Tạp chí Sông Hương - Số 8 (T.8-1984)
Suối cá hồi
09:36 | 23/11/2010
K. PAU-TỐP-XKISố phận một nguyên soái của Na-pô-lê-ông - mà chúng ta sẽ không gọi tên để khỏi làm phiền lòng những nhà sử học và những kẻ mọt sách - xứng đáng để đem kể cho các bạn, những người đang phàn nàn về sự nghèo nàn của tình cảm con người.
Suối cá hồi
Nhà văn Konstantin Paustovsky - Ảnh: sovlit.com
Nguyên soái này còn trẻ. Mái tóc điểm bạc và vết sẹo trên má làm cho khuôn mặt ông có một sức hấp dẫn đặc biệt. Khuôn mặt ấy sạm đen vì những mất mát và những cuộc hành trình.

Bọn lính yêu mến nguyên soái, ông chia sẻ với họ nỗi cơ cực của chiến tranh. Ông thường ngủ trên sàn cạnh đống lửa, cuộn mình trong áo khoác và thức dậy khi có hiệu kèn đồng khàn khàn. Ông uống rượu cùng với lính và mang trên người bộ quân phục đã sờn phủ đầy bụi.

Ông chẳng thấy và chẳng biết gì cả ngoài những cuộc hành quân và chiến trận gian khổ. Ông chưa bao giờ nghiêng mình khỏi yên ngựa và hỏi một người nông dân xem đám cỏ dưới chân ngựa gọi là gì, cũng chưa bao giờ tìm hiểu tiếng tăm của những thành phố mà quân lính của ông đánh chiếm vì vinh quang của nước Pháp. Chiến tranh liên miên đã dạy ông biết im lặng, quên đi cuộc sống riêng của mình.

Một lần vào mùa đông, đoàn kỵ binh của nguyên soái đang đóng ở Lông-bác-đi nhận được lệnh hành quân ngay tới nước Đức để hợp với đại quân.

Đến ngày thứ mười hai, đoàn quân dừng lại ngủ đêm ở một thành phố nhỏ nước Đức. Giữa đêm khuya những ngọn núi phủ đầy tuyết trắng ánh lên. Rừng đêm trải dài xung quanh và chỉ có một vài ngôi sao là đang lấp lánh trên bầu trời giữa sự tịch mịch của vạn vật.

Nguyên soái nghỉ lại ở một khách sạn. Sau bữa ăn tối thịnh soạn, ông ngồi cạnh lò sưởi trong căn phòng nhỏ và cho cận vệ nghỉ. Ông đang mệt và muốn được ở một mình. Cái im lặng của thành phố nhỏ ngập những tuyết này gợi cho ông nhớ tới lúc thì thời thơ ấu, lúc thì giấc mơ vừa qua, mà có lẽ ông cũng chưa từng có. Nguyên soái hiểu rằng ngày mai thống chế sẽ đánh một trận quyết định và an ủi mình rằng cái mong muốn yên tĩnh lúc này là cần thiết cho ông, một nguyên soái, như một phút nghỉ ngơi trước trận tấn công dồn dập vó ngựa.

Lửa làm cho nhiều người thẩn thờ. Nguyên soái mải mê nhìn những thanh củi đang cháy trong lò sưởi, không để ý rằng một người có tuổi, khuôn mặt gầy gò đã bước vào phòng. Người lạ mặt mặc một chiếc áo đuôi tôm màu xanh. Ông ta bước lại gần lò sưởi và bắt đầu hơ hai bàn tay bị cóng. Nguyên soái ngẩng đầu lên và khó chịu hỏi:

- Ngài là ai, thưa ngài? Tại sao ngài lại lẳng lặng vào đây thế này?

- Tôi là nhạc sĩ Ba-um-vây, - người lạ mặt trả lời - Tôi đã thận trọng đi vào như vậy bởi vì bỗng dưng tôi muốn đi lại trong cái đêm mùa đông này mà không gây ra tiếng động nào.

Khuôn mặt và giọng nói của nhạc sĩ gây được cảm tình. Sau khi ngẫm nghĩ, nguyên soái nói:

- Ngồi sưởi đi ông. Phải công nhận là ta hiếm có những buổi tối yên tĩnh như thế này trong đời. Ta vui lòng được tiếp chuyện ông.

- Xin cảm ơn ngài, - nhạc sĩ trả lời, - nhưng nếu như ngài cho phép thì tốt hơn là tôi sẽ ngồi vào đàn và bắt đầu chơi. Suốt hai giờ rồi tôi mê mải với một chủ đề âm nhạc. Tôi cần phải thử nó mà ở phòng tôi trên kia lại không có đàn dương cầm.

- Cũng được… - Nguyên soái trả lời - mặc dù sự yên tĩnh của đêm nay còn hơn tất cả những âm thanh thần tiên nhất.

Ba-um-vây ngồi vào đàn và chơi vừa đủ nghe. Nguyên soái cảm thấy rằng quanh thành phố nhỏ này vang lên tiếng tuyết nhẹ đêm khuya đang rơi rơi, cảm thấy mùa đông đang hát, những cành dẻ phủ đầy tuyết đang hát và thậm chí cả ngọn lửa trong lò sưởi cũng đang kêu leng keng. Nguyên soái cau mày nhìn những thanh củi và nhận ra rằng không phải ngọn lửa mà là những cái đinh thúc ngựa trên giày của mình đang kêu leng keng.

- Ta đã cảm thấy toàn những điều kỳ diệu, - nguyên soái nói, - ông chắc chắn phải là một nhạc sĩ vĩ đại?

- Không, - Ba-um-vây trả lời và ngừng đàn, - Tôi chơi nhạc trong các đám cưới và các buổi dạ hội ở nhà những điền chủ nhỏ và những người giàu có.

Gần bậc tam cấp vang lên tiếng cót két của càng xe trượt. Những con ngựa hí lên. Ba-um-vây đứng dậy:

- Đấy, người ta đã đến tìm tôi. Xin từ biệt ngài.

- Ông đi đâu? - nguyên soái hỏi.

- Trong rừng cách đây hai dặm có nhà người gác rừng. - Ba-um-vây trả lời. Hôm nay cô ca sĩ Ma-ri-a Tre-nhi đáng yêu của chúng tôi mời khách ở nhà ông ta. Cô ấy lánh chiến tranh ở đây. Hôm nay Ma-ri-a Tre-nhi tròn hai mươi ba tuổi và cô ấy tổ chức một buổi dạ hội nhỏ. Mà dạ hội nào lại có thể thiếu lão nhạc sĩ pi-a-no Ba-um-vây già cả này được?

- Nguyên soái đứng lên khỏi ghế:

- Này ông, - ông nói, - sáng mai đoàn quân của ta sẽ rời khỏi đây. Không biết là về phía ta có gì là đường đột không, nếu ta đi cùng với ông và qua đêm nay ở nhà người gác rừng nọ?

- Ngài sẽ được vừa lòng, Ba-um-vây trả lời và nhẫn nại nghiêng mình chào nhưng rõ ràng là ông ta ngạc nhiên về những lời của nguyên soái.

- Nhưng, - nguyên soái nói, - đừng có nói với ai về chuyện này đấy. Ta sẽ đi ra qua cầu thang tối và lên xe trượt gần giếng.

- Ngài sẽ được vừa lòng. Ba-um-vây nhắc lại, lại nghiêng mình chào và bước ra.

Nguyên soái mỉm cười. Buổi tối nay ông không uống rượu, nhưng một sự ngây ngất vô hình làm dâng lên trong ông một sinh lực phi thường.

- Mùa đông! - Ông nói một mình - Đi thôi, qua rừng, qua núi đồi đêm khuya! Tuyệt lắm!

Ông khoác chiếc áo choàng và thận trọng bước qua cái vườn hoa nhỏ ra khỏi khách sạn. Ở gần giếng có một chiếc xe trượt, Ba-um-vây đang đợi nguyên soái. Mấy con ngựa thở phì phò kéo chiếc xe qua trạm gác ở cạnh đường. Mặc dù đã muộn song người lính gác theo thói quen vẫn khoác súng vào vai và chào nguyên soái. Ông nghe mãi tiếng nhạc ngựa đang rộn rã vang xa và khe khẽ gật gù:

- Đêm mới tuyệt làm sao! Chà, giá mà được ngụm rượu nóng nữa nhỉ!

Những con ngựa chạy nhanh trên mặt đất trắng như được dát bạc. Tuyết tan trên những cái mõm nóng hổi của chúng. Băng giá mê hoặc cả khu rừng. Những dây leo đen thẫm quấn chặt quanh thân cây dẻ dường như cố sưởi ấm cho dòng nhựa sống đang chảy trong đó.

Bỗng nhiên mấy con ngựa dừng lại gần một con suối. Con suối này không đóng băng. Nó chảy từ những hang núi len lỏi qua rừng rậm, rừng thưa, qua những gốc cây rừng trụi lá vì băng giá. Nó sủi ngầu bọt và kêu ồn lên giữa những tảng đá.

Những con ngựa uống nước dưới suối. Có cái gì đó dưới chân chúng làm vọt lên những tia nước óng ánh. Lũ ngựa né tránh và vùng phi nước đại theo con đường hẹp.

- Cá Hồi đấy - Bác xà ích nói - Con cá nhộn thật!

Nguyên soái mỉm cười. Sự ngây ngất vẫn còn đâu đây. Nó không biến đi ngay cả khi mấy con ngựa kéo xe trượt qua cánh rừng thưa giữa những ngọn núi tới ngôi nhà cũ kỹ mái cao vút.

Những ô cửa sổ sáng ánh đèn. Bác xà ích nhảy xuống và tháo ngựa ra khỏi xe.

Cửa để ngõ. Nguyên soái khoác tay Ba-um-vây đi vào. Hai người cởi bỏ áo khoác ở phòng ngoài được chiếu sáng bằng những ngọn nến rồi dừng lại trước ngưỡng cửa. Trong nhà đã có một số phụ nữ và đàn ông ăn mặc lịch sự.

Một người trong đám phụ nữ đứng dậy. Nguyên soái nhìn nàng và đoán rằng đây là Ma-ri-a Tre-nhi.

- Xin bà hãy thứ lỗi cho tôi, - nguyên soái nói và hơi đỏ mặt - Xin bà hãy thứ lỗi cho cuộc đến thăm không được mời này. Nhưng những người lính chúng tôi không được biết đến cả gia đình lẫn ngày hội hay một niềm vui thanh bình. Xin bà hãy cho tôi sưởi ấm đôi chút cạnh ngọn lửa của bà.

Người gác rừng già nua nghiêng mình chào nguyên soái còn Ma-ri-a Tre-nhi bước nhanh tới nhìn vào mắt ông và chìa tay ra. Nguyên soái hôn bàn tay ấy và cảm thấy nó lạnh như băng. Mọi người im lặng.

Ma-ri-a Tre-nhi thận trọng sờ lên má nguyên soái, đưa tay theo vết sẹo sâu và hỏi:

- Cái này chắc là phải đau lắm?

- Vâng, - nguyên soái mỉm cười trả lời - Đó là một nhát gươm rất mạnh.

Rồi nàng cầm tay ông và dẫn đến chỗ khách khứa. Nàng giới thiệu ông bối rối đỏ bừng mặt như đang giới thiệu với họ vị hôn phu của mình. Tiếng xì xào nghi hoặc lan dài trong đám khách.

Không biết là tôi có nên tả cho bạn đọc sắc đẹp của Ma-ri-a Tre-nhi hay không? Nếu bạn cũng như tôi được sống cùng thời với nàng thì ắt là sẽ được nghe nói về sắc đẹp rực rỡ của nàng, về bước đi nhẹ nhàng, dáng điệu kiêu sa nhưng mê hồn của nàng. Không có một người đàn ông nào lại dám ngưỡng vọng đến tình yêu của nàng. Có lẽ chỉ có những người như Si-lơ mới xứng với tình yêu của Ma-ri-a Tre-nhi.

Sau đó thì sao? Nguyên soái đã ở lại nhà người gác rừng hai ngày. Chúng ta sẽ không nói về tình yêu vì cho đến nay thì chúng ta vẫn chưa biết nó là cái gì. Có lẽ đó là tuyết dày rơi suốt đêm hay là những con suối mùa đông nơi cá Hồi vui đùa. Hay đó là tiếng cười, giọng hát và mùi hắc ín cũ trước bình minh, khi những cây nến cháy hết và những ngôi sao bay sát đến các ô cửa kính để ánh lên trong mắt Ma-ri-a Tre-nhi - Ai biết được? Có lẽ đó là cánh tay trần trên chiếc cầu vai nghiệt ngã, những ngón tay đang vuốt mái tóc nhiễm lạnh, chiếc áo đuôi tôm vá víu của Ba-um-vây. Đó là những giọt lệ đàn ông rơi xuống vì những điều mà chưa bao giờ trái tim ngờ tới: sự dịu dàng âu yếm, tiếng thì thào ngắt quãng giữa đêm rừng khuya. Có lẽ đó là sự quay lại với thời ấu thơ. Ai biết được? Và có thể đó là nỗi tuyệt vọng trước ly biệt, khi trái tim tan nát và Ma-ri-a Tre-nhi kinh hoàng đưa tay sờ soạng những mảnh giấy bồi tường, bàn ghế và những cánh cửa của gian phòng đã chứng kiến tình yêu của nàng và cũng có lẽ đó là tiếng kêu thét và cơn điên dại của người phụ nữ khi trong đám khói của những ngọn đuốc ngoài cửa sổ, cùng với những tiếng hò hét gay gắt, đội cảnh vệ của Na-pô-lê-ông nhảy xuống ngựa và xông vào nhà để bắt nguyên soái theo nghiêm lệnh của thống chế.

Có những câu chuyện vụt hiện ra rồi biến đi như những con chim, song mãi mãi còn lại trong tâm trí những người tình cờ đã chứng kiến nó.

Mọi cái xung quanh vẫn như trước. Tất cả vẫn xào xạc cùng gió rừng và con suối vẫn đang làm những chiếc lá sẫm vàng quay tròn nơi những xoáy nước nhỏ. Trong rừng vẫn vang vọng tiếng rìu và trong thành phố, phụ nữ vẫn tụ họp bên giếng để bàn tán.

Nhưng chẳng hiểu vì sao tất cả những rừng, những tuyết áng rơi lả tả, những sắc ánh của cá Hồi trong suối ấy lại làm Ba-um-vây rút ra từ túi trong của chiếc áo đuôi tôm một chiếc khăn quàng tuy đã cũ nhưng vẫn trắng như tuyết, ấp chặt nó vào mắt và thì thầm những lời buồn bã rời rạc về mối tình ngắn ngủi của Ma-ri-a Tre-nhi và về cái điều là cuộc sống đã được thời gian làm cho giống với âm nhạc.

Mặc dù đau nhói trong tim, song Ba-um-vây đã thì thầm rằng ông sung sướng được tham dự vào câu chuyện này và cảm thấy xúc động - một điều hiếm có đối với người nhạc sĩ pi-a-nô nghèo khổ ấy.

ĐẶNG MẠNH PHỐ dịch
(8/8-84)





Các bài mới
Cổ tích (27/12/2010)
Các bài đã đăng