Tạp chí Sông Hương - Số 267 (tháng 5)
Quán dừng chân của một nhà thơ trẻ trên chuyến hành trình xuyên Việt
14:19 | 27/06/2011
LGT: Tuệ Nguyên, một nhà thơ trẻ dám dấn thân để lục tìm chất men sáng tạo ở những vùng đất mới với khát vọng cứu rỗi sự nhàm chán trong thi ca. Trong chuyến xuyên Việt, anh đã ghé thăm tạp chí Sông Hương. Phóng viên Lê Minh Phong đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ trẻ này.
Quán dừng chân của một nhà thơ trẻ trên chuyến hành trình xuyên Việt
Nhà thơ Tuệ Nguyên - Ảnh: thotre.com
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Lê Minh Phong (LMP): Cảm ơn Tuệ Nguyên đã ghé thăm chúng tôi trong chuyến hành trình xuyên Việt của mình. Huế nằm trong lộ trình của anh hay anh đến đây bởi bước chân vô thức của một thi nhân. Điều gì khiến anh cảm thấy thú vị nhất trong những nơi anh đã đi qua?

Tuệ Nguyên (TN): Cảm ơn Sông Hương vì cuộc hội ngộ của chúng ta. Mọi người đều nghĩ là tôi đi nhưng trong tâm thức tôi nghĩ là tôi đang trở về, trở về để tìm “cái gì đó” có lẽ nó rất gần gũi tôi. Huế là một địa danh đã đi vào sử sách, cũng như quê hương Chăm Pa của tôi vậy, không chỉ thế Huế còn quy tụ mọi loại hình nghệ thuật từ dân gian cho tới cung đình, nó là nơi giao thoa giữa văn hóa Chăm và Việt. Trước kia, địa danh Huế nằm trong tiểu vương quốc Amaravati của Chăm Pa xưa. Vì thế, tới Huế đối với tôi thì đó như là một cuộc trở về.

Điều thú vị ở nơi tôi đến là khi được đặt bàn chân chạm vào miền đất lạ, thấy những điều lạ, chính cái lạ đó tạo nên một cách nhìn mới. Với một người viết thì đó là một nguồn thi hứng lớn lao.

LMP: Gặp anh, chúng tôi thấy anh khá kỳ dị từ ngoại hình và có thể là cả tính cách. Anh có nghĩ rằng là thi nhân thì phải kỳ dị và liệu rằng kỳ dị thì luôn làm nên điều khác biệt?

TN: Anh có thể gọi tôi là thi nhân hay danh xưng khác cũng được, tôi cũng chẳng quan tâm. Với tôi con người ta đang sống đã là một phép màu rồi. Một con người dù là dân thường hay một bậc thánh được nhiều người kính phục, ta đều có thể tìm thấy ở họ một sự khác biệt nào đó. Nếu không nói là dị biệt. Tôi rất thích khi Phật dùng từ duyên, vì mọi sự quy tụ nên khoảnh khắc ấy tạo nên con người ta. Con người ta có nhiều điểm chung. Điều đó khiến ta dễ sống trong một môi trường, còn thi nhân kỳ dị bởi họ nằm trong tầm nhắm của cộng đồng. Họ có thể là con rối trong môi trường ấy. Nên con người ta có thể dùng mọi lăng kính để moi ra cái được gọi là kỳ dị. Oái ăm thay, một người được gọi là thi nhân bởi họ đã có thơ đăng báo, ra sách... tạo nên cho mình cái khác biệt với đám đông về hình thức. Với tôi, mọi văn hóa đều có phong nền để con người ta sinh hoạt trong môi trường chung. Cái lạ ở một người nghệ sĩ chỉ có thể tìm trong tác phẩm chứ không phải trưng diện cho mình một bộ lông với những gam màu sặc sỡ để gây được sự chú ý.

LMP: Nhìn chung trên văn đàn hôm nay, người sáng tạo cũng như nhà phê bình đang rất quan tâm đến những lý thuyết thời danh như Hậu hiện đại hay Tân hình thức... Anh có quan tâm hay áp dụng kỹ thuật của các lý thuyết này vào sáng tạo của mình không? Nếu có thể xin anh cho một vài nhận định về thơ ca đương đại?

TN: Nguyễn Đình Chính có nói với tôi rằng internet có lẽ là ngọn lửa thứ hai của nhân loại. Là thế hệ 8x, tôi cũng không xa lạ với trò chơi không gian số này, theo dõi và viết, dù là gì đi nữa thì những chủ nghĩa đã được lập thuyết cũng ảnh hướng đến đời sống nói chung và lối sáng tác của người nghệ sĩ nói riêng. Sự ảnh hưởng đó tạo ra một trào lưu mới làm nên một sự cách tân trong nghệ thuật. Với tôi thì ở mọi chủ thuyết đều có cái lý của nó... Nhưng dù là chủ thuyết nào cũng không thoát khỏi cái nhu cầu tìm tòi, nhu cầu hướng thượng, nhu cầu muốn làm mới và thể hiện mình. Ảnh hưởng! Vâng! tôi có ảnh hưởng khi thế giới như một phần trong tôi và tôi như một phần của thế giới. Chính vì thế tôi thức nhận được thế giới quanh tôi, và đặc biệt là tâm thức của dân tộc tôi, đó là thế giới của “tam vật nhất thể” Bhama - Shiva - Vishnu (sáng tạo - phá hủy - bảo tồn) của văn hóa Chăm. Thi ca, với không gian số, mọi blogger đều có thể là nhà báo, nhà văn, nhà thơ...

LMP: Qua “Những giấc mơ đa chiều” (một trong ba tập thơ lọt vào chung khảo giải thơ Bách Việt năm 2009) chúng tôi nhận thấy đó là sự ám ảnh của một thế giới thơ siêu thực, trần trụi với những biểu tượng văn hóa Chăm. Phải chăng cội nguồn văn hóa Chăm Pa là nơi thoát thai của thi hứng trong miền mơ mộng của anh?

TN: Với tôi những gì đã viết, khi đã thành hình, thành cái được gọi là tác phẩm thì nó tự sống cuộc sống của nó. Tôi thực sự đã chia tay, đã giã từ, thành người đã chết trong tác phẩm của mình. Nhưng tôi đang sống trong đời sống thực để tiếp tục tìm tới những nguồn thi hứng mới để nghệ thuật không ngừng hoài thai.

Với Chăm Pa, quá khứ là một hình hài vô định, cái mà một người Chăm nào khi có ý thức hai từ “cội nguồn” đều hoang mang, bởi họ muốn tìm về để xác định mình. Hành trình đi vào nơi vô định để tìm lại mình có lẽ là yếu tố quan trọng nhất đối với chính người đó. Nó quan trọng đến mức có thể biến mọi thứ thành đùa cợt, một cuộc vui cho chính mình. Cội nguồn văn hóa luôn là điểm xuất phát của người sáng tạo, tôi sẽ đi vào thế giới văn hóa của dân tộc tôi để tạo nên diện mạo cho riêng mình.

LMP: Người ta thường nói muốn nhìn xa thì phải đứng trên vai những người khổng lồ. Vậy ai là người khổng lồ đã ảnh hướng đến quá trình sáng tạo của anh?

TN: Nếu ai cũng là một gã khổng lồ... chắc tôi không chịu làm một gã tí hon chút nào... (cười). Nhưng tôi không thể phủ nhận những gì mà cha ông đã để lại, chúng dẫn tôi đi đúng quỹ đạo và tránh sự lạc lối hay nhầm tưởng. Phong nền văn hóa được kết nên bởi bàn tay của những tiền nhân. Tôi chỉ là người đang bơi lội trong đó, cứ uê oa khóc cười...

LMP: Sau một cuộc viễn du thì đến một thời điểm nào đó thi nhân sẽ dừng lại và lao vào miền mộng tưởng của mình. Khi nào thì anh sẽ kết thúc cuộc rong chơi này và anh có dự định gì khi cuộc rong chơi của mình kết thúc?

TN: Con người, từ lúc sinh ra đã và đang là cuộc hành trình. Hành trình trong không thời gian, khu địa lý và tuổi tác, đó là dấu hiệu của cuộc lang thang. Đích đến của nó ta không mong gặp hay đạt được một cái gì đó ngoài chính ta. Triết lý của Chăm dạy rằng: Sống là một cuộc rong chơi, một cuộc tìm về. Cuộc chơi tạo nên mọi loại hình nghệ
thuật. Tìm về một cái gì đó để tạo niềm hân hoan để tiếp tục: Đi về...

Cái tìm được dẫn dắt bởi cái mà ta dự định. Còn hơn thế nữa, nó như là quán nước ven đường. Kết thúc! Với tôi có thể là ta đã đi lạc hoặc có thể ta đã tìm về…

LMP: Nhìn chung kẻ sáng tạo hôm nay đang lâm vào một trạng huống khó tránh khỏi đó là sự hoài nghi về chân giá trị trong cuộc sống. Liệu đã bao giờ anh hoài nghi?

TN: Hoài nghi! Cái gì khiến ta hoài nghi? Con đường ta đang đi, những bảng hiệu ta đã gặp, đó là một lối đi hay là một ngõ cụt? Nếu đó là ngõ cụt thì tôi không thích có bảng hiệu ghi “cấm vào”. Đôi lúc tôi nghĩ nếu một con người ở trong một căn phòng, khi tất cả các cánh cửa đã đóng lại thì kẻ đó sẽ tự tìm cho mình một khe hở nào đó để ném tất cả mọi thứ trong căn phòng ra ngoài hoặc anh ta sẽ tự nhìn thế giới qua khe hở đó bằng chính nhãn quan của mình.

Cô đơn, anh ta có đặt nghi vấn về đời sống bên ngoài không, và ở bên ngoài phải chăng mọi thứ đang diễn ra và mọi thứ đang diễn ra đó có phải đều là thực? Liệu mọi giá trị đã được ban gán có khiến cho hắn hoài nghi không? Theo tôi, chính điều này mới tạo nên sự sáng tạo. Anh ta bắt đầu nhìn lại mọi thứ xung quanh. Mối tương giao giữa thực tại và những gì viết ra sẽ cho anh ta thấy chính mình. Chính những sự bấp bênh của thế chân vạc Chân - Thiện - Mỹ trong tâm thức thôi thúc ta đặt lại một sự cân bằng. Cân bằng chính trong nội tâm của ta. Cân bằng làm nên văn phong, tư tưởng trong một con người.

LMP: Anh viết:

“...ta nghe mi bằng giọt máu lăn trong thân thể
ta nghe mi bằng tiếng rền hỗn tạp trong tâm trí
ta vẫn ngồi nghe
cả khi cuộc sống vo tròn hay nhào nặn ta
ta vẫn ngồi nghe
cả khi mi cười người đời hay mi khóc phận mi...”

Liệu đây có phải là sự tự vấn và hoài nghi của anh?

TN: Vâng! Đó là một sự tự vấn và hoài nghi. Hoài nghi chính mình.

LMP: Cảm ơn anh. Hoài nghi chính mình là đỉnh điểm của sự hoài nghi. Người ta thường cho rằng trong thế giới mở hôm nay thì kẻ sáng tạo đôi khi không cần phải đi nhiều. Thậm chí chỉ một chiếc 3G cũng có thể ôm trọn cả thế giới. Nhưng chúng tôi vẫn thấy anh dấn thân vào cuộc sống bằng chính sự trải nghiệm qua những bước chân viễn du của mình. Anh nghĩ gì về điều này?

TN: Mọi điều mà con người ta làm, một là tự kiếm cho mình cách sống, hai là kiếm cho mình cách chết. Chính cách thứ hai này mà nhiều thứ được tạo ra và ở lại với nhân loài. Ngành nghề nào cũng thế, thông tin đều quan trọng. Bây giờ không gian số bùng nổ nhưng ta không biết nó được tải chuyền từ đâu nếu ta không đi và chứng thực. Giữa thực tế và không gian số có thực sự tương đồng không? Hay mọi thông tin ở không gian số nều nằm trong một kênh tư tưởng nào đó? Tôi đi là để biết mình, biết người, tôi đi là để truy tìm bản thể của tôi.

LMP: Anh sẽ làm gì khi anh nhận diện được bản thể của anh?

TN: Đó là một cuộc rượt đuổi thăm thẳm, vô tận. Rồi tôi sẽ khóc, cười với chính bản thể của tôi. Cũng có thể chỉ cúi đầu khóc mà thôi…

LMP: Hi vọng những giọt nước mắt đó sẽ là những kiệt tác trong miền mơ tưởng của anh.
Nhìn một cách toàn cảnh thì Sông Hương cũng như một số báo và tạp chí văn học nghệ thuật trong nước đang gặp phải một số khó khăn không thể tránh khỏi khi đứng trước một thế giới đa chiều về thông tin, một thế giới mở. Anh nghĩ gì về vấn đề này?

TN: Nếu như không nhầm thì tôi đã thấy được sự tiến triển bằng chính nỗ lực của các bạn trong thời gian gần đây. Ở các bạn có những điểm rất khác biệt. Khó khăn ở sách và báo là thiếu vắng đọc giả, dân trí và thói quen, cũng có khi là do chính sự tẻ nhạt trong chính bản thân mình... Làm mới mình luôn là một phương thuốc hiệu quả. Các bạn sẽ không đông cứng. Tôi tin điều đó.

LMP: Xin cảm ơn anh vì cuộc hạnh ngộ của chúng ta. Chúc anh mọi sự an vui và thêm nhiều cảm hứng thi ca trên những miền đất hứa.

Lê Minh Phong(Thực hiện)
(267/5-11)









Các bài mới
Định mệnh (01/07/2011)
VILI là ai? (28/06/2011)
Các bài đã đăng