Tạp chí Sông Hương - Số 260 (tháng 10)
Hiền tài và hiền thục
08:27 | 02/11/2010
HÀ KHÁNH LINHĐàn ông tích khí là ngọc, đàn bà tích khí là tặc. Cha nói với mẹ như thế về cô, rồi khen cô suốt một đời trinh bạch, mà vẫn giữ được nết hạnh đoan trang, hiền hòa, dịu dàng và vui vẻ, chứ không khó tính như những phụ nữ có hoàn cảnh tương tự.
Hiền tài và hiền thục
Thiếu nữ - Lụa của Hà Văn Chước
Còn mẹ thì lúc nào cũng tiếc cô nhan sắc mặn mà… Điều nầy thì bạn gái tôi còn chính xác hơn, cứ so bì da mặt mình không được trắng mịn như cô, cần cổ và đôi cánh tay trần không nõn nà bằng cô… Giờ đây cha tôi quyền huynh thế phụ đi tìm chồng cho em gái. Nói như thế cũng không quá, bởi một ông già 75 tuổi cất công đi từ Huế vô Sài Gòn để coi mặt người yêu của em gái mình thì gọi sao cho đặng? Mặc dầu cô cho biết chú ấy hẹn mùa xuân sẽ trở lại thăm Huế, muộn nhất là vào dịp Huế long trọng kỷ niệm ba mươi lăm năm Huế được hoàn toàn giải phóng. Nhưng cha tôi không đợi được tới lúc đó. Mùa đông cha đi Sài Gòn với cô một tuần rồi về, cha với mẹ thảo luận với nhau nhiều lắm. Anh trai và chị gái tôi đã có gia đình, đều ra ở riêng, chỉ mình tôi được ở cùng cha mẹ nên rõ chuyện hơn. Tôi hỏi:

- Cha thấy chú ấy thế nào? Tình cảm của cô chú ra sao? Ý của cha sao?

Cha trả lời tôi mà không nhìn tôi, không nhìn mẹ, mắt cha trở nên xa xăm ưu tư:

- Tư cách, đạo đức và trình độ thì khỏi phải bàn. Cả ngoại hình nữa, cô nhà mình với chú ấy thật đẹp đôi! Tình cảm của hai người cũng đã rõ. Cha chỉ sợ cô khổ…

Cô và chú gặp rồi yêu nhau trong phong trào đấu tranh của sinh viên các đô thị miền Nam giữa thập niên 60 của thế kỷ trước. Sau đó vì yêu cầu nên mỗi người đều thoát ly gia đình, tham gia cách mạng và đảm nhiệm những nhiệm vụ riêng. Họ bặt tin nhau từ đó. Sau giải phóng họ đi tìm nhau mãi mà không gặp. Rồi người nầy hiểu rằng người kia không còn nữa. Cô tôi cứ ở vậy, khước từ tất cả mọi lời cầu hôn. Còn chú ấy nghe nói gần cuối thập niên 80 mới có một gia đình, nhưng không hạnh phúc. Nghe nói chú tình cờ gặp một cô gái hoang thai đang có ý định tự tử. Chú khuyên nhủ cô gái rồi đem cô về nhà. Khi mẹ tròn con vuông, người mẹ bất đắc dĩ nầy bỏ đi. Chú - người cựu chiến binh - con gà trống vụng về luống cuống nuôi con của người khác với tấm lòng nhân ái. Còn người đàn bà khi đã chán chê với những cuộc tình trăng gió, sực nhớ tới con, và nhớ người đàn ông tốt bụng, chị ta lại quay về sống chung một thời gian, rồi sinh đứa con thứ hai cũng là gái. Khi con vừa chập chững biết đi biết nói chị lại ra đi. Lần thứ ba chị ta trở về sống chung lâu hơn, khi con lên ba tuổi chị ta mới lại ra đi. Lần nầy là con trai. Nghe nói chú mừng lắm. Như vậy là có nếp có tẻ. Bạn bè bà con luôn nặng lời chê trách chú cả đời nuôi con của người khác! Cả đời nai lưng làm chuồng cho con ngựa cái vào ra xoành xoạch!... Để nuôi các con chú làm bất cứ việc gì người ta thuê mướn. Từ dịch thuật cho đến chạy xe ôm, bốc vác hàng ở cảng… Trẻ con nào cũng cần được nuôi lớn chứ! Các cháu không may có một người mẹ như thế, thì người làm cha phải cáng đáng tất cả, phải bù đắp cả vai trò của người mẹ nữa! Chú nói vậy với mọi người, và các con rất mực yêu thương người cha tuyệt vời nầy.

- Lâu nay mẹ có về thăm các cháu không? - Cha tôi hỏi cậu út đã lên mười.

- Đây là chỗ của mấy bố con cháu. Mẹ cháu đã có người khác và ở chỗ khác rồi…

- Chúng cháu không có mẹ!

Cô con gái lớn tiếp lời cậu út đáp trả cha tôi.

- Vậy đó, bây giờ cha để tùy cô của con quyết định…

Cha tôi nói và mắt rưng rưng.

 Đã từ lâu chuyện chồng con của cô tưởng như không bao giờ bàn tới nữa, kể từ khi cô khước từ lời cầu hôn của Hoàng giáo sư - người bạn thân quý của cha tôi - cách đây đã nhiều năm, giờ đây điều đó trở nên thời sự nóng hổi trong nhà. Cái khó là cô nhà mình yêu chú ấy! Vì tình yêu đó mà cô ở trinh suốt một đời. Bây giờ gặp lại nhau bóng xế chiều tà, mà hoàn cảnh chú ấy như thế… Nhưng với những người có điều kiện thuận lợi hơn như Hoàng giáo sư thì cô lại không ưng. Thế mới oái ăm! Cho hay cái “nạn” tình nó không chừa một ai, ở bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời.

Khi cả nhà có mặt đông đủ, cha nói với mẹ:

- Như vậy là chú ấy đã nhận được giấy mời của Ban tổ chức về dự lễ kỷ niệm ba mươi lăm năm giải phóng Thừa Thiên Huế. Dịp đó thật vui. Chúng ta nên tác thành cho cô chú luôn.

Nói rồi cha bảo mẹ lo chuẩn bị một bữa tiệc tươm tất để mừng ngày thành hôn của cô. Cả nhà vui lắm. Mẹ một tay quán xuyến lên chương trình tiệc lễ, một mặt lẳng lặng sắm sửa tỉ mẩn cho cô: đôi gối thêu, bộ chăn nệm mới, giường mùng mới… Mẹ không ồn ào phô trương, nhưng thật chăm chút ý nhị… Như thể cô không thuần túy là em chồng, mà như là em gái, con gái cưng của mẹ vậy. Nói thế thôi chứ con gái mẹ - chị cả tôi - đi lấy chồng thì mọi việc ấy đã có nhà chồng lo. Còn với cô tôi, cha tôi muốn tự mình lo cho em gái.

Rồi ngày vui đến. Lễ tiệc long trọng và ấm cúng. Dự kiến ban đầu chỉ trong gia tộc thôi, nhưng sẵn dịp bạn chiến đấu cũ của cô chú về Huế dự lễ, nên cha tôi mời luôn. Thành ra hôn trường chật ních. Cha tôi đã xúc động không cầm được nước mắt trong vai trò chủ lễ.

Sống với nhau một tuần rồi cô dẫn chú đến chào bà con, bạn hữu, để chú trở lại Sài Gòn như kế hoạch, là từ nay thỉnh thoảng chú ra Huế hoặc cô vô Sài Gòn.

Tôi đi học về đói bụng, chạy xuống bếp thấy chị cả đang cùng với mẹ xào nấu món gì thơm nức. Chị cả nhìn mẹ nói:

- …Ôi! Thật tội nghiệp cho cô! Tội nghiệp cho cả hai người!...

Những câu úp mở như thế giữa mẹ với chị cả ám ảnh tôi. Mấy hôm sau tôi tìm hiểu thì được biết: chồng cô tuy bên ngoài đẹp trai lành lặn vậy, nhưng đã từng bị thương mất cái “của quý” của đàn ông! Tôi bàng hoàng nhớ lại trước đây tôi đã từng được đọc một truyện ngắn trên tạp chí Sông Hương có một nhân vật lâm vào hoàn cảnh như chồng của cô tôi hiện nay. Tôi còn nhớ đến thuộc lòng những câu văn như cứa siết vào tâm hồn người đọc khi tác giả hóa thân vào nhân vật - người đàn ông trở về sau chiến tranh: …Những trận cuồng phong, những cơn bão biển, nạn đại hồng thủy, động đất và núi lửa, sự công phá của bom hạt nhân... Tất cả những cái đó có thấm tháp gì, có đáng kể gì so với sự gào thét cuồng nộ của bản thân anh? Sự đau đớn nung đốt thường xuyên, sự dằng xé dữ dội khốc liệt, lúc âm ỉ, lúc bộc phát… Bằng tất cả các trận cuồng nộ của đất trời cộng lại, bằng tất cả sự tàn phá của các hệ bom hạt nhân cộng lại… Ở một chỗ khác, tâm tư nhân vật tiếp tục gào thét: Nếu những hoạn quan ngày xưa chỉ bị cắt bỏ tiệt phần cội rễ của mọi niềm đam mê khao khát và di truyền nòi giống, còn chừa lại bộ phận làm chức năng bài tiết, thì ở anh giờ đây ngược lại. Cũng đồng cảnh ngộ tàn phế, nhưng so với tình trạng của anh hiện nay, thì sự tàn phế của các hoạn quan nó êm ái dịu dàng và dễ chịu biết bao! Những trận cuồng phong, những cơn bão biển, nạn đại hồng thủy, động đất và núi lửa, sự công phá của bom hạt nhân… Tất cả những cái đó có thấm tháp gì so với… Đúng, tất cả những cái đó có thấm tháp gì so với sự cuồng nộ của bản thân người bị tàn phế như kiểu chồng cô tôi! Khi yêu người nữ chỉ muốn dâng tặng cái quý giá nhất của đời con gái cho người mình yêu, vậy nên trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào họ cũng quyết tâm gìn vàng giữ ngọc… Nhưng giờ đây, sau tuần trăng mật bên người chồng vô vàn yêu quý, cô tôi vẫn còn nguyên vẹn!

Đàn ông tích khí là ngọc. Đàn bà tích khí là tặc. Hình như cái nội lực giúp cô gìn vàng giữ ngọc ngày xưa, bây giờ nó đang giúp cô thắng vượt được chính mình. Cô như chấp chới hụt hẫng mấy hôm đầu, rồi dần trở lại ung dung hòa nhã như xưa. Cha nói với cả nhà khi vắng mặt cô:

- Người xưa bảo hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Thực ra hiền thục cũng là nguyên khí của quốc gia.

Tôi hiểu cha tôi đánh giá cao sự thủ tiết chờ người yêu gần ngót nửa thế kỷ của cô. Cũng qua câu chuyện của cha, tôi được biết cô chú đang sắp đặt đưa cô con gái thứ hai của chú từ Sài Gòn ra Huế ở với cô để đi học.

- Thế cũng tốt! Cha tôi nói - Rồi cô của các con sẽ có con gái, con trai, về sau sẽ có dâu, có rể… Không có phúc nầy thì con người ta ở đời sẽ hưởng được phúc khác chứ! Dễ gì mấy ai làm được như cô?

H.K.L
(260/10-10)





Các bài mới
Xuân nữ (16/11/2010)
Các bài đã đăng
Làng ươm trái (21/10/2010)