Tạp chí Sông Hương - Số 9 (T.10-1984)
Chị Hạnh
08:29 | 16/12/2010
LÝ HOÀI XUÂNChị Hạnh hơn tôi những mười tuổi; nghĩa là năm chị biết nhảy cò cò, chơi ô quan thì tôi “oa oa” cất tiếng chào đời. Nghe đâu khi tôi còn ngậm vú mẹ, thỉnh thoảng chị bồng tôi đi chơi nhà hàng xóm.
Chị Hạnh
Sơn dầu của Lê Hữu Nguyên
Tôi mến chị, vì chị là người cưng chiều tôi; chị khéo bày cho tôi những trò chơi hấp dẫn; khi nào tôi bị mẹ đánh, chị thường chạy sang bênh. Những năm kinh tế nhà tôi khó khăn, có lúc phải ăn sắn khoai trừ bữa, chị đã bớt phần mình, mang sang cho tôi những bát cơm trắng tinh.

Chị Hạnh là người con duy nhất trong gia đình dì tôi. Ba chị là du kích, bị Tây bắn khi chị mới lên hai. Dì tôi đã ở vậy nuôi chị và thờ cúng dượng tôi, chứ không “đi bước nữa” như một số người.

Dì tôi và chị Hạnh có nhiều nét thật giống nhau, từ khuôn mặt trái xoan đôn hậu dễ thương, đến cái má lúm đồng tiền, đôi mắt sáng… Khác chăng là dì tôi thường búi tóc, ăn trầu, mà chị Hạnh thì không. Dì tôi thương chị lắm, một ngọn roi cũng không dám đụng vào; lớn rồi mà đi đâu xa về, dì tôi cũng có quà cho chị. Với con một số nhà, như thế không khéo sẽ thành hư, nhưng với chị Hạnh thì không. Chị ý thức rất cao tình thương của dì tôi nên luôn luôn tỏ ra biết điều, không bao giờ cãi lại dì tôi hoặc làm việc gì trái với lời dì tôi dạy bảo. Có điều hơi ngạc nhiên là không hiểu tại sao kinh tế gia đình dì tôi khá thế mà dì tôi chỉ cho chị học đến lớp ba! Khi tôi biết thắc mắc điều này thì dì tôi đã qua đời rồi. Dì tôi mất đột ngột vì bệnh thương hàn nhập lý. May sao trước lúc dì tôi “ra đi”, chị Hạnh đã có chồng. Xung quanh chuyện chồng con của chị, cũng có nhiều tình tiết hấp dẫn lắm! Năm chị đến tuổi hai mươi, có một anh bộ đội miền Nam ra tập kết - tên Chức đến dạm hỏi. Thương hoàn cảnh anh bộ đội không cha không mẹ, dì tôi đồng ý ngay. Chị Hạnh lúc đó không rõ có ưng hay không, mà cứ mỗi bận thấy anh Chức đến nhà là tìm cách đi trốn. Có lần không trốn kịp, chị phải ngồi đóng đinh trong buồng im như thóc. Một hôm đang ngồi thổi cơm, lúc quay lại rút rơm cho vào bếp, chị Hạnh bỗng giật nẩy mình vì thấy anh Chức đã ngồi lù lù sau lưng từ bao giờ rồi. Mặt chị đỏ như lửa nung; chị cắn môi, không dám hé nửa lời. Mãi đến khi nấu xong cơm, chị mới lấy lại được bình tĩnh, đứng dậy mời anh ra uống nước. Biết “đối phương” đang ở trong thế “bị bao vây”, anh Chức bèn đưa ra điều kiện: chị phải trả lời câu hỏi của anh thì anh mới chịu uống. Chị Hạnh tủm tỉm cười, lườm anh, rồi bật ra một câu gọn lỏn: “không yêu!”. Nhanh như cắt, anh Chức túm lấy tay chị hỏi vặn: “Tại sao không yêu nào?”. Chị Hạnh mở căng mắt nhìn trân trân vào mắt anh. Một tình yêu nồng nàn dâng đầy trong hai tâm hồn. Đó là giây phút chị trả lời anh. Đó là lần đầu tiên trong đời chị nhận từ anh những chiếc hôn huyền diệu. Ấy thế mà đến lúc cưới, dì tôi vẫn không hết băn khoăn, cứ thanh minh với người này người khác, vì sợ mang tiếng “ép duyên con”. Dì tôi hy vọng anh Chức sẽ “ở rể” với dì, sẽ gần gũi dì để chăm lo tấm tranh nuộc lạt. Ai ngờ chưa đầy một tháng sau khi cưới, anh Chức có lệnh đi học. Anh là một trong số những người đầu tiên được chọn đưa về Nam hoạt động. Chị Hạnh sống chung với anh cả thảy chỉ vẻn vẹn một tháng ba ngày.

Hơn nửa năm sau ngày anh Chức ra đi, dì tôi mất. Lo trăm ngày cho dì tôi xong thì chị Hạnh sinh cháu. Mẹ tôi thay dì tôi sang giúp chị xông phây. Tôi một buổi đến trường, còn một buổi ở nhà vừa học vừa trông con cho chị. Thời kỳ này chị Hạnh giữ chức Bí thư đoàn thanh niên xã, công việc khá bận rộn. Tuy thế, đêm đêm chị vẫn nhờ tôi dạy cho chị học thêm văn hoá và tập ký lại chữ ký. Vui nhất là những lúc viết thư cho anh, chị nhờ tôi đọc những câu thơ hoặc những câu ca dao hay để trích vào. Tôi thêm tên của anh và chị vô, khiến chị rất thú vị. Trong số những câu chị gửi cho anh, tôi còn nhớ được câu này:

“Dù cho sóng gió bão bùng

Hạnh em vẫn giữ thủy chung vẹn tuyền”

Thư đi, thư về. Tôi không biết trong thư anh đã nói gì với chị, mà cứ sau mỗi lần có thư, tôi thấy chị vui hơn. Có thời gian vắng thư anh, chị ngồi lục lại những lá thư cũ ra xem. Chị viết thư hỏi “Cục động viên đi Bê” và được biết anh đã vào sâu, không có điều kiện liên lạc. Hàng tháng, chị dành khoản tiền lương của anh để lại mua sắm cho con. Bé Phúc được chị chăm sóc chu đáo nên rất chóng lớn. Vầng trán và đôi tai của nó giống anh Chức như tạc. Chị thường chỉ cho bé Phúc xem ảnh ba treo ở cột nhà. Đi đâu về, chị cũng ngước nhìn lên chỗ cột nhà ấy. Dường như ở đó có một sức mạnh tiềm tàng đem lại niềm vui cho chị! Vâng, nhờ có những niềm vui nho nhỏ ấy mà chị giấu được những giọt nước mắt vào lòng. Tôi thực sự sợ những giọt nước mắt của chị! Đã mấy lần tôi chứng kiến cảnh chị nằm vắt lên mộ dì tôi khóc rồi chị cào hết cỏ trên mộ dì tôi mà dì tôi vẫn không thể nào sống lại được! Mong sao chị đừng phí thêm nước mắt nữa! Nhưng, sự đời không dễ dàng như thế, có những chuyện không đâu cũng có thể làm người ta giày vò, và vẫn cứ phải trào nước mắt ra.

Lúc đó vào khoảng giữa đêm. Một loạt bom rải thảm làm tôi thức giấc. Tôi thoảng nghe gần chỗ tôi nằm có tiếng ai khóc ấm ức. Tiếng khóc lúc gần lúc xa, lúc cố nén lại, lúc muốn bật ra. Xen vào tiếng khóc ấy là tiếng trẻ thơ kè nhè van xin: “Mẹ, mẹ đừng khóc nữa!” Quái lạ! Hay là ai bị bom ở đâu? Hay là tôi còn ngủ mê? Hai tai căng ra, tôi chú ý nghe lại lần nữa. Đúng là tiếng khóc của chị Hạnh rồi!

- Mẹ! Mẹ! Tôi lay gọi mẹ tôi. Hình như chị Hạnh có chuyện gì không vui đang khóc, mẹ ạ!

Mẹ tôi bật dậy, nghiêng tai về phía có tiếng khóc, nhận định:

- Ừ, đúng con Hạnh. Có thể hắn mê!

- Không! Tôi cãi lại. Con nghe lâu rồi! Hay chị ấy nhớ “dì qua”? Mẹ chạy sang với chị ấy một tí đi!

Mẹ tôi nhảy lên khỏi hầm. (Thời kỳ này cả làng tôi đều phải xuống ngủ hầm để tránh bom Mỹ). Tôi lẽo đẽo chạy theo sau.

Chị Hạnh ngồi úp mặt lên hai đầu gối, tay chân giật giật như người động kinh. Cháu Phúc đứng sau lưng ôm choàng lấy cổ mẹ.

- Hạnh! Hạnh! - Mẹ tôi hoảng hốt gọi - Sao thế con?

- Dạ… thưa dì… chị Hạnh nấc lên từng tiếng một. - Thiên hạ họ đặt điều ác quá! Tính con có thế đâu! Chẳng qua là thương các anh ấy luyện tập vất vả, có khi nấu thêm bát canh, có khi để dành củ khoai… Vậy mà…

Ồ, tôi hiểu rồi! Thì ra chị khóc vì có kẻ vu khống chị có “quan hệ ái tình” với mấy anh bộ đội. Họ cho rằng việc mấy anh ấy ăn cơm chung với chị, đi họp ban đêm với chị, thường xuyên cho con chị quà là có “lý do” cả! Nhất là sau buổi sinh hoạt Đoàn gần đây, không rõ ai đã đưa chuyện đó ra phê bình. Chị Hạnh kiên quyết gạt bỏ những điều bịa đặt về mình, song có một số kẻ xấu lợi dụng chuyện này “tung hỏa mù” trước mọi người. Chúng đưa ra cái “thuyết”: “Có lửa mới có khói”, “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, gây nên không khí thực thực hư hư làm chị hết sức khổ tâm.

Như có gì cào xé trong lòng, tôi giận dữ tuyên bố:

- Chúng nó xuyên tạc mặc kệ chúng nó, hơi đâu mà chị lo! Thật vàng chẳng sợ lửa.

Nghe tôi nói, mắt chị bỗng sáng lên. Chị xúc động nhìn tôi mếu máo:

- Biết thế, nhưng… anh ấy đâu có hiểu!...

Đúng là dư luận xã hội nguy hiểm thật. Có thể có, có thể không, nhưng khi đã tung ra thì ai dễ gì thanh minh được. Chị Hạnh sợ dư luận đến tai anh Chức, làm anh không yên tâm công tác. Tội cho chị quá, lúc nào cũng phải sống trong tâm trạng băn khoăn!

Cho đến hôm tôi lên đường nhập ngũ, chị Hạnh vẫn dặn đi dặn lại với tôi rằng: “Nếu cậu có gặp thì nói với anh hãy tin vào chị, chị không bao giờ phụ bạc anh đâu!”

***

Tôi trở lại làng mình sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong số những đứa con của làng cầm súng ra đi, tôi là người về sau cùng. Có lẽ vì thế mà làng đã giành cho tôi một tình cảm khá đặc biệt trong buổi đón tiếp. Từ các em bé ngày tôi đi chưa sinh, đến các cụ ông cụ bà lưng đã còng, phải chống gậy dò dẫm từng bước một, không ai không có mặt. Duy chỉ có mẹ con chị Hạnh là chưa thấy đến. Ai đó đã mách thầm với tôi: anh Chức - chồng chị đã hy sinh. Từ ngày truy điệu anh đến nay, thỉnh thoảng chị phải đi viện vì bệnh đau tim.

Nghe đâu anh Chức mất từ tết Mậu Thân, nhưng không rõ lý do tại sao mãi đến năm bảy mươi ba ký hiệp định Pari mới báo tử! Chị Hạnh đã chết ngất khi nhận được tin này; mẹ con chị khóc suốt tháng trời trước bàn thờ anh!

Ôi, chị Hạnh ơi! Sao mà đời chị cay đắng thế? Liệu chị còn đủ nghị lực sống tiếp những ngày không có anh không? Chị đã hết lòng chung thủy với anh, đã vì anh mà kiên trinh bảo vệ danh dự cho mình, và cuối cùng!...

Từ đó, mỗi lần về nhà, dù bận mấy tôi cũng không quên sang thăm, động viên an ủi chị.

Một buổi tối, biết tin chị ốm nặng vừa đi viện về, tôi vội vã chạy sang. Mới đặt chân đến sân, tôi bỗng nghe từ trong nhà tiếng chị vọng ra:

- Phúc, vì sao con không trả lời dứt khoát với anh ấy?

- Chẳng lẽ mẹ không hiểu nữa à? Phúc xẳng giọng.

Tôi linh cảm có chuyện không hay, nên tần ngần đứng lại.

- Nè Phúc, mẹ vẫn chưa hiểu ý con nói! Có phải con chê cậu ta không nghề nghiệp không?

- Không! Con chỉ lo… Mẹ thử nghĩ mà xem: bà ngoại con như thế… mẹ như thế… Liệu con… có như thế không? Phúc nấc lên.

Chị Hạnh buông một tiếng thở dài. Phúc nói tiếp:

- Anh ta là bộ đội, mà bộ đội thì… Thôi, con không nói nữa! Tùy mẹ…

Phúc bỗng khóc òa. Hình như chị Hạnh có nói thêm vài câu nữa rồi mới khóc theo. Tôi không nghe rõ chị nói gì và cũng không hiểu mình đang đứng ở đâu! Trước mặt tôi: bóng đêm mỗi lúc một dày thêm. Sương đã bắt đầu thấm ướt hai vai. Một luồng gió bấc lạnh lùng chạy qua gáy làm tôi rùng mình. Tôi nghe bên tai mình “u u”, những dấu hỏi cứ thay nhau hiện lên: “Có nên vào thăm chị lúc này không? Liệu mình vào, có giúp ích gì cho mẹ con chị không? Cứ vào! Thôi, có lẽ để lúc khác hay hơn!”. Rồi, như người vừa đánh mất một báu vật, không giữ được thăng bằng, tôi buồn bã quay về.

“Anh ta là bộ đội, mà bộ đội thì…” Bên tai tôi câu nói đầy lo ngại của Phúc thỉnh thoảng lại vang lên. Tôi có cảm giác mình đang ngồi trên một chiếc đu quay với tốc độ không làm chủ được. Nhắm mắt, rồi mở mắt, tôi trăn trở cùng câu nói ấy.

“Phúc ơi, cháu không biết rằng cậu cũng đang là bộ đội ư? Đã có một người con gái đi qua đời cậu. Cô ta như một đốm sáng huyền ảo hiện lên chập chờn trước mắt cậu. Cậu đã cố hết sức mình vượt qua một quãng đường dài đầy gai chông để đuổi bắt. Khi đốm sáng ấy gần nằm trọn giữa lòng tay thì có một vị thần chợt hiện ra chặn đứng ngay bước chân của cậu. Đó là mẹ cô ta. Mẹ của cô ta không muốn cô ta kết duyên với cậu, chỉ vì cậu là bộ đội!” Tôi miên man suy nghĩ … Thông thường một số bà mẹ gánh chịu quá nhiều thương đau hay có tâm trạng tâm lý như Phúc, còn các cô gái thì ngược lại. Đằng này… Phải chăng Phúc có hoàn cảnh riêng, nên không giống các cô gái đó? Mà kể ra nỗi băn khoăn của Phúc cũng chẳng dễ gì trách được! Cô gái mồ côi già trước tuổi ấy đã biết dự cảm những điều có thể xảy ra…

Buồn gì hơn trong một gia đình chỉ có toàn phụ nữ với nhau, công việc trong nhà, dù nặng nhọc đến mấy cũng phải lao vào làm. Tôi đã thấy trường hợp một chị phụ nữ có mang leo lên giữa trời mưa chói lại nóc nhà bị tốc rồi! Nói đâu xa, gia đình dì tôi đây đã mấy khi có tiếng cười đàn ông chiều ba mươi tết đâu! Trong lúc đó các gia đình xung quanh thì lại không như thế! Tôi thương dì tôi, tôi thương chị Hạnh, và tôi rất cảm thông với cháu Phúc. Nhưng, chẳng lẽ… Tôi nghĩ về những đồng chí đồng đội của tôi đang ở ngoài đảo xa (trong đó có Quân - người định “đặt vấn đề” với Phúc - một cô giáo mới ra trường, mà có lần chị Hạnh kể cho tôi nghe). Họ không phải là số ít! Nếu ai cũng như Phúc cả, thì…

Tôi không biết mình ngủ từ lúc nào mà khi mở mắt ra thấy trời đã sáng. Với sự bức xúc trong lòng, tôi chạy ù sang nhà chị Hạnh kể hết đầu đuôi chuyện tối qua. Mắt chớp chớp, chị Hạnh nhìn tôi xúc động. Lát sau, chị chỉ tay về phía Phúc đang ngủ, thầm thì:

“Em cứ yên trí, rồi đâu sẽ vào đấy thôi! Chị biết tối qua Phúc thức viết gì cho cậu Quân rồi!”.

Huế 1984
L.H.X.
(9/10-84)





Các bài mới
Nhịp hai (12/01/2011)
Tuyết tan (04/01/2011)
Các bài đã đăng
Ngôi nhà ấy (14/12/2010)