Tạp chí Sông Hương - Số 15 (T.10-1985)
Mặt đất quê ngoại
07:59 | 17/05/2011
L.T.S: Trần Duy Phiên, người thôn Thanh Thủy Chánh, huyện Hương Điền, Bình Trị Thiên, là một trong những cây bút truyện ngắn chủ chốt của chóm “Việt” - nhóm sáng tác trẻ trong phong trào đấu tranh chống Mỹ - ngụy xuất phát ở Huế trước đây.
Mặt đất quê ngoại
Nhà văn Trần Duy Phiên - Ảnh: donghuongtth.com
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Truyện ngắn của anh phản ảnh những bức tranh đau xót của xã hội miền Nam dưới thời kỳ Mỹ chiếm đóng, đồng thời kín đáo nói lên khát vọng tự do, độc lập, tiếp bước truyền thống yêu nước của các thế hệ đi trước, có ý nghĩa thức tỉnh thế hệ trẻ miền Nam trước đây. Truyện ngắn của anh giản dị, đậm đà, sâu kín, mang đầy đủ tư chất của một cây bút truyện ngắn vững vàng. Một số truyện ngắn của anh được tập hợp trong tập “Trước khi mặt trời mọc” do Đối Diện xuất bản.



TRẦN DUY PHIÊN


Mặt đất quê ngoại


Xe đến phi trường, tôi mới chú ý tới người đàn bà ngồi bên cạnh mình. Bà nôn nao xuống khi xe chưa ngừng hẳn. Khom người một chút, tôi đứng lên với tay đẩy thành dựa hàng ghế trước gấp lại để bà dễ vần chiếc thân mập và thấp ra cửa xe. Bằng một tia mắt hoà nhã, bà quay lại nhìn tôi tỏ vẻ cảm ơn. Rồi bà đưa cả hai tay bế thằng con cỡ năm sáu tuổi xuống xe. Cô con gái ngập ngừng theo sát chân mẹ. Cô mặc áo len màu hoàng yến, tóc hớt ngắn, đi giày da đen, tay lễ mễ một chiếc xắc lớn.

Tôi xuống xe, cài lại hàng nút áo khoác ngoài, vào phòng đợi ngồi ngó ra đường bay. Một ông cảnh sát ngậm ống vố đang lục soát hành lý, miệng phì phà khói vừa nói xin lỗi quý ông bà. Một hành khách bảo ông thi hành phận sự lấy lệ. Nhưng người đàn bà lúc nãy cãi lại. Bà nói nghề nghiệp chuyên môn làm như vậy cũng đủ. Rồi bà quay sang phía cô con gái, cúi xuống vạch xắc cho ông ta nhìn vào. Tôi không nghĩ như bà ấy. Cái kiểu lục soát uể oải như thế còn lâu mới tóm được tụi buôn lậu từ Lào qua. Khi đến bên hành lý của tôi, người cảnh sát đưa mắt nhìn vô rồi bỏ đi. Tôi cho tay che miệng, ngáp một cái thật lớn, ngu ngơ trông ra ngoài. Về phía tây, mây trắng nhẹ vấn quanh từng đỉnh núi xanh biếc. Nắng xuống trên sân bay, chấp choá sau cửa kính. Vài mảng khí lạnh ban mai còn ẩn núp đâu đó, lâu lâu theo gió phả vào da thịt mọi người. Có tiếng trẻ khóc trong phòng đợi. Nhiều binh lính vào ra. Năm người lính Mỹ khệnh khạng ngoài hiên, huýt gió, nói những tiếng lóng tục tĩu rồi chú mục vào phần dưới cô con gái lúc nãy.

Một người lính Mỹ còn trẻ cứ tựa vào cửa mà liếm mép khiến mấy anh lính Việt đứng đối diện cười ầm lên. Tôi quay mặt đi chỗ khác, tránh cái cảnh khả ố đó. Người đàn bà đứng lên ngồi xuống. Bà kéo cô con gái lại bên mình như không muốn cho mấy mươi con mắt chia xẻ con mình. Bà hậm hực qua giọng điệu bóng gió. Bà nói giọng Huế. Và tôi cũng đủ biết bà nhắm vào những ai. Nhưng sao những câu bất nhã như vậy làm tôi chú ý bà hơn. Tôi nhìn kỹ ba mẹ con một lần nữa. Người mẹ vừa có vẻ lam lũ vừa có phong cách của người khuê các nhàn hạ. Chiếc áo dài nhung đen cổ thấp. Tóc bối cao. Bàn tay ngón dài hơi thô. Nước da trắng ngà. Vành môi đỏ chót nước trầu. Cô con gái thì hoàn toàn khác mẹ ngoại trừ chuôi mắt sắc. Còn thằng bé thuộc loại con cầu, mắt lừ đừ, da trắng như heo bột. Con nít mà ít nói ít cười như ông già.

Nhân khi bà nhìn ra cửa, tôi hỏi có phải bà cũng là hành khách chuyến bay ra Huế trưa nay. Bà gật đầu, chớp mắt, khuôn mặt chợt vui hẳn lại. Bà không còn bộ tịch gìn giữ con một cách khốn khó nữa. Đặt thằng bé đứng xuống, bà quay hẳn người về phía tôi, hỏi ông cũng đi Huế. Tôi cười, gật nhẹ. Sau đó bà hỏi tôi nhiều điều, bộ tịch vồn vã như với một người thân. Tự dưng tôi thấy vui, không còn những tê mỏi của giờ giấc chờ đợi. Tôi nói với bà tôi từ ngoài Huế vào làm nghề dạy học ở đây. Cô con gái nghe tôi nói vậy liền e dè hỏi thầy dạy ở trường nào. Tôi cười, nói trường ở bên cái “giọt” nước đó. Còn cô? Nàng nói em học trường nữ tư thục Tê-rê-xa. Tôi lại cười nhẹ, nghĩ đến ngôi trường kín đáo, nằm trên thế đất rất đẹp, hàng thông tơ dọc theo bờ rào lá non xanh. Mỗi chiều, tôi đi dạy về sớm ngang qua đó thường bắt gặp những khuôn mặt buồn khả ái gác cằm lên cửa sổ nhìn ra đường. Cũng có khi trong tiếng gió bạt đầu ngọn cây rào rạt, tôi chợt nghe từng nấc dương cầm thánh thót. Bất giác, tôi nhìn xuống bàn tay cô gái và tưởng đến từng ngón nhỏ nhẹ lướt qua trên phím đàn.

Minh họa: Bửu Chỉ

Cả phòng đợi nhao lên như vừa nhận được một tin quá vui. Vài người đến ghé mắt qua cửa kính. Tiếng động cơ mỗi lúc một lớn. Người đàn bà sửa soạn đứng lên nhưng rồi bà lại ngồi yên. Gió bỗng đổi chiều thổi mạnh vào cửa ra đường bay. Một người đàn ông nói tàu đến rồi bà con ơi. Tôi nhìn ra sân. Một chiếc máy bay cỡ nhỏ, màu nhôm ánh bạc lấp lánh nắng. Phòng đợi bây giờ như một đám chợ nhỏ. Người đàn bà với tay lấy chiếc xắc đưa về phía con gái rồi đứng lên. Bà hỏi tôi, thầy ở Huế mà bên trong hay ngoài Nội thành. Tôi nói ở Bến Ngự. Bà cau mặt, đôi lông mày nhíu lại. Cô gái nhìn mẹ chăm chăm rồi mỉm cười với tôi. Có lẽ cô không hiểu vì sao mẹ cô có bộ tịch thảng thốt ấy. Nhưng tôi biết bà đang ra sức cô đọng trí nhớ.

Tôi nói thêm, Bến Ngự ở phía tả ngạn sông Hương. Bà à lên một tiếng, đưa một ngón tay lên đặt ngay đỉnh mũi. Đi qua cầu Trường Tiền rồi rẽ về phía trái. Tôi cãi lại không phải vậy đâu. Qua cầu, rẽ về phía trái là Vỹ Dạ. Cô con gái nghe địa danh Vỹ Dạ, mở tròn đôi mắt nhìn tôi môi mấp máy nhưng cô chỉ để lộ cái răng cửa siết xám xanh. Bỗng dưng, người đàn bà giọng có vẻ kể lể. Bà nói xa Huế năm 18 tuổi. Cô gái nhìn mẹ, mặt không vui. Một vài người xách hành lý ra cửa. Bà thở dài đứng lên, trong mắt thoáng một vẻ u hoài. Tôi bảo với cô con gái để tôi xách hộ cái xắc lên máy bay cho. Nàng nói nhỏ nhẹ cảm ơn nhưng vẫn chưa chịu đưa sang. Tôi cho cô hay hành lý của tôi có mấy bộ áo quần, cô đừng ngại. Tôi cầm lấy cái xắc đang còn trong tay cô gái rồi theo ra cửa. Ông chủ hãng máy bay lăng xăng với mấy nhân viên phi hành. Tôi nhìn khắp sân bay, nghe văng vắng. Đường pít nhiều nơi vá víu nham nhở vì bị pháo kích.

Lên tới bên trong máy bay, tôi đưa ba mẹ con người đàn bà về phía trước. Tôi chọn chỗ cách buồng máy bay hai dãy ghế. Ban đầu, ba mẹ con ngồi cùng băng và liền nhau, kế đến tôi. Nhưng khi máy bay lên cao và hướng ra biển, thằng bé úp mặt vào cửa kính reo lên, cô chị xoay về phía tôi. Cô nói xin phép thầy cho em được đổi chỗ để dễ nhìn ra ngoài. Trời và mây bữa nay đẹp quá. Tôi cười rồi đứng lên. Máy bay chông chênh một chút. Người đàn bà lấy dầu gió ra xức. Bà quay sang phía tôi, nói thành phố Kon-tum buồn quá phải không thầy. Bà tặc lưỡi.

Buổi đầu đến đây tôi chán ngán vô cùng. Thế mà đã hai mươi năm rồi đó. Tôi nói thành phố này thật là khác lạ đối với ngoài mình, khác từ mặt đất cho đến ngọn cây. Tiếng máy bay tự dưng rồ lớn khiến bà không nghe hết câu nói của tôi. Nhưng bà gật đầu nhiều lần. Ừ, lạ lắm. Đến đây ai mà thích vui thích nhộn thì tưởng y như bị đày, rồi bà vắn tắt kể cuộc đời trôi nổi của mình. Bà nói bà người làng La Chữ. Không biết làng ấy nằm phía nào thành phố Huế, nhưng bà không thể quên nơi chôn rau cắt rốn đó. Tôi đệm thêm, chim có tổ người có tông. Ấy, bà nói lớn hơn, tôi thường bảo với lũ nhỏ thế đó. Vợ chồng tôi cứ nơm nớp một ngày kia chúng nhìn nhận xứ mường mán ấy là quê cha đất tổ. Nghe bà nói đến đó, tôi muốn cãi lại. Ở đâu cũng là đất nước mình. Nhưng tôi chợt nghĩ nên để cho bà ôm ấp cõi yêu dấu trong lòng. Tôi liếc xem đồng hồ và tưởng đến nét mặt hân hoan của ba mẹ con khi đặt chân xuống phi trường. Cô chiêu đãi viên từ buồng phi hành đi ra. Vài hành khách ho hen và van nhức tai.

Bữa ăn trưa trên máy bay gồm có bánh mì thịt, chuối lùn và bánh kem. Người đàn bà ngưng kể chuyện, săn sóc cho cậu bé ăn. Tôi cầm ổ bánh mì lên, chậm rãi mở giấy ra. Thưa thầy, thịt gà đã có mùi thiu. Tôi quay lại phía cô gái. Nàng cười, ổ bánh mì đã có sứt một mẻ nhỏ. Người đàn bà nói lớn thôi đừng ăn nữa. Thời buổi giặc giã có khác, hành khách hàng không mà người ta coi không ra gì cả. Cô gái nghe mẹ, tiếp tục nhai kẹo. Tôi ăn bánh kem và quả chuối lấy lệ. Người đàn bà hỏi tôi đoán chừng xem máy bay tới Huế lúc mấy giờ. Tôi nói sớm lắm là hai giờ chiều. Nhưng đi xe từ Phú Bài lên phố mất thêm một tiếng nữa. Bà cau mặt tỏ vẻ không hiểu. Tôi nói phi trường không nằm trong thành phố như Kon-tum mà ở tận Phú Bài, cách phố non hai chục cây số. Đoạn đường này bây giờ khó lưu thông vì quá nhiều xe Mỹ. Bà chép miệng, lâu quá hoá quên. Mà ngày ấy đâu có thế. Nói xong bà nhìn qua cô con gái và cậu con trai như muốn đo thời gian xa cách quê nhà bằng những mái đầu con mình.

Tôi ngồi tựa lưng vào thành ghế. Ngoài cửa kính mây trắng như bông. Tôi muốn nhắm mắt lại một chút cho khoẻ người. Bỗng cô gái quay lại hỏi thưa thầy có phải thành phố Huế đẹp lắm không. Tôi mỉm cười: Cô muốn nói thành phố Huế trước đây một năm? Cô đáp em muốn biết thành phố Huế bây giờ kìa. Trong giọng nói của người con gái ấy, tôi nhận ra thật nhiều ước mơ. Có lẽ bao năm sống bên mẹ, cô đã được kể cho nghe những câu chuyện vụn vặt về Huế. Và cô mơ tưởng về một quê ngoại thần tiên. Nghĩ vậy, tôi nói cô không nên nóng lòng. Chốc nữa thôi, rồi cô sẽ biết. Cô ta khẽ gật đầu, nhưng chợt nhớ điều gì. Mấy tháng trước em đọc nhật báo luôn và em xem kỹ từng tấm ảnh chụp từng góc phố đổ nát. Nhưng mẹ em bảo chừng đó thấm gì. Và bọn nhà báo thì bao giờ cũng nói láo. Chừng như thấy tôi không chú ý câu chuyện lắm, cô gái quay nhìn ra ngoài trời. Người đàn bà nói cháu nó ở trong ký túc xá hoài hoài, nên hễ đi đâu, thấy cái gì lạ là ngờ nghệch hẳn ra. Nhà tôi tưởng như vậy cháu nó sẽ học được trong sách vở nhiều điều, nhưng tôi nghĩ cách đó sẽ làm cho cháu nó sau này khó thích nghi với đời. Vả lại, cái tuổi của cháu không sống với cha mẹ được. Năm thầy bảy bà cũng nói vậy. Cháu là lộc trời cho vợ chồng tôi đó. Từ ngày sinh nó làm ăn mới khá lên được. Thầy nghĩ, ra đi hai bàn tay trắng, gặp nhau nơi xa lạ, không bà con thân thích. Thế nào… Bà ngập ngừng không nói hết vì máy bay chông chênh.

Bên ngoài từng mảng trời xanh lướt qua. Nắng vàng rực. Bên trong máy bay ấm hơn. Một hành khách ngồi phía trước cởi áo ngoài. Tôi dè chừng máy bay đã vòng khỏi đèo Hải Vân. Qua cửa kính, tôi nhận ra nhiều khoảng rừng cháy đen, từng bãi cỏ khô vàng. Nghe trong tai nhức nhối khó chịu, tôi ngả đầu ra sau, mắt lim dim. Tôi nghĩ đến những ngày hè sống ở Huế, giữa những người thân, vui buồn với bạn bè. Bất giác, tôi đưa tay vuốt mặt, ngáp một cái rồi mở bừng mắt ra. Người như đang mất dần trọng lượng. Giọng người con gái hỏi có phải phi trường Phú Bài đó không thầy. Tôi đưa mắt nhìn theo ngón tay chỉ của nàng, gật đầu. Những rung động từ thân máy bay chuyền qua người như muốn kéo mình chồm tới ngã lui.

Máy bay đã đáp xuống.

Không hiểu sao lúc đó tôi cảm thấy buồn và không muốn để ý gì nữa. Hành khách đi qua mặt tôi, bước chân gõ mạnh trên sàn tàu. Thưa thầy đến rồi. Người con gái nhắc khẽ. Tôi đứng dậy tìm hành lý ra sau cùng. Cô con gái ngập ngừng muốn hỏi tôi một điều gì nhưng rồi lại lẳng lặng xuống thang.

Tôi đưa ba mẹ con ra xe. Trời nắng như lửa táp vào da mặt. Người đàn bà vừa tháo khăn quàng vừa giục con cởi áo len. Dáng bà mệt mỏi. Nhưng cô con gái thì vui vẻ hơn. Cô cúi xuống nói gì với thằng nhỏ. Hai chị em khúc khích cười với nhau. Tôi ngồi ở ca-bin với bác tài xế. Ba mẹ con ngồi băng kề sau, xe rồ máy lủi vào đám bụi mù đỏ. Mùi khói xăng pha lẫn mùi dầu hắc trên mặt đường hôi đến lợm mửa. Xe cứ chạy một khoảng, xỉa ổ gà, lại rú máy trườn lên khó nhọc, bóp còi inh ỏi. Cô con gái van với mẹ đường xá xấu quá. Người đàn bà bảo ngày xưa đâu thế này. Qua kính chiếu hậu, tôi thấy khuôn mặt người con gái cau lại, thằng nhỏ nhai kẹo đều đều. Xe chưa qua khỏi truông, có lệnh của quân cảnh Mỹ buộc rẽ vào một con đường đi vô núi. Vài hành khách lo ngại.

Bác tài ngoái lui nói đường tụi nó đang sửa, phải vòng qua lối này. Bác ta méo mặt bẻ vô-lăng, miệng không quên chửi thề một chiếc xe Mỹ vừa vượt qua. Trên đường, có nhiều vỏ đạn, gỗ thùng, lon bia. Dưới chân một hòn núi lở đỏ loét, rác un cao như một dãy đồi kỳ lạ. Người đàn bà nhăn mặt, nhảy mũi mấy cái liền, ý hẳn bà không chịu nổi mùi rác bẩn hăng hắc dưới nắng. Khi xe đến gần, tôi nhận có nhiều người già trẻ lớn bé đang chui rúc, cuốc cào tìm kiếm giữa những ngọn đồi hôi hám đó. Một thằng nhỏ lơ ngơ nhìn xe đi qua toét miệng cười, vung cao một sợi dây thép vẫy chào. Cô gái chồm tới hỏi tôi người ta làm gì đó. Kiếm ăn, tôi nói vừa đủ cho cô nghe như thế, nhưng tôi mong cô đừng hiểu. Đường xấu xe chạy mỗi lúc một chậm. Ra đến quốc lộ, nhiều bãi rác mênh mông hiện ra trước mặt. Người đàn bà chép miệng thở dài. Vật đổi sao dời. Bà nói như oán trách ai. Bác tài nói lớn, có ngày rác ngập cả núi chưa chừng. Vài ba giọng cười khan phụ hoạ. Dù mệt mỏi, tôi cố ngồi thẳng lên.

Xe vào thành phố.

Những ngồi nhà đổ nát hiện ra dần dần, gạch ngói trộn lẫn với than khói. Những thân cây cành không lá trơ vơ. Những ngôi mộ mới bên rào giậu ngả nghiêng. Ánh nắng chiều hừng hực làm khờ khệch mắt người đi đường. Xe dừng lại trước khi qua một con cầu gỗ thay thế cho con cầu cũ gãy đổ. Bên kia một khu chợ bình địa. Những mái quán bằng tôn vội vã dựng lên. Những vòng dây kẽm gai bủa tận ngoài lề đường. Người ta chen nhau đi lại như trong cái chuồng thảm thương…

Bỗng có người khóc thét lên. Tôi quay lại. Người đàn bà gục mặt trên thành ghế nức nở. Hành khách trên xe buồn thiu, mặt đanh lại. Người con gái níu lấy vai mẹ, nhìn sang tôi. Cô nói bởi mẹ em chẳng chịu tin và vẫn lầm tưởng cho đến bây giờ… Giọng cô nghẹn lại không nói hết. Thằng bé thấy mẹ khóc cũng khóc theo.

T.D.P
(15/10-85)







Các bài mới
Ruy-đôn-phi-ô (27/05/2011)
Các bài đã đăng
Khối trầm (10/05/2011)