Tạp chí Sông Hương - Số 139 (tháng 9)
Lên non
08:45 | 21/05/2010
NGUYỄN THANH HIỆNNgày nay, mỗi lần nhắc đến hát bội, dân làng Lâm Thượng lại nhớ chuyện ông hương cống Duật, người soạn tuồng Cuộc hội quân ở bến Mạnh Tân, nổi tiếng một thời.
Lên non
Tuồng vua Trụ - Ảnh: sachxua.net
Tương truyền ông Duật tính khí mạnh mẽ, sức học sánh được với Quản Trọng, Bảo Thúc bên Tàu, có nghĩa có thể ra phò vua giúp nước. Người ta bảo không phải ông không muốn xuất chính vì gặp buổi chính sự triều Định Vương Nguyễn Phúc Thuần rối ren, phiền tạp, mà vì mãi đeo đuổi việc tìm hiểu lý khí đất trời cùng lẽ tương tác của vạn sinh. Lúc cày ruộng, ông Duật bảo lũ con: “Hết thảy muôn loài phải nương theo nắng mưa, ấm lạnh của mặt trời mặt trăng mà sống. Cho nên phải biết lúc nào thì gieo giống, lúc nào thì bón phân, xới cỏ. Cày ruộng gieo lúa là công việc lớn lao và hệ trọng trong cõi đất trời này”. Bà Duật than nghèo túng, ông nói: “Con người cũng giống như loài cây cỏ, đều lấy lẽ sống làm đầu. Khí tiết tốt, xanh tươi. Khí tiết xấu, úa tàn. Nhưng có ai nghe cỏ cây than thở đâu?. Mải khi bạn đồng môn của ông là ông Khảo, tri phủ Thương Sơn, có lần về thăm quê đem lời nói khích “nếu bo bo cái sở học cho riêng mình thì con người cũng chẳng hơn gì đất đá”, ông Duật mới chịu ra thi.

Cũng đỗ hương cống như ông Khảo, và được bổ tri phủ ở đất Quảng Nam. Nhưng ông Duật xin được làm tri huyện sở tại, có nghĩa chức nhỏ hơn, và là quan dưới ông Khảo. “Vạn sự khởi đầu đều khó, nên Duật tôi muốn bắt đầu công việc nước ở nơi có nhiều người từng biết mặt mình”. Định Vương Thuần nghe lời ấy có phần khác thường, lấy làm nể, nên đã chấp thuận. Nhận ấn tín xong, ông không đến huyện đường, mà thẳng về quê, treo bảng tiếp dân ở nhà mình. Ông hương cống bảo ai muốn đề đạt điều gì cứ nói ra hết để quan ký lục chép vào sổ. Hơn tháng trời mới ngớt người đến gặp quan tri huyện mới. Hầu hết đều nói ra những việc làm ngang trái của quan tri huyện trước, là thân tộc của quan quốc phó Trương Phúc Loan, vì dân ta thán quá nhiều nên vừa được đổi đi làm tri huyện ở một huyện khác. Do biết ghế tri huyện sở tại đang trống, ông Duật mới xin thẳng với triều đình như thế.

Việc đầu tiên của quan tri huyện mới là khảo sát đất đai. Không có nơi chốn nào trong huyện Thiên Sơn là ông Duật không đặt chân đến. Chỗ thì ông lệnh bỏ gieo lúa, trồng dâu để nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Chỗ, ông xuất công quĩ cho đắp đê, khai mương dẫn nước, để biến ruộng một vụ thành đôi ba vụ. Dải đất cằn bạt ngàn dọc chân dãy Thiên Sơn thì ông lệnh bỏ cây sắn trồng giáp năm cao không quá gối, để trồng cây rừng. Thấy việc làm của ông Duật có phần táo bạo, khác thường, ông Khải hơi ái ngại “Liệu có được kết quả như mong muốn không?”. Ông Duật nói “Duật tôi đã đọc được gần trăm cuốn sổ thư bàn việc canh nông, nay mới có dịp đem ra ứng dụng”. Công việc làm ăn đang trôi chảy, thì có người tố cáo quan huyện Thiên Sơn có âm mưu tụ tập dân chúng để làm phản. Triều đình giao cho tri phủ Thương Sơn xem xét sự vụ. Ông Khảo về huyện đường Thiên Sơn gặp ông Duật, “Theo chỗ ta biết, tay tri huyện cũ vì oán ghét ông nên đã súc siểm với quan quốc phó”. Ông Duật nói “Làm quan không đem lại lợi ích cho dân, để dân ta thán, xoay sang làm hại đồng liêu, là không phải lẽ”. Ông Khảo về triều tâu thẳng với Định Vương Thuần “Dân huyện Thiên Sơn đã tự động kéo đến gặp quan huyện mới để bày tỏ nỗi bất bình đối với quan huyện cũ. Vì sự an lạc của xã tắc, xin chúa thượng cho truy xét kẻ nào vừa đơm đặt điều gian dối”.

Nước đã về đồng, tằm đã lên giàn bủa kén, dân chúng Thiên Sơn đương hết lời ca ngợi quan tri huyện mới, thì ông Duật nhận được chiếu chỉ đổi đi làm tri châu ở một vùng rừng núi thuộc đất Thuận Hóa. Thấy vợ con khóc lóc, ông hương cống khuyên “Như ta có chết nơi non xa nước lạ ấy thì nhà phải giữ lấy nền nếp làm ăn bấy lâu nay”. Lúc tiễn ông Duật, ông Khảo nói: “Do lời khuyên của ta mà ông mới xuất chính. Nay bọn người ti tiện hại ông không được, lại tìm cách đẩy ông đến nơi rừng thiêng nước độc, xin hãy gắng bảo trọng lấy thân” Ông hương cống cầm chặt tay bạn “Xưa, khi thất quốc, Giới Tử Thôi cắt thịt mình cho vua ăn để lập lại nước, khi nước định, vua quên, Tử Thôi chẳng dám nửa lời trách móc. Duật tôi đâu đã làm được gì cho đất nước này mà dám nghi trách đồng liêu”.

Châu Sa Bôi thuộc vùng núi cao, dân tình còn thô lậu, không nói được tiếng trung châu, đói cơm, lạt muối. Lúc ông Duật đến thì quan tri châu cũ vì không chịu được cực khổ đã bỏ về nhà gần năm. Nhờ đọc cuốn U Châu tạp lục, biết lá rừng có thứ có vị mặn, ông Duật đã chế ra được muối ăn cho dân Sa Bôi. Hết lạt muối, nhưng thiếu cái ăn. Ông Duật lại nghĩ ra thứ nỏ bắn cùng lúc mười mũi tên, và thứ bẫy làm bằng đá núi. Thú rừng bắt được nhiều vô kể, lớp ăn, lớp đem xuống trung châu để đổi lấy gạo ăn và vải mặc. Khi dân Sa Bôi ngăn được nước suối để cấy lúa, và nói được tiếng trung châu, thì tiếng đồn về cách chăn dân của ông Duật đến tai ông Khảo. Trong lần về triều để xin giảm bớt số binh lính ở phủ Thương Sơn, ông Khảo nghe được bao nhiêu lời bàn tán về bạn ông “Con người ấy lẽ ra phải làm quan triều để giúp chúa thượng ta trong việc trị nước”. Nghe lời này, ông Khảo vừa mừng vừa lo.

Quan phủ Thương Sơn đánh liều tâu bày với Định Vương Thuần: “Là chỗ bạn chí thiết, thần biết rất rõ về ông hương cống Duật. Sách đọc đến nghìn cuốn, về thiên văn địa lý đoán trước được nắng mưa, về phép trị nước biết cách làm cho nước mạnh dân giàu. Xin chúa thượng xét soi để ông Duật được đứng vào văn ban võ ban ở triều thì có lợi muôn phần cho huân nghiệp của chúa thượng”. Định Vương Thuần chưa có lời gì thì quan quốc phó Trương Phúc Loan đã vặn hỏi ông Khảo: “Quan phủ Thương Sơn chiếu điều luật nào của triều đình để xin vinh thăng cho ông Duật?”. Ông Khảo cố kiềm chế mà không được, liền tiến đến trước mặt quan quốc phó: “Còn ông thì theo điều luật nào để ngồi ghế quốc phó?”. Sau đó không lâu có người thân tín của ông Khảo mang thư đến nhà ông Duật “Tài trị nước của ông có thể đứng cạnh vua. Song, ta biết đám quan dốt nát, hèn hạ đang tìm cách thải ông về dân dã, bởi ông còn làm quan thì có ngày chỗ ngồi cao sang của bọn họ sẽ không còn. Có thể ta sẽ bị hại. Ông phải gắng gìn giữ lấy thân”.

Ông hương cống có phần nghĩ ngợi trước những lời chân tình của người bạn cũ. Song, liền cho là bạn ông có lòng hoài nghi thái quá. Đến lúc nhận được chiếu chỉ sai ông xuống động Man thuộc châu Sa Bôi để thay chân viên tù trưởng ở đó vừa mới chết, ông Duật mới thấy giật mình. Từ ngày hết đói cơm lạt muối, người động Man coi quan tri châu Sa Bôi như cha đẻ thứ hai của mình. Nhờ tình nghĩa ấy, ông hương cống cũng bớt phần nghĩ ngợi. Khi nghe tin ông Khảo bị triều đình bắt giam, ông Duật chẳng kịp nói với ai một lời, nhảy lên con ngựa già người động Man đã tặng ông, chạy thẳng một mạch về kinh. Ở bờ sông Linh, quan đô tri của ti xá sai đương sắp xếp đội hình của lính đao phủ. Lúc ông Duật tìm đến nơi thì đầu ông Khảo đã lìa khỏi thân. Ông hương cống gục lên lưng con ngựa già, khóc bạn, rồi bảo ngựa: “Ngươi hãy trở về nói với người động Man rằng kể từ nay ta không còn là tù trưởng động Man nữa”.

Rất khó khăn, ông hương cống mới vào được phủ Dương Xuân bên bờ nam sông Linh, nơi Định Vương Thuần đang ngoạn cảnh. “Duật tôi rất đau lòng trước cái chết của người bạn cũ, nên liều mình đến gặp chúa thượng để được biết quan tri phủ Thương Sơn đã làm điều chi đến phải tội chết?”. Định Vương Thuần vốn nể ông Duật từ hôm đọc bài văn sách khảo hạch và cho ông đỗ đầu khoa thi hương cống, nên đã không hạch tội đường đột vào phủ, mà còn cho ông biết theo tấu trình bên ti xá sai, ông Khảo xin giảm bớt lính phủ để lấy khoản binh lương ấy nuôi binh lính riêng, chờ ngày khởi loạn. Thấy ông hương cống quá khổ đau, Định Vương Thuần tìm lời an ủi, rồi nói: “Nay quan tri huyện đã rõ sự việc ấy rồi, hãy gắng trở lại Thiên Sơn chăn dân giúp ta”. Ông hương cống thưa “Duật tôi đã được triều đình đổi đi làm tri châu Sa Bôi, rồi xuống làm tù trưởng động Man ở châu ấy hơn năm. Nay liều chết gặp chúa thượng để biết vì sao ông Khảo bị chém, và xin được lui về”. Định Vương Thuần giật mình “Ông bị biếm trích sao ta không biết? Mà sao lại lui về?”. Ông hương cống đáp “Duật tôi sợ chưa làm được việc chi đã bị rơi đầu như quan phủ Thương Sơn, nên quyết trở lại nghiệp cày cuốc, xét ra có ích hơn cho huân nghiệp của chúa thượng”. Đi cày ruộng ít lâu, ông hương cống lại nhớ lời ông Khảo, không dám để phí sở học của mình, xoay sang soạn tuồng hát bội.

Bấy giờ ở Đàng Trong, hát bội rất thịnh hành. Thi đỗ, được bổ quan, thì rước gánh hát về hát mừng. Nhà giàu, sinh được con trai, cũng hát mừng. Đấy là chưa kể mỗi năm hai bận xuân kỳ thu tế ở các đình làng, đều có hát bội. Ở huyện Thiên Sơn thời ấy có đến năm bảy gánh hát. Ông bầu gánh hát Lâm Thượng nghe ông Duật soạn tuồng, liền mang lễ vật đến nhà “Xin ông hương cống hạ cố giúp cho bổn ban về tuồng tập, lộc tổ được bao nhiêu sẽ xin kính cho một nửa”. Ông Duật bảo “Ta ngỡ làm quan sẽ đem điều hiểu biết của mình ra phục vụ đất nước. Không ngờ, ở chốn quan trường mỗi việc lo giữ chiếc ghế đã chiếm hết thời gian, thì đâu còn để lo cho dân cho nước. Nay chỉ muốn mượn sân khấu hát ca để tả lại những cảnh đời bình thường mà phải suy gẫm, thấy là vui nhưng sa nước mắt, để giúp người đời thấu hiểu thêm về lẽ nhân sinh”. Theo lời truyền, tuồng ông Duật soạn phần lớn mượn các điển tích thời tam hoàng ngũ đế bên Tàu. Ông Toại Nhân tìm ra lửa, nướng cua đá cho rợ Miêu ăn, khen ngon. Ông Phục Hy đương dạy dân cày ruộng, thấy chim diều hâu đâm chết con gà con, thì sa nước mắt. Vua Thái Giáp nhà Thương không noi gương các bậc minh quân đời trước làm điều bạo ngược, bị quan phụ chính Y Doãn đem an trí ở đất Đồng. Hết thảy các bản tuồng ấy đều bị thất truyền. Riêng tuồng Cuộc hội quân ở bến Mạnh Tân tả chuyện Tây Bá Phát hội quân các nước ở bến Mạnh Tân để kể tội vua Trụ thì ngày nay dân Lâm Thượng còn nhớ cốt truyện.

Cũng theo lời truyền, tuồng vua Trụ được người xem thời bấy giờ rất hâm mộ. Hễ làm hát bội thì khổ chủ đòi diễn tuồng vua Trụ. Lời lẽ tuồng ấy có tính chất bác học, mà đào kép đều là chân quê, ngày thường làm nghề ruộng, nghề rừng, lúc có ai kêu đi hát mới xáp lại ráp tuồng, ông hương cống phải đích thân tập vợt mới diễn nổi. Do vậy chỉ gánh hát Lâm Thượng mới diễn được tuồng Cuộc hội quân ở bến Mạnh Tân. Các đào kép thủ các vai Đắc Kỷ, Tây Bá Phát, Thương Dung, Tỉ Can, Cơ Tử thường được nhiều tiền thưởng. Nếu là nhà quan làm hát bội, thì vai vua Trụ thường được khổ chủ cho tiền trước rất hậu, để kép thủ vai ấy hứng thú hát cho hay. Về phía gánh hát, vua vai Trụ là vai chính của tuồng nên được phần lộc tổ nhiều nhất. Lúc đầu, chỉ kép Xiên đóng được vai ấy. Xiên làm nghề rừng, người cao to, tiếng nói rất lớn, do ngày nào cũng cầm rìu chặt cây, nên đôi tay rất khỏe. Lúc vua Trụ xua binh triều ra đất Mục Dã để đối địch với quân các nước. Xiên cầm thương múa rất tròn, tiền thưởng ném như mưa lên sân khấu. Về sau ông bầu phát hiện ra kép Chất có khuôn mặt hình quả bí đao, liền bàn với ông Duật: “Nếu kẻ thêm đôi mắt xếch, khuôn mặt ấy có vẻ ác, rất hợp với vai vua Trụ”. Ông hương cống cho vợt thử, quả nhiên kép Chất thủ vai vua Trụ đạt hơn kép Xiên. Biết mình sắp trở thành kép chính của gánh hát, Chất giao việc ruộng nương cho vợ, ngày nào cũng nằm nhà, vợt lại lời hát, điệu đi.

Sắp đến ngày hát ở đình làng Lâm Thượng, Chất chạy đến gặp ông bầu: “Thằng Xiên bảo sẽ có đổ máu nếu Chất này thủ vai vua Trụ, xin ông bầu tìm phương giải cứu”. Ông bầu hát sợ xảy chuyện chi thì chẳng còn ai dám kêu gánh hát của mình đi hát, liền chạy đến cầu cứu ông Duật. Ông hương cống cười, bảo “Bọn chúng cùng làng xóm, ra vào thấy mặt nhau, vì tức mà nói vậy thôi. Chẳng lẽ trên sâu khấu ca cũng giành giật nhau ghế vua quan sao?”. Đám hát ở đình làng Lâm Thượng, Chất được phân vai vua Trụ. Xiên được phân vai hoạn quan hầu vua Trụ, nhưng anh ta lấy cớ trặc chân, xin làm binh triều. Lớp vua Trụ mê đắm Đắc Kỷ, tiền thưởng ném lên sân khấu như bướm bay. Ông Duật và ông bầu đứng ở cánh gà, nhìn nhau với vẻ rất hài lòng. Đến lớp vua Trụ mổ bụng Tỉ Can thì bỗng có tiếng la “ giết tên hôn quân ấy đi”. Người xem hát tràn lên sân khấu, lôi vua Trụ ra khỏi ngai vàng. Lý trưởng của làng cũng nhảy lên sàn diễn, hét “ai về chỗ nấy để xem cho hết tuồng”. Nhưng kép Chất đã bị ai đó chém ngang lưng, máu chảy lênh láng. Theo cáo trạng của cha mẹ Chất, chính Xiên đã xúi dân xem hát đánh vua Trụ, để thừa dịp giết Chất. Song, đây là nghịch cảnh bi thương, nên chẳng có ai dám đứng ra làm chứng cho lời buộc tội kia. Lý trưởng của làng xử không xong, báo lên huyện. Do không tìm ra được đích xác ai đã giết Chất, nên cả đám người xem hát hôm ấy đều là thủ phạm. Nhưng luật triều thời bấy giờ không có chỗ nào nói về trường hợp này, quan huyện Thiên Sơn đành ghép dân xem hát hôm ấy vào tội làm đảo lộn cảnh thạnh trị của vua, mỗi người đi xem hát phải nộp hai mươi quan tiền phạt, số tiền này dùng làm tiền tử tuất cho ông vua tuồng xấu số.

Cùng dân làng chôn cất Chất xong, ông hương cống bảo vợ con “Ta đi lần này đôi ba tháng mới về. Mà cũng có thể năm mười năm mới về. Bà nó với lũ con gắng làm lụng, chớ để xảy ra cảnh đói rét”. Hai tháng, ba tháng, rồi một năm, ông Duật vẫn chưa về. “Không chừng ông hương cống về kinh đem sở học của mình ra giúp chúa thượng chấn chỉnh lại cảnh rối rắm ở triều”. Trong các hương chức của làng có người biết quan quốc phó Trương Phúc Loan đang lung lạc chính trường, nên nói thế. Nhưng các vị có chút thân thuộc với họ hàng quan quốc phó thì bảo ông hương cống đi làm giặc. Mười mấy năm sau, gánh hát Lâm Thượng bị rã, vì các đào kép đều già, không còn ca hát nổi, cuộc sống dân làng cơ cực hơn trước vì mất mùa, vì sưu cao thuế nặng, hầu hết phải vào núi rừng Thiên Sơn đốt củi, đốt than, đến mùa trái rừng thì người ta đổ vào đấy để hái trái về đổi lấy gạo.

Một hôm, có số người trong làng đi nhặt trái ư, lạc vào tận đỉnh hòn Chủ Sơn, là ngọn cao nhất trong dãy Thiên Sơn. Lúc tìm được phương hướng trở về thì nghe có tiếng suối chảy. Mọi người lấy làm lạ sao đương nắng hạn lại có nước suối trên đỉnh cao. Lần tới chỗ có tiếng suối thì phía trước mặt có khoảng đất bằng rất rộng. Đi lần tới nữa thì nghe tiếng nước chảy gần hơn. Trong lúc mọi người vừa bước vừa mải mê nhìn cảnh lạ, một động đá đã hiện ra ở cuối khoảng đất đầy các loài kỳ thảo. Ở nơi cửa động, một đám khỉ đang nhảy múa. Nhưng thấy có người đến, bọn chúng túa ra chạy. Một con vượn hình nhân to lớn vẫn ngồi yên ở bên trong cửa động, tay đang cầm hòn đá nhỏ gõ lên hòn đá lớn, vừa gõ, vừa nhìn đám người hái trái, nhoẻn miệng cười. Thì ra, không phải tiếng suối, mà là tiếng gõ đá theo nhịp nước chảy, con vượn đã gõ nhịp cho bầy khỉ múa. Một người trong bọn nghi hoặc, cất tiếng hỏi to: “ Có phải ai đấy đã lạc vào sống ở đây không?”. Con vượn hình nhân vẫn nhìn mọi người, nhoẻn cười, và tiếp tục gõ đá. Đã đến lúc ai nấy đều nghi hoặc trông lòng, nên chẳng còn sợ sệt, kẻ xông sát vào con vượn để nhìn cho rõ mặt, người lao vô động đá lục lọi. Người ta biết đích xác đấy là ông hương cống Duật vì đã tìm thấy vở tuồng vua Trụ được cuốn tròn, nhét ở một kẹt đá trong động.

Về đến làng, gặp ai ông hương cống cũng cười. Ai hỏi gì, ông cũng chỉ cười. Ông hương cống không còn nhận ra bất cứ người nào trong làng. Và không còn nói được tiếng người.

Tháng 9/ 98- 10/99
N.T.H
(139/09-00)



Các bài mới
Các bài đã đăng
Tiếng gọi câm (20/05/2010)