Tạp chí Sông Hương - Số 262 (tháng 12)
Hiện trạng việc thi hành chính sách, pháp luật trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật
09:45 | 01/12/2010
Vừa qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức giám sát tình hình hoạt động và thi hành chính sách pháp luật về nghệ thuật biểu diễn (NTBD) tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Thừa Thiên Huế và Gia Lai; tổ chức lấy ý kiến giới chuyên môn và các nhà quản lý. Ủy ban cũng đã làm việc với lãnh đạo các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Nội vụ, Tài chính về tình hình hoạt động và thi hành chính sách pháp luật về NTBD. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với GS Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban sau khi ông tham gia đoàn giám sát nói trên.
Hiện trạng việc thi hành chính sách, pháp luật trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật
GS Nguyễn Minh Thuyết - Ảnh: congluan.vn
Phóng viên (PV): Đề nghị GS cho biết việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) về NTBD hiện nay ở nước ta?

GS. Nguyễn Minh Thuyết (NMT):
Nhìn chung, hệ thống văn bản quản lý trong những năm qua đã đóng vai trò quan trọng định hướng và có tác động tích cực đến sự phát triển của NTBD. Chính sách xã hội hóa đã tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ của các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập và sự đổi mới của các đơn vị công lập.

Tuy nhiên, việc xây dựng và ban hành VBQPPL còn chậm. Hơn nữa, những VPQPPL đã ban hành cũng chưa bao quát hết được tất cả các lĩnh vực NTBD. Quy chế về quản lý hoạt động người mẫu và biểu diễn thời trang, quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định nghệ thuật vẫn chưa được ban hành.

Các VBQPPL còn nhiều điều cần sửa đổi, bổ sung. “Quy chế hoạt động và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp” ban hành theo Quyết định 47 chưa đề cập các loại hình NTBD mới đang phát triển như: biểu diễn thời trang, video art kết hợp trình diễn, nghệ thuật sắp đặt, trình diễn nghệ thuật vẽ trên thân thể... Một số quy định trong Quy chế 47, Nghị định 61 về chế độ nhuận bút, Quyết định 180 về chế độ phụ cấp theo nghề và bồi dưỡng đối với lao động NTBD không còn phù hợp với thực tiễn. Việc sản xuất, lưu hành, kinh doanh băng đĩa ca nhạc, sân khấu đang chịu sự điều chỉnh của cùng lúc hai văn bản: Nghị định số 103 và Quyết định số 55 đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh băng đĩa.

PV: Về việc thực hiện chính sách khi đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị có điều gì cần bàn hay không?

NMT: Cả nước hiện có 116 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, hơn 200 đoàn nghệ thuật xã hội hóa, hơn 41.000 đội văn nghệ cấp xã, phường, hàng trăm đội thông tin tuyên truyền và hơn 150 câu lạc bộ nghệ thuật tư nhân nhưng mới chỉ có gần 130 điểm biểu diễn có mái che. Nhà hát, rạp hát ở các thành phố lớn chủ yếu có từ thời Pháp. Nhiều tỉnh chưa có nhà hát, hoạt động biểu diễn được thực hiện tại các nhà văn hóa. Tại không ít tỉnh, thành phố, thiết chế văn hóa ở các vị trí đắc địa, trong đó có nhà hát, còn bị bán đi hoặc bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Một số rạp hát, trung tâm văn hóa ở xa trung tâm dân cư, trong khi những địa điểm đẹp thường được dành để xây dựng nhà hàng, khách sạn.

Hệ thống nhà hát, rạp hát hầu như không đáp ứng được những yêu cầu về công năng biểu diễn chuyên nghiệp. Phần lớn các cơ sở này chật hẹp và xuống cấp. Các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa phần lớn được xây dựng với chức năng hội trường, vì vậy sân khấu, âm thanh, ánh sáng... kém.

Không ít nơi chưa có sàn tập và sân khấu. Một số địa phương đã quan tâm đầu tư cho các đoàn nghệ thuật, ví dụ: Nhà hát nhạc vũ kịch Tp. Hồ Chí Minh được đầu tư dàn nhạc cụ trị giá 43 tỷ đồng; Đoàn ca múa nhạc Đam San được mua một xe sân khấu lưu động trị giá 2,2 tỷ đồng... Nhưng nhìn chung việc đầu tư cho lĩnh vực này còn rất hạn chế.

Một số nhà hát, cơ sở biểu diễn tuy được sửa chữa, nâng cấp nhưng chất lượng không đáp ứng yêu cầu, hiệu quả sử dụng không cao do không có chỗ lắp đặt, thiết bị máy móc chắp vá, không đồng bộ, kỹ thuật viên sử dụng thiết bị không được đào tạo đúng chuyên ngành. Không ít trường hợp đầu tư mua trang thiết bị đắt tiền nhưng không có chỗ để. Trang thiết bị thường vừa sử dụng tại nhà hát, vừa đem đi phục vụ biểu diễn lưu động cho nên chóng xuống cấp.

PV: Chúng tôi được biết chế độ lương, phụ cấp nghề, bồi dưỡng luyện tập có một số điểm chưa phù hợp với thực tế. Hẳn qua đợt giám sát, GS và đoàn công tác biết rõ hơn về vấn đề này?

NMT: Thang lương của người hoạt động NTBD gồm ba hạng với 26 bậc. Thang lương quá nhiều bậc như vậy không phù hợp với đặc thù của hoạt động nghệ thuật là thời gian đào tạo dài, tuổi nghề ngắn. Một điều cần xem lại nữa là những người mới ra trường, không phân biệt trình độ trung cấp, cao đẳng hay đại học đều được xếp lương khởi điểm 2,06, thấp hơn mức lương khởi điểm trong bảng lương viên chức (đại học 2,34).

Việc nâng ngạch từ hạng III lên hạng II phải qua kỳ thi nâng ngạch. Nhưng nhiều năm qua không tổ chức thi nâng ngạch cho ngành NTBD. Hầu hết đạo diễn, biên kịch, diễn viên có thời gian cống hiến dài, đạt nhiều thành tích trong các kỳ hội diễn quốc gia, quốc tế, được phong các danh hiệu cao quý nhất của nghề nghiệp mà vẫn ở ngạch diễn viên hạng III và không có triển vọng được nâng ngạch.

Mức phụ cấp nghề nghiệp đối với nghệ sĩ là 15% lương cơ bản: bồi dưỡng luyện tập từ 10.000đ - 20.000đ/buổi và bồi dưỡng biểu diễn từ 20.000đ - 50.000đ/buổi. Chế độ phụ cấp nghề, bồi dưỡng như vậy không phù hợp với đặc thù của ngành là phải thường xuyên tập luyện nặng nhọc, nhiều khi đối mặt với nguy hiểm, phải tiếp xúc với ánh sáng cực mạnh của bóng đèn sân khấu, di chuyển và hoạt động vào những lúc nghỉ ngơi của mọi người.

Một số quy định về thời gian hoạt động nghệ thuật và số huy chương vàng để được phong tặng danh hiệu chưa phù hợp với thực tế: Thời gian hành nghề của nghệ sĩ một số ngành như múa, xiếc thường rất ngắn, nếu chờ 15, 20 năm mới được xét duyệt thì thời gian cống hiến không còn. Việc đoạt huy chương vàng cũng không đơn giản vì hội diễn toàn quốc chỉ tổ chức 5 năm một lần, huy chương vàng thường chỉ dành cho các vai chính; hơn nữa, có một số lĩnh vực không thể có huy chương vì không có cuộc thi dành cho chuyên ngành của họ như nhạc công.

Tiền thưởng đối với người được phong NSND, NSƯT bằng 12,5 lần và 9,0 lần mức lương tối thiểu. Quy định này là tích cực. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ mong muốn Nhà nước gắn việc phong tặng danh hiệu với chính sách nâng lương, nâng ngạch.

PV: Từ kết quả giám sát, GS cho biết ủy ban có kiến nghị gì đối với Quốc hội và Chính phủ?

NMT: Ủy ban kiến nghị Quốc hội: Từ năm đầu của kế hoạch 5 năm (2011-2015), tăng mức đầu tư cho văn hóa lên 3% ngân sách, tương đương mức đầu tư cho khoa học - công nghệ. Phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia tăng cường cơ sở vật chất cho NTBD. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản qui phạm pháp luật có tính pháp lý cao. Đến năm 2014 ban hành Pháp lệnh về NTBD, năm 2020 ban hành Luật NTBD. Sửa đổi điều 6 Bộ luật lao động và điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội.

Ủy ban kiến nghị Chính phủ: Sớm ban hành Nghị định về NTBD. Tiếp tục xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển ngành NTBD; sắp xếp lại các đoàn nghệ thuật công lập và các trường VHNT cả nước; có chính sách cụ thể hỗ trợ các đoàn nghệ thuật truyền thống.

Chỉ đạo nghiên cứu để cụ thể hóa chính sách xã hội hóa và đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động NTBD; ban hành chính sách thuế và đất đai phù hợp để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cơ sở vật chất và tham gia hoạt động NTBD. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị cho ngành NTBD; nghiêm cấm bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đối với các thiết chế văn hóa. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, chế độ. Cụ thể là: - Sửa đổi, bổ sung chế độ tiền lương, phụ cấp, thù lao, nhuận bút; hướng dẫn tổ chức thi nâng ngạch cho diễn viên. Sửa đổi tiêu chuẩn phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT; có chính sách ưu đãi về tiền lương đối với những nghệ sĩ được phong tặng các danh hiệu vinh dự hoặc đoạt giải cao trong các liên hoan nghệ thuật. Sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo liên quan đến bản quyền cho phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ. Có cơ chế tuyển sinh phù hợp với đặc thù của các trường VHNT; tăng kinh phí đào tạo hợp lý; miễn học phí cho người học các bộ môn nghệ thuật truyền thống; đưa đi đào tạo nước ngoài một số ngành nghệ thuật. Hoàn thiện quy định về trách nhiệm, quyền hạn, quan hệ công tác cũng như cơ chế phối hợp trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa; kiện toàn tổ chức, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện bổ ích này.

XUÂN HƯƠNG thực hiện
(262/12-10)





Các bài mới