Tạp chí Sông Hương - Số 259 (tháng 9)
Thiên thần của ký ức
14:47 | 19/10/2010
ĐÔNG HÀThả xuống con đường đất đỏ lô hàng cuối cùng xong, tôi rồ ga chạy nhanh vào phía nhỏ hơn của con đường dài ngoằng từ đây về rẫy. Năm mươi cây số cho ba chục phút giữa hun hút rẫy rẫy và rẫy không khó, nhưng sẽ lớ quớ nếu tay lái chệch vào gốc cây đâu đó trong bóng tối chập choạng nhô ra. Nơi đó An đang đợi tôi.
Thiên thần của ký ức
Minh họa: Đặng Mậu Tựu
Hồi chiều nghe điện thoại rung liên hồi trong túi, tôi đã ngần ngừ khi nhìn số lạ. Thói quen ruồng bỏ phố phường của tôi sắp đứt, tôi không muốn bị bất kỳ ai phá vỡ. Nhưng cái điện thoại kêu kỳ trận khiến tôi thua cuộc. Tôi bốc máy. Là An.

Giờ thì An đang đợi tôi ở xứ khỉ ho cò gáy. Thâm tâm tôi nửa muốn chạy thục mạng về để kịp với An. Dù chả biết sau đó sẽ làm gì. Nhưng cứ muốn nhìn thấy An. Cái khát khao được nhìn nụ cười hiền dịu đó như cơn nghiện bốc lên đầu khiến bàn tay cầm vô lăng ghì chặt rịn mồ hôi nhớp nhúa. Cung đường trước mặt nhấp nháy nụ cười, ánh mắt và cả giọng nói trong vắt lanh lảnh của An. Nửa kia như muốn tôi quay đầu lại, trốn vào đâu đó, chờ khi An xuôi phố hãy về.

Tôi nhìn thấy An trong vườn nhà ngoại. An mười bốn. Tuổi ngọt như viên kẹo An đem qua thả vào lòng tay tôi. An nói “bàn tay anh Thanh sao chai sần chai sùi vậy nè”. Tôi cười cười, “tay tôi tự bữa mẹ sinh ra đã vậy rồi mà An”. An tin đó là điều tôi nói thật. An xòe bàn tay mỏng mảnh trong suốt mười ngón non như tơ so với tay tôi. Rồi cười hồn nhiên như nắng đầu mùa. Bữa ấy An thích nghe tôi hát bản Nắng thủy tinh. Tôi nghĩ em là nắng.

Mười sáu tuổi. Một hôm An xuất hiện ngay chỗ tôi làm. Những vòng thép gai sót lại từ chiến tranh đang đổ đống rào quanh thị xã. Bất cứ chỗ nào có cỏ dại là có thể trở thành nơi trú ngụ của thép gai. Sáng kiến gom chúng về bán đồng nát của một anh lính sĩ quan chế độ cũ thất nghiệp trở thành công việc chính của mấy anh em xóm nghèo tụi tôi. Một buổi ngồi đồng ngoài quán cùng mấy vị chức sắc bé bé trong phường xong, tụi tôi phấn khởi bắt đầu sự nghiệp của mình. Những vòng thép gai gỡ quanh thị xã chất về ùn đống ở sân sau bỏ hoang của ủy ban. Bàn tay tôi lại được dịp gằn lên những vết xước chất chồng lên nhau, đôi khi đỏ tướp.

Buổi ấy An đi học về, ngang qua thấy tôi đang hì hục kéo dây, An không tin vào mắt mình. Cô sững lại, kêu to tên tôi giữa ba bên bốn bề những thằng trai lộc ngộc đánh trần bận quần cụt nhễ nhại mồ hôi. Tôi ngẩng lên, nắng chiều ánh từ phía sau ôm lấy gương mặt An và tỏa rạng quanh tóc một vầng sáng lung linh kỳ lạ. Tôi suýt ngạt thở trước An. Bỗng dưng tràng cười của mọi người rộ lên khiến tôi bực dọc. Quẳng đôi bao tay thô kệch xuống đất, tôi lầm lụi đi ra kéo tay An vào quán nước trước cổng. An ríu lại. “An chưa từng đi với ai vào quán nước cả”. “Vậy An ra tìm tôi làm gì?”. “Tại sao anh lại lừa dối An? Tại sao anh bảo anh còn đi học”. Tôi thở hắt, ngửa cổ tu ừng ực ly trà đá. “Anh xin lỗi An. Nhưng bây giờ anh không thể”. “Nhưng anh đã nói với An dù bất cứ gì anh cũng phải đi học mà”. Đó là lời tôi hứa đêm An mười bốn ở vườn nhà ngoại. Trong hai năm đó, An biết bao nhiêu sự đã xảy ra với nhà tôi không? Làm sao thằng anh cả là tôi có thể bình yên cắp sách đến trường khi mà mẹ tôi bệnh tình ngày một nặng thêm, và năm đứa em ngày càng khôn lớn. Chúng cũng cần được đến trường. Tôi thở dài. “Thôi An về đi, kẻo rồi ai đi ngang lại thấy”.

Tôi vẫn nhớ những giọt nước mắt trong veo An thả xuống chiều hôm ấy. Đó là buổi làm cuối cùng của tôi trong tổ hợp thép gai. Không kịp lĩnh tiền chia phần, sớm hôm sau, tôi xách ba lô nhảy lên chuyến xe đò đầu tiên của thị xã rời khỏi đó. Mười năm cắn lòng xục đôi bàn tay vốn chai sần vào đất. Đôi khi màu đất đỏ quyện lại dưới chân tôi trì níu đầy yêu thương nên mỗi bận ra bưu điện xã gửi tiền về cho mẹ, tôi như không còn ý định quay về. Cả nhà, chỉ duy nhất Zít biết tôi đang ở đâu. Những dòng thư ngắn ngủi với khúc chữ cong queo của nó đủ để tôi yên tâm đôi phần. Giờ, chỉ những lúc thật cần, nó báo cho tôi vài câu qua điện thoại. Mẹ đã quen với sự đi xa của tôi. Thảng hoặc tôi nói chuyện với bà, cố làm ra vẻ bình yên. Mà như bình yên thật.

Vậy mà chiều nay An lại lên đây. Vụ này tôi tin chắc Zít nhúng tay vào. Nhưng An một mình lên đây quả là điều không tưởng. Hình dung đôi bàn tay mỏng mảnh trong như nắng buổi chiều An áp vào tay tôi năm mười bốn tuổi vẫn y nguyên. Đôi chân trần dưới chiếc áo đầm màu trắng ngà trong như sương, làm sao An đủ sức vượt qua ngần ấy quãng đường.

Chiếc xe đỗ xịch xuống vệ đường xì ra luồng khói mệt mỏi. Tôi ngồi rịt lại trên chiếc ghế muốn bỏng thành than. Nhìn vào ngôi nhà tranh lúp xúp giờ chỉ còn là một dấu chấm buồn bã giữa muôn vàn đêm đen thâm kịt. Nếu An ở trong đó, chắc chắn cô sẽ sợ ma mà rúm ró lại một góc. Hồi chiều An nói “Em đợi anh trong rẫy rồi”. Tôi không kịp ngăn lại. Trong rẫy làm gì có ai ngoài cái thằng tôi quanh năm lầm lì như đất. Tôi đã cố chạy bạt mạng nhưng vẫn không kịp với đêm. Đêm ở núi xuống thì thầm như gió, rồi đổ ập một cách đột ngột không ngờ. Vừa thấy ráng chiều chầm chậm lả lơi đâu đó, bỗng chốc sầm lại như ai choàng tấm khăn trước mặt. Trong kia là An. Chắc chắn An đang khóc.

Sập vội cabin, tôi xô cánh cổng lơ lởi bằng mấy thanh gỗ xộc xệch. Mở cửa, tôi nhìn sững An. An đang ngồi bên chiếc bàn gỗ mộc tôi lấy được từ gốc cây phía bên suối đem về kê sát giường ngủ của mình. Chỗ đó những ngày mưa lê thê không thể ra rẫy, tôi thường lười biếng đặt lên đó những thứ có chữ và những cốc đại cà phê nguyên chất tự tay pha chế. Đó là những ngày hiếm hoi tôi được trở lại mình.

An nhìn tôi mỉm cười. Không phải đôi mắt sợ hãi và gương mặt nhút nhát như tôi hình dung. Trông dáng ngồi thật bình yên như thể An đã ngồi đó trước khi tôi rời khỏi nơi đây, giờ chỉ đợi trở về như lời hẹn. Tôi buông hai tay thõng lừng khừng. An bật cười thành tiếng. “Sao anh không chào đón An ư? Anh không muốn An làm khách của anh à?”. Hai nụ đồng tiền xoáy lõm sâu hoắm hiện ra trong cái cười của An làm tôi chết lịm. Mười năm trước, mỗi lần gặp tôi bao giờ mắt em cũng ngấn nước. “Thiên hạ đồn rằng anh đang tán em, ba mẹ la em quá chừng”. Mười năm trước em là ái nữ của công hầu khanh tướng xứ tôi. Mười năm sau em làm khách không mời của tôi ở chốn khỉ ho cò gáy này. Hỏi tôi xử sao cho đặng?

Đêm trôi chậm rì quánh đặc như những giọt cà phê bị nén lại trong phin. Tôi lôi cây đàn đã ánh lên vệt bóng thời gian ra ngồi ngoài hiên. Trong kia An bó gối trên chiếc giường đượm mồ hôi của cái thằng tôi đọng hằn lại. Rẫy không trăng ban đêm như đóng cửa cả bầu trời. Tôi nghe hoa cà phê vài chùm nở muộn ngả hương. Những bông hoa trắng muốt trong đêm ngơm ngớp gió chao qua chọng về như bóng ma con nít tinh nghịch chọc ghẹo. Tôi hát đi về đâu hỡi em mà nghe giọng đặc khan những gió.

Năm mười bốn tuổi, buổi ngồi trong vườn nhà ngoại, An áp đôi bàn tay trong veo vào tay tôi, nói vầy “mai mốt anh dắt An đi chơi nghe”. Tôi phì cười, “An trẻ con chi lạ, đi chơi cần chi người dắt, chỉ là sống ở đời mới cần một bàn tay những lúc ngã thôi”. “Vậy lúc nào An ngã, anh dắt An dậy, nghe!”. An nói nghe như sắp khóc. Đôi mắt long lanh buổi sao rơi nghe ngấn nước trong lòng. Tôi bật dậy, hú một tiếng vang, công kênh An trên vai và chạy quanh khu vườn tràn ánh trăng lóng lánh. An cười như lụa. “An cười đi, mai mốt lớn lên, anh cõng An đi suốt đời mình”. “Anh hứa với An rồi nghe”. Tiếng cười vang đọng mãi đêm mười bốn. Sau này mỗi bận trăng lên, đứng trước cái am nhỏ xíu dâng hương vào mỗi độ rằm, tôi lại nghe tiếng cười lanh lảnh của vó ngựa tuổi hồng bữa xa xưa vọng về gõ ầm ĩ trong tim. Đêm đó trăng như đóng khung lại thành ký ức. Thứ ký ức không chịu nhòa đi trong tâm tưởng.


An bước ra ngồi cạnh tôi. Em choàng tay sau vai tôi và úp mặt vào lưng. Thói quen năm mười bốn tuổi. “Mười năm rồi đó anh. Mười năm em không thể quên buổi anh cõng em chạy ngút ngàn cả vườn cây của ngoại. Buổi đó anh làm gãy cành sabôchê của ngoại, nhớ không?”. Tôi không nhớ, ký ức tôi chỉ là tiếng cười và gương mặt thiên thần của An. “Mười năm, anh hứa sẽ cõng An đi cùng trời cuối đất trong suốt cuộc đời mình. Rồi sau đó, anh trốn biền biệt. Anh có biết An đã tìm anh thế nào không?”.

An đừng nói nữa. Mỗi lời An nói khiến tôi ngạt thở thêm thôi. Tôi châm điếu thuốc. Điếu thuốc thứ mười bốn kể từ tối đến giờ. Khói thuốc mênh mông quyện trước mặt không che được gương mặt An đang kề bên vai tôi. Rất gần, sát ngay gương mặt tôi. Chỉ cần quay khẽ lại chút xíu, tôi đã có thể áp đôi môi thô ráp của mình vào gương mặt dịu dàng thiên thần đó. Chỉ cần thế thôi.

“An tìm anh làm gì?”. Thốt xong câu đó, tôi biết mình là kẻ ngốc nghếch nhất trần đời này còn sót lại. An vẫn áp gương mặt vào vai tôi. “Anh đừng quên bây giờ An đã là cô giáo. Anh đừng quên đã rất rất rất nhiều thời gian kể từ buổi anh bỏ chạy trên chuyến xe đò tuyệt vọng kia”. Tôi phì khói thuốc bay mịt mù lên mái hiên như đám cháy nhà. “An đừng nói đã là cô giáo thì có quyền lên đây bắt anh về học lại nha”. An khẽ cười. “Anh đâu phải học trò em đâu, vả lại, em không cần thứ học trò như anh”.

“Vậy An tìm anh làm gì?”. Lần nữa, câu hỏi chết tiệt đó lại văng ra. “Anh đừng hỏi An thế được không?”. Giọng An như sắp khóc. “Không lẽ, An đến thăm anh không được sao?”. Đến thăm tôi? Vượt bảy trăm cây số trèo đèo lội suối chui vô tận nơi núi cùng sông tận này để thăm tôi. Chỉ chừng đó thôi sao? Tôi tin An còn điều gì muốn nói với tôi nữa. Sao em chưa chịu nói ra.

Đêm tức mưa. Từng đợt gió khô bốc lại tí hơi nước từ đâu đó dạt tới. Tôi vẫn ôm cây đàn. Mấy ngón tay cứng lại đau bần bật. Đã lâu tôi không đàn cho người khác nghe. Những đêm nằm một mình nghe nai tác, tôi thường hình dung con mang trắng về trên đỉnh núi đứng đợi bạn tình. Truyền từ mấy người già trong bản, năm nào có mang trắng về từ đỉnh núi, làng sẽ có một điềm may. Ai nhìn thấy con mang trắng huyền thoại, sẽ tự mình thành linh thiêng của núi rừng. Nhiều người đã bỏ một đời vào rừng theo dấu con vật của thần linh, hòng mong trở thành huyền thoại. Tôi kẻ phàm trần dưới xuôi mò lên, mong chi huyền thoại, nhưng nghe tiếng nai tác lại không ngừng nghĩ về con mang trắng xa xăm.

Tự dưng tôi nghe mình khô không khốc.

An vẫn im lặng ngồi tựa mặt vào vai tôi. Những sợi tóc theo gió bay vướng víu vào mặt tôi nghe mùi thinh lặng.

Hồi khuya, sương thả xuống trước mặt những vòng lơ lửng. Tôi ngồi như đá. An vẫn bất động sau vai tôi. “Thôi An vào giường ngủ đi, khuya quá rồi”.

Sau lưng An vẫn im lặng. Năm mười bốn tuổi, sau khi chạy như sao bay trong vườn, tôi đặt An xuống chiếc xích đu kê cuối vườn. Chỗ đó tôi đã trồng nhiều bông sao nhái đủ màu sắc. An rất thích nhìn chúng mỗi khi gió lướt qua, trông như tấm thảm nhiều màu sắc trong cung thiếu nhi mỗi chủ nhật An đi học múa. An nằm xuống kê đầu trên chân tôi. Mái tóc tơ loe hoe màu nắng dìu dịu đổ xuống nhẹ nhàng theo nhịp đu. Đêm ấy phải rất khuya, khi ngoại ra nhắc, tôi mới bế An vào. An đã ngủ say mèm như thiên thần bé bỏng.


Mười năm kể từ ngày tôi rời bỏ thị xã. An không còn là thiên thần bé bỏng. Bằng chứng là An đã biết tự đi một mình vượt qua bảy trăm cây số để đến thăm tôi. Tôi biết làm gì đây.

Mưa nhỏ hột. Lắc rắc. Hơi đất sau một ngày nóng oi ả bốc lên ngùn ngụt. “Vào nhà đi An”. Tôi nhắc khẽ mà không dám ngoảy mặt nhìn lại. “Một cái quay mặt mà anh không dám với An sao?”. An cất giọng rất khẽ, nói như trách. “Thôi An. Vào nhà đi”.

Tôi là thằng đàn ông. Dẫu nghèo bao chăng nữa, dẫu đớn hèn đến đâu nữa, tôi vẫn là thằng đàn ông. Làm sao tôi không khao khát được ghì chặt vào lòng gương mặt ấy, được hôn ngấu nghiến đôi môi ấy, được áp thật chặt vào vòng ngực dịu dàng kia. Đừng bắt tôi chịu dựng thêm nữa.

Cơn bực dọc dâng lên. Mưa bắt đầu nặng hạt. Mưa tấp vào hàng hiên đã ướt cả tôi, bắt đầu lem ra phía sau. Cây đàn như nhão ra trong mưa. Tôi nghe tiếng An bắt đầu khóc sau vai. “Anh bồng An vô nhà đi. Như năm An mười bốn tuổi”.

Mười năm sau cái đêm trong veo đó, tôi lại bồng An từ hàng hiên đen kịt vào nhà. Lòng tôi đần độn những gì đâu. Ủ An trong tấm chăn xù xì của tôi, đôi môi tôi dừng lại trên khóe mắt đẫm nước của An. Run rẩy và sợ hãi. Không hiểu sao cảm giác sợ hãi khiến tôi choàng tỉnh.

Lẳng lặng tôi xách chai rượu trắng ra ngồi bên chiếc bàn gốc cây thô kệch. Tôi rót khan cho mình. Mưa bắt đầu xổ xuống từng trận từng trận. Ngày tôi xách gói đi, đôi mắt thép của người đàn ông đó đã đẩy tôi một cú nháo nhào giữa mái nhà tôn lụp xụp. Cậu hãy buông tha con gái tôi. Cậu nên nhớ cả nhà cậu chỉ là người làm công cho tôi. Mẹ tôi ngồi trơ hai bàn tay bên siêu thuốc. Đêm ấy, sự hiện diện của người đàn ông đó không làm cho bà vững tâm. Thưa mẹ con sẽ làm người đoạn tuyệt.

Thì đã mười năm. Mười năm sau An đang nằm trên giường tôi. Khuôn mặt bé bỏng đang nhắm chặt. Lúc này tôi thầm nguyền rủa Zít, cái thằng em trời đánh, khi không bắt tôi đối diện với ký ức chi cực khổ vậy nè.

Trôi qua từng ngụm từng ngụm. Tôi ngập đi trong cơn ú ớ của chính mình. Đã quá lâu tôi không cần rượu. Đã quá lâu tôi được nhìn lại An. Lần đầu tiên trong căn nhà tạm bợ của tôi có bóng hình người con gái. Tất cả chống chếnh đến ngơ người.

An đang nghĩ gì? Vai An rung rung. Môi An cắn lại. Cành vàng lá ngọc sao lại lạc loài nơi đây? Ở đây đâu phải chỗ dành cho em đâu. Tôi đâu chào đón em. Mười năm tôi đã dần xa, dần nguôi và sẽ quên em. Chắc chắn dăm ba năm nữa, lúc nào cần, tôi sẽ cưới một người con gái nào đó, tôi sẽ sinh những đứa con xinh xắn, tôi sẽ là một ông bố xù xì tốt bụng. Tất cả những vai hiện diện trong đó, đâu có An đâu. Sao lại bắt tôi sống lại với ký ức làm gì?

Tôi nghe mình ngạt thở dần. Từng đàn ý nghĩ trôi qua như đàn kiến đang mù mờ lổm ngổm trong ký ức. Chúng vuột qua thành trì ý nghĩ để nhảy ra thành lời. Lời của mười năm dồn lại giờ vung tuôn xối xả. Như mưa.

Còn An. Mười năm qua chắc chắn không có bóng dáng tôi. Đúng không?

Rồi hốt nhiên tôi muốn khóc. Tôi khóc. Khóc hụ hụ nghe không đáng lòng trai nhưng không kìm mình lại được. Đã quá lâu, nước mắt bây giờ mới tha hồ buông thả lần này.

An nhẹ nhàng đến cạnh tôi. An tách tay tôi ra và ngồi gọn vào trong lòng. “Anh Thanh, An thèm cả giác được chở che thế này biết bao. Cảm giác đeo đẳng An từ thơ bé đến ngày gặp anh. Anh nhớ bữa đó không, bữa anh hứa cõng An đi đến cuối đời đó”. Làm sao tôi quên được. Tôi đâu phải thằng sát gái để tán nhăng tán cuội đâu. Nhưng bữa đó em còn bé, tôi mới dám buột miệng ra vầy.

“Giờ An thèm được anh ôm thật chặt. Chỉ thế thôi. Là xem như xong một đời người”.

Cả đêm mưa gió rít trên mái nghe rung phần phật.

Khi tôi tỉnh dậy, mùi rượu vẫn còn lẩn quất trong đầu. Những bông hoa vàng chìa qua cửa sổ gọi tôi như nụ cười mỉm tinh nghịch. Tôi lừ đừ ngồi dậy, đưa mắt tìm An.

Một mảnh giấy ghim lại trên bàn. An đi rồi. Như tiểu thuyết diễm tình. An đến, ở lại với tôi một đêm, rồi bỏ đi, thả lại cho tôi vài lời xin lỗi. Đột nhiên, cái cảm giác chán nản vây phủ trong lòng dâng ứ. Tôi nằm vật xuống, không buồn mở giấy ra xem. Em đã lớn lên, và em xem tôi là trò đùa của số phận. Hay em ban cho tôi một đặc ân, như một mắc xích trong cái trò chơi quái quỷ nào đó của cô tiểu thơ khuê các?

Gió thổi tung tờ giấy xuống giường, tôi quờ tay nắm lấy. Chạm phải một cái giật mình. Tôi cầm chặt cái nơ đính bên ngoài. Một tấm thiệp hồng. Thiệp hồng báo tin ba bữa nữa An lấy chồng.

Tên bên cột ghi người làm chồng là Zít.

Huế, những ngày bị gián bò quanh
13/05/2010


Đ.H
(259/9-10)





Các bài mới
Các bài đã đăng