Tạp chí Sông Hương - Số 268 (tháng 6)
Chuyện người bay
08:35 | 12/07/2011
DẠ NGÂN Sau giấc ngủ trưa, hai chiếc gối kê cao trên đầu giường, tôi bắt đầu buổi làm việc tại nhà như vậy. Đó là sự nhân nhượng của toà báo với những biên tập viên cao niên và tôi, cũng như nhiều đồng lứa trong giới, tận hưởng đặc quyền đó bằng trách nhiệm tự giác thường trực.
Chuyện người bay
Nhà văn Dạ Ngân - Ảnh: internet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Tôi thích những thời khắc này, thời khắc sau khi được ngủ đủ trong căn hộ của mình, được nán lại trên gối với chao đèn bên cạnh và được lật giở một cách chậm rãi chồng bản thảo mỗi ngày vừa mang từ công sở về. Không thể lần lựa với nó vì ban đêm là thời gian của riêng mình và sáng hôm sau thì đã là một chồng bản thảo khác từ văn thư chuyển lên. Những chồng bản thảo muôn hình muôn vẻ, phần lớn được vi tính hoá trên một mặt giấy A4 trang trọng, thảng hoặc có bản viết tay hoặc nắn nót hoặc rất tháo của người già, đôi khi có cả bản đánh máy với thứ chữ mòn vẹt trên những tờ pơ-luya cũ như trái đất. Giữa những hàng chữ là thế sự, nỗi niềm, tâm trạng, thể nghiệm, tinh khôi, đường mòn, trau chuốt, vụng về… đủ cả. Nhiều lúc tôi thấy ê vai như phải gánh một gánh nặng mỗi ngày, nhưng cũng không ít lần thấy mình may mắn được tắm trong chữ và nghĩa từ những người quen và không quen khắp nơi kỳ vọng gửi về.

Một bản thảo viết tay bằng mực bic tím trên giấy học trò lưu ý tôi. Truyện có tên là “Phải rời tàu” còn tên tác giả, xin lỗi người viết và cả người đọc, tên của tác giả chưa kịp lưu vào bộ nhớ của tôi thì đã phải biến mất vì một lý do kỳ cục mà tôi sẽ kể sau. Bằng linh cảm, tôi biết đây là những trang viết thành tâm, kỹ lưỡng và tôi hay ngắm nghía chúng trước khi bị chúng kéo đi, như kiểu chúng ta thường dừng lại để ghi nhận trước khi bắt chuyện một người chưa quen mà mình biết là rất đáng tin. Nét chữ đàn ông đứng tuổi chân phương rành mạch, càng đọc càng thấy ngỡ ngàng bởi sự chính xác của cảm xúc với từng cái dấu chấm, dấu phẩy. Chúng tôi thường thận trọng với hai chữ “tài năng” khi nhận định về những tác giả mới toanh nhưng đây là một năng lực tiềm tàng gửi vào văn xuôi những trải nghiệm cuộc đời; nếu được in thì chúng tôi chỉ là người có công khơi mạch, còn như bản thảo biến mất trong im lặng thì người ấy có thể sẽ lại là vô danh, bí ẩn ngay giữa đời thường. Hiếm khi chúng tôi gặp được một cốt cách như vậy, và khi đã, thì sự thú vị sẽ khiến tôi bần thần vương vấn suốt mấy ngày liền, hiện tượng “chấn thương cảm xúc”.

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Minh họa: Thái Ngọc Thảo Nguyên

Nhân vật Tôi trong “Phải rời tàu” là một thuỷ thủ lành nghề, gắn bó suốt thời trai trẻ với một chiếc tàu viễn dương. Thú vị rồi đây. Nhưng không có chuyện “đấu đá” trong nhóm này nhóm kia, không có chuyện hàng lậu hay hàng hợp pháp, cũng không có chuyện gái gú ở những hải cảng dọc đường. Hoàn toàn những kỷ niệm phong sương tươi đẹp, những dòng viết về biển da diết tột cùng tôi chưa từng đọc thấy như vậy ở đâu. Và một tâm trạng xuyên suốt u buồn. Trong một lần thả bộ dọc bến cảng khi đã bị thải lên bờ vì tuổi cao sức yếu, nhân vật bỗng gặp lại con tàu yêu dấu đang gỉ sét trong ụ và anh ta nghe thấy một cuộc mua bán sắt vụn. Anh ta không để tâm đến giá cả, anh ta chỉ thấy người đang gạ mua con tàu là một gã bệ rạc, vô học, tham lam. Anh ta đã không chịu nổi điều đó! Tác giả đã khiến tôi bị thôi miên, từ đó phản ứng nào của nhân vật cũng làm cho tôi ngây ngất đồng tình: dù con tàu có là một đống sắt vụn đi nữa thì cũng không thể bán đứng nó cho một gã lưu manh mạt hạng như vậy!

Không một chữ thừa. Như thế là cao thủ. Vừa ngắn vừa dày lại vừa có ý tại ngôn ngoại. Sáng sớm hôm sau tôi đón đầu Sếp ở ngay bàn làm việc của ông ta, sở dĩ phải tóm được Sếp ngay từ đầu giờ là vì ông này rất chịu khó đi họp. Trước khi tôi được nhận về toà báo, vài người nghỉ hưu đã căn dặn hãy cảnh giác với cái bệnh yêu ghế của ông ta. Tôi chặc lưỡi, ghế của ổng thì ổng giữ, mình có tranh giành đâu mà giữ ý, mình hăm hở, mình sáng rõ, lo chi! Tôi lấy giọng anh em thân tình hổn hển ngợi ca truyện ngắn của một tác giả mới trình làng và có thể người ấy đang sinh sống ở Hải Phòng hay Quảng Ninh gì đó. Sếp mau miệng: “Thế a, tuyệt vời tuyệt vời, yên tâm, anh sẽ đọc sớm!”. Tôi nằn nì: “Trưa nay sếp nhá, đầu tuần, nếu được mình xếp số luôn, quá đẹp!”. Giá như tôi biết rõ hơn về lão Sếp hay “tuyệt vời” này thì tôi đã photo một bản để không phải lấn cấn cái nợ ân tình như tôi chịu đựng từ bấy đến nay.

Không như mọi ngày, hôm ấy tôi quyết định ở lại cơ quan để đầu giờ chiều săn đón Sếp trước khi ông ta lại cắp cặp đi họp. Nhưng tôi đã nhận được gì? Một bộ dạng lóng ngóng trên đống bản thảo và công văn ngập tới mũi, một bộ mặt không dám chiếu thẳng vào tôi và hai hàm răng nghiến lại bất thường: “Phải rời tàu à, muốn rời chiếc tàu nào đây, in lên để rồi chết cả lũ ha?” Cơn giận đã cho tôi thấy ông ta không hèn, ít nhất cũng còn biết làm ra giận để chứng tỏ ta đây sợ chứ không phải hèn! Nhưng liệu ông ta có được liệt vào hạng “hèn đại nhân” không nhỉ? Vừa đắng vừa cay, tôi chỉ xin thu lại cái bản thảo chưa kịp photo ấy, cách ứng xử tối thiểu mà những người đi trước đã mách nước với những tác phẩm “độc”. Ông ta lục lạo hồi lâu, kêu chết chết - quá siêu, cái chiêu “lạc bản thảo” này dễ sử dụng nhất vì nó dễ được cảm thông nhất!

Tôi nhớ mãi “Phải rời tàu” như nhớ một con người tri kỷ mà tôi chưa được diện kiến. Tôi nợ người ấy rất nhiều do tôi đã không đích thân lưu vào sổ biên tập địa chỉ của người gửi bài thường có trên phong bì. Có kéo cô văn thư ra tra khảo thì cũng không thể biết tác giả là ai, ở đâu. Từ đó tôi luôn có cuốn sổ ghi chép của riêng mình và có hẳn một sơ-ri cho những truyện photo kiểu “Phải rời tàu”. Tôi luôn có ý trông nhưng không bao giờ được gặp lại nét chữ ấy, màu mực bic ấy trên khuôn giấy kẻ ngang ấy nữa. Theo kinh nghiệm, những người đến muộn thường xem văn chương như thiền, chỉ một lần lỡ ngồi với nơi nhốn nháo và không được tôn trọng, họ sẽ rút êm vào bóng tối và vẫn thiền đều, chắc chắn là như vậy.

Tôi cứ bâng khuâng với một bóng hình, một người ơn, một món nợ. Chân trời với tôi nặng trĩu hơn từ khi biết thi sĩ Trần Dần có hai câu thơ: “Tôi khóc chân trời không có người bay/ Và khóc những người bay không có chân trời”.                        

D.N
(268/06-11)


                                 




Các bài mới
Buổi sáng (26/07/2011)
Các bài đã đăng
Suối nàng tiên (28/06/2011)