Tạp chí Sông Hương - Số 260 (tháng 10)
Chàng thủy thủ trên lưng ngựa
14:21 | 09/11/2010
LGT: Irving Stone (1903-1989), nhà văn Mỹ hiện đại, nổi tiếng trong nước và trên thế giới nhờ những kịch bản phim lịch sử, những tác phẩm về tiểu sử các nhân vật nổi tiếng, nhất là những cuốn “Khát vọng cuộc sống” (Lust for Life) viết năm 1934, về Vincent van Gogh, danh hoạ Hà Lan, “Tê tái và Đê mê” (The Agony and the Ecstasy) viết năm 1961, về Michelangelo, danh hoạ và nghệ sĩ điêu khắc Italy, “Thuỷ thủ trên lưng ngựa” (Sailor on Horseback) về Jack London, nhà văn Mỹ lừng danh...).
Chàng thủy thủ trên lưng ngựa
Nhà văn Irving Stone - Ảnh: philipross.com

Bìa cuốn "Sailor on Horseback" - Ảnh: internet

IRVING
 STONE



Chàng thủy thủ trên lưng ngựa


Ngày 16 tháng Giêng năm 1899, một bức thư mời Jack London đến làm việc tại Sở Bưu điện. Công việc sẽ ổn định cho cả đời chàng. Chàng sẽ sống sung túc, sẽ có được bộ cánh mới chứ không phải bộ quần áo cũ mua lại; thật là một cuộc sống an nhàn hiếm có mà chàng thanh niên 23 tuổi ấy chưa bao giờ dám mơ tưởng. Chàng có thể mua sách báo mà chàng đang khao khát muốn đọc. Chàng sẽ có thể chăm sóc mẹ già và nếu Mabel đồng ý thì hai người có thể làm lễ thành hôn ngay được.

Jack và mẹ chàng đã nhìn thẳng vào vấn đề. Nếu chàng cứ tiếp tục sáng tác thì cả hai mẹ con sẽ phải chịu thêm nhiều năm gian khổ nữa. Nhưng nếu chàng làm nhân viên bưu điện thì thử hỏi cuộc sống sung túc, áo nọ quần kia, cùng những sách báo ấy phỏng có ích gì? Chàng sinh ra đời không phải chỉ để ăn, để mặc, để đọc cho vui. Chàng có mặt trên thế gian này là để sáng tác, để đóng góp những câu chuyện tuyệt vời vào kho tàng văn học. Chàng có thể chịu đựng được những nỗi thiếu thốn của người nghệ sĩ, vì chàng sẽ được hưởng thú say sưa trong công việc sáng tác của mình, thú say sưa này sẽ làm cho tất cả những thú vui khác có thể có được như ăn mặc, hoặc của cải vật chất trở nên nhàm chán, tầm thường, và vô vị.

Và mẹ chàng đã khẳng định với chàng rằng chàng phải tiếp tục viết, rằng lúc nào trong tim chàng cũng phải tâm tâm niệm niệm là mình phải thành công, và rằng bà sẽ luôn luôn có mặt ở bên cạnh để cổ vũ cho chàng, cho dù phải tốn thêm bao nhiêu thời gian đi nữa.

Như vậy, giờ đây vấn đề đã được quyết định dứt khoát rồi! Jack lao vào công việc với tất cả nhiệt tình hừng hực của bản chất cương quyết của chàng. Để có thể trở thành một nhà văn, chàng cần phải có hai điều: tri thức và khả năng sáng tác. Jack biết nếu suy nghĩ trong sáng thì chàng sẽ viết được rõ ràng, vì nếu chàng học không ra gì, nếu những ý tưởng của chàng lộn xộn, lung tung thì chàng làm thế nào có được cách diễn đạt trong sáng chứ? Và rằng nếu những ý tưởng của chàng có giá trị thì sáng tác của chàng cũng sẽ có giá trị. Jack biết rằng chàng phải đi sâu vào nhịp sống, rằng toàn bộ kiến thức sống của chàng sẽ là triết lý sống để chàng căn cứ vào đó mà cân đong và đo đếm, đánh giá và lý giải thế giới. Jack cảm thấy rằng chàng phải tự mình nghiên cứu lịch sử, sinh học, quá trình tiến hóa, kinh tế học và hàng trăm ngành học vấn khác vì chúng sẽ mở rộng tầm mắt của chàng, đẩy lui những giới hạn của lĩnh vực mà chàng sẽ viết. Chúng sẽ tạo cho chàng một triết lý sống không giống triết lý của bất cứ một ai và buộc chàng phải có tư duy độc đáo, khiến chàng có được những điều mới mẻ, đầy sinh khí cho những ai đã nghe chán chuyện đời rồi. Jack không hề có ý định viết những chuyện vụn vặt, tạo ra những viên thuốc bọc đường cho những con người đầu óc đã mụ mẫm, u mê.

Thế là Jack London tấn công thẳng vào sách báo, bao vây thành trì của trí tuệ. Jack không phải là chàng thư sinh học gạo nhằm mục đích thi cho đậu. Jack cũng không phải là một khách qua đường lơ đãng hơ tay sưởi ấm trước lò sưởi tri thức. Jack là một con người theo đuổi một cách đam mê. Đối với Jack, mỗi một sự việc biết được, mỗi một lý thuyết mới tiếp thu được, mỗi một quan niệm cũ đem thử thách và một quan niệm mới thâu lượm được, tất cả đều là một chiến thắng của cá nhân, một lý do để phấn khởi, vui mừng. Chàng thắc mắc, chàng tập hợp sưu tầm, chàng bác bỏ, đưa tất cả những gì chàng đọc được ra phân tích, kiểm tra. Chàng không mù quáng hoặc run sợ trước danh tiếng. Những tâm hồn vĩ đại không hề gây cho chàng một ấn tượng gì trừ phi họ có thể cung cấp cho chàng một tư tưởng vĩ đại. Những ý tưởng thông thường, có tính chất rập khuôn công thức, có ý nghĩa rất ít đối với con người này, một người đã từng phá vỡ mọi qui ước chàng gặp. Chàng là người chân thật, can đảm, có tư duy thẳng thắn và ấp ủ một tình yêu nồng nàn đối với chân lý - đó là bốn điều không thể thiếu được đối với một nhà nghiên cứu.

Tuy được học ít, Jack London cảm thấy rằng mình là một chàng sinh viên tự nhiên. Giáo dục đối với chàng dường như một phòng hải đồ trên tàu biển. Chàng không hề run sợ trước những cuốn sách chưa hề đọc, chàng biết mình không thể lạc lối một cách dễ dàng và chàng cũng đã dành đủ thời gian làm việc trong phòng đó vì chàng biết quá rõ chàng cần phải khám phá ra những bến bờ đại dương nào. Khi chàng kiếm được một cuốn sách, chàng không hề dùng một dụng cụ tinh vi nào để nạy khoá mở nó ra rồi nhót lấy những gì đựng bên trong. Khi Jack sắp đọc một cuốn sách mới mà chàng kiếm được trên bước đường lãng du của mình thì cũng giống như một con thú dữ say mồi, một con sói háu đói vồ mồi: Chàng cắn ngập cổ con mồi sách, nhay nhay nó một cách dữ dội cho đến khi con mồi chịu khuất phục, rồi hút cạn máu nó, ngốn ngấu thịt da nó, nhai xương cốt nó rau ráu, cho đến khi mỗi đường gân thớ thịt của con mồi sách ấy biến thành một phần máu thịt của chàng, tạo nên sinh lực cho chàng.

Jack ghi chép cẩn thận tất cả mọi điều chàng đọc được và đã thực hiện một hệ thống phiếu ghi để khi nào cần là chàng có ngay tư liệu cho mình.

Jack đã từng ngồi hàng giờ liền ở phòng đọc thư viện nghiên cứu sách báo đương thời một cách có phê phán.

Đối với Jack, một trong những thứ vĩ đại nhất trên đời là từ ngữ, những từ đầy nhạc tính, những từ đẹp đẽ, những từ khoẻ, sắc và sâu. Jack đọc những tập sách dày cộp, uyên thâm, luôn luôn với cuốn từ điển trong tay. Jack ghi lại các từ ngữ mới lên những tờ giấy rồi găm chúng ở khe gương trong phòng làm việc nơi chàng có thể ghi nhớ chúng khi cạo mặt, lúc mặc áo quần. Jack treo danh sách các từ ngữ lên dây phơi bằng những kẹp quần áo, để mỗi khi ngẩng nhìn lên, chàng có thể nhận thấy ngay các từ mới cùng với các nghĩa của chúng. Jack nhét các bảng từ ở trong túi, đọc lại chúng trên đường đi đến thư viện, lẩm nhẩm lại chúng khi ngồi vào bàn ăn, hoặc lúc dọn giường đi ngủ. Rồi mỗi khi trong một truyện ngắn chàng cần một từ chính xác nào đó và từ hàng trăm những bảng từ ấy bật ra được một từ có sắc thái với ý nghĩa đúng như chàng mong muốn, thì Jack cảm thấy rộn ràng, sung sướng đến run bắn người lên.

Thời gian, ôi thời gian! Thời gian chính là lời than vãn bất tận của chàng, thời gian để học, để làm chủ kỹ năng. Nó vượt lên trên cả cảnh túng tiền mua thức ăn hoặc tiền nhà đang thúc sau lưng chàng. Ngày không đủ số giờ Jack cần để làm tất cả mọi việc mà chàng mong muốn. Nếu chàng phải dứt mình khỏi công việc sáng tác để nghiên cứu, nếu chàng phải dứt mình khỏi công việc nghiên cứu nghiêm túc để đi đến thư viện đọc sách báo, nếu chàng phải rời phòng đọc thư viện để đến thăm Mabel là lúc duy nhất trong ngày Jack cho phép mình được nghỉ ngơi giải trí, thì than ôi, chàng đã phải nuối tiếc, ân hận biết bao nhiêu!

Điều khó nhất trên đời đối với Jack là phải gạt sang một bên những cuốn sách đang đọc dở, cây bút chì đang ghi chép, để rồi nhắm nghiền đôi mắt đang đọc hăm hở ấy để ngủ! Do nhiệt tình vĩ đại của mình, Jack chỉ cho phép mình được ngủ năm giờ một đêm mà thôi. Chàng ghét cay ghét đắng cái ý nghĩ phải tạm ngưng “việc sống”, dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy thôi; và niềm an ủi duy nhất đối với chàng là chiếc đồng hồ báo thức đã được đặt báo trước năm tiếng đồng hồ và rồi khi tiếng chuông leng keng lay gọi chàng tỉnh giấc mơ màng, lúc đó chàng sẽ lại có được trước mắt mình cả mười chín tiếng đồng hồ mê ly nữa để làm việc.

Jack London, ôi một tâm hồn say mê, một trái tim rực cháy!

ĐIỀN THANH
(sưu tầm và giới thiệu theo bài
trích nguyên bản tiếng Anh trong cuốn
“Sailor on Horseback” của Irving Stone)

(260/10-10)




Các bài mới
Xuân nữ (16/11/2010)
Các bài đã đăng
Làng ươm trái (21/10/2010)