Tạp chí Sông Hương - Số 267 (tháng 5)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân cách người công an cách mạng
14:53 | 19/05/2011
PHẠM THƯỜNG KHANH - TRẦN XUÂN TUYẾT Trong số những di sản mà Hồ Chí Minh dành cho ngành Công an thì bức thư của Người gửi đồng chí Hoàng Mai - Giám đốc Công an Khu 12, ngày 11 tháng 3 năm 1948 - nói về Tư cách người Công an Cách mệnh là một di sản quý báu.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân cách người công an cách mạng
Bác Hồ với cán bộ chiến sĩ hải quân (tháng 3/1959). Ảnh tư liệu
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Suy ngẫm kỹ về hoàn cảnh xuất hiện và nội dung bức thư đó ta sẽ thấy ngày càng rõ hơn giá trị lớn lao và ý nghĩa cực kỳ sâu sắc của nó. Dưới giác độ khoa học giáo dục thì bức thư này chứa đựng một tư tưởng chiến lược của Hồ Chí Minh về mô hình nhân cách người Công an cách mạng.

1. Có thể nói rằng Hồ Chí Minh là một con người có nhân cách hoàn thiện và vĩ đại. Ở Người hoà quyện nhiều phẩm chất cao đẹp: Anh hùng và nghệ sỹ, nhà chiến lược thiên tài và danh nhân văn hóa thế giới. Người là biểu tượng của trí tuệ uyên bác, tâm hồn cao thượng, trái tim nhân hậu bao dung và nhạy cảm, phong cách ứng xử tinh tế, và lịch lãm và tình yêu thương vô hạn đối với cuộc sống và con người.

Nhân cách Hồ Chí Minh là sự thống nhất chỉnh thể con người, cuộc đời, tư tưởng, sự nghiệp; là sản phẩm ưu tú nhất của dân tộc ta. Có lẽ, cảm nhận rất rõ vẻ đẹp của nhân cách hoàn mỹ ấy mà những người bạn thân thiết của Người, thậm chí cả kẻ thù của Người (thời kỳ đầu thế kỷ), đều đã có những nhận xét, những lời tiên tri chính xác: “...chính người thanh niên mảnh khảnh này sẽ là người đặt cây thập tự cáo chung cho chủ nghĩa thực dân của chúng ta ở Đông Dương” (P.AMoux - sĩ quan mật thám Pháp chuyên theo dõi Nguyễn Ái Quốc ở Paris); “Dáng dấp con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị... Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hoá, không phải là văn hoá châu Âu, mà có lẽ là nền văn hóa tương lai... Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới” (Ô. Manđenxtam - nhà thơ, nhà báo Liên Xô - 1923); “Trên thế giới hiện nay, không có lãnh tụ nào đối với nhân dân mình vừa là người phát sinh, vừa là người bảo vệ, vừa là nguồn gốc, vừa là phương hướng, vừa là tư tưởng, vừa là thực hành, vừa là dân tộc, vừa là cách mạng, vừa là người Bác nhân hậu, vừa là vị tướng cầm quân” (Jean Lacutuya - một tác giả lớn người Pháp có một số công trình nghiên cứu về Bác Hồ); “Hồ Chủ Tịch, hình ảnh của dân tộc Việt Nam, là cái tầm của dân tộc. Người hạ mình cho vừa tầm mọi người Việt Nam để nâng đỡ mọi người Việt Nam lên đến tầm Người” (Phạm Văn Đồng).

2. Nghiên cứu di sản của Hồ Chí Minh ta thấy chỉ có một lần Người đề cập đến thuật ngữ nhân cách: “Muốn giữ vững nhân cách, tránh khỏi hủ hóa, thì phải thực hành bốn chữ mà Bác thường nói, đó là Cần, Kiệm, Liêm, Chính” (1), nhưng hệ thống lại những ý kiến trong các huấn thị, các bài viết, bài nói của Người có thể thấy rất rõ tư tưởng của Người về nhân cách. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là cái gốc của nhân cách. Ngay từ năm 1947 Người đã viết: “Cũng như sông chỉ có nguồn mới có nước, không có nước thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(2). Năm 1949 Người lại viết: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người”(3). Và Người cho rằng “Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”(4). Sau này, trong nhiều dịp khác, Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh đến đạo đức cách mạng. Đối với Người, cốt lõi của đạo đức cách mạng là động cơ và ý chí cách mạng: Động cơ vì nước vì dân và ý chí quyết tâm thực hiện động cơ đó là hai phẩm chất cốt lõi của đạo đức cách mạng. Tuy nhiên, khi coi trọng và nhấn mạnh đến cái Đức của con người, Hồ Chí Minh không hề đối lập nó với cái Tài: “Có Tài mà không có Đức, tham ô hủ hóa thì chỉ có hại cho nước. Có Đức mà không có Tài (...), không giúp ích được cho ai”(5).

Những ý kiến của Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xây dựng con người Việt Nam mới. Bởi vì chính đạo đức là cái gốc vững chắc để xây dựng nhân cách vững chắc, bởi vì “Có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước”(6); “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ được tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hoá”(7). Quan niệm đó không những phù hợp với quan niệm truyền thống mà còn phù hợp với cách hiểu phổ biến của nhân dân ta về giá trị con người, thường thiên về mặt đạo đức. Đó là quan niệm cách mạng và rất khoa học, kế thừa được tinh hoa truyền thống nhưng cũng đồng thời loại bỏ được những cái cũ, cái phong kiến lạc hậu trong quan niệm truyền thống. Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị về mặt đạo đức học mà còn đặt nền tảng để xây dựng khoa học nhân cách mang bản sắc Việt Nam. Bởi vì, theo tâm lý học hiện đại thì hai thành phần Đức và Tài cũng được coi như phẩm chất rất quan trọng của nhân cách và sự sắp xếp những động cơ chủ đạo theo những thứ bậc thành một đường hướng nhất định sẽ quyết định xu hướng phát triển của nhân cách con người.

3. Theo Hồ Chí Minh, nhân cách là tư cách làm người. Hơn ai hết Hồ Chí Minh quan tâm sâu sắc đến quyền con người, đến thân phận con người, đến tư cách con người. Ngay từ đầu năm 1912, Nguyễn Tất Thành đã từng ghi vào sổ vàng lưu niệm tượng Thần Tự Do ở NewYork một đoạn văn nổi tiếng: “Ánh sáng trên đầu Thần Tự Do tỏa sáng trên bầu trời xanh, còn dưới chân Thần Tự Do này thì người da đen đang bị chà đạp, số phận phụ nữ đang bị chà đạp. Bao giờ người da đen mới được bình đẳng như người da trắng, bao giờ mới có sự bình đẳng giữa các dân tộc, bao giờ phụ nữ mới được bình đẳng với nam giới”(8). Gần 80 năm sau, một nhà sử học người Mỹ đã phát hiện ra đoạn văn nổi tiếng này, hết sức kinh ngạc và thốt lên rằng: “Không một chính khách nào, không một nhà văn hóa hay nhà khoa học nào lại quan tâm đến thân phận con người một cách sâu sắc như Nguyễn Tất Thành!”.

Sau này, Hồ Chí Minh nhiều lần đề cập đến vấn đề tư cách con người. Ngay từ thời kỳ thành lập tổ chức cách mạng đầu tiên của nước ta, Người đã đề cập đến Tư cách người cách mệnh. Ít lâu sau, trong cuốn sách Sửa đổi lề lối làm việc, Người dành cả mục A của phần III viết về Tư cách của Đảng chân chính cách mạng và trong các lời khuyên du kích, bộ đội, công an..., Người thường xuyên dùng các thuật ngữ “Tư cách đội viên du kích”, “Tư cách người cán bộ cách mạng”, “Tư cách người công an cách mệnh”. Theo Người, tư cách bao gồm cả phẩm chất đạo đức, năng lực, phong cách, tác phong của con người. Điều hết sức đặc biệt là ngay từ cuối những năm 40, Hồ Chí Minh đã trình bày những tiêu chuẩn và cách đánh giá con người, trong đó Người rất chú ý đến xem xét các quan hệ của con người: “Bất kỳ ở tầng lớp nào, giữ địa vị nào, làm nghề gì, sự vận động của con người trong xã hội có thể chia làm ba mặt: 1. Mình đối với mình, 2. Mình đối với người, 3. Mình đối với công việc”(9). Vì sao Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng tiêu chuẩn Tự mình (hoặc đối với tự mình)?

Chúng ta đều biết tu thân là một giá trị bất hủ của Nho giáo, đề cao yếu tố chủ quan, yếu tố tự giác trong việc hoàn thiện nhân cách con người (Từ thiên tử đến thứ dân, ai cũng phải lấy việc tự sửa mình làm gốc;… Mỗi ngày tự xét mình ba lần mà lòng mình chẳng mảy may tà ác thì còn lo sợ nỗi gì...). Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo nguyên tắc xử thế đó và yêu cầu mỗi người phải lấy việc tu thân làm đầu và chính Người đã nêu một tấm gương sáng về sự tu thân, về “đối với tự mình”. Người tự nhịn ăn mỗi ngày một bữa, như mọi người, để góp gạo tiết kiệm vào hũ gạo kháng chiến; Người thường xuyên tập thể dục để rèn luyện sức khỏe và kêu gọi nhân dân tập thể dục “Tự tôi ngày nào tôi cũng tập”. Người nói với cán bộ, đảng viên: “Khổng Tử nói mình phải chính tâm tu thân, nghĩa là việc gì cũng phải làm kiểu mẫu, có thế mới trị quốc bình thiên hạ được... Muốn cải tạo xã hội thì lòng mình phải cải tạo. Nếu lòng mình không cải tạo thì đừng nói đến cải tạo xã hội. Lòng mình còn tham ô, lãng phí, muốn cải tạo xã hội làm sao được”(10)“Tự mình, không đánh thắng được khuyết điểm của mình mà muốn đánh thắng kẻ địch, tự mình không cải tạo được mình mà muốn cải tạo xã hội thì thật là vô lý”(11).

Năm 1948, nhân dịp Nguyễn Sơn, một nhà quân sự nổi tiếng được Nhà nước phong quân hàm cấp tướng, Hồ Chí Minh đã gửi một tờ thiếp mừng và khuyên vị “Lưỡng quốc tướng quân” nổi tiếng tài danh này về việc rèn luyện nhân cách. Người viết: “Tặng Sơn đệ:  Đảm dục đại.. Tâm dục tế./ Trí dục viên./ Hành dục phương”(12)

(Phải có thái độ can đảm, đúng đắn với các nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao cho; phải có sự mẫn cảm trong việc giải quyết tốt đẹp các mối quan hệ với đồng chí, đồng bào; phải hiểu biết toàn diện và biết thích ứng với mọi hoàn cảnh; mọi hành vi việc làm phải ngay thẳng và có hiệu quả tốt).

Và, như chúng ta đã biết, Hồ Chí Minh đã nêu sáu điều về Tư cách người công an cách mệnh trong đó Người cũng yêu cầu ba mặt: Đối với tự mình; đối với người và đối với công việc: “Đối với tự mình: phải Cần, Kiệm, Liêm, Chính/  Đối với Chinh phủ: phải tuyệt đối trung thành/  Đối với nhân dân: phải kính trọng, lễ phép/ Đối với công việc: phải tận tụy/ Đối với địch: phải kiên quyết, khôn khéo”(13)

Khái quát nội dung sáu điều đó thấy rất rõ đòi hỏi của Hồ Chí Minh về Đức và Tài đối với người công an cách mạng. Rõ ràng là, sự Cần, Kiệm, Liêm, Chính; sự trung thành với Chính phủ; sự kính trọng, lễ phép đối với nhân dân và sự thân ái, giúp đỡ đối với đồng sự là những phẩm chất cốt yếu về đạo đức và sự kiên quyết, khôn khéo đối với địch, sự tận tụy đối với công việc là những phẩm chất cốt yếu về năng lực hoạt động nghề nghiệp. Ở đây, chúng tôi không phân tích nội dung sáu điều trong Tư cách người công an cách mệnh vì đã có nhiều người phân tích kỹ, mà chỉ nhấn mạnh rằng đối với người công an cách mạng, Hồ Chí Minh cũng đòi hỏi phải có tư cách đạo đức như người đảng viên, như người cán bộ cách mạng. Đến đây, ta thấy rõ nội hàm của khái niệm Tư cách mà Hồ Chí Minh sử dụng cũng chính là cấu trúc nhân cách của tâm lý học hiện đại.

Nếu thành phần thứ nhất trong cấu trúc nhân cách của tâm lý học hiện đại là những thuộc tính tâm lý ổn định bên trong con người thì Hồ Chí Minh nói “Đối với tự mình”; nếu thành phần thứ hai bao gồm mối quan hệ cá nhân với xã hội và với người khác thì Hồ Chí Minh nói “Đối với người”; nếu thành phần thứ ba là quan hệ của cá nhân với công việc thì Hồ Chí Minh nói “Đối với công việc”. Với tâm lý học hiện đại thì cả ba thành phần trên tạo nên nhân cách cá nhân. Như vậy, ở đây đã có sự gặp gỡ, giao hòa tuyệt đẹp giữa tâm lý học nhân cách với tư tưởng Hồ Chí Minh và như vậy, sáu điều nói về tư cách người công an cách mệnh thể hiện tư tưởng chiến lược của Hồ Chí Minh về mô hình nhân cách người công an mới.

4. Trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay, chúng ta cần thấm nhuần sâu sắc tư tưởng chiến lược của Hồ Chí Minh về nhân cách người công an cách mạng. Công tác xây dựng lực lượng CAND cần đổi mới toàn diện, triệt để từ tư duy đến nội dung, phương pháp giáo dục đào tạo, sao cho mỗi cán bộ chiến sĩ đều có những phẩm chất đạo đức và năng lực nghề nghiệp như Hồ Chí Minh mong muốn. Đây có lẽ là vấn đề cơ bản nhất có ý nghĩa quyết định có tính chất cách mạng của CAND. Để đạt được điều này cần đặc biệt coi trọng đến công tác giáo dục về lòng trung thành với Tổ quốc và nhân dân, sự vững vàng về tư tưởng đồng thời phải giáo dục để mỗi cán bộ chiến sĩ tự giác rèn luyện, tự mình cải tạo mình, nói cách khác là phải thường xuyên tu thân. Mặt khác, phải giáo dục để mỗi cán bộ chiến sĩ đều có lòng trắc ẩn, lòng vị tha và có lương tâm trong sáng - những tiền đề hết sức quan trọng để hình thành nên đạo đức nghề nghiệp. Bởi vì, có lòng trắc ẩn thì con người ta mới biết thương xót đồng loại, biết đau nỗi đau của đồng loại; có lòng vị tha thì con người ta mới biết chăm lo một cách vô tư đến lợi ích của người khác, của đồng đội, mới có thể vì đồng đội, vì nhân dân mà hy sinh lợi ích cá nhân mình khi cần thiết. Và, “có lương tâm trong sáng thì con người ta mới biết tự đánh giá được hành vi của mình về mặt đạo đức, mới biết tự điều chỉnh mọi hành vi của mình và đặc biệt là con người ta mới cảm thấy sự cắn rứt lương tâm mỗi khi hoạt động không phù hợp với đạo đức hoặc mỗi khi có dụng ý không tốt”(14). Trên cái nền đạo đức nghề nghiệp ấy, những phẩm chất khác như sự thông minh, khôn khéo, năng động, sáng tạo trong công tác, tóm lại là tài năng của từng người mới phát huy và có ý nghĩa thiết thực.

4/2011

P.T.K - T.X.T
(267/5-11)



------------------

(1), (2), (3), (4), (5), (6) , (7),  (9), (10), (11), (12), (13), Hồ Chí Minh toàn tập - NXB Chính trị quốc gia - 1995.

(12) Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới - NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh 2002.

(8)Tư tưởng Hồ Chí Minh với thời đại - Phan Ngọc Liên - H.1993.

(14) Đạo đức học - GBandzladze - NXB Giáo dục - H. 1985.








Các bài mới
Định mệnh (01/07/2011)
VILI là ai? (28/06/2011)
Các bài đã đăng