Tạp chí Sông Hương - Số 267 (tháng 5)
Festival Huế và câu chuyện quản lý dịch vụ
16:28 | 29/04/2011
LÊ PHÙNGTừ những thành công của các kỳ Festival văn hóa mang tầm quốc gia và quốc tế, cũng như các Festival chuyên đề Nghề Truyền thống, Huế đã khẳng định được năng lực tổ chức, điều hành chương trình của một loại hình hoạt động văn hóa khá mới mẻ ở Việt Nam.
Festival Huế và câu chuyện quản lý dịch vụ
Nhạc sĩ Lê Phùng - Ảnh: voque.org
Tuy nhiên, trong chừng mực nào đó, chúng ta cùng nhìn nhận một vài thực tế còn tồn tại là vai trò chủ thể của người dân qua các kỳ Festival chưa được quan tâm đúng mức, thiếu những sân chơi mang tính cộng đồng để có thể phát huy hết mọi tiềm năng, thế mạnh công chúng trong các chương trình hoạt động mỗi kỳ Festival. Bên cạnh đó, việc xã hội hóa tại các kỳ Festival tuy huy động được nhiều đối tượng tham gia, song chưa mang tính đồng bộ, thiếu sự nhiệt thành và vai trò quản lý của các ngành chuyên môn, chưa phát huy hết công năng trong các chương trình hoạt động chung.

Để mỗi kỳ Festival được tổ chức và hoạt động có hiệu quả hơn, chúng tôi xin nêu ra một số suy nghĩ và mạnh dạn đề xuất một vài giải pháp mang tính đóng góp và chia sẻ:

1. Phát huy vai trò của các khách sạn

Mỗi năm Huế có nhiều lễ hội văn hóa truyền thống từ cấp địa phương đến cấp tỉnh, đặc biệt là các kỳ tổ chức Festival trở thành một điểm đến, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Do vậy, những năm trở lại đây, hệ thống khách sạn ở Huế đã phát triển một cách nhanh chóng, với nhiều cấp độ chất lượng khác nhau đủ để đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách. Khách sạn thì nhiều, song mỗi kỳ Festival đều diễn ra hiện tượng “cháy” phòng. Thực tế có phải như vậy không? Hay là hiện tượng “ghim” phòng để lên giá? Đó chưa kể còn những hành vi “tranh mua, tranh bán” làm xấu đi hình ảnh cố đô trong lòng du khách. Vậy vai trò quản lý của các ngành chức năng đã được thể hiện như thế nào?

Được biết, trong mỗi kỳ tổ chức Festival đều có sự tổ chức phân công theo dõi của một số bộ phận hữu trách để nắm bắt được diễn biến số lượng của khách đến - đi, cũng có sự theo dõi biểu giá từng khách sạn đã đăng ký với ngành chức năng... nhưng việc giám sát thì có phần lơi lỏng. Vấn đề này được giải thích là do: Thiếu người.

Cách đây gần mười năm về trước, tại một đô thị cổ gần Huế, chính quyền sở tại đã tổ chức một lễ hội văn hóa với quy mô vừa phải để thu hút du khách các nơi biết đến vùng đất của mình nhiều hơn. Song, họ đã có một kế hoạch tuyên truyền, quảng bá các chương trình lễ hội rầm rộ trên các phương tiện đại chúng và internet. Trước khi tổ chức lễ hội này, ban tổ chức đã mời tất cả các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn, từ các khách sạn nhỏ, lẻ đến các khách sạn có thương hiệu lớn trên địa bàn đến dự buổi gặp mặt thân mật. Trong buổi gặp mặt đó, họ đã có vận động trước một số chủ doanh nghiệp để làm “ngòi pháo” cho cuộc vận động mà họ sắp trình bày. Khi nghe chính quyền địa phương đặt vấn đề tổ chức một lễ hội để thu hút du khách đến với đô thị cổ, vấn đề đầu tiên được đặt ra là họ thống nhất với các chủ khách sạn về biểu giá đăng ký phòng của các khách. Sau khi nắm bắt được biểu giá phòng của các doanh nghiệp, phía chính quyền đã thống nhất giá và yêu cầu các doanh nghiệp cam kết thực hiện việc niêm yết và thực thi về giá như đã đăng ký. Đồng thời để hỗ trợ cho chính quyền có điều kiện tốt hơn về nguồn kinh phí cho công tác tổ chức, phía chính quyền đã cùng bàn bạc và thống nhất để các doanh nghiệp tăng thêm mức thu là 30% giá phòng mà các đơn vị đã đăng ký và mức thu 30% này là phần thu giúp cho chính quyền để cùng đóng góp cho việc tổ chức chung. Trong quá trình diễn ra liên hoan văn hóa nếu phát hiện có doanh nghiệp nào vi phạm nội dung cam kết trên thì sẽ xử phạt theo đúng quy định. Một phần cũng do sự vận động từ trước, một phần cũng do sự đồng tình cao, các cơ sở doanh nghiệp đều đồng lòng với chính quyền thực hiện nội dung cam kết nêu trên.

Kết quả, các du khách khi đến tham dự lễ hội họ cảm thấy thoải mái khi không có hiện tượng “chặt, chém”; về phía chính quyền cũng thu được một khoản kinh phí đáng kể cho khâu tổ chức lễ hội; phía các doanh nghiệp cũng hăng hái, nêu cao ý thức trong việc thực hiện những nội dung mà mình đã cam kết. Chính từ việc làm có hiệu quả ban đầu này đã làm nền tảng tốt cho việc duy trì và phát huy ở mỗi lần tổ chức các hoạt động văn hóa của đô thị cổ nói trên. Đây là những kinh nghiệm mà chúng ta nên học tập để có sự chuẩn bị chu đáo về công tác tổ chức.

2. Tăng cường sự quản lí đối với các dịch vụ văn hóa

Ngoài việc quản lý, theo dõi và giám sát việc ăn ở cho du khách; các dịch vụ khác cũng nên có sự đầu tư và quan tâm thỏa đáng. Vai trò của các ngành chức năng về quản lý giá, vệ sinh an toàn thực phẩm phải được phát huy một cách tốt nhất. Từ giá dịch vụ đơn giản như lưu giữ các phương tiện, dịch vụ ăn, uống đến những dịch vụ văn hóa khác... đều phải có sự giám sát thường xuyên, chặt chẽ, tránh những trường hợp người đăng kí dịch vụ lợi dụng lễ hội để tha hồ “tự tung tự tác”, trục lợi từ túi tiền du khách.

Chúng tôi được biết, một địa phương khác nằm ở phía bắc Thừa Thiên Huế đã có những kinh nghiệm rất thú vị về quản lí các dịch vụ hoạt động trong lễ hội nhân dịp địa phương đó được vinh dự đón nhận bằng di sản văn hóa thiên nhiên do UNESCO công nhận. Vấn đề họ quan tâm trước hết là: việc tổ chức, sắp xếp, bố trí và quản lý các dịch vụ phương tiện vận chuyển cho du khách bằng thuyền trên sông từ khu trung tâm vào đến địa điểm tham quan. Họ đã xây dựng khu nhà đón tiếp khá lịch sự, trang bị thêm các thiết bị nghe, nhìn để phục vụ du khách, một khu vệ sinh khá sạch sẽ và tiện nghi. Du khách mua vé và lấy phiếu xuất bến, trên phiếu ghi rõ số thuyền phục vụ cho du khách và số của chiếc thuyền này, mỗi chiếc thuyền tham gia vận chuyển đều có trách nhiệm đưa khách đi rồi trả khách về lại điểm xuất phát ở khu trung tâm. Nếu có chủ thuyền nào không chấp hành thì sẽ bị phạt, lần đầu là không cho thuyền được xuất bến trong vòng một tuần, nếu vị phạm lần thứ hai thì sẽ bị phạt nặng hơn. Bây giờ việc tổ chức này đã trở thành nề nếp, du khách đến tham quan, thưởng ngoạn thắng cảnh thiên nhiên ở đây đều cảm thấy thoải mái vì chất lượng dịch vụ văn hóa và vận chuyển.

Trong khi đó, hoạt động ca Huế trên sông Hương là một loại hình hoạt động văn hóa truyền thống đã trở thành một thương hiệu trong lòng du khách khi đến với Huế. Vậy mà việc quản lý và tổ chức của loại hình này đang còn nhiều vấn đề bất cập, từ khâu quản lý thuyền cho đến việc quản lý nội dung chương trình. Dù biết rằng, gần đây chính quyền địa phương cũng đã quan tâm xây dựng mô hình quản lý về loại hình này, tuy nhiên, chính quyền chỉ mới quản lý ở “phần ngọn” mà chưa quản lý ở “phần gốc”. Vấn đề này đã được dư luận xã hội và báo giới lên tiếng nhiều lần, thiết nghĩ cơ quan hữu trách cần có hành động cụ thể để giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Hãy thử đặt những câu hỏi rằng, nếu cứ để sản phẩm văn hóa truyền thống đặc biệt này của Huế mãi bị xâm hại thì còn đâu hình ảnh tốt đẹp của Huế trong lòng du khách và thử hỏi trong nhiều kỳ Festival vừa qua có khi nào ban tổ chức đã đặt việc thu từ nguồn lợi của hoạt động này cho việc đóng góp chung? Một thực tế là, tại các kỳ Festival hoạt động ca Huế trên sông Hương thật sự sôi động phải phục vụ du khách nghe ca Huế vào cả ban ngày. Vậy đây cũng là nguồn thu đáng kể để các nhà tổ chức cần phải lưu tâm. Việc quy định giá vé, mức thu cho từng chiếc thuyền khi xuất bến tuy có đặt ra nhưng cũng còn “trôi nổi”, nếu không muốn nói là có phần buông lỏng sự quản lý này. Dường như bộ phận quản lý chỉ biết thu phí mỗi thuyền khi xuất bến và mỗi chương trình ca Huế là bao nhiêu đó (theo cung cách “ăn xổi”) chứ chưa thực sự là vai trò của một đơn vị tổ chức và quản lý của loại hình hoạt động văn hóa này.

3. Giám sát và tổ chức các dịch vụ ăn uống

Theo quan sát của chúng tôi, việc niêm yết thực đơn và giá bán tại các nhà hàng thì hầu như chưa được chú ý. Nhiều quán, nhà hàng bán hàng ăn ở Huế khi thấy thực khách vào ăn không nói giọng Huế thì mức giá được tính cao hơn nhiều so với người dân địa phương. Khách hàng có thắc mắc thì được chủ nhà hàng trả lời theo một cách chống chế, chiếu lệ. Vậy thì các cơ quan hữu trách có nên can thiệp và nếu có thì phải quản lí các hoạt động dịch vụ ăn uống như thế nào. Chúng tôi nghĩ rằng trong lĩnh vực này chúng ta cũng nên có một quy định cho các quán ăn, nhà hàng ở Huế như nhiều nước khác đã thực hiện. Quy định đó là: niêm yết, giới thiệu và quảng cáo các thức ăn, thức uống và giá cả phục vụ cho từng loại thức ăn, uống ngay trước cửa ra vào quán ăn, nhà hàng.

Mặt khác, chúng ta cũng nên chú ý đến khâu tổ chức ăn uống và sinh hoạt cho những diễn viên của các đoàn nghệ thuật khi đến tham gia chương trình Festival tại Huế được chu đáo hơn. Tại Dieppe - nơi được mệnh danh là “thủ đô” tổ chức Liên hoan Diều quốc tế của Cộng hòa Pháp, họ đã tổ chức 16 kỳ Festival diều quốc tế. Mỗi lần như thế các nghệ nhân diều đến từ nhiều quốc gia đều được ban tổ chức phát cho các coupont (phiếu ăn, phiếu uống). Một phiếu ăn quy định mức giá cho một bữa ăn, phiếu uống cũng vậy, cũng quy định mức giá cho mỗi đơn vị uống. Ban tổ chức thiết lập một nhà hàng ở ngay tại khu trung tâm để phục vụ cho các nghệ nhân diều và du khách tham quan khi có nhu cầu ăn, uống. Một suất ăn gồm ba món: khai vị, món ăn chính và món tráng miệng. Với nhiều thức ăn khác nhau tùy khách hàng chọn, nhưng cũng chỉ với ba món ăn cho một suất ăn; với nghệ nhân diều chỉ có suất coupont, còn với du khách thì phải trả một số tiền tương ứng. Việc tổ chức nhà hàng ăn tập trung này là cơ hội cho các nghệ nhân diều đến từ nhiều quốc gia có điều kiện trao đổi, tạo mối quan hệ mật thiết với nhau trên nhiều phương diện, từ chuyên môn về diều đến những khía cạnh, lĩnh vực khác của đời sống nghệ thuật.

Điều thú vị là, khi mỗi nghệ nhân diều có các coupont, họ có quyền ăn, uống tại nhiều nhà hàng khác trong thành phố Dieppe để thưởng thức và tận hưởng văn hóa ẩm thực của vùng Normandie. Các nhà hàng này được ban tổ chức cung cấp tên và địa chỉ cho các thành viên tham gia. Như vậy việc tổ chức chuyện ăn, uống cho những người đến tham gia Festival là một “công nghệ” mà chúng ta cũng cần suy nghĩ để thực hiện.

Được biết, tại Huế, nhiều doanh nghiệp đều có khả năng và kinh nghiệm để tổ chức các dịch vụ ăn, uống phục vụ cho các diễn viên và du khách trên nhiều vị trí khác nhau trong cùng một thời gian nhất định như Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ Thuận Thành, Big C Huế và các bộ phận nhà hàng, khách sạn nổi tiếng khác trong thành phố.

Festival Huế thường niên vốn đã trở thành “thương hiệu văn hóa” trong lòng bạn bè trên khắp cả nước và trên thế giới. Vậy không lí gì chúng ta không cố gắng hết mình để có thể gặt hái những kết quả tốt hơn bằng chính tâm nguyện của chính quyền và nhân dân một cố đô giàu bản sắc.

L.P
(267/5-11)








Các bài mới
Định mệnh (01/07/2011)
VILI là ai? (28/06/2011)