Tạp chí Sông Hương - Số DB (tháng 10)
Nơi lưu niệm của TỰ LỰC VĂN ĐOÀN
15:00 | 01/11/2010
NHẤT LÂMMột buổi sáng đẹp trời của ngày đầu thu, từ bến Châu Cầu qua sông Đuống, cùng với người bạn học từ năm 1958 đến năm 1961, chúng tôi đi đò đến bến Bình Than. Nơi đây, Vua Trần đã cho hội quân để bàn kế sách đánh bại quân bành trướng đế quốc Nguyên Mông. Một đạo quân mà vó ngựa trường chinh của chúng đã “dẫm nát” nhiều quốc gia Á Âu thời bấy giờ.
Nơi lưu niệm của TỰ LỰC VĂN ĐOÀN
Tác giả trước nhà lưu niệm Tự lực văn đoàn
Lục Đầu Giang là nơi hội lưu của sáu con sông lớn. Ngày nay là khu công nghiệp Quế Võ, Phả Lại trên quốc lộ 18 từ thành phố Bắc Ninh về thành phố Hạ Long. Chúng tôi lên thị trấn Thứa của huyện Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh) và bị cuốn hút bởi một mùa thu vàng tươi dọc quốc lộ 5 đi qua tỉnh Hải Dương. Ở đó, chúng tôi nhìn thấy cột cây số đi lên thị trấn Cẩm Giàng 25 cây số, thế là không dừng lại được nữa mà đi tiếp để VỀ NƠI LƯU NIỆM TỰ LỰC VĂN ĐOÀN.

Thị trấn Cẩm Giàng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, nằm trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng được người Pháp xây dựng từ những năm 1930, cùng với tuyến quốc lộ 5, là tuyến giao lưu quan trọng bậc nhất nối thủ đô Hà Nội về cảng Hải Phòng ra tận Móng Cái, Tiên Yên để đến với biên giới Việt Trung tại Bắc Luân.

Hỏi thăm mấy lần, chúng tôi mới tìm được ngôi nhà xưa của Cố Văn nhân Thạch Lam, Nhất Linh, Hoàng Đạo.

Thật không ngờ, gia đình một ông quan Phủ (thân sinh của ba nhà văn) lại ở một nơi có thể nói là rất hẻo lánh đến vậy.

Đường vào nhà phải qua con đường đi vào ga của hành khách qua lại ga Cẩm Giàng. Trước cổng nhà là đường sắt chạy qua: chạy lên Hà Nội, chạy về Hải Phòng. Từ nhà này ai muốn đi tàu thì thật chẳng gấp gáp chút nào. Tàu lăn bánh bước lên cũng thong thả chán. Chẳng biết ông quan Phủ thân sinh ra ba văn nhân mỗi lần từ công sở về nhà hay từ nhà đến Phủ đường, ông ta đi bằng phương tiện gì…?

Tôi nghĩ ông ta đi ngựa mới thích hợp nơi ở của gia đình.

Khi tôi đến, chợ Cẩm Giàng đang họp khá đông. Đập vào mắt du khách là thị chín vàng thơm nức được bày bán dọc đường vào ga. Hành khách ngồi quán nhỏ chờ tàu đi ga xép sao mà đìu hiu như từ trước năm 1945. Cái thuở các nhà văn mô tả trong tác phẩm của mình, trong “Nửa Chừng Xuân” hay anh chàng Long trong “Giông tố” đi tàu đêm mà Vũ Trọng Phụng đã viết. Cho dù tôi đang có mặt ở Cẩm Giàng là mùa thu năm 2009 rồi.

Trong đời đi học các cấp của mình và niềm say mê đọc sách hôm nay, tôi đã đọc và đang đọc những gì mà các nhà văn nhóm TỰ LỰC VĂN ĐOÀN đã xuất bản từ những năm 1940. Mỗi tác phẩm của từng nhà văn đưa đến cho tôi niềm say mê văn học và cái đẹp của con người Việt Nam, tâm hồn dân tộc để yêu mến những gì mà tôi đã cảm đã yêu mến phong tục hồn quê đền chùa, lễ hội, dân ca, con người đồng bằng Bắc Bộ. “Tiêu Sơn Tráng Sĩ”, “Nửa Chừng Xuân”, “Đoạn Tuyệt”, “Hồn Bướm Mơ Tiên”, “Trống Mái”… vẫn là những áng văn đẹp của dòng văn học lãng mạn. Trong ba nhà văn, cũng là ba anh em ruột Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo) và Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam), tôi yêu mến Thạch Lam hơn cả. Nhà văn này viết khá chắt lọc, phần nhiều là truyện ngắn như “Gió đầu mùa”, “Nắng trong vườn”, “Nhà mẹ Lê”… Một tập truyện dài “Ngày Mới”. Và có lẽ đặc sắc nhất là tập bút ký “Hà Nội ba sáu Phố Phường”.

Thạch Lam để lại cho đời một khối lượng tuy không lớn. Nhưng mỗi trang viết là một viên ngọc còn lóng lánh đến hôm nay, và còn tỏa sáng lâu dài… Vì một Hà Nội ngàn năm còn đó. Tuy Hà Nội đã cả ngàn Phố Phường, nhưng “Ba sáu Phố Phường” của Thạch Lam nào Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Khay, Hàng Nón, Hàng Bài, Đồng Xuân… vẫn uyên nguyên trong lòng bạn đọc.

Theo văn học sử thì nhà văn Thạch Lam có số phận chua xót như văn tài Vũ Trọng Phụng. Có nghĩa là cả hai nhà văn này rất nghèo, nhưng cái tình thì thật lớn lao. Ông sống với bà vợ rất mực yêu chồng bên Hồ Tây và căn bệnh lao hiểm nghèo dày vò ông cho đến kiệt sức. Nhà ông luôn có mặt các nhà văn trẻ. Nguyên Hồng đã gặp Thạch Lam trên tàu Hải Phòng, Hà Nội và đưa cho ông đọc bản thảo “Tám Bính”. Sau đó Nguyên Hồng đến Hồ Tây. Tám Bính (sau này là Bỉ Vỏ) được xuất bản, Nguyên Hồng vừa tròn 17 tuổi.

Bệnh lao đã giết chết nhà văn yêu quý lúc tuổi đời 30, cái tuổi chín của văn tài và nhân cách của một nhà văn: Thạch Lam.

Tôi đến trước cổng ngôi nhà xưa. Nhà chẳng còn, trơ lại cái nền đất cỏ dại mọc đầy và mấy khóm chuối khá tốt.

Cắm biển đề trước cổng: “Nhà Lưu niệm TỰ LỰC VĂN ĐOÀN (1932 - 1942)”. Tôi đứng lặng nhìn những cây bông giấy cho hoa đỏ bầm, nhà không có chủ nên chẳng ai chăm sóc. Nhìn ra đường tàu, đá, tà vẹt mòn… Có lẽ đã mòn từ thuở Thạch Lam.

Tôi đứng lặng cúi đầu, tỏ lòng tưởng nhớ một Thạch Lam nhân hậu, một Nhất Linh xông xáo là thủ lĩnh của Văn đoàn, một Hoàng Đạo lo toan đầy trách nhiệm. Cùng với Khái Hưng, Thế Lữ, Xuân Diệu, Tú Mỡ với Trần Tiêu, hợp thành văn đoàn (thất tú). Cá nhân nào cũng in đậm trong văn học sử nước nhà.

Qua tìm hiểu, tỉnh Hải Dương đã có kế hoạch cho phục dựng lại ngôi nhà xưa của ba văn nhân. Có một con đường tại thị trấn Cẩm Giàng được đặt tên “Đường Thạch Lam”.

N.L.
(SĐB 10-2010)




Các bài mới
Ngón trăng (12/11/2010)
Các bài đã đăng
Bằng chứng (01/11/2010)