Tạp chí Sông Hương - Số 254 (tháng 4)
Huế đã về vui giữa cộng hoà
15:06 | 25/03/2010
NGUYỄN QUANG HÀ    (Kỷ niệm 35 năm giải phóng Thừa Thiên Huế)Có thể nói chiến thắng Buôn Ma Thuột là một đòn đánh trúng chỗ hiểm. Cả chiến trường miền Nam rung rinh.
Huế đã về vui giữa cộng hoà
Quân giải phóng vào Huế ngày 26/3/1975. Ảnh TL

Tại Huế, mặc dù Ngô Quang Trưởng hò hét: “Chúng ta tử thủ cho Huế”, song sau lời tuyên bố hùng hồn ấy, lính Ngụy chạy tan tác theo hai đường: một là theo đường số Một vào Đà Nẵng, hai là xuống cảng Thuận An lên tàu chiến ra biển. Chỉ cần nhìn vũ khí, quần áo, xe cộ vất ngổn ngang dọc đường, đủ biết lính Ngụy hốt hoảng nhường nào. Và lính Ngụy tranh giành nhau lên tàu chiến, đánh nhau chết, xác trôi bập bềnh, dạt vào bờ biển Thuận An, đã thấy sự chiến bại đã tới ngay sau lưng họ.

Chính vì vậy, bộ đội ta vào Huế không gặp một trận chạm trán, đối diện nảy lửa nào.

Vào Huế trước tiên là các đội công tác của Thành ủy. Đội công tác vào Huế ngay từ ngày 25-03-1975. Ta nắm được tình hình rút quân, hay nói là lính Ngụy chạy một cách khá chắc chắn. Vì vậy việc quan trọng đầu tiên vào Huế là phải nắm dân. Đúng theo tinh thần Bác Hồ dạy: Phải dựa vào dân, không được xa rời dân, nếu không thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn.

Chính vì vậy nhiệm vụ hết sức quan trọng của đội công tác là nắm dân. Các đội công tác tràn khắp thành phố. Mỗi đội chỉ gồm 6 người: Một cán bộ Thành ủy, hai chiến sĩ an ninh, một cán bộ dân vận, một cán bộ thanh niên, một cán bộ phụ nữ. Dĩ nhiên trang bị của mỗi thành viên đều có súng để sẵn sàng đối phó với những sự cố bất ngờ, còn quần áo mặc, có quần áo giải phóng, có quần áo dân sự để dễ dàng hòa nhập vào cộng đồng.

Nhiệm vụ của đoàn công tác rất rõ ràng: Một là nắm tình hình địch, hai là tuyên truyền đoàn kết, hòa hợp, hòa giải dân tộc, và ba là trên cơ sở nắm dân, ta nắm chắc nòng cốt, xây dựng lực lượng tại chỗ, tổ chức lực lượng, sẵn sàng xây dựng chính quyền cách mạng ở khu phố, ở phường.

Lính Ngụy đã rút đi. Thành phố im phắc. Nhà nào cũng đóng cửa im ỉm. Dĩ nhiên trong mỗi căn nhà đều có những con mắt nhìn qua khe cửa để theo dõi xem lính giải phóng về sẽ làm gì.

Đoàn công tác dựa vào cơ sở của mình đã cắm chốt sẵn trên các đường phố, cơ sở dẫn đoàn đến gõ cửa từng nhà. Lâu nay dân bị chính quyền Ngụy o ép, lúc nào cũng sợ hãi, nên rất mong có hòa bình, vì vậy khi đoàn công tác gặp dân, dân rất mừng, mở toang cánh cửa đón tiếp. Câu đầu tiên trên miệng mọi người là: “Hòa bình rồi, hết tiếng súng rồi”.

Khẩu hiệu: “Đoàn kết, hòa hợp, hòa giải”, quả là nội dung rất thiết thực đánh thức những lương tâm và tập hợp được mọi người xung quanh mình. Trước khi gặp quân giải phóng, họ cũng lo, không biết quân giải phóng sẽ trả thù gì dân Huế đây, có bắt bớ, có tra khảo, giết chóc gì không đây! Nhưng tất cả chỉ là tình quân dân ríu rít. Họ chỉ thấy giải phóng không bắt giữ ai, mà yêu cầu giữ nguyên chính quyền phường xã, cùng chính quyền kêu gọi nhân dân ổn định đời sống, kêu gọi những người có lương thực giúp đỡ những người đang gặp khó khăn. Đồng thời bàn bạc với dân huy động xe cộ tìm những người hoảng hốt di tản trở về gia đình tiếp tục làm ăn.

Ý thức hòa giải, tinh thần hòa hợp đã nhanh chóng biến những cặp mắt nghi ngờ thành những tia sáng đồng tình. Những người lâu nay có cảm tình với cách mạng, hướng về cách mạng có những biểu hiện tình cảm và ủng hộ giải phóng rõ ràng. Đó chính là cơ sở để tập hợp lực lượng cách mạng.

Anh Ngọc, một người lính chiêu hồi, gặp lại giải phóng bày tỏ:

- Em chiêu hồi, có tội với cách mạng, nhưng không có tội ác.

Ngọc khai báo kỹ càng, chỉ cho đội công tác mấy hầm súng AK15, AK16 chôn ở nghĩa địa sau nhà thờ, đó là súng đạn chuẩn bị cho trận chiến.

Ngọc hỏi:

- Các anh đã tới Ty Thanh niên chưa? Có nhiều tài liệu quan trọng ở đó.

Chúng tôi đến Ty Thanh niên, lục soát kỹ, quả là có cả một kho tài liệu quan trọng. Nấp dưới chiêu bài thanh niên là bọn Phượng Hoàng, Bình định nông thôn. Toàn bộ tài liệu ở đây, là danh sách các tổ chức mà địch đã chuẩn bị nhân sự, lực lượng cho thời hậu chiến. Chúng tôi căn cứ vào tài liệu đó dựng lại toàn bộ tổ chức của địch dày đặc như một mạng nhện. Thì ra đây chính là gương mặt của lực lượng thứ 3 mà chúng tôi muốn tìm ra.

Mỹ âm mưu, lực lượng thứ 3 này sẽ lợi dụng chính sách hòa giải dân tộc để đứng trong chính quyền trứng nước của cách mạng khi về thành phố. Chúng sẽ nắm lực lượng cài lại, nắm dân, từng bước vô hiệu hóa cách mạng, nắm lại chính quyền cũ, và trong một thế bất ngờ khi ta còn yếu, sẽ nổi dậy cướp chính quyền và yêu cầu hãy trở lại Việt Nam .

Con bài hậu chiến của Mỹ bị lật tẩy, chưa biết địch mới nguy hiểm, đã thấy từng chiếc răng của con thú, thì ta sẽ có cách đối phó, mà vẫn giữ được lòng dân.

Nhờ có nhân dân, ta làm chủ thành phố một cách dễ dàng.

Đêm 25-03-1975 bộ đội ta tràn về thành phố, hạ cờ vàng ba sọc đỏ của chính quyền cũ, trao cờ giải phóng bay phần phật trên đỉnh Kỳ đài Huế, dân Huế mở tung cửa đón quân giải phóng. Ngay từ ngày 25-3, cờ đã treo rợp phố.

Khắp thành phố, chỉ có một điểm là nổ súng, đó là nhà Trần Văn T., một sĩ quan Ngụy không tháo chạy, mà vẫn ở trong nhà ngay gần đầu chợ Bến Ngự. Dân báo cho chúng ta rất rõ ràng, cụ thể, ngay cả thế ngôi nhà Trần Văn T. đang ở. Ta gõ cửa, gọi Trần Văn T. hãy tỉnh táo trở về với cách mạng. Không những T. không trả lời, mà bắn súng đáp lại. Trước tình hình như vậy, được nhân dân đồng tình, bộ đội ta đã bắn vào căn buồng T. đang nấp một quả B40, T. chết. Có lẽ đó là cái chết duy nhất ở Huế khi chúng ta vào giải phóng cố đô này.

Trong khắp thành phố, chúng ta gọi loa và vận động nhân dân giúp giải phóng, kêu gọi Ngụy quân Ngụy quyền ra đầu thú, nộp vũ khí. Ngôi nhà số 5 Lê Lợi là nơi lực lượng an ninh, đứng đầu là ông Nguyễn Đình Bảy, ông ngồi trực tiếp ở đó để điều hành suốt quá trình đầu thú diễn ra. Những người đến đầu thú nộp vũ khí, ghi tên, địa chỉ vào danh sách, rồi được cho về với gia đình. Khi có việc gì chính quyền sẽ gọi.

Địch tuyên truyền bộ đội giải phóng về Huế sẽ có một cuộc trả thù đẫm máu. Nhưng những diễn biến xảy ra trước mắt, làm cho dân hoàn toàn yên tâm.

Loa công cộng, và ra-đi-ô tại các gia đình được thông báo hết sức cụ thể diễn biến chiến sự tại miền Nam. Đà Nẵng giải phóng, Nha Trang giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh được phát động. Quân ta tiến vào Sài Gòn. Và đúng ngày 30-4-1975 Sài Gòn giải phóng. Toàn miền Nam đã trở về với Việt Nam. Toàn dân thở phào. Những gì nín lặng lâu nay, ào ra sung sướng. Chính quyền mới ở các khu phố, phường tại Huế được tổ chức lại trên cơ sở kế thừa chính quyền cũ.

Một tin vui loang ra rất vui vẻ sau ngày 30-4 là ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam sẽ về Huế tổ chức mít tinh mừng ngày thống nhất nước nhà.

Nhân dân, đoàn thể nghe tin ấy rất vui. Song người lo nhất là lực lượng an ninh. Vì thành phố mới giải phóng, lực lượng phản động do địch cài lại đang nằm rải rác “bí mật” trong dân, liệu ngày vui ấy, chúng có hành sự gì không, chỉ cần một quả mìn nổ trong cuộc mít tinh thì quả là điều bất ổn.

Anh em an ninh thêm một lần nữa nắm chặt dân để nắm chắc những đối tượng nguy hiểm. Chính vì vậy mọi sự đều rất hài hòa.

Đúng ngày dự định, dân khắp nơi được tổ chức kéo về quảng trường Ngọ Môn. Dân Huế đều công nhận đã lâu lắm, Huế chưa có một cuộc mít tinh đông như thế.

Trên Kỳ đài Huế Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ xuất hiện, ông tuyên bố: “Việt Nam chúng ta đã hoàn toàn thống nhất, đã hoàn toàn độc lập tự do”. Nhân dân vỗ tay hoan hô như sóng dậy.

Đó là một trong những ngày vui nhất của Huế. Rõ ràng Huế đã trở về vui giữa cộng hòa.

N.Q.H
(254/04-10)




 

 

Các bài mới