Tạp chí Sông Hương - Số 254 (tháng 4)
Giọt úa đại ngàn
15:35 | 14/05/2010
VŨ TRƯỜNG GIANG     (Dự thi truyện ngắn sinh viên Huế)
Giọt úa đại ngàn
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Trong màn đêm, tôi bắt đầu cuộc sống chui lủi…

Bóng tối trùm lấy tôi giữa đồng hoang bơ vơ, chỏng chơ chiếc lều con dựng tạm bằng vài que củi mục và tấm vải chống thấm đã cũ sờn. Tôi loay hoay dựng chiếc lều rồi kiếm mớ củi khô, một ôm cỏ bằng con dao đi rừng dắt bên sườn mỗi khi tôi phải rời nhà vào rừng kiếm củi và săn thú. Trong lúc làm những việc đó thì bụng tôi sôi dữ dội, nó o ép, phát ra tiếng kêu làm tôi chột dạ trước một cuộc hẹn hò.

Rõ vớ vẩn cho một thằng thanh niên hư hỏng như tôi khi nghĩ đến hai tiếng hẹn hò. Nó làm tim gan tôi sôi lên bằng sự căm giận của trái tim si tình bị ruồng bỏ. Tôi chỉ còn có thể cảm nhận nó bằng màu đỏ úa và mùi tanh của máu.

Dẹp!

Xong việc, tôi ngồi trước cửa lều vỏn vẹn hai mét vuông ngai ngái mùi cỏ, nhìn ra chỗ mà người ta gọi là cánh đồng của thung lũng.

Tối. Đói. Lạnh.

Khuôn mặt trăng non hiện lên với cái cổ bị khoét một vệt dài…

Tôi lủi thủi gom mớ củi và cỏ rồi bật hộp quẹt. Ngọn lửa bốc lên. Bó gối, tôi trầm ngâm… Vơ lấy con dao và một cây củi dài, nghĩ rằng chỉ có nó mới cứu được tôi lúc này. Đồng hoang, tôi nghĩ đến những con chuột béo.

Tôi bật dậy, lao về phía bóng tối. Que củi trên tay tôi nện mấy phát xuống bụi cỏ. Một tiếng chítttt… thất thanh. Độ năm tiếng chít như thế, tôi thấy hả dạ trước những xác chuột.

Tôi xâu chúng lại rồi nướng trên lửa. Thịt chín. Tôi nhai ngấu nghiến từng miếng thịt cháy vàng nhưng thơm phưng phức. Mồm tôi như ngoác ra vì phải ngộm cả miếng thịt to. Tôi ăn vội đến nỗi chẳng thèm bỏ xương, cứ mặc cho chúng xóc vào cuống họng.

Tôi ôm lấy bóng đêm vào lòng, nó cũng thăm thẳm như tấm lòng giằng xé của tôi lúc này. Nhưng tôi vẫn thấy: Khuôn mặt trăng non hiện ra trước mặt tôi với cái cổ bị khoét một vệt dài… tanh máu…

Ăn mặt trời, tôi thấy mình bốc cháy

Đó là cảm giác mặt tôi bắt đầu nóng ran khi ngọn đuốc của một tên tóc xoăn dí sát. Hắn nói bằng thứ tiếng thổ ngữ loác choác với mấy kẻ xung quanh khiến tôi chẳng hiểu chúng nói gì. Bọn này mỗi đứa cầm một cây mác, vai mang cái nỏ bằng gỗ kiền đen bóng. Những mũi tên nhọn hoắt, vẻ ươn ướt cho thấy chúng đã được tẩm thuốc độc. Tôi sợ đến phát run, môi tôi mấp máy nhưng chẳng thốt lên một lời nào ra hồn.

“Đừng giết tôi!”

“Xin hãy tha cho tôi!”.

Trong đầu tôi chỉ có chừng ấy câu nhưng những nơ ron thần kinh bất trị chẳng làm cho thanh quản tôi phát ra tiếng. Đau khổ nhất của một người là không nói ra được những gì anh ta muốn trong khi có cái mồm hoàn chỉnh tuy rằng hai tay bị trói.

Tôi nghe tiếng mài dao. “Không, chẳng lẽ… đây là cái bộ tộc ăn thịt người ư? Điều này chỉ đúng với thổ dân châu Phi và vùng rừng rậm Amazone thôi! Xin đừng!”

Ngọn lửa lại dí sát mặt tôi. Quá kinh hãi, mắt tôi nhắm nghiền. Bây giờ tôi mới biết mình chẳng phải là gã lì lợm, chẳng sợ mùi tanh của máu như bấy lâu tôi được mệnh danh. Tôi ngửi thấy mùi khét của tóc cháy. Da mặt tôi nóng phừng lên, cảm giác như nó đang lột ra từng mảng, từng mảng nhỏ.

Hơi nóng luồn vào trong miệng tôi, khô khốc. Đầu tôi choáng váng. Hình như mặt trời đang nằm trong miệng tôi. Tôi ăn… mặt trời.

Nóng!

Tôi hét lên rồi bật dậy, người tôi khá hơn, không khí mát mẻ phả vào mặt. Tay tôi có cảm giác đang chống lên lớp cỏ mềm mềm, ươn ướt. Thấy lạ, tôi mở mắt ra… Trời trong xanh, nắng sớm chói chang. Cái lều tôi trở thành cái bể chứa đầy nắng.

“Đời là khốn nạn!” Tôi rủa thầm rồi bước ra khỏi lều.

Mười phút sau, đôi chân tôi đã sẵn sàng bước tiếp. Tôi cảm giác mình đang bị truy đuổi. Nhưng tôi khựng lại khi thấy dòng nước dưới chân mình thấm màu đỏ.

Không, nó chỉ nhiễm phèn.

Lương tri đánh thức, tôi bị trêu đùa…

Điều tôi gạt ngoài ý nghĩ của mình rồi cũng có lúc hiển hiện day dứt trong tâm can đầy vết sẹo của tôi. Tôi tự cảm thấy mình không phải là thằng quá khốn nạn để bị cái gọi là lương tri dày vò. Tôi sống bằng tấm lòng chân thật, không dối lừa ai, không phụ lòng ai. Thế mà cuộc đời đâu có cho tôi những giấc mơ được hiện thực hóa. Tôi ước có một gia đình sống trên miền sơn cước, giữa núi non trùng điệp, bao la bát ngát trời sương. Nhà tôi ở có dòng suối chảy qua, trong mát vời vợi. Tôi và vợ tôi sẽ trồng thật nhiều cây cối xung quanh, đặc biệt là trồng thật nhiêu hoa, biến nơi chúng tôi ở thành một thiên đường. À còn nữa, chúng tôi sẽ nuôi thêm nhiều con vật, đại loại là một đàn gà, một đàn vịt, một bầy dê, một bầy bò. Chúng tôi sẽ nghĩ đến chuyện sinh con. Các con tôi sẽ sở hữu được sức mạnh của cha nó, vẻ đẹp dịu dàng và quyến rũ của mẹ nó. Và đương nhiên, chúng cũng sẽ sở hữu thêm một chút hoang dã mà cả cha và mẹ nó đều có khi sống trên miền sơn cước vắng bóng người này. Đời sống có vẻ công xã nguyên thủy ấy đã hấp dẫn tôi tự thuở nào.

Thế mà chỉ là mộng ảo… Nàng từ chối tất cả.

Cuộc đời khốn nạn!!!

Tôi lê bước tàn tạ. Sự minh mẫn không còn ngự trị trong tôi. Tôi cứ đi, đi mãi, chỉ khi nào tìm thấy một thứ ánh sáng chân lí mà kẻ tội đày như tôi đang mắc phải. Tôi không còn  thấy đói khi không có gì trong bụng, tôi không còn thấy đau khi chân không có giày để mang, mà chỉ thấy nhói con tim đang co bóp để đẩy dòng máu hận thù úa ngập trong lòng tôi.

Giữa trưa, tôi dừng lại trước một ngọn núi um tùm những cây cổ thụ và dây leo, nó án ngữ giữa hai dãy núi dài. Tôi ngồi bệt xuống đất nhìn nó. Những ngọn cây rung lên như những thằng giật gân. Mây từ đâu sà xuống che mất ngọn núi. Thỉnh thoảng từ đó phát ra những tiếng rít, tiếng tỉ tê, ai oán. Lúc đầu do ánh nắng chói chang nên tôi nhìn chưa rõ những đốm nhô nhô dưới chân núi, giờ nắng nhạt đi, những nấm mồ hiện lên rõ mồn một. Tôi đếm có hơn 50 nấm mồ xây theo kiểu nhà mồ của người Tà Ôi. Đây là những ngôi mồ đã làm lễ bỏ mả, xây cất đàng hoàng và chôn theo cùng một hướng, sắp xếp ngay hàng thẳng lối như thể là hai hàng quân đang đón chào một đấng quyền uy.

Một cơn gió xoáy cuộn đến, cuốn tung bụi mù. Trong làn gió ấy toát lên mùi hương nhẹ nhàng, mùi của núi rừng. Lạ thay, tôi tửng tưng. Tay chân tôi run lên, không phải vì lạnh mà vì tôi sợ. Mồ hôi úa ra, rõ ràng tôi thấy những giọt mồ hôi của mình đỏ như máu, đỏ như mồ hôi của ngựa Xích Thố thời Tam Quốc. Mạch máu tôi bắt đầu nổi loạn, giật giật liên hồi.

Sương khói từ trong núi túa ra mù mịt. Tôi thấy nàng trong sương khói. Có phải nàng đó không? Sao… nàng lại khóc? Một làn sương khác dày hơn ùa đến, lấp đi tất cả. Tôi chẳng còn nhìn thấy gì nữa. Tôi dụi mắt, dụi mắt để nhìn cho rõ những gì đang diễn ra. Ở đây là nơi quái nào thế? Các người muốn đùa với ta à! Ta không sợ… ta chấp hết! Chấp hết!

Minh họa: Đặng Mậu Tựu


Một chuyện tình hoang dã, có tôi…

Mấy mươi năm trước, chiến tranh lan đến hầu khắp các vùng rừng núi phía tây của đất nước. Trường Sơn trở thành chiến trường ác liệt.. Thế mà có một vùng núi rừng còn hoang vu, chướng khí nặng nề, chẳng một binh đoàn nào dám bén mảng tới. Ở đấy chỉ có đồng bào Tà Ôi sống quần cư ở những bản làng heo hút. Ấy vậy mà một chàng trai làm nghề bốc thuốc đã lặn lội đường xa lên tận đây để hái thuốc. Chàng chẳng sợ bùa ngải, chẳng sợ sơn lam chướng khí mà chỉ sợ mình không tìm được cây thuốc quý đem về bào chế để cứu cha. Chàng xin ở nhờ dân bản và được tiếp đón niềm nở. Chàng cùng uống rượu cần, ăn thịt ống, cùng đi săn, cùng trỉa ngô với họ, giờ rảnh rỗi chàng đi khắp làng thấy nhà nào có bệnh thì vào bắt mạch chữa bệnh. Trong nhà chàng ở nhờ có cô A Miên đến tuổi cập kê, cảm mến trước tài năng và tấm lòng của chàng trai trẻ, cô bày tỏ tình cảm của mình với chàng trai. Quá bất ngờ trước tình cảm của cô gái, chàng trai lưỡng lự. Chàng vẫn chưa thực hiện xong nhiệm vụ của mình là phải tìm cho được cây thuốc chữa bệnh cho cha.

Ngày chàng hoàn thành nhiệm vụ khi lấy được cây thuốc trên ngọn Aquâr, ngọn núi có hình chiếc bánh cúng mùa lễ hội A Riêu, án ngữ hai dãy núi dài nhất của vùng này, chàng lẳng lặng bỏ về xuôi mà không chào dân làng và A Miên. Ba năm sau, chàng trai dẫn hai con bò và ba con dê tới cầu hôn theo tục lệ ở đây rồi ở lại làm rể dân bản. Họ sống bên nhau thật hạnh phúc và sinh ra một người con trai đặt tên nửa Kinh nửa Tà Ôi là Trần A Hợp.

… Hôm nay, đứa trẻ hợp huyết ấy đang đứng trước ngọn A Quâr để chửi lại tất cả quá khứ, nguyền rủa bao điều tạo hóa ban tặng cho nó.

Ngọn A Quâr rùng rùng như nổi cuồng phong. Nó ngơ ngác trước những nấm mồ tự dưng sống dậy 50 thân xác lực lưỡng vai đeo cung tên, tay cầm ngọn giáo loang loáng. Hàng lối chỉnh tề, nó nhận ra đó là những chàng trai thượng ngàn bản lĩnh, bàn chân hùng đã đi lở núi non. Bây giờ họ chằm chằm nhìn nó như thể đang dò xét. Cảm thấy sợ, nó thu mình ru rú. Nó dụi mắt rồi ôm mặt. Qua kẽ hở của những bờ vai vạm vỡ nó thấy…

Rơi lưới tình, tôi chìm nghỉm mộng mê…

Tôi không thể tin trên đời này có ma như kiểu dân trong bản. Cha tôi vì muốn tránh khỏi những tập tục dị đoan của dân bản nên cùng mẹ tôi xin ra bìa rừng ở một chỗ thoáng đãng, đất đai màu mỡ. Chỗ đất mà gia đình tôi sống phút chốc trở thành một nơi sầm uất sau khi một con đường lớn mang tên cụ Hồ đi qua. Và cũng chính trên con đường đó tôi quen nàng, một cô gái theo gia đình đi kinh tế mới. Nàng có làn da trắng mịn màng, đôi môi mọng nước, chiếc mũi cao thanh tú và đôi mắt, chao ôi là diễm lệ. Nàng đẹp mê hồn, tôi như kẻ mất trí khi đứng trước nàng. Tôi nghe thanh niên trong bản kháo nhau con gái dưới xuôi đẹp lắm, giờ mới tin là thật. Thế là tối nào tôi cũng qua nhà nàng. Hai tháng sau, chỉ cần tôi dùng con quẩy thổi là nàng đã ra đường với tôi rồi. Nghe theo mẹ, tôi bảo nàng phải uống nước thề với tôi để mẫu Thượng Ngàn chứng giám, ai bội ước sẽ phải chịu tội nặng. Một năm sau, cha mẹ tôi đi rừng gặp nạn, từ đó tôi không bao giờ thấy họ nữa. Tôi và dân bản đi tìm nhưng đáp lại chỉ là tiếng mưa gió đại ngàn. Có người bảo cha mẹ tôi vượt qua ngọn A Quâr rồi biệt tăm, chỉ biết rằng khi họ leo lên đó, trời tự dưng tối lại, mây ở đâu sà xuống, khi trời quang trở lại thì cha mẹ tôi đã đi hướng nào không ai rõ.

Một đêm trăng sáng, tròn năm cha mẹ tôi mất tích, nàng ngồi thủ thỉ bên tôi. Nàng mừng rỡ báo tin với tôi là nàng và tôi đã có tin vui. Ngờ nghệch. Tôi không hiểu tin vui là cái gì. Nàng chỉ vào bụng và nói:

“Tin vui của chúng mình là đây!”

Tôi quá bất ngờ. Tôi sắp có con rồi ư! Tôi báo tin đó cho ông ngoại và xin ông hỏi cưới. Lúc bấy giờ ông ngoại đã là già làng của bản. Ông nói đợi ngày lành rồi hay. Nhưng chúng tôi đợi mãi. Có lần tôi vào giục ông nhưng ông chỉ tay vào rừng sâu. Tôi tiu nghỉu ra về. Bốn tháng sau không thấy gia đình tôi có động tĩnh gì, nàng giận, không muốn gặp mặt tôi nữa. Thế rồi, nàng theo cha mẹ lên xe với một gã buôn chuối về dưới xuôi. Chiếc xe hoa bỉ ổi đã cướp mất người yêu của tôi. Tôi chạy theo nàng, nàng bảo:

“Tin vui này không phải là của anh.”

“Của ai, của ai…”

Tôi bàng hoàng, nàng đã quên nước thề với tôi rồi ư. Tôi thét lên giữa chiều giông mưa ướt, thét với mẫu Thượng Ngàn rằng tôi sẽ báo thù.

Trước những linh hồn, tôi chịu án…

Giờ thì nàng đứng sau vai những dũng sĩ núi rừng kia, tay nàng ôm đứa con quấn bằng tấm vải màu đỏ. Mắt nàng ướt nhưng sâu hoắm và tối đen. Một luồng bản năng chớp lên trong người, tôi chạy vào giành lấy đứa bé. Tôi mới nhớm người dậy thì một bàn tay đã ấn xuống vai tôi.

Tôi ngước mắt lên và đụng phải ánh mắt đặc màu lửa của một dũng sĩ. Tôi cố vùng vẫy, ánh mắt ấy bỗng chốc nóng rực, lửa xốc lên phừng phực.

Một tiếng hú kinh thiên từ đâu phát ra, tôi bịt tai lại bởi thanh âm dữ dội của nó. Lại một đám mây sà xuống. Trên đám mây chở ba người. Một người phụ nữ tóc xõa ngang lưng, đầu đội mũ dát bạc, cổ đeo vòng kiềng, mình mặc áo xanh, tay phe phẩy chiếc quạt lông chim. Hai bên có một lực sĩ tay cầm đao lớn và một nàng hầu tay cầm một lọ nước.

Hai dũng sĩ đứng cạnh bắt tôi quỳ xuống nhưng tôi cố ngước mắt lên để nhìn cho rõ người phụ nữ quyền uy mà tôi thấy rất đỗi gần gũi kia. Mặt người phụ nữ nhìn rất hiền từ, bao dung nhưng cương nghị. Bà cất tiếng trầm hùng như thanh âm của núi rừng:

“Ngươi đến đây làm gì? Ngươi muốn sám hối ư”

Tôi ngơ ngác:

“Thưa bà, con đi lạc.”

“Đi lạc? Đi lạc vào cõi mê chăng”

Tôi ngập ngừng không dám trả lời. Tôi cúi mặt xuống nhìn màu đất đỏ thẫm.

Nó nhìn ngọn A Quâr, nhìn vợ con, nhìn người phụ nữ uy quyền kia. Nó lại ôm mặt. Nó khóc, khóc thảm thiết, khóc như kẻ tội đồ muốn xóa nhòa tất cả quá khứ tội lỗi mà nó đã gây nên. Nó nhớ lại con dao đi rừng sắc bén, cán bằng gỗ trắc của nó. Phải rồi, nó đã gặp nàng hai năm sau khi nàng từ biệt chốn núi rừng này. Nàng đứng trong nhà, trước mặt nó và gọi tên:

“Anh Hợp”

Rồi buông câu mà nói ra nó sẽ rủa:

“Mẹ con em đã về đây”

Đôi mắt nó long lên như một con thú dữ:

“Đồ con đĩ! Cút!”

Nàng ôm con mà sững sờ. Người yêu của mình đây ư? Cha đứa con tội nghiệp này đây ư? Nàng lẳng lặng bước ra cửa. Ngoài trời mưa rơi tầm tã. Nàng ôm con đi vào phía rừng sâu. Hắn không nói một lời nào. Tay lăm lăm con dao rừng, đi theo. Nàng đội mưa đi đến triền núi rồi nhìn xuống vực sâu, nàng khóc. Hắn lao tới. Mưa to hơn, thấm thiết… Hắn nhét con dao vào lưng, vơ mấy tấm áo, lấy vội một ít lương thực rồi băng vào rừng…

Cuộc đời là sự giã biệt trong đoàn tụ khi tôi chịu hình…

Nàng bước gần đến bên tôi. Đứa con trên tay nàng cựa quậy. Nàng nhìn tôi, cái nhìn ướt át như thuở ban đầu.

“Anh…”

“Tại sao anh lại đối xử với em và con như thế? Ngày đó em phải về xuôi chỉ vì gia đình em phải trở lại quê nhà sinh sống, anh không cưới em, để em cô độc mang tiếng là chửa hoang. Anh buôn chuối chỉ là anh họ của em. Sao anh nỡ…? Giá như…” Rồi nàng lại khóc

Tôi hổn hển không nói nên một câu nào cho ra hồn cả. Tôi lẫn lộn… xe hoa và xe chuối…

Người phụ nữ có khuôn mặt hiền dung lại cất tiếng bảo nàng:

“Con, hãy tránh xa kẻ rắn độc kia đi.”

“Vâng, thưa Mẫu Thượng Ngàn!”

Gì chứ, bà ấy là mẫu Thượng Ngàn ư? Tôi có nghe lầm không!

Mẫu Thượng Ngàn nhìn tôi nghiêm nghị.

“Ngươi đã hại vợ con mình, ngươi phải chịu tội trước ngọn A Quâr này. Ngươi không xứng đáng trước nước thề của ta!” Nói xong bà hất lọ nước mà nàng hầu đang cầm xuống đất.

Một toán lực sĩ lao đến lôi tôi đi. Nàng khóc, đứa con nàng bồng trên tay cũng khóc ai oán. Một giọt ân hận nhỏ vào tim tôi. Tôi nghẹn.

Ngọn lửa trong hang động đỏ cháy phừng phực, ngọn đại đao của đao phủ bên Mẫu Thượng Ngàn đã sáng loáng lên, cung tên của các dũng sĩ đã giương sẵn. 

Một trận đau đớn lao đến thân xác tôi. Tôi thét lên vang dội giữa núi rừng…

*
Nhóm trinh sát của đồn biên phòng phát hiện ra đống tro nóng trong hang động dưới chân núi A Quâr. Một xác người chết cháy. Bên cạnh tử thi có một xấp giấy đầy chữ. Đọc thì đấy là một lời tự thú của kẻ sát nhân. Lời lẽ viết rất lạ lùng, hoang đường chẳng ai hiểu hắn đang nói gì. Kết luận cuối cùng cho hắn là một kẻ điên, hiếu sát, hung thủ của một vụ án giết hai mẹ con ở vùng này trong thời gian gần đây. Bà con ở gần bản biết tin chạy đến, họ sợ vụ cháy ảnh hưởng đến hương hồn của các dũng sĩ mà họ thờ phụng dưới chân núi, những người hy sinh vì đại nghĩa.

Hôm đó, gió cuốn rào rạt trên ngọn A Quâr linh thiêng. Người ta nghe thấy tiếng tru tréo than vãn, và thoang thoảng đâu đây những giọt hận sầu lan lan trên lá rừng...

V.T.G
(254/04-10)





 

 

Các bài đã đăng