Tạp chí Sông Hương - Số 136 (tháng 6)
Âm nhạc trong lễ cầu mùa của người Tà Ôi ở Thừa Thiên Huế
10:39 | 22/04/2010
DƯƠNG BÍCH HÀDân tộc Tà Ôi, cũng như các dân tộc cư trú dọc Trường Sơn, âm nhạc là một bộ phận thiết yếu trong đời sống văn hóa của họ, nó không chỉ mang chức năng giải trí đơn thuần mà gắn liền với tín ngưỡng, với đời sống tâm linh, là phương tiện để tiếp xúc với thần linh.
Âm nhạc trong lễ cầu mùa của người Tà Ôi ở Thừa Thiên Huế
Lễ cầu mùa của người Tà Ôi - Ảnh: maxreading.com
Vì thế, ngoài sự gắn bó mật thiết với sinh hoạt hằng ngày như khi lên nương rẫy, trai gái tìm hiểu nhau, những buổi nông nhàn... thì trong các cuộc lễ thần linh, dù nhỏ hay lớn, dù trong phạm vi gia đình hay làng bản, đều không thể thiếu âm nhạc. Âm nhạc đối với họ là nhịp cầu nối những cá thể lại với cộng đồng, nối cộng đồng này với cộng đồng khác, nối con người với tất cả thần linh trong trời đất, vậy nên, trong một số nhạc khí của người Tà Ôi như cồng còn mang ý nghĩa là “ vật thiêng”.

Sinh hoạt âm nhạc của người Tà Ôi khá phong phú về nội dung và thể loại. Bên cạnh các làn điệu dân ca như Cârlơi, Ba boih, Cha chấp... mà mỗi làn điệu đã trở thành một thể loại riêng, chia sự quy định của một số điều kiện trong môi trường diễn xướng, thể hiện, thì còn cả một danh mục phong phú nhiều chủng loại về nhạc cụ, như các loại Ân toong, Âng koai, Tirel, Areeng, Tằng gạt (hay Tựs) Abel, Khên, Târ Kòi, Târ lè, A kưr, Talee...

Dân tộc Tà Ôi thuộc ngữ hệ Môn- Khơmer, nằm trong khu vực đại gia đình Đông Nam Á, nơi được mệnh danh là vùng văn hóa đồng thau, tre nứa, nên các loại nhạc khí chủ yếu được chế tác bằng các vật liệu sẵn có này và đều mang đặc điểm của âm nhạc Đông Nam Á là chú trọng đến nhạc cụ gõ và hơi, cũng như theo một số nhà nghiên cứu, xuất phát từ sinh hoạt, triết lý, âm nhạc Đông Nam Á là chú trọng đến nhạc cụ gõ và hơi, cũng như theo một số nhà nghiên cứu, xuất phát từ sinh hoạt, triết lý, âm nhạc Đông Nam Á (kể cả phương Đông) vì đề cao tập thể nên thường lấy hòa tấu làm căn bản, ít độc tấu.

Ở Thừa Thiên Huế, huyện A Lưới là địa bàn tập trung đông nhất trong suốt cả địa vực cư trú liên tục của người Tà Ôi từ Nam đường 9 huyện Hương Hóa, Quảng Trị trở vào.

Là cư dân nông nghiệp làm nương rẫy, tự sản xuất lương thực để nuôi sống mình. Vì vậy trong các hội lễ, lễ cầu mùa (Azakoonh) là một hội lễ quan trọng nhất, không những để cầu được mùa mà còn là một lễ cầu an cho toàn làng bản, lễ hội lớn thường gắn với tục đâm trâu... Trong lễ hội này, âm nhạc là một bộ phận không thể tách rời với các bước của hội lễ.

Khảo sát trong một lễ hội cầu mùa lớn tại làng Quảng Mai, A Ngo, A Lưới Thừa Thiên Huế đầu năm 1999 chúng tôi thấy một số thành phần nhạc cụ gõ và hơi sau đây:

1. Các nhạc cụ gõ.

Akưr: Là một loại trống, vật liệu chế tác là gỗ, hai mặt bịt da trâu và làm căng mặt trống bằng các sợi mây níu 2 mặt lại với nhau. Hình dáng như trống cơm nhưng kích thước lớn hơn. Dùng 2 trống tạo khoảng 4 khá rõ.

Cách diễn tấu: Đánh bằng dùi gỗ. Có khi bàn tay trái bịt mặt trống để tạo nên âm sắc khác. Nếu chỉ hòa nhạc thì chỉ một người mang bằng cách quàng dây vào vai, còn nếu dàn nhạc ở trong đội hình múa thì phải 2 người khiêng, người đi sau đánh. Trong dàn nhạc, trống chủ yếu là cầm chịch về nhịp độ. Một chi tiết đáng lưu ý, là trong khi diễn tấu, nhạc công không bao giờ ngồi, mà luôn đứng và nhún nhẩy theo nhịp điệu, một đặc tính của âm nhạc Đông Nam Á là tồn tại luôn gắn liền với các loại hình nghệ thuật khác như múa, sân khấu...

Târ lè Târ le: là cồng, được chế tác bằng đồng, loại có núm và loại phẳng. Nếu sử dụng 2 chiếc (1 núm, 1 phẳng) thì cồng phẳng cách một khoảng 5 cao hơn. Nếu sử dụng thêm một cồng có núm nữa, thì sẽ là cái lớn hơn trầm hơn, cách âm giữa một khoảng 3 trưởng và cách âm cao một khoảng 7 thứ.

Cách diễn tấu: Đánh bằng dùi gỗ bọc vải mềm (đối với cồng núm), hoặc bằng nắm tay phải. Thường người đánh xách cồng bằng tay trái và một người chỉ sử dụng một chiếc như người Mường và một số tộc người ở Tây Nguyên chứ không treo vào giá gỗ, hoặc đặt vào giá mây như kiểu các dàn cồng hải đảo và dàn cồng các dân tộc thuộc Đông Nam Á lục địa (Thái Lan, Lào, Campuchia...)

Lúc cần thiết, để tạo âm lượng lớn, ngân vang thì đánh trực tiếp vào mặt cồng, nhưng thường là dùng kỹ thuật bịt bàn tay lên các vị trí trên mặt cồng (đối với cồng phẳng), để tạo được nhiều âm khác nhau trong các hình tiết tấu ở nhịp độ nhanh. Kỹ thuật này làm mờ đi màu sắc kim khí, tiếng cồng mềm hẳn và thấp thoáng có tính giai điệu.

Crờ Nhoong: Gồm một cặp bằng đồng, hình dáng như nhạc cụ gõ sym- bale (xập xỏa) nhưng nhỏ hơn nhiều, đường kính khoảng 6- 8 cm, giữa có núm và lỗ xâu giây để quàng vào cổ (2 cái 2 đầu). Hai tay cầm 2 cái gõ vào nhau.

Câr Đing: là một loại chuông nhỏ gồm 1 cặp bằng đồng, không tác động bằng dùi gõ mà cho va chạm vào nhau để phát âm. Người sử dụng cầm 2 chiếc ở tay phải và rung mạnh.

Câr Nhàng: Lục lạc nhỏ, trước làm bằng vỏ quả khô có chứa hạt, nay đúc bằng đồng, trong có hạt đồng, khi lắc phát ra âm thanh. Thường để buộc vào đuôi kiếm của chủ lễ. Ngoài ra có loại khác cũng làm bằng đồng, nhưng lớn hơn, hình nửa bầu dục như một loại chuông nhỏ, trong lòng có gắn quả lắc như mõ buộc cổ trâu, bò. Hiện thấy buộc vào khiên của chủ lễ, phía trong chỗ tay cầm để khi lễ, làm động tác thì phát ra âm thanh như cặp lục lạc ở chuôi kiếm lễ.

Tưs (I ríu hoặc Tằng gạt); Trước làm bằng quả cây khô có vỏ cứng và hạt cứng. Các quả khô đó được buộc vào một vòng tre treo ở đầu gậy, khi dập gậy xuống đất phát ra âm thanh vui tai.

2. Các nhạc cụ hơi:

Khên (Khèn bè): gồm những ống nứa nhỏ xếp thành hàng. Có tất cả 6 hàng ống xếp so le: Hàng ống dài nhất gồm 4 ống dài khoảng 55- 60 cm, 5 hàng còn lại mỗi hàng 2 ống, ngắn dần đến hàng ngắn nhất là khoảng 30- 35 cm. Các hàng ống này được bó lại bằng những sợi dây mây tước nhỏ. Miệng thổi cách đầu khoảng 15 cm, cách 2 cm trên 2 ống dài nhất có 2 lỗ bấm (dùng 2 ngón tay cái). Mỗi bên trái, phải đều có 5 lỗ nhỏ. Có thể thổi hoặc hít vào đều phát ra âm thanh. Do kỹ thuật diễn tấu, một lúc có thể phát thành chồng âm, mà phổ biến là một bè đi giai điệu, một hoặc hai bè khác trì tục. Đây là loại nhạc khí phổ biến của các cư dân Đông Nam Á lục địa, nhưng Khèn của người Tà Ôi khác với Khèn Mèo (miền Bắc Việt Nam) là không dùng quả bầu làm hộp cộng hưởng, khác với Khèn một số dân tộc ở Tây Nguyên mà gần với Khèn Thái và Lào về số lượng ống: Khèn Thái và Lào gồm 12 ống nhưng Khèn người Tà Ôi gồm 14 ống.

Khèn có thể hòa tấu với các nhạc cụ trên, nhưng phổ biến hơn cả là đệm cho hát.

Târ Kòi: Tù và, được làm bằng sừng trâu. Lỗ thổi đặt cách chóp nhọn của sừng trâu khoảng 10 cm, phía trong của vòng cung, Cầm thổi ngang, thổi và hít vào đều phát ra âm thanh.

Ngoài các nhạc cụ được dùng trong lễ cầu mùa vừa nêu trên thì tại nhà của một nghệ nhân (là chủ lễ cầu mùa năm 1999) còn có một số nhạc cụ đặc biệt khác do cụ chế tác và gìn giữ như:

Ân toong: Đàn mộc cầm (Xylophone), là loại đàn gõ bằng gỗ. Gồm 7 thanh gỗ treo vào giá gỗ, các thanh gỗ được buộc và treo bằng dây như đàn gõ bằng tre ở Tây Nguyên (T rưng). Các thanh gỗ đều lớn bằng bắp chân người lớn, thanh dài nhất khoảng 55- 60 cm và treo ở dưới cùng. Mặc dù 7 thanh nhưng do nhắc lai quãng 8 nên chỉ còn 4 âm không có bán âm. Mặt trước các thanh gỗ được vạt phẳng, có thể việc vạt nông hay sâu là cũng để định cao độ khi chế tác. Người diễn tấu ngồi đánh bằng một dùi gỗ. Theo giáo sư Trần Văn Khê, loại đàn này được ông xếp vào nhóm “ nhạc cụ gõ ra giai điệu” và chỉ có Thái Lan, Căm-puchia, Miến Điện, Inđônêsia, nhưng các phiến gỗ nhỏ hơn và có từ 17 đến 21 thanh gỗ sắp xếp trên giá hình chiếc thuyền. Ở Việt Nam không có loại nhạc cụ này.

Ta lee: là một loại tiêu thổi dọc, đầu có gắn 2/ 3 quả bầu khô để làm hộp cộng hưởng.

Tirel: cũng là loại tiêu thổi dọc, Có 2 loại ngắn và dài. Loại ngắn khoảng 20 cm, loại dài khoảng 30- 35 cm.

Các nhạc cụ được dùng trong lễ cầu mùa nêu ở trước đều được dùng trong các cuộc lễ lớn, nhỏ với hình thức hòa tấu.

Trong lễ cầu mùa đầu năm 1999. Trong các tiến trình của lễ xin đất chôn nọc buộc trâu, lễ khấn cầu mùa (Tà nêm azakonh) và đặc biệt là lễ đâm trâu... nhạc được tấu lên thứ tự gồm các khúc sau:

 “ Roong hêl tâm moi” (mừng khách) tiết tấu nhanh, vui tươi rộn ràng. Các thành viên sử dụng nhạc cụ đều nằm trong đội hình múa đi vòng tròn theo nhịp trống. Xong khúc nhạc đầu là tiếp vào khúc “ Palư tâm moi” (vui cùng khách) tiết tấu khoan thai hơn, như lời mời trân trọng cùng khách vui chơi, ăn uống.

Tiếp đến là khúc “ Tặc ân toch tôr” (thi đấu) dành cho người già đấu lý với nhau bằng lời lẽ, người trẻ đấu với nhau bằng tài năng, sức mạnh và sự khéo léo.

Cuối cùng là khúc “ Đăng tâm moi vel cho ăt se” (tiễn khách) vui vẻ, mãn nguyện, lưu luyến, hẹn hò.

Cả 4 khúc nhạc trên được gộp lại đánh trong khi tế lễ, khi vào hội và luôn được kết hợp với nhảy múa như một thể thống nhất. Mỗi cuộc lễ đều được tấu đi tấu lại nhiều lần. Giai điệu mộc mạc, đơn sơ nhưng tiết tấu chắc, ít biến hóa, tạo nên sự khỏe mạnh hùng tráng, mặc dù tính chất hòa tấu mang nhiều nét ngẫu hứng của từng cá nhân, 4 khúc nhạc trên, theo thứ tự chúng ta thấy bóng dáng của trình thức đối ca trong dân ca Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á, là các giai đoạn: Chào hỏi, hát đố, hát tiễn. Nhịp độ căn bản của mỗi khúc liên khúc” nhanh- chậm- nhanh vừa- chậm. Ở váv khúc chậm, tiết tấu rất rõ nét bằng các âm hình đơn giản với loại nhịp phân đôi, các khúc nhanh và nhanh vừa chuyển qua loại nhịp một (1/ 4). Trống giữ vai trò cầm nhịp, chuông, lục lạc, tằng gạt (Tưs)... phụ họa theo, còn chiêng cồng thì điểm 2 âm cách nhau khoảng 5, hoặc điểm 3 âm cách nhau khoảng 3, khoảng 5 và khoảng 7 (La- đô- son). Giai điệu thô sơ, dễ nhớ được phụ họa khèn, tù và một cách tùy hứng, nghịch ngợm cũng như tiếng hú hét của nhạc công và đội múa. Đặc biệt trong lúc đâm trâu, khi ngọn lao của già làng đâm trúng điểm qui định, có nghĩa là con trâu sẽ phải gục chết thì tiết tấu được tăng lên, dồn dập hơn, cường độ mạnh hơn, tiếng hú hét cũng nhặt hơn theo nhịp chân nhảy múa khẩn trương dần theo đội hình di chuyển ngược kim đồng hồ với các điệu múa cố định như YaYả, Pa dứt Tiría, Răm.

Biên chế đội nhạc gồm: 1 khèn, 2 trống, 2 cồng, 1 tù và các loại tằng gạt (Tưs), chuông, lục lạc, crơnhong ai chơi tùy thích.

Các thể loại dân ca sử dụng trong lễ này không nhiều. Có thể không khí linh thiêng của cuộc lễ chỉ phù hợp với âm nhạc cồng chiêng. Dân ca là những khúc hát tâm tình, môi trường diễn xứng của nó không phù hợp các lễ nghi mang tính chất tín ngưỡng này.

Tuy nhiên, một thể loại là “ Cà- lơi” (Tặc câr lơi) thì phạm vi diễn xướng rộng rãi hơn, và đã tham gia vào quy trình của lễ hội Azakoh. Calơi là thể hát dành cho người có tuổi được hát trong các buối uống rượu cần, hội lễ hay những lúc nông nhàn, bến bếp lửa hồng. Nội dung Calơi nghiêng về lý trí: Khuyên răn, phê phán, giáo dục con cháu về sự tích dòng tộc tổ tiên... để gắn kết mọi người lại với nhau trong cộng đồng. Khi họ hát “ Calơi”, trống và cồng đệm giữ nhịp, nhưng người hát bằng vào một cách tự nhiên không gò bó và câu nệ cao thấp. Họ hát lơi nhịp, tự do, phóng túng. Âm vực 1 khoảng 5 và chỉ gồm 4 âm:

            Vơ, vơ, vơ... chơ vơ, vơ
            Zăp ke pâr ddư lỳ I thưh
            Pâr hưl lỳ I kiêt...
            (Anh cao tuổi, anh thấp tuổi, có anh nhỏ hơn
            Chúng ta đều là anh em
            Chúng ta đều là con của núi rừng
            Chúng ta như người trong một nhà
            Bản làng ta giàu có
            Hãy vui nhiều hơn nữa
            Ăn mừng gạo thơm cơm mới
            Ăn mừng anh em ta)
            (Pơ lang Mừng
dịch thoát)

Bài “ Calơi” trên được cụ Quỳnh Hầu hát ở giai đoạn cuối của lễ hội cầu mùa, khi đã chia phần thức ăn, trao chiêng cồng, vải thổ cẩm (Yèng) giữa chủ làng và khách làng bạn, trước khi chia tay, tiễn khách. Khi hát có phụ họa bằng những động tác múa đơn giản.

Một thể loại khác không sử dụng trong các quy trình hội lễ này, nhưng trong những lúc ăn uống, vui chơi cũng được hát. Đó là điệu Ba bói (Ba boih). Thể hát này không cần nhạc đệm, “chỉ hát vừa đủ nghe, dùng để hát trên đường đến nương rẫy, dành cho những người đã có gia đình. Nội dung tâm sự, bàn bạc công chuyện làm ăn, kinh nghiệm trong sản xuất và đời sống” (1). Âm nhạc có tính tự sự, tâm tình, nhịp điệu tự do như thể hát ru.

Amiêng! Amiêng! I rô ân tre tôs ly zê cân ninh
Amiêng Amiyêng nhăng amiêng khoi pâr lả lai, pâr thai thia...

(Anh ơi, anh ơi chúng mình thương nhau nhiều như cây rừng, trong như nước suối ngoài bản. Đừng lìa xa anh ơi...)

Điệu Ba boih trên là bài “ Trinh târ măng) do Pơ lang Mừng dịch thoát.

Điệu hát và cách hát của người Tà Ôi rất tự nhiên, không gò bó, thậm chí lúc hai người hát đối đáp trong thể hát giao duyên (thể loại Cha chấp) ai hát cao thấp tùy ý, nhịp điệu buông lơi tự nhiên như tính chất kể chuyện, tâm tình. Chủ yếu là lấy hơi ngực, cuối mỗi câu thường thả vuột hơi xuống như bị hụt hơi, cao độ cũng trượt xuống theo. Giai điệu tuy mộc mạc, đơn sơ nhưng nhờ luyến láy, nhấn nhá tạo nên được phong cách đặc biệt, âm hưởng thiên về sắc thái mềm, tối của điệu thứ (mineur) nhưng không có sự ổn định về độ cao trong thang âm nên nghe lơ lớ.

Nhìn chung, âm nhạc của người Tà Ôi, nhạc hát cũng như nhạc đàn mang đậm dấu ấn thiên nhiên và cuộc sống bộ tộc: hoang sơ, đơn giản, mộc mạc, trữ tình và trầm hùng. Tiết tấu không nhanh lắm nhưng rộn ràng, ưa sử dụng loại nhịp chẵn có trọng âm rõ ràng, ít biến hóa, chỉ thỉnh thoảng có đảo phách. (Đây có thê là đặc tính của cư dân Đông Nam Á xuất phát từ tâm lý khi tiếp xúc với tự nhiên nên thường hay sử dụng loại nhịp chẵn, nhịp phân đôi, nó phù hợp với tự nhiên hơn là loại nhịp ba, mà một số nhà nghiên cứu cho là loại nhịp nhân tạo). Giai điệu các điệu hát thường đóng khung trong một âm vực hẹp với thang 4 hoặc 5 âm không có bán cung, và có thể, đó là thang âm do 1 quãng 8 chia làm 5 cung đồng đều như ý kiến của GSTS Trần Văn Khê khi nói về đặc điểm chung của thang âm các nước Đông Nam Á.

Có thể ngày xưa, trong không gian nguyên sơ với nhà sàn và bếp lửa hay bên bờ suối róc rách, trong sự âm u hùng vĩ của núi rừng Trường Sơn, lời hát của họ cất lên nghe rất huyền bí, đầy ma lực nhưng lại rất thân thiết gần gũi. Họ hát mà như nói với nhau, như nắm tay nhau kéo lại, như kể cho nhau chuyện ban sáng, ban trưa, như nói về nhau chuyện ngày mai, nói về niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc, khổ đau của cuộc sống... từ đó âm nhạc của họ sinh thành nên cho đến ngày hôm nay.

Là những cảm nhận phác thảo ban đầu về âm nhạc của người Tà Ôi, thông qua sinh hoạt âm nhạc của lễ hội Cầu mùa. Vì vậy, không thể đầy đủ được khi chưa tiếp cận hết với mọi thể loại, cũng như mọi hình thái diễn xướng dân gian vốn rất phong phú của người Tà Ôi ở Thừa Thiên Huế.

D.B.H
(136/06-00)



Các bài mới
Lời dâng (26/04/2010)
Vườn hoang (26/04/2010)
Các bài đã đăng
Lời thanh minh (22/04/2010)
Đêm thánh nhân (22/04/2010)