Tạp chí Sông Hương - Số DB (tháng 5)
An lạc mùa lễ hội
15:16 | 16/06/2010
TÂM VŨLễ nhạc Phật giáo Việt Nam khởi nguyên từ Lễ nhạc Phật giáo Trung Hoa. Ngay từ khi Lễ nhạc Phật giáo Trung Hoa truyền sang, các Tổ sư Việt Nam đã sớm đón nhận rồi chuyển hoá thành nét đặc trưng của Lễ nhạc Phật giáo Việt Nam.
An lạc mùa lễ hội
Hơn nữa, từ triều đại Lý - Trần, đất nước mở cõi về phương Nam, được giao lưu thêm âm nhạc Chăm Pa và Chân Lạp. Sự hội tụ này đã giúp cho âm nhạc Phật giáo Việt Nam có đến nét nhạc đặc trưng của 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Nếu âm nhạc của miền Bắc mang âm hưởng thanh bình, an lạc của thời lập quốc thì âm nhạc miền Trung thâm trầm của núi Ngự, sông Hương và âm nhạc miền Nam đậm đà bản sắc của vùng sông nước đồng bằng trù phú.

Với các quốc gia phong kiến phương Đông nằm trong vùng ảnh hưởng của hệ tư tưởng Nho giáo, trong đó có Việt Nam, vấn đề lễ nhạc rất được chú trọng. Khổng Tử nói: Nhạc giả, thiên địa chi hoà giả. Nghĩa là: nhạc là sự hòa hợp của trời đất, âm dương. Âm thanh êm ái, du dương và cử chỉ thanh cao tốt đẹp là hai phương tiện giáo hóa con người trở về với đạo đức. Như vậy, đức Khổng Tử coi lễ rất quan trọng để kiểm soát hành vi, ước muốn bất thiện của con người, còn nhạc để điều hòa cảm hóa lòng người. Chính vì thế, khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa, muốn yên lòng dân ở chốn ô châu ác địa này, ông đã xây cất chùa chiền, hòa mãn giáo đàn để muôn dân tịnh tâm hành đạo. Sự xuất hiện đạo Phật ở đất Huế kéo theo sự phát triển hệ thống lễ nghi. Phong phú và đặc sắc, hệ thống lễ nghi bao gồm cả nghi thức và lễ nhạc cùng song song tồn tại. Và cũng bắt nguồn từ đó, lễ nhạc Phật giáo Huế ra đời.

Trong các nghi lễ của đạo Phật như lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, Trai đàn chẩn tế, Trai tăng tự tứ… đều có nhạc đi kèm. Âm nhạc Phật giáo Huế thuộc về thanh nhạc, chú trọng ở âm thanh lời tán, ngoài ra còn nhạc khí phụ họa. Lễ nhạc Phật giáo Huế ngoài ca ngợi công đức chư Phật, Bồ tát và tuyên dương những chân lý vô thường, nó còn một nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả là dùng nét nhạc để thức tỉnh lòng người, giải thoát những kiếp người mắc lỗi siêu phàm. Lễ nhạc Phật giáo Huế từ xưa đến nay chưa có sự thống nhất về giọng điệu bài bản. Nó được tán tụng tùy theo sở kiến của vị thầy chỉ vẻ cho đệ tử của mình, rồi tùy theo từng địa phương, ngôn ngữ, tình huống mà giọng điệu được chuyển biến đa dạng.  

Múa lục cúng hoa đăng


Điệu thức, tiết tấu phong phú, âm nhạc nghiêm trang, thanh thản, có lúc buồn nhưng không bi lụy, âm nhạc Phật giáo Việt Nam nói chung, lễ nhạc Phật giáo Huế nói riêng mang đầy đủ nét đẹp tinh tế của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Đó là sự hài hoà của tính chất đặc thù của âm nhạc dân gian, âm nhạc thính phòng và âm nhạc lễ Việt Nam. Trong nghi lễ, âm nhạc đi kèm với cách tán tụng. Nhạc cụ gồm có: mõ, trống, ếch, kèn, chuông, khánh, linh, hồng chung, đại cổ, tiểu cổ…. Các nhạc cụ được các nhà sư nhạc công đánh phụ họa theo lời tán tụng, thuyết pháp. Âm nhạc Phật giáo Huế cũng là một loại hình nghệ thuật chú trọng thanh nhạc, khí nhạc để phụ họa cho lối tán tụng khi cúng tế. Ngoài các nhạc cụ được kể trên, nhạc cụ sử dụng trong âm nhạc Phật giáo còn có: đàn bầu, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tranh, kèn tiểu, kèn trung… tùy theo pháp hội lớn hay nhỏ để dàn nhạc.

Năm 1997, Lễ nhạc Phật giáo Huế được mời sang dự Festival Âm nhạc và Trí tưởng tượng tại Đài Phát thanh Pháp. Năm 1998, một lần nữa Lễ nhạc Phật giáo Huế được mời trình diễn tại Nhà Văn hóa thế giới Paris. Buổi trình diễn đã được ghi lại và phát hành 20 nghìn đĩa. Với thời lượng 90 phút, đĩa này đã được các nhà nghiên cứu thế giới bình chọn là 1 trong 10 đĩa CD hay nhất năm 98 về nhạc Phật.

Với mục đích quảng bá và bảo tồn di sản Lễ nhạc Phật giáo Huế, Lễ nhạc Phật giáo Huế sẽ được trình diễn tại Đền Huyền Trân trong dịp Festival Huế 2010. Hòa thượng Thích Giác Đạo, Phó thư ký, Chánh văn phòng Ban trị sự Phật giáo Thừa Thiên Huế cho biết, 3 nội dung chính sẽ được trình diễn là: lễ bạch Phật khai kinh (trình với đức Phật những công việc mở đầu); lễ bạt độ giải oan (nhổ sạch gốc rễ oan gia) và lễ đăng đàn chẩn tế (cầu nguyện cho những hương hồn không nơi nương tựa). Ngoài ra, dịp này, vũ hội Lục cúng hoa đăng cũng sẽ được trình diễn với 32 vị sư múa hát, trên tay cầm những đóa sen hồng và những cây nến đỏ. Với làn điệu hay, vũ điệu đẹp và có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc và vũ đạo, điệu múa này luôn có mặt trong các đại lễ của Phật giáo Huế. Đây cũng là một loại hình nghệ thuật góp mặt trong nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại.

Ông Nguyễn Duy Hiền, Giám đốc Trung tâm Festival cho biết: “Lễ nhạc Phật giáo giữ vị trí quan trọng trong kho tàng âm nhạc dân tộc. Lễ nhạc Phật giáo Huế cũng đã xuất hiện trong Liên hoan Âm nhạc và Trí tưởng tượng ở Pháp, vì vậy việc nó xuất hiện tại Festival Huế là lẽ tất nhiên”.

T.V
(SDB – 5-2010)



Các bài mới
Tamakata (21/06/2010)
Ngâm thơ (17/06/2010)
Chuyên nghiệp! (16/06/2010)
Các bài đã đăng
Áo dài ơi! (09/06/2010)