Tạp chí Sông Hương - Số 15 (T.10-1985)
Sự hình thành đội ngũ sáng tác văn học trẻ các tỉnh phía Nam 10 năm qua
14:37 | 17/05/2011
PHẠM PHÚ PHONG Đối với sự tồn tại và phát triển của một nền văn học không thể không kể đến đội ngũ những người sáng tác trẻ. Đó là lực lượng sung sức, giàu nhiệt tình và báo hiệu những năng lực mới cần được liên tục bổ sung.
Sự hình thành đội ngũ sáng tác văn học trẻ các tỉnh phía Nam 10 năm qua
Nhà phê bình Phạm Phú Phong - Ảnh: internet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Chăm lo xây dựng một cách toàn diện lực lượng những người viết văn trẻ và giải quyết một cách đúng đắn mối quan hệ và sự phát triển kế tục có tính quy luật giữa các thế hệ nhà văn, từ lâu vẫn là một trong những mối quan tâm hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng nền văn học cách mạng của chúng ta. Trong thư gửi đại hội Hội nhà văn lần thứ III, đồng chí Phạm Văn Đồng đã từng căn dặn: “Trong đội ngũ nhà văn cần hết sức chú trọng các nhà văn lớp trước đã bền bỉ phấn đấu trên mặt trận văn học từ trên dưới nửa thế kỷ nay và hiện vẫn hăng hái tiếp tục sáng tác; đồng thời sự quan tâm đặc biệt về mọi mặt, bồi dưỡng, nâng đỡ, khuyến khích, tạo điều kiện vươn lên phải được giành cho lớp nhà văn trẻ đã được thử thách trong kháng chiến chống Mỹ và trong tám năm qua, là bộ phận rất quan trọng và sung sức của đội ngũ hiện nay, và là ngày mai của nền văn học nước ta”. (1)

Nếu lấy năm 1975 làm cái mốc quan trọng để nhìn lại sự xuất hiện các cây bút trẻ trên phạm vi cả nước, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra những thành tựu đáng mừng, nhất là ở các tỉnh phía Nam vừa mới được giải phóng khỏi bàn tay sắt khủng khiếp của chế độ Mỹ - tay sai.

“Thế hệ thứ tư” - thế hệ những người sau thời chống Mỹ - là sản phẩm của mười năm, sản phẩm của chế độ mới, sinh ra và lớn lên gắn bó với mảnh đất quê hương, với truyền thống quá khứ, ít nhiều có chứng kiến hoặc nghe kể lại số phận con người dưới chế độ cũ, có dịp đối chiếu, so sánh; có điều kiện tiếp thu truyền thống văn hoá, văn học lâu đời của cha ông lồng trong âm hưởng, trong hào khí của thời đại cả nước độc lập tự do đi lên chủ nghĩa xã hội.

Miền Nam - nơi kẻ thù chà đi xát lại, nơi trực tiếp diễn ra cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa thực dân mới và tinh thần yêu nước của nhân dân, nơi kẻ thù tiến hành cuộc xâm lăng văn hoá tư tưởng hòng làm thay đổi diện mạo đời sống tinh thần của dân tộc. Đó cũng là nơi hứng chịu nhiều bom đạn, chất độc, nơi đã từng thắm máu nhiều thế hệ những người cầm bút và cầm súng. Sự hình thành đội ngũ những người cầm bút hôm nay ở các tỉnh phía Nam là sự bước tiếp những gì còn dở dang của các anh chị Dương Tử Giang, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Trọng Định, Lê Vĩnh Hòa, Trần Quang Long, Ngô Kha, Trần Triệu Luật… Đó là những người đã đem cả tâm huyết, trí tuệ và cả mạng sống đời mình hiến dâng cho sự nghiệp văn học, sự nghiệp cách mạng. Họ đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, còn đứng bên này dốc cuộc đời, dù những trang viết họ để lại mới chỉ là những bông hoa đầu mùa nhưng tên tuổi vẫn còn sống mãi trong nền văn học cách mạng. Con đường văn học của họ, tất cả dường như đang còn ở phía trước. Những người cầm bút hôm nay, trên vùng đất ấy, phải bước tiếp.

***

Đội ngũ những người sáng tác trẻ ở các tỉnh phía Nam hiện nay khá đa dạng (2). Một bộ phận quan trọng là các anh chị đã xuất hiện vào cuối cuộc kháng chiến, trên chiến hào đánh Mỹ hay trong phong trào đô thị, đứng ở vị trí “giáp ranh” - cái gạch nối giữa thế hệ những người đi trước và những người mới cầm bút trong mười năm qua. Họ đã rèn luyện, thử thách trong cuộc chiến đấu quyết liệt ở cả hai miền Nam Bắc, và chính cuộc chiến đấu đó đào tạo nên. Gọi là trẻ nhưng tuổi đời đã trên 30, đã từng đi qua cuộc chiến tranh vào loại ác liệt nhất và sâu sắc nhất của thế kỷ, không phải chỉ là người chứng kiến mà là người trong cuộc, là người góp xương máu, gắn bó và am hiểu sâu sắc về cuộc chiến đấu đó. Với xuất phát điểm ấy, hôm nay họ tự khẳng định mình một cách nhanh chóng và dần dần trở thành lực lượng chủ yếu trong nền văn học chúng ta. Đó là các anh chị Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Vũ Thuật, Lê Thị Mây, Đỗ Hoàng, Ngô Minh, Hải Kỳ, Thái Ngọc San, Võ Quê, Phạm Tấn Hầu, Thái Bá Lợi, Thanh Quế, Hoàng Minh Nhân, Đỗ Văn Thông, Phan Duy Nhân, Đông Trình, Trần Hoàng Phố, Trương Văn Ngọc, Ngô Thế Oanh, Thanh Thảo, Lệ Thu, Lê Văn Ngăn, Đinh Xăng Hiền, Cao Duy Thảo, Thế Vũ, Nguyễn Âu Hoàng, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo, Thái Thăng Long, Đào Chí Hiếu, Lê Hà, Nguyễn Xuân An, Lê Chí, Nguyễn Thanh, Anh Động, Trung Phương, Lê Tân, Lý Cẩn, Song Hảo, Hồ Thi Ca… hầu hết những cây bút này thật sự được người đọc biết đến từ sau 1975, nhưng đã nhanh chóng trở thành những tên tuổi được cả nước yêu thích, với sự đóng góp về nhiều thể loại, nhiều đề tài khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là những trang hồi ức về chiến tranh, về chân dung đồng đội đã ngã xuống, nỗi trăn trở, nhức nhối về cuộc đời… Lâm Thị Mỹ Dạ có Bài thơ không năm tháng (1982), Hoàng Vũ Thuật có Những bông hoa trên cát (1978), Đinh Duy Tư và Thanh Ba có Dưới chân thành cổ (1978), Thanh Quế có Cát cháy (1982) rồi Trong lòng hồ (1984), Đinh Xăng Hiền có Giản đơn và im lặng (1984), Vĩnh Quyền có Vầng trăng ban ngày (1984), Nguyễn Duy có Phóng sự 30-4-1975 (thơ 1981) rồi Ánh trăng (1984). Cao Duy Thảo có Im lặng của đá (1979) rồi Ngọn đèn (1985), Lê Tân Hoa nắng (1981) rồi Với biển mênh mông (1985), Sông Hảo có Khoảng trời nhiều gió (1983) rồi Dòng sông của em (1985), Nguyễn Thanh có Đêm đồng Phong Thạnh (1976) rồi Xóm lỡ (1981), Anh Động với Đứng thẳng (1975) rồi khẳng định mình với tiểu thuyết Ven rừng tràm (1978)… Người đọc dễ dàng bị thuyết phục bởi những tình cảm êm đềm mà sâu lắng trong những vần thơ lục bát của Nguyễn Duy; những miên man, đằm thắm của sông nước mênh mông vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long trong thơ Song Hảo, Lý Cận, Lê Tân, những tình cảm nhỏ nhẹ hòa nhập giữa cái chung và cái riêng trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, bên cạnh cái thiết tha khao khát của Lê Thị Mây, hay những tiếng nói mạnh mẽ, gân guốc mà sâu sắc trong thơ và sự điềm tĩnh giàu chất tự sự trong truyện ngắn Thái Ngọc San, hay cái mộc mạc trực tiếp trong văn xuôi Anh Động bên cạnh những suy ngẫm giàu chất triết lý trong văn xuôi Cao Duy Thảo, cái cởi mở, hào hiệp giàu “chất Nam Bộ” của Nguyễn Thanh bên cạnh sự mộc mạc, hóm hĩnh giàu chất thơ của Thanh Quế… Đặc biệt, đóng góp nổi bật của lớp người này vào hai thể loại công nghiệp nặng của văn học là tiểu thuyết của trường ca. Đây cũng là hai thể loại đóng vai trò quan trọng trong thành tựu văn học mười năm qua.

Nhìn lại tiểu thuyết sau năm 1975, không thể không kể đến Thái Bá Lợi với Thung lũng thử thách (1978) và Họ cùng thời với những ai (1979). Đó là những hồi ức về những ngày chiến đấu gian khổ, ác liệt, trong đó hoàn cảnh diễn ra gắn liền với số phận một lớp người, một thế hệ; thông qua những thử thách, người viết làm nổi rõ chủ đề đạo đức trong những tình huống nghiệt ngã nhất của chiến tranh. Nguyễn mạnh Tuấn vào Nam sau 1975, vốn liếng chỉ mới hai tập truyện ngắn, chỉ với một thời gian chưa dài, anh đã nhanh chóng chiếm cảm tình người đọc và trở thành “hiện tượng” của văn học, với sự xông xáo vào những vấn đề thời sự, những mũi nhọn của cuộc sống: về cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh anh có Những khoảng cách còn lại 1978, về cải tạo quản lý trong công nghiệp anh có Đứng trước biển (1980), cải tạo quản lý trong nông nghiệp anh có Cù lao tràm (1985). Hãy khoan nói về giá trị vĩnh cửu của tác phẩm, người ta vẫn nhìn rõ những trang viết giàu chất thời sự này đặt những vấn đề có ích cho cuộc đời. Hơn nữa, thành công của Nguyễn Mạnh Tuấn còn thể hiện ở chỗ anh am hiểu đến tường tận tâm lý, phong thái Nam Bộ, ngay cả trong văn phong, trong cấu trúc câu trong ngôn ngữ đối thoại.

Với những đóng góp nổi bật của Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm (Bài ca chim chơ-rao, Mặt đường khát vọng…) và nhiều người khác nữa, trường ca như một bước chuyển được mùa. Thanh Thảo với hàng loạt trường ca xuất hiện gần như cùng một thời điểm, đã nhanh chóng trở thành một trong những người có đóng góp nhiều nhất về thể loại này: Những người đi tới biển (1978), Những ngọn sóng mặt trời, Trẻ con ở Sơn Mỹ, Những nghĩa sĩ Cần Giuộc (1982), Khối vuông ru-bích (1984). Bên cạnh đó, Trần Mạnh Hảo cũng nhanh chóng được khẳng định với Đất nước hình tia chớp (1979) rồi Mặt trời trong lòng đất (1982). Đến đây, sự trưởng thành của người viết gắn liền với sự vận động của thể loại. Những trường ca này không phải là những tác phẩm loại tự sự như những bài thơ dài truyền thống, mà là những bài ca trữ tình về Tổ quốc - nhân dân - Đất nước, ý thức về thế hệ mình, những người cầm súng ở chiến trường những năm tháng ấy:

Người ta không thể chọn để được sinh ra
Nhưng chúng tôi đã chọn cánh rừng phút giây năm tháng ấy

                                    (Thanh Thảo)

Thế hệ chúng con ồn ào, dày dạn
Sống thì đi mà chết thì nằm

                                    (Trần Mạnh Hảo)

Một thế hệ mới, một lớp người cầm bút tiếp theo các anh chị vừa kể trên, là sản phẩm thực sự của mười năm qua lớp sau thời chống Mỹ - là những anh chị em tuổi đời còn rất trẻ, mới trên dưới hai mươi đến ba mươi, đang hăng hái bước vào văn học. Dù được đào tạo ở các trường ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa hay đã học ở các trường vùng tạm chiếm miền Nam, nhưng so với thế hệ chống Mỹ, họ được học hành tương đối có hệ thống hơn. Phần lớn những anh chị em này hiện đang là cán bộ trẻ trong các ngành kinh tế, văn hoá, khoa học, kỹ thuật hoặc đang học ở các trường đại học. Nghĩa là, họ còn đang gắn bó với cơ sở xã hội, ở các cơ quan, xí nghiệp, trường học, đơn vị bộ đội, các hợp tác xã nông nghiệp. Cuộc sống đặt cây bút vào tay họ và những cái tên đang ngày càng trở nên quen thuộc với người đọc như Nguyễn Quang Lập, Đinh Duy Tư, Đặng Ngọc Khoa, Thuận Hữu, Đào Chí Thanh, Ngô Xuân Hội, Nguyễn Đức Thọ, Nguyễn Nhật Ánh, Phạm Sỹ Sáu, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Đông Thức, Trần Hội Nhân, Nguyễn Trọng Nghĩa, Nguyên Tùng… Đặc biệt, như một sự nở rộ, cũng như cây bút nữ xuất hiện ngày càng đông đảo, rộng rãi và nhanh chóng được chú ý: Trần Thùy Mai, Trần Thị Hiền, Trần Huyền Trang, Ngô Thị Kim Cúc, Ái Duy, Tôn Nữ Thu Thủy, Thu Trâm, Lê Thị Kim, Lý Lan, Khánh Chi, Đinh Thị Thu Vân, Nguyễn Thị Trà Giang, Dạ Ngân, Hoàng Thị Diệu, Phạm Thị Mỹ Dung… và nhiều người khác nữa, không thể nào kể hết tên tác giả và tác phẩm. Thử làm một phép tính, sẽ thấy thư mục ngày một dày lên, khó mà tính hết, chỉ trong một thời gian ngắn, đã có đến hàng trăm tên tuổi mới xuất hiện. Chưa bao giờ đội ngũ sáng tác trẻ đông đảo, rộng rãi đến như vậy. Gần như cùng một thời điểm, hàng loạt tập thơ, truyện ngắn, ký, tùy bút, và cả tiểu thuyết được in ra hoặc xuất hiện rải rác trên báo chí. Mỗi người một giọng điệu, một “ngữ pháp” khác nhau, tạo thành sắc thái, chân dung riêng của một thế hệ. Họ viết để khẳng định sự có mặt của thế hệ mình trong cuộc sống hôm nay.

Con đường đi đến với văn học mỗi người mỗi khác, nhưng đặc điểm chung của lớp người này là ở chỗ họ là những người của thời kỳ xây dựng, quá khứ chiến tranh chưa hề khuất bóng, trong họ vẫn còn nỗi nhức nhối, sự ám ảnh về quá khứ đau thương mà anh hùng của dân tộc. Đồng thời, những hiểu biết, sự mẫn cảm và cả tấm lòng của họ đang hướng về hiện tại, về cái đương thời, cái đang thành. Sự xuất hiện những cây bút trẻ này đã thổi một luồng sinh khí mới, phong phú hơn, vào đời sống văn học.

Gắn bó với đời sống, họ kể về những gì xảy ra trong cuộc sống thường ngày. Viết về chiến tranh, về quân đội có Phạm Sỹ Sáu, Nguyễn Quang Lập, Dạ Ngân, Thái Thăng Long… viết về thanh niên xung phong có Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Đông Thức… viết về giáo dục có Lý Lan, Nguyên Tùng… tuy mỗi người đều đi vào những đề tài khác nhau, nhưng tất cả đều có mối quan tâm chung là khẳng định con người trong xã hội mới. Đề tài không phải là điều họ “hướng về” một cách hình thức mà điều họ quan tâm hơn chính là sự suy ngẫm, nỗi trăn trở trong công việc, trong đời sống hàng ngày. Từ đó, những vấn đề về lối sống, về quan hệ giữa con người trong sinh hoạt, trong công việc, về đạo đức, nhân cách xã hội chủ nghĩa… được đề cập đến một cách sinh động, tự nhiên như cuộc sống cần diễn ra như thế. Điều đáng chú ý hơn, trong các cây bút trẻ các tỉnh phía Nam đã bước đầu tạo được những sắc thái riêng, giọng điệu riêng mà nhiều anh chị em đã hình thành được ngay ở những trang viết đầu tiên. Qua các tập thơ Thay cho lời hát ru anh (Đinh Thị Thu Vân), Thành phố tháng tư (Nguyễn Nhật Ánh, Lê Thị Kim), Nha Trang thơ (nhiều tác giả), Thơ trẻ Huế (nhiều tác giả)… các tập văn xuôi: Bài thơ về biển khơi (Trần Thùy Mai), Cỏ hát (Trần Thùy Mai, Lý Lan), Ngôi nhà trong cỏ (Lý Lan), Vị ngọt hòa bình, Tam Giang thứ ba, Vết cháy (Ngô Thị Kim Cúc), Cú phạt đền trước vòng chung kết (Nguyễn Nhật Ánh)… người đọc dễ dàng nhận ra những nét riêng của từng người. Đinh Thị Thu Vân được bạn đọc biết đến với bài Con tem quân đội như những lời tâm tình rất riêng. Nỗi thương người lính trong tem, chính là thương lắm người bên cạnh mìnhxin cho em được ân cần, phong thư nhỏ dán tem gần tên anh. Với sở trường về thơ lục bát, thủy chung với đề tài anh bộ đội, chị đã tạo cho thơ mình sự dịu hiền, nôn nao mà sâu lắng. Đinh Thị Thu Vân viết rất chậm (gần như mười năm chỉ được một tập mỏng, 22 bài). Có lẽ vì thế mà thơ chị bài nào cũng nói được những điều cần nói, với một sức liên tưởng thông minh:

Phải không từ lúc yêu người
Là tôi mới biết yêu đời thiết tha
Hay từ lâu lắm, chính là
Tôi yêu đời để thiết tha yêu người.


Là một kỹ sư hóa học, Lê Thị Kim còn là một trong những cây bút tiêu biểu của lớp trẻ các tỉnh phía Nam mười năm qua. Kể từ bài thơ đầu tiên (Khi tình yêu đến, 1978), đến nay chị vẫn “thích làm thơ tình, cho nhẹ bớt những số liệu và công thức hóa học suốt ngày chen chúc trong óc” (Tâm sự với bạn đọc báo "Tuổi trẻ"), nhưng thơ của chị bao giờ cũng đi từ cái riêng đến cái chung, từ chuyện của mình nói ra những tình cảm khái quát. Lê Thị Kim giỏi liên tưởng. Có những điều chị biết được khá rõ mà không hề trải qua, chỉ nghe Lời anh kể dẫn tôi ra, bước lên ghềnh đá chim sa xuống đầu. Chị rất thành thực:

Qua báo chí, qua đài
Em biết rừng như thế
Còn anh thì chỉ kể
Đến hoẵng và sóc thôi
.

Những đức tính của một người phụ nữ miền Nam phả vào tâm hồn chị, tạo nên vẻ dịu ngọt mà sâu sắc, nhẹ nhàng mà chân thành, đó là tiếng thơ riêng của chị. Ngược lại thơ Nguyễn Nhật Ánh mang chất “con trai Nam bộ”, hơi thở cởi mở, phóng khoáng, pha chút ngang tàng:

Đầu xuân ra sông giặt áo
Vai sờn, đâu dám mạnh tay
Mùi gió, mùi sương, mùi nắng
Theo nhau xuống bến sông này
Da thịt đứa nào cũng chai
Nắng táp càng thêm gân guốc
Chỉ sợ ba cái áo quần
Mưa nắng làm sao khỏi mục.

Viết về những người thanh niên xung phong, Nguyễn Nhật Ánh có dịp nhìn lại cuộc đời người thanh niên dưới chế độ cũ, có dịp so sánh đối chiếu, nên thơ anh là những lời tâm huyết, lạc quan, tươi tắn và đằm vị đồng dao.

Ngô Thị Kim Cúc đã có vài ba truyện ngắn gọi là “thử bút” trước năm 1975, nhưng chị vẫn là người trưởng thành trong mười năm qua với giọng văn điềm tĩnh, ấm áp pha chút lãng mạn, tự nhiên nhưng không thiếu sự chân thành. Những trang viết làm cho bạn đọc tin ở chị, cảm động theo từng câu từng chữ, ẩn chứa nỗi niềm về số phận con người dưới chế độ cũ, đang đổi đời theo từng đổi thay của đất nước. Nhân vật của chị bao giờ cũng được đẩy ra giữa dòng đời và bước đường trưởng thành của chị gắn liền với sự lớn lên của nhân vật. Đó không phải là con đường êm đềm và dễ dàng mà trải qua sự trăn trở, lo toan, thậm chí đó là “con đường đau khổ”, của những người trẻ tuổi đi đến với cách mạng. Mai (Bên kia tường). Yên (Những ngày sấm dậy). Hà Lam (Vị ngọt hòa bình). Diệu (Dòng sông buổi chiều). Xuân (Trong trung đoàn chặn dòng) và cả Ẩn (Sắc biển) đều là những thanh niên như thế cả. Ngược lại, Lý Lan hướng ngòi bút của mình vào những con người lần đầu tiếp xúc với đời sống xã hội, với cách mạng. Đó là những người như Dung (Người mẹ) lần đầu tiên đến đất Củ Chi, như Hà lần đầu tiên nghe Hạnh kể về tội ác của bọn Pôn Pốt - Iêng Xary (Cỏ hát), như Hồng Giang lần đầu tiên hiểu về những người cách mạng (Chiếc lá me bay)… Kết cấu truyện của Lý Lan được vẽ theo hình câu hỏi và kết thúc là một khám phá, một sự hiểu ra những điều mới mẻ. Sự kết hợp giữa ngôn ngữ tự sự xen cài với độc thoại nội tâm, vừa gẫy gọn vừa đằm vị dân gian. Đọc truyện của chị như được đi vào thế giới của những “vườn cổ tích” thông qua đó làm nổi lên ý nghĩa giáo dục, đào tạo những người kế tục của đất nước. Bên cạnh đó, truyện của Trần Thùy Mai không hề quá chú trọng đến việc xây dựng kịch tính, lối gài thắt nút thường thấy mà chăm chú vào từng câu chữ, lối văn trong sáng, tươi mát nhằm trình bày những sự việc nhẹ nhàng, hướng vào cuộc sống thường ngày với những tình cảm đầm ấm trong gia đình, trong quan hệ vợ chồng, mẹ con, bà cháu… Làm nên cho cái đầm ấm vẫn là tình thương được biểu hiện một cách kín đáo, nhỏ nhẹ như tâm hồn cô gái Huế. Nhân vật của chị thường là nữ, những con người trong sáng giản dị mà sâu sắc (Tiểu Phượng trong Huyền thoại về chim phượng, Kim trong Cuốn sách, Phương Thảo trong Khúc nhạc rừng dương…). Khác với chất liệu cụ thể trong thiên nhiên đi vào tác phẩm của những cây bút ở đồng bằng Nam Bộ (Tôi và cỏ, Viết cho chuồn chuồn kim, Hòa âm chim sẻ của Lê Thị Kim; Cỏ hát, Ngôi nhà trong cỏ, Vườn cổ tích… của Lý Lan); thế giới của Trần Thùy Mai hơi trừu tượng, là âm thanh, màu sắc, là thế giới bên trong của con người (Một chút màu xanh, khúc nhạc rừng dương, Bài thơ về biển khơi…). Do vậy, bút pháp của chị thiên về lãng mạn trữ tình, giàu nhạc điệu, gần gũi với thơ.

…Thật khó mà kể hết, điểm hết giọng điệu của từng người, từng tác phẩm, nhưng âm hưởng chung của họ là ngợi ca, khẳng định bản chất của xã hội mới, mang đầy đủ ý thức trách nhiệm trước đời sống, đồng thời phân tích, lý giải, phê phán đến tận cùng những tồn tại, những hiện tượng tiêu cực còn nặng nề trong đời sống chúng ta. Từ đó, mở ra hướng tiếp cận vấn đề cốt lõi của con người là vấn đề đạo đức, đặt con người trong các mối quan hệ đạo đức, đấu tranh để xây dựng một nhân cách mới - nhân cách xã hội chủ nghĩa - gắn liền với truyền thống đạo đức từ lâu đời cha ông truyền lại.

Với một thái độ thẩm mỹ tích cực, với bầu nhiệt huyết và ý thức trách nhiệm công dân, người cầm bút trẻ có những đòi hỏi mạnh mẽ về sự công bằng, trong sạch trong đời sống xã hội, họ muốn thấy những lý tưởng cách mạng cao cả, đạo đức con người được khẳng định, được thực hiện ngay trong đời sống. Do sự nôn nóng này mà những “khuyết tật” thường dễ lộ ra. Đây là nhược điểm thường thấy ở những người mới bước vào nghề.

***

“Nghệ thuật là chuyện muôn đời”, mười năm chưa phải là một thời gian có thể cho phép tính được những kết quả chuẩn xác.

Nhìn lại chặng đường bốn mươi năm văn học cách mạng, chúng ta nhận ra rằng, con đường đi đến chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở mỗi nhà văn đều có những điểm xuất phát và có cách đi khác nhau. Song sự sinh thành nên ngòi bút của mỗi người đều phải đi qua những chặng đường gian khó, vất vả. Nhưng cũng trong thời gian ấy, chúng ta đạt được những thành tựu nổi bật, thể hiện đặc điểm của một phương pháp sáng tác ưu việt, mà một trong những dấu hiệu của sự tiến bộ nghệ thuật là sự lớn mạnh không ngừng của đội ngũ sáng tác, sự mở rộng phạm vi chiếm lĩnh thế giới khách quan của con người về mặt thẩm mỹ - nghệ thuật. Điều đáng chú ý hơn, trong mười năm qua, người viết không chỉ chú ý đến cái thực tế đang vận động - Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - mà còn có thời gian suy ngẫm về cái thực tế đã lắng lại - hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nếu có sự phân chia theo một quy ước thông thường, chúng ta thấy rằng, tuy sau 1975 có một bước chững lại, nhưng chưa có giai đoạn nào có những tác phẩm, tác giả mới xuất hiện nhiều như mười năm qua (chưa tính những tác phẩm dịch của nước ngoài), trong đó không ít những tác phẩm nổi bật thuộc về sáng tác của những cây bút trẻ. Như một dòng sông gặp lũ đang bắt đầu chảy xiết, và những người viết trẻ đang tiến ra giữa dòng chảy đó. Điều này làm cho người đọc tin tưởng vào triển vọng ở thế hệ những người mới đến với văn học.

Cố nhiên, còn nhiều điều để phàn nàn về chất lượng, về chi tiết đời sống đi trực tiếp vào tác phẩm một cách thô thiển, hoặc có trường hợp đi vào sáo mòn, tự lặp lại mình trong những trang viết đầu tiên… Do vậy, các Hội văn nghệ địa phương cần đầu tư công sức, các cơ quan xuất bản cần có ưu tiên để động viên, các nhà văn đàn anh phải hết lòng dìu dắt, tạo điều kiện cho anh chị em rèn luyện tay nghề. Điều quan trọng hơn, những người viết văn trẻ cần bám sát cơ sở, lấy vị trí công tác, ngành nghề của mình làm bệ phóng theo tọa độ của văn học. Bởi vì sự trưởng thành về nghề nghiệp và tác phẩm của mỗi thế hệ cầm bút đều gắn liền với từng chặng đường cách mạng của dân tộc.

Huế, 6-1985.
P.P.P
(15/10-85)



-------------------
1. Phạm Văn Đồng - Đối với nhân dân ta - chủ nghĩa xã hội là cuộc gặp gỡ hay và đẹp như cùng hẹn trước (in trong văn học trong giai đoạn cách mạng mới. Nhà xuất bản Tác phẩm Mới, 1984, trang 20).
2. Nhà văn trẻ là khái niệm rất co giãn và nếu coi Văn học là sự kế tục, đan cài các thế hệ với nhau, thì khó mà phân chia một cách rạch ròi, rõ ràng, tính theo độ tuổi hay theo sự xuất hiện, là hội viên hay chưa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đều có chính xác.








Các bài mới
Ruy-đôn-phi-ô (27/05/2011)
Các bài đã đăng
Khối trầm (10/05/2011)