Tạp chí Sông Hương - Số 261 (tháng 11)
Đinh Thị Như Thúy: Sinh ra là tự do
09:06 | 14/12/2010
NGUYỄN ĐỨC TÙNGNguyễn Đức Tùng: Chào nhà thơ và cô giáo dạy văn Đinh Thị Như Thúy. Được biết chị đang sống và làm việc ở một huyện thuộc tỉnh Đắc Lắc. Chị có tìm thấy cho mình một quê hương ở đó không?
Đinh Thị Như Thúy: Sinh ra là tự do
Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy - Ảnh: internet
Đinh Thị Như Thúy: Dạ. Kính chào anh Nguyễn Đức Tùng. Hơn hai mươi năm sống và gắn bó với một vùng đất có làm cho nơi đó trở thành quê hương không anh? Những đứa con của tôi đã được tôi sinh ra và nuôi dạy ở đây. Mỗi buổi sáng thức dậy, mở cửa nhìn ra bầu trời, tôi có thể hình dung được hôm nay, mùa này, kiểu thời tiết gì sẽ diễn ra, những người dân sẽ làm công việc gì cho mùa màng của họ. Tôi nghe tiếng chim hót cùng với tiếng xe máy cày chạy rầm rập. Nơi đây, những biến chuyển của đất trời, sự lam lũ mệt mỏi của con người, đều không xa lạ với tôi.

Mà vùng đất này kỳ lạ lắm anh ạ. Nắng bụi, mưa bùn. Vất vả, cực nhọc. Cây cỏ, gió, côn trùng... Tất cả đều có gì đó hoang dã, khắc nghiệt nhưng lại rất đẹp đẽ, lôi cuốn. Con người không thể sống quá tỉnh táo khi ở đây. Bao giờ tôi cũng có cảm giác bị dẫn dắt vào mộng mị. Nhất là những lúc ngồi một mình hay lang thang một mình đâu đó. Tôi không biết Tây Nguyên có là quê hương của tôi hay không, nhưng tôi yêu và khó lòng rời xa cuộc sống nơi này.

Nguyễn Đức Tùng: Tuổi thơ của chị ra sao?

Đinh Thị Như Thúy: Nhà tôi rất đông chị em gái. Tôi có ba chị và ba em gái, hai em trai. Hồi nhỏ tôi ở Đà Nẵng, tôi nghĩ tuổi thơ tôi cũng như phần đông những bé gái khác thôi. Cũng thích chơi đồ hàng bằng lá cây, bông bụt, trái bàng… Cũng ao ước bánh kẹo, búp bê.

Có một câu chuyện đã ám ảnh tôi từ thuở nhỏ. Chuyện do mẹ tôi kể. Anh có biết con chim gọi vịt không? Hình như ở bất cứ miền quê nào trên đất nước ta cũng có loài chim đó. Tiếng kêu của nó thật buồn. Bắt đầu bằng những thanh âm cao vút thảng thốt rồi nhỏ dần, thấp dần nghe rất não lòng. Mẹ tôi bảo: đó là tiếng gọi tìm đàn vịt của một cậu bé. Vì ham chơi và lơ đễnh cậu bé đã để đàn vịt mình chăn đi lạc, lạc mãi đến sông Ngân Hà (!) và biến mất. Tiếc đàn vịt, sợ bị mẹ mắng, cậu bé đi tìm hoài, cho đến lúc chết vẫn chưa tìm thấy, nên biến thành con chim gọi vịt.

Tôi nghĩ có lẽ cho đến bây giờ cậu bé kia vẫn chưa tìm thấy đàn vịt đã mất của mình. Nên loài chim gọi vịt vẫn còn. Tôi vẫn nghe tiếng kêu của nó. Lạ, là tiếng chim gọi vịt cứ vang lên vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Thảng thốt buổi mờ sáng. Uể oải lúc đứng trưa và buồn da diết khi hoàng hôn xuống.

Nguyễn Đức Tùng:

Một mùa một ngày một người/ bao giờ cũng nhỏ bé/ bao giờ cũng chẳng có gì đáng nói.
Đó là cách nói giản dị nhưng bay bướm ngấm ngầm, tiêu biểu cho phong cách của Đinh Thị Như Thúy. Đọc mấy câu này của chị không hiểu sao tôi lại tin rằng, để bắt chước cách nói của nhà thơ Dương Tường, chị có một “tuổi thơ giàu có”. Thêm nữa, giàu có hay không, có lẽ là do tâm hồn mỗi đứa trẻ, sự phản chiếu của cuộc đời lên nó, nhiều hơn là do hoàn cảnh xung quanh.

Tôi cũng nghĩ: giáo dục là chuẩn bị một tuổi thơ đẹp đẽ cho con người. Trước hết là chuẩn bị cho một tâm hồn thơ mộng ra đời.

Trong chuyện ấy, liệu thơ ca có làm được gì không, thưa chị?

Đinh Thị Như Thúy: Tôi đã đọc ở đâu đó rằng: khi chúng ta nói với những đứa trẻ về cái hay cái đẹp của một bài thơ là chúng ta đang xây dựng nền tảng mỹ học trong tâm hồn chúng. Và tôi thấy: thơ ca ngấm vào tâm hồn một đứa trẻ trước tiên là bằng những câu hát ru. Cái thiệt thòi của trẻ nhỏ bây giờ là không còn được nghe hát ru nữa. Có thể chúng sẽ có một “tuổi thơ giàu có” theo một cách khác. Sẽ có những đầy đủ về đời sống vật chất và đời sống tinh thần theo một cách khác. Nhưng dù sao tôi vẫn thấy thiếu một điều gì đó, khi những câu hát ru cứ dần mất đi, cùng với sự mất đi của những điều kỳ diệu đến từ thiên nhiên, trong đời sống hiện nay.

Có thể cách nghĩ đó của tôi là phiến diện. Có thể bởi tôi luôn nhớ những câu hò ngày xưa của mẹ tôi. Có những câu luẩn quẩn, loanh quanh buồn cười kiểu như: Than rằng vịt lội hồ sen/ Vịt ai không biết con đen con đà/ Than rằng vịt lội giang hà/ Vịt ai không biết con đà con đen. Hay: Bèo than thân bèo nằm trên mặt nước/ Bạc than thân bạc đeo trước lỗ tai/ Khoai lang than thân đào lên bới xuống hoài/ Ngọn rau muống nọ than thân bứt đọt nấu canh/ anh than thân anh vợ con chưa có/ Người nói tiếng nọ kẻ nói tiếng kia. Có những câu buồn hơn trong giọng hò: Canh chua nấu cá ngạnh nguồn/ Thương anh em phải bán buồn mua vui; Em như quả ớt chín cây/ Càng tươi ngoài vỏ càng cay trong lòng.

Những câu hò (những bài thơ) như thế đã gieo vào tôi những băn khoăn về thân phận. Tôi đã nghĩ nhiều đến tình thương yêu, những bao dung hy sinh, những quắt quay rát bỏng và cả những phức tạp vô cùng trong tâm trạng con người.

Nguyễn Đức Tùng: Bài thơ nào của mình mà chị thích nhất? Tại sao?

Đinh Thị Như Thúy: Tôi không thể nói là thích nhất một bài thơ nào trong những bài tôi đã viết. Nhưng tôi rất thích hoa dã quỳ. Tôi muốn chia sẻ với anh một bài thơ tôi viết về hoa dã quỳ.

Viết cho dã quỳ 

(...nhưng em nói là dã quỳ của mùa nào/ mùa đông/ đúng rồi mùa hoa/ cây non mọc lên nở hoa và tàn rụi trong vòng một năm...) 

1. 

Từ tàn rụi nụ mầm vươn lên vào lúc không ai còn nhớ (sự lãng quên luôn thường trực trong tâm trí con người) những mầm xanh không như lá cỏ mà được xem như lá cỏ cứ khuất lấp trong ngăn ngắt rậm rạp cứ lặng lẽ bên vệ đường trước thềm nhà khắp chân đồi (giờ đồi hoang cũng không còn nhiều vì loài người sinh sôi nẩy nở bung chiếm còn nhanh hơn cả cỏ cây)

Rồi những chiếc lá hình bàn tay xoè ra run rẩy hân hoan trong mưa bụi (dường như tất cả hạnh ngộ thuở ban sơ đều như vậy) mưa càng dấm dứt đất càng đỏ ứ cây lá càng xanh non tươi rờn rợn mưa mưa mưa mưa nước nuôi dưỡng sự sống bằng những ngập tràn thấm sâu dịu nhẹ (cũng có lắm khi hung tợn trào dâng) mưa mưa mưa mưa dã quỳ theo mưa mà lớn

 Đó là cách tồn tại cổ xưa nguyên thủy nhất tồn tại theo bầy đàn mỗi đơn lẻ là một trong nhiều trong những của cộng đồng mỗi đơn lẻ (tưởng như) giống nhau về hình thể về tính cách về thân phận đứng bên nhau làm nên thế giới (tưởng như) công bằng bình đẳng hướng về ánh sáng hướng về bầu trời mà ngờm ngợp mà mải miết mà vươn cao mà xoè tay mà ươm nụ mà hồn nhiên mà chờ đợi

2.

Có xứ sở chọn khắc nghiệt làm tính cách đặc thù (không chừng mực không điều độ không sắc màu trung tính) xứ sở dã quỳ không có mùa thu không có mùa xuân (chỉ hai mùa mưa nắng) xứ sở buồn muôn thuở bụi mù trời (bụi lừng lững đi lừng lững dựng từng cột đỏ trên những con đường mòn vắng vẻ khô khát) tháng mười hai lạnh lẽo khô ngùn ngụt nắng là tín hiệu để dã quỳ nở bung.

Đó là không gian mênh mông (đồi nối tiếp đồi thung lũng kéo dài thung lũng) là cuồng nộ gió (gió như đoàn chiến mã ràn rạt lao qua không cần biết sẽ về đâu không cần biết gì đang đón đợi cứ phía trước mà phi mà lồng lộn sải vó) là bướm hoang là ong rừng là bước chân bồn chồn của những người đàn bà luôn mơ những giấc mơ bất ổn

Là dã quỳ tồn tại như một dâng hiến không cần lý do

3.

Dã quỳ dã quỳ dã quỳ cứ vàng mơ vàng tươi vàng xuộm vàng cháy cứ rừng rực mê đắm miên man trên nền xanh của lá nền đỏ của đất bazan cứ tạo nên những đối cực nhức nhối xốn xang đôi khi khó chấp nhận trong mắt người

Không chờ đợi không khát khao không hoài vọng, dã quỳ (dường như) hồn nhiên bung nở hồn nhiên toả hương hồn nhiên vàng vào nắng vào sương vào bụi đỏ hồn nhiên làm mặt trời thắp nắng trong hoang lạnh hồn nhiên làm nên linh cảm bất an mùa xao xác

Đã có những ngợi ca đã có những cười cợt đã có những rắp ranh đòi chia sẻ đã có những dự tính can thiệp riêng tư dã quỳ (dường như) vô tâm (dường như) ngoài cuộc cứ vàng cho hết đời sống mình (vì đó chính là mình) rồi rời rã rũ rượi trong gió đông rồi khô đi nâu sẫm trên những cành nhánh trụi trơ rồi khuất lấp rồi biến tan

Mùa đã khô ngày đã không còn hoang hoải gió

Dã quỳ bình thản đợi hồi sinh

4.

Những người đàn bà mang giấc mơ bất ổn chôn trên sườn đồi đêm đêm chờ mưa chờ quên lãng nghe trong tiếng sấm khắc khoải có niềm âu lo rồi đồi hoang sẽ không còn là đồi hoang nữa

                                                                                     29.12.2007

Nguyễn Đức Tùng: Việc một tác giả thích một tác phẩm nào của mình có lẽ nằm ngoài các bậc thang của phê bình khách quan, nhưng cũng gợi ra hiểu biết đối với tác giả ấy. Tôi không để ý lắm đến… hoa dã quỳ, nhưng chú ý đến thơ của Đinh Thị Như Thúy. Thơ chị nổi bật không phải ở những đột phá về thẩm mỹ và nổi loạn về ngôn ngữ nhưng thu hút người ta ở chất giọng vừa u hoài buồn bã vừa sáng láng, tin tưởng. Tôi không chỉ nói đến giọng điệu (tone) mà nghĩ nhiều hơn đến một điều gì như chất giọng (voice).

Chị đã tìm ra chất giọng của chị chưa? Bao giờ?

Đinh Thị Như Thúy:Tôi không ý thức lắm việc tìm cho mình một chất giọng đâu anh. Tôi cứ viết thôi (như một đứa trẻ) vừa viết vừa lớn lên, vừa viết vừa già đi. Khi viết tôi chiều chuộng bản thân mình ghê lắm. Có thể nói, đó là lúc duy nhất, tôi có cơ hội để chiều chuộng bản thân mình. Tôi lắng nghe tôi, và dò hỏi ý tứ của tôi. Có khi tôi thử viết về vấn đề này, vấn đề khác, có khi tôi xuống dòng, hay tạo vần, hay đặt các dấu câu, ở một số vị trí nào đó, ở những bài thơ nào đó, rồi thử đọc lại cho mình nghe. Và tôi tôn trọng trực giác của bản thân tôi. Nếu tôi nghe tôi thở ra nhẹ nhõm, thì tôi biết: tôi đã được tôi chấp nhận. Những bài thơ của tôi được hình thành như vậy đó.

Có khi nào, làm thế, cũng là một cách nỗ lực đi tìm một chất giọng riêng cho mình không anh? Tôi đọc trên inrasara.com thấy câu: Không ai có thể hát thay chúng ta. Nhà thơ Thanh Thảo thì bảo tôi: “Thơ là số phận. Em đừng thay đổi số phận của em”.

Nguyễn Đức Tùng:

Đã viết những câu thơ màu hoàng lan/ Tiễn mùa về xa ngái/ Thương chút ngọt ngào vướng lại/ Thơm trang giấy ta cầm

Từ những bài thơ trước đây sử dụng nhiều vần điệu cổ điển, có phải là chị ngày càng có khuynh hướng làm thơ tự do, thơ xuôi, phóng túng, không vần? Tại sao?

Đinh Thị Như Thúy: Tôi thường viết nương theo cảm xúc. Tôi nghĩ, có thể đã có những vận động nào đó trong chính bản thân tôi. Từ những bài thơ sử dụng nhiều vần điệu cổ điển, giờ đây, trước bao bộn bề ồn ào của cuộc sống hiện đại, với nhiều suy tư đa chiều gấp gãy, tôi thích viết như sự giải phóng tôi khỏi mọi gò bó.

Đôi khi những ý tưởng cứ miên man trong tôi, tôi thích để chúng được miên man chảy như thế trong bài thơ của mình. Ngay cả cách dùng dấu câu cũng vậy. Có lúc tôi thấy dấu câu làm ý nghĩa câu thơ bị hạn hẹp, câu thơ không có dấu chấm câu là câu thơ lỏng lẻo, có thể nó sẽ làm người đọc tự do hơn trong cách hiểu cách cảm nhận bài thơ.

Nguyễn Đức Tùng: Có nhiều chuyện để nói với một cô giáo dạy văn trung học, thời cắp sách của tôi gọi là các nữ giáo sư trung học. Chị nghĩ sao về nghề dạy học văn chương của mình?

Đinh Thị Như Thúy: Tôi lên Tây Nguyên dạy học từ năm 1989. Những năm đầu tôi dạy ở một trường Trung học cơ sở nằm sâu trong xã Hòa An, huyện Krông Pắc. Tôi vẫn luôn nhớ những ngày tháng đầu tiên của cuộc đời dạy học của mình. Nhớ ngôi trường với một dãy phòng học nền đất mái tôn vách ván. Những tấm ván qua nhiều mùa mưa nắng cứ co rút lại cong vêu rồi bày ra những khe hở. Lời giảng, tiếng cười, tiếng nói chuyện, tiếng ho, thậm chí tiếng thở cứ từ lớp này lấn sang lớp khác. Mùa khô con đường vào trường chìm trong bụi đỏ. Mùa mưa lại lầy lội bùn. Có những hôm tôi và các thầy cô khác, lội mưa vào trường rồi lại lội ra vì học sinh không đến lớp, mà giờ học cũng đã hết. Năm 2000 tôi được chuyển về một trường Trung học Phổ thông của huyện và dạy ở đó cho đến nay. 

Tôi vẫn thường đùa là không có ai phải chịu sự thanh tra kiểm soát thường xuyên về mọi mặt như các thầy, cô giáo, nhất là ở những huyện nhỏ (nơi mà ai cũng quen biết nhau) như địa phương nơi tôi đang dạy. Đến đâu, làm gì cũng như thấy mắt nhìn của học sinh và phụ huynh học sinh mình. Có thể chính vì phải nghiêm túc khuôn mẫu trong đời sống nên tôi cần thoáng đạt, tự do, không vần trong thơ để bù lại chăng?

Tôi dạy văn, một môn học tưởng chừng nhẹ nhàng thú vị trong nhà trường. Nhưng cho đến lúc này, sau hai mươi mốt năm đứng lớp, tôi vẫn hoài băn khoăn về việc học văn và dạy văn trong môi trường cụ thể là ở một huyện miền núi. Tôi không đổ hết lỗi cho chương trình, nhưng rõ là đã có sai lầm ở đâu đó.

Các em học sinh ở đây rất thiếu truyện sách. Ngay cả những tác phẩm mà các em phải học trích đoạn trong chương trình Văn, các em cũng không được đọc. Học sinh không có tác phẩm để đọc đã đành, mà ngay cả giáo viên dạy cũng rất nhiều người không đọc tác phẩm trọn vẹn. Họ đọc các sách tham khảo, sách hướng dẫn giảng dạy và căn cứ vào đó để soạn giáo án. Khi chúng ta nhìn tác phẩm trong trạng huống cắt cúp rời rạc như thế thì làm sao tránh được cái nhìn phiến diện? Vả lại, tôi cứ thấy môn Văn trong nhà trường phổ thông đang phải mang vác quá nhiều nhiệm vụ. Phải tích hợp cả với bảo vệ môi trường, với tư tưởng đạo đức, với rất nhiều điều khác. Giờ học, nếu theo yêu cầu như thế bỗng trở nên nặng nề. Người dạy thì mệt mỏi mà học sinh thì chán chường.

Cũng cần phải nói thêm một điều rằng: những tiêu cực trong đời sống xã hội hiện nay cũng làm cho các em hoài nghi và thấy văn chương xa rời cuộc sống. Các tác phẩm văn chương được chọn dạy trong nhà trường thường xây dựng những con người rất đẹp rất lý tưởng. Nhưng vừa bước ra (thậm chí chưa bước ra) khỏi cổng trường các em đã gặp ngay bao điều phi lý: những chạy trường, chạy điểm; những học thật bằng giả, học giả bằng thật… Rồi tham nhũng quan liêu. Rồi sự tha hóa của bao con người đang ở những cương vị không được quyền tha hóa. Lời giáo huấn khuyên răn của thầy cô bỗng dưng trở thành lạc lõng. 

Nguyễn Đức Tùng: Hiện nay, mọi người đang nói về tình trạng giáo dục đi xuống trong cả nước, tình thầy trò tan rã, một điều đáng buồn. Tiếp xúc với các em và phụ huynh hàng ngày, có lẽ chị có nhiều suy nghĩ về vấn đề này?

Đinh Thị Như Thúy: Tôi không hay sa đà vào việc kể lể hay than thở về tình trạng giáo dục ở đất nước ta trong thời buổi hiện giờ. Nhưng đâu phải chỉ tình trạng giáo dục là đang đi xuống? Tôi đang thấy sự thay đổi ghê gớm của rất nhiều vấn đề trong xã hội. Mà đạo đức chỉ là một. Khi có sự vênh nhau quá xa giữa những điều chúng ta nói và những điều chúng ta làm, thì sự đổ vỡ niềm tin trong thế hệ trẻ là điều tất nhiên. Mà niềm tin đã đổ vỡ thì những hành xử thiếu tôn trọng, thậm chí khinh miệt hay bất cần giữa thầy và trò, giữa người này với người khác sẽ phải diễn ra. 

“Khi sự thật đã không là sự thật/ Những sự cần mà không thật sự cần/ Những cải cách cứ loanh quanh chán chường mỏi mệt/ Khi năng lực được đo bằng những bước chân của bò sát/ Những tâng bốc cất nhắc cứ trơn tru/ Những nói một đằng làm một nẻo/ Khi những chuẩn mực đạo đức dao động với biên độ vô cùng/ Những dối trá thường trực khắp mọi nơi/ Những niềm tin thành xa xỉ…

Người người tìm đến giấc mơ/ Đau nhói tim âm vang tiếng cười giễu cợt/ Tiếng búa nện đinh trên nắp quan tài

Nếu không cẩn thận, chúng ta phải trả giá bằng một thế hệ/ Nếu không cẩn thận, chúng ta không chỉ phải trả giá bằng một thế hệ”

(Trích bài thơ “Trước tỉ lệ tốt nghiệp 18,1% của một trường trung học”)

Tôi nghĩ sự giáo dục không thể chỉ diễn ra trong khuôn khổ nhà trường. Giáo dục phải là việc thường xuyên và toàn diện khắp nơi trong xã hội. Làm sao chúng ta yêu cầu các em học sinh đừng phá một tổ chim trong sân trường nếu chúng ta tàn sát tất cả những cánh rừng bằng lòng tham của chúng ta? Làm sao chúng ta buộc học sinh phải trung thực, phải học hành, phải lao động nghiêm túc khi có bao người lớn đang giàu lên không phải bằng con đường lương thiện? Làm sao học sinh có thể nhường nhịn thương yêu nhau khi ngoài xã hội chúng ta tìm mọi cách lấn lướt nhau, gây gổ nhau, đánh đập nhau, cư xử tàn tệ với nhau, miễn có lợi cho bản thân mình. Cha mẹ làm hư con trẻ khi lén lút đưa phong bì cho thầy cô và người này người khác rồi công khai bàn bạc dè bĩu chuyện đó trong các bữa cơm. Thầy cô làm hư con trẻ khi phân biệt đối xử giữa học sinh này với học sinh khác vì những điều rất cảm tính. Và bao điều khác nữa…

Nguyễn Đức Tùng:Chị có phải là “người Huế” không?

Đinh Thị Như Thúy:Tôi là người Huế đó chứ. Ba mẹ tôi đều là người Huế mà. Nhưng tôi vẫn thường đùa là Huế nhà quê chứ không phải là Huế Kim Long hay Thành Nội. Ba tôi quê ở làng Đồng Di, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang. Còn quê của mẹ tôi lại có một cái tên nghe rất lạ: Sịa.

Ba mẹ tôi đã vào Đà Nẵng sinh sống từ sau năm 1960. Vậy nên tuy sinh ra ở Huế, tuy giọng nói của tôi mang âm sắc Huế rõ rệt, ai nói chuyện với tôi đều nhận ra tôi là người Huế. Nhưng tôi lại có lỗi vô cùng vì tôi không biết gì nhiều, không gắn bó gì sâu sắc với vùng đất này. Những gì tôi biết về quê hương phần lớn đều qua sách vở và những câu chuyện kể. Huế vẫn luôn như một vùng đất lạ trong tôi. Đó thật sự là một điều đáng tiếc phải không anh?

Nguyễn Đức Tùng:Tôi bỗng nhớ đến câu thơ sau đây:

Je cueillis un nid dans le squelette du lierre

Tôi tìm thấy tổ chim/ Trên bộ xương của dây thường xuân

(Yvan Goll, dẫn theo Gaston Bachelard)

Những nơi chốn mà ta đã sống, đã đi qua, đang sống, ảnh hưởng nhiều đến việc hình thành tâm hồn một người. Đối với nhà thơ Đinh Thị Như Thúy, Huế, Tây Nguyên và những nơi khác để lại dấu ấn như thế nào trong thơ chị?

Đinh Thị Như Thúy:

Tôi lớn lên tại Đà Nẵng. Một thành phố tràn ngập biển. Tôi mê núi nên muốn có thời gian sống ở núi. Tôi chọn học đại học ở Đà Lạt là vì thế. Giờ nghĩ lại tôi vẫn biết ơn mảnh đất đó. Đà Lạt là một nơi nhiều người ao ước có dịp đến, tôi đã sống ở đó những năm Đà Lạt còn nhiều yên lặng vắng vẻ. Yên lặng vắng vẻ nhưng vẫn rất “Tây”, vẫn sáng điện, vẫn café quán, vẫn những con đường dạo quanh hồ nước…

Khi về Đắc Lắc dạy học, sống ở một vùng heo hút, những năm đầu, điện đóm không, quán sá không, phải một thời gian sau tôi mới quen được. Nhưng vùng đất này quả thật là một nơi không để cho ai có cơ hội nhàm chán. Những khắc nghiệt dữ dội, những thay đổi sống động, của thiên nhiên đất trời cây cỏ qua từng thời điểm luôn làm tôi ngạc nhiên. Và tình yêu, và những buồn vui, được mất của những con người nhỏ bé, lương thiện. Tôi đã viết về những điều đó.

Còn Huế?

Tôi nhớ: Tháng 1 năm 2009, tôi về Huế để nhận tặng thưởng về Thơ của Tạp chí Sông Hương. Khi được mời lên phát biểu tôi đã không nói được gì. Tôi không phải là người ứng khẩu nhanh nhạy. Lời mời lại đột ngột quá. Nhưng lý do chính là tôi đang tràn ngập buồn vì thấu rõ sự cô đơn của minh khi đứng trên quê hương. Tôi nghe những giọng nói, tôi nhìn những khuôn mặt, tôi nghĩ về số 32 - Phủ Hoài Đức, ở Phường Phú Cát, nơi tôi sinh ra…

Số phận đã không cho tôi gắn bó với nơi này.

Mỗi ban mai/ Những ám ảnh của giấc mơ đêm đè nặng/ Như chiếc đòn gánh trên vai người thiếu phụ chân đất đầu trần/ Gánh đậu hũ qua cầu Bạch Hổ ban trưa/ Hai tà áo gió cuốn về hai phía.

Trong bài Người đàn bà không giấc ngủ tôi đã viết như thế. Một người bạn của tôi đã hỏi: sao không viết là gánh cơm hến gánh cơm hến có màu sắc Huế rõ rệt hơn? Tôi không lý giải. Tôi nhớ, đã nghe mẹ tôi kể về những dấu chân hằn trên mặt nhựa đường nóng chảy mùa hè ở Huế. Đậu hũ thường được bán vào tầm trẻ con ngủ trưa dậy. Người bán dạo phải gánh khắp phố phường vào ban trưa. Tôi nghĩ về sự mưu sinh vất vả, và những giằng xé khác trong bản thân mỗi con người, mà sự vất vả về thân xác kia chỉ là một.

Nguyễn Đức Tùng:May mà chị đã không sửa gánh đậu hũ thành gánh cơm hến, nếu không thì chúng ta đã mất đi một câu, thậm chí một bài thơ khá hay.

Mặc dù ngoài đời cả cơm hến lẫn đậu hũ gánh tôi đều thích; và cơm hến thì đúng là đặc trưng cho Huế thật. Câu chuyện (vui) của chị gợi ra nhiều vấn đề của thơ Việt Nam: để thoát ra được khỏi luồng chảy lờ đờ hiện nay, các nhà thơ sẽ phải dùng sức rất nhiều, phải làm việc ghê gớm lắm, chống lại sự sáo rỗng, sự giả dối và nhiều thứ khác. Chống lại các huyền thoại.

Tôi cũng thường tự hỏi: thơ của các nhà thơ nữ hiền lành, dịu dàng cũng như tính cách của họ trong cuộc đời. Họ có thể làm mới mà không “nổi loạn” được chăng?

Đinh Thị Như Thúy: Những bài thơ là chân dung thật sự của người viết, phải không anh? Tôi nhớ trong một bài phỏng vấn anh đã nhắc đến Maya Angelou với câu nói: tôi là người phụ nữ da đen, vì vậy, thơ tôi lúc nào cũng có hơi hướm của một người phụ nữ da đen. Những nhà thơ nữ (Việt Nam), tôi nghĩ cũng có người hiền lành, dịu dàng, cũng có người không như thế. Cả trong thơ và trong đời.

Có thể tôi phải hỏi lại anh về chữ “làm mới” trong câu hỏi này? Một bài thơ tỏa lan hơi thở sống động của cuộc sống hiện đại từ đề tài cho đến cách thể hiện phải chăng là một bài thơ mang tinh thần mới?

Tôi thấy rất nhiều tác giả nữ bây giờ viết rất táo bạo anh ạ. Và thật thú vị, khi ta được tiếp nhận nhiều cách viết, cách thể hiện khác nhau với nhiều đề tài khác nhau như vậy. Điều đó cho thấy sự vận động không ngưng nghỉ của thơ. Tôi nghĩ cứ để cho mọi người được viết một cách tự do về những điều họ muốn viết. Và những gì còn lại phải chờ thời gian.

Tuy nhiên, trên thực tế, tôi cũng thấy: có những điều tưởng nổi loạn táo bạo trong thơ, lại không mới. Cũng như vấn đề trẻ hay già, có người già nhưng làm thơ rất trẻ trung, có người mới viết lại viết rất già nua cũ kỹ đó thôi. Như vậy, rốt cuộc, có lẽ vẫn phải là: hơi hướm của một người phụ nữ da đen như đã nói ở trên phải không anh?

Nguyễn Đức Tùng: Tôi cho rằng hiện nay có những nhầm lẫn lớn về quan niệm đối với thơ hay và thơ mới, thậm chí có thể mở rộng ra đối với các sáng tạo văn học khác. Đây là một đề tài lớn, tôi chỉ xin nhận xét về một khía cạnh nhỏ.

Một số người cho rằng muốn làm mới trong thơ thì cần viết rất táo bạo như chị vừa nói. Viết táo bạo theo họ có nghĩa là đụng đến các đề tài cấm kỵ như tình dục, dung tục v.v…

Thật ra, táo bạo không phải chỉ ở đề tài mà còn là, và căn bản là, ở phong cách thể hiện, nội dung xã hội và tư tưởng thẩm mỹ. Không có phong cách riêng, không có nền tảng tư tưởng khai phá, sự nổi loạn về đề tài sẽ bị dừng lại vì nhiều lý do. Các đề tài cấm kỵ văn hóa sau một thời gian ngắn bị đập phá sẽ không còn tính chất cấm kỵ nữa. Tác phẩm khó đứng được với thời gian. Những người có ý thức muốn làm mới văn chương về chính trị nhưng không dựa trên một nền tảng tư tưởng thẩm mỹ cách tân, sẽ sáng tạo ra các tác phẩm mang tính “chửi bới”, thiếu chất văn học, không có tính thuyết phục lâu dài.

Ngược lại, một nền văn học nhút nhát, thường xuyên tránh né chạm mặt với các sự kiện chính trị sôi động sẽ không bao giờ là một nền văn học lớn. Nhiều tác giả tài năng của Việt Nam trước đây, có người thậm chí được gọi là nhà văn lớn, hiện nay đang tàn đi, nhỏ lại, phần lớn là theo kiểu như thế.

Tôi có tỏ ra khó tính quá chăng, thưa chị?

Đinh Thị Như Thúy: Tôi không biết anh có tỏ ra khó tính quá không. Nhưng những điều anh nói trên đây rất thú vị. Tôi cũng đã có nhiều suy nghĩ khi đọc các tác phẩm về những đề tài cấm kỵ và nhiều băn khoăn trong tôi đã được giải đáp khi nghe anh.

Nguyễn Đức Tùng:

Trong một bài thơ của chị, tôi nhớ câu này:

Nơi chỉ biết tranh đoạt mà không biết chinh phục.

Nơi chỉ biết đòi hỏi mà không biết lao động nghiêm túc.

Nơi đầy ắp những hèn hạ đố kỵ soi mói khó chịu với tất thảy những gì tốt đẹp chung quanh.

 Một nhà thơ bạn tôi mới đây nhận xét: Đinh Thị Như Thúy là một tiếng nói mới giữa những nhà thơ trẻ hiếm hoi, có mang được những vấn đề xã hội vào trong thơ của mình. Chị nghĩ sao về điều này?

Đinh Thị Như Thúy:

Tôi là người cảm tính, tôi thường chỉ viết được về những gì ập vào tôi, ám ảnh tôi, làm nên sự run rẩy chao đảo trong tôi. Tôi nghĩ, những vấn đề xã hội (nếu có như anh nói), có thể cũng đã đi vào thơ tôi bằng con đường đó chăng?

Cuộc sống bên ngoài luôn tác động vào ta theo một cách nào đó. Và theo một cách nào đó, chúng ta phải tìm được cách dung hòa những tác động đó để tồn tại, và giữ được bản thân ta thăng bằng trong tồn tại. Có một thực tế tôi thấy, là môi trường sống bây giờ đã có quá nhiều thay đổi. Tôi luôn có cảm giác bị nhiễm độc bởi những gì phải ăn, phải hít thở, phải nghe, phải tiếp nhận… hằng ngày. Như trong bài thơ:

ngày nhiễm độc

đã dai dẳng trở lại nhiều lần cơn sốt u buồn làm nhoè mờ mọi cảm giác, đó là ngày hai mươi mốt tháng bảy bờ biển phía nam thái bình dương phủ đầy tảo đỏ, người đàn bà trở mình ngồi dậy sự đau nhức trú ngụ trong từng ống xương đã làm nên những cơn ác mộng suốt đêm, thế giới đang bị nhiễm độc những độc tố đang đi vào mỗi vật thể theo những con đường khác nhau, những con cá nhiễm độc những trái táo đỏ nhiễm độc, nhiễm độc dòng sông nhiễm độc bầu trời nhiễm độc sữa, nhiễm độc truyền thông nhiễm độc những ruộng rau muống những nồi thịt hầm, nhiễm độc những tách café sủi bọt, những vô cảm những thản nhiên những cơ hội những đổi thay tráo trở của những con chữ trong những bài thơ của những nhà thơ

người đàn bà với cơn rúc rỉa trong ống chân, nghe ngóng sự đau nhức ứ căng tưởng chừng trong ống xương không là tủy mà tràn đầy độc tố, những cào cấu man dại vào thịt da rướm máu là phản ứng tức thời muốn thanh lọc mình bằng thương tích, đau đớn hãi sợ nàng quẫy cựa muốn hét lên nhưng không một tiếng vang nào được thoát ra từ vòm họng trống rỗng, ngay lúc đó nàng cay đắng nhận ra mình đã đánh mất chiếc lưỡi trong những triền miên trốn chạy, ôi những lời định nói những bài hát định thì thầm những tiếng gọi định gửi vào không gian thinh lặng lúc bình minh tất thảy đã thành vô vọng rồi sao

từ đó nàng tập nói bằng mắt bằng hơi thở bằng những cọng tóc mai cứ chực xoã bung khi bị kích động, từ đó nàng tập nuốt những suy nghĩ xuống bụng và vùng bụng dưới của nàng luôn căng tức nóng ran, chỉ một thời gian sau nàng đã có cái vẻ nặng nề chậm chạp ưu tư của môt thiếu phụ mang thai đang chờ ngày sinh nở

                                                                                    (5.7.2009)

Vì vậy, viết là một cách để tôi thanh lọc bản thân. Tôi thường nhìn ngó tôi trong những trạng huống khác nhau để thấu rõ những cảm xúc suy tư của mình. Tôi cũng mong rằng những bài thơ tôi viết ra sẽ không chỉ là lời thì thầm của mình nói với chính mình, mà nó sẽ tìm được sự sẻ chia từ ai đó khi họ tình cờ đọc được.


Nguyễn Đức Tùng: Tôi rất thích cách nói của chị, và xin nhắc lại, tổng quát hơn: viết là để thanh lọc.

Hình như sự thanh lọc này cũng can dự vào một nỗi ám ảnh dữ dội ngấm ngầm mà tôi thường tìm thấy trong thơ Đinh Thị Như Thúy:

Cách biệt không là núi/ Cách biệt không là sông/ Ngoảnh mặt về bóng tối/ U u miền gió giông

Cuộc sống của chị ra sao? Điều gì làm cho chị hạnh phúc?

Đinh Thị Như Thúy:

Cuộc sống tôi bình thường như nhiều người khác anh ạ. Tôi có chồng, có hai con trai. Chồng tôi dạy toán cùng trường với tôi. Ngoài thời gian đi dạy, tôi lo công việc nhà và viết khi có điều gì đó thôi thúc. Bạn bè tôi cho rằng: tôi không được buồn, vì không có lý do để buồn.

Nhưng như nhiều người làm thơ khác tôi vẫn thường băn khoăn: Đời sống ta đang sống có thực sự là một đời sống không? (Nguyễn Quang Thiều). Tôi biết cuộc sống luôn bất toàn. Đôi khi có những tan vỡ dịu dàng kiểu như: Sự vỡ tan mang khuôn mặt trăng rằm. (Không là cổ tích). Và những xa cách không phải do khoảng cách địa lý mà tự lòng người.

Điều gì làm cho tôi hạnh phúc? Trong một bài tùy bút, tôi có viết: Cuộc sống đã làm ta yêu vì những điều nho nhỏ như thế này, đúng không? Và hạnh phúc phải chăng cũng thế? Hạnh phúc đôi khi không đến từ những điều gì đó thật lớn lao mà đến từ những điều thật nhỏ bé. Ví như bông hoa này? Hay màu trời xanh kia? Hay một ly cafe cùng bè bạn? Một bàn tay xiết chặt? Một cái ôm ghì thương yêu trong bóng tối?

Một ngày bình yên, nhẹ nhõm cho mọi người thân trong gia đình, và một điều thú vị nho nhỏ từ cuộc sống cho tôi. Với tôi vậy là hạnh phúc rồi. Anh có thất vọng vì câu trả lời này không?

Nguyễn Đức Tùng: Thưa không/ Don’t want nothing/ That can’t be/ Left out in the rain

Đừng đuổi theo hoài/ Điều chi chẳng đặng để ngoài trời mưa

(Gary Snyder)

Hay là:

Hạnh phúc rất đơn sơ/ Nhịp đời đi chậm rãi/ Mái nhà yên bóng trưa/ Ong hút chùm hoa cải

(Huy Cận, trích theo Đặng Tiến, báo Diễn Đàn)

Như thế thì hạnh phúc ấy ngày xưa Huy Cận đã có rồi, lúc nhỏ tôi cũng đã có rồi, bây giờ chị cũng có nữa, vậy thì tôi chỉ mong là có nhiều người hiện nay sẽ được như chị. Có vẻ như chúng ta không cần nhiều lắm những thứ xa vời ảo tưởng khác chăng? Bao nhiêu người sẽ đồng ý với chúng ta?

Đinh Thị Như Thúy: Tôi mong là ít thôi. Nếu ai cũng bằng lòng với những điều nhỏ bé thì ai sẽ làm nên những điều lớn lao cho xã hội? Mà xã hội bây giờ lại rất cần những người làm được những điều lớn lao anh ạ. Là tôi nghĩ thế.

Nguyễn Đức Tùng: Tôi hiểu điều mong ước của chị. Ai cũng mong như thế, nhưng tôi không mấy tin vào chuyện ’’ những điều lớn lao”, không tin vào tự sự về các anh hùng, vĩ nhân và những huyền thoại tương tự. Có lẽ nên bắt đầu từ những việc tốt đẹp giản dị và nhỏ nhặt nhất chăng? Nhưng tôi đi hơi xa, xin trở lại với thơ của Đinh Thị Như Thúy nhé? Vì sao chị viết?

Đinh Thị Như Thúy: Câu hỏi này của anh thật sự làm tôi lúng túng. Trả lời được, thì tôi, có khi không viết được nữa anh ạ.

Đôi khi tôi viết như một cách trò chuyện với mình, nhìn vào bản thân mình, nhìn cuộc sống quanh mình với một tâm thế khác? Có khi tôi viết để trốn chạy sự mỏi mệt? Có khi tôi viết với lòng hân hoan say đắm. Có khi tôi viết trong buồn bã chán chường hoang mang.

Tôi không có những khát vọng lớn lao muốn thay đổi cuộc sống quanh tôi. Tôi viết với mong muốn thay đổi bản thân tôi. Nhưng, có khi nào tôi thay đổi thì cuộc sống quanh tôi cũng sẽ đổi khác không, anh?

Dù gì đi nữa, thì thơ tôi là chính tôi, với tất cả những suy tư chiêm nghiệm của tôi trước mọi vấn đề đến với tôi trong đời sống. Tôi trung thực và chân thành với cảm xúc và suy tư của mình. Tôi nghĩ, thơ ca được viết ra, trước tiên, để an ủi chính người làm ra nó.

Nhưng tôi có biết một cô giáo. Dạy văn anh ạ. Cô này không bao giờ đọc sách. Nhất là thơ. Cô ấy bảo với tôi là: sách là sản phẩm của những người có tâm trí điên loạn. Họ viết ra để gieo rắc sự điên loạn của họ. Đọc họ có khi ta sẽ điên loạn như họ, nên tốt nhất là đừng đọc!?

Nguyễn Đức Tùng: Theo chị thế nào là một bài thơ hay, thế nào là một bài thơ dở?

Đinh Thị Như Thúy: Những bài thơ hay thường mang đến cho tôi một cảm giác khát khao. Có thể mơ hồ có thể rõ rệt. Nhưng đó là cảm giác làm tôi không yên ổn. Tôi phải ngay tức khắc làm một điều gì đó. Như hít thở thật sâu, hay bước ra sân chạm tay vào cây lá. Những bài thơ hay khiến tôi thấy mình yếu đuối hơn lại thấy mình mạnh mẽ hơn, thấy yêu cuộc sống và yêu những thân phận. Và thấy cần làm một điều gì đó cụ thể, rõ rệt cho những người thân và cho cả những người xa lạ.

Những bài thơ hay theo tôi còn là những bài thơ có khả năng khơi gợi sự sáng tạo trong người khác. Tôi gọi đó là những bài thơ chứa đầy ánh sáng.

Nguyễn Đức Tùng: Về nghệ thuật, tôi cũng nhìn thấy một vài điểm tương tự trong phong cách của thơ Đinh Thị Như Thúy và thơ Nguyễn Quang Thiều, và có thể một số nhà thơ khác nữa, như đặc tính dàn trải, giàu chi tiết, nhiều hình ảnh, nặng tính toàn thể. Tôi nghĩ rằng phong cách ấy sẽ ngày càng có nhiều độc giả hơn.

Làm thơ đối với chị dễ dàng hay khó khăn?

Đinh Thị Như Thúy: Với tôi cuộc sống không có gì dễ dàng. Làm thơ cũng vậy.

Nguyễn Đức Tùng: Chị có thường sửa đi sửa lại một bài thơ hay không?

Đinh Thị Như Thúy: Hầu như không anh ạ. Những bài thơ đã được viết ra rồi, cũng như những sinh thể đã được sinh ra rồi, sẽ có một số phận và tôi chấp nhận số phận đó của nó. Như đã nói ở trên, tôi thường viết nương theo cảm xúc và viết là một cách để tôi tự trò chuyện, khám phá, hay thanh lọc bản thân tôi. Bài thơ, do đó, khi viết ra đã làm được điều mà nó phải làm. Nếu có những vụng về, nhạt nhẽo thì cũng đã rồi. Tôi không thích phải can thiệp vào nó bằng cái nhìn tỉnh táo quá. Mà chắc gì sửa đi sửa lại sẽ làm cho bài thơ thú vị hơn?

Nguyễn Đức Tùng: Một trong những định nghĩa căn bản nhất của thơ là: sự sắp xếp tối ưu của các chữ tối ưu.

Định nghĩa này có lẽ đang bị thử thách trong thời kỳ hiện nay, nhất là với chủ nghĩa hậu hiện đại.

Đọc tiểu sử một số nhà thơ, tôi có nhận xét riêng: những người làm thơ dài hơi có khuynh hướng làm một lần, ít sửa lại, những người làm thơ ngắn, cô đọng, có khuynh hướng ngược lại, sửa đi sửa lại nhiều lần. Sự khác nhau này gợi ra nhiều vấn đề về sáng tạo và nhất là về mỹ học. Ví dụ: sự khác nhau giữa những người làm thơ có vần và những người làm thơ tự do, xa hơn, giữa lối đọc cổ điển và lối đọc hiện đại.

Ngoài ngôn ngữ thơ, tôi cũng quan tâm đến cấu trúc: một bài thơ của chị kết thúc như thế nào?

Đinh Thị Như Thúy: Khi những dồn nén ám ảnh thôi thúc trong tôi đã chảy trôi hết theo câu chữ thì bài thơ kết thúc. Ví dụ như bài Với con tàu mắc cạn. Cảm giác bất lực của những con tàu đứng sừng sững trên cát dọc bờ biển Đà Nẵng sau cơn bão làm tôi ngột ngạt. Tôi đã nghĩ đến những thân phận mắc kẹt đâu đó trong cuộc đời. Tôi thấy như thể tôi cũng đang mắc kẹt. Và tôi viết. Khi tôi có cảm giác được giải thoát thì bài thơ đã hoàn thành.

Với con tầu mắc cạn
Sinh ra là để đi
Để dịch chuyển tự do
Để đối mặt với bát ngát xa xăm phơi mở những chân trời sóng

Chiều nay con tầu mắc cạn chết sững sờ bãi cát
Bất lực chịu đựng bao ánh mắt
Thảng thốt giấc mơ về lại biển khơi

Chiều nay con tầu đã làm tôi buồn quá
*
Chúng đã từng bồng bềnh duyên dáng
Từng ngạo nghễ rướn tấm thân vạm vỡ
Từng rúc vang những hồi còi náo động

Những cánh tay đã vẫy chào
Những hải âu đã bay vờn
Những lượn sóng bạc đã dựng tường thành cao vút
Những sao đêm đã nhấp nháy cười

Chúng có thể tan nát nơi ghềnh đá
Có thể nhàn rỗi rũ buồn trong bến cảng già nua
Có thể chìm sâu đáy đại dương

Không một tưởng tượng nào về con tầu sừng sững cô đơn đứng chôn chân trên cát mịn
*
Sinh ra là để khát khao
Rạch trên bao la xanh những con đường bạc
Mỗi lần rời bến là một lần sáng tạo
Những lối đi những hải cảng không trùng lắp
Một chân trời khép mở một chân trời

Chiều nay con tầu kinh ngạc chết trong bất động
Kinh ngạc chết mãi không sao hiểu được
Vì sao

Đám đông hiếu kỳ ném vào con tầu cái nhìn giễu cười thương hại
Mơ hồ những dự báo đáng sợ
*
Sinh ra là để mơ
Những giấc mơ sẽ vẫn tiếp tục tràn trề biển khơi và ánh sáng
Khi những giây leo xanh xanh lạnh bắt đầu bò lan
Khi bóng tối mục ruỗng thân tầu lặng lẽ đến
Cùng những con còng lăng xăng gió

Nguyễn Đức Tùng:
Đây là bài thơ hay và cũng là một trong những bài hay của Đinh Thị Như Thúy. Chị đi tìm điều gì khi đọc một bài thơ (của người khác)?

Đinh Thị Như Thúy: Có nhiều điều để tìm kiếm lắm chứ anh. Cảm xúc, nội dung, đề tài, cách thể hiện. Tìm những điều tôi có. Tìm những điều tôi thiếu.

Tuy nhiên cũng như khi viết, phần nhiều là: tôi đọc thơ chỉ vì thích đọc thôi. Tôi cũng thích được trôi chảy cùng sự trôi chảy của người khác trong các bài thơ của họ. Sự tìm thấy là điều đến sau, và không phải khi nào cũng cần tìm cho bằng được phải không anh?

Nguyễn Đức Tùng: Mặc dù là người nổi tiếng về các bài thơ xúc động lòng người, có khuynh hướng mạnh về xã hội, chính trị, Auden lại là người cho rằng thơ không nhắm hướng tới một vấn nạn nhân sinh gì cả. Ông nói đại ý: tôi hỏi một người trẻ tuổi mới tập viết, tại sao anh làm thơ? Nếu anh ta trả lời rằng anh có một điều gì đó để bày tỏ, phải nói ra cho bằng được, thì tôi sẽ khuyên anh ấy từ bỏ công việc này.

Theo chị, thơ có mục đích gì không?

Đinh Thị Như Thúy: Mục đích của bài thơ là làm xúc động lòng người đó thôi. Và khi lòng người lay động thì người ta có thể làm tiếp một điều gì đó, mà mơ hồ đâu đó trong bài thơ thúc giục. Nhưng những mục đích như thế trong thơ không thể do cố tình mà làm nên được. Tôi nghĩ: tự thân bài thơ sẽ làm được một điều gì đó, nếu nó thực sự được viết ra từ thẳm sâu những xúc động của người viết, trước một vấn đề nào đó của đời sống con người.

Nếu khi viết, người viết có mục đích rõ ràng quá, tính toán sắp đặt gửi gắm quá, tôi nghĩ có khi bài thơ sẽ bị mang vác những thứ không phải là thơ.

Nguyễn Đức Tùng:

Đã có điều gì đó không kịp thời

Đã có cái gì đó chắn ngang đường

(Đinh Thị Như Thúy)

Là một thứ thơ trữ tình mà có tư tưởng, duyên dáng nữ tính mà cứng cỏi. Thơ của chị đầy những nhận diện, chị có sẽ đi đến tận cùng quá trình nhận diện ấy trong thơ chăng?

Đinh Thị Như Thúy: Tôi không thể nói trước điều gì anh ạ. Biết đâu sẽ có những thay đổi nào đó trong tôi làm thơ tôi khác đi. Duy chỉ một điều tôi chắc không thể khác là những gì tôi viết ra vẫn sẽ trung thực với chính những cảm xúc suy tư trong tôi. Tôi chỉ mong có nhiều khả năng hơn, nhiều cơ hội hơn để được động chạm sâu xa hơn, rõ rệt hơn, cụ thể hơn những đau khổ thực sự của đời sống quanh mình.

Nguyễn Đức Tùng: Những ý kiến của chị rất xúc động. Xin cám ơn chị về cuộc trao đổi thú vị này.

NGUYỄN ĐỨC TÙNG thực hiện
(261/11-10)




Các bài mới
Các bài đã đăng
Khoảng lặng (26/11/2010)