Tạp chí Sông Hương - Số 257 (tháng 7)
Từ bài thơ hậu hiện đại đến tâm thế thơ hôm nay
15:05 | 07/07/2010
(Tường thuật từ Hội thảo “Thơ đến từ đâu” ở Tạp chí Sông Hương)
Từ bài thơ hậu hiện đại đến tâm thế thơ hôm nay
Trong khuôn khổ Festival Thơ Huế, chiều 6.6.2010, tại 9 Phạm Hồng Thái, Hội Nhà văn TT Huế và Tạp chí Sông Hương đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Thơ đến từ đâu”. Trên 50 nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình cả ba miền Trung - Nam - Bắc đã về dự. Trong đó, có những nhà thơ có mặt trong cuốn “Thơ đến từ đâu” như Hoàng Vũ Thuật, Inrasara, Lê Vĩnh Tài, Trần Nghi Hoàng. Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ Phạm Nguyên Tường - Chủ tịch Hội Nhà văn TT Huế, nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phó TBT Phụ trách Tạp chí Sông Hương cùng chủ trì hội thảo.

Mở đầu, nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc phát biểu đề dẫn, xác định cuộc hội thảo gồm 2 phần. Thứ nhất, tiếp tục bàn tiếp về các giá trị mà tập sách “Thơ đến từ đâu” của Nguyễn Đức Tùng đã mang lại trong bối cảnh hiện nay. (Trước đây đã có cuộc hội thảo về cuốn sách này tổ chức ở Hà Nội và các tham luận đã được tạp chí Sông Hương online đưa lên mạng trong chuyên đề Thơ đến từ đâu). Theo đó, Nguyễn Đức Tùng đã khéo léo đóng những chiếc đinh mang những câu hỏi gợi mở đầy tâm cảm, bản lĩnh và uyên bác vào không gian thơ Việt. Từ đó, chính người phỏng vấn và các nhà thơ Việt được phỏng vấn đã giăng mắc lên đó những quan điểm thơ, những day dứt thơ, những khát vọng thơ... của mình. Tất cả tạo nên những cái nhìn khá rộng, phóng khoáng, độc đáo về diện mạo thơ Việt, có chiều sâu của các vỉa tầng ký ức từ các nhà thơ không phân biệt thế hệ, vùng địa lý sinh sống, quan điểm sáng tạo... Tên gọi của tập sách này được đặt tên chung cho cuộc hội thảo để gợi mở cho nội dung thứ hai là sẽ bàn thêm về vấn đề “thơ đi về đâu” và thử nhận dạng thơ Việt hiện nay. Bàn thảo thêm về những ý kiến khác nhau về thơ hậu hiện đại, như có ý kiến cho rằng thơ hậu hiện đại đang “chạy trốn” dòng thời sự đang nóng bỏng hiện nay, có đúng như vậy không?...
           

THƠ ĐẾN TỪ ĐÂU LÀ BÀI THƠ HIỆN ĐẠI MỚI

Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên chịu trách nhiệm dẫn chương trình. Anh nói: - “Theo chúng tôi biết thì Hội Nhà văn Việt Nam cũng đang định tổ chức một cuộc Hội thảo thơ 20 năm đổi mới, định tổ chức trong tháng 5 và bây giờ sẽ lùi lại sau Đại hội Nhà văn Việt Nam, khoảng sau tháng 8. Bởi vì còn rất nhiều bộn bề và nhiều ý kiến về thơ Việt Nam sau 20 năm đổi mới.

Thế thì hiện nay chúng ta có trên tay cuốn Thơ đến từ đâu và chúng ta tổ chức hội thảo, là cũng trong mối quan tâm chung ấy. Có lẽ trước cuốn sách này, trước loạt bài hỏi chuyện các nhà thơ Việt Nam trong nước và ngoài nước, ít người biết đến cái tên Nguyễn Đức Tùng. Nhưng kể từ loạt bài “Thơ đến từ đâu”, nhiều người bắt đầu nhắc đến anh thường xuyên. Nguyễn Đức Tùng đã trước hết khơi động các nhà thơ không chỉ làm thơ mà phải trải nghiệm những điều suy nghĩ về thơ của mình. Những bài này anh thực hiện rất công phu và có thể nói, những nhà thơ được hỏi đã nhập cuộc rất tốt cùng với người hỏi chuyện. Đây không đơn giản là những bài phỏng vấn mà đây cũng không phải là bài phỏng vấn. Những bài viết này được đăng tải dần dần trên mạng, cho đến khi tập hợp lại thành sách. Anh Nguyễn Đức Tùng hiện sống và hành nghề bác sỹ tại Canada, nhưng anh muốn in sách tại Việt Nam và cuốn sách này đã được xuất bản ở trong nước. Chúng ta mừng trước hết cho anh Nguyễn Đức Tùng, mừng cho các nhà thơ được hỏi chuyện trong cuốn sách.

Trước đây chúng ta có Nguyễn Thanh Quế hỏi chuyện các nhà văn, sau này Nguyễn Công Hoan cũng có một cuốn hỏi chuyện các nhà văn. Chính Nguyễn Công Hoan tự mình đi hỏi Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Chu Văn về những chuyện bếp núc. Bây giờ là Nguyễn Đức Tùng. Người ta hiểu chuyên môn của anh là một bác sĩ nhưng dấn thân vào nghiệp văn bằng sự đam mê. Với cuốn Thơ đến từ đâu, trước hết, anh đã có công là kéo các nhà thơ người Việt dù sống ở đâu, dù theo khuynh hướng sáng tác nào, dù thái độ về cuộc sống thế nào không biết nhưng đều có một mẫu số chung là thơ để ngồi vào bàn tròn thơ. Cuốn sách đã ra mắt đúng lúc khi thơ Việt Nam đang có nhiều vấn đề xảy ra, có những tranh cãi, những cái vượt thoát, những cái níu kéo”.

Không tham dự hội thảo, nhưng nhà phê bình trẻ Trần Thiện Khanh cũng kịp gửi đến bản tham luận: “Nhà thơ có khi chỉ dùng lại các khuôn lời đã được quy phạm hóa, chính thống hóa, có khi anh ta bị biến thành một kẻ môi giới cho loại lời nói có quyền lực nào đó. Nhà thơ nào cũng sống trong một cộng đồng xã hội nhất định. Cộng đồng xã hội đó có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận một phát ngôn nào đó thuộc về một kiểu diễn ngôn thơ, có thể quy định “những điều không được nói ra” và “những cách để nói” về chúng, có thể quy định “không chỉ những gì phải được nói ra để được nghe mà cả những gì phải được nghe để có thể nói”, có thể trao thẩm quyền được nói cho một chủ thể duy nhất, có thể tạo ra uy quyền cho một số loại phát ngôn. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, đôi khi nhà thơ sẵn sàng đứng ở ngoại biên của cấu trúc quyền lực, chọn lựa đi lệch khỏi những chuẩn mực. Đôi khi họ công khai chống lại diễn ngôn hệ tư tưởng thống trị, cố gắng làm xói mòn ý đồ biện minh hợp pháp của nó, bộc lộ rõ ý thức đối lập với những khuôn mẫu suy nghĩ đương thời. Họ có thể chống lại một loại văn bản có sức mạnh “nuốt chửng” những ý nghĩ và lời nói cá nhân. Thơ đến từ đâu của Nguyễn Đức Tùng đem lại những ví dụ cụ thể, sinh động cho những trường hợp đã nêu....”

Sau khi dẫn một số ví dụ mà Nguyễn Đức Tùng đã gợi mở như Nguyễn Thị Hoàng Bắc cho rằng thơ đến từ sự tự khai, tự thú, Hoàng Cầm: thơ đến từ những vấn đề lớn của dân tộc, Nam Dao: thơ đến từ sự đồng cảm... qua ba chiều kích, Lê Đạt: thơ đến chủ yếu từ đòi hỏi nội tại, Trần Nghi Hoàng: thơ đến từ cõi riêng của người thơ...; Trần Thiện Khanh kết luận: “Cuốn sách Thơ đến từ đâu của Nguyễn Đức Tùng có ý nghĩa quan trọng ở chỗ đã đem lại cho chúng ta một diễn ngôn tập thể có nhiều bè. Đúng hơn, nó đem đến diễn ngôn của các vai, các chủ thể. Sự đối thoại giữa các diễn ngôn trong Thơ đến từ đâu một mặt cho ta thấy cái dự đồ của người hỏi đã quy định chiến lược giao tiếp chung của các đối ngôn, mặt khác cho thấy những vấn đề phức tạp mà sáng tạo văn học phải đối mặt, phải điều chỉnh lại.”

Nhà thơ, nhà nghiên cứu Inrasara nhận xét: “Tôi thấy một cái nhìn rất mới của anh Nguyễn Đức Tùng và tôi đã khẳng định Thơ đến từ đâu là một bài thơ hiện đại mới. Nó cũng mang tinh thần chủ lưu của hậu hiện đại. Có thể nói Nguyễn Đức Tùng đã giải quyết hàng loạt các dải trung tâm mà anh chính là trung tâm đầu tiên của các cuộc phỏng vấn này. Thứ nhất là chuyện trong và ngoài nước, là điểm nhạy cảm mà anh Nguyễn Đức Tùng đã giải quyết được. Thứ hai nữa là dải trung tâm vùng miền, không phân biệt vùng miền. Thứ ba là dải trung tâm thế hệ, ở đây không phân biệt thế hệ khác nhau trong tập này. Thứ tư là dải trung tâm ở quan điểm sáng tác khác nhau và cuối cùng là chính kiến khác nhau. Anh Nguyễn Đức Tùng đã làm thành công được 5 thứ này. Tiếp theo là dải trung tâm giữa người phỏng vấn và người được phỏng vấn. Ở đây Nguyễn Đức Tùng, trong một câu hỏi có khi là người nói nhiều hơn người trả lời, tức là đã tạo ra cuộc phỏng vấn lạ kỳ. Để thực hiện cuộc phỏng vấn này, chỉ có thể là người rất sành sỏi về thơ ca mới có kinh nghiệm để làm, tức là tạo nên sự vọng hòa của dải trung tâm giữa người phỏng vấn và người được phỏng vấn. Cái đó tôi gọi là song thoại chứ không phải là đối thoại, không phải cuộc phỏng vấn thông thường nữa. Tiếp nữa là dải trung tâm ở thể loại, Thơ đến từ đâu có thể làm một quyển thơ của 24 nhà thơ là 24 bài thơ hay của mình. Trong tập Thơ đến từ đâu có thơ, có nói, có lý thuyết, có tâm sự và có giãi bày, tức là có dải trung tâm thể loại...

Tuy nhiên cũng cần chỉ ra những cái bất toàn. Chẳng hạn như quá ít nhà thơ nữ được phỏng vấn. Thế hệ làm thơ mới cũng quá ít, chỉ vài người. Sự hiện diện của các đại biểu các trào lưu cũng không rõ ràng... Dù sao thì cũng cảm ơn Nguyễn Đức Tùng. Thơ đến từ đâu có cái bất toàn của nó, nhưng mà cái bất toàn làm thành thơ hậu hiện đại của Thơ đến từ đâu.

Tiếp đó, nhà thơ Lê Vĩnh Tài phát biểu đánh giá cao kỹ thuật phỏng vấn của Thơ đến từ đâu. Hỏi và trả lời một chút để người trả lời nhanh chóng nhập cuộc là một kỹ thuật hay song đòi hỏi người hỏi phải uyên bác mới làm được. Nhà thơ Khánh Phương cho rằng Thơ đến từ đâu tạo được một tiền lệ tốt đẹp cho sự hòa hợp, cho việc xuất bản các tác phẩm của văn nghệ sỹ nước ngoài ngay tại Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên đánh giá: Thơ đến từ đâu rất bổ ích, rất cần thiết cho bối cảnh thơ Việt hôm nay, sau 35 năm đất nước thống nhất. Và anh chuyển chủ đề sang nội dung thứ 2.


TÂM THẾ THƠ HÔM NAY

Xuất hiện một tranh cãi tưởng cho vui, nhưng lại rất ý nghĩa. Có ý kiến cắc cớ: “Thơ có vai trò gì không? Nếu không có thơ thì thế giới vẫn chiến tranh và hòa bình. Mẹ tôi không đọc thơ nhưng mẹ tôi vẫn là người mẹ tốt...”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn buộc phải viện dẫn đến lý do của văn học. Anh nói: “Thơ không đến từ nhà thơ. Thơ có trong trời đất và các nhà thơ chuyển tải lại cho chúng ta. Con người có tiếng nói thì mới có thơ. Thơ là tiếng nói tinh túy của mỗi tộc người - nên cũng là tinh hoa then chốt của mỗi nền văn hoá. Khi loài người giao lưu với nhau, người ta thấy rằng thơ không thể dịch ra một ngôn ngữ khác mà không mất đi phần đặc trưng thiết yếu của nó - nhưng thơ cũng không thể không được dịch ra vì nó là tinh thần cốt tủy của mỗi ngôn ngữ, mỗi tộc người. Khi phát minh ra chữ viết, con người đã có một khí cụ để chống chọi với sự tàn phá của thời gian. Vậy là từ khoảng 5000 năm nay, thơ đã có thể bền vững với người đời.”

Về thơ hôm nay, Nguyễn Tiến Văn nêu quan điểm: “Có người nói rằng Việt Nam chưa trải qua thời kì hiện đại thì làm sao có được văn học hậu hiện đại. Nói như thế là mắc vào cái quan niệm lỗi thời của chủ nghĩa hiện đại (modernism). Chủ nghĩa hiện đại là chủ lưu của phương Tây từ cuộc cách mạng Pháp 1789 đến Thế chiến 2 (1939 - 1945). Chủ nghĩa hiện đại bị chất vấn từ sau Thế chiến 1 (1914 - 1918) và hoàn toàn phá sản sau 1945. Chủ nghĩa hiện đại đặt trọn vẹn niềm tin vào lí trí, sự tiến bộ của lịch sử, tuyến tính của thời gian, và sự thống trị toàn cầu của phương Tây. Tính hậu hiện đại (postmodernity) chính là sự phê phán và kế thừa của thời kì hiện đại. Nó nói lên sự phá sản sau 500 năm của chủ nghĩa lấy Châu Âu làm trung tâm (Eurocentrism) và đưa tới một thế giới đa trung tâm, đa văn hóa, đa dân tộc. Việt Nam bằng máu xương lịch sử của mình đã thể nghiệm và chống trả các sức mạnh ngoan cường nhất của các chủ nghĩa thực dân và đế quốc nên Việt Nam không những đầy đủ tư cách là một văn hóa hậu hiện đại mà còn sát cánh với các quốc gia dân tộc anh em khắp năm châu xây dựng một nền văn hoá hậu hiện đại toàn cầu”.

Nhà thơ, nhà phê bình Khánh Phương nêu câu hỏi: Có phải các nhà thơ chúng ta yếu về lý thuyết?”. Nhà thơ Inrasara xác định: “Thơ hậu hiện đại bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam năm 2000. Đến năm 2004, nó đã giải quyết xong về lý thuyết. Cho rằng thơ hậu hiện đại đang trốn khỏi dòng thời sự đang nóng bỏng hiện nay là sai lầm. Trái lại, những vấn đề thơ hậu hiện đại đề cập là những vấn đề thời sự nhất. Nó chấp nhận xóa nhòa ranh giới thể loại, dùng những từ đời sống nhất, tất cả để chuyển tải tâm thế đời sống hiện tại. Người ta bảo nhà hậu hiện đại là nhà sáng tạo, song nên nhớ không có gì mới dưới ánh mặt trời. Quan điểm lâu nay: Thơ thì phải sang. Hậu hiện đại nêu quan điểm: phải rất bình thường”.

Nhà thơ Nguyệt Phạm ủng hộ: “Người ta nhận xét về lối viết của tôi và những người bạn cùng suy nghĩ với tôi, rằng cách viết thẳng đuột ra như vậy, không có dùng những mỹ từ, không có phù hợp với thuần phong mỹ tục. Tôi chỉ suy nghĩ rằng tất cả những điều chúng tôi viết đều là đời sống, những từ ngữ cần phải được bình đẳng trước thơ, làm gì có từ nào xấu từ nào đẹp, vì những từ ngữ đó chỉ hành vi thôi và những hành vi đó xuất hiện trong đời sống của mình, tại sao mình phải chối bỏ nó. Tôi nghĩ là mình suy nghĩ như thế nào, mình thấy như thế nào thì mình viết như vậy, mình đừng nên tránh né sự thật”.

Nhà thơ Đông Hà tâm sự thành thật: “Tôi học văn, làm thơ, sau đó đi dạy văn chương. Từ khi bắt đầu đi dạy, tôi rất băn khoăn, có khi gần như hốt hoảng trước việc… “Thơ đến từ đâu”. Ngay cả khi dạy cho học trò: Thơ là gì? tôi cũng đã hoảng hốt rồi. Nhưng ở đây tôi rất đồng tình với ý kiến của chị Nguyệt Phạm về sử dụng ngôn ngữ trong thơ. Người ta đã làm rất nhiều việc với chữ nghĩa, hoặc là thư pháp, sắp đặt, trình diễn, hội thoại với âm nhạc… Cuối cùng thơ phú ẩn được nhiều nhất vẫn là ngôn ngữ. Quan trọng là chúng ta làm gì với ngôn ngữ, để từ đó trở thành một tác phẩm văn chương đích thực. Bây giờ nhìn nhận lại từ cũ hay mới, truyền thống hay hiện đại hay hậu hiện đại, tôi thấy rất khó. Tôi thấy ngay trong văn chương Trung đại người ta đã làm mới, rất cách tân, ví dụ như Nguyễn Trãi chẳng hạn. Nhà thơ Nguyệt Phạm nói có những ngôn ngữ rất gần với đời sống chúng ta và đưa vào một cách công bằng, thì Nguyễn Trãi cũng đã đưa vào một cách rất là công bằng. Bây giờ chúng ta bàn cãi xem thử chúng ta công bằng với ngôn ngữ như thế nào, với từ ngữ như thế nào thì quả thật còn quá nhiều vấn đề cần chia sẻ...


Nhà thơ Phùng Tấn Đông đóng góp một tham luận rất phóng khoáng “Nghĩ gì nói nấy”. Anh nêu vấn đề: “Đặt trong bối cảnh hiện tại - ngày hôm nay - câu hỏi “Thơ đến từ đâu?” vẫn không cũ, không bao giờ cũ. Đó là tra vấn thường trực của người sáng tác, người tiếp nhận, có gì đó như con người thường truy cầu ý nghĩa hiện hữu của mình trong thế giới này, đại loại “ta là ai?, ta từ đâu đến? đến để làm chi?”. Vấn đề không cũ huống hồ trong tình cảnh thơ Việt hôm nay “đang có vấn đề”- Chúng tôi không dám kết luận là “khủng hoảng về mặt bản thể” nhưng việc hiểu thế nào là thơ đang là việc khá bức xúc. Thơ trẻ hậu đổi mới - nhất là lối tân hình thức - như “thể tám chữ mang giọng kể là thi pháp tự nhiên của đời thường (tính truyện) sử dụng kỹ thuật vắt dòng (enjambment), đọc liên tục từ dòng (line) này sang dòng khác, lập lại những nhóm chữ (như nhạc Rap) để tạo thành điệp vận và vần không hợp cách” có phải là thơ không? Thơ giễu nhại, thơ rác “ngoài luồng” có phải là thơ không? Một số tập thơ của các giải thơ tư nhân như Lá Trầu, Bách Việt “đọc không hiểu” có phải là thơ không?...

Và anh đi thẳng vào các vấn đề thơ hôm nay: “Nếu hiểu để khoan dung, để “hội nhập và phát triển” như slogan của Festival Huế 2010 thì việc tranh luận bài thơ Con Cóc là bài thơ hay nhất viết về cái dở hay một bài dở mẫu mực, dở tệ để phân biệt với thơ hay, cả hai đều có cái lý của nó. Trong bối cảnh thông tin “toàn cầu hóa” như hiện nay, sự phát triển đa dạng của thơ ca khiến cho “định nghĩa” về thơ luôn luôn được bổ sung, luôn luôn được “triển hạn” trước những khế ước hình thức đã xơ cứng, đã trở thành “khuôn vàng thước ngọc”, một “thành tựu kéo dài có nguy cơ bảo thủ”… Nhận định của Medvedev, Bakhtin vì thế theo chúng tôi vẫn mang tính “thời sự nóng hổi” đối với việc nhận diện thơ hôm nay, vì nói như J. Hillis “thơ là mọi khối kết hợp từ ngữ, được đánh dấu bởi sự lặp đi lặp lại về nhịp điệu, về âm thanh và được in theo một kiểu kỳ lạ hoặc quy ước, liên tiếp xuống dòng, với những khoảng trống... Nhắc lại những vấn đề học thuật như trên chúng tôi chỉ mong muốn có một cái nhìn góp về việc nhận diện thơ Việt trong nước hôm nay trên các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương đến các địa phương (dù cho đến hôm nay nhiều người viết vẫn ảo tưởng rằng “thơ trung ương” mang “tính chuyên nghiệp” hơn các địa phương và cái quan niệm trung tâm và phi trung tâm này Inrasara đã đề cập), rằng thơ hôm nay vẫn trong bầu khí quyển của quan niệm về ngữ pháp, ngữ nghĩa cũ (mà một trong những ngón nghề tủ của quan niệm này là các thao tác tổ chức câu chữ tạo cú sốc về mặt ý nghĩa, lộng lẫy “tầng tầng lớp lớp” nghĩa hay đạt đến độ nhòe mờ, bất định… trong sự phân biệt giữa ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ văn chương). Câu chuyện còn dài này xin dành cho các nhà nghiên cứu văn học trong và ngoài nước, có điều, chúng tôi thấy - như một “ẩn ức xã hội” trong tiếp nhận - không thể kéo dài mãi một cung cách như thế. Đã nhiều người viết lên tiếng về không khí tiểu nông, nhịp điệu mùa thu, sự ngưng đọng đến mòn nhàm của thơ hôm nay, đó có thể là một giọng điệu trịnh trọng, nghiêm cẩn (nhưng rất đáng ngờ) có thể là những câu chữ tạo dáng làm ra vẻ nghiệm sinh với một ít triết lý vụn “chống tha hóa về mặt tinh thần” hoặc giả là một nhịp quân hành đầy tính lên gân, khẳng định vẻ đoan chính về mặt tinh thần… Phía khác thơ của những người viết trẻ, đầy ắp chất liệu đời thường, cực thực và giễu nhại, tạo những đột biến không những về mặt ý nghĩa mà còn tạo sự đột biến về mặt hình ảnh (chúng tôi chia sẻ với sự đọc thơ trên mạng của Phạm Xuân Nguyên rằng có thể đến một lúc nào đó người đọc sẽ đọc thơ 3D) về không gian (nhiều những cảnh giới thơ), về nhịp, về kiến trúc hình ảnh câu thơ, bài thơ… và nhiều thể dạng thông tin mới như sắp đặt, trình diễn (chúng tôi chia sẻ với quan niệm thơ là phù du, hư ảo để chống lại cái quan niệm thơ là vĩnh cửu…).

Rất tiếc, phần lớn các nhà phê bình đều im lặng với thơ trẻ, một số nhân danh truyền thống, “bản sắc dân tộc”, quy kết các tác giả trẻ là lai căng, học đòi và dành nhiều, thật nhiều những quy kết “phi văn học”. Nếu nói theo kiểu cái gì tồn tại là hợp lý và ngược lại thì theo chúng tôi, mọi hiện tượng văn học cần phải được mổ xẻ và phân tích thấu đáo để đỡ phải vất vả trên lộ trình hội nhập với thế giới. Vì hơn lúc nào hết chúng ta cùng chia sẻ rằng những giá trị truyền thống không phải bất biến mà phải “tiếp biến” để phát triển. Trong các hiện tượng thơ trẻ cũng đã dần hiển lộ những điều quan ngại như thơ hậu đổi mới, thơ “hậu hiện đại” cũng có nguy cơ trở thành một “đại tự sự”, nguy cơ toàn trị với quan niệm “người đọc tinh tuyển” (chúng tôi chia sẻ nhận định rằng thơ trẻ hôm nay và trong tương lai là thơ của những người có học vấn cao, nhưng, quan niệm những người không thích “hậu hiện đại” là những người tầm thường thì phải coi lại), một sự giễu nhại tất tần tật mọi thứ khiến tiếng nói của thơ trước hết mắc “lỗi kết nối” với người tiếp nhận (mà trước hết với chính người sáng tác) dẫu có thể đó là trò chơi vô tăm tích, phù ảo, “tiêu dùng” và vứt…

Thơ trẻ hôm nay hiện diện khá đa dạng cách thế thông tin, đề cập đến nhiều những vấn đề nhân sinh hiện tại như thơ đô thị (nhận định của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến), thơ sinh thái, môi trường, thơ về những vấn đề toàn cầu… Nhiều nhà nghiên cứu chọn con đường khá an toàn để góp phần “định hướng” thơ hôm nay đó là hướng đến một chủ nghĩa cổ điển mới, tân cổ điển. Liệu đó có phải là một sản phẩm tích hợp quan niệm thi pháp truyền thống và các giá trị hiện đại/ hậu hiện đại của thơ hay không giữa bao nhiêu trì níu đầy hệ lụy không những của người viết mà còn là của con người hôm nay”...

Một số ý kiến tiếp tục làm sáng rõ hơn tâm thế thơ hôm nay. Chẳng hạn nhà thơ Trần Tuấn nêu quan điểm: “Có người nói thơ là của thánh thần, có người bảo không, tôi chỉ là thông ngôn thôi. Riêng cá nhân tôi thì tôi là thông ngôn thế giới của người chết. Tôi rất nhớ và bị ám ảnh bởi một câu thơ của Lê Đạt, ý là “Lo đâu xác chết của tâm, của người”...

Cuối cùng, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên kết luận: “Thứ nhất, chúng ta chào mừng tập sách của nhà thơ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Tùng. Một cuốn sách đóng góp thêm cho thơ, cho nghiên cứu thơ, cho những người làm thơ, và cho các bạn đọc thơ; là một cơ hội được nghe những giọng nói, được nghe những tâm sự, được nghe nhiều giãi bày... Mục vấn “Thơ đến từ đâu” cũng sẽ bao hàm ý nghĩ nhà thơ đi đến đâu, và tôi nghĩ ở đây, các anh chị đều chung một ý kiến chúc mừng, và mong bản thân anh Nguyễn Đức Tùng sẽ tiếp tục nhiều cuộc hỏi chuyện hơn nữa.

Thứ hai, từ tên sách của Nguyễn Đức Tùng, chúng ta bàn đến tâm thế thơ hôm nay. Các ý kiến đã rất rôm rả, rất sôi nổi, thẳng thắn, nhiệt tình. Chúng ta đề cập đến hiện trạng thơ Việt hiện nay và chúng ta đã xác định thơ Việt hiện đang đi vào quỹ đạo của hậu hiện đại. Còn hậu hiện đại như thế nào, hậu hiện đại đã được nhất trí, hướng dẫn cả về lý thuyết, cả về thực hành hay chưa thì còn nhiều vấn đề. Nhưng mảng thơ Việt ở nước ta hiện nay, mười năm đầu thế kỷ 21 là vẫn tiếp tục cơn chuyển mình chứ không chỉ là mới bắt kịp với thế giới. Chúng ta đi vào cái gọi là hậu hiện đại, và trong đó lớp trẻ hăng hái, nhiệt tình và cũng nhiều khí khái nhất.

Ở đây, thật ra chúng ta cổ vũ hoặc ủng hộ cho những sự sáng tạo mới thì cũng không phải là phủ nhận thơ truyền thống. Trong số các ý kiến của các anh chị cũng có nói như thế. Chúng ta về đây, chúng ta chỉ muốn là mọi sáng tạo, mọi cách tân và cái làm mới đều được có chỗ đứng dưới mặt trời. Chúng ta chọn vị trí tổ chức tọa đàm như thế này, với vị trí như Tạp chí Sông Hương là rất quan trọng. Ở đây, tôi phải nói thật là bày tỏ sự cảm phục đối với Hội Nhà văn TT Huế và Tạp chí Sông Hương. Các anh đang làm nhiều việc cho sự sáng tạo mới có điều kiện tốt hơn. Giới thơ cả nước về Huế và đã được gợi mở. Chúng ta nói chuyện rất cởi mở và trong sáng. Chúng ta đã biết nhiều người làm thơ, làm báo, đứng trụ một tờ báo rất muốn làm nó trở thành diễn đàn cho những canh tân tìm tòi. Như chúng ta biết, cũng có những giới hạn không thể vượt qua. Nhưng bắt đầu từ những diễn đàn như thế này, bằng những con đường nói chứ chưa phải là viết, rồi bằng sự ủng hộ, những thái độ như thế này, thì tôi nghĩ có ngày nó sẽ trở thành biển lớn cho các nhà thơ hôm nay.

Hiện công tác xuất bản, in ấn so với trước là cũng đã cởi mở, mở ra rất nhiều rồi, cho nên cũng đừng đỗ lỗi cho khách quan nữa. Có lẽ điều đáng sợ nhất là chúng ta không đủ dũng cảm để đổi mới, để dấn thân vào cuộc trường chinh, hành trình làm mới thơ, làm mới văn học. Thay mặt Ban tổ chức hội thảo, xin cảm ơn tất cả mọi người. 

SÔNG HƯƠNG      
(257/7-10)





Các bài mới
Nội ơi! (20/08/2010)
Chai bao (30/07/2010)
Các bài đã đăng