Tạp chí Sông Hương - Số 256 (tháng 6)
Bóng cây phong lan
15:49 | 05/07/2010
LGT: Bóng cây phong lan được trích từ tuyển tập truyện ngắn Nhật Bản có nhan đề chung Bên trong do Nhà xuất bản Kodansha tuyển chọn và giới thiệu, được Nhà xuất bản Thuận Hóa (Huế) tổ chức dịch ra tiếng Việt và phát hành ở trong nước. Tuyển tập gồm 8 truyện ngắn của 8 nhà văn nữ với đề từ chung: Phụ nữ Nhật viết về phụ nữ Nhật. Bên trong là nhan đề, mà cũng là chủ đề của tất cả các truyện: Phía trong tâm hồn và phía trong thân thể của người phụ nữ.
Bóng cây phong lan
Nhà văn nữ Nhật Bản Nobuko Takagi - Ảnh: mata-web.com
Ở đây chúng tôi chọn giới thiệu một trong 8 truyện ngắn. Takagi Nobuko là nhà văn nữ Nhật Bản từng đoạt giải thưởng danh giá Akutagawa, đã đến thăm Việt Nam và thăm Huế nhiều lần. Truyện của bà mang hình ảnh cuộc sống hiện đại nhưng đồng thời cũng phảng phất màu sắc lãng mạn của tình yêu, trong đó không khí huyền ảo và trí tưởng tượng phong phú cho phép người đọc vượt qua không gian hữu hình. Đây là câu chuyện giữa hai người đàn bà, một ở cõi người và một ở cõi âm…
T.T.M 


Bóng cây phong lan

                       
NOBUKO TAKAGI


Khi Michiko bước vào phòng, mùi của con trai bà vẫn còn đâu đó. Chắc nó tỏa ra từ cái chăn lông ngỗng. Cứ mỗi lần đem phơi chăn đệm, hình như cái mùi ấy cũng phai dần.

Khi dọn đến Tokyo, con trai đã mua tất cả những gì nó cần, giường, bàn, bàn viết, vì thế hầu hết đồ gỗ ở đây vẫn y như lúc nó rời đi. Nhưng khi nó đi rồi, căn phòng ngay lập tức chuyển thành một không gian không màu, trong suốt. Michiko lo rằng cứ thế này, con trai sẽ cảm thấy không thoải mái khi về nghỉ hè. Bà muốn căn phòng này, ngôi nhà này vẫn có vẻ là mái ấm của nó, còn căn hộ ở Tokyo chỉ là nơi tạm trú mà thôi. Tuy vậy, bà cũng biết con mình sẽ ở Tokyo đến sáu năm, và nếu còn ở lâu hơn nữa, căn phòng và ngôi nhà này chắc sẽ không là gì với nó ngoài kỷ niệm.

Những cái lò xo kêu lên khi bà ngồi xuống giường.

Tin vui về con trai bà nè! Chúc mừng bà! Bà thật may mắn! Mọi việc đều êm đẹp! Thật nhẹ cả người!.

Nếu đây có thể là những lời chân thật, thì chúng cũng có khi là những lời chua chát, đố kỵ. Một vài người bạn thông cảm với bà: chắn chắn là nó cảm thấy áp lực ghê gớm khi là con một của một bác sĩ. Nhưng đứa con trai đã chọn ngành y mà không nghĩ đến nghề nghiệp của cha nó. Người cha, Yukio, làm việc cho một bệnh viện lớn, vì thế không có gì cần chuyển giao lại. Con của họ có thể sẽ cũng làm việc cho một bệnh viện ở Tokyo hay ở một thành phố lớn khác. Tính cách của nó giống Yukio, phù hợp với việc nghiên cứu, vì thế khó tưởng tượng được việc nó lại tự mình ra mở phòng mạch hành nghề.

Căn phòng của con trai đón nhiều ánh sáng hơn các phòng khác trong nhà, vì thế Michiko phơi áo quần tại đây trên một cái giá gấp. Bà lấy đống áo quần từ máy sấy và chỉ treo những đồ còn ẩm ướt. Đến buổi chiều chúng gần như khô hẳn. Bà đem những cái sơ mi trắng và găng tay cotton mà bà dùng khi làm vườn từ phòng con trai sang phòng khách, thảy chúng lên trên một núi đồ giặt chồng chất cuối ghế sofa. Bây giờ bà xếp chúng lại, từng cái một.

Chẳng hiểu vì sao, mỗi khi Michiko chìm vào công việc này, bà cảm thấy mình mất dần chất xám, từ từ thôi nhưng rõ ràng là thế. Nếu bà không nghĩ gì cả, tay bà vẫn quấn tròn cái quần đùi nam như bắp cải, và lục tìm mấy chiếc tất cho đủ đôi. Michiko biết mình cần phải tiếp tục sử dụng trí não, nhưng nó không chịu hoạt động khi không cần thiết. Ít ra, khi con trai còn ở nhà, bà còn phải cầm từng đôi tất trên tay để xem là của Yukio hay của nó, nhưng giờ thì ngay cả chuyện ấy cũng không cần nữa. Xếp áo quần bây giờ chỉ là một công việc không cần suy nghĩ.

Xếp xong áo quần, Michiko rỗi rảnh cho tới buổi tối. Dù mưa hay nắng, buổi tối luôn cho Michiko cảm giác vừa hạnh phúc vừa cô đơn. Bà bật tivi cho đỡ buồn tẻ, nhưng không sao xem được chương trình buổi chiều quá mười phút. Những chuyện tầm phào dính líu tới người nổi tiếng được làm rối lên như những sự kiện lớn của thế giới, còn những nhà phân tích tâm lý thuộc giới mày râu thì mặt ủ mày chau khi xướng lên những chuyện đại loại như có một bà nội trợ ăn cắp tại cửa hàng khi đang có kinh. Thật hết chịu nổi.

Michiko không hề nghĩ mình là một phụ nữ đặc biệt. Bà cho rằng mình cũng chỉ có những phẩm chất và trí thông minh trung bình truyền lại từ cha mẹ. Vậy mà không chỉ ghét cái chương trình buôn dưa lê dành cho các bà nội trợ, bà còn cảm thấy tối tăm mặt mũi khi xem nó. Thời gian gần đây, bà bắt đầu nghĩ sở dĩ vậy là do tuổi tác mà ra.

 Một năm nữa. Chỉ một năm nữa thôi là mình năm mươi tuổi. Không vội vã, nhưng bà không kìm được ý nghĩ rằng mình bắt đầu bị đẩy lùi, từ một vùng đất cỏ xanh đến một nơi khô cằn đầy rác và đá. Bà cũng mừng là sức khỏe không bị rắc rối gì với sự chuyển đổi của đời người; mà dù chuyện gì xảy ra, dường như bà cũng đã thanh thản đối mặt với tuổi mãn kinh của mình. Nhưng bà cảm thấy trí óc và cơ thể đang tiêu mòn đi, rồi khi con trai chuyển lên Tokyo, cảm giác đó càng rõ rệt hơn bao giờ hết. Có lúc Michiko khóc vì thấy mình là người hạnh phúc nhất thế giới. Lại có khi, bà thấy mình chẳng là gì cả với Yukio và con trai mình, bà bỗng muốn chết cho rồi, muốn trở lại thành cát bụi. Còn biết làm gì khi đã đến tuổi mãn kinh?

Michiko bật tivi, rồi thường chỉ mười phút sau đã tắt. Mở cuốn tạp chí phụ nữ, bàn tay sao quá nặng nề, bà phải nằm nghỉ trên ghế sofa. Không biết có ngủ hay không, mắt vừa nhắm được một lát lại mở.

Màu hồng nhạt và màu tím lan tỏa trong đáy mắt bà. Trông cứ như vô số con bướm đang vỗ cánh trong sương. Michiko vội mở mắt nhìn cái vật mà Yukio đem về nhà tuần trước: một chậu phong lan thuộc giống Đăng lan (Dendrobium) đang nở rộ.

Tim Michiko bắt đầu đập thình thịch. Cả tuần nay, lần nào cũng vậy, cứ mỗi khi bà ngồi một mình với chậu hoa vào buổi chiều, trái tim bà phản ứng rất lạ. Bà không có cảm giác đó khi săm soi ngắm nghía cùng với một người khách đang kinh ngạc trước vẻ đẹp của hoa, hay khi ngồi cạnh Yukio xem tivi vào buổi tối, với chậu hoa đặt giữa hai người. Thế nhưng lúc một mình với cây hoa thì lại có chuyện. Bà bị chế ngự bởi một cảm giác khó tả, một điều gì bứt rứt từ trong thẳm sâu. Bảo rằng khó tả chỉ là cách nói cho đơn giản thôi. Khi bà thực sự nghĩ cho chín, nguyên nhân liền trở nên hết sức rõ ràng: bà ghen với chậu hoa lan.


Một trong những bệnh nhân của Yukio là một cô gái trẻ bị ung thư thận. Yukio, một chuyên gia về thận, đã khám cho cô từ hồi cô còn học cấp hai, khi cô bị nhiễm khuẩn thường xuyên. Chức năng thận của cô sẽ thấp hơn mức thông thường, nhưng cô luôn luôn có vẻ hồi phục tốt và trở lại cuộc sống thường nhật.

Rất khó chữa chứng bệnh mãn tính của thận. Yukio nói như vậy khi thấy bệnh nhân của mình lâu không vào viện. Ông cảm thấy vui vì cô còn cầm cự được qua ngày; đồng thời, ông cũng lo rằng cô sẽ suy sụp. Lo lắng của ông là có cơ sở chắc chắn: khi bệnh nhân lại xuất hiện tại phòng khám của Yukio vào tuổi đôi mươi, sau khi vắng mặt một vài năm, căn bệnh ung thư đã di căn khắp thận và phổi. Chính xác là sau khi phát hiện bệnh ba năm rưỡi, cô vẫn sống.

Yukio hiếm khi nói với Michiko về hàng tá bệnh nhân mà ông chữa trị, nhưng ông có vẻ rất thương tiếc cho trường hợp này. Khi biết rằng bệnh ung thư đã vào giai đoạn cuối, khi các phương pháp chữa trị sau đó không hiệu quả, có những lần ông than thở khác thường: “Tại sao nó lại tấn công một cô gái đẹp như vậy?”

Michiko thường nghe các đồng nghiệp của Yukio nói những lời tương tự như vậy. Một người bạn là bác sĩ phẫu thuật đã quan sát một cậu bé bị ung thư xương, phải cưa một chân. Cậu bé có dáng vẻ hiền lành và có đôi mắt thiên thần. Michiko không tin rằng người ta có ấn tượng như vậy chỉ vì lòng cảm thông và trắc ẩn; chính bà cũng thấy bệnh tật luôn chọn những người trẻ có trái tim thanh khiết và đôi mắt trong trẻo.

Vì thế, khi Yukio lần đầu nói đến bệnh nhân là một cô gái đẹp, Michiko hình dung một cô bé tuổi teen và thấy rất thương. Nhưng đứa bé đó đã trở thành một cô gái tuổi đôi mươi, nên mặc dù cô ta đã là bệnh nhân từ ngày còn học cấp hai, Michiko vẫn bắt đầu chú ý khi Yukio cứ khen cô xinh đẹp.

Khi Michiko hỏi: “Này, cô gái mà anh từng nói đến, thế nào rồi?” Yukio tuôn ra một tràng những triệu chứng đau đớn của bệnh nhân, và cảm thấy nhẹ hẳn vì có người chịu khó nghe mình. Michiko lắc đầu. “Cứ tưởng tượng bị căn bệnh kinh khủng kia trước khi yêu ai hay kết hôn… Thật tội nghiệp, cô ấy chắc phải đấu tranh từ khi còn tuổi teen để sống bình thường. Thượng đế thật không công bằng”.

“Đó là lí do tại sao anh bây giờ là bác sĩ, là cha và là người tình của cô ấy”.

Yukio cùng tuổi với Michiko, nhưng ông vừa mới tự tuyên bố không một giây suy nghĩ rằng ông là cha và là người tình của bệnh nhân. Sau khi những lời ấy lắng xuống, Michiko cảm thấy chồng gần như mất tự chủ.

Bà cố gắng che giấu sự bất ngờ trước những biểu hiện tình cảm của Yukio. Thế nhưng đôi khi bà thấy mình phải ngừng lại để thở khi nghĩ về cô gái, người đã làm cho người đàn ông gần năm mươi tự gọi mình là người tình.

“À, may mắn thật, vì anh là bác sĩ nên được cô ta tin tưởng chứ gì? Cô ta chẳng biết dựa vào ai, chắc phải xem anh là cả thế giới”. Michiko thúc ngón tay vào quai hàm Yukio, như một người chị la mắng em trai vì tội chòng ghẹo người khác. Bà châm thêm: “Anh phải chăm sóc cho trái tim, cũng như thận của cô ấy, phải không?” Những lời trên hoàn toàn chân thật. Michiko không hề ngạc nhiên chút nào bởi ý tưởng rằng một bác sĩ có thể có vai trò còn hơn một bác sĩ thông thường trong mắt những bệnh nhân nữ có trái tim đã suy yếu cùng với cơ thể.

Chỉ một tuần sau đó, cô gái qua đời. Tối đó Yukio trở về nhà với một chậu đăng lan trong vòng tay. Ông nói rằng cô ấy tặng cho ông. Cây Đăng lan, với rất nhiều hoa trên một thân tròn, hiển nhiên là dễ chăm sóc hơn lan Hồ điệp hay Cát lan. Yukio cho biết nó từng nằm trên bậu cửa sổ căn phòng cô gái trong bệnh viện vài năm qua. Nguyên thủy nó vốn là món quà tặng chúc hồi phục sức khỏe. Mặc dù những bông hoa dần dần héo đi, nhưng nếu được chăm sóc cẩn thận, nhánh cây vẫn nở hoa lần nữa mỗi mùa xuân tới. Vì thế đối với cô gái, có lẽ nó còn hơn một nguồn động viên, mà là lẽ sống.

Chậu hoa Đăng lan Yukio đem về nhà đang có nhiều hoa, một nửa nở, nửa còn lại đang còn bông búp. Chắc hẳn cô gái đã gắng chứng kiến chậu hoa nở lại năm nay, rồi mất. Một tờ giấy tập xé ra dán vào chậu hoa, trên đó viết những chỉ dẫn chăm sóc Đăng lan: một là phải để chậu hoa trong nhà, tưới nước vừa phải khi hoa nở. Nếu thân cây nhú lên chồi non sau khi hoa tàn là hoa sẽ nở lại vào năm tới, vì thế một nguyên tắc nữa là bón nhiều phân và đặt cây nơi nhiều ánh sáng. Cuối tờ ghi chú là những nét chữ tròn giống như của trẻ con viết: Bác sĩ, nhớ chăm sóc cho những bông hoa này như ông đã chăm sóc cho em.

“Em không chắc có làm được không”, Michiko nói. “Mấy cây địa lan mình được tặng thậm chí còn chưa nở bông nào. Em không có tài làm vườn”. Trong góc sân của họ có ba hay bốn chậu địa lan chỉ toàn lá, và một nửa trong số chúng héo rũ vì thiếu nước.

“Không sao. Nhận món quà mới là chuyện quan trọng”. Yukio có vẻ không đặt nặng nguyện ước của người quá cố.

Hai ngày sau khi họ đặt chậu lan trên chiếc bàn thấp giữa hai chiếc ghế sofa, những bông hoa nở rộ. Chúng quá rực rỡ sống động đến nỗi như thể cuộc sống mất đi trong bệnh viện lại phun trào nơi phòng khách. Cây hoa lan tới nhà một thời gian ngắn sau khi con trai họ đi Tokyo. Dù lí do là gì đi nữa, Michiko cũng không thể nào kềm giữ ý nghĩ rằng cây hoa này không phải một cây lan bình thường.

Bà không thể tin rằng Yukio và cô gái đã từng là những gì còn hơn cả mối quan hệ bác sĩ và bệnh nhân. Cô gái đó có cảm giác quyến luyến Yukio như một người khác giới là chắc chắn. Nhưng Michiko tin rằng là một bác sĩ, Yukio đã chứng kiến cô gái đó cho đến khi cô qua đời mà vẫn khéo léo kiểm soát tâm trạng của cô. Với Michiko, ông chưa bao giờ tiết lộ sự gắn bó tình cảm của mình với cô gái ngoài việc nói ra rằng cô ấy đẹp. Hơn nữa, vào đêm cô gái mất, Yukio đứng rất lâu trước gương sau khi tắm, ngắm nghía nửa thân trên để trần của mình.

Thấy Michiko đi ngang qua sau mình, ông ưỡn ngực trước gương và hỏi xem ông có gì khác và khác biệt như thế nào so với một chàng trai trong độ tuổi hai mươi. Vào lúc đó, Michiko không thấy khác biệt gì lắm, có lẽ là do làn da ông sáng long lanh sau khi tắm. Ngày hôm sau, khi nghĩ lại, bà thấy ông có những món tóc bạc xen lẫn trong mái tóc, khóe mắt ông chùng xuống, má và cổ cũng vậy. Ông vẫn thường khoe mình không thay đổi trọng lượng kể từ khi ba mươi tuổi, thế nhưng tuổi tác chắc chắn đuổi kịp ông. Hiển nhiên Michiko là người bắt đầu có biểu hiện về tuổi tác trước, mặc dù bà và Yukio sinh cùng một năm.

Vào lúc đứng trước gương, thật ra Yukio đang suy nghĩ điều gì? Liệu ông có mơ hồ ước muốn được làm như chàng trai tuổi đôi mươi? Bà hồ nghi rằng ông thật sự thấy mình tệ vì không thể đáp ứng những mơ ước của cô gái, và cảm giác đó giễu cợt trái tim ông. Cứ mỗi lần ngồi trên ghế sofa ngắm chậu hoa, bà bắt đầu hình dung thấy một cô gái trẻ nằm trên giường trong bệnh viện. Bà thấy Yukio nhìn vào mắt cô gái, nắm tay cô, vén áo và đặt ống nghe trên ngực cô. Cứ nghĩ đến đó là tim Michiko bắt đầu đập loạn lên. Bà biết rằng cơ thể của một người sắp chết không đẹp như trên phim; cho dù thân hình của một nữ diễn viên Holywood đi nữa đến lúc ấy cũng làm người ta phải ngoảnh mặt đi. Nhưng Michiko chưa bao giờ tự mình nhìn thấy cô gái. Bà không biết ngay cả trong giờ phút cuối trước khi mất, cô vẫn phô bày vẻ đẹp của tuổi đôi mươi.

Minh họa: Đặng Mậu Tựu


“Có chuyện gì với em à? Thiếu ngủ à?” Yukio vừa hỏi vừa thắt cà vạt. Khi lấy bộ vest ra khỏi tủ, Michiko bị choáng váng phải ngồi xuống chiếc giường bên cạnh. Bà dụi mắt. Về tình huống này, ông ấy nói đúng; bà thiếu ngủ. Cả đêm thao thức, sáng sớm bà thức dậy dù ngoài trời còn tối. Bà vào toilet, đi lại trong phòng khách, nhìn đăm đăm vào bể cá, rồi trở về phòng sau khi nhận rõ sự hiện diện của chậu Đăng lan với cái bóng đung đưa trên bể cá như những lá rong biển. Sau đó bà chịu không thể thiếp đi được nữa. Đôi khi giấc ngủ chợt đến khoảng ba mươi phút trước khi đến giờ phải dậy, đột ngột bị cắt ngang, và rồi khi dậy cũng khó chẳng kém gì khi ngủ.

“Nghe nói khó ngủ là dấu hiệu của tuổi già. Theo y học có phải thế không?” bà hỏi.

“Ai cũng nói vậy. Nhưng nếu cơ thể mỏi mệt thì nó sẽ ngủ, cho dù em có muốn hay không. Đó không phải là dấu hiệu của tuổi già, có lẽ là do thiếu tập luyện thể dục”.

“Em tự hỏi liệu em có nên tập yoga trở lại hay không?”

“Có lẽ đó là dấu hiệu cho thấy em tiêu hao năng lượng cho con trai nhiều hơn cho anh. Bây giờ nó đi rồi, em có ít việc để làm”.

“Không đúng. Ngay khi nó còn ở đây, giặt đồ cũng đã có máy giặt, quét dọn thì có máy hút bụi.”

“Vậy thì vấn đề là năng lượng của trái tim rồi. Lo lắng. Em lo lắng quá trời khi nó chuẩn bị thi đại học, còn bây giờ thì nó ổn rồi”.

“Em chắc là anh muốn nói em bị một trong những chứng “bệnh nhà giàu”, phải không?”

“Không. Còn hơn nữa, bệnh quá sướng”.

“Chắc anh cho rằng trên đời này em không có việc gì phiền muộn”.

“À, em có buồn phiền gì phải không?”

“Không, không có gì đâu”. Nói cho chính xác thì đâu phải là không có gì, nhưng nếu nói ra, chắc chắn bà sẽ được xếp loại mắc bệnh nhà giàu hay bệnh sướng quá. Một lỗ rỗng mở ra trong tim Michiko, cứ mỗi lần bà ngắm mình trong gương và phát hiện thêm những nếp nhăn mới trên cổ, mỗi lần không thể nhớ tên những người quen cũ, mỗi lần nhận ra mình hết hơi và thở hổn hển khi leo cầu thang, lỗ rỗng đó mở rộng hơn trước. Nhưng thật hoài công khi cố níu kéo những gì đã mất. Bà biết rằng bà cần phải với tay tới tương lai.

“Chắc đây là nỗi buồn do mùa xuân” Michiko nói, rồi cười. “Đây gọi là “sự u sầu khi cây cối đang ra nụ”. Em tự hỏi liệu em có bị mất thăng bằng, như thời mới lớn. Đây chắc là giai đoạn mà em tự hỏi nên làm gì với bản thân mình, bây giờ những người đàn ông trong nhà đã đi xa, xa rồi”.

“Chỉ có một người trong nhà này đi xa, con trai chúng ta. Anh vẫn ở đây. Nói đi, liệu tối nay em có thích trở về tuổi mới lớn không?” Khi Michiko đã xoay xở để đứng lên được, Yukio ôm eo bà kéo lại sát gần ông, sau đó mạnh mẽ buông ra và đi ra cửa.

Sau khi Michiko dọn dẹp sạch sẽ ngăn nắp và đọc báo, như thường lệ bà gọi điện cho người mẹ sống gần đó. Thường thì không có tin tức gì mới, nhưng hôm nay Michiko phải nghe mười lăm phút chuyện tranh cãi giữa mẹ với ông nha sĩ về cái răng giả của bà. Cuối cùng khi Michiko đặt điện thoại xuống, chậu Đăng lan đang đứng phía trên bà. Và một lần nữa, chẳng hiểu vì sao, ngực bà thắt lại, bà nghe tiếng ai thì thầm: Bác sĩ, chăm sóc cho em.

Michiko từng nghĩ chứng rối loạn mãn kinh không làm gì được mình, nhưng bây giờ thì bà không dám chắc. Bà nhấc chậu Đăng lan lên, đi vào phòng con trai và đặt chậu hoa lên trên bàn. Ở đây, nó sẽ không lọt vào mắt bà nữa. Michiko nghĩ ra, mình có thể trả nó lại phòng khách khi Yukio về nhà. Cảm thấy vừa giải quyết xong một việc quan trọng, Michiko ăn trưa bằng thức ăn còn lại từ bữa tối. Bà nằm xuống ghế sofa, tự nhắc mình rằng đây chính là thiên đường, thiên đường. Thế nhưng đột nhiên bà thấy khó chịu, như thể sắp mất con trai mình, như thể có bàn tay của một người đàn bà nguy hiểm đang chạm tới nó. Bà lại đứng dậy.

Đem chậu hoa ra khỏi phòng con, bà tìm một chỗ để đặt nó xuống, rồi mở cái cửa kính trượt thông ra sân và cho nó ra bên ngoài. Bầu trời hoàn toàn trong xanh, một luồng gió xuân thổi qua cánh cửa. Michiko quyết định sẽ mang chậu hoa vào trong nhà trước khi trời trở lạnh vào buổi tối. Bà lại nằm xuống ghế sofa.

Bà nhắm mắt nhưng vẫn nhìn thấy sáng rực rỡ. Phải chăng thần kinh thị giác của bà thật sự bắt được màu của máu và mô tế bào, hay bà đang tưởng tượng ra mấy màu này? Nếu thần kinh thị giác của bà có cơ chế bắt được màu, bà mong nó đồng nhất và cố định. Nhưng khi bà thay đổi tầm và hướng chú ý, màu đỏ chuyển thành màu tím đậm hay màu hồng nhạt, và một hình dáng giống như sóng xuất hiện ở hướng này. Đúng, đây là hình ảnh tưởng tượng.

Đột nhiên, trên nền đỏ rực rỡ, một hình bóng màu đen xuất hiện. Bà cảm thấy có cái gì trượt giữa ánh sáng với đôi mắt nhắm nghiền của mình, và cái bóng ấy thấm qua mi mắt bà.

Michiko cẩn thận dõi theo cái bóng.

Cái bóng khá phức tạp. Đầu tiên, ngay giữa nó là một cái gì tương tự một thân cây đơn; phía trên lơ lửng hình dáng mập mờ của một cái đầu phụ nữ. Khi Michiko chú ý vào hình dáng mập mờ đó, bà có thể thấy nhiều lớp cánh hoa khác nhau: một lớp những cánh hoa đơn màu nhạt phía ngoài bao bọc một cụm cánh hoa dày bên trong.

Mình biết rồi, Michiko nghĩ, bà mở mắt ra. Trước mắt bà là một khuôn mặt phụ nữ.

Đầu tiên Michiko hỏi “Làm sao cô vào trong nhà được?”. Bà chắc chắn mình đã đóng cái cửa trượt. Cô gái quay lại nhìn vào cánh cửa. Nó được mở vừa đủ rộng cho cô lách vào. “Nói cho tôi biết cô tên là gì?” Michiko hỏi. “Tôi có cảm giác chồng tôi đã từng nói cho tôi nghe, nhưng gần đây thậm chí tôi còn quên cả tên những người quen cũ”.

“Tốt thôi. Nếu chị muốn, hãy gọi em là Đăng Cô”.

“À, Đăng tức là Đăng lan... tôi hiểu rồi. Tôi sẽ gọi cô là Đăng Cô nếu cô không phiền, nhưng tôi lấy làm buồn là cái tên Đăng Cô nặng nề quá so với một vẻ đẹp tươi trẻ. Nó có vẻ bậm trợn, ý tôi muốn nói là không được tao nhã như cô vốn thế. Hơn nữa, mọi thứ có bề ngoài đều có bên trong. Có lẽ bên trong cô còn nhiều điều đáng nói hơn”

Michiko ngồi, xem xét Đăng Cô. Tóc cô gái nhiều như Michiko đã thấy qua ảo ảnh cái bóng sau mi mắt: mềm, vô số, nhuộm màu hạt dẻ và được vén cẩn thận sau hai tai. Trán cô gái rộng, tạo ấn tượng về sự thông minh và hóm hỉnh; thân hình cô tròn trịa, gợi nhớ sự ấm áp của miền nhiệt đới. Trông có vẻ mạnh khỏe, nhưng dù sao chăng nữa, cô đã thua trong trận chiến với bệnh ung thư.

Môi cô gái màu đỏ tía, chính xác thì nó giống như nhụy của một bông hoa lan; viền môi trên của cô trông không giống của người mà giống như cấy ghép từ hoa lan. Cô gái có khuôn mặt trông buồn cười hơn là xinh đẹp, điều đó làm Michiko cảm thấy phần nào dễ chịu hơn.

“Lẽ ra tôi nên lịch sự mời cô vào, nhưng cảm giác của tôi hơi phức tạp, cô biết đó”.

“Em hiểu. Đột nhiên mọi chuyện đi quá xa. Em không nghĩ là chị sẽ chào đón em”.

“Không, không, em rất được hoan nghênh. Tôi luôn thấy vui khi nhìn vào những gì đáng yêu.”

“Có thật vậy không?”

“Không chính xác hoàn toàn, nhưng tôi đang gắng nghĩ như vậy. Dù sao, hãy ở lại đây. Em hãy ngồi xuống kia”.

Đăng Cô ngồi chênh chếch với Michiko, thu hai gối trước ngực. Làn da trắng của cô hấp thu nhiều ánh sáng của căn phòng đến nỗi như thể nó sắp vỡ tung; khi cô hơi nhích hai đầu gối qua bên, cặp đùi dài hắt ra một tia sáng yếu ớt. Một trong những người bạn của Michiko từng than rằng những người tuổi đôi mươi vẫn có cùng chiều cao như những người tuổi bốn mươi, nhưng chân những người hai mươi tuổi dài hơn 10cm; giờ thì mình đã hiểu, Michiko nghĩ. Ngực phải và trái của Đăng Cô nhô ra cùng một chiều cao, như thể một trái bóng cao su bị chia ra làm hai và gắn hai nửa vào bên nhau.

“Thật ra tôi…” Khi Michiko bắt đầu nói, Đăng Cô nhoài người ra trước và cắt ngang.

“Em mong chị đừng nói kiểu đó nữa, cứ như là đang thú tội. Nói năng trịnh trọng thì em rất dở. Em chưa hề nói chuyện nghiêm túc kể từ khi em nằm viện”. Đôi mắt tròn của Đăng Cô phóng tới khi cô nói. Hai chân cô bắt đầu đưa đẩy lên xuống. Có lẽ cô không thích ngồi yên.

“Rất tốt. Tôi sẽ nói nhẹ nhàng thôi, rồi cô sẽ hiểu nhẹ nhàng”.

“Vậy thì tiếp tục nhé”.

“Là về chuyện chồng tôi”.

“Bác sĩ của em à, chuyện gì vậy?”

“Chuyện gì đã xảy ra giữa hai người? Có gì xảy ra không? Tôi cứ nghĩ ngợi, có thể là vẩn vơ…”

Đôi mắt Đăng Cô chớp chớp bí hiểm, miệng giật giật.

Lập tức Michiko ước gì mình chưa hề nhắc đến chuyện này.

“Chị nói là giữa em và bác sĩ?”

“Ôi, đừng quan tâm. Dù sao thì cũng không quan trọng”.

“Nhưng em quan tâm. Chị nói gì về em và bác sĩ?”

“Hai người là bệnh nhân và bác sĩ, phải không?”

“Vâng…”

“Tất cả chỉ có vậy thôi à? Đó là điều tôi từng muốn hỏi, nhưng thật sự giờ thì không sao”.

“Xem kìa, tại sao giờ thì không sao? Đó là điều em rất ghét ở người lớn. Họ không bao giờ nói cho mình biết thật sự họ nghĩ gì, sau đó thì họ cư xử khó chịu vô cùng…” Đăng Cô nói câu ấy với giọng một đứa trẻ được chiều chuộng. Khi Michiko nghe, bà bắt đầu ghép cặp giọng nói này với hàng chữ tròn: Bác sĩ, hãy chăm sóc những bông hoa như ông đã từng chăm sóc em. Giọng nói này nhẹ hẫng và lộ rõ tính ngây thơ. Trước đó, Michiko thường thử tưởng tượng giọng đọc của dòng chữ viết, nhưng bà hình dung nó trầm và u sầu, đầy tiếng thở dài. Giọng đó không hề tồn tại. Michiko lấy làm lạ là một cụm từ có thể có nhiều nghĩa, tùy thuộc vào người nói.

“Tôi biết thế này thật là ngớ ngẩn, ở tuổi tôi, nhưng tôi cho là tôi ghen với em”, Michiko nói. “Gần đây, khi gặp những người trẻ tuổi, tôi bắt đầu thấy bứt rứt, hoài nghi về mình. Tôi biết mình không chủ ý như thế, nhưng không sao khỏi cảm thấy chán nản… Khi chồng tôi thường nói về cô, ám ảnh trong tôi cứ lớn dần”.

“Còn bây giờ?”

“Ồ, bây giờ thì tôi đỡ rồi.Tôi rất vui được gặp cô. Tôi nghĩ mình đã buồn giận vô duyên thật”.

Đăng Cô từ từ bắt chéo chân, đôi chân vốn đang duỗi ra trước mặt. Cô buông ra một tiếng thở dài rất người lớn.

“Nghe những chuyện này em buồn quá chị ạ. Em rất ngưỡng mộ bác sĩ, em nương tựa vào ông trong mọi chuyện”.

“Vâng, tôi hoàn toàn hiểu được”.

“Chị thấy dễ chịu hơn vì chị đã gặp em và biết em chỉ là con nít”.

“Ồ, tôi thấy em đã lớn, và còn rất xinh đẹp nữa. Nhưng tôi thấy nhẹ lòng vì dù sao đi nữa, những băn khoăn cũng đã sáng tỏ. Trước đây, cứ chút xíu cũng đủ làm tôi động tâm. Nhưng giờ thì tôi đang cảm thấy khá hơn, cho nên em làm ơn đừng nói điều gì làm tôi bực bội trở lại đấy nhé”.

“Em có thể xin chị một điều này thôi được chứ?” Đăng Cô nói. Cô ta ném một cái nhìn lên Michiko, môi mím lại. Trông có vẻ như sẵn sàng chống cự, rõ là như thế.

“Em muốn gì cứ nói”. Michiko bảo, có vẻ dịu lại.

“Em tự hỏi tại sao lúc nào bác sĩ cũng có những móng tay thật đẹp. Em nghĩ vợ ông ấy chắc phải cắt móng tay cho ông sau khi tắm mỗi ngày. Em cũng đã ghen với chị, chị biết không?”

“Móng tay anh ấy?” Thật tình em nghĩ người vợ phải cắt cho chồng từng cái móng tay sao? Đó là chuyện hồi cuối thế kỷ mười chín kìa. Tôi thực chưa bao giờ nhìn đến móng tay anh ấy...”

“Lúc nào chúng cũng được cắt cẩn thận, và giũa nữa...”

“Chắc không? Trong nhà chúng tôi làm gì có giũa”.

“Em biết, vì chính ông ấy đã nói với em như vậy. Mỗi lần đến lượt khám, ông ấy đưa cho em xem từng ngón cả hai bàn tay và hỏi trông chúng đã được chưa. Vẻ mặt ông trông thật vui nhộn, ông chỉ bắt đầu khám khi nào em đã duyệt xong mấy cái móng tay của ông ấy”.

“Anh ấy quả thật rất quý cô, chuẩn bị móng tay kỹ lưỡng như thế chỉ vì lo chúng lỡ làm cô trầy da”. Michiko nói mà cảm thấy lòng mình dường như quặn lên lần nữa. Về móng tay của Yukio, bà chỉ nhớ có một kỷ niệm. Hồi đó họ mới gặp nhau, còn ở tuổi hai mươi. Trước mỗi lần hẹn, Yukio rất lo lắng cắt móng tay, xén, giũa. Michiko thì chỉ chăm chút cho móng tay của chính mình chút đỉnh, hầu như không mấy khi dùng đến sơn phết. Bởi vậy bà rất ngạc nhiên thấy Yukio có bộ móng sạch sẽ đến thế. Nhưng cưới xong, ông cũng thôi không còn quan tâm đến chúng nữa.

Ban đầu Michiko nghĩ sinh viên trường Y chắc phải bị khiển trách nếu móng tay mọc dài, dù chỉ chút xíu. Sau này bà mới biết không phải vì vậy. Bà hiểu ra là Yukio thường cắt móng tay trước những ngày chuẩn bị cho một sự kiện gì đó. Michiko thường cười: “Này, sao lâu nay không thấy anh tỉa tót như vậy? Chắc anh hết hứng thú thân thể của em, phải không?” Yukio nhăn nhó trả lời: “Anh mà không đụng đến em thì thân thể em đã héo queo rồi!”

 “Cô nhắc tôi mới nhớ, đúng là chồng tôi rất hay nói với những người trẻ tuổi về móng tay. Anh ấy còn nói với con: “Mấy đầu ngón tay của một bác sĩ rất quan trọng. Đầu ngón tay là nơi tiếp xúc với bệnh nhân, vì vậy phải luôn chăm sóc chúng”. Michiko không nhớ rõ lắm, nhưng khi cố nói lớn lên điều đó, bà thậm chí còn hình dung được lúc Yukio đang khuyên con. Anh ấy không phải như những người cha thích nói năng tùy hứng, vậy mà anh đã nói rất tỉ mỉ về những cái móng tay.

“Nghe cứ như trong phim ET ấy nhỉ?” Đăng Cô nhìn Michiko với vẻ hoài nghi.

“Vâng, những đầu ngón tay của người ngoài hành tinh chạm vào chỗ nào, ánh sáng liền loé lên. Chắc tay của bác sĩ cũng thế. Sao, cô còn muốn hỏi gì nữa không?”

“Không”. Đăng Cô bỗng im lặng, có vẻ như rụt lại trước vẻ dứt khoát của Michiko.

“Nếu không còn gì nữa, mong cô đi đi cho”.

“Em sẽ đi”.

“Nhưng vẫn chưa hết chuyện... Nếu tôi muốn gặp cô lần nữa, mình sẽ gặp nhau chứ?”

“Cũng được thôi. Hình như chị có năng lực gọi hồn, gọi về được cả những chuyện trong mơ”.

Vâng, đúng thế, những chuyện trong tâm tưởng. Tôi đã đọc về điều đó trong một cuốn sách. Khi một người cố khẳng định sự tồn tại của mình như một cá nhân, họ cần phải có những mơ tưởng của riêng mình. Cấu trúc vật chất của một người không làm hình thành cá thể, ai cũng có hai mắt, một mũi, một hệ tuyến giáp. Nếu bạn đặt hai người mặc đồng phục đứng cách ba mươi mét, bạn sẽ không phân biệt được ai là ai. Nhưng những gì trong tâm tưởng thì duy nhất cho một người. Những gì ta mơ nghĩ sẽ xác định ta là ai. Vâng, tôi bảo đảm về giá trị cuốn sách - nó được viết bởi một nhà tâm lý nổi tiếng, ông ta bảo những giấc mơ có thể giải thích sự vận động tập thể của những loài chim di thê... Sẽ rất khó khăn nếu dùng khoa học để giải thích vì sao chim di thê lại cùng bay đến nơi nào đó, trong mùa nào đó. Nhưng nếu biết được những mơ tưởng mà loài chim cùng ôm ấp, có thể bạn sẽ hiểu...

Không còn ai để nghe lời giảng giải dài dòng của Michiko cả. Bà đứng dậy, nhìn đồng hồ. Vẫn còn sớm, nhưng bà cũng mở cánh cửa kính và đem chậu phong lan vào nhà. Hoa không chỉ nở rực rỡ, mà còn mạnh mẽ một cách ngoan cường, bà thấy rõ như thế. Nếu đưa ngón tay chà xát vào cánh hoa, cũng không để lại tỳ vết gì. Nghe nói thời hoa nở phải đến một tháng. Mặt bàn thủy tinh hằn một vết tròn, đáy của chậu hoa, chừng như cây phong lan muốn lưu dấu mình ở đó. Michiko đặt chậu hoa vào ngay trên dấu vết ấy.

(Còn nữa).

TRẦN THÙY MAI dịch
qua bản tiếng Anh
của Avery Fischer Udagawa)

(256/6-10)




Các bài mới
Cây kem (13/07/2010)
Các bài đã đăng