Tạp chí Sông Hương - Số 256 (tháng 6)
Tiểu thuyết lịch sử đương đại với quan niệm nghệ thuật về con người
15:46 | 01/07/2010
NGUYỄN THỊ KIM TIẾNTiểu thuyết lịch sử là một loại hình tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử. Khác với các xu hướng tiểu thuyết khác ở đối tượng và cách tiếp cận hiện thực đời sống, tiểu thuyết lịch sử đã đưa đến một cách lý giải con người dựa trên cơ sở vừa lấy lịch sử làm “đinh treo” vừa tận dụng kết hợp những đặc trưng thuộc về thể loại tiểu thuyết, mang lại một kiểu tư duy văn học trong tiểu thuyết lịch sử nói riêng nhiều phương diện mới mẻ.
Tiểu thuyết lịch sử đương đại với quan niệm nghệ thuật về con người
Ảnh: Internet
Ở tiểu thuyết lịch sử tác giả sử dụng quá khứ “như một khí cụ để vẽ nên những điểm tương đồng giữa quá khứ và hiện tại, và do đó làm sáng tỏ hiện tại”(1). Theo Nam Dao, con người ở tiểu thuyết lịch sử luôn “ở dạng động của cuộc tồn sinh, nghĩa là luôn tra vấn cái mẫu hình đó ngõ hầu có một tương lai không cáo chung và phi lịch sử”(2). Muốn làm được điều này, người viết tiểu thuyết lịch sử một mặt vừa bám vào chi tiết lịch sử, tạo nên không gian lịch sử, bối cảnh lịch sử, con người của lịch sử thật như cứ liệu lịch sử đã có, mặt khác “họ đã thế vai Chúa trời trong việc sáng tạo ra cả một thế giới”(3) phát huy đúng cái sở quyền của tiểu thuyết là tưởng tượng và hư cấu.

Tiểu thuyết sau 1986 đã khẳng định hướng khám phá thể hiện của mình ở góc độ thế sự đời tư. Việc nhận thức về con người của tiểu thuyết lịch sử chắc chắn cũng mặt nào đó phải hướng tới sự phản ánh đời thường. Con người lịch sử được nhà văn xây dựng không phải theo tiêu chí danh nhân lịch sử mà là nhân vật tiểu thuyết. Những danh nhân lịch sử được biến đổi bằng khả năng hư cấu của tư duy nghệ thuật, được đặt vào giữa không thời gian của đời sống thực, mới mẻ hơn, sống động hơn; qua đó nhà văn thể hiện một cách sâu xa những bài học triết lý nhân sinh về thời cuộc. Lịch sử trong tiểu thuyết không chỉ là cái xác cứng đờ trong chính sử hay sách giáo khoa lịch sử. Nhà văn huy động tối đa trí tưởng tượng, sự hư cấu để “hưởng thụ lịch sử” (Võ Thị Hảo). Những nhân vật, sự kiện và tư liệu lịch sử sẽ phục tùng ý đồ tư tưởng của người sáng tạo. Cái khó của tiểu thuyết lịch sử như Karl Marx đã nói, không phải để “triệu về những bóng ma của quá khứ” mà phải chỉ ra ý nghĩa cho cuộc sống hôm nay. Không chỉ nhà văn mà người tiếp nhận sẽ được quyền làm công việc “phán xét cả lịch sử, chưng cất lại lịch sử, cãi ngầm với sử học về nhân sinh, thế sự để giúp nhận thức thêm, nhận thức lại lịch sử”(4).

Để giải quyết mối quan hệ sự thật và hư cấu (lịch sử và tiểu thuyết) phần đông các nhà văn đã lựa chọn giải pháp lấy tâm điểm là con người để tiếp cận, soi chiếu qua quan niệm nghệ thuật về con người, biến con người làm mục đích chuyển tải giá trị tư tưởng dưới “lớp bọc” của đường viền lịch sử, giúp họ có cơ hội “chất vấn”, nhận thức cái tưởng như đã là chân lý của lịch sử nhưng vẫn đảm bảo quyền toàn bích của việc sáng tạo hư cấu. Chính yếu tố này đã khiến việc cắt nghĩa con người biểu hiện qua nhân vật cũng đi theo hai chiều hướng:

1. Con người đối thoại với lịch sử

Về điểm này tiểu thuyết đảm bảo yếu tố thứ nhất của lịch sử, tức là dựa trên cứ liệu lịch sử để tái hiện những tên tuổi, những con người có thật dưới cái nhìn của văn chương nhưng vẫn đảm bảo tính “sự thật”.

Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, nhà văn đã căn cứ vào sử liệu và diễn giải các sử liệu theo cách nghĩ của mình trên nguyên tắc tôn trọng những gì lịch sử ghi về họ. Nguyễn Huệ hiện lên lừng lững trong tác phẩm là một võ tướng tài ba, một thiên tài quân sự, rất tự tin dũng mãnh, quyết đoán trong chiến sự. Bên cạnh tư cách một nhà chính trị, người viết đã kéo nhân vật về gần với đời thường khi đặt một con người như Nguyễn Huệ vào những mối quan hệ riêng tư cá nhân. Đó là một Nguyễn Huệ hết mức hiếu nghĩa với thầy giáo Hiến, luôn ấp ủ một tình yêu thuần khiết thanh cao suốt đời với An, và đôi lúc cũng có những giây phút yếu lòng cô đơn. “Trước khi quyết định một việc liên hệ đến sinh mệnh bao nhiêu vạn người, đảo lộn cả lịch sử, xáo động cả tình ruột thịt, rung động cả lòng người, ông lại cảm thấy cô đơn và yếu đuối”(5). Cõi bên trong của con người ấy đơn giản vẫn là một thân phận phải chịu những áp lực của đời thường.

Tiểu thuyết lịch sử giai đoạn mới đã rút ngắn khoảng cách sử thi trong khi tiếp cận các nhân vật lịch sử. Với quan niệm nhà văn không phải là người phong thánh cho các nhân vật lịch sử, các tác giả đã nhìn họ (tạo điều kiện cho người đọc nhìn thấu đáo hơn các nhân vật lịch sử của mình - chúng tôi nhấn mạnh) như những con người bình thường trong sự phát triển tự nhiên của tính cách. Nói như Nguyễn Mộng Giác, nếu lịch sử là xương cốt của tiểu thuyết lịch sử thì thế sự là da thịt của tiểu thuyết lịch sử. Có như vậy nhân vật mới sống động hơn, chân thực hơn trong những diễn biến tâm trạng phức tạp và những giá trị đa bội.

Trước đó khi Nguyễn Huy Thiệp viết về Quang Trung, Gia Long, cái phông là lịch sử nhưng ý tưởng, dụng ý của người viết lại là giả lịch sử. Khác với điều này, Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh được tiếp cận ở góc độ khác. Qua Hồ Quý Ly nhà văn đã bộc lộ những “tâm sự của trí thức hôm nay về thời cuộc” (Hồ Anh Thái). Trong Hồ Quý Ly, tác giả không miêu tả riêng rẽ các sự kiện, mà gắn lịch sử với số phận riêng tư của bao người. Nói một cách khác, yếu tố tâm lý được kết hợp song song với yếu tố lịch sử. Không khí của “thời thiên túy” ngấm vào tâm hồn của Hồ Nguyên Trừng, khiến con người ấy lúc nào cũng u buồn, dằn vặt, giằng xé với bao nghĩ suy, phiền muộn. Đứng giữa sự giằng co của hai thế lực, hai thái cực, một bảo thủ (Trần Khát Chân), một cách tân (Hồ Quý Ly), Nguyên Trừng chính là biểu tượng cho sự giằng xé giữa “tri” và “hành”, biết tất cả mà vẫn phải làm theo một cách khác, theo sự sai khiến đưa đẩy của một thế lực mà trong thâm tâm không muốn theo.

Kẻ sĩ Hồ Quý Ly trước đây vẫn cho bị coi là kẻ thoán nghịch cướp ngôi nhà Trần nhưng đi vào tiểu thuyết, tác giả Nguyễn Xuân Khánh không sa vào thiên kiến đó mà có một cái nhìn đầy đủ và hết sức công bằng về ông. Nguyễn Xuân Khánh không bó hẹp Hồ Quý Ly trong những việc làm tự riêng mình mà ông đặt mọi việc làm, hành động suy nghĩ của nhân vật vào trong những mối quan hệ với nhiều tuyến nhân vật khác nhằm có cái nhìn, sự hiểu biết đến cùng về một nhân vật. Phức tạp, đa chiều, nhân ái, thủ đoạn, sâu sắc… tất cả đều có trong một Hồ Quý Ly. Trong thời cuộc ấy, người đời đã bảo “ông táo bạo, cương nghị, sắc sảo, cả gan làm đất trời rung chuyển. Có kẻ chê ông tàn nhẫn, gian hùng, xảo quyệt và lắm tham vọng. Những kẻ thô thiển thì nói ông mưu cầu hạnh phúc cho mình. Ông chợt cười trong lòng”(6). Và như người trần thuật quan sát đó là “tiếng cười thỏa mãn, hay tiếng cười buồn, hay tiếng cười cô đơn? Có ai biết được? Họa chăng có mình ông biết”(7). Liệu rồi khi nhìn lại lịch sử, những con người hiện đại chúng ta đã hóa giải hết tiếng cười cũng như con người ấy một cách công bằng, chân thực hay chưa?

Khác với những quan điểm tư tưởng của Nguyễn Xuân Khánh bộc lộ trong Hồ Quý Ly, Giàn thiêu của Võ Thị Hảo đã lựa chọn nhân vật của lịch sử trong khía cạnh dung hòa giữa phi thường và đời thường để đánh giá một con người. Dù đó là người của quá khứ đã qua thì chúng ta không nên nhìn nhận về họ theo những điều đã được cắm mốc, định sẵn.

Trần Thu Hằng với Đàn đáy không chọn điểm rơi cho các nhân vật vào các biến cố lịch sử mà đặt họ vào cái tình của kiếp người trong bối cảnh lịch sử thời Lê Trịnh. Đó là hình ảnh một Nguyễn Hữu Chỉnh ban đầu nho nhã tài hoa hết mức, sau tàn độc nhẫn tâm tham vọng đến vô cùng. Một Nguyễn Khản luôn khao khát muốn tìm một người làm kẻ tri âm (như với Bạch Dung) bởi “làm một kẻ tri âm còn gấp mấy lần kẻ bạc lòng”(8). Nhờ tiếng đàn tiếng hát mà dường như mọi xốn xáo, bụi trần đều bay đi và thay vào đó con người chỉ còn một sức sống mãnh liệt, một sự an hòa, thanh tao đến tột cùng. Đây cũng là cách tác giả Đàn đáy đi tìm ngã rẽ về những trạng thái tinh thần của các nhân vật lịch sử ở thái độ đối với những người nghệ sĩ có tâm có tài, mặc dù cái kiếp nhân sinh, thế thái nhân tình không thiếu những điều trầm luân, vùi dập.

Mỗi nhà văn khi lựa chọn đề tài lịch sử đã tự đưa ra cho mình một cách thức để đối thoại với lịch sử riêng biệt. Nhưng họ gặp nhau một điểm chung, đó là để nhận thức lại lịch sử trong con mắt toàn vẹn (nhưng thực ra cũng để mượn xưa nói nay tựa như chuyện cũ viết lại - chúng tôi nhấn mạnh), họ mượn chính các nhân vật lịch sử, dựng lại không khí lịch sử ấy để chúng ta hiểu hơn thời cuộc đã qua đồng thời tự tìm ta cho mình cách sống trong thời hiện đại từ bức thông điệp được gửi bởi quá khứ.

2. Kết nối với cuộc sống hiện tại

Việc người viết tiểu thuyết lịch sử lựa chọn con người của quá khứ không đơn thuần để “giải”quá khứ mà quan trọng hướng đến cắt nghĩa con người hiện tại. Tiểu thuyết Giàn thiêu của Võ Thị Hảo không nặng về các sự kiện lịch sử, nếu có, thứ lịch sử đó lại để nói chuyện thế thái nhân sinh qua “một kiến giải mới mẻ và khả chấp về nhân vật lịch sử đồng thời là nhân vật truyền thuyết Từ Đạo Hạnh”(9).

Không quá chuyên tâm về vị vua Lý Thần Tông, tác giả chỉ lấy đó làm mốc thời gian vừa dựng lại quá khứ câu chuyện vừa cấu kết thời điểm hiện tại để làm bật lên đời sống thế sự của kiếp người. Giàn thiêu đã “lẩy” lên một đời sống mang đậm âm sắc thế sự của những con người bình thường bị cuốn theo dòng của con tạo, lịch sử.

Cái khát vọng về tự do và tình yêu là ngọn lửa luôn cháy trong con người, ngay như Đạo Hạnh bên ngoài thuyết giảng và làm theo những điều răn dạy của Phật nhưng bên trong cũng là một người thấy mình như “chưa kịp sống, chưa được sinh ra trên cõi đời này”(10), bao đêm phải “cắn nát cả một bên tay để diệt ngọn lửa dục”. Con người ấy không thể là một thánh nhân mãi được, đó chỉ có thể là một con người với hỉ nộ ái ố, con người ở nghĩa bình thường nhất. Đó là cách nhà văn Võ Thị Hảo lý giải nhân vật, “giải thiêng” cho nhân vật lịch sử Từ Đạo Hạnh, đặt nhân vật vào chiều phức tạp, chứa nhiều mâu thuẫn cả kiếp trước lẫn kiếp sau. Cách kiến giải về nhân vật này như Võ Thị Hảo nói “sẽ là những kiến giải về kiếp người, những đau đớn thương yêu và lầm lạc và điều gì đang dẫn dắt chúng ta đi”(11).

Giàn thiêu còn hé lộ nên thân phận của những người đàn bà đẹp. Một Nhuệ Anh chung tình dám sống và chết cho một tình yêu đích thực, không bị hoen ố bởi tham vọng và quyền uy. Một cung nữ Ngạn La dám chống lại luật lệ hà khắc của triều đình để đòi cho mình quyền được sống. Và cũng là nhân vật vén bức màn cục diện của hiện thực ra trước mắt người đọc, làm điểm nối vào sự thật lịch sử.

Tính chất “nữ quyền” ấy vô hình chung đem lại thế mạnh cho chất tiểu thuyết của tác phẩm. Điều này trở thành một sức hấp dẫn có tính chất lan tỏa được khẳng định mạnh mẽ hơn trong Mẫu thượng ngàn.

Trong cái làng Cổ Đình tưởng như tất cả đều bị cuốn theo cơn gió văn hóa ngoại nhập nhưng nơi này dường như vẫn còn “vững chãi” mãi một khát vọng về một sức sống trường tồn bên cạnh Mẫu. Mượn ngôn ngữ tiểu thuyết, nhà văn đã lý giải, khẳng định nguyên lý văn hóa Việt ở nét đẹp của văn hóa Mẫu. “Đạo của họ thờ mẹ Trời, mẹ Đất, mẹ Nước. Họ nói đó là đạo Người mẹ. Có thể nói gọn, đó là đạo khí thiêng của thiên nhiên, thờ Người mẹ sinh ra thế gian này. Thờ như vậy là thờ những điều cao quý nhất”(12). Đó không chỉ là tín ngưỡng văn hóa thuộc về tâm linh mà ngay trong làng Cổ Đình này, người phụ nữ vẫn trở thành những biểu tượng của một sức sống bất diệt trong cả tâm hồn lẫn đời sống của Mẫu.

Dựa trên việc lý giải mối quan hệ cá nhân và lịch sử để tìm ra dấu ấn lịch sử trong con người, con người trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh là con người của đời thực, con người của cuộc sống thường ngày với những phức tạp và đa diện của nó. Cuộc đời mỗi nhân vật (bà Tổ cô, cô Mùi, Nhụ) của Mẫu thượng ngàn dù là những nhân vật hư cấu, vô danh trong lịch sử nhưng chính họ là cá nhân dệt nên bức tranh rộng lớn nền văn hóa Việt trong sự xâm thực của yếu tố ngoại lai.

Với khoảng 40 nhân vật nữ trong tác phẩm, họ đều mang trong mình những vẻ đẹp phồn thực, vẻ đẹp của người đàn bà Việt. Đó là một cô Ngơ với thân hình tròn trĩnh, mặt bụ bẫm, phúng phính với một tâm hồn tràn ngập yêu thương và khát vọng luyến ái mãnh liệt. Bà ba Váy được khắc họa là một con người có trái tim nhân hậu, vị tha. Cô Mùi được nhấn mạnh ở bản năng tự nhiên của một người phụ nữ khát khao sống, khát khao hiến dâng. Nhụ là một trái tim trong sáng, ngây thơ, thánh thiện. Hoa dịu dàng nhưng không cam chịu số phận… Tất cả họ đều mang bản năng của người phụ nữ, tình yêu, sự hết mình, lòng tận tâm đặc biệt là khả năng tái sinh, ban tặng sự sống cho những thân phận mỏi mòn đang dần tàn lụi. Cái bản năng mang tính Mẫu của văn hóa bản địa ở xứ này khiến những kẻ được gọi là consquitador (kẻ xâm lược) khó có thể lý giải. Đâu chỉ là những hình tượng có tính chất siêu nhiên: cô Chín, cô Bé, bà chúa Thác bờ, bà Đà mà còn có sự hiện diện của chính những con người như bà Tổ cô, cô Mùi, Nhụ… làm nên biểu tượng về người phụ nữ: hình tượng Mẫu thượng ngàn.

Con người với những vấn đề cơ bản của nó, bất kỳ ở đâu đều là điều quan tâm chính của mỗi nhà văn. Tiểu thuyết lịch sử cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ, nó vẫn đi tìm những mạch ngầm về con người ở những tính chất tiêu biểu để viện giải cuộc sống. Vẫn là những vấn đề của lịch sử nhưng chúng lại là chiếc cầu nối từ quá khứ đến hiện tại về những vấn đề xã hội, nhân văn và sự sinh tồn của con người. Tiểu thuyết lịch sử đã biến lịch sử thành những thang giá trị cuộc sống mà con người hiện tại quan tâm, mở ra chân trời khám phá mới, phù hợp với tư duy của con người hiện đại trong cảm thức truy vấn những sự thực của lịch sử.

N.T.K.T
(256/6-10)



---------------
(1) Drothy Brewster & John Angus Burrel (2003), Tiểu thuyết hiện đại (Dương Thanh Bình dịch), Nxb Lao động, tr.132.
(2) Thảo luận về tiểu thuyết lịch sử (Nam Dao và Nguyễn Mộng Giác) trên http: // www.nhanvan.com.
(3) Hoài Nam, “Bàn về tiểu thuyết lịch sử”, Báo Văn nghệ, số 45/2008, tr.12.
(4) Nguyễn Thị Tuyết Minh, “Khuynh hướng tiểu thuyết hóa lịch sử trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1975”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 4/2009, tr.56.
(5) Nguyễn Mộng Giác (2003), Sông Côn mùa lũ, Nxb Văn học, tr.947.
(6), (7) Nguyễn Xuân Khánh (2007), Hồ Quý Ly, Nxb Phụ nữ, tr.503,504.
(8) Trần Thu Hằng (2005), Đàn đáy, Nxb Hội nhà văn, tr 129.
(9) Lại Nguyên Ân, “Tiểu thuyết và lịch sử”, trên http://www.vietbao.vn.
(10), (11) Võ Thị Hảo (2005), Giàn thiêu, Nxb Phụ nữ, tr.427, 559.
 (12) Nguyễn Xuân Khánh (2006), Mẫu thượng ngàn, Nxb Phụ nữ, tr.427.



Các bài mới
Cây kem (13/07/2010)
Các bài đã đăng