Tạp chí Sông Hương - Số 138 (tháng 8)
Những người giữ rừng bắc Hải Vân
15:09 | 14/05/2010
NGUYỄN KHẮC PHÊGọi là “một ngày”, nhưng có nhiều cách tính. Thông thường, đó là quãng thời gian từ sáng đến tối; với các công chức thì chỉ gọn trong “8 giờ vàng ngọc”.
Những người giữ rừng bắc Hải Vân
Đèo Hải Vân - hanhtrinhxanh.net
Ấy là ở những đơn vị thực sự có công việc, chứ không ít nơi, trong khoản “vàng ngọc” ấy, thì giờ dành cho việc tán gẫu, rủ nhau đi ăn uống, đánh bài... cũng chiếm phân nửa! Vậy nên mới có chuyện nhất thiết phải tinh giản biên chế! Còn “một ngày” với ý nghĩa là đơn vị đo thời gian thì đương nhiên là gồm 24 giờ, hoặc là 1/365 của một năm.

Không phải bỗng dưng tôi nói dông dài về một đại lượng đo thời gian mà nhiều khi vèo qua trong chớp mắt. Chỉ vì tôi vừa được sống một ngày thật sự có ý nghĩa với những người anh hùng ở bắc đèo Hải Vân. Và ở đây, thời gian như là một nhân chứng lịch sử trung thành về những thành bại và nỗi thăng trầm của một vùng đất đã nổi tiếng từ lâu với Hải Vân - “đệ nhất hùng quan”, với Bạch Mã, Lăng Cô, đầm Cầu Hai và nhiều địa danh khác.

Thực ra thì tôi đã lỡ mất những giờ đầu tiên của một ngày, tuy sau đó, tôi đã tìm cách bù lại. Một ngày ở đây tính từ sau nửa đêm, nói chính xác là sau 12 giờ đêm. Vào những phút đầu tiên của một ngày mới ấy, khi máy điện thoại trong phòng trực ban Hạt Kiểm lâm Phú Lộc ở tầng 1 báo tin có một xe chở đầy gỗ vừa vượt qua X. và lập tức các chiến sĩ kiểm lâm chuẩn bị vào vị trí chiến đấu thì ở tầng 2, trong phòng Hạt trưởng Võ Văn Dự, tôi lại thản nhiên ngồi đàm đạo chuyện đời với “trại chủ” Minh Ngọc. Anh vốn là một thầy giáo dạy toán giỏi nổi tiếng không chỉ ở Phú Lộc, là bạn thân với anh Dự và tình cờ lại là người bà con với tôi. Đây là một con người rất độc đáo - anh thừa sức hốt bạc triệu ở các lò luỵên thi đắt giá, nhưng không chấp nhận người thầy lại đi “bán chữ”, từng muốn noi theo nhà giáo dục danh tiếng Ma-ca-ren-cô, kết hợp với Hạt Kiểm lâm tổ chức lao động, học tập cho nhiều học sinh “cá biệt” và đến nay không ít người trong số đó đã thành những cán bộ có uy tín; anh đã giúp cài đặt chương trình công tác quản lý bảo vệ rừng cho hệ thống máy vi tính của Hạt Phú Lộc, thông thạo việc chọn giống, quản lý trang trại mà cũng có thể trực tiếp lái máy cày... Thầy Minh Ngọc có thể là nhân vật chính của một tiểu thuyết, nhưng ở bài viết kịp thời này, anh chỉ xuất hiện trong vai người bình luận. Tôi nhắc đến nhân vật này cũng vì nhớ một danh ngôn đại ý: “Anh hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ nói anh là người như thế nào.” Chỉ riêng việc những người kiểm lâm ở đây kết thân với một thầy giáo từng nổi tiếng về thành tích “trồng người”, nay là “tay” sử dụng máy vi tính có hạng, cũng là một sự lạ làm rõ thêm phẩm cách người anh hùng. Xin nói luôn là cả anh Dự cũng chỉ là “nhân vật” phụ trong bài viết này. Tuy đã có bằng đại học lâm nghiệp và đại học luật trong tay, anh đang dự đợt tập trung lớp cử nhân chính trị do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mở tại Huế. Anh bảo tôi: “Tiện lúc nào, anh cứ về. Tất cả đã có quy chế chặt chẽ, đã thành nề nếp, không có em, mọi việc vẫn trôi chảy. Mà anh có viết gì, xin đừng viết về em, kẻo rồi...” Anh không nói trọn câu, tôi cũng hiểu “nỗi khổ” của những người lãnh đạo các đơn vị nổi tiếng. Nhưng rồi tôi lại gặp anh tại Phú Lộc. Anh đã hẹn dẫn đoàn cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh đi thăm mô hình trang trại sản xuất của công nhân viên chức, nên phải bỏ một ngày học trở về đơn vị. Trụ sở của Hạt đang sửa chữa, trong phòng Hạt trưởng, tôi là người cao tuổi được ưu tiên nằm giường gỗ, còn anh và Minh Ngọc ngả lưng trên chiếc giường xếp...

Tôi tỉnh dậy khi chân trời phía cửa Tư Hiền sau dãy núi Rẫm và Linh Thái đã ửng hồng. Từ trên hành lang tầng 2, tôi đang mê mải ngắm bức tranh thiên nhiên đủ màu sắc không ngừng biến hóa bên đầm Cầu Hai, chợt có tiếng nói dịu nhẹ phía sau:

- Anh đã dậy...Hồi đêm có một vụ, nhưng biết anh thức khuya nói chuyện với thầy Minh Ngọc...

Nghe Trưởng Bộ phận Pháp chế Cái văn Quát kể lại vụ bắt gỗ lậu đêm qua (đó là nói theo thói quen, còn chiếc xe bị giữ lại lúc 2 giờ sáng, tức là đã thuộc một ngày mới), thấy tôi tỏ ý “tiếc rẻ”, Minh Ngọc vừa ngôi dậy trên giường bạt, chiếc màn xanh quấn ngang tấm lưng trần đen bóng, góp lời :

- Tiếc gì chú! Ở đây việc đó như cơm bữa. Nhưng theo cháu, chú nên nói những điều mà bản thành tích đơn vị anh hùng chưa chắc đã diễn tả được rõ nét. Đó là việc làm thay đổi hẳn cách nhìn về người kiểm lâm, là những giá trị nhân văn đằng sau những con số...

Phải! Những con số thì chỉ cần xem bản thành tích với 10 phụ biểu kèm theo là có đủ. Trong thời kỳ đổi mới (1986-1999), Hạt đã giao được 5.467 ha đất trồng rừng cho 3.551 hộ...; toàn huyện trồng mới được 13.821 ha rừng các loại thì Hạt chỉ đạo trồng 11.415 ha, chiếm 82,59%, trong đó, rừng do Hạt trực tiếp tổ chức trồng, chăm sóc và bảo vệ là 3.465 ha... Thông qua tỉa thưa và khai thác rừng trồng đã thu hoạch được hơn 4 vạn m3 gỗ nguyên liệu giấy và 2 vạn m3 gỗ củi gia dụng, góp phần giảm sức ép khai thác gỗ, củi ở rừng tự nhiên...Từ chỗ toàn huyện có độ che phủ 25% (năm 1986), đến nay đã nâng độ che phủ của rừng lên 57% góp phần đáng kể cải thiện môi trường sinh thái trong vùng... Trong 10 năm qua đã lập biên bản 4.093 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 6.446 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách gần 10 tỷ đồng (riêng 3 năm 1997- 8/1999 thu nộp ngân sách hơn 5 tỷ đồng, trong đó nguồn gốc lâm sản từ ngoài huyện chiếm tỷ lệ 77%...

Còn nhiều những con số đáng kể khác nữa. Ít có Hạt Kiểm lâm nào lập được những thành tích nhiều mặt như thế. Tuy vậy, như “trại chủ” Minh Ngọc bình luận, tìm đến những giá trị nhân văn đằng sau các con số, gặp gỡ những con người ở đây vẫn thú vị hơn. Đối với một đơn vị kiểm lâm, điều này càng có ý nghĩa. Đã từ lâu, do đặc tính công việc và cả vì một số nhược điểm, tiêu cực trong ngành, kiểm lâm là một trong số ít lực lượng có trách nhiệm thực thi pháp luật nhà nước bị không ít người oán ghét. Trước mắt họ, kiểm lâm là những người có bộ mặt “sắt” lạnh lùng, chỉ biết chặn bắt, phạt, tịch thu, nếu đương sự không chịu hối lộ! Một quan niệm làm đau lòng những người kiểm lâm chân chính. Đau lòng vì bản thân bị “oan”, cả vì ở một số nơi, đã có cán bộ mang sắc phục kiểm lâm phải ra trước vành móng ngựa!

Những người giữ rừng bắc Hải Vân, bằng những nỗ lực bền bỉ trên nhiều “mặt trận”, đã thay đổi hoàn toàn quan niệm ấy.

Ngay sau phút đón bình minh trước căn phòng người Hạt trưởng, tôi đã nhận ra điều mới mẻ này khi bước ra phía sau căn nhà. Dấu tích cuộc chiến hồi 2 giờ sáng là một chồng gỗ ván xếp cao bên cạnh chiếc xe tải mang biển số một tỉnh phía Bắc đang bị tạm giữ ; người tài xế mắc võng trong buồng lái vẫn còn ngủ say. Võ Văn Dự cùng “đi dạo” với tôi. Anh hầu như không để ý gì những “chiến tích” đang bày ngổn ngang khắp khoảng sân rộng, dẫn tôi ra vườn ươm cây giống. Vườn được rào kỹ xung quanh, dưới mái lán là những vòm ni lông theo kiểu “lồng kính” che kín các luống cây vừa nẩy mầm. Cơ sở vật chất còn khiêm tốn, nhưng một đơn vị kiểm lâm mà có bộ phận nghiên cứu kỹ thuật giống cây trồng thì quả là chuyện hiếm. Anh Dự vừa vén một cửa vòm, vừa nói:

- Đáng lẽ Hữu Hùng đưa anh xem, nhưng cậu ta đi Hói Mít từ mờ sáng rồi. Trong ấy cũng có một vườn ươm... Đây là giống phi lau Trung Quốc, ươm theo kiểu vô tính...

Ở Hạt Kiểm lâm Phú Lộc, khi nhắc tên “Hùng” đều kèm tên lót vì trong số 35 cán bộ, có đến 5 người tên Hùng và đều là kỹ sư, trong đó, Trưởng Trạm Thủy An bên cạnh Suối Tiên mang tên “oai” nhất: Thân Trọng Anh Hùng! Ba “Hùng” còn lại là Lê Hùng - Bí thư Chi đoàn Thanh niên; Cái Thanh Hùng - Trạm trưởng Trạm Hói Mít và Quốc Hùng - Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng Lăng Cô. Anh Dự giới thiệu sơ lược về các “anh Hùng” của mình rồi nói qua cho tôi biết cách giữ độ ẩm, nhiệt độ, pha thuốc kích thích AIA để nhân giống vô tính, cách tạo giống “siêu trội” với rất nhiều tên cây, từ keo lá tràm, keo tai tượng đến sao, dầu... Vị thủ trưởng đơn vị kiểm lâm thích thú nói về việc ươm cây, chọn giống như một nhà khoa học trồng rừng có nhiều kinh nghiệm;còn tôi lại rất thú vị nghĩ đến cách chọn người, “trồng người” của anh. 5 kỹ sư tên Hùng hội tụ trong một đơn vị anh hùng chưa hẳn là sự tình cờ ngẫu nhiên. Mà đâu chỉ 5 kỹ sư tên Hùng. Hạt Phú Lộc từ chỗ chỉ có 1 cán bộ có trình độ đại học năm 1990, đến nay đã có 13 người. “Đất lành chim đậu” mà! Cứ giả như Hạt Kiểm lâm Phú Lộc chỉ chăm chăm vào việc chặn bắt gỗ lậu thì hẳn là cần những bộ “mặt sắt” lạnh lùng hơn là những gương mặt kỹ sư trẻ đẹp trai, hiền lành như tôi đã gặp.

Kể ra, nếu cứng nhắc theo “sách vở” thì việc kiểm lâm lại đi lo chuyện chọn giống, trồng rừng là trái ngành nghề, là đá bóng lạc sân. Bây giờ thì đó là nét đặc sắc của đơn vị anh hùng này, nhưng thoạt đầu, chưa phải ai cũng ủng hộ. Thầy Minh Ngọc “bình luận” sự kiện này bằng một hồi ức:

- Chú biết không, mươi năm trước, có lần cháu thấy anh Dự khoanh tay đứng nhìn mấy người dân vác những “chang” gỗ chặt trong rừng ra, liền hỏi: “Kiểm lâm thấy thiên hạ phá rừng mà không bắt à?” Anh Dự đáp, không phải với giọng hách dịch của người có quyền thực thi pháp luật (như không ít người quan niệm) mà đầy vẻ đau khổ: ”Bắt, phạt thì dễ, nhưng nhà thiếu việc làm, thiếu miếng ăn, ngày mai họ lại vào rừng...” Từ đó mà các dự án trồng rừng, xây dựng vườn ươm cây giống được triển khai. Người dân từ chỗ phá rừng đổi lấy miếng ăn đã biết cách trồng rừng để sống. Bản thành tích chắc đã nêu đủ các con số làm lợi, nhưng còn sự đổi thay này rất có ý nghĩa: khi con người ta biết công phu chăm sóc một mầm non trở thành cây gỗ sử dụng được thì sẽ không nỡ chặt phá rừng bừa bãi.

Vậy là ở đây, không chỉ thay đổi được quan niệm về người kiểm lâm mà đã thay đổi được cả nếp sống của hàng vạn con người đã bao năm chỉ biết cách làm cho rừng cùng kiệt.

Nếu theo giờ hành chính, ngày làm việc chưa bắt đầu mà tôi đã thu lượm được bao điều mới lạ ở đây. Tại Trạm Thủy An và Xuân Lộc - hai “điểm” tham quan cùng Đoàn cán bộ Liên đoàn Lao động Tỉnh trong buổi sáng ấy, những điều tôi vừa cảm nhận đã được chứng minh bằng thực tế.

TrạmThủy An là một căn nhà ngói xinh xắn dựng ngay cửa rừng dãy Răng Cưa, bên đường vào Suối Tiên, một điểm du lịch sinh thái vừa được khai thác. Trước đây, Thủy An là một “điểm nóng” khai thác gỗ lậu. Nay, nạn phá rừng hầu như đã được chấm dứt. Trên những khu đất rộng nối liền nhau, những người dân trong xã đang sát cánh với các chiến sĩ kiểm lâm gieo ươm cây giống. Có đến 20 vạn cây sao, cây dầu đang được gieo ươm, chuẩn bị cho mùa trồng rừng sắp tới. Những công việc tỉ mỉ đòi hỏi đôi tay khéo léo, như việc cho đất vào các bầu ươm, được giao cho chị em trong địa phương, với tiền công từ 18-20 ngàn đồng/ngày. Công việc gieo ươm giống và trồng rừng đồng thời tạo nguồn thu ngoài lương một cách chính đáng cho các chiến sĩ kiểm lâm. Nguồn thu ở Trạm Thủy An còn có đàn dê hơn mười con và đàn bò 14 con. Ở Xuân Lộc thì nguồn thu bổ sung là 200 con gà “siêu thịt” Kabia và 40 ha rừng trồng đã thu hoạch gỗ bán cho Công ty kinh doanh lâm nghiệp Vijachip làm nguyên liệu giấy; một số diện tích chuyển trồng tiếp dưa hấu cũng đã thu hoạch; chỉ riêng diện tích dành thực hiện “chương trình mía-đường” của Tỉnh, do Nhà máy đường Phong An di chuyển, lâm tình trạng “nửa đường đứt gánh”, 2 ha mía vừa trồng dù phát triển tốt, cũng coi như bỏ đi! Tuy bị “vạ lây”, đơn vị thất thu một khoản không nhỏ, nhưng được một bài học không bao giờ cũ: cái cây cũng như con người, muốn phát triển tốt phải đặt đúng chỗ, phải công phu lựa chọn, nghiên cứu một cách toàn diện... Đơn vị dự kiến sẽ tạo những vườn cây ăn quả thay thế cho mía...

Bình luận về sự kiện này, thầy Minh Ngọc nói:

- Chú không biết chứ từ năm ngoái, cháu đã cùng đơn vị anh Dự nhân giống vô tính 1000 cây quýt Laven “tặng không” cho bà con trong vùng để trồng thử. Vườn nhà một “đệ tử” của cháu thì đang trồng thử cả chục giống quýt. Phải đợi xem cây nào có quả ngọt, sây và đẹp mới chọn nhân rộng ra. Công phu lắm, nhưng không trồng cây ăn quả hoặc là một thứ cây dài ngày khác mà cứ trồng bạch đàn hay keo, thì sau một vài lần chặt lấy gỗ, thiếu vốn đầu tư thì đất trống đồi trọc lại y như ban đầu.

Chính là để tránh tình trạng thầy Minh Ngọc nói mà ở khu rừng bắc đèo Hải Vân, dưới những hàng cây keo đã giao cành, Trạm Kiểm lâm ở đây đã trồng mới được 281 ha cây bản địa - những cây Chò chỉ, Gõ, Dầu rái, Sao,... vốn là các giống cây đã sinh trưởng ở đây, đã kết thành rừng đại ngàn Hải Vân trước khi bị con người phá trụi. Kỹ sư Trần Văn Lộc, Trạm trưởng Bắc Hải Vân chở tôi lên đèo bằng chiếc xe “Rim” biển trắng. Trạm đóng ở lưng chừng đèo, ngay quãng đường dốc “Đồn Nhì”. Ngày trước, đứng ở đây có thể bao quát một vùng rộng tới mỏm núi sát biển, nên kẻ địch xây lô cốt, đồn lính trấn giữ. Nay những tầng lá keo xanh um đã che gần kín khối bê tông xám từng khạc ra lửa đạn ấy. Những tầng lá keo phủ kín cả hai phía sườn dốc cũng đã ngăn chặn hầu hết các đám cháy - những lưỡi lửa nghi ngút khói liếm trụi từng mảng cỏ tranh bên đường đèo mươi năm trước. Trưa nay, trong bóng râm mát dịu giữa ngày hè, cạnh hai vòi nước suối trong vắt tự chảy bên lề đường, một gia đình trẻ trên đường vào Đà Nẵng vừa dừng chiếc hon-đa nghỉ chân. Trên những vòm cây quanh căn nhà Trạm, tiếng chim ríu rít chuyền cành nghe đến là vui. Hơn mười năm qua, biết mấy là mồ hôi của những người kiểm lâm Phú Lộc đã đổ ra mới tạo dựng nên được cảnh sắc mới yên bình này. Và mồ hôi vẫn tiếp tục đổ, từng ngày, từng giờ ở đây.

Anh Lộc dẫn tôi vào nhà, ngồi chưa yên chỗ, đã bước vội tới bên chiếc bàn để máy vô tuyến. Có tín hiệu từ các điểm phòng chống cháy báo về.

- A lô! 765 báo cáo. Tình hình trong 1 giờ qua bình yên!...

- 166 báo cáo! Không có sự cố nào...

- Anh Bính! Có thông tin mới đây. Chiều, anh đón tàu chợ về để mai họp chi bộ...

Anh Lộc dặn dò công việc với người phụ trách điểm “166” rồi giải thích cho tôi biết: Ngày nắng, cứ từng giờ một, các điểm gác rừng phải gọi báo cáo về, sau khi kiểm tra trong phạm vi phụ trách. Dễ gây cháy nhất là dọc tuyến đường sắt. Một mẩu tàn thuốc hành khách vô ý vứt xuống, một vệt dầu máy gặp lúc bánh xe cọ vào đường ray tóe lửa đều có thể gây ra những đám cháy lớn. Phải chặn đám cháy từ gốc, chứ khi lửa đã loang ra, trên sườn dốc cheo leo không có một giọt nước, mấy chiếc can nhựa đựng nước “chữa cháy” chỉ đủ giữ cho người khỏi bị bỏng, thiết bị chữa cháy hiện đại chưa có, thì việc dập tắt lửa là cực kỳ khó khăn. Trạm quản lý 4 điểm, xa nhất là “166”, đi gần nửa buổi mới tới; anh em ăn ngủ tại chỗ, cuộc sống cách biệt với mọi người chẳng khác gì người gác đèn biển...

Tôi chợt hiểu: quang cảnh bình yên tôi vừa chứng kiến đã phải đổi bằng cả những năm tháng trẻ tuổi của các chiến sĩ kiểm lâm ở đây.

Điều thú vị là ở ngay nơi đầu sóng ngọn gió này cũng tổ chức ươm trồng cây giống. Trên sườn dốc trước mặt Trạm, những khoảnh đất xen giữa các tảng đá đều được tận dụng ươm các giống cây bản địa. Hàng vạn mầm cây đã lên cao quá gang tay, phát triển tốt dưới bóng râm của những hàng keo được trồng từ 10 năm trước, với nguồn nước tưới hầu như là vô tận và giá thành hẳn là rẻ nhất thế giới! Chỉ cần nối ống cao su luồn qua đường với nguồn nước tự chảy là “mưa nhân tạo” tỏa khắp vườn ươm. Đây cũng là khoảnh rừng đã được trồng xen cây bản địa. Những cây gỗ có giá trị cao, sống lâu năm như chò, gõ, kiền kiền, lát hoa, huyệnh, sao đen... rồi sẽ thay thế lớp cây keo - loại cây được mệnh danh là cây “tiên phong” trong kế hoạch phủ xanh đất trống đồi trọc, khôi phục sự cân bằng sinh học mà tạo hóa đã thiết lập từ xưa. Hàng trăm héc-ta cây bản địa ấy được ươm trồng bằng cách phát huy nội lực, sử dụng nguồn vốn thu từ việc tỉa thưa rừng trồng cây “tiên phong” lấy gỗ bán cho đơn vị làm giấy...

Anh Lộc giao kỹ sư Quốc Hùng chở tôi về Hạt, vừa để sáng mai dự họp chi bộ, vừa để anh chàng có dịp thăm gia đình ở Cầu Hai. Tôi chợt nhớ hôm nay là thứ bảy. Nếu muốn, anh Lộc có thể chở tôi về Hạt và luôn tiện về Huế thăm vợ con. Thỉnh thoảng, anh cũng về thăm nhà một cách ”tranh thủ” như thế - tối mịt mới vê tới nhà, mờ sáng hôm sau đã đi. Vậy nên bà con xóm phố hầu như không mấy ai biết mặt anh! Hôm nay thì anh nhường chút hạnh phúc hiếm hoi ấy cho bạn. Quốc Hùng chưa vợ, nhưng biết đâu đêm thứ bảy với ánh trăng thựơng tuần thơ mộng bên đầm Cầu Hai, chàng kỹ sư sẽ tìm được bạn tình!

Chiếc xe bon nhanh xuống dốc đèo, chỉ mấy đoạn gặp đội quân giao thông xây kè chắn vách núi bị sụt lở từ trận lũ lịch sử năm ngoái Quốc Hùng mới giảm tốc độ, cũng để đáp lời chào của những người quen. Các chiến sĩ kiểm lâm ở Phú Lộc ngoài việc bám địa bàn, còn liên kết phối hợp hoạt động với các lực lượng khác trên địa bàn, tổ chức họp dân, mở cuộc thi tìm hiểu về rừng cho học sinh..., nên đi đến đâu cũng có người quen, cũng có bạn. Những “thông tin” về các vụ chặt phá rừng và buôn gỗ lậu mà Hạt nhận được hàng ngày cũng bắt nguồn từ đây...

Vượt qua hai đèo Phú Gia và Phước Tượng, Quốc Hùng chở tôi về đến Hạt lúc những ngôi nhà trong thị trấn đã lên đèn. Ngày làm việc ở các công sở đã kết thúc, những tốp người từ Huế về nghỉ cuối tuần ở Lăng Cô mà tôi gặp bên kia chân đèo Phước Tượng chắc đã bắt đầu cuộc nhậu trong mấy quán đặc sản, nhưng trên sân Hạt Kiểm lâm thì người như đông hơn, chiếc “U-oát” cùng mấy chiếc hon-đa đều xoay hướng ra cổng và ở tầng 2, một chiến sĩ đang kiểm tra khẩu súng AK và mấy chiếc máy bộ đàm. Không biết là một cuộc chiến đấu sắp diễn ra ở đây, vừa gặp lại Võ Văn Dự, tôi nói:

- Mới một ngày mà được chứng kiến bao nhiêu chuyện. Tiếc là chưa được xem các anh bắt gỗ lậu như thế nào mà một năm thu cho Nhà nước cả tỷ đồng, trong khi dân phá rừng ở địa phương hầu hết đã “đổi nghề”.

- Anh cứ yên chí! Đêm nay anh sẽ được chứng kiến.

Võ Văn Dự thản nhiên đáp vậy, rồi vừa kéo tôi xuống nhà ăn vừa nói:

- Ở đây chúng tôi có quy chế cấm cán bộ chiến sĩ la cà ăn uống ở các hàng quán.

Tôi hiểu là người Hạt trưởng có ý “thanh minh” về cách bố trí bữa ăn cho khách. Tôi vốn là người chẳng thiết gì chuyện ăn nhậu, tâm trí lại đang tưởng đến cuộc chiến sắp diễn ra, nên vừa ngồi vào bàn đã hỏi:

- Sao anh biết đêm nay có “chuyện”?

- Tai mắt quần chúng ở đâu chả có, anh! Nhưng phải công phu mới tổ chức được màng lưới... Anh thông cảm, đây là điều tuyệt đối bí mật.

- Có cuộc nào đối đầu căng thẳng không?

- Có chứ, nhưng ít thôi. Họ cũng biết là càng chống đối, tiền phạt càng nặng. Tuy vậy, có lần chúng tôi đã phải bắn thủng lốp xe, khi tài xế ép đường hất đổ xe kiểm lâm hòng trốn thoát. Mấy năm trước, chặn bắt gỗ lậu trên tàu hỏa, cậu Cang bị bọn chúng ném đá gãy cả răng...

- Thế còn chuyện tiêu cực? Hạt của anh, nhiều người mua được xe “Rim” như thế, hẳn cũng có dư luận rằng nghề kiểm lâm “cho qua” vài xe gỗ lậu là có tiền mua xe, chứ khó gì.

Tôi thầm nghĩ đây cũng là một “cuộc chiến” căng thẳng đằng sau cuộc chiến đấu chặn bắt gỗ lậu, nhưng anh Dự đáp ngay, giọng quả quyết :

- Ở đây, tôi chắc không có dư luận như thế. Tôi đã tuyên bố thẳng là hễ có “dư luận”, chứ không cần bằng chứng, là đơn vị sẽ xử lý ngay, ít ra cũng thay đổi vị trí công tác. Cái trò hối lộ dễ gì có bằng chứng. Mà cái chính là vì anh em có nguồn thu chính đáng đủ để mua xe. Nhờ kiêm thêm nhiệm vụ ươm giống, trồng rừng, lương bình quân tháng một triệu, chưa kể tiền thưởng cuối năm. Ai còn thiếu thì công đoàn trích quỹ phúc lợi cho vay.

Vậy là những tầng lá xanh phủ kín đất trống đồi trọc ở Phú Lộc không chỉ tạo ra nguồn thu để triển khai dự án trồng cây bản địa, làm đường ranh cản lửa, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ đất khỏi xói mòn... mà còn góp phần ngăn chặn nạn tiêu cực đang hòanh hành khắp nơi, bảo vệ con người, giữ cho lòng tin và đạo đức không bị xói mòn, suy thoái.

Đêm ấy, tôi đã chứng kiến không chỉ một - mà ba chiếc xe ca chở khách từ phía Nam ra bị đội quân kiểm lâm “mời” vào Hạt, trong đó một chiếc đã cao tay thay biển số xe những vẫn không thoát. Gọi là “đội quân”, vì để bắt được một xe chở gỗ lậu, một hai người không làm nổi. Ngay khi có tin báo, Hạt phó Tống Phước An theo đúng “phép nước”, đã phải ký “Quyết định phân công cán bộ kiểm tra dừng phương tiện giao thông”. Những người có tên do tổ trưởng cơ động Trần Quang Trung chỉ huy, mang sắc phục nghiêm chỉnh, tay sẵn sàng mọi công cụ cần thiết, từ biển báo dừng xe, loa điện, đèn chiếu sáng, súng, roi điện... Nguyễn Phước Bảo Ân, chàng kỹ sư trẻ xứ Huế khá đẹp trai, được giao sử dụng máy camera ghi hình các sự kiện sắp xẩy ra.

Đứng trước thềm Phòng trực ban, nhìn những chiếc xe ngược xuôi đèn pha sáng rực, máy rú ầm ĩ trên đường quốc lộ Một, tôi hồi hộp chờ đội quân xuất kích và cũng hồi hộp không biết trong hàng trăm ngàn xe đi qua đó, liệu các anh có bắt giữ đúng chiếc xe phạm pháp? Thế rồi từ đâu đó, chợt bật lên một tín hiệu và lập tức, các chiến sĩ kiểm lâm triển khai đội hình. Chiếc xe “U-oát” và 4 chiếc hon-đa đồng loạt nổ máy và lao nhanh xuống đường.

Chiếc xe thứ nhất chưa “thả” hết những thanh gỗ trắc giấu kín dưới sàn thì chiếc thứ hai, rồi thứ ba. Dồn dập 3 chiếc xe, các lái xe và chủ buôn gỗ tuy thái độ mềm mỏng nhưng vẫn muốn giấu gỗ những nơi “hiểm hóc”, nên cuộc kiểm tra kéo dài đến 2 giờ sáng mới xong. Tôi không biết là bao nhiêu thanh gỗ trắc và phiến đã được “khui” ra từ dưới những gầm xe, nhưng nhớ rõ lời anh Quát nói với một hành khách bế con nhỏ:

- Chị bế cháu vào trong phòng khách ngồi, kẻo sương xuống rồi đó!

Vậy là đã sang một ngày mới. Tôi ngủ thiếp đi trong dư âm câu nói đậm tình người ấy của anh Quát.

Huế, Tháng 6/2000
N.K.P
(138/08-00)


Các bài mới
Day dứt (17/05/2010)
Các bài đã đăng
Gió ngàn (11/05/2010)
Hồn Huế (11/05/2010)