộn. Bà ta không thể làm được gì nữa và bà ta biết điều đó. Không nói một lời, tôi đi vượt qua bà ta và giữ Mary sát cạnh mình. Tôi ra cửa trước, xuống cầu thang và đi ra phố. Bên ngoài mặt trời vẫn chiếu sáng trên con phố bụi bặm, và lũ trẻ vẫn chơi đùa huyên náo khi tôi đưa Mary về nhà.

Đã ba năm trôi qua. Và khi tôi đang viết những dòng này, Mary đang chơi đùa với đứa con trai đầu lòng của chúng tôi. Đứa thứ hai sẽ được sinh vào vài tuần tới. Mary không còn làm búp bê nữa, cô ấy không cần phải làm. Còn tôi, vẫn lặng thầm cảm ơn chúa, cái lần đầu tiên tôi nhìn thấy con búp bê và phải lòng nó. Con búp bê diệu kì trong tủ kính của hàng nhà Jim Carter.

UÔNG TRIỀU dịch
(253/03-10)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Vàng (26/04/2010)