Tạp chí Sông Hương - Số 268 (tháng 6)
Hải Bằng, nhà thơ với những tâm thế độc hành
10:29 | 05/07/2011
TRẦN XUÂN AN …Ngẩng đầu/Im lặng/Ai hỏi nhà/Tôi chỉ xuống chân…
Hải Bằng, nhà thơ với những tâm thế độc hành
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

1. Bài thơ cuối cùng của cuộc đời mình nhà thơ Hải Bằng viết trong căn phòng hồi sức của bệnh viện, trước khi mãi mãi đi vào cõi miên viễn chỉ năm hôm:

Tôi thở bằng hai bờ sinh nhật sông Hương
Hôm nay tôi sẽ chuyền lại hơi thở mình cho mẹ tôi chưa sinh tôi ngày ấy
Cảm ơn con đò sẽ chở tim tôi về cùng bến mới.
                                                              (02-7-1998)(1)


Sinh nhật nào vậy khi trong những giờ phút hấp hối, ông đã thực sự giáp mặt với cái chết? Hẳn trước khi viết bài thơ cô đọng đó, trong tiềm thức chập chờn ông đã có những diễn tiến của liên tưởng. Phải chăng, ban đầu, đôi bờ sông Hương thân thương đã trở thành đôi bờ sinh - tử? Dây truyền dưỡng khí là cuống nhau? Kế đó, theo mạch liên tưởng, bấy giờ, ông đang sắp trả lại cho người mẹ đã sinh ra ông hơi thở sự sống trong bào thai, chín tháng trước khi ông có thật một sinh nhật - ngày lọt lòng mẹ, chào đời - để sống trên đời suốt 68 năm. Và thấm thoắt thôi, đã đến lúc ông đã sang bờ bến mới: bờ tử, với con đò đưa linh, con đò sẽ khai sinh lại ông trong một sinh nhật khác, trong một cõi khác. Chết kiếp này để sống lại kiếp mới. Với ông, đó là ý nghĩ lạc quan trong giờ phút lâm chung. Nói cách khác, với Hải Bằng, ông không muốn có ngày chết. Ngày sinh thật là sinh nhật, ngày chết thật cũng là sinh nhật khác.

Trường ca thơ “Độc hành”(2) được Hải Bằng viết về cả cuộc đời 68 năm ấy...

2.

Thật ra, Hải Bằng, tên thật là Nguyễn Phước Vĩnh Tôn, còn có một sinh nhật khác nữa, giữa hai sinh nhật kia. Đó là ngày ông tự sinh nở ra chính mình, hay đúng hơn, mùa thu tháng Tám đã sinh nở ra một thiếu sinh quân Văn Tôn, năm ông mới 14 tuổi. Đây mới chính là sinh nhật thật sự của một thiếu niên kháng chiến, một nhà thơ tương lai, đồng thời là cột mốc để đến mười hai năm cuối đời (1986-1996-1998), Hải Bằng trầm tĩnh chiêm nghiệm lại cả cuộc đời mình, nhận ra mình là kẻ độc hành. Trường ca thơ “Độc hành” được viết ra suốt mười hai năm ấy.

Nhưng sẽ có người thắc mắc, giã nhà ra đi kháng chiến mà lại độc hành sao? Quả thật là ông đã đơn độc ra đi:

Khi chân đi/ con mắt/ mãi nhìn// Nơi Tháng Tám có gì gửi lại// Vua nộp kiếm vàng/ cờ đỏ bay lên// Nơi 14 tuổi thơ// Tôi làm người lính mới// Gửi sân trường cho em// Gửi ngày xanh tóc chị// Gửi nước mắt thấm lên mồ mẹ// Khi bóng cha tôi/ giữa sóng bập bềnh// Lý tưởng rụng mòn tóc bạc// Chẳng bao giờ hiểu nổi bước tôi đi// Chẳng lẽ cha tôi// Tiếc một thời vua?// Vì thuở Người mặc áo rộng xanh ngưỡng mộ// Đứng trước triều đình/ ngai vua/ bệ chúa// Khi chú Cuội trên trăng mờ cũng gục bóng trầm tư// Cây đa tự héo bao giờ// Trâu chạy rông không tìm ra lúa// Khi bến ngoại ô ngừng đò giang gạo chợ// Cơn đói đè đầu những năm 44, 45 (sđd., ĐH., tr. 335).

Khác hẳn với người cha hoàng tộc quan lại nhà Nguyễn, Hải Bằng đã đi theo lực lượng cách mạng, đánh đổ triều Nguyễn, và đó cũng chính là lực lượng kháng chiến chống Pháp. Nếu đặt trong phạm vi gia đình, Hải Bằng đã độc hành, một mình đi.

Nhưng “độc hành” không chỉ có nghĩa giản đơn như vậy, cũng không thô thiển với ý nghĩa ông là một thành viên hoàng tộc Nguyễn lẻ loi trong đoàn quân áo vải(**). “Độc hành” trong trường ca thơ của Hải Bằng phải chăng là tâm thế, tâm trạng riêng tư đi đến với những cảnh huống yêu đương riêng tư, là cái nhìn riêng tư trong khung cảnh chung, người người lớp lớp đông đảo; phải chăng là lao động riêng tư trên con đường sáng tạo nghệ thuật thi ca và tạo hình, vốn không thể chung chạ được?

Trường ca thơ “Độc hành” tác giả cấu trúc với tám chương khúc mà ông khiêm tốn gọi là tám đoạn thơ, với tám tiêu đề: 1) Chia tay từ ấy, 2) Đi đến tình yêu, 3) Đường rừng, 4) Trước biển, 5) Góp ngày sáng tạo, 6) Em là của thơ, 7) Quê hương, 8) Hát với mình. Thấp thoáng trong tám tiêu đề ấy, cơ hồ ta thấy cả một hành trình cuộc đời của Hải Bằng. Khởi đầu, chú bé Vĩnh Tôn chia tay Huế “từ ấy” (tên một bài thơ của Tố Hữu). Kết thúc trường ca thơ là trở về với quê hương, để chiêm nghiệm trong tuổi xế chiều của đời người và khẽ hát một mình, với một góc nhìn riêng, về những tâm thế, tâm trạng và lao động rất riêng, những cảm nghĩ rất riêng về quê hương, về người yêu cũng là người vợ với “nhan sắc mùa thu” (sđd., ĐH., tr. 341). Công cuộc cách mạng và kháng chiến suốt ba mươi năm chỉ là bối cảnh với những nét mờ, bởi ông đã tự đặt ra cho mình một góc nhìn riêng về những gì rất riêng trong bối cảnh chung như thế. Cả đời thơ, ông đã giấu đi cái riêng tư sâu kín để làm thơ, để tạo hình nghệ thuật bằng rễ cây và vẽ tranh về cái chung, hướng ngoại, thì đây là những tháng năm ông phải khác với tác phẩm của mình trước đó, để toàn bộ tác phẩm của ông không phiến diện.

“Chia tay, từ ấy” là khúc dạo đầu của bản trường ca. Hải Bằng đã tỏ bày về ngày xa Huế, lên đường kháng chiến ấy. Đó là ngày Pháp tái chiếm kinh đô Huế: “Giặc Pháp đến// Tôi ra đi// Đội lá trên đầu// Lá che chở/ hành quân gấp rút”. Và cho dù ông bảo, “Năm tháng chiến khu/ hiểu nhiều về ngọn lửa// Lửa mùa đông/ đốt cháy/ buồn riêng”, với một nghị lực mới: “Những cơn sốt/ niệm rừng/ đứng dậy” (sđd., ĐH., tr. 305-306), hay cho dù lúc đã cùng đoàn quân kháng chiến sang Lào, thì những gì ông nếm trải trong chiến đấu, trong vòng tay lớn nối vào nhau của đồng đội, ông không nhắc lại nữa, mà chỉ thể hiện những cảm nhận riêng trước thiên nhiên hoang sơ, nào là những loài chim rừng với nhiều tiếng hót khác nhau, nào là hương nấm mối, mùi sắn nướng, nào là ánh trăng mười sáu, đặc biệt là chút gì như thể tình yêu với “cô gái Lào// bên khung cửi mùa xuân” như ở “cườm tay/ vòng chỉ buộc vào// Rất mong manh mà không thể dứt// Sợi tơ rừng/ trói lại/ lòng nhau...” (sđd., ĐH., tr. 307-308). Hoàn toàn không có súng nổ, máu rơi và lửa bùng tàn phá.

Hải Bằng có một thứ tình cảm mà không phải trong mọi người ai cũng đều sâu đậm như thế, đó là lòng thương mến các loài vật. Chính đoạn trường ca thứ hai (sđd., ĐH., tr. 308-313) đã soi sáng cho khúc dạo đầu về rừng, khi ta đọc được những dòng thơ thể hiện niềm lưu luyến với con chim sáo ngà, còn dế mèn và chú chó “màu trắng nâu lốm đốm” ở thành phố quê nhà. Nhưng cũng ở “đoạn hai” này, chủ yếu là cái riêng tư yêu đương được ông chú tâm thể hiện như một sự giãi bày trong mạch hồi tưởng. Những cô gái nào đã in dấu vào trái tim chàng trai Văn Tôn - Hải Bằng thuở ấy, ngoài cô gái Lào kia? Đó là một nữ cứu thương, một nữ sinh ở vùng kháng chiến, là “cô gái làng chài// Cầm mác lào canh bờ biển thâu đêm” và một cô gái khác nữa, “thiếu nữ Hồ Gươm”. Cũng không nhắc lại những gì thuộc về chiến tranh, súng đạn và máu lửa, mặc dù đó là bối cảnh hiện thực của những mối tình Hải Bằng không thể nào quên. Quả là vậy, ngay với những cô gái không phải thuộc về trường học, thành phố thủ đô, mà chính bản thân họ đã là hiện thân của cuộc kháng chiến, như nữ cứu thương hay nữ du kích làng chài, Hải Bằng đã chú tâm khắc đậm những nét thuộc về tình yêu muôn thuở, như “viết tên nhau trong nhật ký đầu tiên”, “trước mạch thủy triều/ Tôi gọi biển là em”... Tuy vậy, ẩn vào sâu bên trong, là chất tích cực của kháng chiến và cách mạng, thể hiện trong quan niệm về tình yêu.

Đoạn trường ca “Đường rừng” cũng chỉ là hiện thực thiên nhiên hoang sơ với góc nhìn riêng tư ấy, nhưng không phải lặp lại “đoạn một”, mà tinh tế hơn, trong biểu hiện tâm cảm cũng như ngoại cảnh. Ông không giấu diếm chút cảm quan lãng tử, giang hồ thường thấy ở thành phần thị dân thuộc thế hệ ông, khi họ đi vào kháng chiến, sát cánh với công - nông:

Ngẩng đầu
Im lặng
Ai hỏi nhà
Tôi chỉ xuống chân
          (sđd., ĐH., tr. 314)

Lạ một điều là ở “Đoạn bốn: Trước biển”! Nếu có tìm hiểu đôi nét về cuộc đời thật của nhà thơ sẽ biết đây là khúc trường ca Hải Bằng viết về những năm tháng ông bị “biếm trích”, “đày ải” sau vụ Nhân văn - Giai phẩm. Tuy quả thật là vậy, nhưng mãi đến khi công cuộc Đổi mới đã mở ra (1986), và suốt mười hai năm sau (đến 1998), Văn Tôn - Hải Bằng vẫn không nói gì trong trường ca thơ “Độc hành” này về những khổ đau, thậm chí là oan nhục ông phải gánh chịu trong thời gian đó. Tôi không nghĩ rằng ông xem như quãng đời bị “biếm trích”, “đày ải” là một ân huệ để ông thêm một lần nữa lột xác, “vô sản hoá”. Hải Bằng cố quên đi oan uổng để tập tành vui vẻ, tôi luyện bản lĩnh sống đó thôi. Duy một đoạn ngắn khoảng hai mươi dòng thơ, Hải Bằng có thể hiện cảm xúc và suy nghĩ cùng những trải nghiệm làm dân chài của mình qua niềm tâm cảm tác phẩm “Ngư ông và biển cả” của Ernest Hemmingway. Đó là câu chuyện về một lão ngư dân, kiên cường, gan góc, quyết săn cho được một con cá dữ và bị nó lôi đi ra khơi xa, nhưng ngư ông vẫn kiên quyết không buông bỏ, đến nỗi khi vào được bờ, con cá dữ kia cũng chỉ còn là bộ xương vì bị những loài cá khác rúc rỉa hết thịt. Đó là câu chuyện thể hiện quan niệm sống tích cực, dũng cảm, không chịu đầu hàng gian khó, cho dù thành quả thu nhặt được chỉ là con số không như bộ xương cá kia! Và với Hải Bằng, những dòng thơ ấy chính là nỗi niềm cay đắng của đời ông đó chăng? Thật ra, Hải Bằng cũng không đào sâu và viết hẳn ra như thế.

Với “Đoạn năm: Góp ngày sáng tạo” (sđd., ĐH., tr. 324-328) và “Đoạn sáu: Em là của thơ” (sđd., ĐH., tr. 328-332), tôi băn khoăn tự hỏi, không hiểu sao nhà thơ lại làm một phép đảo ở đây. Thơ ca với Hải Bằng vốn là nghiệp dĩ suốt cả đời ông. Nghệ thuật tạo hình bằng rễ cây thực ra ông chỉ mới bắt đầu từ 1975, sau Ngày Thống nhất, và đó cũng chỉ là biến tướng của thi ca: thay vì và song song bằng chữ, ông làm thơ bằng rễ cây. Theo trình tự bình thường, ông phải nói về thơ trước khi nói về nghệ thuật tạo hình, nhưng Hải Bằng vẫn đặt những cảm nghĩ về lao động nghệ thuật tạo hình này lên trước thơ ca. Cũng có thể, nhà thơ làm phép đảo trình tự thời gian (và cả trọng lượng) để dồn hết sức nặng của độ dài tháng năm, của sự nghiệp chính vào đoạn sau chứ không phải đoạn trước, theo thủ pháp tăng cấp. Cũng có thể, ông muốn nhấn mạnh đến sự đóng góp về thể loại tạo hình? Quả là trước ông cũng như sau ông, hình như chưa có nghệ sĩ tạo hình nào dành nhiều tâm sức với chất liệu rễ cây. Có lẽ đó là đóng góp độc đáo của riêng ông.

Dẫu sao, đây cũng là những gì mà nhiều người đọc và bạn bè văn nghệ đương thời đã viết về ông, bởi lẽ, Hải Bằng tồn tại ở đời này chính bằng những tác phẩm tạo hình rễ cây và thơ ca. Tôi lại muốn nhìn theo hướng khác, xem rễ cây như một ẩn dụ, chứ không chỉ là chất liệu.

Phải chăng đã lâu lắm rồi, có thể sau khi đã đi vào kháng chiến được ít năm, Hải Bằng có một niềm đau cội rễ. Là một hoàng tôn công tử của một hoàng tộc - hoàng tộc Nguyễn với nền quân chủ “cát cứ” và chính thống trong sự nhất thống toàn quốc, đã qua thời mở cõi, độc lập, sa vào và trượt vào tình cảnh bị biến thành ngụy triều dưới ách xâm lược thực dân Pháp rồi phát xít Nhật, nên bị cả dân tộc và cách mạng đánh đổ -, ông thường xuyên chịu đựng sự lên án đến mức “phủ nhận sạch trơn”, bất công quá đáng của một thời ở Miền Bắc. Có thể ý niệm trong ẩn dụ “niềm đau cội rễ” đã đến với ông từ độ ấy, nhưng mãi đến sau Ngày Thống nhất (1975), ông mới bất giác (hay có ý thức) biến ẩn dụ thành chất liệu. Phải chăng, trong nhiều đêm thao thức, Hải Bằng đã lặng thầm tự hỏi, cội rễ của ông là gì, và phải được thăng hoa thành nghệ thuật ra sao? Ông đã trả lời bằng chính tác phẩm tạo hình rễ cây của mình: Cội rễ của ông chính là thiên nhiên, tạo vật (chim muông, núi sông, trời biển) đã thăng hoa, là danh nhân dân tộc, lãnh tụ cách mạng, là chiến sĩ kháng chiến, là nhân dân anh hùng đã và phải trở thành hình tượng nghệ thuật. Tiếc là ông không được sống cho đến ngày các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn được đánh giá lại công bằng hơn trước(3), để ông có thể yên tâm tạo thêm những Nguyễn Hoàng, những Minh Mạng trong loạt tác phẩm rễ cây của ông về các danh nhân dân tộc, thậm chí ông cũng có thể tạo hình về một ít các nhân vật phản diện trong dòng họ mình, như những hoàng tộc Lý, Trần, Lê đều có và đều thế.

Tôi muốn nhìn khác một chút nữa. Phải chăng, loại hình tranh vân gỗ của nhà thơ Hải Bằng cũng là một biểu hiện của cảm thức về những vòng thời gian (tháng ngày và lịch sử)?(***)

Riêng về thơ, như đã nói, ở trường ca “Độc hành” này, ông có chủ định nhìn nhận thơ với góc nhìn riêng: “Em là của thơ”, “Tôi, tất cả của thơ vì em là của thơ tất cả...” (sđd., ĐH., tr. 332).

Liệu có cần thiết phải trải bày ra hết ở bài viết này những gì tôi cảm nhận từ chương khúc “Quê hương” trong trường ca “Độc hành” của Hải Bằng không? Tâm trạng, nỗi niềm chính của Hải Bằng ở đây là của người con xứ Huế, từ năm 14 tuổi đã thoát li, lên rừng, sang Lào, ra Bắc, suốt ba mươi năm mới trở về quê hương, sống gắn bó với quê hương Huế thêm mười năm hậu chiến nữa, để rồi đắm vào quãng dài thời gian cuối đời chiêm nghiệm. Tâm trạng, nỗi niềm ấy hẳn là sâu nặng, thấm thía biết bao. Trong đó, có một vài điểm rất ấn tượng, mà ngay ở phần mở đầu bài viết này, tôi không thể không đề cập đến. Và một điểm khác, có lẽ chỉ cần đọc thơ và im lặng ngẫm nghĩ:

“Sau ba mươi năm// Tôi trở về// Tóc đã pha sương// Con đường cũ gặp tôi thầm kể// Gió gặp tôi/ ngừng thổi/ qua cầu// Cây cổ thụ gặp tôi/ cành rũ lo âu// Em gặp tôi như khách lạ...” [...]

“Tôi nói chuyện với quê hương// Bằng mắt đăm chiêu...” [...]

“Sắc trời/ ủ bóng/ cây im// Tôi chẳng trách chi em// Hỡi cô gái bên đường// Gặp tôi rồi quay mặt...”
(sđd., ĐH., tr. 337-338)

Đó là hiện thực hậu chiến và tâm trạng rất thật. Trong cảnh huống đó, nhà thơ vẫn tự nhủ lòng: “Tôi biết làm gì để em đi giữa ngày mới nhất// Bước chân/ hy vọng/ lâu dài...” (sđd., ĐH., tr. 338).

Cuối trường ca thơ “Độc hành”, nhà thơ Hải Bằng tự bảo, sau khi chiến tranh đã chấm dứt, đã đến lúc “tôi đi về phía của lòng tôi”, dẫu suốt đời ông đã “buồn vui tự túc// Năm mươi năm qua// Suốt đường độc đạo...” (sđd., ĐH., tr. 339). Sức nặng của từ “độc đạo” thuở nào là rất khủng khiếp! Độc đạo là con đường duy nhất và không có ngã ba, ngã tư để chọn lựa. Ở nước ta, đó là con đường do bối cảnh lịch sử quốc tế quy định: Không còn con đường nào khác! Nhưng về phía chủ quan trong nội bộ đất nước, cũng không phải là không “tả” khuynh đến mức nghiệt ngã. Ở một ý nghĩa khác trên bình diện khác, với riêng ông, ông cũng tự định đoạt cho mình con đường riêng độc đạo, không chọn lựa nào khác. Đó là con đường đã tạo nên một con người với số phận không êm đềm và tính cách không mềm yếu mà nhà thơ Đỗ Hoàng tôn vinh là “Nhà thơ Hải Bằng, một lòng trung trinh với đất nước” (sđd., phần Vĩ thanh, tr. 537-542).

3.

Nhìn trên tổng thể, có lẽ đã có nhiều người cho rằng dung lượng hiện thực trong trường ca thơ “Độc hành” không thật phong phú và sinh động vì chính nhà thơ đã chủ tâm lược giảm, tinh giản để nói nhiều hơn về những tâm thế, tâm trạng và cảnh huống riêng tư bằng những hình ảnh không nhuốm mùi chiến tranh và thế sự, máu lửa súng đạn và bụi bặm cõi đời. Nhưng tôi vẫn yêu trường ca thơ này, vì ở đó, những góc khuất, những nghịch cảnh riêng tư nào đó trong cuộc đời nhà thơ, nghệ sĩ tạo hình Hải Bằng đã hé mở và như sẵn sàng chia sẻ với cả người cùng thời lẫn hậu thế.

Tôi cũng không có ý định viết hết những cảm nhận của mình về trường ca thơ “Độc hành”. Ở đây, chỉ là dăm trang chữ ghi lại những ấn tượng đậm nhất.

Hải Bằng viết với nhiều thể thơ và ở thể thơ nào ông cũng có bài hay. Đặc biệt, những năm khởi động Đổi mới rồi thực sự Đổi mới, ông đã có sự trẻ lại trong thơ và viết với một sức lực sung mãn hơn bao giờ hết. Với trường ca thơ “Độc hành”, Hải Bằng không chỉ đạt được sự đồng cảm của nhiều người đọc mà có thể còn hơn thế nữa. 

Sinh thời, trong bối cảnh mà “Nhân văn - Giai phẩm” trở thành một định kiến khó chịu, ít ai dám thân gần với những tác giả đã vướng vào, nên nhà thơ, hoạ sĩ Hải Bằng vừa cam chịu vừa tự vệ. Vì thế, có chút gì đó hơi góc cạnh một cách đau xót ở ông. Và chính nét tính cách góc cạnh, vốn là hệ quả của định kiến khó chịu kia, lại khiến ông càng khó thân gần! Nhưng thực chất, con người ông với cả cuộc đời hầu như đã thể hiện rõ qua trường ca “Độc hành”. Và tôi tin chắc trong tâm của mỗi người đều rất thương mến, quý trọng Hải Bằng. Phần “Trong lòng thi hữu” cuối cuốn sách do Hải Trung biên soạn đã thể hiện rõ điều đó.

T.X.A
(268/06-11)




-----------------
(1) Hải Trung (biên soạn), “Hải Bằng, thơ, tác phẩm & dư luận, nghệ thuật tạo hình, tự sự & đối thoại, vĩ thanh”, Nxb. Thuận Hoá, 2009, tr. 342.
(2) Sđd., “Độc hành”, trong phần Thơ dài và trường ca, tr. 305-342.
(3) Hội thảo khoa học lịch sử tại Thanh Hoá, 18 - 19-10-2008.
(*) Về câu này: Theo Nguyễn Phước Hải Trung, có 5 người thuộc hoàng tộc đi theo cách mạng, kháng chiến, vào 8-1945 (nhưng có thể ở đơn vị khác), chứ không chỉ một mình Hải Bằng. Vả lại, trong bài viết này, đây chỉ là một cách “nói vòng”, đưa ra giả định để phủ định nhằm đi đến việc làm rõ ý nghĩa nhan đề “độc hành” của tác giả Hải Bằng.
(**) Tranh vân gỗ cũng được xếp vào loại nghệ thuật tạo hình của nhà thơ, họa sĩ Hải Bằng.




Các bài mới
Buổi sáng (26/07/2011)
Các bài đã đăng
Suối nàng tiên (28/06/2011)