Tạp chí Sông Hương - Số 262 (tháng 12)
Sứ giả Việt Hùng và Việt Hùng sứ giả
15:05 | 24/12/2010
PHẠM PHÚ PHONGChính cái bìa tập truyện ngắn là Sứ giả Việt Hùng do hoạ sĩ Đinh Khắc Thịnh trình bày đã gợi ý tưởng cho tôi viết bài này, sau khi đọc đi đọc lại vài lần tập truyện ngắn gồm có chín truyện của Việt Hùng - chín truyện ngắn anh viết trong vòng hơn mười hai năm, kể từ khi tập truyện ngắn đầu tay Cô gái hoàng hôn (1997, cũng gồm có chín truyện ngắn), ra đời cho đến nay.
Sứ giả Việt Hùng và Việt Hùng sứ giả
Chậm, cũng có thể là do lơ đãng trong đời sống cuốn trôi, ý tưởng chưa kịp tìm nơi bám víu, neo buộc vào tâm hồn, vào tư tưởng, nhưng cũng có thể là sự thận trọng của một người sáng tạo có ý thức, biết làm chủ năng lực tâm hồn trước những dư ba xung động của đời sống. Goethe, thi hào Đức vĩ đại, thường ví hoạt động sáng tạo của ông nặng nhọc như người mang vác đá, “tôi lúc nào cũng có cảm giác là đang lăn một hòn đá to lên núi”. Mười hai năm, chín truyện với hơn 150 trang sách, trung bình mỗi tháng anh viết mỗi trang. Đúng là không phải viết, mà là mài bút, luyện bút, một sự miệt mài sáng tạo một cách nhọc nhằn, để Việt Hùng tạo nên Sứ giả, và cũng chính Sứ giả tạo nên một Việt Hùng với một văn cách ổn định - thoát khỏi những cảm xúc chân thực đến mức trần trụi, lấy trực tiếp từ đời sống, thông qua các chi tiết bộn bề của tập truyện ngắn trước, chuyển sang sự tập trung một cách có ý thức vào tính vấn đề, hướng chủ đề và đằm chặt câu văn, khái quát ý tưởng một cách sâu sắc.

Cả tập sách chỉ có hai truyện anh trở lại với đề tài chiến tranh là Âm hưởng chiến tranh Kẻ hèn nhát. Cũng giống như nhiều tác giả viết về chiến tranh sau chiến tranh, anh viết về chiến tranh bằng ý niệm, bằng cảm quan về một âm hưởng đã đi qua trong quá khứ, bằng sự nhớ lại (Âm hưởng chiến tranh), gặp lại (Kẻ hèn nhát), chứ không phải bằng những trận đánh, bom đạn khói lửa và những tổn thất hy sinh. Việt Hùng là người đã từng tham gia quân đội, nhưng lính của anh là lính thời bình, lính kiểng, lính đốn củi, nhưng anh biết chắt chiu, tích luỹ vốn sống, biết lựa chọn các chi tiết và đặt chi tiết vào đúng chỗ trong diễn biến của sự kiện, tạo ra những tình huống ngẫu nhiên, bất ngờ nhưng lại được đẩy lên đến mức cao trào, tạo thành trạng thái tất yếu. Cái chốt, cái then để cài và đẩy các tình tiết phát triển, đó chính là tình cảm, cảm xúc chân thành của tác giả. Một người mẹ gửi áo cho con, nhầm qua một người lính khác, và cứ đinh ninh nhận đó là con mình. Câu chuyện cứ diễn ra cùng với dấu chân người lính qua bước đường chiến tranh, cùng với chiếc áo. Cuối cùng không đi đến một kết cục nào, chiếc áo cũng không đến tay người nhận, người mẹ đó cũng không biết bây giờ ra sao. Truyện đi đến một kết thúc mở: “Biết đâu mẹ cũng chẳng còn đủ nhẫn nại mà chờ đợi. Riêng tôi còn giữ chiếc áo đó đến tận hôm nay, vẫn với một hy vọng mong manh.” (tr.35) Nếu ở Âm hưởng chiến tranh, câu chuyện diễn ra ở một trạng thái tĩnh, thì ngược lại ở Kẻ hèn nhát, lại diễn ra ở một trạng thái động, tình tiết ly kỳ, kết cấu chặt chẽ và không khí của truyện sôi động từ đầu đến cuối. Ở đây, ta không còn gặp cái đường vạch phân chia một cách rạch ròi phe ta dứt khoát phải là tốt, kẻ thù phải là xấu, là ác, là ngu ngơ một cách công thức như trong văn học viết về chiến tranh lâu nay. Phải am hiểu kẻ thù đến mức nào mới có thể miêu tả được nhân vật Long “một đại uý mật vụ dưới lốt công chức. Một tên cáo già. Hắn chỉ huy mạng lưới mật vụ rải từ thành phố về một số huyện. Nhiều cơ sở ta bị vỡ vì hắn. Khá nhiều cán bộ nằm vùng bị hắn bắt sống” (tr.70-71). Người chiến sĩ biệt động vào sinh ra tử, thông minh, gan dạ và tài giỏi như Sơn Hải, cuối cùng bị Long vô hiệu hoá, trở thành phần tử nguy hại cho cách mạng, thậm chí là kẻ thù của nhân dân, không chỉ trong thời chiến mà cả thời bình. Bắt được Sơn Hải, nhưng Long không giam cầm, tra tấn, không giết. Bởi vì giết chết Sơn Hải này, sẽ còn Sơn Hải khác thay thế. Long thả Sơn Hải ra về an toàn, không chỉ vô hiệu hoá được Sơn Hải, mà còn phá nát đội biệt động, tạo sự nghi kỵ lẫn nhau và nhụt dần ý chí chiến đấu. Đối với Sơn Hải, người anh hùng một thời, sau chiến tranh, “không làm được người bình thường! Không được giống” (tr.78) mọi người, cuối cùng “anh chỉ là một chấm nhỏ giữa cuộc đời, nhưng, một chấm sáng lung linh” (tr.86).

Bảy truyện ngắn còn lại trong tập, Việt Hùng xoay quanh những đề tài về cuộc sống đời thường. Đọc truyện, có thể dễ dàng nhận ra, đối với Việt Hùng, trong sáng tạo, bao giờ ý tưởng cũng đến trước câu chuyện. Anh phát hiện ra ý tưởng, rồi từ đó hình dung ra nhân vật, tìm kiếm cốt truyện và tổ chức kết cấu thành tác phẩm nghệ thuật. Chính vì thế, không phải ở truyện nào anh cũng thành công, cũng tìm ra được xương thịt tràn đầycho những hình tượng sống động nhằm khái quát những tư tưởng - nghệ thuật.

Chuyện về một chung cư, có những người hàng xóm dòm ngó nhau việc sử dụng đồng hồ nước, với những Giọt nước rơi, những phụ nữ chuyên buôn dưa lê về những chuyện sinh hoạt nhỏ nhặt, tủn mủn trong đời sống. Chuyện về một người tốt nghiệp bằng đỏ ở nước ngoài về ngành công nghiệp thiêu xác chết, không có đất dụng võ ở nước ta, thất nghiệp, phải đi làm bảo vệ cho một hãng sơn, và tương kế tựu kế để ứng dụng mảnh bằng thứ hai thuộc ngành hoá ứng dụng vào việc sản xuất sơn và đã đưa Hãng sơn TK trở thành thương hiệu có uy tín về chất lượng trong và ngoài nước. Chuyện về một vận động viên đua xe đạp quen sống trong vinh quang của những Vòng nguyệt quế, nay hết thời đành chấp nhận đắng cay... Trong những truyện này, chỉ có truyện Hãng sơn TK lần đầu tiên bộc lộ dấu vết kiến thức chuyên môn của Việt Hùng, anh vốn là người đã từng tốt nghiệp đại học sư phạm Hoá, đã có mấy năm chấp hành sự phân công công tác của ngành giáo dục về dạy ở một trường ven phá Tam Giang, rồi gia nhập quân đội và có lẽ cuộc sống quân đội là nơi bắt đầu đặt gánh nặng văn chương trên vai anh.

Những truyện vừa nêu không phải là truyện hay của Việt Hùng. Nó có ý tưởng, thậm chí độc đáo, bất ngờ, nhưng kết cấu lỏng lẻo, cảm xúc chưa được đẩy đến cùng, và theo tôi, nó chưa phải là những truyện chỉ có riêng Việt Hùng mới có, mà xuất hiện ở nhiều tập truyện ngắn khác, trên các giá sách, mà đôi khi người đọc chỉ cần liếc qua, cũng đã biết nội dung.

Những truyện ngắn hay của Việt Hùng trong tập này - những cái làm nên Việt Hùng, cũng là điều người đọc mong đợi, ngoài truyện ngắn viết về chiến tranh Kẻ hèn nhát như đã nói trên, còn có các truyện Biếm hoạ, Người bạn trong mơ, Sứ giả, vừa là những giả định, vừa là những ẩn dụ nghệ thuật độc đáo. Biếm họa không chỉ là chuyện ghen tuông đã thành tính, thành bệnh của người phụ nữ, mà song hành với nó còn là chuyện sợ vợ đã thành nết, thành bản chất của đàn ông. Chính Nguyễn Du chứ không phải ai khác, đã đúc kết thành thiên tính: “Rằng tôi chút phận đàn bà/ Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.” Hoạn Thư đã trở thành luật sư, nhà tâm lý học đánh trúng vào “tim đen” của Kiều, nên mới được Kiều tha bổng. Việt Hùng nhắc lại điều ấy, không có gì mới. Cái mới của anh chính là ở chỗ, anh cho xuất hiện sóng đôi với thiên tính của đàn ông: sợ vợ. Có câu: “Không ghen không phải đàn bà/ Nếu không sợ vợ không là đàn ông”. Điều quan trọng hơn, anh dựng được không khí của truyện một cách sống động. Đọc truyện có thể hình dung ra cơn nổi tam bành của người vợ, sự nhẫn nhục chịu đựng lặng lẽ như một tội nhân của người chồng là hoạ sĩ B, và cả người láng giềng X của anh ta. Phải am hiểu đến tường tận mới có thể miêu tả được tâm trạng của người chồng tâm đắc đến như thế, và lại còn tạo ra một ẩn dụ nghệ thuật khi nó xâm nhập vào những bức tranh biếm hoạ, trở thành những minh hoạ đặc sắc cho một tờ báo. Cả những trang viết về tình yêu ngọt ngào của người hoạ sĩ và cô nữ diễn viên đoàn kịch cũng hết sức lãng mạn: “Phàm là đàn ông, ai chẳng thích được chiều chuộng người đẹp. Liệu có nên trách người đàn ông không nhỉ? Hơi thở gấp gáp của nàng đã ở gần, gần lắm rồi, lời nói thủ thỉ, đứt quãng đã sát ở tai anh. Cảm giác buốt nhói chạy dọc sống lưng, đầu óc anh tê dại (...) Tiếng sét ấy đã giáng xuống, liệu ai có thể tránh nổi.” (tr.49) Sự tỉnh mộng trong tình yêu, rồi tỉnh mộng trong nghệ thuật, đã đưa người ta trở về với cái thiện, cái đạo đức: “Anh xấu hổ nhìn bức minh hoạ của mình. Họ đã dùng cái thật để minh hoạ cho cái không thật. Anh trở thành kẻ tiếp tay cho họ. Không, không thể được, đó là danh dự của một kẻ sĩ” (tr.58).

Cùng trong chuỗi suy tưởng quan hệ giữa thật - giả của nghệ thuật và cuộc đời, truyện Người bạn trong mơ lại có kết cấu hiện đại hơn là truyện lồng trong truyện. Ngô Đức là nhà văn chuyên viết truyện cho thiếu nhi. Truyện của anh khi viết ra thường đưa cho một cậu bé mười hai tuổi cùng xóm tên là Quân đọc để thẩm định, góp ý, trong đó có truyện Chuyện trong xóm nhỏ, làm Quân say mê. Đó là câu chuyện kể về một cậu bé bán báo tên là Hạ, nhà nghèo, làm nhiều việc tốt cho thôn xóm. Quân say mê nhân vật Hạ, sống và làm việc giống như Hạ. Hành trình Quân đi tìm Hạ là hành trình thức tỉnh giữa nghệ thuật và cuộc đời. Truyện có ý nghĩa giáo dục và giá trị nhân văn sâu sắc, nhằm nhắc nhủ những người sáng tạo nghệ thuật - nhất là những người sáng tác cho thiếu nhi, phải viết những gì nhằm đánh thức bản chất tốt đẹp trong tâm hồn trong sáng của các em, đừng làm đổ vỡ niềm tin của các em đối với cuộc đời cũng như trong nghệ thuật. Nhà nghệ sĩ, cũng là con người, có thể có lối sống xấu, nhưng tâm trạng sáng tạo phải đẹp mới có thể tạo nên thế giới của cái đẹp. Chính lối kết cấu truyện lồng trong truyện đã nâng cấp độ ẩn dụ nghệ thuật của tác phẩm lên một tầm khái quát, tạo ý nghĩa triết lý sâu sắc cho tư tưởng - nghệ thuật, không còn là truyện của thiếu nhi, mà còn là truyện của người lớn, của các bậc phụ huynh, nhất là của những người sáng tạo cái đẹp.

Sứ giả là truyện làm nhan đề cho cả tập, là truyện hay nhất trong tập, cũng là truyện ngắn hay nhất của Việt Hùng và là truyện ngắn hay trong đời sống văn học lâu nay. Đó là một chỉnh thể nghệ thuật đẹp cả về kết cấu, ngôn từ, nhân vật và tư tưởng nghệ thuật. Một người thợ đóng cối có tất cả những thói quen xấu như thích rình trộm phụ nữ tắm, hay tuyên truyền m
ê tín dị đoan... nhưng lại là người tiêu biểu cho phẩm chất người của con người, nhất là những người lao động. Một con người lao động giỏi, có tay nghề, lầm lì, ít nói, chịu nóng, chịu rét, “bác có nhiều điểm rất khác người. Bác có thể ăn một bữa hết gần hai đấu gạo, có nghĩa là bằng sức ăn của bốn năm nông dân khác cộng lại. Ăn xong một bữa như thế, phải đến ba ngày sau bác mới cần ăn tiếp. Đặc biệt, cứ mỗi năm bác lại có một lần ngủ một giấc dài đúng ba ngày, ba đêm” (tr.156). Hoá ra ba ngày đó là ba ngày bác đi chu du xa dặm dưới âm tào địa phủ. Câu chuyện mang nhiều yếu tố huyền thoại, hoang đường, đã trở thành vô thức trong dân gian. Nhưng nếu nói điển hình văn học là cái tập trung tiêu biểu cho một lớp người, một loại người, một loại sự vật hiện tượng; điển hình còn là nơi tập trung chất lượng nghệ thuật ở cấp độ cao, nơi mà tác giả vắt kiệt năng lực tâm hồn mình trải ra trang giấy, thì bác Phó cối là một trong những hình tượng như thế. Qua truyện này, càng chứng tỏ sức mạnh của các chi tiết trong nghệ thuật ngôn từ. Việt Hùng là người có năng lực phát hiện, chọn lựa các chi tiết và đặt nó vào đúng những tình huống phù hợp với logic phát triển của tâm lý nhân vật. Chuyện bác Phó cối giả mù nhìn chị em tắm, chuyện rong chơi dưới âm tào địa phủ... Tôi rất thú vị chi tiết bác Phó cối bị phạt lao động công ích vì tội tuyên truyền mê tín dị đoan trong nhân dân, bị anh Bình, người cán bộ xã “chơi khăm” giới thiệu lên hát phục vụ các thương binh và thân nhân các gia đình liệt sĩ, bác lên hát thật: “Thằng Nha có cái bánh đa, cái bánh to tướng bằng ba cái đình. Thằng Nha đem tặng thương binh, đi đến đầu đình thì gặp thằng Nhai. Thằng Nhai có cái bánh gai, cái bánh to tướng bằng hai cái đình. Thằng Nhai đem tặng thương binh, đi đến đầu đình thì gặp thằng Nha. Thằng Nha có cái bánh đa...” (tr.163) Cứ thế, hai đứa được bác Phó dẫn loanh quanh mãi, mấy chục lần đụng đầu nhau ở đầu đinh, mà chưa tặng bánh cho ai! Tôi cho rằng đó là chi tiết đắc địa nhất trong tập sách, vừa mang màu sắc dân gian, vừa thể hiện tư duy hiện đại của tác giả. Đọc truyện, tôi cứ hình dung ra diện mạo, cách đi lại nói cười, cả âm thanh những câu hát đồng dao của nhân vật, thậm chí, đóng sách lại rồi, tôi vẫn còn nghe tiếng hát vang vọng, lẫn khuất đâu đây, nó báo hiệu cho chu trình của một kiếp người cứ loanh quanh, luẩn quẩn, dường như không có mở đầu, cũng không có kết thúc, như vòng quay của một chiếc đồng hồ.

Nhìn chung, dù còn có vài truyện còn giản đơn, sơ lược như đã nói ở trên, và ngay cả việc sắp xếp thứ tự các truyện trong tập cũng chưa phải là hoàn hảo, nhưng, có thể nói Sứ giả đã thể hiện một bước tiến mới của Việt Hùng cả về tư duy nghệ thuật lẫn thi pháp biểu hiện. Điều đáng mừng là Việt Hùng đã thể hiện được một giọng điệu văn xuôi lành lạnh, tưng tửng, nhưng không quá sỗ sàng, suồng sã, cũng chưa đẩy đến mức phóng túng lãng mạn. Giọng văn của anh thiên về giọng kể nhiều hơn giọng tả. Thông qua trình tự sự phát triển của sự kiện mà bộc lộ cảm hứng chủ đạo. Như đã nói, điểm xuất phát của anh là người được đào tạo để dạy học môn Hoá, nhưng văn chương anh đã có chất giọng riêng. Theo tôi, Cô gái hoàng hôn tuy đã từng lọt vào chung khảo trong cuộc thi truyện ngắn năm 1991 báo Văn nghệ, nhưng chỉ là những thử bút ban đầu của một người có ý thức và say mê với sáng tạo văn chương. Với Sứ giả, Việt Hùng đã khẳng định được vị trí của mình trong lòng người đọc, trong bối cảnh văn chương Việt Nam đang tìm đường tiếp cận với những đổi mới của thế giới. Việt Hùng vẫn trung thành với lối trần thuật truyền thống, kể một cách bình thường và chính cái bình thường ấy làm nên Việt Hùng một cách rõ nét. Và, chính nó là sứ giả đưa Việt Hùng đến với đông đảo người đọc.

P.P.P

(262/12-10)




Các bài mới
Các bài đã đăng